Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã thốt lên những lời đầy hứng khởi như vậy khi mùa Xuân về.
Quả thật, Xuân về mang lại cho muôn loài, muôn vật một sắc màu mới, một không khí mới thật tưng bừng và rộn rã: cây cối đâm chồi nảy lộc, chim chóc hót ca, nắng xuân ấm áp, gió xuân nhẹ nhàng. Con người cũng vậy. Ai cũng rực rỡhơn, xinh tươi hơn trong ngày Xuân. Có thể nói, mùa Xuân đã mang lại một sức sống mới cho mọi vật, mọi loài, mọi người, mọi thực tại trong cuộc đời.
Giáo Hội là một thực tại và Giáo Hội cũng có những mùa Xuân của riêng mình. Những mùa Xuân này đã mang lại cho Giáo Hội những vận hội mới và diện mạo mới đầy sức sống.
Đó là mùa Xuân năm 33 khi Chúa Giêsu sai các Tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng – là ngày khai sinh của Giáo Hội; là mùa Muân năm 323 khi hoàng đế Constantine cho phép Đạo Chúađược tự do hoạt động, mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ công khai và phát triển; là mùa Xuân của những năm 1209và 1216 khi hai Thánh Phanxicô Assisi và Đaminh lập hai Dòng tu lớn đưa Giáo Hội ra khỏi tình trạng xa hoa, suy đồi để trở về với tinh thần nghèo khó và dấn thân Tin mừng; và gần đây là mùa Xuân năm 1898 khi cuốn Truyện Một Tâm Hồn của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu được xuất bản lần đầu tiên, đã đưa con người ra khỏi nhữngảnh hưởng sai lạc của phái Jansen coi Thiên Chúa là một vị quan toà công thẳng và nghiêm khắc để trở về với một vị Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương,đồng thời cũng khơi lên một lòng mộ mến đời sống thánh hiến lớn lao và ước ao sống một cuộc đời thánh thiện nơi các tín hữu[2], đến nỗi Đức Giáo hoàng Piô XIđã gọi thánh nhân là người mang mùa xuân đến cho Giáo Hội, là ngôi sao lớn nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài,[3] còn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô IIđã âu yếm gọi ngài là vị thánh lớn nhất của thế kỷ 20.
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về mùa Xuân này – mùa Xuân Têrêxa Hài Đồng Giêsu – qua Conđường thơ ấu thiêng liêng của Ngài.
I. MỘT CON ĐƯỜNG TU ĐỨC MỚI LẠ
Từ xưa tới nay, người ta thường quan niệm rằng thánh nhân phải là một con người phi thường, một con người thực hiện được những gì vĩ đại và lớn lao: thánh Phaolô đi khắp đế quốc Rôma để loan báo Tin mừng, thánh Thomas Aquino viết những tác phẩm đồ sộ để ca tụng tình yêu Thiên Chúa, thánh Maria Goretti thà chết còn hơn là làm mất lòng Chúa,… Có thể nói, các thánh đều là những con người vĩ đại và làm được những công việc phi thường.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thì không như vậy. Ngài chỉ là một chị nữtu Dòng Kín suốt ngày giam mình trong bốn bức tường đan viện và chỉ làm những công việc rất tầm thường trong cộng đoàn như thêu thùa, may vá, bếp núc… Thếnhưng, nhờ thực hành Con đường thơ ấu thiêng liêng mà ngài đã đạt đến đỉnh trọn lành, đã nên thánh và ngày nay, hàng triệu người vẫn tiếp bước theo ngài trên Con đường bé nhỏ để sống thánh và nên thánh. Vậy đâu là những nét nổi bật trên Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Têrêxa và cũng là nét mới lạ trong “mùa Xuân” này?
1. Không có những việc hãm mình khác thường
Nhiều người vẫn có ý nghĩ sai lầm rằng muốn đạt tới đỉnh cao thánh thiện thì cần phải có những việc hãm mình và hành xác phi thường. Theo họ, đấng thánh là người không ăn, không uống, không ngủ; là người làm kiệt quệ sức khoẻbằng những đêm thức trắng, và đủ mọi thứ hành xác khác, là người “bắt thân xác làm nô lệ để phục vụ cho sự sống của linh hồn”.[4]
Thánh Têrêxa khi vào Dòng Cát minh cũng mong ước thực hiện những việc hãm mình này. Không thoả lòng với những công việc khổ hạnh theo luật định mà lắm khi vì thực hiện mà ngài đã đổ cả máu ra, ngài còn luôn mang trên ngực một thánh giá có mũi kim nhọn. Thế nhưng vì không chịu nổi, ngài ngã bệnh sớm. Khiđó, ngài nhận ra rằng những việc hành xác quá mạnh không dành cho mình. Thế rồi, trong kinh nghiệm và trong chính sự bất lực của mình, thánh nữ đã khôn ngoan nhìn thấy Thiên ý quan phòng muốn dẫn đưa mình đến sự thánh thiện theo một conđường khác. Ngài nói với chị mình: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những linh hồn quảng đại bằng cách thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khoẻ, vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận được, đồng thời lại lấyđó làm tự mãn”.[5]
Vì thế, ngài đã bỏ không thực hành những kiểu hãm mình khắc nghiệt đó.
