Chuyện vô cảm đau lòng đã xẩy ra: “Hôi bia”
Vụ tài xế Hồ Kim Hậu 30 tuổi, quê ở Bình Định ngày 04 tháng 12 năm 2013 chở 1500 thùng bia Tiger bị lật ở vòng xoay Tam Hiệp Biên Hòa, và bị người ta cướp hết. Anh chỉ biết ôm mặt khóc, khi van xin không ích gì! Người cướp đã vô cảm trước hoạn nạn của người khác!
Chuyện hậu “hôi bia”
Thằng Tèo buồn bã, một tay ôm cặp, tay kia gạt nước mắt vừa ở trường về, vội bước vào nhà, trong lúc bố Tèo đang ngồi nhậu với mấy người bạn, có lẽ đã ngà ngà. Bố Tèo quát: “Tèo, sao mày khóc?” Tèo vừa khóc, tay dụi dụi mắt rồi ấp úng thưa: “Con bị cô cho điểm “không” khi không làm được bài văn tả hình ảnh đẹp về bố”. Bố Tèo lại quát: “Sao không làm được bài?” Tèo lại ấp úng thưa: “Tuần trước, con nghe được bố vừa nói vừa cười, khoe với mấy bác nhậu cùng bố rằng, bố đã “hôi” được mấy chục lon bia Tiger ở vòng xoáy Ngã Ba Tam Hiệp, nên hôm nay nhậu khỏi tốn tiền bia”. Bố Tèo lặng yên! Lại một chuyện khác:
Chuyện thịt con gà của hàng xóm chạy sang vườn nhà mình
Ở một giáo xứ kia, sau buổi tối học “giáo lý xưng tội lần đầu” về nhà, thằng Tí được bố sai đi mua một lít rượu đế, để nhậu cùng mấy người bạn, “con gà chùa”. Hôm sau, Thánh Lễ sáng vừa xong, con Mây đã tìm gặp thằng Tí. Mây vừa mếu máo vừa trách thằng Tí: “Bố mày hôm qua đã bắt gà của tao thịt rồi; con gà của tao chạy sang vườn nhà mày. Tao nuôi gà để Tết bán lấy tiền mua áo mới; Tết này tao không có áo mới rồi…”. Rồi con Mây khóc u. u! Thằng Tí, bạn cùng lớp, cùng trường lại cùng lớp giáo lý “xưng tội lần đầu” với con Mây, đứng đờ mặt ra tần ngần, lặng im không nói được gì! Nó nhớ đến Điều Răn Thứ Tám mới học chiều qua: “Thứ Tám chớ lấy của người”. Một thoáng, bất chợt nó nói: “Mây, mày đừng khóc nữa, tao sẽ đập con heo đất của tao, lấy tiền bồi thường mày, để Tết mày mua áo mới
Trong xã hội hôm nay, đang diễn ra hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện không còn “Cười ra nước mắt” được nữa, mà nó đã tạo ra sự nguyền rủa, căm phẫn. Bởi vì không phải lon bia, con gà nhỏ nhoi, chỉ đáng mấy trăm ngàn đồng, người ta lấy của nhau, mà là những căn biệt thự mấy chục tỉ, rồi cả hàng ngàn, hàng vạn tỉ của đất nước bị những kẻ bất chính có quyền cướp đoạt, mà xã hội gọi là “tham nhũng”. Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinashin… Chua xót và đau đớn biết bao! Ta phải làm gì đây?
Thắp ngọn lửa “Sự Thật” hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối “gian dối”!
Vậy hơn lúc nào hết, không phải là lúc chúng ta ngồi nguyền rủa bóng tối, mà phải thắp lên một ngọn lửa, dù ánh sáng leo lét như đốm sáng le lói của một con đom dóm trong màn đêm dầy đặc; hay một tia hy vọng dù nhỏ nhoi như chiếc phao cứu sinh giữa đại dương. Ngọn lửa đó chính là ngọn lửa “Sự Thật”, sự trung thực để xua đi bóng tối “gian dối” đang bao trùm. Điều đó ta có thể thực hiện trong môi trường mình sống. Tôi nghĩ: Khởi đầu tốt nhất là nơi các bậc làm cha, làm mẹ. Họ phải sống thế nào? giáo dục con cái điều gì? Giáo dục ra làm sao? để chính mình và con cháu mình trở thành người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội?
