Bất cứ ở phương trời nào, Âu, Mỹ, Phi, mối tương quan giữa Tôn giáo và Chính trị không phải lúc nào cũng hài hòa. Nhiều cuộc đụng chạm đẫm máu giữa những cá nhân, bộ lạc hay tập thể đã diễn ra dưới chiêu bài “tôn giáo – chính trị”. Trong một quốc gia bốn ngàn năm văn hiến, và trong một xã hội mở cửa càng ngày đón nhận nhiều “gió bốn phương với những cơn lốc đôi lúc mịt mù”, tôi sung sướng khi thấy vấn đề “công giáo + công dân” được thảo luận thẳng thắn và công khai.
Tại sao “ở Việt Nam hiện nay, liệu có thể vừa là người công giáo tốt vừa là người công dân tốt”? Có lẽ câu hỏi được đặt ra, vì trong dư luận người ta thầm nghĩ rằng ý niệm “công giáo tốt” khó có thể chung sống với ý niệm “công dân tốt”. Qua câu hỏi đó, tôi liên tưởng đến người công giáo Anh sau năm 1534 khi Hoàng Đế Henri VIII tuyên bố thành lập Anh Giáo, đoạn tuyệt với Giáo Hội Roma; hay đến người công giáo Pháp sau 1905 khi chính quyền nước này tuyên bố tách biệt đạo đời, tuyệt giao với Giáo Hội. ở Việt Nam, trong quá khứ chưa bao giờ có vấn đề phân biệt người công dân và người có tôn giáo, thí dụ không ai đã đặt câu hỏi “Người Phật giáo tốt có thể là công dân tốt?”. Vì thế câu hỏi về công giáo tốt gói ghém nhiều thành kiến, “thật có, giả có, thổi phồng có, bóp méo có”, thành kiến mà chúng tôi thiết nghĩ phải giải tỏa qua phân tích một cách khách quan và công minh. Câu hỏi liên quan đến một số những đối chọi lịch sử, trong đó giáo dân đôi khi chỉ là nạn nhân của những xung đột giữa các truyền thống văn hóa, chính trị trong quá khứ.
Tại sao ngươi công giáo khó có thể là người công dân tốt?
Có lẽ đây là dịp hiếm có để chúng ta bình tĩnh cùng nhau phân tích một cách chân thành và “khoa học” câu hỏi chính: tại sao một số người Việt Nam coi đông bào công giáo như những người công dân không tốt, hay khó có thể là công dân tốt?
– Thưa vì một số thành kiến. Và những thành kiến đó phát sinh từ những sự kiện lịch sử chưa được làm sáng tỏ. Tôi xin phép đan cử một vài thành kiến phổ thông:
1/ Vì người công giáo theo Tây, nên mất gốc!
– Thưa thế nào là theo Tây? thế nào là mất gốc?
Trong những thế kỷ 16, 17, 18, các nhà truyền giáo hầu hết là người Âu châu “da trắng” quen gọi là Tây. Người công giáo đón nhận tín ngưỡng của mình từ những người Tây: đúng! Nhưng theo lịch sử, hầu hết các tôn giáo như Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo cũng từ nước ngoài truyền vào Việt Nam. Nhiều giáo lý, triết thuyết, tư tưởng, kiến thức khoa học, nghệ thuật, người Việt chúng ta đón nhận từ Khổng Tử, Socrate, Platon, Pasteur, Newton, Karl Max, vân vân… tức là từ những hệ tư tưởng được nhiều công dân trên thế giới tôn trọng, học hỏi. Nói người công giáo VN theo Tây, là một cái nhìn thiếu khoa học, như nói người phật giáo theo ấn độ, nhà nho theo Tầu. Tiếc thay, trong thế kỷ 17-19, chính quyền quân chủ, phong kiến đã dùng luận điệu đó để tàn sát hàng vạn giáo dân vô tội.
