(OEUVRE DE SAINT-PAUL – OSP)
LƯỢC SỬ
Hội Dòng Thánh Phaolô (Oeuvre de Saint Paul – OSP) do Cha Giuse Schorderet (1840-1893) thành lập ngày 8-12-1873, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tại Fribourg (Thuỵ Sĩ).
Được Chúa Thánh Thần tác động bằng một đặc sủng đặc biệt để mở rộng triều đại của Đức Giêsu Kitô, Cha Giuse Schorderet đã muốn sử dụng phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất của thời đại ngài là “sách báo, in ấn, được nâng cấp thành một hoạt động tông đồ để loan báo Tin Mừng, nâng cao trình độ văn hoá và nhận thức của dân chúng”. Ước vọng của ngài là muốn khai sinh một HỘI TÔNG ĐỒ SÁCH BÁO, gồm có linh mục, nam nữ tu sĩ, sẽ hiến dâng trọn cuộc đời qua 3 lời khuyên Phúc Âm, để phụng sự Chúa và phục vụ con người.
Kinh nghiệm của những năm đầu chứng tỏ cho Đấng Sáng Lập thấy, việc thành lập một HỘI TÔNG ĐỒ SÁCH BÁO chưa có thể thực hiện được. Vì thế, ngài tổ chức công trình của ngài với các “Nữ Công nhân Thánh Phaolô” dưới sự phù trợ của Đức Maria Vô Nhiễm, của Thánh Giuse và của Thánh Nữ Magarita-Maria Alacoque, hầu làm cho các dân tộc được ơn cứu rỗi, qua hoạt động tông đồ bằng sách báo, in ấn, với lòng nhiệt tình hăng say của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi.
Năm 1874, “Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô” được Đức Cha Etienne Marilley, Giám mục Giáo phận Lausanne (Thuỵ Sĩ) chuẩn y.
Cha Giuse Schorderet |
Văn bản thành lập (6-6-1874)
Trước mặt Đức Giêsu Kitô, trong nguyện đường Thánh Nicolas tại Fribourg (Thuỵ Sĩ), trước bàn thờ Trái Tim, ngày 6-6-1874, nhằm ngày thứ sáu đầu tháng kính Trái Tim Đức Giêsu.
Chúng tôi quyết định dâng hiến trọn cuộc đời để khôi phục triều đại Đức Giêsu Kitô, và vì thế chỉ còn sống cho Đức Giêsu Kitô: OIX – MVX [(OIX: Omnia instaurare in Christo – “Quy tụ tất cả trong Đức Kitô” (Ep 1,10); MVX: Mihi vivere Christus est – “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21)].
Chúng tôi chọn phương tiện rất hiệu năng của sách báo in ấn, để thực hiện mục đích này. Từ nay, cuộc đời chúng tôi sẽ được dâng hiến, trước hết và chủ yếu – nếu có thể được – để nâng cao phẩm giá của sách báo in ấn Công giáo lên địa vị cao trọng của một sứ vụ tông đồ, để phục vụ Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người.
Để siêu nhiên hoá hoạt động rất hiệu năng của sách báo in ấn, và phú cho hoạt động này sự sống của Đức Kitô, là hồn của sách báo, in ấn Công giáo cũng như của đời sống chúng tôi, trước mặt Đức Giêsu Kitô, (…) chúng tôi quyết định – nếu điều đó đẹp lòng Người – thành lập một Hội Dòng các tu sĩ tông đồ sách báo in ấn, vì lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô và vì Giáo Hội.
Chúng tôi chọn Thánh Phaolô làm Đấng Bảo Hộ, làm Người Cha, làm Vị Sáng lập Hội sách báo in ấn. Nhờ Thánh nhân, chúng tôi dâng cuộc đời cho Đức Giêsu Kitô và hứa vâng phục tuyệt đối Đức Giáo Hoàng, vị đại diện của Đức Giêsu Kitô.
Chúng tôi xin hứa sẽ lấy tinh thần của Thánh Phaolô làm nguồn cảm hứng (…) và trở nên, trong mọi sự và mọi nơi, những môn sinh của Người, như chính Người đã theo gương Đức Giêsu Kitô (…). Chúng tôi muốn bắt chước Thánh nhân, nghe lời Người, theo chân Người. Đời sống chúng tôi, chính là Đức Giêsu Kitô: “Không phải là tôi sống, mà là Đức Giêsu Kitô sống trong tôi”.
