|
Các thừa sai của Hội Truyền giáo Giáo hoàng hải ngoại, gọi tắt là PIME đã hiện diện tại Myanmar từ 150 năm nay. Khi mà các thừa sai ngoại quốc ngày càng cao niên và ít đi thì một dấu hiệu hy vọng đã xuất hiện: những người trẻ Myanmar, từ gương sáng của các nhà truyền giáo mà họ đã biết từ khi còn thơ bé, đã chọn dâng hiến cuộc đời cho việc truyền giáo cho dân ngoại. Trong số những thừa sai trẻ người Myanmar của Hội Pime có cha Gioan Phe Thu.
Từ gương sáng của các nhà truyền giáo
Cha Gioan Phe Thu sinh năm 1976 tại Mye Ni Kone, ở thành phố Loikaw, bang Kayah, Myanmar. Cùng với tổng giáo phận Taunggyi, Toungoo, Kengtung, Lashio và Pekhon, đây là một trong sáu giáo phận được các nhà truyền giáo PIME thành lập trong 150 năm hiện diện ở Myanmar. Hội truyền giáo PIME đã hiện diện trong một số giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử của Myanmar. Dù ký ức về những nhà truyền giáo vẫn còn sống động giữa những người Công giáo, cha Gioan chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm linh mục của các ngài. Cha Gioan Phu The chia sẻ về hành trình linh mục của mình:
“Ơn gọi của tôi bắt đầu nảy sinh từ khi tôi còn là một thiếu niên, từ khi tôi vẫn không biết phải tìm kiếm thông tin ở đâu hoặc làm gì để trở thành linh mục. Ban đầu, tôi muốn trở thành một linh mục giáo phận vì tôi không nhận thấy sự khác nhau giữa các linh mục triều hay dòng. Vào năm 21 tuổi, tôi bắt đầu chương trình đào tạo tôn giáo ở Taunggy, và ở đó tôi đã gặp một số nhà truyền giáo PIME; đặc biệt là cha Adriano Pelosin. Cha tỏ cho chúng tôi thấy ý nghĩa của cuộc đời truyền giáo và cho chúng tôi tham gia vào các chương trình và sáng kiến từ thiện ở các làng lân cận “.
Mong ước có thể truyền lại đức tin của mình cho người khác
Cha Gioan Phe Thu cho biết, nhờ đó, cha đã khám phá ra “một mô hình khác của đời tận hiến”. Cha kể tiếp: “Từ lịch sử của Giáo hội tôi đã hiểu: đức tin mà tôi đã nhận được là kết quả của sự hy sinh của nhiều nhà truyền giáo. Và từ đó, tôi có mong ước có thể truyền lại đức tin của mình cho người khác, như các nhà truyền giáo đã làm. Trở về nhà, tôi đã gặp Đức giám mục của mình: có ba người chúng tôi muốn gia nhập PIME.” Đức cha đã nói với chúng tôi: “Một cuộc sống khó khăn đang chờ các con, nhưng nếu đây là ý muốn của các con, thì các con hãy đi”. Vì vậy, chúng tôi đã gia nhập chủng viện: hai năm ở Roma và bốn năm ở Monza”.
‘Lắng nghe, nhìn và học’
Năm 2010 cha Gioan Phe Thu được chịu chức linh mục và năm 2011, cha đến truyền giáo tại Guinea Bissau. Cha tuyên bố: “Tôi đã sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu.” Và cha chia sẻ cảm giác khi đến miền truyền giáo đó: “Niềm vui lên đường thì lớn hơn mọi sự sợ hãi. Trước một nền văn hóa khác biệt, tôi đã phải kiên nhẫn và học để hiểu dân chúng địa phương, mà không lên án họ. Tôi đã lập lại với chính mình điều mà các anh em cùng Hội truyền giáo đã dạy tôi: ‘Lắng nghe, nhìn và học’”.
Nuôi dưỡng sự tín nhiệm và đồng hành đức tin
3 năm đầu, cha Gioan truyền giáo tại Bambadinca, thuộc giáo phân Bafatà, đồng thời phục vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Bissau. Ngày 01.10.2017, cha Gioan được bổ nhiệm làm cha sở ở Catió, miền Nam của Guinea Bissau. Cha Gioan giải thích: “Tại Guinea Bissau, các tín hữu quen nhìn thấy các thừa sai Tây phương. Do đó, ban đầu họ khó chấp nhận một thừa sai đến từ Á châu. Ngay cả một linh mục Phi châu cũng là một điều lạ. Thường các gia đình Công giáo phản đối một linh mục trẻ bởi vì theo quan niệm của họ, chỉ có người da trắng có thể làm linh mục.”
“Tại Catiò, nơi các thừa sai Pime đã đến từ 40 năm trước, công việc truyền giáo tiến triển rất chậm chạp. Các tín hữu Công giáo chỉ là thiểu số, khoảng 15% dân số. Đa số dân địa phương theo đạo vật linh, và cũng có đông đảo người theo Hồi giáo. Các Kitô hữu được xem như là gương mẫu của xã hội. Việc làm của các nhà truyền giáo đã nuôi dưỡng sự tín nhiệm của dân chúng đối với Giáo hội.”
“Nhiều người theo đạo nhưng nhiệm vụ của các linh mục chúng tôi là đồng hành với họ trên hành trình đức tin. Năm ngoái, chúng tôi đã rửa tội cho 10 người trẻ. Trở thành linh mục đòi hỏi một hành trình ít nhất là 7 năm. Các tân tòng thường phải đối phó với áp lực từ gia đình và gánh nặng của truyền thống địa phương. Có những khía cạnh văn hóa mà thường người ta không thể rời bỏ được. Từ phía chúng tôi, chúng tôi cố gắng đánh giá những điểm tích cực trong các truyền thống này. Thật sự là có những điều mà Kitô giáo không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã nói chuyện với mỗi tân tòng để Tin mừng đi vào mỗi nền văn hóa, thanh lọc chúng và nâng cao chúng.”
Hồng Thủy
(VaticanNews 04.03.2019)