Bàn tay 5 ngón có ngón dài ngón ngắn. Đời linh mục có vị này vị kia. Hẳn nhiên mỗi người có một lối sống, có một cách hành xử để rồi mỗi vị để lại những dấu ấn trong cuộc đời.
Vào thập niên 80, thời buổi khó khăn để rồi sách vở nhà đạo cũng khó có đất sống. Sách vở nhà đạo thường được liệt vào “văn hóa phẩm đồi trụy”. Chỉ còn cách chuyền tay nhau để đọc chứ không thể nào bày biện công khai.
Trong nhóm bạn, chúng tôi vẫn thường sẻ chia nhau những quyển sách có thể được.
Một quyển sách hay nói đúng hơn một cuộc đời đã làm thay đổi cuộc đời tôi đó là quyển sách vỏn vẹn khoảng 100 trang nói về cuộc đời Đức cha Jean Cassaigne: “Ông Cố” Giám mục trại cùi Di Linh.
Đọc quyển sách đó, tôi bắt gặp hình ảnh của một con người, của một con người từ bỏ tất cả để đến một đất nước nghèo và đến một vùng cũng nghèo để sống, để phục vụ. Cuối đời, Đức Cha đã chết trong vòng tay của anh chị em bị bệnh phong.
Ngày lại ngày, đi vào cuộc sống đầy phong ba bão táp nhất là với nền kinh tế thị trường cạnh tranh đạp đổ. Người ta vẫn tranh nhau để đi tìm cho mình một chút gì đó là tiền, là danh nhưng rồi tôi lại bắt gặp một hình ảnh đáng nhớ và rất quý.
Như một mối duyên, tôi được gặp Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài. Duyên hơn nữa là Ngài xuất thân từ vùng đất nghèo Vĩnh Long.
Có lẽ cái nghèo, cái đơn sơ, cái mộc mạc của miền quê sông nước gắn liền với cuộc đời của Ngài để rồi cả cuộc đời của Ngài đậm chất nghèo.
Khi trở về quê hương và về với nơi chôn nhau cắt rốn Rạch Lọp, Đức Ông cảm thấu được cảnh nghèo và đặc biệt nơi ngôi nhà thờ rách nát từ thời chiến tranh để lại. Làm gì để có tiền để chia sẻ trong khi lương của Đức Ông ở đài chỉ vỏn vẹn có 400 đô la. Tưởng chừng ở nước ngoài như vậy là vui vẻ đi đây đi đó nhưng bản thân Đức Ông vẫn chưa có cơ hội đến Giêrusalem.
Hỏi ra thì Đức Ông nói : “Mình còn nghèo, lương bổng còn ít làm sao có tiền đi được ! Và nếu có ai cho thì mình gom góp về để xây nhà thờ giáo xứ ở quê nhà !”
Thế là có bao nhiêu tiền cũng như gom góp chỗ này chỗ kia mỗi người một chút Đức Ông chia sẻ với giáo xứ để xây dựng nên ngôi nhà thờ Rạch Lọp được khang trang.
Còn đó, người bạn thân thương của Đức Ông dù đã đi xa nhưng vẫn còn đâu đó bên tôi và gia đình cũng như nhiều người quen biết đó là đức cố giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân.
Đức cố giám mục Tôma chưa một lần được đến đất nước Giêrusalem. Lần đó, đức cố Tôma gặp vợ chồng Nguyễn Minh Châu và Bùi Ngọc Mỹ – chủ tịch hội HDQT trường Sao Việt. Hai vợ chồng mới Đức cố giám mục Tôma đi 1 chuyến hành hương Israel và Roma luôn thể. Nghe xong Đức Cha nhận lời.
Thế nhưng sau khi nhận lời, hỏi thăm thì Đức Cha biết chuyến đi đó tôn trên 150 triệu. Đức Cha giật mình và nói rằng Đức cha sẽ không đi nữa vì số tiền cũng khá lớn trong khi đó nhà hưu dưỡng của giáo phận thì chưa có.
Nghe vậy, hai vợ chồng hủy chuyến đi và hứa sẽ làm tròn ước nguyện của Đức Cha là xây nhà hưu dưỡng cho giáo phận.
Phải nói rằng Đức Cố Giám Mục Tôma là vị mục tử nhân lành, đã chấp nhận hy sinh, đã sống khó nghèo khiêm hạ để lo cho đoàn chiên, lo cho Giáo Hội.
Nhà hưu dưỡng đang còn dang dở thì Chúa gọi Đức Cha Tôma về.
Vĩnh Long đã sinh ra cho Giáo Hội cũng như giáo phận những vị mục tử có thể nói là như lòng Chúa mong ước như Đức cố Giám Mục Tôma cũng như Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài vừa về với Chúa.
Còn đó một vị mục tử ghi đậm dấu ấn trên đời tôi cũng như nhiều người đó là Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương.
Đức Ông là người Việt Nam đầu tiên làm việc trong một Thánh Bộ tại Vatican, với một thời gian gian dài lâu suốt gần 40 năm qua, và đã được Thánh Bộ đánh giá cao, đã tin tưởng trao cho nhiều trách vụ quan trọng. Đức Ông đã trung thành và hăng say phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, luôn giúp đỡ cách hữu hiệu Giáo Hội quê hương bằng một tình yêu nồng nàn thắm thiết. Đức Ông Barbabê đã từng giữ nhiều chức vụ như vụ trưởng đặc trách các nước Đông Nam Á trong Thánh Bộ rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc.
Sau thời gian dài phục vụ ở Roma trở về quê nhà và nghỉ hưu tại giáo phận nhà Vĩnh Long. Có lẽ có quyền để thụ hưởng những gì mình đã phục vụ Giáo Hội suốt 40 năm trường như những gì Đức Ông đã bỏ ra nhưng rồi vẫn ẩn mình trong hình ảnh một ông cụ già với chiếc xe đạp cọc cạch và phòng ốc thật giản dị. Vẫn với nụ cười đậm chất người miền Nam và tấm lòng hiền hòa để Đức Ông chia sẻ với bất cứ ai được tiếp xúc.
Những ngày này, tuổi cao và sức khỏe đã hạn chế nhiều nhưng Đức Ông vẫn cố gắng, vẫn hiện diện ở những nơi cần sự hiện diện, sự chia sẻ về những gì Đức Ông có thể chia sẻ … vẫn miệt mài loan báo Tin Mừng trong cách thức có thể của Đức Ông.
Trên đây là những cuộc đời của những vị mục tử mà tôi đã bắt gặp bằng cách này hay cách khác. Thế nhưng hình ảnh và nhất là lối sống khiêm nhường phục vụ của các Ngài đã in đậm trên cuộc đời tôi cũng như đã biến đổi cuộc đời tôi.
Hẳn nhiên các ngài cũng có những yếu đuối của phận người nhưng qua cách sống, lối nghĩ và phục vụ Tin Mừng của các ngài ít nhiều cũng để lại cho mỗi người chúng ta những bài học để sống nhất là bài học khiêm nhường và đơn sơ. Sống đơn sơ và khiêm nhường phải chăng là bài học mà chính Thầy Chí Thánh Giêsu vẫn thường mời gọi mỗi người chúng ta.
Hôm nay, ngày Lễ Chúa Chiên Lành, cùng với Giáo Hội, mỗi người chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho Giáo Hội có những vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Xin cho các vị mục tử cũng hãy có tấm lòng mục tử thật như vị mục tử nhân lành mang tên Giêsu.
Lễ Chúa Chiên Lành 2015
Micae Bùi Thành Châu