Qua Công Đồng Vatican II và qua Bộ Giáo Luật mới, Mẹ Giáo Hội nói lên rõ ràng những gì liên quan đến Linh mục quản xứ.
Linh mục quản xứ hãy lần theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II và của Bộ Giáo Luật mới, để tìm hiểu về linh mục quản xứ, hầu chu toàn những bổn phận của mình đối với đoàn chiên trong giáo xứ theo như Giáo Hội muốn.
+++
1. Tương quan giữa Công Đổng
Công Đồng Vatican II và Bộ Giáo Luật mới có liên quan hết sức chặt chẽ với nhau.
Ngày 25.01.1959, khi tuyên bố triệu tập Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng tuyên bố việc cải tổ lại Bộ Giáo Luật của năm 1917.
Trong phiên họp ngày 12.11.1963 của Công Đồng Vatican II, các Nghị Phụ nhận thấy rằng: công việc cải tổ Bộ Giáo Luật phải đợi cho đến khi Công Đồng bế mạc, mới làm được, bởi vì Bộ Giáo Luật mới nầy cần phải được căn cứ vào những nguyên tắc và những gợi ý của Công Đồng mang lại.
Sau khi Công Đồng Vatican II bế mạc (1965), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đưa ra nguyên tắc làm việc sau đây của Ủy Ban Cải Tổ Bộ Giáo-Luật mà Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thành lập ngày 28.3.1963.
Nguyên tắc là: phải tìm cách đem tất cả những Hiến Chế, những Sắc Lệnh của Công Đông Vatican II vào trong Bộ Giáo Luật mới, vì Công Đồng Vatican II có một nền giáo lý mớ mẻ về Giáo-Hội và có nhiều điểm mới mẻ khi bàn về các tu viện, các tổ chức mới… Mục đích là để làm sao cho Bộ Giáo Luật mới nầy trở nên một thành phần bổ túc cần thiết cho Công Đồng Vatican II. Vì thế, trong Sắc-Lệnh “Kỷ Luật Thánh” (Sacrae Disciplinae) công bố Bộ Giáo Luật mới nầy, ngày 25.01.1983, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nói rằng Bộ Giáo Luật mới nầy hoàn toàn phù hợp với giáo lý của Công Đồng Vatican II nói chung.
Có thể nói rằng Bộ Giáo Luật mới nầy là một cố gắng vĩ đại để dịch giáo lý về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II ra ngôn ngữ của pháp luật. Và cũng có thể nói rằng Bộ Giáo Luật mới nầy bổ túc cho Công Đồng Vatican II, đặc biệt về những gì liên quan đến hai Hiến Chế về Giáo Hội, Ánh Sáng Muôn Dân (hiến chế tín lý về Giáo Hội) và Vui Mừng và Hy Vọng (hiến chế mục vụ về Giáo-Hội ).
+++
2. Định nghĩa Linh Mục Quản Xứ
Điều luật 519 định nghĩa rõ Linh mục quản xứ:
“Linh mục quản xứ là vị chăn dắt đặc biệt của giáo xứ, được Đức Giám Mục giáo phận giao phó, vì thế, ngài thi hành việc chăn dắt cộng đoàn giáo xứ dưới quyền của Đức Giám Mục giáo phận là đấng đã kêu gọi ngài thông phần vào thừa tác vụ của Đức Kitô để phục vụ cộng đoàn giáo xứ trong khi thi hành phận vụ giảng dạy, thánh hóa và cai trị cộng đoàn giáo xứ.”
Qua định nghĩa nầy, chúng ta thấy Bộ Giáo Luật nêu lên rõ ràng mối tương quan giữa Đức Giám Mục và các linh mục quản xứ trong giáo phận, và những điều nầy đã được Công Đồng Vatican II nói đến rõ ràng trong Hiến chế về Phụng Vụ (Thánh Công-Đồng, 42), trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ Giám mục (Chúa Kitô, 11), và đặc biệt trong Hiến chế về Giáo Hội (Ánh Sáng Muôn Dân, 28).
Theo Hiến chế về Giáo Hội (Ánh Sáng Muôn Dân, 28), linh mục quản xứ là cộng sự viên khôn ngoan của Đức Giám Mục giáo phận, phụ tá và là dụng cụ của Đức Giám Mục, hiện thân của Đức Giám Mục trong giáo xứ.
Linh mục quản xứ phải luôn luôn liên kết với Đức Giám Mục giáo phận với lòng tin tưởng và lòng quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ do Đức Giám Mục trao phó, chia sẻ những nỗi lo lắng của Đức Giám Mục, và hằng ngày, ân cần thi hành chức vụ mình đã lãnh nhận từ Đức Giám Mục.
