Trước tiên, chúng ta cần nhắc đến vai trò trung gian của ký ức khi kết nối quá khứ với hiện tại. Chúng ta vừa khẳng định: đây là phút sống hiện tại thì liền sau đó, nó trở thành quá khứ. Sự chớp nhoáng ấy đã được ký ức ghi nhận bằng vô số thông tin, sự kiện nhờ mắt thấy tai nghe…Nhưng một khi chúng ta khước từ một phần nào đó của quá khứ, đồng nghĩa với việc cắt đứt tính liên tục từ quá khứ đến hiện tại thì sẽ tạo nên nơi ký ức một vết thương, và hậu quả là sẽ tạo nên thế giằng co trong nội tâm. Tệ hại hơn là nó tạo nơi chúng ta cách sống hai mặt. Nói cách khác, đời sống chúng ta sẽ thiếu nhất quán trong lời nói cũng như hành động.
Cũng trong chiều hướng này, một khi làm mất đi hay gián đoạn tính liên tục từ quá khứ đến hiện tại, chúng ta dễ có khuynh hướng xa rời thực tế, sống ảo tưởng. Ký ức được ví như dòng nước chảy xuôi và liên tục, nếu chẳng may có một vật cản hay người ta đắp đập, xây bờ…thì sẽ tạo một lực mạnh như thác lũ phía dưới khiến đời sống tinh thần mất đi sự cân bằng vốn êm ả của dòng nước êm trôi. Từ đó, dễ sinh ra những căn bệnh tâm thần do ký ức mất đi sự lành mạnh vốn có của nó.
Một vai trò khác của ký ức cần được bàn đến đó là: hướng dẫn. Ký ức như người anh hướng dẫn người em trong đời sống tinh thần, cũng như quá khứ soi sáng cho hiện tại nhận ra những điểm đồng qui trong cuộc sống. Những gì người anh trải nghiệm thì người em cũng sẽ kinh nghiệm, vì thế, ký ức sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn trong hiện tại nhờ những kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ. Chẳng hạn, khi xét đến tương quan giữa chúng ta với một ai đó trong hai lần gặp gỡ, nếu ký ức không hoạt động tốt, chúng ta lại nói những chuyện mà vừa hôm qua chúng ta đã chia sẻ. Từ đó, dễ sinh ra nhàm chán trong tương quan vì mất đi sự tươi mới của từng lần gặp gỡ. Có thể nói, ký ức giúp chúng ta ghi nhận mọi kinh nghiệm vốn mang lại niềm vui và sự thăng tiến trong cuộc đời.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA KÝ ỨC
Khi bàn đến vai trò của ký ức, chúng ta đã nhận ra phần nào sự quan trọng và tính toàn diện của ký ức trong đời sống tinh thần của con người. Cụ thể hơn, chúng ta sẽ đi sâu vào tầm ảnh hưởng tiêu cực và tích cực của ký ức.
Tiêu cực
Nếu hiểu ký ức như việc con người hoài niệm về quá khứ, thì những quá khứ đen tối của một thời đã qua có thể làm chúng ta sợ hãi khi đối diện với đời sống hiện tại. Thật vậy, một người đã từng bị rắn cắn sẽ sợ và tránh khi tiếp cận với những bụi rậm. Hay một người phụ nữ đã từng bị hãm hiếp sẽ dễ dàng “dị ứng” với những người đàn ông sỗ sàng, đáng hồ nghi. Đó là xét trên bình diện cá nhân, còn trong tương quan thì sao ?
Những kinh nghiệm chẳng mấy tốt đẹp trong quá khứ có thể tạo thêm những “nếp nhăn” trong ký ức, khiến chúng ta dễ thành kiến và định kiến với một đối tượng nào đó. Quả thật, khi đã từng bị ai lợi dụng hoặc chơi xấu, cho dù chúng ta đã bỏ qua, nhưng hành vi của họ vẫn bị tố cáo trong ký ức của chúng ta. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, chúng ta luôn sống trong ngờ vực và lo âu. Chưa xét đến mối tương quan giữa ta với họ bị rạn nứt mà ngay bản thân ta không thể sống thanh thản và bình an.