Tuy nhiên, ta chớ nghĩ rằng việc hy sinh, hãm mình không cần thiết đối với những ai muốn nên thánh bằng Con đường thơ ấu. Trái lại, việc từ bỏ mình hoàn toàn ngay cả trong những việc nhỏ nhặt là điều tuyệt đối cần thiết cho mọi người bước theo đường thơ ấu thiêng liêng. Những việc hãm mình thông thường này sẽ thay thế cho những việc hãm mình hành xác phi thường kia. Thánh Têrêxa đã diễn tả điều đó như sau: “Ai không có gan đóng đinh mình vào thập giá Chúa Kitô bằng những chiếc đinh lớn thì phải chịu một cuộc tử đạo bằng những chiếc ghim nhỏ, nếu không, sẽ không thể kết hiệp với Chúa Giêsu cách trọn vẹn được”.[6]
Hơn nữa, ngài vẫn xác tín điều Chúa Giêsu đã nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” (Ga 14,2), nghĩa là có chỗ cho những linh hồn quả cảm, có chỗ cho các vị tu hành, có chỗ cho các vị tử đạo, thì chắc hẳn cũng có chỗcho những linh hồn bé mọn như ngài. Thế nên, thánh nhân đã kiên trì thực hiện sự từ bỏ chính mình trong suốt cuộc đời một cách anh hùng. Ngài viết: “Tôi là người hiệp sĩ mang khí giới. Tôi xông vào cuộc chiến chống lại bản thân mình trong phạm vi thiêng liêng bằng sự từ bỏ và những việc hi sinh kín đáo. Và tôiđã tìm thấy bình an và đức khiêm nhường trong cuộc chiến đấu không tên tuổi ấy”.[7]
Giáo Hội đã phong thánh cho ngài, nghĩa là Giáo Hội đã chính thức thừa nhận tính đúng đắn trong giáo thuyết và đường lối của ngài. Hơn nữa, qua việc tuyên phong ngài là Tiến sĩ Hội thánh, Giáo Hội đã mặc nhiên bảo đảm lối sống khổ hạnh mới mẻ gồm những việc hi sinh nhỏ mọn này cũng là con đường nên thánhđích thực, không kém những con đương khổ hạnh phi thường khác.
2. Không có những đặc sủng siêu nhiên
Một điều khác cũng rất mới lạ trong con đường thơ ấu thiêng liêng là không có những đặc sủng siêu nhiên. Trong hạnh các thánh, ta thấy các thánhđược mô tả có rất nhiều đặc ân: xuất thần, thị kiến, mạc khải, in dấu thánh, chữa bệnh, trừ quỷ… Thế nhưng nơi thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, hầu như không có những đặc sủng này (trừ một số ơn lạ mà ngài được lãnh nhận như được Đức Mẹhiện ra chữa bệnh, được thấy trước cơn bệnh của người cha già…).
Trong cuộc đời ngài, ta thấy dường như thánh nhân cũng không hề đề cậpđến việc khao khát xin Chúa ban cho những đặc ân này. Đời sống của thánh nữ rấtđơn sơ, bình thường như bao người, đến độ các chị em trong tu viện cũng không nhận ra sự thánh thiện của ngài. Vì sao vậy? Chẳng phải thánh Têrêxa Avilla,đấng sáng lập dòng Cát Minh, cũng đã từng được rất nhiều những đặc ân này như được ơn xuất thần ở mọi nơi: lúc hát kinh, tại phòng khách, trong nhà hội với chị em… Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu thì không như vậy vì Thiên Chúa, Đấng tiềnđịnh cho ngài nên gương mẫu cho thế gian về sự đơn sơ nhỏ bé, đã muốn đưa thánh nữ về với Ngài bằng một con đường hoàn toàn thông thường và phù hợp với mọi người. Quả thật, Chúa Thánh Thần hoàn toàn tự do khi ban những đặc sủng siêu nhiên của Ngài cho những ai theo đuổi con đường trọn lành, nhưng các ơn ấy không bắt buộc phải có để sống đầy đủ và đạt tới đỉnh cao thánh thiện bằng Conđường thơ ấu thiêng liêng mà Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu là một mẫu gương điển hình. Cuộc đời của thánh nữ diễn ra rất đơn sơ và bình thường. Ngài chỉ nổi danh sau khi qua đời và khi tác phẩm Truyện Một Tâm Hồn của ngài được xuất bản.
3. Không có phương pháp cầu nguyện
Một đặc điểm mới lạ khác trong Con đường thơ ấu thiêng liêng của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là không có một phương pháp cầu nguyện rõ ràng gồm có bao nhiêu bước, bao nhiêu giai đoạn, và trong mỗi giai đoạn, phải làm những gì như của Thánh Têrêxa Avilla hay Thánh Inhaxio Loyola. Đối với tinh thần thơ ấu, việc hệ thống hoá đời sống tâm linh hoặc đòi buộc một phương pháp khắt khe về bất cứ phương diện nào là điều hoàn toàn không phù hợp, nhất là việc cầu nguyện phải được thực hiện một cách tựnhiên như sự hô hấp của tình yêu, của lòng mến, như một công việc tự phát đơn sơ và chân thành.[8]
Ngay từ thời thơ ấu, khi đi dạo với ba trong vườn, Thánh Têrêxa đã biết tìm những nơi thanh vắng để hướng lòng về Chúa. Ngài viết: “Bấy giờ tư tưởng con trở nên thâm trầm, mặc dù chưa biết nguyện ngắm là gì, linh hồn con cũng đã chìm đắm trong sự cầu nguyện thực sự”.[9] Ngài còn nói thêm: “Tôi làm như một đứa bé không biết đọc. Tôi nói với Chúa cách đơn sơ điều tôi muốn nói với Người và Người nghe tôi”. Đó cũng chính là cách tiếp xúc tự nhiên và thân mật của đứa con nhỏ nói với người cha yêu dấu của mình”.
Thế nhưng, chúng ta hãy cẩn thận những hình thức đơn giản thái quá vì chúng dễ làm ta trở nên dễ dãi và hời hợt. Thánh nữ nhấn mạnh việc cầu nguyện phải phát xuất từ lòng mến thiết tha với Thiên Chúa: “Cầu nguyện là một cơn lòng sốt sắng, một cái nhìn thẳng lên trời, một tiếng thờ than của lòng tri ân và trìu mến giữa cơn thử thách gian nan cũng như lúc tràn ngập niềm vui sướng; là một việc cao cả, siêu nhiên, mở rộng tâm hồn để được kết hiệp với Chúa cách chí thiết”.