Dưới quyền Đức Giám Mục giáo phận, linh mục quản xứ thánh hóa và dìu dắt một phần đàn chiên Chúa được trao phó cho mình, làm cho người ta thấy được Giáo Hội phổ quát ngay tại địa phương, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Toàn Thể Đức Kitô.
Vì tham dự vào chức linh mục và vào sứ mệnh của Đức Giám Mục giáo phận, linh mục quản xứ phải thật sự xem Đức Giám Mục Bản Quyền của mình như một người cha và phải kính cẩn vâng phục ngài.
Trước mặt giáo dân trong giáo xứ mình, linh mục quản xứ nổi bật vì đức trinh khiết, vì đức khó nghèo, và nhất là, nổi bật vì đức vâng phục đối với Đấng Bản Quyền của mình.
Đức tuân phục của linh mục đem lại nhiều ích lợi cho Giáo-Hội, và ngược lại, sự bất tuân của linh mục gây cho Giáo Hội nhiều thiệt hại. Khi còn tuân phục Giáo-Hội, khi còn trung thành với Giáo Hội, linh mục Lammenais hứng khởi viết về Giáo-Hội là Mẹ của mình ở trên trần gian, cũng như Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của mình ở trên thiên đàng: “Tôi có Hai Mẹ, một Mẹ dưới trần gian, một Mẹ trên thiên đàng“. Nhưng khi không còn tuân phục Giáo Hội nữa, linh mục nầy phản lại Giáo Hội và viết trong tờ trối một câu rùng rợn về Đức Mẹ Maria: “Khi chôn ta, không được đọc một kinh Kính Mừng nào trên mộ ta”.
Việc Đức Tổng Giám Mục Fénelon tùng phục Đức Giáo Hoàng Inôsentê XII, đã để gương vâng phục rạng rỡ lại cho hàng giáo sĩ.
Đức Cha Fénelon, tổng giám mục danh tiếng của giáo phận Cambrai nước Pháp vào đầu thế kỷ XVIII, được mọi người thán phục và kính nể vì thông thái và đạo đức. Ngài sáng tác cuốn sách thiêng liêng rất hay, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của các thánh” (Explication des maximes des Saints).
Ngày kia, khi sắp lên tòa giảng để giảng một bài quan trọng trước đông người đang thán phục, ngài được tin Đức Giáo Hoàng Inôsentê XII đã lên án cuốn sách của ngài và cấm lưu hành.
Đến giờ giảng, ngài vẫn bình tĩnh bước lên tòa giảng, nhưng không phải để giảng bài ngài dọn, mà để giảng một bài về sự tuân phục đối với Giáo-Hội. Ngài nói: “Đức Thánh Cha đã lên án cuốn sách của cha. Cha xin hoàn toàn tuân phục quyền bính Giáo Hội cho đến chết để làm gương cho anh em”. Và để tỏ lòng tuân phục công khai một cách khiêm nhượng, ngài cho khắc cảnh thiên thần đang dày đạp dưới đất những tác phẩm bị Giáo Hội lên án, trong đó có cuốn sách của ngài, cuốn “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của Các Thánh”.
3. Những điều kiện để trở thành một Linh Mục Quản Xứ
Sau khi định nghĩa thế nào là một linh mục quản xứ, Bộ Giáo-Luật mới đưa ra bốn điều kiện để trở thành một linh mục quản xứ (điều luật 521).
Một là, phải vượt trổi về mặt giáo lý tinh tuyền.
Trước hết, linh mục quản xứ phải vượt trổi về mặt giáo lý, nghĩa là linh mục quản xứ phải hơn người trong lãnh vực chuyên môn của mình, là lãnh vực đức tin. Thánh Salêxiô ví sự thông thái như con mắt của linh mục để thấy đường mà đi và để dẫn đường cho kẻ khác thấy mà đi. Công Đồng Tôlêđô, đầu thế kỷ VII, khẳng định rằng: “Linh mục phải là kẻ không được ngu dốt”.
Muốn có một nền giáo lý vượt trổi, linh mục quản xứ nào cũng cần phải hằng ngày học hỏi thêm luôn. Và điều nầy, Đức Giám Mục giáo phận phải hết sức nâng đỡ các linh mục trong giáo phận phận ngài thực hiện cho được, kẻo các linh mục của ngài bị tụt hậu.
Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Mercier bắt buộc các linh mục trong giáo phận ngài mỗi ngày phải ngồi vào bàn làm việc trong ít nữa là hai tiếng đồng hồ để học hỏi thêm, để nghiên cứu thêm.
Còn Đức Giám Mục Bossuet tuy rất thông thái, nhưng ngày nào cũng ngồi trong phòng làm việc để học hỏi thêm. Ngài thường nói chơi với bổn đạo: “Cha học hành chưa đủ“. Vì thế, một giáo dân kia thương hại ngài và ao ước: “Chớ gì giáo phận chúng ta có một Đức Cha học hành cho đủ. Đức Cha chúng ta học hành chưa đủ, nên ngày nào, ngài cũng phải học thêm!”.
