Trước Thánh lễ, cộng đoàn có dịp gặp gỡ các chứng nhân từng sống gần gũi với “Đức Cha Thuận”. Qua những câu chuyện, dung mạo ngài được nổi bật như một Chứng nhân Hy vọng. Một điều xem ra nghịch lý: Làm sao một tù nhân lại có thể trở nên một Chứng nhân Hy vọng? Bởi vì niềm hy vọng mà ngài ấp ủ không bị giới hạn bởi chân trời của thế gian, mà là niềm hy vọng vượt qua cả biên cương sự chết.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Phê-rô đã khắc họa hình ảnh hạt lúa mì chịu thối đi để sinh bông hạt: “Hạt lúa mì ấy cũng chính là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, người đã chấp nhận mục nát để Giáo Hội được triển nở. Chốn lao tù, ngài làm cho tràn đầy tình yêu. Không người cai ngục nào đến với ngài mà không bị chinh phục. Dù đã ra đi nhưng những gì ngài đã làm, đã nói, những gì ngài viết vẫn luôn ảnh hưởng trên chúng ta, trong giáo hội và ngoài xã hội”
Sau Thánh lễ, tất cả cộng đoàn cùng hành hương trở về cầu nguyện nơi ngôi nhà Đức cố Hồng Y đã ở năm xưa. Nơi mà còn lưu lại biết bao kỷ vật của ngài. Tất cả cộng đoàn được đắm chìm trong không gian nhỏ bé, nhưng ngập tràn hương thơm nhân đức anh hùng và niềm hy vọng của Đấng Đáng Kính.
17 năm Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận về với Chúa là 17 năm tinh thần “Vui Mừng và Hy Vọng” nơi ngài không ngừng tỏa lan. Ước mong sao khi đến với ngài, mỗi người đón nhận được sứ điệp của vị Chứng nhân Hy vọng, không chỉ bằng lý thuyết thần học mà bằng những trải nghiệm của đời sống, để niềm hy vọng Kitô giáo ấy, cách nào đó, cũng trở nên xương, nên thịt trong cuộc đời mỗi tín hữu.
Những chứng nhân đã từng sống gần gũi với ĐHY Thuận
Rước đoàn đồng tế từ nhà mục vụ
Các bài đọc Lời Chúa trong Thánh Lễ
Cầu nguyện cùng Đấng Đáng Kính
BTT Giáo xứ Giang Xá