1. Xây những nhịp cầu chứ không phải những bức tường
2.Đau khổ khiến bạn chuyển đổi và sau là hãy làm cái gì đó
3.Đừng sợ xấu hổ với chính bạn và hãy nhận ra khi bạn làm điều sai trái
4.Giấc mơ tình yêu
5.Tránh lòng tham lam của cải
6.Hằng ngày hãy cầu nguyện cho sức khỏe của bạn và những người bạn thân thương
7.Hãy mạnh mẽ trong đức tin để vượt thắng chia rẽ
8.Chăm chỉ làm việc vì nhân phẩm của bạn và của gia đình bạn
9.Đừng để bị cướp mất hy vọng
10.Nhớ rằng Thiên Chúa chẳng từ bỏ chúng ta
11.Tìm kiếm hạnh phúc bằng cách tạo ra sự hài hòa
12.Biết rằng bạn được yêu để bạn có thể trao ban tình yêu và tha thứ
Danh sách này được trính từ những bài viết và diễn văn của ĐGH Phanxicô:
1.Xây những nhịp cầu chứ không phải những bức tường
Mỗi Kitô hữu luôn bắc những nhịp cầu đối thoại với tha nhân, chứ không phải là những bức tường oán hận. Kitô hữu luôn nên tìm kiếm lối nẻo lắng nghe, hòa giải với lòng khiêm tốn và nhu mì, bởi Con Thiên Chúa dạy chúng ta như thế. (Bài Giảng tại nhà nguyện thánh Mátta, 23-1-2015)
2.Đau khổ khiến bạn chuyển đổi và sau là hãy làm cái gì đó
Anh chị em biết kẻ đạo đức giả không biết khóc, họ quên cách khóc, họ không xin ơn nước mắt. Khi ai đó làm điều tốt, theo bản năng, lòng khao khát trỗi lên giúp chúng ta trân quý và ngững mộ những nghĩa cử tốt, để hài lòng về hành động tốt đó. Chúa Giêsu mời chúng ta thể hiện những cử chỉ như thế mà không khoe khoang, nhưng chỉ phụ thuộc vào Chúa Cha, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho ta. (Mt6,4, và 6,18). (Bài Giảng thứ tư Lễ Tro, 18-2-2015)
3.Đừng sợ xấu hổ với chính bạn và hãy nhận ra khi bạn làm điều sai trái
Chúng ta phải học lấy sự khôn ngoan và khoa học của việc kết tội chính chúng ta…Tôi buộc tội chính tôi, cảm thấy đau đớn vì những vết thương. Hãy học những gì đến từ đó và sau là chính mình buộc phải liên lụy đến vết thương đó. Đừng sợ hối lỗi ăn năn, vì đó là dấu hiệu ơn cứu độ. (Bài Giảng tại nhà nguyện thánh Mátta, 28-9-2015)
4.Giấc mơ tình yêu
“Bạn không thể có một gia đình thiếu vắng ước mơ”. ĐGH nói như thế tại Manila 2015. “Khi gia đình đánh mất khả năng mơ ước, con cái không thể lớn lên, tình yêu chẳng thể triển nở và cuộc sống sẽ héo tàn chết rụi…. Ước mơ rất quan trọng. Đặc biệt là ước mơ trong những gia đình. Đừng đánh mất khả năng mơ ước.” (ĐGH: chúng ta phải chơi đùa với trẻ em. Vui chơi để mơ ước…)
5.Tránh lòng tham lam của cải
Lòng tham của cải là khởi đầu cho mọi kiểu tham nhũng ở mọi nơi….Có một bí ẩn trong việc sở hữu của cải. Giàu sang có khả năng quyến rũ và khiến chúng ta tin rằng chúng ta đang ở thiên đàng tại Thế. “Thiên đàng” kiểu ấy là nơi thiếu vắng chân trời. (Bài Giảng tại nhà nguyện thánh Mátta, 25-5-2015).
6.Hằng ngày hãy cầu nguyện cho sức khỏe của bạn và những người bạn thân thương
Giáo Hội mời gọi những người cầu nguyện hãy kiên trì cầu cho những người mình yêu thương, cho những ai khiến ta đau khổ. Ở đó, chẳng bao giờ thiếu những người cầu nguyện cho các bệnh nhân. Hơn thế, chúng ta phải cầu nguyện nhiều hơn, cá nhân cũng như cộng đoàn… Cách chung, những lúc ốm đau có thể nối kết các thành viên trong gia đình thăng tiến mạnh mẽ hơn. Thật quan trọng để ta nghĩ cách dạy cho trẻ em, bắt đầu từ thời thơ ấu, về tình liên đới trong những lúc ốm đau. Một nền giáo dục chống lại những nhạy cảm với bệnh tật sẽ làm tâm hồn bị thui chột. (Tiếp Kiến Chung, 10-6-2015).