Linh mục quản xứ phải có một nền giáo lý vượt trổi, nhưng nền giáo lý vượt trổii nầy phải là một nền giáo lý tinh tuyền, đi đúng theo con đường đức tin ngàn đời của Giáo Hội.
Đọc lịch sử GiáoHội, chúng ta thấy phần lớn những nguyên do gây đau thương cho Giáo Hội là vì có những giám mục, linh mục, tu sĩ, vì không có một nền giáo lý tinh tuyền vượt trổi, nên đã chủ trương nhiều điều sai lạc và gây nhiều thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội. Chúng ta hãy kể ra một vài trường hợp: Đức Giám Mục Nestôriô chủ trương Đức Mẹ Maria không phải là Mẹ của Thiên Chúa, linh mục Ariô chủ trương Ngôi Hai không đồng bản tính với Đức Chúa Cha, tu sĩ Lutêrô chủ trương không chấp nhận quyền bính của Giáo-Hội …..
Hai là, phải vượt trổi về mặt đạo đức thánh thiện.
Phải vượt trổii về mặt đạo đức thánh thiện. Đây là điều kiện quan trọng hơn hết của một linh mục quản xứ.
Kinh nghiệm đau đớn của lịch sử Giáo Hội cho thấy: linh mục thông thái mà không đạo đức thánh thiện thì trước sau gì cũng phản lại Giáo Hội, hoặc không phản lại thì cũng gây ra nhiều gương xấu nặng nề cho Giáo Hội.
Đọc câu truyện sau đây, chúng ta thấy buồn cười, nhưng chúng ta nhận thức được chân lý quan trọng về người đứng ra phục vụ Giáo Hội phải là người đạo đức thánh thiện trước hết. Số là, năm 1904, khi Đức Hồng Y Sêlêxiô, Tổng Giám Mục Palermo, qua đời. Một phái đoàn đạo và đời của thành phố nầy đến Rôma, xin gặp Đức Thánh Cha Piô X để trình lên nguyện vọng có một tân Tổng Giám Mục Palermo có bằng tiến sĩ thần học. Nhớ lại con đường ơn kêu gọi của mình, Đức Thánh Cha Piô X trả lời một cách gián tiếp:
– “Cha biết có một linh mục, khi được làm cha sở, không có bằng cấp gì; khi được đặt làm kinh sĩ, cũng không có bằng cấp gì; khi được đặt làm Giám Mục, cũng không có bằng cấp gì; khi được chọn làm Giáo Hoàng, cũng không có bằng cấp gì. Và đó, chính là Cha đang nói với các con đây”.
Đức Giáo Hoàng Piô X muốn dạy cho mọi người biết: điều quan trọng trước nhất của một người đứng ra lãnh đạo Giáo Hội, phải là sự đạo đức thánh thiện.
Ba là, phải có lòng nhiệt thành lo cho các linh hồn.
Các nhà tu đức sánh linh mục không nhiệt thành như một dòng suối khô cạn, không có nước, như một ngôi sao bị tắt, không có ánh sáng, như một thây chết bất động, không có sự sống.
Lòng nhiệt thành là điều tất yếu của một linh mục đạo đức thánh thiện. Linh mục nào đạo đức thánh thiện thì thế nào cũng tràn đầy lòng yêu mén Chúa và hăng hái đem tình yêu Chúa đi nung đốt tha nhân.
Trên mộ Đức thánh Giáo Hoàng Piô X, có khắc câu tiếng Latinh được dịch ra như sau: “Nghèo và Giàu – Dịu Dàng và Khiêm Nhượng trong lòng – Chiến Thắng mạnh mẽ những cuộc tấn công vào Giáo-Hội – Ngài đã cố gắng trong mọi thể cách để tái tạo mọi sự trong Chúa Kitô”. Tái Tạo Mọi Sự Trong Chúa Kitô (Instaurare Omnia In Christo) là khẩu hiệu của Đức Giáo Hoàng Piô X.
Bốn là, phải có tư cách cần thiết theo luật dạy.
Luật chung cũng như luật riêng, đòi buộc linh mục phải là một con người có đầy đủ tư cách về mặt nhân bản, cũng như về mặt thiêng liêng. Những tư cách nầy đem lại uy tín cho linh mục, làm cho linh mục được người ta quý mến, và nhờ đó, công việc tông đồ của ngài được kết quả.