Tích cực
Nếu như những kinh nghiệm tiêu cực có thể làm vương hại đến lối ứng xử và cách sống của chúng ta, suy tư và phán đoán tích cực sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và tổn thương trong quá khứ.
Khoa học đã cho thấy trong một ngày một người có thể thâu nhập vào ký ức hằng ngàn thông tin khác nhau. Nhưng tại sao sau những giờ hồi tâm cuối ngày ký ức của chúng ta chỉ đọng lại vài điểm nhấn nào đó ? Thưa: vì ký ức tuỳ thuộc vào tài năng và khuynh hướng của chủ thể. Chẳng hạn trường hợp của thánh Augustinô, trong khi thực hiện tác phẩm Tự thú, ngài quay lại ký ức tuổi thơ và phần lớn, chúng xoay quanh vấn đề sa ngã. Cụ thể hơn, ngài nhắc đến sự ganh đua với bạn bè xem ai là người xấu xa hơn, ngài tâm sự: “Con sợ bị khinh thị vì vô tội, bị coi hèn hạ hơn vì trong sạch” [i]. Đồng thời, vị tiến sĩ này còn nhắc đến những lỗi lầm của thời trai trẻ khi chạy theo những bè rối và cố đạt danh hiệu cao nhờ tài hùng biện của mình. Nhưng một khi đã thực hiện một cuộc trở về, những ký ức ấy được chữa lành trong lòng thương xót của Chúa, như chính ngài đã tự thú: “Con đã nói cho Chúa nhân lành biết hiện trạng yếu đuối của con: con vui mừng mà run sợ về những ơn Chúa đã ban, con khóc lóc về những thiếu xót trong con, con hy vọng Chúa sẽ hoàn tất nơi con lòng thương xót của Chúa, cho tới sự bình an trọn vẹn, mà mọi quan năng bề trong bề ngoài của con được hưởng nơi Chúa” [ii].
Cũng vậy, khuynh hướng của mỗi người sẽ giới hạn phần nội dung trong ký ức của ta. Chẳng hạn, chúng ta biết khuynh hướng của thánh Têrêsa HĐGS là mẫu người cảm giác, điều này được cụ thể qua lời tâm sự của chị lúc vừa mất mẹ: “…kể từ khi mẹ chúng ta mất, tính tình vui vẻ của con đã thay đổi hoàn toàn, trước kia con năng động đến thế, nay trở nên nhút nhát và hiền lành, nhạy cảm quá mức. Chỉ một cái nhìn cũng đủ làm con khóc, chỉ mong không ai để ý đến con là con hài lòng, con không thể chịu đựng nổi sự có mặt của những người lạ và chỉ tìm lại được tính vui vẻ của mình trong vòng thân mật của gia đình”.[iii]Và sau khi hoài niệm những sự kiện đại loại như thế, chị thánh sẽ tự chủ hơn khi đối diện với những vấn đề tế nhị.
Có thể nói, chính ký ức cho chủ thể một kinh nghiệm để lần sau khi chạm trán một vấn đề tương tự, chúng ta có một khái niệm sơ lược về thực tại để luôn tự tin ứng biến và linh động với mọi tình huống, và nhờ đó, chúng ta giảm bớt đi phần nội lực thay vì phải căng thẳng như đứng trước một điều mới lạ vượt quá tầm kiểm soát của bản thân.
Thiết tưởng, cũng cần lưu ý một điều là đôi khi vì quá nại vào hoạt động của ký ức mà chúng ta có thể mất đi tính ngạc nhiên khi tiếp cận một thực tại mà ta cứ nghĩ rằng chuyện cũ và chuyện nhỏ. Để tránh tình trạng này, chúng ta cần thực hiện một bước nhảy vọt, vượt qua những gì là hào nhoáng bên ngoài để sống chính nội dung và ý nghĩa mà cuộc sống đang chờ đợi chúng ta.
