Câu hỏi ấy như làm cho tôi nghĩ đến cha mẹ mình những người đã một thời vất vả sương gió để cho con cái có cái ăn cái mặc, để mong có hy vọng chúng đổi đời; không phải gánh chịu những bất hạnh như mình. Đó cũng chính là điều mà nhiều người, khi làm người cũng ước mơ nhưng “may nhờ, rủi chịu” cho số phận. Tôi sinh ra đã không tin vào số phận, nhưng hình như nó “số phận” lại là hai từ mà gắn với cuộc đời từng con người mà chúng ta kết bằng hai chữ “số phận”. Số phận nếu đó là do thiên định thì chúng ta chịu, nhưng số phận do hoàn cảnh, địa vị, cái mệnh của mỗi cái số con người thì cũng như tiền định mà chúng ta hầu như không thay đổi được. Nhưng số phận do sự ươn lười, do sự hủy hoại đời tuổi trẻ thì đáng để suy nghĩ.
Nhìn lại cuộc đời, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người. Sở dĩ hơn họ là vì tôi thấy mình có cái ăn, cái mặc, có niềm tin để nở một nụ cười và có cái gì đó còn có thể hy sinh cho họ. Biết bao đứa trẻ tuổi ăn tuổi học mà ngày ngày phải mưu sinh bằng việc đánh giày, lượn ve chai, bán vé số, chúng vẫn không có cái áo ấm, chăn bông đắp trong mùa đông lạnh lẽo. Ấy vậy mà chúng vẫn tươi cười, không oán trách đời. Nói đến đây, tôi nhớ tới một vị hiền sĩ, sống cách chúng ta khoảng 5 thể kỷ tên là Vincent De Paul, Cha thánh Vinh Sơn Phaolô.
Ngài sinh ra trong một gia đình nghèo nên ý định của ngài rất rõ ràng là vào đời để kiếm tiền! Thời bấy giờ, đời sống các giáo sĩ sung sướng hơn nhiều người nên ngài chọn con đường làm giáo sĩ để kiếm tiền. Thế nhưng, khi kiếm tìm đồng tiền ngài thấy có quá nhiều cuộc đời còn trông chờ lòng bác ái của ngài. Ngài đã thay đổi ý định “kiếm tiền cho người nghèo”. Một hôm, ngài xin một đại gia rộng lòng giúp cho những người nghèo mà ngài cần giúp đỡ. Vị đại gia nhổ nước miếng vào mặt ngài luôn. Ngài nhẹ nhàng lấy tay lau mặt và nói với vị đại gia: phần của tôi ngài đã cho nước miếng, tôi xin nhận, thế còn phần của người nghèo đâu? Vị đại gia xúc động móc hầu bao chia sẻ với người nghèo của thánh nhân. Đúng vậy, người nghèo quanh chúng ta không thiếu. Và chúng ta lại không thiếu tấm lòng nhân hậu của ta với họ. Nhưng cuộc đời cho chúng ta những bài học cảnh giác làm cho lòng nhân của chúng ta bị co lại. Để giải thích cho vấn nạn này, một vị học giả lý giải như sau: Khi bạn cho đi thì đừng quan tâm đến cái cho, mà đến đối tượng cho. Vậy, nếu gặp đối tượng là kẻ lừa đảo thì ít nhất bạn cũng đang gặp đối tượng nghèo hơn bạn chứ không ai giàu có lại ngửa tay ăn xin bạn. Hơn nữa, họ cũng là con người mà bạn cần giúp đỡ. Và Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên bạn, vì Ngài vẫn ban cho bạn được ấm êm, hạnh phúc trong cuộc sống hơn họ.
Xem hình ảnh cụ Chúng, gần 100 tuổi mà vẫn oằn lưng với 2 giỏ bánh ú, bánh tét bán dạo đầu đường để mưu sinh.
Cụ không ngửa tay ăn xin lòng hảo tâm mà dầm mưa dãi nắng bán từng cái bánh ú, bánh tét kiếm đồng nuôi hai cô con gái, người bệnh tật, người câm điếc. Có lẽ, ngày lập gia thất, Cụ cũng ước mơ sinh ra những đứa con lành lặn, giỏi giang nhưng cuộc đời trớ trêu là thế. Tôi đã đến thăm nhà Cụ để chia sẻ chút tấm lòng các đồng sự, đồng nghiệp góp biếu Cụ, nuôi con bệnh tật và vất vả mưu sinh.