Chúng ta chỉ lôi kéo được những ai yêu mến chúng ta mà thôi. Một thanh niên Ý phạm tội sát nhân, sắp bị đem đi xử tử. Linh mục Cafasso được mời đến để gặp thanh niên nầy trong những giây phút cuối cùng của đời anh. Gặp được một linh mục trong lúc sắp chết là một hồng ân lớn lao Chúa ban. Sau buổi gặp gỡ, thanh niên nầy khóc nưc nở, hôn tay linh mục Cafasso và thổn thức nói: “Nếu khi còn nhỏ, con gặp được một linh mục như cha!”.
4. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với Lời Chúa
Linh mục quản xứ phải làm sao cho Lời Chúa được rao giảng toàn diện cho tất cả mọi hạng người trong giáo xứ, vì thế, ngài phải lo lắng cho giáo dân được dạy dỗ trong chân lý của đức tin, nhất là qua bài giảng ngày Chúa nhựt và Lễ buộc (homelia) và qua công việc dạy giáo lý thường xuyên hằng tuần của ngài.
Linh mục quản xứ hãy làm sao thúc đẩy và nâng đỡ những hoạt động làm sống động tinh thần Phúc Âm, ngay cả trong lãnh vực công bình xã hội. Ngài hãy đặc biệt lo lắng đào tạo các thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên nam nữ . Với sự cộng tác của giáo dân, ngài hãy cố gắng trong mọi cách để đem Phúc Âm đến cho những kẻ không sống đạo hoặc không tuyên xưng đức tin chân thật (điều 528,1).
Trong điều luật 528,1 nầy, Bộ Giáo Luật nói đến bổn phận của linh mục quản xứ trong vấn đề dưỡng giáo (giảng Lời Chúa trong ngày Chúa nhựt và Lễ buộc; thường xuyên dạy giáo lý cho mọi hạng người trong giáo xứ) và trong vấn đề truyền giáo (tìm đủ cách để đem Lời Chúa đến cho những kẻ xa Chúa).
Dọn bài giảng ngày Chúa nhựt (homelia) là một công việc chiếm nhiều thời giờ của linh mục quản xứ trong tuần. Có người hỏi một cha sở kia: “Cha dọn bài giảng ngày Chúa nhựt khi nào? ” – “Tôi dọn ngay trong buổi tối ngày Chúa nhựt, nghĩa là vừa giảng xong bài giảng ngày Chúa nhựt nầy, thì tôi dọn ngay bài giảng ngày Chúa nhựt sau.”
Dạy giáo lý là công việc của linh mục quản xứ phải làm hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm với mọi thành phần giáo dân trong giáo xứ. Đừng để một thành phần nào trong giáo xứ mà không được nghe linh mục quản xứ dạy giáo lý, nếu không nghe được hằng tuần, thì phải nghe được hằng tháng, hoặc hằng tam cá nguyệt hay lục cá nguyệt, như các thành phần trung niên, lão niên.
Đến Ars, thấy giáo dân không biết giáo lý, cha Vianê bắt tay ngay vào việc dạy giáo lý, đặc biệt là ngài dạy giáo lý cho toàn thể giáo xứ lúc 13giờ mỗi ngày Chúa nhựt, và ngài luôn trung thành với việc dạy giáo lý hằng tuần nầy trong suốt 27 năm.
Linh mục quản xứ đừng hoàn toàn phó mặc việc dạy giáo lý cho các tu sĩ, hoặc cho các giáo lý viên. Họ chỉ là những kẻ phụ giúp linh mục quản xứ trong việc dạy giáo lý. Linh mục quản xứ phải tự mình chủ động trong việc dạy giáo lý, phải kiểm soát gắt gao việc dạy giáo lý, phải đi thật sát và thật kiến hiệu trong việc dạy giáo lý cho giáo dân mình. Đây là vấn đề sống còn của Đức Tin, vấn đề sống còn của Giáo xứ, của Giáo phận và của Giáo Hội!
Linh mục quản xứ còn tìm đủ cách để đem Lời Chúa đến cho những ai chưa biết Chúa.
Năm 1939, tại Nữu-Ước, một tối kia, cha Hall nghe một cú điện thoại. Lạ thay, người đang nói với cha là một người mà cha chưa hề quen biết. Ông nói ông đang có chuyện buồn trong gia đình. Cho rằng ông nầy quay lầm số điện thoại, cha Hall định xin lỗi ông và gác máy. Bổng được ơn Chúa soi sáng, cha cầm chặt lấy Cây Thánh Giá trên bàn viết và dịu dàng nói tiếp: “Xin ông cứ vui lòng nói, tôi lắng nghe ông đây! ”. Sau một tiếng đồng hồ tâm sự, ông khóc nức nở và cám ơn cha rối rít. Và từ đó, bắt đầu một cuộc truyền giáo mới, truyền giáo bằng điện thoại. Mỗi tuần, cha Hall được gọi điện thoại đến ba ngàn lần. Cha được Giáo Quyền cho phép truyền giáo qua điện thoại để đem Lời Chúa đến cho bất kỳ ai cần được an ủi, giải sáng và hướng dẫn.