Cha mẹ làm gì để giáo dục con cái?
Trước tiên ta cùng tìm hiểu giáo dục là gi? “Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra” (Viện N.N.H.VN).
Ngày nay, khắp nơi trên thế giới, nhà trường đã đóng vai trò cung cấp kiến thức cho con cái chúng ta gần như toàn diện, từ trí dục, đức dục và thể dục ở các bậc Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học, Đại học và sau Đại học. Vậy cha mẹ còn giáo dục cho con cái điều gì? Khi người ta lại thường nói: Chính gia đình là cái nôi của giáo dục con cái; cái nôi hình thành nhân cách một con người. Con cái chính là hình ảnh của cha mẹ nối dài.
Cha mẹ phải là chứng nhân về Sự Thật về nhân cách sống!
Vâng, đúng như thế, về mặt kiến thức thì nhà trường đã đóng góp rất lớn cho con cái chúng ta, nhưng về phần nhân cách thì chính bố mẹ, gia đình gần như đã tạo nên nhân cách cho con cái. Đứa trẻ sống thành thật hay gian dối; yêu thương hay hận thù; khoan dung hay cố chấp; rộng lượng hay ích kỷ; tình cảm hay vô cảm… phần lớn chúng ảnh hưởng nơi bố mẹ. Bởi lẽ thời gian chúng sống với gia đình từ nhỏ đến năm 18 tuổi nhiều hơn ở nhà trường và xã hội.
Như thế, bố mẹ chính là chứng nhân sống cho con cái noi theo. Muốn con cái có tình thần cầu tiến, thì chính bố mẹ phải là người cầu tiến; muốn con cái sống khiêm tốn, không tự cao tự đại thì chính bố mẹ phải là người sống “hiền lành và khiêm nhường”.
Cũng chính vì thế, Ca dao, tục ngữ Việt Nam đã nhắc chúng ta: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”; hay “Con nhà tông, không giống long cũng giống cánh”; hoặc cảnh báo cha mẹ “ Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…
Cha mẹ cần tỉnh táo nhận ra đôi khi đằng sau “Sự Thật” là điều gian dối! ngụy quân tử
Nhân loại ở mọi thời, mọi nơi đều trân trọng “Sự Thật”. Bởi lẽ “Sự Thật” là một trong ba điều tuyệt hảo mà con người hằng mong ước hướng về. Đó là “Chân, Thiện, Mỹ”. Không có một ai, một tổ chức nào lại quảng bá, hô hào, tuyên truyên cho con người ủng hộ một sự gian dối, ủng hộ hàng giả, hàng nhái… Không một ai lại hô hào mua trứng gà, trứng vịt, gạo… giả của Trung quốc; cũng không ai hô hào mua hàng nhái hàng kém phẩm chất của những nơi làm phân và thuốc giả… Mọi người đều thích mua hàng thật, chính hãng. Về điểm này, người Nhật có quyền hãnh diện. Ai cũng thích hàng Nhật với dòng chữ: “Made in Japan”.
Sự giả dối không chỉ ngừng lại ở phần vật chất, mà sự giả dối còn ở ngay trong con người, trong tinh thần, trong tư tưởng hay trong học thuyết do con người tự đặt ra. Đây là điều vô cùng tác hại đến con người, đến nhân loại. Nếu mua phải hàng giả, chỉ tốn một ít tiền; mua phải hàng độc cùng lắm chết một người, nhưng sai lầm về tư tưởng chết cả một đời người, một thế hệ, một dân tộc và hơn thế nữa… Một Adolf Hitler (1889-1945), trùm phát xít Đức với chủ thuyết sai lầm dân tộc, đã đưa nhân loại vào thế chiến thưa II (1939-1945) với hơn 73 triệu người chết
Trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, nhân vật Nhạc Bất Quần, chưởng môn nhân phái Hoa Sơn là ngụy quân tử. Ông rất nham hiểm với mọi mưu kế hiểm độc để tạo hào quanh quanh mình. Ngày nay, ngụy quân tử, Nhạc Bất Quần được T.S Dương Xuân Thanh trên báo giáo dục VN ngày 10-6-2014 đã trào phúng mỉa mai: kính thưa “các đồng chí chưa bị lộ”.