Hình ảnh Cụ làm cho tôi suy nghĩ đến cuộc đời mình sau này. Chẳng lẽ chỉ tìm cái ăn cho đến chết và sau đó đi đâu về đâu?Vậy mục đích, lẽ sống ở đời này để làm gì? Khi được hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhà bác học, triết gia, nhà toán học, tín hữu Công Giáo Blaise Pascale đặt ngược lại câu hỏi: Giả sử không có Thiên Chúa thì sau khi chết tôi và anh bằng nhau, nhưng nếu có Thiên Chúa thì lúc đó anh sẽ trả lời thế nào với Ngài? Nhớ lại cái chết của anh Giám đốc cho một cơ quan nhà nước, anh chồng chị đồng nghiệp, bịung thư máu chết. Sau cái chết của chồng, chị chỉ còn hai bàn tay trắng vì nhà cửa và tài sản cái gì có giá trị đều chạy đi theo dòng máu ung thư rồi. Bỗng, tôi lại nhớ lại lời tâm sự của Ba tôi với anh thứ hai: Ba không nghĩ có ngày hôm nay. Vì thời xưa ở bên Cao Miên cứ lầm lũi kiếm từng cái sống. Ở Miền Tây thì lũ lụt. Sau giải phóng thì thất nghiệp. Từ đó, tôi lại hát vang lời bài hát Que Sera Sera của Jay Livingston và Ray Evans: Ngày xưa còn thơ, thường hay hỏi má em lớn em làm chi? Rồi nghe má khuyên nhủ rằng: Biết ra sao ngày sau, đời sướng vui tươi hay khổ đau, nào ai biết ngày sau. Còn, cố nhạc sĩ Trần Long Ẩn gợi lên trong tôi hình ảnh trong Đêm Thành Phố Đầy Sao: “Được ngày vui, không thể quên những tháng năm ngược xuôi”. Đó là những lý do khi nghĩ về đời mình tôi lại nghĩ về chân trời xa thẳm, nơi mà các thánh nhân sống chỉ mong chết về nơi đó. Nơi mà, các thánh nhân sống trong thế giới hôm nay lại nghĩ như đang bị giam hãm như trong nhà tù tự do để cả cuộc đời các thánh nhân không còn cái gì ở trần gian có thể làm cho các ngài bị mê hoặc; nên các ngài chỉ làm, nói, và sống những gì Chúa dạy. Các thánh nhân sống với Chúa bên người nghèo lẫn kẻ quyền sang giàu có mà không hám những chiếc xe hơi; chiếc chiếc điện thoại đời mới; không tích lũy tiền gởi nhà băng; lại rời xa những chén rượu, ly bia; không anh chị em, không bà con với kẻ giàu có; không bố không mẹ để ngửa tay nhận tiền; không bỏ rơi kẻ bần cùng; không tìm lợi lộc, của cải trần gian; mà luôn tha thứ cho kẻ làm hại mình, và yêu thương kẻ thù. Vì như thánh Phanxico được lời lãi của cả thế gian này thì ích gì; như thánh nữ Terasa chỉ làm những việc cỏn con nhưng lại đem các các linh hồn về bên Chúa và là nhà truyền giáo tại chỗ vĩ đại; như thánh Anton tu rừng bán hết gia tài cho người nghèo … và các thánh nhân chỉ sống để cùng chết với Đức Kitô miễn sao sau khi ra khỏi nhà tù thế gian này thì được các Thiên Thần Chúa dẫn đưa đến trước tôn nhan Đấng tối cao và làm chứng cho lối sống của các thánh khi còn ở trần gian để được ở trên Thiên Đàng bên Chúa.
