Lời đáp ứng của đời thánh hiến hệ tại trước tiên ở việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người.
(TH, số 89)
Thánh Phanxicô đã gọi đức thanh khiết là “hoa huệ của các nhân đức, nâng con người gần ngang bậc thiên thần”[1]. Đó là nhân đức giúp cho chúng ta nên “tốt đẹp cả xác hồn” vì phàm cái gì đẹp đều trong sạch và sự trong sạch của loài người là đức thanh khiết. Thánh nhân còn đi xa hơn khi phân biệt ba cấp độ thanh khiết: 1) xa tránh mọi khoái lạc bị cấm; 2) giảm bớt những khoái lạc vô ích, dư thừa bao nhiêu có thể; 3) không để lòng quyến luyến tới các lạc thú, dù đó là những vui thú cần thiết.[2]
Cách phân tích về “khiết tịnh” trên đây có thể là tiêu biểu cho cách nói về khiết tịnh, nhấn vào ý nghĩa “tiêu cực” (negative) với khoái lạc, diệt bỏ, chế ngự, tiết giảm bao nhiêu có thể, thậm chí khinh miệt, ghê tởm các điều đó. Dù không coi nhẹ những lời khuyên tu đức của các thánh về những khổ chế cần thiết cho đời khiết tịnh, chúng ta cố gắng để nhìn cách tích cực hơn dưới lăng kính tình yêu.
Động lực tình yêu
Lời khấn khiết tịnh mang một tầm vóc đặc biệt bởi một đàng, đó là lời khấn duy nhất mang nội dung bất di dịch cho mọi hình thức thánh hiến tu trì qua mọi thời đại, và đàng khác, đó cũng là lời khấn, với nghĩa vụ độc thân kèm theo, có tính chất “lời khuyên Phúc Âm” nhất theo nghĩa chặt của ngôn từ[3]. Có lẽ cũng chính vì thế mà thay vì sắp xếp theo trình tự cổ điển (thanh bần, khiết tịnh, vâng phục), các văn kiện Công đồng đã đặt lời khấn này lên trước, bởi đó là lời khuyên được Chúa Giêsu kêu mời rõ ràng nhất (x. Mt 19,12), được thánh Phaolô nhấn mạnh nhất (1 Cr 7, 32-35), được nhìn nhận và tuân giữ như một hình thức của cuộc sống tận hiến sớm nhất (x. Cv 21,9)[4].
Theo Kinh Thánh, đó là một lối sống do Chúa ban ơn, để dấn thân vì Nước Trời (phục vụ và bị thu hút), tới mức sẵn sàng “ghét” bỏ tất cả (x. Lc 14,26-27), hầu thảnh thơi phục vụ Giáo hội, sống đẹp lòng Chúa, nên thánh, thuộc trọn về Chúa và nên tất cả mọi sự cho mọi người (x. 1 Cr 7, 32-35)[5]. Lối sống đó là một hồng ân Chúa ban cho một số người, nhằm hoạ lại đời sống trinh khiết của Chúa Kitô để phục vụ Nước Trời. Điều đó giả thiết tình yêu muốn bắt chước Chúa Kitô và trao phó tất cả nghị lực con tim của mình để đi theo Ngài. Đời sống đó biểu lộ những giá trị vĩnh cửu thời cánh chung khi mà người ta “sống như các thiên thần”.[6]
Công đồng cũng khẳng định lời khấn khiết tịnh là “ân huệ nổi bật” làm nguồn mạch và dấu chỉ sự thánh thiện của Giáo hội, là “dấu chỉ và động lực của đức ái” (x. GH 42), là “dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời”, là dấu chỉ sáng chói của giao ước mới và hôn nhân mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Giáo hội (DT 12).