7.Hãy mạnh mẽ trong đức tin để vượt thắng chia rẽ
Chúng ta hãy tha thứ cho chính mình, khám phá căn tính đích thực của ta là những người con của Thiên Chúa trong hình ảnh của Thiên Chúa Cha, giống như các Ngài là những người trao ban sự sống. Chúng ta khám phá ra những anh chị em của Chúa Giêsu, những người chúng ta làm chứng cho. Đây có nghĩa là rao giảng Tin Mừng, đây là cách mạng mới – bởi đức tin của ta luôn là cuộc cách mạng –đây là tiếng kêu sâu thẳm và bền vững nhất. (Thánh lễ tại Ecuador 7-7-2015)
8.Chăm chỉ làm việc vì nhân phẩm của bạn và của gia đình bạn
Công việc – tôi lặp lại, trong mọi hình thức của nó – phù hợp với con người. Nó diễn tả phẩm giá của thụ tạo trong hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, người ta nói rằng công việc được thánh hóa. Tôi phấn khởi khi thấy các chính phủ miệt mài tìm những công việc và cố chăm lo cho mọi người có công ăn việc làm. Công việc được thánh hóa, việc làm trao giá trị đến với gia đình. Chúng ta phải cầu nguyện để mọi gia đình đều có việc làm. Do đó, công việc cũng giống như lời tán dương, nó là một phần kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. (Tiếp Kiến Chung, 19-8-2015).
9.Đừng để bị cướp mất hy vọng
Trong đời sống thực tế hằng ngày, không có chỗ cho những ước mơ. Một người trẻ mà không có khả năng mơ ước thì què cụt, khép kín. Thi thoảng mỗi người mơ nhiều thứ mà chẳng thể xảy ra. Nhưng dù sao ước mơ chúng, khao khát chúng, tìm kiếm những chân trời, mở ra với những điều vĩ đại. (ĐGH tại Havana, Cuba, 20-9-2015).
10.Nhớ rằng Thiên Chúa chẳng từ bỏ chúng ta
Chúa Giêsu luôn cho chúng ta thấy Thiên Chúa không phải là ông chủ hà khắc và bất khoan dung. Nhưng Ngài là người cha đong đầy tình yêu, khoan dung, một người cha tràn đầy lòng tốt. Và vì thế, chúng ta có thể và nên có lòng tin cậy hải hà nơi Ngài. (Bài Giảng tại nhà nguyện thánh Mátta 20-11-2017)
11.Tìm kiếm hạnh phúc bằng cách tạo ra sự hài hòa
“Khi phán xét một người, chúng ta tạo nên sự ngăn cách loại trừ”, có thể nói “không với người đàn ông này, không với người phụ nữ kia, không với người này….không.” Làm như thế, “chúng ta ở lại trong một nhóm nhỏ mà chúng ta chọn, và đây không phải là người Kitô hữu”. Chúng ta nói: “Không, người đó là tội nhân, kẻ ấy làm điều này…”
Tuy nhiên, thái độ của Chúa Giêsu “là bao gồm… có hai con đường khả thể: Đường loại trừ người ta khỏi cộng đoàn và đường bao gồm tất cả.” Trước hết, dường như bình diện giới hạn là nguồn gốc của mọi chiến tranh: tất cả các thảm họa, mọi xung đột bắt đầu từ loại trừ.” Có một thứ loại trừ “không chỉ ở bình diện cộng đoàn quốc tế, nhưng còn từ gia đình: giữa những người bạn, có biết bao cuộc chiến!” Thay vào đó, “Con đường mà Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta hoàn toàn ngược lại, vànó ngược với đường lối thế gian, đó là bao gồm.” (Bài Giảng tại nhà nguyện thánh Mátta 5-11-2015).
12.Biết rằng bạn được yêu để bạn có thể trao ban tình yêu và tha thứ
ĐGH so sách tình yêu Thiên Chúa tựa như tình yêu của người cha, người mẹ nói với đứa con của mình khi người con thức dậy sau cơn ác mộng. Chỉ có cha mẹ chúng ta mới làm chúng ta yên tâm, họ nói rằng “đừng sợ, mẹ đây”, Thiên Chúa cũng nói “đừng sợ hãi tội lỗi của con, Ta yêu con, Ta hằng ở đây để tha thứ cho con.”
“Đấy là lòng thường xót của Thiên Chúa” ĐGH giải thích. “Chúng ta rất lo lắng khi điều gì đó khiến kế hoạch ta không hoàn thành, chúng ta la hét lên, chúng ta không kiên nhẫn….Tuy nhiên Thiên Chúa nói ’Hãy bình tĩnh; vâng, con làm điều không đúng, nhưng đừng lo, đừng sợ hãi. Ta tha thứ cho con.’” (Bài Giảng tại nhà nguyện thánh Mátta 10-12-2015)
Sau cùng, Khuôn Vàng Thước Ngọc là những giải pháp tốt nhất này dành cho hằng tháng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”
Chuyển ngữ: Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: aleteia.org
(dongten.net 16.01.2018)