Trong thực tế và về mọi phương diện, chúng tôi lấy Chương XIII trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô làm Hiến Chương căn bản của Hội Dòng chúng tôi. (…)
Chúng tôi lấy Chương VI trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô làm quy tắc chỉ đạo cho các hoạt động tông đồ. (…)
Như Thánh Phaolô khuyên nhủ trong thư gửi giáo đoàn Rôma Chương XII, chúng tôi khao khát hiến dâng thân mình cho Đức Giêsu Kitô, qua Thánh Phaolô, làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa, (…) trong sự tùng phục tuyệt đối Đức Giêsu Kitô, nhờ Thánh Phaolô và nhờ Đức Maria Vô Nhiễm, Nữ Vương các Thiên Thần.(…) Chúng tôi sẽ cải biến trong tinh thần Đức Kitô, nghĩa là trong một cuộc đời hoàn toàn mới, để nhờ Thánh Phaolô, Đức Giêsu Kitô sẽ là tất cả, hầu thánh ý Thiên Chúa tốt, đẹp, hoàn hảo, được thực hiện trong chúng tôi (Rm 12, 1 và 2).
Sau cùng, chúng tôi xin tuyên khấn đức Khó nghèo, Khiết tịnh và Tuân phục, và chúng tôi xin hứa với Đức Kitô và Thánh Phaolô sẽ (…) không bao giờ làm tổn thương hoặc phản bội Hội Dòng một cách cố tình.
– Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4,8).
Các nữ tu tiên khởi |
– Đức mến không vênh vang, không tự đắc. Amen.
– Đức mến không tìm tư lợi. Amen.
– Đức mến không mừng khi thấy sự gian ác. Amen.
– Đức mến tin tưởng tất cả. Amen.
Bí tích Thánh Thể, Thánh Tâm Đức Giêsu, là đối tượng đặc biệt của Đức Mến, Đức Tin và Đức Cậy của chúng tôi. (…)
Chúng tôi hiến dâng cho Đức Giêsu Kitô và cho Thánh Phaolô những lời dốc lòng và những lời tuyên khấn này. Amen. Fiat.
(Đấng Sáng Lập và 9 nữ tu tiên khởi đồng ký vào văn bản trên đây)
Ngày 10-2-1875, “Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô” được Đức Giáo Hoàng Piô IX cổ vũ lần đầu.
Trong Chiếu thư ngày 26-3-1879, năm thứ hai của triều đại Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Lêô XIII ban phép lành Toà Thánh cho mọi thành viên và cho những ai là đối tượng sự chăm sóc của Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô.
Năm 1891, với sự giúp đỡ của Cha Berthier, Dòng Đa Minh, Cha Giuse soạn thảo bản Hiến chương đầu tiên, được công bố ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, 15-8-1892.
Ngày 21-11-1919, bản Hiến Chương, đã được sửa và bổ sung, được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV. Cũng như các vị tiền nhiệm là ĐGH Piô IX, Lêô XIII và Piô X, ngài ban lời khen và khuyến khích các thành viên của Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô “tiếp tục hoạt động tông đồ khiêm tốn nhưng cao cả của mình, bằng sách báo in ấn”.
Từ năm 1925, việc tu chỉnh các Điều lệ và Hiến Chương được nghiên cứu theo Bộ Giáo luật mới.
Qua Sắc lệnh ngày 15-7-1930, Đức Cha Besson, Giám mục Giáo phận Lausanne, Genève và Fribourg (Thuỵ Sĩ) đã ban lời Phê chuẩn cuối cùng về bản Hiến Chương của Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô ngày 11-1-1931. Như vậy, Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô đã được thiết lập thành Hội Dòng Nữ tu Thánh Phaolô theo Luật Giáo Hội, với sự chuẩn y của Thánh Bộ các Tu sĩ.
Ngày 1-5-1960, lễ Thánh Giuse Thợ, một Sắc lệnh Ban khen của Thánh Bộ các Tu sĩ đặt Hội Dòng Thánh Phaolô dưới quyền Toà Thánh.
Sắc lệnh Ban khen
Hội Dòng Nữ tu Thánh Phaolô (còn gọi là Oeuvre de Saint-Paul) được thành lập ngày 8-12-1873, do sáng kiến và lòng nhiệt thành của Linh mục Giuse Schorderet, người Thuỵ Sĩ, miền Fribourg. Cha đã cống hiến hết sức lực để hoạt động tông đồ bằng cây bút và bằng in ấn. Cha đã quy tụ các đệ tử đầu tiên của Hội Dòng tương lai, để giúp Cha trong một sự nghiệp rất đáp ứng nhu cầu thời đại.