Khiết tịnh nhiều khi được diễn tả dưới nhiều hình thức như: độc thân, khiết tịnh hoàn hảo, đồng trinh, tiết dục, đời sống trinh bạch, đức sạch sẽ, thanh khiết, trinh khiết… nhưng danh xưng được dùng nhiều hơn cả vẫn là “khiết tịnh”. “Khiết tịnh” (castitas, bởi castus: trong sạch, không ô uế) là nhân đức giúp tiết chế ước vọng những khoái lạc dục tính dựa vào những nguyên tắc của đức tin và lý trí đúng đắn. Trong đời sống thánh hiến, đó là sự hy sinh ước vọng ấy cách tự nguyện và hoàn toàn.[7]
Dưới lăng kính tình yêu, chúng ta biết “sự hy sinh tự nguyện và hoàn toàn” đó phát xuất từ tình yêu, bị thu hút bởi tình yêu tuyệt đối của Chúa và muốn dâng hiến cho tình yêu đó qua việc dấn thân thể hiện tình yêu đó cho mọi người. Chính tình yêu Thiên Chúa đem lại cho đức khiết tịnh ý nghĩa trọn vẹn cũng như tăng cường tình yêu huynh đệ. Tinh thần sẵn sàng phục vụ tha nhân bắt nguồn từ sự tận hiến cho Thiên Chúa.[8]
Chính vì thế, không được lựa chọn sống khiết tịnh vì những lý do ích kỷ (sợ trách nhiệm, ngại gánh nặng gia đình, muốn thoải mái tụ do) hay những lý do bệnh hoạn (khinh miệt hôn nhân, ghét người khác phái, không có khả năng sống chung, hận đời, thất tình…), mà cần khơi nguồn từ những động lực siêu nhiên chính đáng của một tình yêu trong sáng: thuộc trọn về Chúa và sống cho riêng Người. Đó là một quà tặng vô giá của Chúa và cũng là kết quả của một hành vi tình yêu chuyên nhất cà một cuộc chinh phục không ngừng, được xây trên nền tự do và được bảo vệ bằng sự tự chủ.[9]
Động lực đàng sau tình yêu của một người thánh hiến cho Chúa để sống khiết tịnh cũng không phảỉ là một bản năng hoặc một sư thu hút nhân loại, để rồi sau đó sẽ được thăng hoa hay siêu nhiên hoá, nhưng là một nền tảng linh thánh. Khỏi nguồn và cùng đích đều là tình yêu họ dành cho Chúa. Ngay cả khi họ quan tâm đến tha nhân, thì đó cũng là biểu hiệu tình yêu họ dành cho Chúa. Họ hướng tình yêu nhân loại trọn vẹn cho Chúa, và từ Chúa, họ hướng lại với tha nhân để yêu tha nhân bằng con tim của Chúa như Chúa đã yêu và chi vì Chùa mà yêu.[10]
Tình yêu trong sáng
Như vậy, việc sống lời khấn khiết tịnh làm nên chứng tá về tình yêu thuần khiết vô biên, vô điều kiện, vô vị lợi mà Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu con người cần đáp trả và cần thể hiện đối với nhau. “Khiết tịnh tận hiến nhắc lại cuộc duyên tình (giữa Chúa Kitô và Giáo hội) một cách trực tiếp hơn và làm cho mối tình ấy vươn đến một cao độ mà lẽ ra mọi tình yêu nhân loại phải gắng đạt tới… Khiết tịnh chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa được đề cao hơn hết…” (CT 13). Quả thực, lời khấn khiết tịnh mở rộng con tim người thánh hiến, giúp họ “đạt đến chiều kích của con tim Đức Kitô và làm cho nó có thể yêu mến như Người đã yêu” (XPL 22).
Trong đêm tối của “văn hoá hưởng thụ” vốn đang tháo thứ những quy luật đạo đức khách quan về tính dục, thì việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo loé sáng lên như một “chứng tá về quyền năng của Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của mong manh phận người” (TH 88). Đây chính là một trong “những chứng tá cần thiết cho hôm nay hơn bao giờ hết” để minh chứng sức mạnh phi thường của tình yêu Thiên Chúa và đáp ứng nhu cầu thèm khát sự trong sáng ngày càng tăng trong mối quan hệ giữa người với người (x. TH 88)[11].