Hơn nữa, Phúc Âm chính là linh hồn của đời sống cầu nguyện như ngài đã viết: “Tôi rất thích nguyện ngắm theo Phúc Âm. Nơi đó, linh hồn này kín múcđược mọi ơn lành cần thiết”.[10]
4. Không có những công việc nổi tiếng
Một đặc điểm lớn khác để xác định Con đường thơ ấu thiêng liêng là việc không có những công việc hiển hách, không có những công trình vĩ đại. Ta thấy các thánh thời xưa thường có những công trình thật vĩ đại: Thánh Phanxicô Xaviê đã đi đến tận miền châu Á xa xôiđể loan báo Tin Mừng, Thánh Augustinô đã viết hàng trăm tác phẩm các loại… Có thể nói, cuộc đời các thánh luôn gắn liền với những công việc lớn lao, vĩ đại.
Trái lại, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thì không có những điều này. Tại tòa án phong thánh, những công việc mà ngài đã làm cũng chỉ vỏn vẹn trong một trang giấy, và chỉ là những việc rất tầm thường: coi phòng khách, phòng ăn, nhà giặt và giữ cửa. Việc đáng kể nhất của ngài cũng chỉ là phụ tá trông coi ba hay bốn Tập sinh. “Thánh Têrêxa đã đến, đã sống, đã đau yếu và đã chết”[11] như một chị trong Đan viện Lisieux nhận xét. Ngoài ra, ngài có làm gì khác thường đâu!
Thế nhưng qua ngài,
“Thiên Chúa muốn nhắc cho thế giới đầy hám danh hám lợi ngày nay rằng: Sự cao thượng đích thực không cốt hệ tại vẻ hào nhoáng bên ngoài, nhưng cốt tại lòng trung tín và sốt mến khi thực hiện công việc, kể cả những việc thậm chí rất nhỏ bé và tầm thường”.[12]
Thánh nữ viết cho chị Marie của mình như sau: “Các công trình vĩ đạiđều đã bị cấm đối với em (vì là một nữ tu dòng Kín): em không thể rao giảng Tin Mừng, không thể đổ máu đào… Nhưng có hề gì, các anh chị vĩ đại – các thánh – đã làm thay cho em những điều đó. Còn em chỉ là con nít, chỉ là đứa bé đứng sát bên ngai Thiên Chúa để yêu mến thay cho các ngài đang giao tranh ngoài chiến trận[13]. Thế nhưng, là một linh hồn bé nhỏ, là một đứa bé thì em có thể làm gìđể tỏ lòng yêu mến của mình? Em chỉ có thể biểu lộ tình yêu qua việc dâng lên Chúa những đóa hoa nhỏ bé của mình, đó là: không bỏ qua một việc hi sinh nào dù nhỏ nhất, không một cái nhìn, một lời nói xúc phạm, nhưng lợi dụng tất cả đểyêu mến và làm tất cả vì tình yêu”.
Có thể nói, cả cuộc đời thánh nhân chẳng có một công trình nổi tiếngđáng nhớ nào. Cuộc sống ngài quá bình thường và âm thầm, đến nỗi ngay cả khi Cha Thomas Nimmo Taylor đến tu viện vào năm 1903 gặp Mẹ Bề trên Marie de Gonzagueđể xin phong thánh cho ngài thì mẹ rất do dự và cho rằng nếu phong Thánh cho Têrêxa thì còn có bao nhiêu nữ tu nữa cũng sẽ phải được phong thánh.[14] “Cơn bão táp vinh quang” chỉ thực sự bùng lên khi các tác phẩm của ngài được xuất bản và các phép lạ được công bố ngày càng nhiều sau này.
Như vậy, qua phần trình bày trên, ta thấy con đường thơ ấu thiêng liêng dường như đã bỏ qua hết những điều thường có trong việc nên thánh: không có những việc phạt xác lạ thường, không có những đặc ân kỳ lạ, không có phương pháp cầu nguyện rõ ràng và cũng không có những công trình hiển hách. Đây quả là cách thức nên thánh mới mẻ và lạ lùng. Vậy đâu là những nét nổi bật của conđường này?
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT
Con đường thơ ấu thiêng liêng là con đường nên thánh, là cách thức thánh hóa bản thân của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Ngài nhìn mình như một trẻthơ bé bỏng, yếu đuối và bất lực; đồng thời, hướng lên Thiên Chúa như người cha nhân hậu từ bi và giàu lòng xót thương. Từ cái nhìn này, ngài đã sống triệt đểtinh thần đơn sơ, tin tưởng, phó thác và yêu mến hết lòng trong tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa là Cha.