Năm 1893, trước khi Cha qua đời, Cha đã tích cực lo lắng để lại cho Hội Dòng những điều lệ phù hợp với mục đích, là cống hiến hoàn toàn cho hoạt động tông đồ bằng in ấn. Dù vậy, do những biến loạn nghiêm trọng của thời kỳ đó, mãi đến năm 1931, Hội mới được thiết lập thành một Dòng Tu theo Luật Giáo Hội, với sự chuẩn y của Bộ Tu sĩ. Từ đó, các nữ tu Hội Dòng Thánh Phaolô ngày càng phát triển tăng số. Mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, Hội Dòng đã thiết lập các cộng đoàn tu trì ở nhiều nơi và ngay trong các nước truyền giáo.
Dựa trên văn thư của các vị giám mục liên hệ, không những chứng minh sự trung thành và nhiệt tình của các nữ tu, lại còn vui mừng nhận thấy hoa trái của hoạt động tông đồ của họ, Bề trên Tổng quyền của Hội Dòng đã thành khẩn xin Bộ Tu sĩ ban Sắc lệnh Ban khen Hội Dòng của mình và chuẩn y bản Hiến Chương.
Để làm tin:
– Thể theo quyền hành đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban.
– Dựa theo những sự kiện nêu trên.
– Sau khi xem xét những chứng thư của các Vị Giám mục có liên hệ.
– Dựa theo ý kiến tham khảo các vị cố vấn lo việc chuẩn y các Hội Dòng.
– Và sau khi đã kỹ càng nghiên cứu và trao đổi vấn đề trong kỳ Tổng Hội, ngày 12-3-1960, Thánh Bộ chuyên lo sứ vụ của Tu sĩ nhiệt liệt ban khen và phê chuẩn Hội Dòng các Nữ tu Thánh Phaolô, còn gọi là Oeuvre de Saint-Paul. Thánh Bộ cũng chuẩn y và xác nhận Hiến Chương của Hội Dòng được soạn thảo bằng tiếng Pháp (…).
Ban tại Rôma, tại Thánh Bộ các Tu sĩ, ngày 1-5-1960, ngày lễ Thánh Giuse Thợ, Bạn Đức Trinh Nữ Maria.
Ký tên:
P. Philippe, OP Hồng y Valerio Valeri
Thư ký Tổng Trưởng
Thánh Bộ các Tu sĩ
Prot. N.8209. F.49
* Tại Việt Nam
Hội Dòng Thánh Phaolô được chính thức thành lập tại Việt Nam ngày 30-1-1974. Tại đây, Hội Dòng được gọi là Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản, vì hoạt động chuyên biệt về ngành văn hoá, sách báo tốt.
Ý Thiên Chúa thật nhiệm mầu! Trong những năm 1940, có một số chủng sinh Việt Nam theo học và được thụ phong linh mục tại Trường Truyền giáo Rôma. Trong số đó có Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (sau 1954 là Thư ký Toà Khâm sứ Toà Thánh tại Sài Gòn và Thư ký riêng của ĐGH Gioan Phaolô II tại Rôma), thuộc Giáo phận Phát Diệm.
Trong thời gian là đại chủng sinh Trường Truyền giáo, các Thầy được biết Nhà Sách Saint-Paul tại Fribourg (Thuỵ Sĩ), vì đã cung cấp sách học cho các Thầy. Sau khi chịu chức linh mục và trước khi trở về Việt Nam, các cha đã đi “du lịch” Thuỵ Sĩ và khám phá Nhà Sách Saint-Paul ở Fribourg là một hoạt động tông đồ của các Nữ tu Hội Dòng Thánh Phaolô (còn gọi là Oeuvre de Saint-Paul), mà Nhà Mẹ lại ở tại Fribourg…
Nữ tu Việt Nam đầu tiên tại Fribourg |
– Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Cha Trần Ngọc Thụ với Bề trên và Phó Bề trên Tổng quyền thật là đặc biệt. Đây là lần đầu tiên các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Thuỵ Sĩ được tiếp xúc với linh mục Châu Á! Các vị Bề trên đã giới thiệu Hội Dòng với các hoạt động tông đồ nơi nhà in và nhà sách Saint-Paul Fribourg và ngỏ ý xin Cha Thụ, khi về Việt Nam, tìm gửi ơn gọi cho Hội Dòng. Việc ngỏ ý này trùng hợp với ý định của Đức Cha Anselme Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm. Vì lúc đó, ngài ước ao mở một nhà in Công giáo nhỏ cho giáo phận của ngài. Để thực hiện dự định này, Đức cha Từ đã gửi một thiếu nữ Việt Nam – và cũng là một ơn gọi đầu tiên từ các nước truyền giáo – đến Fribourg nhập dòng, vào cuối tháng 9-1949.