KÝ ỨC VÀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI
Mỗi chúng ta được sinh ra trong thời gian nên luôn mang chiều kích lịch sử tính. Nhưng nó chỉ thực sự là lịch sử cuộc đời khi chính chủ thể cảm nhận và chấp nhận đảm nhiệm cuộc đời như một hành trình tự do giúp thể hiện và hoàn thành bản thân. Trong đó, chúng ta cần phát huy hết năng lực ký ức cảm xúc và ký ức tôn giáo hầu giúp bản thân hoàn thành và hoàn thiện trong tư thế và tâm thức của một Kitô hữu trưởng thành.
Ký ức cảm xúc
Chúng ta biết rằng có hai mức độ tiếp cận của ký ức: một là ghi nhớ sự kiện, hai là ghi nhớ những cảm xúc đi kèm với sự kiện đó.
Thông thường trong mỗi sự kiện được ghi nhận, chúng ta quan sát thấy có cả màu sắc, âm thanh và hình ảnh… đi kèm. Thế nên, khi một tình huống tương tự đang diễn ra, sẽ được chủ thể liên tưởng lại trong quá khứ, nhờ đó, mà kinh nghiệm tiếp cận của chúng ta sẽ tránh được phần nào những giới hạn mắc phải trong quá khứ, và nhờ sự tích lũy kinh nghiệm mà chúng ta sống sâu hơn và tinh tế hơn với một ý thức lớn lao rằng tôi đã có kinh nghiệm trong lãnh vực này.
Hơn thế nữa, một sự kiện xảy ra trong cuộc đời luôn gắn liền với những cảm xúc của chúng ta. Nếu khi có một tình huống tương tự xảy ra trong lúc này, những cảm xúc xưa kia lại ùa về. Thật ra, đó là cảm xúc mới nhờ hoạt động của ký ức cũ. Nếu xét kỹ, chúng ta sẽ lượng giá được những cảm xúc mới này có “chất lượng” hơn. Thật vậy, qua bao lần sa đi ngã lại về những cám dỗ trong quá khứ, mãi đến một ngày, thánh Augustinô đã thốt lên: Con yêu Ngài quá muộn. Tại sao vậy ? Vì nếu khám phá ra vẻ đẹp của Chúa sớm hơn, ngài đã yêu Chúa nồng nàn hơn. Còn bây giờ, ngài đang yêu và kèm theo với một con tim thống hối. Dường như đây lại là tâm tình đẹp nhất của một loài thụ tạo ý thức thân phận của mình khi đứng trước Đấng Siêu Việt, và đó là tâm tình của một người từng trải trong đau thương không kém phần tinh tế và sâu đậm hơn. Và trên hết là một tình yêu trung thành. Qua đó, chúng ta thấy được sự thăng tiến thực sự của một người sau khi sống những phút hồi tâm nhờ ký ức cảm xúc mang lại.
Có một nguy cơ lớn mà chúng ta không chủ động khi áp dụng ký ức cảm xúc này trong đời sống chung, đó là trạng thái chuyển cảm. Thật vậy, ký ức cảm xúc của chúng ta hoạt động rất tốt, nghĩa là sự liên hệ giữa kinh nghiệm quá khứ và cảnh huống hiện tại rất mạch lạc. Thế nhưng, khi sống với bề trên và anh chị em trong dòng, chúng ta biểu lộ những cảm xúc rất giống với những cảm xúc mà chúng ta đã biểu lộ trong môi trường gia đình. Đó là một trong những hình thức ấu trĩ khiến chúng ta trì trệ trong đời sống hiệp thông.
Chuyển cảm không dừng lại ở tương quan nhân loại, chúng ta cũng có thể chịu tác động của ký ức cảm xúc khi sống trong tương quan với Thiên Chúa. Có người đã nói rằng họ không thể cảm nghiệm một Thiên Chúa là Cha, khi họ đang sống với một người cha vô trách nhiệm chỉ biết rượu và bia. Không thoát ra khỏi tư tưởng này, họ không thể sống lành mạnh trong hành trình tâm linh. Trái lại, thánh Têrêsa HĐGS dùng ký ức cảm xúc để khêu gợi hình ảnh một người cha trần gian hầu đạt đến Thiên Chúa là Cha trên trời. Đến nỗi những tâm tình phó thác con thơ của thánh nữ trở thành một Linh đạo thực hành hướng dẫn nhiều tâm hồn đến với Chúa.
