Cũng có những hình thức hủy hoại chính mình được hiểu như việc bản thân tự cản trở chính mình sống cho những lý tưởng cao đẹp giúp chủ thể trưởng thành hơn mỗi ngày. Chính vì những cản trở vô hình ấy mà chúng ta không thể tiếp xúc bằng các giác quan nên lắm kẻ phải chết vì thiếu hiểu biết. Những cản trở ấy có thể là: trí tưởng tượng, tư tưởng, cảm xúc, lời nói và việc làm. Chúng ta cần tái khám phá “nội lực” của những cản trở này hầu đề ra một chiến thuật dài lâu nhằm chuyển hướng tích cực giúp mỗi người vui sống và tiến bước trên đường hoàn thiện bản thân.
TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
Có những nghệ sĩ đã biết dùng trí tưởng tượng của mình để sáng tác những bức tranh để đời phục vụ cho thiện ích bao người. Cũng có những người đã dùng trí tưởng của mình trong dự phóng tương lai nhằm sáng chế ra những phương tiện tối tân giúp con người thăng tiến về mọi mặt. Trái lại, có những người đã dùng trí tưởng tượng của mình để sống trên mây trên gió mà quên rằng chân mình vẫn còn đạp đất. Nói như thế, có nghĩa là những người này đã sống xa rời thực tế, hầu như đó là cách họ lẩn tránh thực tại. Những ảo tưởng này vì không được chủ thể nhận biết khiến họ đi từ thất bại này đến thất bại khác. Dần dà, cuộc sống đối với họ trở thành một nơi giăng đầy những cạm bẫy khiến họ phải sa chân. Như thế, một khi con người không ý thức và chủ động bước vào thế giới của trí tưởng tượng với một sự hiểu biết nào đó, nó sẽ làm trì trệ bước tiến hơn là thúc đẩy cho toàn thân được vận hành tốt đẹp.
TƯ TƯỞNG
Có thể nói, những người thành công thường khởi đầu bằng một tư tưởng vĩ đại và táo báo. Có thế, nó mới trở thành động lực thúc đẩy họ hành động không mệt mỏi vì dự phóng tương lai. Nếu như có thứ nội lực giúp xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn thì cũng từ nguồn nội lực ấy một khi bị chủ thể làm cho “nhiễm độc” cách nào đó, nó sẽ mang tính hủy hoại bản thân. Thật vậy, tư tưởng con người phần lớn tùy thuộc vào sự hiểu biết và kinh nghiệm bản thân. Nếu sự hiểu biết đúng đắn và lành mạnh, cộng thêm kinh nghiệm tích cực và năng động, chủ thể sẽ có quan niệm về thực tại cách cởi mở và sáng tạo. Từ đó, đương sự sẽ dễ dàng tiếp cận thực tế cuộc sống và trải nghiệm những khoảnh khắc đem lại ý nghĩa đích thực. Trái lại, những tư tưởng bi quan yếm thế không những chẳng mang đến cái nhìn thiện cảm cho cuộc sống mà còn tiêm nhiễm mọi hành vi mang tính hủy diệt. Đó là mầm mống của mọi hình thức bạo động mang tính hủy diệt hàng loạt. Nó không chỉ dừng lại ở sự giam hãm cá nhân và còn thao túng cả nhiều thế hệ. Điều này đã được lịch sử chứng mình qua các chủ trương của các nhà độc tài.
Chúng ta cũng cần ghi nhận những trường phái tư tưởng quá khích: các loại “duy” hay “chủ nghĩa” này khác luôn để lại một cái nhìn thiên lệch về thực tại đời sống. Tầm ảnh hưởng của nó đã được các nhà đạo đức và tri thức chân chính cảnh báo nhưng nó vẫn âm thầm chi phối những tâm hồn nhạy bén với các dấu chỉ thời đại mà không được đức tin hướng dẫn. Có thể nói, sự hủy diệt này mang tính lay lan, được cụ thể hóa nơi các đảng phái chính trị.
Cũng có những tư tưởng “khổng lồ” đã tạo nên một hệ thống vững chắc như bức tường Berlin để rồi sụp đổ như một ý thức hệ lỗi thời. Nó đang đến hồi cáo chung vì đã loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình. Và Đức Bênêdictô XVI đã lên án một chế độ như thế: “ Chủ thuyết nhân bản loại Thiên Chúa là một chủ thuyết phi nhân bản” (Caritas in Veritate, số 78). Sự hủy hoại chính mình của một chế độ sẽ kéo theo những tàn tích ngổn ngang trong lòng mọi người.
CẢM XÚC
Nếu chúng ta hiểu nhận thức đi trước cảm xúc thì một nhận thức sai lệch sẽ dẫn đến những cảm xúc bất thường. Một cảm xúc có thể mang tính phá đổ khi nó không tương xứng với thực tại. Một tai nạn giao thông do sự bất cẩn của hai bên lại trở thành tai họa giết người khi cảm xúc không được con người kiểm soát.
Có những cung bậc cảm xúc được các nghệ sĩ thăng hoa thành những bản tình ca bất hủ mang đậm nét tính nhân văn. Nhưng cũng có những loại cảm xúc khiến con người sợ hãi rồi chạy trốn thực tại, trở nên trầm cảm và muốn giải thoát cuộc đời này bằng cách tự tử.