Bối cảnh xã hội hôm nay xem ra không mấy ủng hộ người thánh hiến trong lối sống khiết tịnh, khi bị ảnh hương bởi chủ nghĩa hưởng thụ, “cách mạng tình dục”, tự do quá trớn, đề cao khoái lạc, ưa chuộng tiện nghi, tôn thờ bản năng, tháo thứ về luân lý…[12] Và điều đó càng đòi hỏi một tình yêu đậm đà và trong sáng hơn bao giờ hết, để có thể vượt lên sức ép của “số đông”, cơn bão của “trào lưu buông thả”, mà toả sáng nét đẹp trinh trong của huệ trắng giữa một môi trường ô nhiễm bùn lấy.
Sự trong sáng thể hiện trong tính vô vị lợi và quảng đại của tình yêu. Yêu người trong chiều kích vô điều kiện và phổ quát của trái tim Thiên Chúa, yêu người hoàn toàn vì lợi ích đích thực và lâu bên của họ, yêu người tới mức quên đi chính mình và sẵn lòng chịu thiệt thòi vì lợi ích của anh chị em. Nói cách khác, tình yêu trong sáng là tình yêu và Chúa Ki tô đã thể hiện cho nhân loại, một tình yêu không tìm mảy may chiếm hữu, tư lợi, không bóng dáng vụ lợi ích kỷ, nhưng tìm lời ích của người khác và để phục vụ, noi gương Đấng đã yêu thương tới mức hy sinh tính mạng vì anh em mình.
Tình yêu trao ban quảng đại
– “Khiết tịnh là yêu thương” [13].
“Khiết tịnh là yêu thương, yêu thương một cách say đắm… Đức khiết tịnh là tình yêu của tình yêu, của tình yêu nhân linh tràn đầy nơi đó, tinh thần và thể xác nối kết nhau…”.
Độc thân khiết tịnh nếu được nhận thức và thực thi cách tích cực, thì cũng là một con đường tình yêu. Khiết tịnh “vì Nước Trời”, tự bản chất, là phẩm tính cao nhất của tình yêu: một tình yêu trao ban cách quảng đại và tự hiến, vô vị lời và rộng mở, hiến mình trọn vẹn cho Chúa và cho anh chị em[14].
– “Trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22). Nếu như trong quá khứ người ta có xu hướng nhấn mạnh tới chiều kích khổ chế, kỷ luật và thánh hóa bản thân, thì ngày nay người ta có khuynh hướng lưu ý tới chiều kích thần học của khiết tịnh, diễn tả khiết tịnh trong tương quan với cộng đoàn và sứ vụ[15]. Độc thân không hẳn phải là từ chối tình cảm hoặc tình yêu. Độc thân cũng không hủy bỏ tính dục của con người. Đó chỉ là một cách thức chuyên biệt để ta sống tính dục của mình thôi. Độc thân khiết tịnh là sống tình yêu triệt để mà không cần qua trung gian tính dục. Đó là một tình yêu được trao tặng cách tự do, dâng hiến cách quảng đại, vươn tới sự tinh ròng và phổ quát của tình yêu Thiên Chúa[16].
Kết luận:
“Khiết tịnh duyên dáng”[17].