Ký ức tôn giáo
Xét cho cùng, ký ức tôn giáo cũng là ký ức cảm xúc nhưng được soi sáng nhờ hành trình đức tin của mỗi người.
Trước tiên, chúng ta khởi đi từ biến cố lịch sử của dân Do thái, sau biến cố năm 70, người Do Thái đã ly tán khắp nơi trên toàn thế giới, thế mà, đến giữa thế kỷ XX, họ trở về nước với quyết tâm tái lập xứ sở của mình. Hơn 19 thế kỷ bị mất nước, thế mà, giờ đây họ vẫn tự hào là một nước có truyền thống văn hóa tôn giáo lâu đời; rằng: Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Họ có thể làm được những điều vĩ đại, do đâu ? Đó là nhờ ký ức lịch sử của dân tộc. Đơn cử một sự kiện trong quá khứ: biến cố vượt qua Biển Đỏ. Kinh nghiệm quá khứ của cha ông họ đã được họ nội tâm hóa, biến thành kinh nghiệm và xác tín cá nhân, tất cả đã ăn sâu trong ký ức của họ. Ký ức cảm xúc ấy đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn vì biết rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương họ. Và giờ đây, những xác tín đó cũng là những khích lệ lớn lao cho chúng ta trong hành trình đức tin vì biết rằng Thiên Chúa đã yêu thương họ và ra tay uy quyền giải thoát họ thế nào, Thiên Chúa ấy vẫn tiếp tục yêu thương và cứu độ ta. Đó là những tâm tình tôn giáo khi chúng ta tiếp cận với Cựu Ước.
Còn khi sống trong tinh thần của Phúc Âm, mỗi chúng ta lại được Giáo hội mời gọi bước theo Đức Kitô như các Tông đồ và dân chúng xưa kia. Chúng ta cần đặt mình vào những nhân vật ấy hầu có thể làm sống động những ký ức cảm xúc tích cực khi được Chúa Giêsu ra tay chữa lành; lúc khác, được Ngài giải thoát khỏi trận cuồng phong; lúc khác nữa, được Chúa giải thoát cho khỏi bảy quỷ…Mỗi khoảnh khắc ấy là mỗi ký ức Kinh Thánh giúp chúng ta sống và xác tín sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Có thế, chúng ta mới hiểu được lời mời gọi của Công đồng Vatican II rằng: Tân Phúc Âm hóa đời sống đức tin. Nghĩa là chúng ta làm cho những bản văn Phúc Âm được công bố mỗi ngày nên sống động trong cuộc đời chúng ta. Nói cách khác, mỗi biến cố lịch sử đời tôi đều mang dấu ấn của tình yêu Chúa.
Ngoài ra, cuộc đời của các thánh cũng giúp chúng ta sống ký ức cảm xúc của mình cách phong phú hơn. Một Augustinô bao phen lầm lỗi nhưng Chúa vẫn kiên trì chờ đợi ban ơn cứu độ và cất nhấc ngài lên hàng Giám mục để phục vụ Giáo hội trong những giai đoạn khó khăn thời Trung cổ; đồng thời, Chúa soi sáng cho ngài viết lên những tác phẩm làm nền tảng cho đức tin của mỗi chúng ta cho đến ngày nay. Hay một Têrêsa HĐGS, cả một đời âm thầm phục vụ, ngài không cần một ai biết đến. Ngày qua đời, các chị em trong nhà không biết phải nói gì về chị ngoài một hình ảnh một nữ tu đau bệnh triền miên. Và ngay đến ngày lập án phong thánh, một vị giáo chức trong giáo triều đã phát biểu rằng: “Đời chị Têrêsa không có gì lạ cả, chỉ toàn là những vệc tầm thường thôi”.Đức Piô XI trả lời ngay: “Tôi chấp nhận việc phong thánh cho chị, vì chị đã làm những việc tầm thường”. Qua đó, chúng ta mới hiểu những gì thế gian cho là tội lỗi, Thiên Chúa lại thấy một nỗ lực muốn vươn lên; những gì thế gian cho là tầm thường, Thiên Chúa lại lấy làm quý giá. Lịch sử đời tôi có những lúc sa đàng tội lỗi, có những lúc bị đời khinh chê nhưng trên tất cả, vẫn có Chúa đồng hành trong cuộc đời tôi. Và nói như thánh Têrêsa HĐGS: Tất cả là hồng ân.