Cảm xúc thì vụt đến và thoáng đi, nhưng hậu quả của nó thì khôn lường. Vì giận quá mất khôn, con người có thể làm mọi sự bất chấp luật pháp, bất cần lương tâm. Sự hủy hoại của nó được ví như dòng nước cuốn trôi mọi hoài bão của con người, rồi họ trở nên thất vọng, chán nản và buông xuôi mọi sự. Sự thất bại ở đây được hiểu là con người tự hủy hoại mình vì sống mà không còn ý nghĩa của cuộc đời.
LỜI NÓI
Có những người ngậm máu phun người nhưng biết đâu rằng máu dính từ miệng làm bằng chứng tố cáo sự gian ác của mình. Họ thích nói cho thỏa giận hờn mà nhắm mắt làm ngơ trước những vết thương đã vô tình hay hữu ý tạo ra nơi người khác. Sau này nghĩ lại, họ mới biết chính mình hại mình.
Ngày nay, người ta cũng bàn đến thứ bạo lực bằng lời nói. Lời nói trở thành công cụ công kích người khác công khai trên các phương tiện truyền thông. Họ tưởng rằng một nửa sự thật cũng là sự thật nên cắt xén những lời phát biểu của người khác mà lên án những người vô tội. Nếu như họ muốn nhờ truyền thông để đạt được mục đích hạ giá uy tín người khác thì cũng chính phương tiện này sẽ vạch trần bộ mặt thật của họ. Và như thế, gậy ông lại đạp lưng ông.
Trong các tập thể cũng không thiếu những kẻ nhân danh tình bác ái nào đó, giải thích các sự kiện cách lệch lạc nhằm hạ giá uy tín người khác trước mặt cấp trên. Xét cho cùng, họ đã gây xáo trộn hơn là xây dựng tập thể. Cuối cùng, chính họ là người phải chịu đựng nỗi bất an của người khác. Quả thật, lời nói có thể ví như một ngọn lửa khả dĩ thiêu đốt một cánh rừng nhưng người phát ra những lời độc địa ấy cũng trở thành một thứ mồi cho lửa thiêu đốt.
HÀNH ĐỘNG
Chúng ta nhận ra trong xã hội có những người hành động thuần theo bản năng như thể không có lý tưởng và ý nghĩa cuộc sống, họ đi tìm thú vui trong xì ke ma túy: một phút chốc bay bổng để đời lên hương. Nhưng sau đó là nỗi chán chường. Để giải sầu, họ lại tìm đến những thứ kích thích này với hàm lượng cao hơn, rồi quay quắt trong nỗi vô vọng không tên. Họ là người yếu nhược cả về thể lý cũng như tinh thần. Cái chết đang rình chờ bên cửa lạc thú là vậy !
Cũng có những người mạnh mẽ về thể lý nhưng lại yếu thế về tinh thần. Họ bị nhiễm độc từ những bộ phim võ thuật của Trung Quốc hay những phim hành động bạo lực. Trả thù, chém giết hay đổ máu là chuyện thường tình không cần phải đặt lại vấn đề đạo đức: chiến thắng thuộc về kẻ mạnh. Bởi đó, ngày nay chúng ta chứng kiến nhiều cảnh bạo lực học đường, bạo lực gia đình…nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Nạn nhân là những người yếu thế, tinh thần của họ đã bị xui khiến bởi những thế lực đen tối nhằm gieo tai ương trong cộng đồng nhân loại.
Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta nghe nói đến nạn phá thai đã tràn lan khắp nơi. Không chỉ có cái chết của các thai nhi mà có cả cái chết của những người mẹ như lời thánh Têrêsa Calcutta đã quả quyết: trong một cuộc phá thai có hai cái chết: cái chết của thai nhi và cái chết của lương tâm người mẹ. Nếu con người có thể bạo hành trên đứa con của mình thì có tội ác nào mà con người không hành động. Có thể nói, nền văn hóa sự chết đã tiêm nhiễm vào mọi hoạt động của con người.
GIẢI PHÁP
Một phương pháp được các nhà tâm lý đề nghị là: nội quan, nghĩa là nhìn từ bên trong. Bởi đó, tất cả trí tưởng tượng, tư tưởng, cảm xúc, lời nói và việc làm đều được chủ thể ý thức. Chính khi chủ thể quan sát và đánh giá mọi nhất cử nhất động của mình, từ đó, bản thân chịu trách nhiệm mọi hậu quả do mình gây ra mà tránh được những điều đáng tiếc do không làm chủ chính mình. Mọi hành vi không còn mang tính hủy hoại khi chủ thể xác tín và sống những giá trị cao đẹp được người mọi thời đề cao như Chân, Thiện và Mỹ. Có thế, chúng ta sẽ dễ dàng hội nhập những giá trị Tin Mừng vào mọi ngõ nghách tâm hồn, trong đó, Chúa Giêsu trở thành trung tâm đời sống đức tin. Thay vì quay trở lại với đời sống bản năng hạ đẳng vốn ghì chặt con người, chúng ta hướng nhìn và bước theo Chúa Giêsu, Đấng đến trần gian cho chúng ta được sống và sống dồi dào.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.