1. Đơn sơ và giản dị
Đơn sơ là một đức tính quý báu trong bước đường thơ ấu thiêng liêng của Thánh Têrêxa. Ngài giải thích sự đơn sơ như sau: “Có sao sống vậy và hướng thẳng về Chúa, đừng gắng sức quá độ và đừng tỏ vẻ kiểu cách. Đối với những tâm hồn đơn sơ, không cần có những phương thế phức tạp”.[15] Một linh mục nọcố gắng thuyết phục Đức Piô X rằng trong đời sống của thánh nhân, không có gì khác thường cả. Đức Thánh Cha đã nhanh nhẹn trả lời: “Cái khác thường của tâm hồn ấy, chắc chắn là tính đơn sơ tột bậc”.[16] Với tâm hồn đơn sơ tột bậc đó, ngài bày tỏ: “Trên đường thơ bé của tôi, chỉ có những việc rất tầm thường. Tôi làm các công việc mà các tâm hồn thơ bé có thể làm”.[17]
Thánh nữ không thích những gì cầu kỳ, phức tạp và kiểu cách. Nếp sống của ngài luôn ánh lên sự trong sáng, thành thực và tự nhiên. Quả thật, ngài ăn nói và tiếp xúc với mọi người rất đơn sơ và giản dị. Cha M. Philipon. OP, một thần học gia nổi tiếng, khi nghiên cứu cuộc đời của thánh nhân, đã phải thốt lên: “Trong cuộc đời của ngài, tính đơn sơ là cả một khoản luật.”[18] Một ngày kia, ngài bị bệnh nằm ở Nhà liệt. Người ta xin ngài giải thích đôiđiều về tình trạng của mình cho bác sĩ, ngài trả lời: “Ôi thưa Mẹ, con không làm cách đó. Con chỉ thích đơn sơ. Nếu làm ngược lại, con kinh sợ lắm”.[19] Vì vậy, đa số chị em trong Dòng không hề biết đến sự anh hùng của ngài trênđường nhân đức. Sau này, mẹ Agnes đã thú nhận như sau: “Không bao giờ tôi có thể đoán được rằng một ngày kia, có vấn đề phong thánh cho một chị dòng sống quá bình thường như vậy”.[20]
Cuộc đời Thánh Têrêxa là như vậy đó: đơn sơ đến độ tầm thường, không ai nhận ra. Đó là một vị đại thánh mà chỉ sau khi chết, người ta mới thấy được chí khí anh hùng của ngài qua bao phép lạ làm cả thể khiến cả thế giới phải ngạc nhiên và thán phục.
2. Nhỏ bé, khiêm nhường nhận mình là hư vô trước mặt Chúa
Khiêm nhường là nền tảng của sự thánh thiện. Tất cả các thánh đều đềcao đức khiêm nhường vì nhân đức này giúp các ngài nhận thức rõ tương quan với Thiên Chúa, đó là: Người là Đấng hằng hữu, còn ta là hư không. Nhờ vậy, các ngài có một lối sống và một cái nhìn đúng đắn, đó là tin tưởng và phó thác mọi sự trong cánh tay quan phòng của Thiên Chúa, để rồi từ đó cầu xin ơn Chúa nângđỡ mình vì: Không có Chúa thì các ngài chẳng làm gì được (Ga 15,15).
Thánh Têrêxa cũng vậy. Ngài cũng rất đề cao đức khiêm nhường. Thế nhưng trong Con đường thơ ấu, khiêm nhường còn có nghĩa là một cái nhìn đầy khiêm nhu và yêu mến của một đứa con nhỏ yếu đuối hướng lên người cha yêu dấu của nó và chờ đợi mọi sự nơi người. Ngài viết khiêm nhường là “nhìn nhận sự hư vô của mình và chờ đợi tất cả từ Thiên Chúa, như một đứa trẻ chờ đợi tất cả từ tay cha nó, không lo lắng gì, cũng không thu tích gì hết”.[21]
Chính thánh nhân đã giải thích rằng: “Trong các gia đình nghèo, người ta cũng phải lo cho đứa nhỏ những gì nó cần thiết. Nhưng khi nó vừa lớn lên, cha nó không muốn nuôi nữa nên bảo nó: ‘Bây giờ con phải làm việc vì con lớn đủ để tự mưu sống.’ Chính để khỏi phải nghe câu nói đó mà tôi đã không muốn mình lớn lên, vì tôi thấy tôi không thể tự mình sinh sống, nghĩa là không thể tự mình đạt được Nước Trời. Vì thế, tôi luôn ở nhỏ bé”.[22]
Quả là một sự khiêm nhường lớn lao vì một người đạo đức và thánh thiện như thế vẫn ý thức rõ rằng mọi sự tốt đẹp kia đều nhờ bởi Thiên Chúa mà có, chứkhông phải do công sức của mình: “Tất cả những gì tốt lành nơi con, đều do lòng nhân từ của Chúa”.[23]
Vì vậy suốt cả cuộc đời mình, ngài luôn sống trong tâm tình của một đứa con thơ bé bỏng trong vòng tay yêu thương của người Cha. Để củng cố thêm cho niềm xác tín của mình, hằng ngày ngài vẫn suy niệm Kinh Lạy Cha và cất tiếng gọi “Ápba” – Cha ơi! một cách thật hồn nhiên và âu yếm. Trong mọi sự, ngài luôn hướng về Cha. Ngài viết: “Khi rước lễ, tôi cứ tưởng tượng linh hồn tôi như một đứa trẻ ba bốn tuổi”.[24] Thậm chí, ngay khi sắp về trời sau một cuộc đời đầy những hy sinh cố gắng, ngài cũng chỉ nói rằng: “Trong chiều tàn của đời này, con sẽ đến trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng vì con chẳng có công nghiệp gì”.[25]
Quả thật, khiêm nhường tận cùng trong mối tương quan với Thiên Chúa luôn là nét nổi bật trong tâm hồn và lối sống của thánh nữ. Hơn nữa, theo thánh nữ,khiêm nhường còn có nghĩa là không thất vọng khi sa ngã và lỗi phạm, nhưng vẫn trông cậy vào lòng thương xót của Chúa vì nếu thất vọng, tức là ta quên đi thân phận yếu đuối mỏng giòn của mình, đồng thời cũng phủ nhận tình yêu bao la của người Cha nhân hậu. Vì vậy, ngài viết về tâm hồn thơ bé của mình như sau: “Sống khiêm nhường bé nhỏ là nhận biết mình hư vô nên không ngã lòng trước tội lỗi của mình, vì trẻnhỏ thì thường ngã”.[26] Hơn nữa, qua những lỗi lầm yếu đuối này, ngài càng thêm lòng phó thác và tin tưởng hơn vào tình yêu thương lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình, để rồi nhờ đó, ngài đạt được tình yêu tròn đầy và lớn lao hơn.[27]
3. Tin tưởng Chúa nên sống trọn vẹn ngày hôm nay, và phó dâng mọi sự cho ChúaMột đặc tính n
ổi bật nơi trẻ con là chúng không quá lo lắng về tương lai vì có cha mẹ chúng lo rồi, và cũng không quá buồn sầu về quá khứ vì quá khứ đã qua rồi, chúng chỉ sống trọn vẹn giây phút hiện tại cách hồn nhiên và hết mình.Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Đặc tính này rất cần thiết cho những người theo Chúa và càng cần thiết hơn cho những người theo Chúa trên con đường thơ ấu thiêng liêng, conđường của sự đơn sơ bé nhỏ và thánh Têrêxa chính là mẫu gương cho điều này.