Thực vậy, con người sinh ra mỗi người mỗi cảnh. Có người sinh ra đã là vua, người sinh ra lại làm tôi tớ. Xung quanh chúng ta đầy những hoàn cảnh đáng thương, những hoàn cảnh mà khi nghe đến thì hai dòng nước mắt chúng ta cứ chảy dài. Bản chất con người là thương yêu đùm bọc lẫn nhau, như chiếc lá mỏng manh đùm bọc lá rách nát hơn mình. Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng còn mang nhiều gánh nặng cuộc đời, nhưng đôi khi chúng ta lại không tiếc tay cho những thứ xa xỉ, ăn nhậu, và trang bị cho mình những dữ kiện đắt giá mà không tiếc nuối. Cũng như anh thanh niên kia bước vào một tửu điếm và được các em phục vụ chu đáo. Sau khi thanh toán, anh cũng không ngần ngại rút thêm tờ xanh xanh bo cho các em mà lòng còn áy náy là có ít quá không? Thế nhưng khi ra đường gặp một ông lão ăn mày thì mở bóp ra tìm kiếm hồi lâu rồi buông một câu làm cụ già ngơ ngác: “không còn tiền lẻ”. Thánh Marco kể lại câu chuyện: “Đức Giêsu khi ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma, nhưng nó là toàn bộ số tiền bà có. Đức Giêsu liền nói: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12:41-44). Nhiều khi tôi mạo muội tự hỏi, nếu bà góa có nhiều tiền thì bà sẽ bỏ bao nhiêu? Qua câu chuyện bà góa, tôi nhớ lại một lần phụ các cha xin tiền xây nhà dòng: Một bà cụ lụ khụ đến bên tôi mở mấy cái bọc nylon rồi mấy lớp vải mới đến cái phòng bì dày dày. Bà còn nói thêm: Tiền con cái cho, tôi tích góp lại mấy năm nay giờ đóng góp với các cha xây nhà dòng. Vâng cám ơn bà nhiều lắm. Bà cho con xin tên thánh và họ tên con gởi các cha ghi bằng ân nhân. Bà nói không cần đâu. Ghi bằng lại tốn tiền mua giấy. Cầu nguyện cho bà. Qua cách gói gém và sau những bước chân nặng nề vất vả và tướng của người nghèo khó chứ không phải giàu sang. Khi trao cho cha mở phong bì, tôi chứng kiến mà mắt cứ cay cay: bởi vì bà cụ thật sự nghèo. Con cháu cho mà bà tích góp mấy năm cất kỹ càng. Như vậy, chắc bà không dám ăn uống gì. Nay đem hết giúp các cha xây nhà dựng. Nhìn những đồng tiền bà tích góp bao năm mà so với những chiếc xe hơi, iphone X, phòng ngủ máy lạnh, những chầu nhậu tiếp đãi cán bộ, tiếp khách, hoặc như 5 tỷ cha cố trước khi chết để lại xây nhà thờ ABC, rồi những biệt thự sang trong thầm kín trong các thành phố đắt đỏ của các giáo sĩ và sự tàn phá xây xong người khác về đập bỏ xây lại. Cứ thế mà đại gia lại hào phóng nghĩ sẽ mua được một vé vào nước trời nhưng lại keo kiệt không cho Lazaro mẩu bánh vụn rơi rụng trên bàn.
Vâng, của ít lòng nhiều, đó là tấm lòng theo khả năng. Tôi không kêu gọi, cũng không ăn mày tấm lòng tốt của ai cả cho người nghèo, nhưng tôi viết những dòng này để nói lên cảm nghĩ qua hình ảnh để mời gọi anh chị em chúng ta làm chuyến thị sát, tiếp cận những mảnh đời bất hạnh để có cơ hội nhìn lại cuộc đời mình. Cũng giống Đức Phật khi xưa, Người sống trong cung điện nguy nga, ăn sung mặc sướng nên khi bước ra khỏi cung điện, Người chứng kiến những cảnh đời rách rưới mà dủ lòng, làm Người nhìn lại chính cuộc đời Người mà rời bỏ thế giới xa hoa để làm tìm con đường cứu độ bản thân. Nếu so sánh cuộc đời Đức Phật với Đức Chúa Giêsu thì sẽ thấy có nhiều nét cơ bản tương đồng. Tôi mạn phép so sánh: Đức Phật là hoàng tử con vua, Đức Chúa Giêsu con Thượng Đế, Đức Chúa Trời. Đức Phật tìm con đường cứu độ, Đức Chúa Giêsu là con người con đường cứu độ. Nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất đó là cái đích. Đức Chúa Giêsu cứu độ loài người còn Đức Phật tự tịnh tâm suy gẫm tìm con đường cứu độ. Đức Chúa Giêsu từ Thiên Đàng đến trần đưa người ta đến Thiên Đàng. Cũng giống như bạn dẫn tôi về nhà bạn trên con đường thẳng, ngắn nhất. Nếu tôi nghe địa chỉ và tự mò mẫm về nhà bạn thì cũng có thể tới nhưng xa, lâu và có khi trật đường. Như vậy trong thâm tâm con người luôn có một điểm hướng thiện nhưng do hoàn cảnh xuất thân và họ chưa được Thiên Chúa mạc khai cho nhận thấy Thiên Chúa và nếu họ có ý hướng ngay lành tìm về chân thiện mỹ thì họ cũng gặp được Đức Chúa Giêsu nơi cuộc đời họ, trong những anh em bất hạnh. Nói như người Trung Quốc, trong mỗi con người ai ai cũng có một điểm phật chưa phát. Vì vậy, trong tâm ai cũng có một trái tim nhỏ máu, chứ không phải trái tim mùa đông, trái tim ngục tù, trái tim băng giá mà là trái tim bằng thịt, trái tim yêu thương, trái tim có hồn, biết đau với người đau, biết rỉ máu khi anh em ta đau khổ, biết cảm thông. Nhưng chúng ta cứ yên tâm, Thượng Đế đã sắp đặt, không ai chịu đau khổ đến không thể chịu đựng được. Vì họ vẫn sống, vẫn thầm lặng ngày đêm vất vả để kiếm tìm cuộc sống hằng ngày mà không bao giờ oán trách đời hay trách ai. Có chăng là chính chúng ta, khi đem cuộc đời họ so sánh với đời mình để thấy họ đau khổ hơn ta. Mà một khi chúng ta nhìn thấy họ đau khổ hơn ta, thì chúng ta mới nhận thấy mình đang có một trái tìm còn sống. Tức trái tim biết rung động với nỗi bất hạnh, đau khổ của những người bất hạnh. Nhưng quan trọng hơn hết, dù bạn giàu hay nghèo, hay là ai thì bạn phải sống sao cho có Chúa trong bạn. Nếu không bạn hãy gẫm câu trả lời của bác học Blaise Pascale mà tôi đã nói trên.