Lịch sử đã góp cho nhân loại những vĩ nhân, những nhà tư tưởng bậc thầy, những bậc danh sư vạch cho người đời đường ngay nẻo chính. Thích Ca Mầu Ni, Giêsu, Khổng Tử: những bậc thầy đã chỉ dẫn cho người đời thế nào là thiện ác, thế nào là con đường, ngay giúp người đời sống hạnh phúc, an vui, yêu thương nhau, hòa hợp với nhau.
Theo các ngài, tại sao lại cho là mất gốc? Và gốc của chúng ta có từ đâu? Một tín ngưỡng, một tôn giáo, một triết lý, một sáng kiến khoa học, không nên hỏi nó đến từ Tây hay Tầu? Sở dĩ nhân loại tiến triển từ trình độ sơ khai tới văn minh tiến bộ là vì nhân loại đã biết dùng lý trí để tự do phân biệt hay dở, tốt xấu: hay và tốt, người khôn mở cửa đón vào nhà, dở và xấu người khôn đóng cửa, chối từ. Nếu đạo công giáo là niềm tin mù quáng, phản bội tổ tiên thì tín đồ không thể là người tốt trước khi được coi là công dân tốt.
2/ Vì người công giáo lệ thuộc lãnh đạo ngoại bang.
Thành kiến này cũng phát xuất từ một sai lệch lịch sử. Công giáo truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI. Các nhà truyền giáo là người Tây? Cuộc giao tiếp “Ta-Tây” diễn ra giữa thời Trịnh Nguyễn giao tranh, Bắc Nam chia rẽ, hơn hai thế kỷ Đàng Trong chống Đàng Ngoài. Năm 1533, người Việt Nam tiếp xúc lần đầu với “tây dương đạo trưởng”. Những cuộc gặp gỡ bắt đầu từ những hải cảng và những làng duyên hải.
Trong hơn một thế kỷ, giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, thường là tuyên úy các thương thuyền cập bến, nhưng chưa có thời gian và chương trình tổ chức “truyền giáo có quy mô” các cộng đoàn theo hình thức giáo hội. Năm 1659, Giáo Hoàng Roma thâm tín rằng các giáo đoàn tín hữu người châu Á phải do người bản xứ lãnh đạo, nên đã chủ trương chương trình đào tạo linh mục, giám mục người bản xứ: Hai linh mục tiên khởi người Việt được phong chức năm 1668 tại Xiêm La (Thái Lan) và tiếp theo, bảy linh mục nữa được phong chức trên một chiếc thuyền trên sông Hồng, ngày 14 tháng 2 năm 1670 tại Phố Hiến, tức Hưng Yên ngày nay. Nhân dịp đó, cùng với giám mục Lambert de la Motte người Pháp, Giáo hội tiên khởi Việt Nam, dù còn non nớt, đã họp công đồng Phố Hiến ngày l5-16.2.1670, quyết định một số quy luật địa phuơng. Từ nay, dù đang bị Chúa Trịnh hay Chúa Nguyễn cấm đoán, Giáo hội bắt đầu được tổ chức có quy mô: giáo dân quy tụ thành “giáo họ” có lãnh đạo gồm linh mục, thầy giảng, trùm trưởng.
Trong khung cảnh sơ khai đó, giáo đoàn vẫn có sự đóng góp của linh mục nước ngoài. Cũng trong Sắc lệnh 1659, Roma dự tính đào tạo nhanh chóng giám mục người bản xứ ở Đông Nam Á, nhưng dự tính đó đã không thực hiện ngay vì gặp nhiều ngăn trở văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử. Chúng ta nên nhớ là từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, Đông Nam Á là nơi dụng võ của các đế quốc Hoà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, nên Giáo Hội gặp nhiều trở ngại trong việc phong chức Giám mục cho người Á Châu.