Trong suốt thời gian sống tại Dòng Kín, ngài đã thực hiện trọn vẹn phương châm “Không gì hơn ngày hôm nay”. Với châm ngôn này, ngài đã sống từng ngày, từng giờ một cách trọn vẹn trước nhan Chúa bằng cách chu toàn bổn phận hàng ngày trong thái độ hoàn toàn phó thác và tin tưởng. Ngài viết: “Tôi chắc chắn rằng chỉ lúc này, Ý Chúa mới được chu toàn”.[28] Vì vậy, ngài vui vẻ đón nhận và sống mọi giây phút hiện tại cách trọn vẹn.
Hơn nữa, đối với thánh nữ, giây phút hiện tại là rất quan trọng, nó làm nên lịch sử đời ngài và chính nó cũng định đoạt số phận mai này của ngài. Với những giây phút hiện tại, tên trộm lành trên đồi Canvê đã biến cả một cuộc đờiđen tối thành một tương lai huy hoàng. Cũng vậy, với những giây phút hiện tại, thánh Phêrô đã trút bỏ được những lỗi lầm bội phản để trở thành người Tông đồthân thiết của Chúa. Thế nên, thánh nữ đã sống cách trọn vẹn giây phút hiện tại trong tâm tình yêu mến, phó thác và vui tươi vì ngài tin rằng đó là Ý Chúa. Ngài viết: “Tôi chỉ thấy lúc hiện tại. Tôi quên quá khứ và giữ mình khỏi nghĩ đến tương lai”.[29] Thậm chí, ngay cả trong những lúcđau đớn nhất trên giường bệnh, ngài vẫn giữ vững thái độ này. Ngài nói: “Tôi chỉ đau khổ từng lúc, từng lúc. Chính vì người ta nghĩ đến quá khứ và tương lai mà người ta nhátđảm và thất vọng”.[30] Và nhờ vậy, ngài luôn giữ được tâm tình vui tươi và đơn sơ của trẻ thơ: “Con ho sù sụ! Nghe như chiếc đầu máy của đoàn xe lửa khi tới nhà ga. Con cũng đang đến một nhà ga: nhà ga trên trời, và cơn ho báo hiệu ga đó đã gần rồi!”[31] (nói với mẹ Agnès de Jesus ngày 7-7-1897 khi thánh nữ nằm trên giường bệnh).
Và cuối cùng, đỉnh cao của lòng phó thác nơi Thánh Têrêxa, chính là sựquên mình để rồi phó thác tất cả cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Trong Truyện Một Tâm Hồn, ta có thể tìm được rất nhiều câu thánh nữ viết về điều này: Chỉ có mộtđiều tôi ao ước, đó là ý Chúa. Tôi sẽ được hạnh phúc tràn đầy nếu điều ấy đẹp lòng Chúa. Tôi chỉ hài lòng là làm theo Ý Chúa.[32]
Quả thực, ngài đã bỏ mình đi để xin vâng theo Thánh ý trong mọi sự, kể cảkhi cận kề cái chết trong cơn hấp hối hãi hùng kinh sợ. Ta có thể thấy đượcđiều này qua những lời mẹ Agnès de Jesus ghi lại:
“Sáng ngày 30-9, em quá mệt mỏi và đau đớn, kiệt sức, thở hổn hển. Em nói khó nhọc: “Ôi, mẹ biết con nghẹt thở chừng nào… Mẹ mà biết thế nào là nghẹt thở!… Thưa mẹ, con dám quả quyết là chén đắng đã đầy tới miệng!… Nhưng Chúa nhân lành sẽ không bỏ con, đó là điều chắc chắn… Không bao giờ Ngài bỏ con”. Lúc 7 giờ chiều, ngày cuối cùng, khi cơn hấp hối dữ dội bao quanh, em vẫn tin tưởng và phó thác hoàn toàn trong tay Chúa nhân lành. Mệt mỏi, em nói với tôi:
– Thưa mẹ, chưa phải là giờ hấp hối sao?… Con không sắp chết sao?
– Phải, chính là giờ hấp hối đó con, nhưng có lẽ Chúa còn muốn kéo dài nó thêm mấy giờ nữa.
Em can đảm nói tiếp: Nếu vậy… ta cố lên nào!… Cố lên nào. Ồ, con không muốn được chịuđau khổ chóng hơn.[33]
Thánh nhân còn nói thêm rằng: Con không thích vào Thiên đàng trước một phút nào theo ý riêng con.[34]
Như vậy, ta có thể thấy rằng nơi Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đức Cậy -lòng tín thác, đã trở nên viên mãn và thành động lực cho đời sống tâm linh của ngài. Đức Cậy thúc đẩy linh hồn ngài tiến bước và thêm lòng tin tưởng vào sựtoàn năng và nhân hậu của Thiên Chúa. Chính lòng tin tưởng mạnh mẽ này chứkhông phải gì khác, đã đưa thánh nữ đến tột đỉnh của mọi nhân đức – đức Ái.[35]
4. Và trên hết, là tình yêu
Nét nổi bật nhất nơi Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chính là tình yêu, một tình yêu nồng cháy, tha thiết nhưng cũng rất đơn sơ, chân thành và vô vị lợi. Chỉ sống trên trần gian vỏn vẹn 24 năm, nhưng thánh nữ đã dành mọi giây phút cuộc đời cho tình yêu. Một chị Nhà Tập kể lại rằng: “Trong mọi trường hợp, Thánh Têrêxa luôn làm như thế. Chị biết thánh hóa mọi hoạt động, ngay cả những việc nhỏ bé nhất thành những hành vi của tình yêu”.[36]
Từng giây, từng phút, ngài đã sống yêu thương. Yêu là nếp sống của ngài. Với tình yêu, thánh nữ đã thăng hoa cuộc đời của mình thành một “bài ca tình yêu bất tận”.[37] Và “với tình yêu, không những em tiến, mà còn bay” [38] – bay tới đỉnh trọn lành.