Và đây cũng lại là một trùng hợp đầy ý nghĩa, vì ngày 30-9-1949, tại Nhà Mẹ Fribourg, có nghi thức dâng hiến của 3 nữ tu Saint-Paul quốc tịch Thuỵ Sĩ được Hội Dòng lần đầu tiên gửi đi truyền giáo tại Yaoundé (Cameroun, Phi Châu). Thật là một sự trao đổi tuyệt vời do Chúa Quan Phòng xếp đặt, giữa Hội Dòng Thánh Phaolô, Giáo hội Phi Châu và Giáo hội Việt Nam! (3 trong 1 – Three in one – Trois en un… như cách người ta hay nói ngày nay)…
Sau 1949, các thiếu nữ Việt Nam tiếp tục vào tu, dâng hiến cuộc đời cho Chúa, để mở rộng sứ vụ truyền giáo của Hội Dòng Thánh Phaolô trên thế giới. Trong khi chờ đợi tình hình chính trị ổn định để có thể thành lập một cộng đoàn tại Việt Nam, như đã dự định, các nữ tu VN tiếp tục được đào tạo về đời sống tu trì và nghề nghiệp, và được gửi đi hoạt động tông đồ tại các cộng đoàn của Hội Dòng bên Pháp, Madagascar, Martinique và Phi Châu.
* Thành lập cộng đoàn tại Việt Nam
25 năm sau (tháng Giêng 1974), hưởng ứng lời mời gọi của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn, 3 nữ tu Việt Nam được Hội Dòng Thánh Phaolô sai về thành lập Cộng đoàn đầu tiên tại Sài Gòn. Nhưng trước khi cơ sở vật chất được ổn định thì xảy ra biến cố 30-4-1975. Một số người dân đã rời quê hương. Nhưng các nữ tu Hội Dòng Thánh Phaolô quyết định ở lại Việt Nam, bất chấp những khó khăn do thay đổi chế độ chính trị, vì xác tín rằng sứ vụ đã được Hội Dòng giao phó, chính là ở quê hương Việt Nam.
3 nữ tu đầu tiên về Việt Nam |
Đây là thời gian được sống và thực hành thật sự và cụ thể trong đời tu, đức khó nghèo về vật chất và tinh thần, lòng tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa trong bình an, dưới chế độ chính trị mới.
Trong thời kỳ đó, những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các tu sĩ nam nữ với các vị chủ chăn của giáo phận giúp các cộng đoàn tu sĩ cùng nhau hợp thành gia đình giáo phận, liên kết và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy có những bất lợi, nhưng phải xác tín thời gian sau 1975 là thời kỳ Chúa Quan Phòng xếp đặt, để các tu sĩ cũng như các cộng đoàn Dòng tu và các tín hữu Việt Nam biết thích ứng với hoàn cảnh mới của quê hương mình.
LINH ĐẠO
Các Nữ tu Hội Dòng Thánh Phaolô
– Dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, qua 3 lời khuyên Phúc Âm và qua hoạt động tông đồ “cung cấp lương thực nuôi dưỡng trí tuệ con người” bằng in ấn, để ngành báo chí, xuất bản, được “thanh tẩy và thánh hoá”.
– Chọn sống Đức Ái theo tinh thần Thánh Phaolô, được diễn tả trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (1 Cr 13).
CHÂM NGÔN
OIX: Omnia instaurare in Christo
“Quy tụ tất cả trong Đức Kitô” (Ep 1,10).
MVX: Mihi vivere Christus est
“Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21).
BIỂU TƯỢNG
Tôn sùng Bí tích Thánh Thể và Mầu nhiệm Cứu độ.
–Thánh Giá = Mầu nhiệm Cứu độ của Đức Kitô.
Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11).
– Hình tròn = Bánh Thánh – Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu = Đức Ái (1 Cr 13).