Và hiện nay, giữa thế giới bao la của tin học nầy, với những phương tiện truyền thông rất hiện đại và đắc lực, linh mục quản xứ nào lại không say mê dạy giáo lý và tìm đủ cách để loan truyền Lời Chúa “cho đến tận cùng trái đất”.
5. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với các Bí Tích và sự Cầu Nguyện
Giáo Luật dạy: “Linh mục quản xứ phải làm sao cho Thánh Thể cực thánh trở nên trung tâm điểm của đời sống cộng đoàn giáo xứ; ngài hãy nuôi dưỡng giáo dân bằng việc cử hành sốt sắng các nhiệm tích và đặc biệt, là làm sao cho giáo dân năng tham dự bí tích Thánh Thể và Giải Tội; ngài hãy tìm cách đào tạo tinh thần cầu nguyện nơi giáo dân, thúc giục họ cầu nguyện trong gia đình; ngài hãy làm sao cho giáo dân tham dự một cách ý thức và sống động vào Phụng Vụ thánh ” (điều 528,2).
Trong điều luật 528,2 nầy, Bộ Giáo Luật đặc biệt nói đến Thánh Thể, Thánh lễ, Giải tội, Phụng Vụ thánh và tinh thần cầu nguyện của giáo dân.
Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống cộng đoàn giáo xứ. Đây là điểm then chốt trong công việc mục vụ của linh mục quản xứ.
Nếu đoàn chiên mình không có một lòng tin mạnh mẽ sắt đá vào Chúa Giêsu Thánh Thể, thì công việc mục vụ của linh mục quản xứ không thể nào có kết quả chắc chắn và lâu dài được.
Muốn Chúa Giêsu Thánh Thể là lẽ sống của đoàn chiên mình, thì trước hết, Chúa Giêsu Thánh Thể phải là lẽ sống của Linh mục quản xứ. Giáo Luật buộc linh mục quản xứ phải ở ngay cạnh nhà thờ (đ.533,1) là để linh mục quản xứ được gần Chúa Giêsu Thánh-Thẻ và nămg thăm viếng hầu chuyện với Ngài. Gương cha sở Vianê: ngài năng viếng Chúa Giêsu Thánh Thể và luôn nhớ từng con chiên một của mình trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Bạn độc nhất của linh mục. Cha Primo Reina kể lại biến cố cảm động nầy.
Sau một thời gian truyền giáo tại Bắc Cực trong hoàn cảnh quá lạnh lẽo và cô đơn, một số linh mục thừa sai đệ trình lên Đức Thánh Cha lời thỉnh nguyện sau đây:
“Kính tâu Đức Thánh Cha, chúng con đang truyền giáo cho dân Étkimô ở Bắc Cực. Điều kiện thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Nhiều lần, chúng con bắt buộc phải đi hàng trăm cây số trên băng tuyết mà không tìm được một thôn xóm, một nhà nguyện hay một nơi trú ẩn để tạm nghỉ thể xác hoặc tinh thần. Có anh em trong chúng con, nhiều khi đi lạc giữa sa mạc tuyết mênh mông, bị bão tuyết vùi dập, sống trong đêm tối Bắc Cực dài hàng mấy tháng, không hy vọng gì được cứu thoát. Kính tâu Đức Thánh Cha, để đủ sức chống chọi lại những hoàn cảnh khắc nghiệt trên đây, chúng con xin Đức Thánh Cha cho phép chúng con mang trên ngực một hộp nhỏ đựng Mình Thánh Chúa để Chúa Giêsu Thánh Thể nuôi dưỡng linh hồn chúng con hằng ngày và ban sức mạnh cho chúng con”.
Đức Thánh Cha rất cảm động và ban phép đặc biệt đó cho các cha thừa sai Bắc Cực. Kể từ ngày đó, các Cha Trắng, tên gọi của các linh mục thừa sai Bắc Cực, mang nơi ngực một hộp nhỏ đựng Chúa Giêsu Thánh Thể, người Bạn Độc Nhất của họ giữa sa mạc tuyết lạnh mênh mông.
Thánh Lễ là công việc quan trọng nhất của đời sống linh mục.
Làm linh mục, trước hết là để “làm lễ”. Chúa Giêsu truyền cho các linh mục: “Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy ” (Lc 22,19), trước khi truyền họ: “Hãy ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho mọi người” (Mc 16,15). Nếu không làm gì được vì những lý do ngoài ý muốn của mình, mà chỉ “làm lễ” được, thì linh mục đã đạt được lý tưởng của linh mục rồi.