a. Yêu Chúa
* Yêu Chúa trong mọi giây phút cuộc đời
Khi còn nhỏ, thánh nữ đã rất say mê học Giáo lý và xuất sắc đến nỗi cha giáo đã tặng ngài danh hiệu Tiến sĩ tí hon. Ngài luôn hướng trọn tâm trí vềChúa, dù trên đồng cỏ hay trong nhà nguyện, khi bệnh tật cũng như lúc an vui, ngài luôn nghĩ về Chúa. Ngài đã sung sướng diễn tả: “Con tưởng không bao giờ ba phút trôi qua mà con không nghĩ tới Chúa nhân lành”.[39]
Càng lớn lên, tình yêu Chúa càng bộc lộ rõ rệt nơi ngài. Nhiều lần theo cha đi câu, nhưng ngài lại bỏ câu, tìm kiếm một vệ cỏ rồi ngồi trầm tư suy nghĩvề Nước trời. Ngài viết cho chị mình như sau: “Em thích ngồi trênđám cỏ nở hoa. Bấy giờ tư tưởng em thật sâu sắc nhưng em không biết đó là nguyện gẫm. Tâm hồn em chìm đắm trong một cơn cầu nguyện đích thực. Em nghe những tiếng động từ xa vọng lại, tiếng gió thổi rì rào, tiếng bản nhạc đứt quãng mơ hồ đâu đây vọng tới làm cho lòng em buồn… Trần gian này giống như một nơi lưu đày và em mơ về cõi trời…” và “lúc ấy trần gian trởnên càng buồn thảm hơn đối với em và em hiểu rằng chỉ trên trời, mới có niềm vui không gợn mây”.[40]
Khi theo cha sang Ý chầu Đức Giáo hoàng để xin chuẩn được vào Dòng Kín năm 15 tuổi, ngài đã gặp những cảnh lạ lùng nhưng ngài chẳng màng. Ngài viết: “Những cảnh đẹp của trần gian xa dần trước mắt mà em không hế luyến tiếc. Lòng em khát khao nhữngđiều kỳ diệu khác. Mắt em đã xem đủ những cảnh lạ của trái đất, còn bây giờ,lòng em ước ao những cảnh đẹp trên trời”.[41]
Ngay cả việc vào Dòng Kín của ngài cũng là vì chính Chúa, chứ không vì ai khác. Ngài viết: “Em muốn vào dòng Kín không phải vì chị Pauline, nhưng vì một mình Chúa Giêsu thôi”.[42] Và khi đã vào dòng, ngài càng kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Ngài mang sách Phúc âm đêm ngày trên ngực để luôn suy niệm về Chúa. Ngài viết: “Nếu con là linh mục, thế nào con cũng học tiếng Do Thái, Hy Lạp để có thể đọc Lời Chúa cách trung thành”.[43]
Thánh Têrêxa sớm khám phá ra tình Chúa yêu thương. Khi suy nghĩ đến cái chết vì yêu của Chúa Giêsu trên thập giá, tâm hồn ngài càng sôi sục ngọn lửa tình yêu đáp trả. Ngài đã không ngừng liên tiếp bày tỏ nỗi lòng yêu mến của mình trong cuốn Truyện Một Tâm Hồn: “Sứ mệnh của tôi chính là tình yêu; tôi ao ước được yêu Chúa Giêsu như chưa từng có ai yêu đến thế; tôi chẳng muốn chi hơn là được yêu Chúa Giêsu đến điên dại”.[44]
Đối với ngài, tình yêu Chúa, chính là khuôn vàng thước ngọc trong cuộc sống và là lẽ sống của ngài, như ngài đã từng nói với Chúa Giêsu trong ngày rước lễ lần đầu: “Con yêu Chúa. Con mãi mãi hiến mình con cho Chúa”.[45]
* Hiến tế bản thân làm hy tế tình yêu dành riêng cho Chúa
Nhìn lại cuộc đời của thánh nhân, chúng ta có thể quả quyết rằng ngài đã say mê Chúa Giêsu và tình yêu Chúa đã chiếm trọn quả tim của ngài. Trong ngày lễ khấn dòng, ngài đã đeo trên mình lời kinh này: “Lạy Chúa Giêsu, ước gì từ đây, con chỉ tìm Chúa và chỉ thấy một mình Chúa. Ước gì mọi thụ tạo là không đối với con và con cũng là hư vô đối với chúng”.[46] Vì muốn thuộc trọn về Chúa và với tình yêu Chúa dâng cao mỗi ngày như sóng triều, ngài đã cảm nghiệm Chúa như vị Hôn phu thân thiết của mình. Ngài viết đầy thơ mộng như sau: “Chúa Giêsu không nói gì hết. Con cũng chẳng nói nửa lời, nếu không phải là con nói con yêu thương Ngài hơn bản thân con. Và tự đáy lòng, con cảm thấy thật như vậy, vì con thuộc về Ngài nhiều hơn thuộc về con”.[47]
Và với mối tình thiêng liêng nồng cháy đó, ngài đã sống rất thân thiết với Chúa Giêsu trong mọi lúc, kể cả khi dường như Thiên Chúa vắng mặt và bị bỏrơi: “Con chẳng muốn lòng dính bén chút mảy may tình đời. Con muốn hiến dâng tất cả cho Chúa Giêsu, vì chính Ngài đã cho con hiểu, chỉ có Ngài mới là hạnh phúc toàn hảo, dù xem ra Ngài vắng mặt…”.