BỔN MẠNG
Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại: 25-1
HOẠT ĐỘNG
Hội Dòng Thánh Phaolô (Oeuvre de Saint-Paul – OSP) thực hiện sứ vụ tông đồ bằng sách báo, ấn phẩm tốt, nhà in, nhà xuất bản, nhà sách, thư viện, phòng đọc sách, phòng truyền thông, trung tâm nghiên cứu và tài liệu…
Tại Nhà Mẹ Fribourg (Thuỵ Sĩ) với Nhà sách và Nhà in Saint-Paul, nơi Đấng Sáng Lập xuất bản tờ nhật báo La Liberté, từ 1-10-1871 cho đến ngày nay.
Tại Pháp, Martinique, Madagascar, Phi Châu (Burundi, Cameroun, Dakar) và Việt Nam.
Tại Việt Nam: Tiếp nối ý hướng của Đấng Sáng Lập là dùng “sách báo, in ấn, được nâng cấp thành một hoạt động tông đồ”, để “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,10), 3 nữ tu VN đầu tiên đã phục vụ về mặt kỹ thuật và hành chính tại Tuần báo Công giáo và Dân tộc từ sau năm 1975. Và từ năm 1982, các chị phục vụ tại Thư viện Đại Chủng viện Thánh Giuse TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, các nữ tu tiếp tục sứ vụ tông đồ và hoạt động chuyên biệt của Hội Dòng Thánh Phaolô, tại:
– Thư viện Đại Chủng viện Thánh Giuse TP. Hồ Chí Minh.
– Thư viện Đức Hồng Y, tại Toà Tổng Giám mục TP. Hồ Chí Minh.
– Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình, thuộc Giáo xứ Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn.
– Văn phòng Uỷ ban Truyền thông Xã hội, thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
– Phòng đọc sách thiếu nhi.
– Tháng 9-2007, Hội Dòng đã mở thêm một cộng đoàn tại thủ đô Hà Nội. Nơi đây, các chị phục vụ tại Thư viện Đại Chủng viện Hà Nội và Nhà sách Toà Tổng Giám mục.
– Từ năm 1997 đến năm nay, Hội Dòng đã hỗ trợ:
* 60 phòng đọc sách cho một số giáo xứ nghèo vùng sâu vùng xa, thuộc 16 giáo phận từ Bắc chí Nam.
* Giúp xây dựng tủ phim giáo dục và giải trí cho cơ sở nuôi dạy trẻ đường phố.
ĐÀO TẠO
Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Dòng có một cơ sở cho cộng đoàn khấn sinh và một nhà đào tạo các đệ tử, thỉnh sinh và tập sinh. Sau khi tuyên khấn lần đầu, các khấn sinh theo chương trình 3 năm tại Học viện Thần học Liên dòng.
Sau những năm Thần học là thời kỳ các nữ tu được đào tạo về hoạt động tông đồ, tại Việt Nam hoặc ở ngoại quốc, với các môn chuyên ngành, theo khả năng và theo nhu cầu của dòng, như: đào tạo người phụ trách huấn luyện, thư viện, báo chí, tin học, kế toán…
NHÂN SỰ
Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản được chính thức thành lập tại Việt Nam năm 1974, nhưng mãi đến năm 1992 mới được mở lớp đào tạo ơn gọi. Cho tới nay (2008), Hội dòng có 21 khấn sinh.
Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản hy vọng được tiếp nhận thêm nhiều ơn gọi để có thể tiếp nối đặc sủng của Đấng Sáng Lập, là “cung cấp lương thực nuôi dưỡng trí tuệ con người” và mở rộng Vương quyền của Đức Giêsu Kitô bằng “sách báo, in ấn, được nâng cấp thành một hoạt động tông đồ”.
Bề trên đương nhiệm: Nt. Marie-Êlisabeth Bùi Thị Ngát
Địa chỉ liên lạc:
Nhà Mẹ:
Oeuvre de Saint-Paul
38 Avenue de Pérolles
CH 1700 FRIBOURG (Thuỵ Sĩ)
ĐT: 26 426 49 49
Việt Nam:
Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản
Cộng đoàn Tập sinh:
21/1 Lý Chính Thắng
P.8, Q.3, TP. HCM
ĐT: 8 483 317
Email: osp.nov@hcm.vnn.vn
Cộng đoàn Khấn sinh:
21/2A Lý Chính Thắng
P.8, Q.3, TP. HCM
ĐT: 8 484 344
Email: osp-sg@vnn.vn