Xin được trích dẫn đoạn kết của cuốn sách “Vì Nước Trời: độc thân khiết tịnh” như là một chia sẻ đắc ý về đức khiết tịnh, khiết tịnh như một “đức” tỏa hương và chiếu sáng:
“Vấn đề căn bản của con người, suy cho cùng quy về hai chữ tình yêu… Đã đến lúc phải khám phá lại ‘nghệ thuật yêu đương’… (theo nghĩa) nghệ thuật sống: sống xứng đáng với thiên chức làm người, như một thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên vì tình yêu và được kêu mời đến tình yêu…”
Độc thân. Nhưng không phải thứ độc thân vị kỷ, trốn tránh, kìm nén, cứng nhắc, co quắp, sợ hãi, nuối tiếc, nhưng là một sự độc thân “uyển chuyển nhẹ nhàng, với niềm vui và nụ cười” (Jean Guitton). Nói cách khác, đó là sự “độc thân duyên dáng”, theo nghĩa “gratia”: tràn đầy ân sủng và vẻ đẹp. Đó là đời độc thân với “nét đẹp” nội tâm, “chiếu tỏa dung mạo và phong cách của một con người cao quý”, với “nét sáng của tình yêu vô vị lợi, của lòng vị tha, của từ tâm và nhân hậu nơi một con người biết quên mình sống cho tha nhân”.
Ước chi chúng ta được Chúa ban cho ân sủng khiết tịnh duyên dáng để lan tỏa nét sáng và vẻ đẹp của tình yêu, hầu cho mọi người thấy được rằng Thiên Chúa là tất cả đối với chúng ta, và rồi họ có thể nhận ra nơi chúng ta “nụ cười Thiên Chúa” dành cho họ…
Gợi ý: Suy xét lại cách sống khiết tịnh của ta:
– Có quá thiên về “tiêu cực”?
– Lý do sống khiết tịnh là gì?
– Dấu hiệu của đời sống khiết tịnh hạnh phúc…
– Các phương thế cho đời khiết tịnh…
Trích TRẦN NGỌC ĐĂNG, Thắp sáng đời dâng hiến, Tủ sách Ra Khơi 2015, tr. 38-45
(WGP.Bùi Chu 20.05.2015)
[1] Thánh Phanxicô đỜ Xan, Sống thánh giữa đời, Bản dịch của Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn, UBĐKCG Tp. HCM 1994, chương 12, 194t.
[2]Ibidem, 194-195.
[3] X. S. M. Schneiders, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, 93-94. Xt. P. Provera, Catechismo dei voti religiosi, Bản dịch Việt ngữ của Phạm Duy Lễ, Thánh hiến cuộc đời. Giáo cương lời khấn tu trì dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II, s.e. & s.a., tr. 116-122. Xét về nghĩ vụ pháp lý thì bất di dịch, nhưng xét về động lực và lý thuyết thì lại khá đa dạng. Đàng khác, theo nghĩa rộng, khiết tịnh (castitas) là lời mời gọi cho mọi người. X. Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, tr. 452-462.
[4] X. Elio Gambari, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ, tr. 335.
[5] X. Phan TẤn Thành, sđd, tr. 455-481.
[6] X. Ibidem, 469-470.
[7] X. J. A. Hardon, “Khiết tịnh” (Chastiy), trong Từ điển Công Giáo phổ thông, Image Books, NY 1985, bản dịch Việt ngữ, tập II, 42-43.
[8] E. Gambari, Sđd, bản dịch tiếng Việt, tr. 338.
[9]Ibidem, tr.338.
[10]Ibidem, tr. 340.
[11] Để có cái nhìn tổng thể và về đức khiết tịnh có thể xem A. A. Rodriguez – J. C. Rey García Paredes – J. P. I Bardolet, “Castità” [Sự khiết tịnh], trong Rodriguez A. A. – Casas j.m.c. (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr.213-278.
[12] X. A. Ngô Văn VỮng, Vì Nước Trời: độc thân khiết tịnh, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội 2008, tr. 13-19.
[13] X. Ibidem, tr. 104-111.
[14] X. Ibidem, tr.258 t.
[15] X. F. Diez Martinez, Đời tu gạn đục khơi trong, Bản dịch của Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, NXB Tôn Giáo 2013, tr. 190-195.
[16] X. Ibidem, tr. 212-225.
[17] X. A. Ngô Văn VỮng, Vì Nước Trời: độc thân khiết tịnh, tr. 279-284.