Trong tình yêu nồng nàn say đắm đó, thánh nữ đã không ngần ngại thốt lên:“Nhất định trên trần gian này không một phụ nữ nào chiều chồng bằng con chiều Giêsu… Từ nay, con sẽ cố gắng làm đẹp lòng Bạn Chí Thánh của con trong mọi việc, vì Ngài đã muốn nâng con lên hàng Hôn Thê của Ngài” và “Vâng, Chúa Giêsu chính là người bạn độc nhất của con. Con chỉ nói chuyện với mình Ngài mà thôi”.[48]
b. Yêu người
* Yêu người với cảcon tim và khối óc
Yêu Chúa nồng nàn, nên thánh nhân cũng yêu người tha thiết. Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa, là chi thể trong cùng một thân thể huyền nhiệm là Giáo Hội của Chúa Kitô. Vì vậy, với tình yêu Chúa dồi dào, ngài cũng yêu tha nhân thật quảng đại, tế nhị, hiền dịu và vô vị lợi. Thánh nữ viết: “Nếu con muốn gia tăng tình yêu tha nhân trong con mà ma quỷ lại phơi bày trước mắt con những khuyếtđiểm của các chị, thì con vội tìm các nhân đức và ước vọng ngay lành của các chị. Con tự nhủ: nếu con thấy chị em lỗi phạm một lần, biết đâu chị em đã chiến thắng nhiều lần mà vì khiêm tốn mà chị em đã che giấu…”[49]. “A, bây giờ con mới hiểu bác ái chân thực là chịu đựng khuyết điểm của tha nhân, không lấy làm lạ khi kẻ khác lầm lỗi và thán phục khi thấy người khác làm được những việc lành dù là nhỏ mọn”.[50]
Trong Dòng, một nữ tu kia “có biệt tài” làm phật lòng ngài trong mọi sự, khiến ngài có ác cảm tự nhiên trong lòng. Nhưng với tinh thần trìu mến, với vẻ hiền hòa âu yếm, ngài đã đối xử với chị ấy hết sức tốt đẹp làm cho chị tưởng mình là bạn tâm giao của ngài.[51]
Ngoài ra, với lòng bác ái cao cả, ngài đã xin làm phụ tá cho một nữ tu khó tính mà ngài biết khi ở gần thì mình sẽ gặp nhiều khổ tâm. Hơn nữa, ngài còn tình nguyện nhận giúp đỡ cho một nữ tu già tê bại. Với một tình yêu rất tếnhị, ngài viết: “Đối với con, cho những gì người ta xin con, như thế là chưa đủ.Con còn phải đoán trước ý của chị em muốn để giúp đỡ”.[52]
Với một tình yêu ân cần chăm sóc, thánh nữ viết: “Con chăm chú nhiều nhất đến hành động nhỏ mọn và âm thầm. Vâng, con thích gấp những chiếc áo mưa mà chị em bỏ quên và tìm muôn ngàn cơ hội để giúp đỡ chị em”.[53]
Và với một tình yêu dịu dàng, ngài đã khuyên các tập sinh của mình rằngđể khỏi sa ngã, ta hãy làm cho tâm hồn mình dịu hiền trước. Người ta quả quyết rằng thánh nữ không bao giờ tỏ vẻ buồn bực, khó chịu đối với những chị em đến làm phiền mình.
Sau hết, với một tình yêu vô vị lợi, ngài đã luôn tự quên mình để chỉnghĩ đến lợi ích của kẻ khác. Mọi người đều công nhận rằng Têrêxa không bao giờnghĩ đến mình trước khi nghĩ đến chị em. Ngài luôn dành quyền lợi ưu tiên cho các chị em trong tinh thần nhường nhịn chân thành. Do đó, ngài đã căn dặn các Tập sinh của mình hãy thực hành bác ái bằng cách mua vui cho chị em khác, hơn là cho chính bản thân mình.[54] Thậm chí, tình yêu thương lớn lao dành cho chịem đã thúc đẩy ngài thốt lên rằng: “Khi các chị bị cám dỗ chống lại ai, dù có tức giận đi nữa, phương thế tốt nhất để lấy lại bình an, là cầu nguyện cho người ấy”.[55]
* Khao khát cứu rỗi các linh hồn
Yêu Chúa Giêsu tha thiết và muốn làm tất cả những gì Người muốn, nên thánh nữ đã sớm khám phá ra khát vọng lớn lao nhất của Người, đó là muốn mọi linh hồn được cứu độ. Thế nên, ngài cũng đã có một khát vọng tương tự: khát vọng đưa các linh hồn trở về với Chúa.