Và cuối cùng, ký ức tôn giáo đạt đến đỉnh cao nơi Bí Tích Thánh Thể. Có thể nói, qua thánh lễ, cuộc tái hiện và hiện thực hóa hy lễ đẫm máu của Đức Kitô, mọi ký ức được sống động hóa như đang diễn ra trên Đồi Sọ. Rằng: Thiên Chúa vẫn yêu thương, cứu chuộc và lấy thân mình mà nuôi sống chúng ta. Như thế, lịch sử đời ta như một hy lễ kéo dài đến tận chân Thập Giá. Lịch sử ấy là lịch sử thánh vì được chính Chúa chạm vào và làm cho phục sinh.
Kết luận
Từ những gì vừa trình bày, chúng ta thấy rõ sống ký ức không phải là thứ hoài cổ trốn chạy thực tế cuộc sống, nhưng là giúp chúng ta đảm nhiệm cuộc sống cách triệt để hơn nhờ kinh nghiệm từng trải. Sống ký ức cũng không phải là gợi lại những mảnh vụn cuộc đời, song, tái tạo một bức tranh tổng thể với gam màu yêu thương của ân sủng và sự hiện diện của Chúa.
Lịch sử cuộc đời không phải là chữ viết trên những trang giấy vô hồn, nhưng được sống động hóa bằng hình ảnh những con người bằng xương bằng thịt đã trải qua bao cuộc bể dâu nhưng vẫn trung thành vì biết rằng: Có Thầy đây, đừng sợ ! Lịch sử cuộc đời cũng không phải là một bãi chiến trường với những thất bại, bất công…song là giá trả cho một đời tìm kiếm Đấng vô hình.
Ký ức và lịch sử cuộc đời đã thực sự mở ra cho chúng ta một cuộc gặp gỡ đích thực với bản thân, tha nhân và với Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành trong mọi cảnh huống cuộc đời chúng ta. Ngài chiến đấu và chiến thắng trong ta.
Cho đến ngày nay, phần lớn các nhà tâm lý đều đề cao lối viết hồi ký như một trong những phương pháp giúp giải tỏa những tình cảm, trạng thái căng thẳng, lo âu…Điều này đã được minh chứng trong hai trước tác mà chúng ta đã bàn trên đây. Thêm nữa, qua phương pháp nộiquan này, nghĩa là nhìn từ bên trong hay phản tỉnh chính mình mà ký ức tiêu cực được chữa lành. Từ đó, chúng ta khả dĩ làm chủ cảm xúc phần nào và tự tin hơn khi đối diện với những cảnh huống trong cuộc sống. Nhưng không dừng lại ở giải pháp nhân bản, vì để được gọi là lịch sử thánh, chúng ta cần để cho ký ức được thanh luyện từ sự hiện diện và chạm đến của Chúa. Vì nơi nào có Chúa hiện diện, nơi đó được bảo toàn sự thánh thiêng. Đó là kinh nghiệm của thánh Augustinô và thánh Têrêsa HĐGS, và gần đây có thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII với tác phẩm Nhật ký tâm hồn…Thông điệp của các ngài được qui về một mối: Thiên Chúa làm chủ lịch sử cuộc đời chúng ta.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.
[i] Thánh Augustinô, Tự thú, Q II, III,7.
[ii] Sđd, Q X, XXX, 42.
[iii] Thánh nữ Têrêsa HĐGS, Truyện một tâm hồn, Hương Việt, Tôn Giáo Hà Nội 2008, tr.85-86.