Một hình ảnh khác là hình ảnh một cây cổ thụ với biết bao cành được đâm ra từ thân cây, rồi biết bao cành nhỏ trải rộng và ngoài cùng là tàn lá xum xê. Người ta ví đó là “cây triết học của nhân loại” Mỗi triết gia đã đóng góp cho cây triết học, một cành, một nhánh nào đó… Khi nhìn thì phải nhìn vẻ đẹp của toàn cây đang phủ bóng, đừng chỉ nhìn một nhánh, như thế, ta dễ bị phiến diện sai lạc, bảo thủ, chậm tiến, như những người mù xem voi…
Cha mẹ, hơn lúc nào hết cần tỉnh táo nhận ra những giá trị đích thực về vật chất, tinh thần và những hệ tư tưởng đội lột sự thật, sự tiến bộ, sự văn minh cấp tiến mà giúp cảnh báo con cái không vướng phải…
Cha mẹ cần biết sự giới hạn của con người; sự toàn năng nơi Tạo Hóa!
Thực trang xã hội hôm nay, con cái khi được học tập, chúng có kiến thức hơn bố mẹ là điều rất phổ biến khắp nơi trong xã hội. Đây quả là một điều rất đáng mừng vì ông cha ta đã dạy: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy nhiên, thi thoảng có trường họp con cái coi nhẹ lời dạy bảo của bố mẹ. Nghiêm trọng hơn chúng lại coi thường niềm tin tôn giáo mà bố mẹ sắt son gìn giữ, và mong ước con cái cùng gìn giữ. Một số cho rằng khoa học là tất cả; khoa học giải quyết mọi sự. Chúng có biết đâu rằng chính nhà bác học lừng danh Albert Einstein (1879-1955) đã từng nói:“The more I study Science; the more I believe in God” (Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin tưởng vào Thượng Đế). Còn Thomas A Edison (1847-1931) thì nói: “Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ các kỹ sư. Đặc biệt là người kỹ sư vĩ đại nhất, Thiên Chúa”
Ngoài những điều cha mẹ đã cố gắng chỉ và tránh cho con cái nêu trên, cha mẹ cần dành sự cầu nguyện nhiều cho con cái. Sự cầu nguyện chính là điểm tựa vững vàng trong đòi sống người Kitô hữu chân chính.
Lời kết
Xin mượn câu chuyện cầu nguyện của nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895) để kết thúc bài viết. Trên chuyến xe lửa về Paris, một cậu sinh viên ngồi gần ông già. Khi xe lăn bánh thì ông già lần hạt. Cậu sinh viên khó chịu hỏi ông già: “Ông còn tin vào việc mê tín, nhảm nhí này sao? Ngày nay khoa học giải quyết được mọi việc”. Ông già trả lời: “Tôi vẫn tin vào lời cầu nguyện”. Cậu sinh viên bực bội, hỗn xược nói “Ông đến trường, trường tôi sẽ chỉ cho ông rõ. Nếu ông không đến thì đưa địa chỉ của ông, tôi sẽ gởi sách cho ông đọc”. Ông già rút trong ví đưa cho cậu sinh viên tấm danh thiếp: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris. Cậu sinh viên nhìn tấm danh thiếp rồi bỏ sang toa khác.,.
Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, một chút kiêu căng đã là thừa!
Một bài học cả cho bố mẹ lẫn con cái.,.
Cursillista inhaxiô Đặng Phúc Minh