Một buổi sáng Chúa Nhật, khi nhìn tượng chịu nạn, thánh nữ rất xúcđộng khi thấy máu từ tay Chúa chảy xuống mà không có ai hứng. Vì thế, ngài quyết định đứng dưới chân thập giá để hứng lấy “những giọt sương thần linh” từ tay Chúa chảy xuống và ban phát cho các linh hồn [56]. Lời Chúa phán trước khi tắt thở trên thập giá “Ta khát” (Ga 19,28) như nói với chính ngài: “Ta khát các linh hồn” có một âm vang lớn lao tâm hồn ngài. Ngài cảm thấy bị xâu xé bởi khát vọng cứu các linh hồn cho Chúa. Ngài viết: “Chúa Giêsu đã làm em trở nên một người‘câu’ các linh hồn. Em cảm thấy mãnh liệt cần phải làm việc để cứu các linh hồn”.[57]
Khát vọng cứu rỗi các linh hồn luôn cháy bỏng trong ngài. Dù làm gì, ngài cũng hướng về các linh hồn. Ngài viết: “Nhặt một cái kim ở dưới đất vì lòng mến cũng có thể hoán cải một linh hồn”.[58] Vì vậy, dù làm gì, ngài cũng làm với tất cả lòng yêu mến thiết tha để xin Chúa cứu các linh hồn. Khâu một mũi kim, ngài cũng dâng cho Chúa: “Lạy Chúa, con xin dâng mũi kim khâu này cho Chúa vì Tình yêu Chúa, để làm vinh danh Chúa và xin Chúa cho con một linh hồn”.[59] Với cách thức này, theođánh giá của những người có thế giá và uy tín, thánh nữ đã cứu được nhiều linh hồn ngang bằng với số linh hồn mà thánh Phanxicô Xaviê, người đã đi khắp Á châu rao giảng Tin mừng, cứu được.
Lời kết
Con đường thơ ấu thiêng liêng có nền tảng là sự ý thức được cái bé nhỏ hư vô của con người trước mặt Thiên Chúa để rồi tin tưởng hoàn toàn và phó thác tuyệt đối mọi sự trong cánh tay quan phòng của Người. Nhờ đó, con người sẽ có tâm tình đơn sơ và tín thác trong mọi giây phút cuộc đời.
Trên hết, Con đường thơ ấu thiêng liêng mời gọi con người sống một tình yêu chân thành và tinh tuyền với Thiên Chúa như tình yêu của một đứa con thơ bé nhỏ đối với người cha yêu dấu của mình. Đây cũng chính là sứ điệp mà thánh Têrêxa HàiĐồng Giêsu đã để lại cho chúng ta. Sứ điệp này đã mang đến một tinh thần mới, một diện mạo mới, một mùa Xuân mới cho Giáo Hội, cũng như gợi lên một mẫu gương sống mới cho mọi người Kitô hữu trong việc thánh hoá chính mình, như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhận xét là: đã khơi lên một niềm hứng khởi phi thường mãi cho tới tận ngày hôm nay và được biết đến ở khắp mọi nơi trên thế giới, cả trong Công giáo cũng như ngoài Công giáo.[60]
——————————-
[1] Nguyễn Ngọc Thiện, Mùa xuân ơi.
[2] x. Đức GH Gioan Phaolô II, Tông thưDivini Aroris Scientia, ngày 19-10-1997.
[3] x. Hương Việt, Truyện Một tâm hồn, NXB Tôn Giáo, 2008, tr. 44-45.
[4] x. M.M. Philipon, OP, Sứ điệp của Têrêxa thành Lisieux, 1967, tr. 53-54.
[5] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 58.
[6] x. Đoàn Thiệu, OP, Lược sử linh đạo Kitô giáo, 1996, tr. 159.
[7] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 58.
[8] x. Đoàn Thiệu, OP, Sđd, tr. 160.
[9] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 70.
[10] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 72
[11] Thiện Cẩm, Thánh nữ Têrêxa với Đông phương, Đóa hồng tươi nở, Đức Tin và Văn hoá, 1997, tr. 157.
[12] x. M.M. Philipon, OP Sđd, tr. 75-76.
[13] x. Hương Việt, Sđd, tr. 391.
[14] x. Hồng Phúc. CssR, Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, 1992, tr. 125.
[15] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 145.
[16] x. Nhiều tác giả, Tiếp bước conđường thơ ấu thiêng lêing của thánh Têrêxa, 1997, tr. 31.
[17] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 149.
[18] Sđd, tr. 146.
[19] x. Nhiều tc giả, Sđd, tr. 30.
[20] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 147.
[21] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr.95
[22] Carré, OP, Thánh nữ Têrêxa và con đường thơ ấu thiêng liêng, Đoá hồng tươi nở, tr. 96-97.
[23] x. Hương Việt, Sđd, tr. 59.
[24] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 27.
[25] x. ĐGM Bùi Tuần, “Hội thánh tương lai”, Công giáo và Dân tộc, số 1121 ngày 6.9.1997, tr. 6.
[26] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 29.
[27] x. Hương Việt, Sđd, tr. 300.
[28] Sđd, tr. 130.
[29] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 130.
[30] Sđd, tr. 131.
[31] Trần Phúc Nhân, Tôi không chết – Tôiđang đi vào cõi sống, Đoá hồng tươi nở, tr. 63.
[32] x. Đoàn Thiệu, OP, Sđd, tr. 167.
[33] Trần Phúc Nhân, Sđd, tr. 80.
[34] M.M. Philipon, OP, Sđd, tr. 129.
[35] x. Sđd, tr. 126.
[36] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 11.
[37] Hương Việt, Sđd, tr. 52.
[38] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 67.
[39] Hồng Phúc, CssR, Sđd, tr. 50.
[40] x. Hương Việt, Sđd, tr. 90-91.
[41] x. Sđd, tr. 278.
[42] Hương Việt, Sđd, tr. 123.
[43] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 67.
[44] Sđd, tr. 7.
[45] Hương Việt, Sđd, tr. 158.
[46] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 15.
[47] Đoàn Thiệu, OP, Sđd, tr. 164.
[48] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 16.
[49] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 9.
[50] Hương Việt, Sđd, tr. 442.
[51] x. Sđd, tr. 446-447.
[52] Sđd, tr. 454.
[53] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 10.
[54] x. Nhiều tác giả, Sđd, tr. 10.
[55] Sđd, tr. 11.
[56] x. Hương Việt, Sđd, tr. 199.
57] Nhiều tác giả, Sđd, tr. 17.
[58] x. Đoàn Thiệu, OP, Sđd, tr. 168.
[59] Hương Việt, Sđd, tr. 7.
Hữu Phúc, OP
nguồn: Đaminh VN