Trại tập trung Dachau ở Baviera, nước Đức, trong kỳ Đệ nhị Thế chiến, được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, giam giữ 2.529 linh mục thuộc 144 giáo phận của các nước đồng minh. Trại tập trung kinh khủng nầy hân hạnh có một linh mục được phong chức, và tân linh mục nầy chỉ dâng được một thánh lễ, rồi chết. Số là : Thầy Sáu Carlo Leisner, tù binh trong trại, sắp qua đời vì bệnh lao phổi nặng. Thầy ao ước được chết trong chức linh mục. Đức Cha Gabriel Picquet, cũng là tù binh, bằng lòng phong chức linh mục cho thầy. Các linh mục trong trại tập trung rỉ tai nhau tổ chức một lễ phong chức linh mục trong trại, như trong Hang Toại Đạo. Chiếc gậy Giám Mục bằng gỗ được khắc mấy chữ: “Victor in vinculis!” (Chiến Thắng Trong Gông Cùm!). Chịu chức xong, cha Carlo Leisner quá yếu, nằm liệt mê man hai tuần lễ. Khi được hồi sức đôi chút, cha được giúp để kín đáo dâng Thánh Lễ mở tay, Thánh Lễ đầu đời và cũng là Thánh Lễ cuối đời của cha.
Thế mới hay!
Thánh Lễ vô cùng cao sang!
Thánh Lễ vô cùng giá trị!
Thánh Lễ tuyệt tuyệt, vời vời!
Trong một số nhà thờ ở Âu-Châu, người ta còn có thể đọc câu sau đây ở trên bàn thờ dọn đồ lễ:
“Hỡi các linh mục đáng kính, các ngài hãy dâng Thánh Lễ nầy như thể là Thánh Lễ đầu tiên, như thể là Thánh Lễ cuối cùng, như thể là Thánh Lễ độc nhất!”
Cùng với việc dâng Thánh lễ, việc cử hành Bí Tích Giải Tội là vinh dự lớn nhất của linh mục. Đoàn chiên nào cũng biết ơn linh mục quản xứ, nhất là biết ơn vì đã được ngài tha tội để sống bình an.
Nếu được hỏi ngày nào đẹp nhất trong đời linh mục của mình, chắc có nhiều linh mục trong chúng ta trả lời ngay: “Đó là ngày dâng Thánh Lễ mở tay đầu tiên của tôi.” Nhưng một linh mục sau đây, khi được hỏi một câu như thế, đã không trả lời ngay. Ngài im lặng một chút rồi nói: “Ngày đẹp nhất trong đời linh mục của tôi, là ngày tôi thay mặt Chúa Giêsu, đọc lời tha tội đầu tiên cho người đến xưng tội với tôi: “Ta tha tội cho con, nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần ”.
Chiều kia, trong một tuần đại phúc ở
Tinh thần cầu nguyện. Linh mục quản xứ hãy làm sao cho giáo dân có tinh thần cầu nguyện trong gia đình, là điều rất quan trọng để giúp giáo dân giữ vững đức tin. Kinh nghiệm cho thấy nhiều giáo xứ không có linh mục nhưng đã giữ vững được đức tin suốt nhiều năm nhờ sự đọc kinh cầu ngiuện trong gia đình.
Trong thời kỳ Bắt Đạo tại Việt-Nam, Đức Cha Bình (Sohier) chạy trốn, và nhờ nghe một gia đình đọc kinh sáng mà xin vào núp, nên đã được thoát chết.
Sự đọc kinh tối sáng giúp cho giáo dân tội lỗi được ăn năn trở lại một cách lạ lùng. Nhân viên hỏa xa nghịch đạo sau đây được cứu rỗi nhờ đọc nữa kinh Kính Mừng mỗi tối mỗi sáng.
Số là: khi đau nặng gần chết, ông đặt khẩu súng trên bàn và nói với vợ: “Nếu bà đưa vào nhà nầy một linh mục, tôi sẽ cho nổ ba phát súng: nổ phát thứ nhất, giết linh mục; nổ phát thứ hai, giết bà; nổ phát thứ ba, giết tui ”.
Nghe vậy, cha sở run, không dám đi kẻ liệt.
Trái lại, khi nghe tin nầy, Đức Cha Socche liền quyết định đến thăm ông.
Đức Cha bước vào cửa thì bệnh nhân trừng trừng nhìn ngài và giơ tay nắm lấy khẩu súng. Đức Cha dừng lại nơi cửa và nói: “Tôi đến đây để thăm ông”. Bệnh nhân im lặng. Đức Cha nói tiếp: “Tôi có mặt ở đây, ông có bằng lòng không?”. Bệnh nhân vẫn im lặng. Đức Cha hỏi tiếp: “Tôi đi, hay ông cho phép tôi ở lại?”. Bổng bệnh nhân nói: “Xin Đức Cha ở lại!”.
Tình hình thay đổi hẳn: bệnh nhân buông súng và xin xưng tội.