Thay cho lời muốn nói: Chúng ta mang màu da vàng, mũi tẹt giống như những anh em mình thì cách nào đó chúng con cũng là anh là em với nhau trong một đất nước, và là con Ông Trời hay gọi là Thượng Đế. Với tấm lòng chúng ta có thể chia sớt ngọt bùi cho những mảnh đời bất hạnh ngay trong gia đình, khu xóm nơi ta sống hay bất cứ ai trên đường ta gặp với tâm của chính mình để chia sẻ những vất vả nặng nhọc mà anh em đang ngửa tay xin lòng hảo tâm của chúng ta.
Cuộc đời con người là thế. Chúng ta đang may mắn hơn những người bất hạnh nên chúng ta “cho đi cái chúng ta đang có để có lại những cái chúng ta đang thiếu”. Cái chúng ta đang có và đang thiếu là cái gì? Thiết nghĩ, đó là: đang có cha có mẹ, có gia đình, có vợ con, có anh chị em, có bạn bè, có công ăn việc làm, có một cuộc sống không đói rách, có sức khỏe, có hạnh phúc, có cái để chúng ta ước mơ và còn có tiền để ăn chơi, tiêu phí vào những chỗ tội lỗi và hủy hoại đời mình. Còn cái chúng ta thiếu thì nhiều vô kể, nhưng có lẽ một trong cái chúng ta thiếu đó là “một tấm lòng vàng”, “một sự chia sẻ”, “một sự cảm thông”, “một tình người” Đó là cái chúng ta đang nợ đời. Không phải chúng ta không có nó, mà nó đang tiềm ẩn trong trái tìm mỗi người chúng ta vấn đề là làm thế nào để khơi dạy tấm lòng quảng đại ấy nên.
Thánh Francisco Assi cầu: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, để con chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến người u sầu. Xin dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an. Vì chính lúc con quên mình là lúc con gặp lại bản thân, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Kinh thánh kể câu chuyện:
“Một anh thanh niên chạy đến, hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết điều này: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến, bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe đến đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Chúa Giêsu nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Người giàu có thì khó vào Nước Trời!”. Nói đến đây, tôi xin mượn bản nhạc Turn Turn Turn của tác giả Pete Seeger lời từ sách Giảng viên (Gv3,1-8) của ông Koheleth:
Dưới bầu trời này, cái gì cũng có một lúc hoặc một thời:
Sinh ra một thời để chết trong một giây.
Một thời để trồng cây để hái cho ngày mai.
Một thời giết đi, một thời hàn gắn lại.
Một thời phá vỡ, một thời dựng xây.
Một thời khóc than, một thời cười vui.
Một thời tìm kiếm, một thời đánh mất.
Một thời giữ lại, một thời vất đi.
Một thời im lặng, một thời để nói
Một thời yêu thương, một thời thù ghét.
Một thời chiến tranh, một thời hòa bình.
Đó là quy luật sinh tử trong vũ trụ này. Quy luật của vật chất là phải tàn phai theo năm tháng. Ai cũng được sinh ra và có ngày phải chết đi. Nhưng chuyện sống chết ít khi chúng ta dám suy nghĩ. Với các triết gia khi sống đi tìm sự khôn ngoan ở đời này cho đời sau. Có lẽ vì vậy là Baily nói: “Khi bạn chào đời bạn khóc, còn mọi người xung quanh cười. Bạn hãy sống sao cho đến khi bạn nhắm mắt lìa đời, mọi người khóc, còn bạn, bạn cười”. Còn Dale Carneige viết: “Hãy sống sao để khi bạn chết thì kẻ đào huyệt cũng phải khóc.” Qua những lời ấy, cũng là những lời cảnh tỉnh cho chúng ta để dùng của cải chóng qua ở đời này để mua lấy hạnh phúc đời sau. Với tôi và bạn, thì đâu là sự khôn ngoan ở đời này mà Thượng Đế đang trao tặng cho ta?
Kim Thư