Ý tôi muốn nói rằng ngay từ khi 6 tháng tuổi, dù chưa biết nói, bé cần được dạy sự lễ phép, như ra dấu “xin” và “cám ơn”; khi bé cần thứ gì đó và hét lên, cha mẹ phải tỏ rõ sự không tán thành hành vi đó của trẻ bằng ánh mắt hoặc lời nói. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để một đứa trẻ chấp nhận sự kỷ luật khi cha mẹ thể hiện uy quyền của mình ngay từ đầu. Sự hiểu biết của đứa trẻ và sự vâng phục uy quyền có thể phát triển hơn thông qua những mẩu chuyện, sự giải thích, đề ra những giới hạn và những hậu quả; học biết Chúa Giêsu, yêu mến Ngài và mong muốn làm đẹp lòng Ngài.
Phát triển một mối quan hệ tốt. Dành thời gian trò chuyện với trẻ, ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ (lẽ dĩ nhiên khi trẻ có thể nói được). Sự giao tiếp thường xuyên của bạn với trẻ cho trẻ biết rằng bạn quan tâm đến trẻ, thể hiện rằng bạn sẵn lòng lắng nghe những gì trẻ nói, và giúp cả hai xích lại gần nhau và hiểu về nhau hơn.
Hãy dành thời gian để giải thích. Khi bạn giải thích lập trường của bạn sẽ giúp trẻ dễ dàng chấp nhận hình thức kỷ luật hơn. Một đứa trẻ tức giận, khóc lóc và la hét có thể chúng nghĩ đó là cách thức duy nhất chúng được hiểu. Hãy kiên nhẫn cố gắng và dành thời gian để giải thích. (Điều này đặc biệt quan trọng đối với những đứa trẻ vẫn còn nhỏ tuổi, vẫn còn đi chập chững và bập bẹ tập nói, nhưng điều này có hiệu quả đối với tất cả trẻ). Điều này cũng giúp chúng ghi nhớ hơn bài học, và tại sao bạn và Thiên Chúa mong mỏi chúng hành động theo một cách thức nào đó thay vì chỉ vâng lời để tránh bị phạt.
Kiên định là điều quan trọng. Khi có trường hợp ngoại lệ, tốt hơn nên giải thích tại sao. Nếu trẻ biết rằng đôi khi cha mẹ vi phạm nguyên tắc gia đình, thì rất khó để trẻ vâng lời. Tuy nhiên, có những lúc tốt hơn không nên quá cứng nhắc trước những điều không mấy quan trọng và thiếu quan tâm đến những vấn đề trẻ đang đối mặt.
Hãy khen ngợi khi thấy trẻ làm điều tốt. Khuyến khích hành vi tốt cũng rất quan trọng, quan trọng hơn cả việc kỷ luật hành vi xấu. Hãy chú ý đến hành vi tốt và khen trẻ “ngoan lắm!”
Tách biệt với hành vi. Tránh nói: “Con là đứa trẻ hư”. Thay vào đó, hãy nói: “Điều con đã làm là sai”. (Điều này giúp tránh chạm đến lòng tự trọng của trẻ.)
Kết thúc bằng một lời vui vẻ. Khi sửa dạy con cái, hãy luôn cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện bằng điều tích cực; kết thúc với giọng thật vui vẻ: “Ôi, ba/mẹ yêu con rất nhiều! Con chính là kho báu của ba/mẹ và ba/mẹ rất hạnh phúc được có con!”… Điều này làm đứa trẻ vui trở lại và nhắc chúng nhớ rằng mặc dù bạn sửa dạy chúng, nhưng tình yêu của bạn dành cho chúng là không thay đổi.
Thiên Ândịch