Hôm nay, tôi thấy xuất hiện dấu chân khác lạ không như dấu chân bình thường mà hằng ngày tôi vẫn gặp. Bởi dấu chân ấy mang đến niềm vui, bình an và sức sống cho anh em đồng bào nơi đây. Đó là bước chân của người mục tử, người đã dám bước đi trên con đường nhỏ hẹp đó để đến với người nghèo. Họ là Những người nghèo không chỉ về vật chất mà còn nghèo về Thiên Chúa, họ khao khát tìm kiếm Đấng hằng luôn yêu thương che chở họ, nhưng bấy lâu nay họ không biết lối đi, không có ai dẫn đường. Người mục tử là “Ama” của họ . Chính Ama dẫn họ đến với Đấng ấy.
Vì thói quen hay đúng hơn là văn hóa của vùng núi rừng tây nguyên, anh em ở đây rất đơn giản từ cách ăn mặc, lời nói và cả cách suy nghĩ. Vì thế, để đến được với họ, người mục tử phải hóa thân trở nên giống họ, cùng ăn thức ăn của họ, cùng uống một bầu nước với họ, cùng vui chơi không phân biệt người giàu hay nghèo, người lớn hay trẻ em. Người mục tử phải vượt qua mọi khoản cách, phải từ bỏ những gì trước đây mình cho là văn minh, là hiện đại để hòa mình vào giữa dòng người xa lạ, giữa vùng đất không chút tiện nghi vật chất. Tôi thiết tưởng không phải tình yêu của con người đã cho người mục tử sức mạnh ấy nhưng là tình yêu Chúa Kitô thúc bách các ngài đem Tin Mừng yêu thương đến với muôn người dù ở bất cứ nơi đâu.
Tôi thấy lòng thương cảm trong ánh mắt của người mục tử khi thấy anh em đồng bào bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Các ngài đã đến, đã săn sóc, dạy dỗ họ nhiều điều. Tôi cũng thấy niềm vui trong ánh mắt những người anh em vì từ nay họ có một người cha tinh thần để dẫn dắt họ .
Quả thật, nơi đâu người mục tử đặt chân đến, nơi đó có niềm vui, nơi đó tràn đầy sức sống. Vì “ Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10); nơi đó trở nên sức mạnh vì có sự hiệp nhất yêu thương. Họ quy tụ với nhau để tôn vinh Thiên Chúa, hát ca vui vẻ với nhau để xoa tan những giận hờn, những mệt nhọc sau những ngày làm việc vất vả.
Người mục tử không bước đi trên con đường riêng của mình mà bước theo con đường của Chúa Giêsu. Ngày xưa, Chúa đã từng đi hết làng này đến làng khác để dạy dỗ, để chữa lành bệnh tật, để nuôi sống dân chúng thì hôm nay người mục tử tiếp tục bước đi trên con đường ấy, con đường của lòng thương xót.
Đẹp thay bước chân người mục tử trên các buôn làng, đẹp thay bước chân Người in trên những con đường đất đỏ. Người đã mở đường cho Chúa đến và Người đã gieo hạt giống đức tin trên miền đồi núi dù gặp bao khó khăn, khô cằn nắng cháy, gai góc bao quanh nhưng tin rằng với tình yêu và sự hy sinh của người mục tử sẽ làm cho hạt nẩy mầm và phát triển thành cây to lớn.
Cầu xin Thiên Chúa ban cho có nhiều vị mục tử dấn thân vào những miền truyền giáo xa xôi. Cùng xin cho những người mục tử đang phục vụ nơi những miền khó khăn được luôn trung thành và hăng say với sứ mạng Chúa trao.
(Mỹ Yến, GNsP 02.10.2016)