Khi Đức Cha hỏi tại sao ông được trở lại một cách lạ lùngh như vâỵ, ông thú: “Không tối hay sáng nào mà con không đọc phần thứ hai của Kinh Kính Mừng”. Phần thứ hai của Kinh Kính Mừng mà ông đọc hằng ngày, đã giúp ông trở lại một cách lạ lùng!
Trước những ơn ích lớn lao của việc đọc kinh cầu nguyện cá nhân và trong gia đình, linh mục quản xứ thúc giục đoàn chiên mình đọc kinh cầu nguyện tối và sáng. Nhất là Linh mục quản xứ hãy luyện cho các em nhỏ trong giáo xứ có thói quen tốt lành nầy, thói quen đọc kinh tối kinh sáng, đọc Kinh Hôm, Kinh Mai trong gia đình.
Làm sao cho giáo dân tham dự Phụng Vụ Thánh một cách ý thức, sống động và trọn vẹn như Công Đồng Vatican II và Bộ Giáo Luật mới nhấn mạnh, cũng là điều đòi hỏi nơi linh mục quản xứ nhiều hy sinh cố gắng liên tục và nhiều sáng kiến đạo đức.
6. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với giáo dân
Đối với đoàn chiên trong giáo xứ, Bộ Giáo Luật mới đưa ra một chương trình mục vụ rất nặng nề cho linh mục quản xứ (điều 529) : ngài hãy đi thăm viếng các gia đình để biết rõ giáo dân; ngài hãy thông phần với những nổi lo lắng của giáo dân, nhất là khi giáo dân gặp đau khổ và tang tóc; ngài hãy khuyên bảo giáo dân vững lòng tin cậy vào Chúa, và nếu giáo dân có lầm lỗi điều gì, thì ngài hãy sửa chữa họ một cách khôn ngoan; ngài hãy đặc biệt yêu thương những giáo dân đau yếu, nhất là săn sóc những ai đang hấp hối để họ được chịu các phép bí tích; ngài hãy đặc biệt lo lắng cho những giáo dân nghèo khổ, bệnh tật, đau đớn, cô đơn, tù đày và tất cả những giáo dân nào đang gặp khó khăn; ngài hãy làm sao cho các vợ chồng và cha mẹ được nâng đỡ trong việc chu toàn bổn phận của họ và làm cho đời sống kitô-hữu trong gia đình họ được tăng truởng; ngài hãy nhìn nhận và giúp đỡ vai trò của các giáo dân trong sứ mạng của họ đối với Giáo Hội bằng cách nâng đỡ các hội đoàn liêng liêng của họ; ngài hãy làm sao cho giáo dân biết rằng họ cũng là phần tử của Giáo Phận và của GiáoHội toàn cầu, vì thế, hãy tìm cách dạy họ thông hiệp với Giáo Phận và Giáo Hội toàn cầu.
Những điều vừa nói trên đây của Bộ Giáo-Luật (điều 529) đã được Công Đồng Vatican II đề cập đến một cách đặc biệt trong các chương nói về giáo dân (Ánh Sáng Muôn Dân, IV), nói về sự kêu gọi mọi người nên thánh trong Giáo-Hội, nói về hôn nhân và gia đình (Vui Mừng và Hy Vọng, II). Những điều nầy nói về giáo xứ phải thông hiệp với Giáo phận và Giáo-Hội: trong giáo xứ, “linh mục, tu sĩ và giáo dân hãy chung nhau làm phát triển đời sống Dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục riêng của mình” và phải làm sao để “cảm thông và sống với toàn thể Giáo Hội”.
Linh mục quản xứ hãy yêu thương giáo dân, nhất là những giáo dân chống đối mình. Monêta, một kẻ nghịch đạo, dùng một tên giả để viết một cuốn sách chống lại Đức Giám Mục Sarto ở Mantova. Ông ta bị lột mặt nạ. Giáo dân đòi kiện, nhưng Đức Cha Sarto dịu dàng nói: “Ông ta cần lời cầu nguyện hơn là hình phạt ”. Và khi biết được Monêta bị phá sản, Đức Cha Sarto nhờ một bà đạo đức đem đến giúp ông ta một số tiền.
Linh mục quản xứ hãy biết ơn giáo dân vì có rất nhiều người trong họ, ngày đêm, cầu nguyện và hy sinh cho ngài. Thường anh em linh mục chúng ta nhấn mạnh nhiều đến sự chủ chăn hy sinh cho đoàn chiên, mà không, hoặc ít đề cập đến sự đoàn chiên hy sinh cho chủ chăn. Tại Ấn-Độ, cha Planchard đau dịch tả. Ông Sossai lo cho cha lành. Cha tiếp mắc bệnh thương hàn. Ông Sossai lo cho cha lành. Cha tiếp mắc bệnh đậu mùa. Ông Sossai lo cho cha lành. Và Sossai lây bệnh nguy hiểm của cha. Trước khi hấp hối, ông Sossai sung sướng nói: “Cha sống được là tuyệt vì cha cần cho các linh hồn”.
7. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với ơn gọi linh mục
Công Đồng Vatican II và Bộ Giáo Luật mới kêu gọi tất cả cộng đoàn kitô-hữu phải ấp ủ và nuôi dưỡng các ơn gọi để có thể thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của thừa tác vụ thánh trong toàn thể Giáo-Hội. Theo Công Đồng Vatican II và Bộ Giáo Luật, đây là bổn phận đặc biệt của các gia đình công giáo, của các nhà giáo dục, và cách riêng, là bổn phận của các linh mục, nhất là các linh mục quản xứ (điều 233,1).
Chính gương tốt của linh mục trong cuộc đời tận hiến hy sinh của mình, gieo mầm ơn gọi.
Cuối Thế chiến thứ nhứt, trong một trường tiểu học ở Bỉ, giáo viên ra một đề bài: “Khi lớn lên, em sẽ làm gì ”. Trong bài trả lời của mình, một em nhỏ viết: “Khi lớn lên, em muốn trở thành linh mục.”
Muốn biết vì sao một em tiểu học còn nhỏ, lại có một ý tưởng lạ lùng như thế, giáo viên hỏi lý do. Em nhỏ đơn sơ cho biết: “Khi cha em đi lính, mẹ em ở nhà không có gì ăn. Một ngày kia, mẹ em, em và em em quá đói. Cha sở già đến thăm nhà em, mang tặng mấy ổ bánh mì. Nhờ đó, mẹ em, em và em em khỏi chết đói. Vậy khi lớn lên, em cũng muốn làm linh mục để mang bánh lại cho những ai đói.”
Linh mục luôn thao thức về ơn gọi linh mục, nhưng linh mục không bao giờ ngã lòng về ơn gọi linh mục, vì đây là ơn Chúa gọi, chứ không phải là ơn người đời gọi, vì đây là ơn thiên triệu, chứ không phải là ơn nhân triệu. Chúa quan phòng ơn thiên triệu một cách rất diệu kỳ!
Năm 1852, cha Duffo ở New Orleans, Hoa Kỳ, đi vào tiệm bán đồ, gặp một thanh niên 17 tuổi đang đứng bán. Mua đồ xong, cha hỏi anh nầy một câu bất ngờ: “Anh muốn làm linh mục không?” – “Thưa cha, con biết làm sao được ? Con lo giúp việc đây suốt ngày. Con không rãnh được chút nào hết.” – “Nhưng ban đêm, con đến, cha dạy cho.”.
Thanh niên đó, sau nầy trở thành Linh mục, trở thành Giám Mục, trở thành Hồng Y Tổng Giám Mục Baltimore, với danh hiệu James Gibbons, được toàn thế giới biết tiếng.
Ơn Chúa gọi thật lạ lùng ! Và hạnh phúc cho ai, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm cho Giáo Hội có thêm một vài kẻ đi chinh phục linh hồn người ta!
8. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với sổ sách và tài liệu trong giáo xứ
Linh mục quản xứ nào cũng phải gìn giữ sổ sách và các tài liệu trong giáo xứ của mình cho thật tử tế (điều 535).
9. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với vấn đề cư trú
Linh mục quản xứ bắt buộc phải ở trong nhà cha sở, bên cạnh nhà thờ, trừ trường hợp đặc biệt.
Mỗi năm, linh mục quản xứ được phép vắng mặt một tháng để đi nghỉ, hoặc vắng một tháng liên tục, hoặc vắng đứt khoảng.
Trường hợp vắng mặt quá một tuần, linh mục quản xứ cần phải tin cho Đấng Bản Quyền biết (điều 533,2).
Bồi bổ năng lượng, phục hồi năng lượng, là điều rất cần thiết cho anh em linh mục quản xứ chúng ta. Chúng ta hãy đi nghỉ hằng năm để sức khỏe được gia tăng theo ý Giáo Hội.
10. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với pháp luật
Linh mục quản xứ là vị đại diện chính thức của giáo xứ trước pháp luật (điều 532).
+++++++++++++
Giáo Hội là Mẹ, Mẹ đặc biệt của linh mục.
Những gì cha mẹ đưa ra, người con hiếu thảo nào cũng vui lòng tuân giữ với tâm tình yêu mến.
Hơn ai hết, linh mục quản xứ tuân giữ Giáo Luật với lòng yêu mến Giáo Hội vì lý tưởng của linh mục là làm sao,
khi sống, thì sống cho Giáo Hội,
và khi chết, thì được chết trong lòng Giáo Hội.
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang