Trong vòng một năm, tôi trải qua 3 cuộc giải phẫu: tiểu phẫu, trung phẫu, đại phẫu. Mổ tay, mổ cổ, mổ bụng.
Trong 1000 ngày, tôi phải ở trong “sa mạc”, thu mình lại mai danh ẩn tích. “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao”.
Tạ ơn lòng thương xót Chúa đã cho tôi còn sống đến hôm nay. Vẫn ăn uống, vẫn hít thở. Vẫn sống đấy, nhưng là Sống Khác rồi. Phải sống một cách khác thì mới tồn tại, mới thực hiện được khát vọng cháy bỏng hun đúc suốt một ngàn ngày trong cô tịch, cô độc, cô quạnh.
Chúa cho tôi sống để cảm nghiệm nỗi đớn đau mất mát của những người chứng kiến người thân trong gia đình của mình cứ chết dần, chết dần…
Chúa cho tôi sống sót sau cơn bạo bệnh để thấy cuộc sống con người thật mong manh, chẳng thể nắm giữ níu kéo được cái gì khi nằm trên giường bệnh chờ chết! Trong phòng giải phẫu, tay chân bị chói chặt như hình thập giá, thuốc mê thấm dần rồi thiếp đi không biết gì nữa, lúc đó mới thấy tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị, quyền hành nào có nghĩa gì đâu! Phù vân. Tất cả chỉ là phù vân!
Chúa cho tôi sống một ngàn ngày trong “sa mạc” để cảm nhận “nỗi đau trong Vườn Cây Dầu” của Chúa. Các môn đệ bỏ trốn hết. Ba đệ tử thân tín thì “không thức nổi với Thầy một giờ”, trong lúc Thầy mình “buồn đến chết được”. Một sự cô độc lạnh lùng đến nỗi tưởng chừng như “Lạy Cha, sao Cha nỡ đành bỏ con?” Chúa cho tôi sống một ngàn ngày trong tâm trạng như thế để mày mò tìm kiếm thánh ý Chúa, để tìm con đường nào Chúa muốn tôi đi.
Tôi là người duy lý. Chúa cho tôi cái đầu thích suy luận. Cái gì cũng phải suy lý cho đến cùng. Tôi chỉ chấp nhận điều nào hợp lý, có lý. Điều gì vô lý, phi lý là tôi không chấp nhận được. Suốt thời gian 3 năm “lặng lẽ nơi này” tôi vặn lý, đấu tranh tư tưởng để tìm ra lý lẽ, tại sao và tại sao…
Dần dần tôi nhận ra, tôi đang sống trong Năm Đời Sống Dâng Hiến, thế thì Chúa cho tôi cơ hội để Hiến Dâng. Dâng những người thân yêu trong gia đình mình. Dâng sức khỏe của mình. Dâng tự do ý chí, khát vọng, lý tưởng. Năm “Đời Sống Dâng Hiến”, Chúa cho tôi “sống đời Hiến Dâng”. Hợp tình hợp lý quá rồi, còn thắc mắc gì nữa? Còn lý luận dông dài gì nữa?
Hội thảo, thuyết trình, chia sẻ, nói về “Đời Sống Dâng Hiến” thì dễ, nhưng chính bản thân mình “sống đời Hiến Dâng” thì chẳng dễ chút nào.
Năm năm trước, Chúa cho tôi dong duổi đó đây rao giảng về lòng thương xót, về tín thác, về thập giá, về khổ đau…
Ba năm qua, Chúa cho tôi sống chính những điều tôi rao giảng. Tôi phải cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, và thực hành lòng thương xót đó với tha nhân, nhất là với những người có thành kiến, nghi kỵ, ghen ghét, xét đoán, loại trừ, phủ nhận mọi thiện chí và những việc làm của tôi.
Một ngàn ngày qua, Chúa đưa tôi vào hoang mạc để chịu khổ đau thể xác, tinh thần, để vác thập giá là những hiểu lầm, nghi ngờ, dèm pha, chế diễu, chịu oan khiên mà không mở lời biện minh giải gỡ, nhất là để tôi tập sống tín thác ngay trong những lúc chẳng còn hy vọng, chẳng còn tia sáng, chẳng còn chút ủi an, chẳng còn biết bám víu cậy nhờ vào ai.
Cái gì bỏ được thì bỏ. Chỉ cần giữ lại tình yêu và lòng thương xót.
Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, ngon lành. Bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo. Một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ý định để cho gia chủ trông thấy. Nhưng thật không ngờ vị cao tăng lại dùng đũa của mình đẩy miếng thịt khuất đi.
Một lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt heo lên. Thế là cao tăng lại phải thêm lần nữa che miếng thịt heo đi, đồng thời còn nói khẽ vào tai đệ tử: “Con mà còn lật nó lên nữa, ta sẽ ăn luôn!”.
Người đệ tử nghe thầy nói thế không dám bới miếng thịt heo lên nữa.
Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về. Trên đường về, đệ tử băn khoăn hỏi thầy:
“Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng đầu bếp biết chúng ta không ăn mặn, lại vô ý để lẫn miếng thịt heo vào trong đồ ăn chay của chúng ta. Đệ tử lật miếng thịt lên chẳng qua là muốn gia chủ biết mà trừng phạt người đầu bếp này.”
Vị cao tăng nhìn đệ tử, nhẹ thở dài, rồi từ tốn nói:
“Trên đời ai cũng phạm sai lầm, dù vô tâm hay hữu ý. Nếu để người chủ thấy miếng thịt heo trong món ăn chay, ông ấy sẽ nổi giận mà trừng phạt người đầu bếp, thậm chí còn cho người đó nghỉ việc. Đây không phải điều chúng ta muốn thấy. Đoạt lý đương nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối tránh ‘chỉ biết lý mà bỏ quên người’, phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua.
“Hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi người thường không giống nhau, vì thế sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số những người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay “đoạt lý mà quên người”, như thế nếu có thắng cũng không khiến người ta phục. Trong vòng xoáy của tranh đấu hơn thua, rất nhiều khi đối phương sẽ tìm cách đánh lén sau lưng.
“Con hãy xem chỗ nào bỏ qua được thì bỏ qua, không nên chỉ biết ép người một cách quái gở. Phải biết cho người ta một lối thoát. Vấn đề ở đây không chỉ là cho người ta con đường sống, quan trọng hơn là cho chính mình một đường lùi, đây cũng là con đường sáng để xã hội hài hòa.”
Tạ ơn Chúa! Chúa đã dùng câu chuyện của vị cao tăng này mà chỉ cho tôi thấy ba năm lặng lẽ ẩn dật là tôi đã cho chính mình một đường lùi. Nếu cứ say men chiến thắng, hùng hục lao đi, lên như diều gặp gió… chắc chắn có ngày diều sẽ đứt giây, vì càng ở trên đỉnh cao, tôi sẽ càng là đích nhắm cho nhiều người. Bao mũi dùi sẽ nhắm tôi mà châm chích chọc. Nguy hiểm nhất là tôi sẽ đi vào con đường danh vọng, cao ngạo, tự mãn, hợm mình, cuối cùng mất hết ơn phúc.
Năm Đời Sống Dâng Hiến là dịp tốt nhất để tôi suy nghĩ lại xem mình có mắc chứng bệnh mà vị cao tăng kia đã nói với đệ tử không. Căn bệnh “đoạt lý mà quên người”.
Chỉ sau hai tháng khi lên ngôi Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô, người mục tử dám nói dám làm, trong thánh lễ thứ bảy ở Nhà Nguyện Thánh Mátta đã mời gọi Giáo Hội và những người làm mục vụ cần phải “mở cửa” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để đón nhận mọi thành phần dân Chúa.
ĐTC dí dỏm kể rằng có một người mẹ đơn thân đến xin rửa tội cho con mình thì bị nhân viên giáo xứ nói rằng không thể được vì bà mẹ này chưa kết hôn. ĐTC nhận xét rằng cứ theo cái đà này thì chúng ta không thể phát triển Giáo Hội được, vì Chúa Giêsu chỉ lập 7 Bí Tích, nhưng những người ban các bí tích lại lập thêm “bí tích thứ 8″ là “Bí tích hải quan mục vụ, hay bí tích công an” (una aduana pastoral) đó là chỉ muốn kiểm tra và ra hình phạt, ép người quá đáng, chứ không hề cảm thông, có lòng xót thương, cho người ta một con đường sống (http://www.elpais.com.uy/mundo/francisco-critico-a-curas-que.html).
Rõ ràng ĐTC không hề cứng ngắc trong mớ lề luật, quy định, “đoạt lý mà quên người”. Trả lời phỏng vấn về Giáo Hội Châu Mỹ trong chuyến tông du từ 5 đến 12/7/2015, ĐTC nói: “Giáo Hội Mỹ Châu Latinh là một Giáo Hội trẻ trung với rất nhiều vấn đề. Giáo Hội này có vấn đề và đây là sứ điệp tôi thấy được ở nơi đây, đó là: Đừng sợ tuổi trẻ của tính chất tươi mới này trong Giáo Hội. Giáo Hội này có thể là một Giáo Hội vô kỷ cương, nhưng với thời gian Giáo Hội này sẽ trở nên qui củ hơn và sẽ cống hiến cho chúng ta rất nhiều sức mạnh và nghị lực.”
Tôi có dám tin vào con người, cho họ một con đường sống, để không chết cứng vào những lý lẽ của loài người để chỉ bắt bẻ nhau, làm khổ nhau không?
Giảng Lễ cho Cộng Đồng Dân Chúa Paraguay ở Compo Grande Asunción Chúa Nhật 12/7/2015, ĐTC nhấn mạnh:
“Hôm nay đây Chúa nói với chúng ta hết sức rõ ràng: theo tâm thức của Phúc Âm, các con thu phục con người ta không phải bằng những thứ tranh cãi, bằng những chiến thuật hay sách lược. Các con thu phục họ chỉ bằng cách làm sao để đón nhận họ.
“Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy con đường của Người là biến đổi con tim. Học cách sống một cách khác, với một luật khác, theo một qui tắc khác.
“Đó là cách biến đổi từ sự ích kỷ, khép kín, đụng độ, chia rẽ, tự tôn, bước sang con đường bênh vực sự sống và yêu thương. Từ thái độ thống trị, đè nén, lèo lái, bước đến thái độ đón tiếp, chấp nhận, chăm sóc.
“Giáo Hội là người mẹ có tấm lòng cởi mở tiếp đón, nhất là những người đang rất cần được chăm sóc, những người ở trong tình trạng khó khăn nhất.
“Giáo Hội là ngôi nhà tiếp đón. Chúng ta có thể làm việc tốt nếu chúng ta khích lệ nhau học ngôn ngữ hiếu khách, đón tiếp! Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể chữa trị tại nơi mà người ta cảm thấy mình được đón nhận.
“Hiếu khách đối với người đói khát, kẻ trần trụi, người đauyếuvà tù đày, với người phong cùi, bất toại, với những người không cùng chính kiến như chúng ta, những người vô thần, với người bị bắt bớ, những người thất nghiệp, với những nền văn hóa khác…và hiếu khách ngay với người tộilỗi”.
Lại một lần nữa, những lời của ĐTC luôn cho thấy tấm lòng của người mục tử, bỏ qua những gì cần bỏ qua, không câu nệ, không cứng ngắc, mà luôn mở ra “con đường bênh vực sự sống và yêu thương”.
Với người trẻ Paraguay, ĐTC cho thấy đâu là hạnh phúc đích thực:
“Chúa Giêsu biết rõ trong thế giới đầy cạnh tranh, ghen tuông và gây hấnnày, hạnh phúc thật phát sinh từ việc học cách kiên nhẫn, tôn trọng người khác, từ khước kết án hay phán xét người khác.
Như người ta thường nói ‘cả giận mất khôn’. Các con đừng để trái tim các con nhường bước cho giận dữ và ghét bỏ.
Hạnh phúc thay người hay thương xót.
Hạnh phúc thay những ai biết đặt mình vào đôi giầy của người khác.
Hạnh phúc thay những ai biếtôm ấp, tha thứ.
Lúc này hay lúc khác, tất cả chúng ta đều đã cảm nghiệm được điều đó. Nó quả đẹp đẽ xiết bao! Giống như ta nhận lại được đời sống của mình, nhận được cơ may mới. Không gì đẹp đẽ bằng có được cơ may mới.Như thể đời ta lại khởi đầu trở lại.
Cũng hạnh phúc thay những ai đem lại sự sống và cơ hội mới.
Hạnh phúc thay những ai cố gắng và hy sinh để làm điều đó.
Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm và vướng vào hiểu lầm, cả ngàn sai lầm và hiểu lầm. Thành thử, hạnh phúc thay những ai biết giúp người khác khi họ mắc sai lầm, khi họ cảm nghiệm sự hiểu lầm. Những người này là bạn bè đích thực, họ không bỏ rơi ai. Họ trong sạch trong tâm hồn, những người biết nhìn quá bên kia các sự việc nhỏ nhoi và biết vượt qua khó khăn. Trên hết, hạnh phúc thay những ai biết nhận ra điều tốt nơi người khác”.
Năm Sống Đời Dâng Hiến sẽ qua, Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến, tôi có thấy mình thật hạnh phúc khi Hiến Dâng trọn vẹn, khi được cảm nhận và sống lòng thương xót trong hy sinh khổ đau tận cùng không? Tôi có thoát được căn bệnh “Đoạt Lý Mà Quên Người” chưa?
Trả lời được câu hỏi này thì một ngàn ngày trong “sa mạc” đích thật là hồng ân của lòng Chúa thương xót dành cho tôi. Chúa cho chính tôi một đường lùi. Đường lùi đó là con đường của lòng thương xót!
Tín Thác