Mãi đến năm 1925 ở Trung Hoa mới có giám mục tiên khởi người Hoa, và năm 1933 ở Việt Nam mới có giám mục người Việt. Sự chậm trễ đó là một điều đáng tiếc. Nhưng lịch sử là lịch sử. Tuy nhiên các giám mục, linh mục truyền giáo ngoại quốc đã không biến Giáo Hội Việt Nam thành một thuộc địa, như trong lãnh vực chính trị, kinh tế. Sự đóng góp của các ngài dĩ nhiên còn nhiều mầu sắc “cha chú” hay “tây phương”, nhưng nhờ các ngài thế giới dần dần nhận thấy những nét cao đẹp của văn hóa Á châu; nhiều nhà truyền giáo đã đóng góp cho quê hương nhiều món quà văn hóa quý báu như chữ quốc ngữ, phổ thông giáo dục và canh tân văn hóa.
Trong thời Pháp thuộc, nói chung, chính quyền thuộc địa không trực tiếp nhúng tay vào việc truyền giáo, trái lại quan chức thuộc địa vẫn là quan chức Pháp, một nước mà chính quyền cách mạng Pháp đã bỏ tù Giáo Hoàng Piô VII (1812-1814), bách hại nhìều giám mục, linh mục, tu sĩ, và năm 1905 đã chiếm đoạt tài sản Giáo Hội ngay ở chính quốc: nếu có người trong đoàn quân viễn chinh và quan lại Pháp là giáo dân, họ vẫn là cán bộ của chính quyền thuộc địa.
3/ Vì người công giáo không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.
Bình thản mà nói, công giáo không đối chọi với một lý thuyết triết học, xã hội nào. Những người công giáo đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem là những người thực hành cộng sản. Sách Công vụ Tông đồ viết: “Các tín hữu đời bây giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (CvTd 4, 32-34). Giáo hội không chống cộng sản, trong lãnh vực vấn đề kinh tế, chính trị.
Từ thông điệp Rerum novarum (15.5.1891) đến Deus caritas est (25.12.2005) và Caritas in Veritate (29.6.2009) cũng như trong nhiều huấn từ, các Giáo Hoàng trong hơn một thế kỷ qua đã đề cao quyền lợi chính đáng của giai cấp thợ thuyền của những người thấp cổ bé miệng bị tư bản bóc lột, quyền lợi của các dân tộc nhược tiểu bị thực dân thống trị, quyền sống của những người di dân, không nơi cư trú, quyền sống của thai nhi, của trẻ em. Ngoài những huấn điều, người công giáo từ nguyên thủy luôn luôn dấn thân thực hiện công bình qua bác ái. Một cách nào đó, ở nhiều nơi và nhiều thời, người Kitô hữu đã thực hiện “chủ nghĩa xã hội” nhân bản trước chủ nghĩa xã hội chính trị.
4/ Vì người công giáo lệ thuộc Vatican.
Hiện nay, thời thế đã đổi thay. Đất nước đã độc lập về chính trị, đã hòa nhập cộng đồng quốc tế; Năm 1945, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Từ năm 1960, Giáo Hội Việt Nam được xếp ngang hàng với các Giáo Hội trưởng thành trên hoàn vũ. Hiện nay, 26 giám mục con Rồng cháu Tiên lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam. Tuy nhiên, có người nghĩ rằng giáo dân Việt Nam lệ thuộc Vatican.
– Vatican là gì? Công giáo là một tôn giáo toàn cầu có tổ chức thống nhất, gồm hàng triệu tnệu thành viên trên khắp thế giới. Qua các thế hệ, Roma đã được coi như thủ đô của Giáo Hội. Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 19, Giáo Chủ – quen gọi là Giáo Hoàng – cai trị một lãnh thổ ở giữa Ý Đại Lợi, quen gọi là “nước Tòa Thánh” với thủ đô là Roma. Năm 1870, Vietor Emmanuel II, vua Bắc Ý (từ năm l861) dùng quân đội sát nhập “nước Tòa Thánh” này vào nước Ý thống nhất và biến Roma thành thủ đô nước Ý. Sau hơn 45 năm điều đình, ngày 11 tháng 2 năm 1929, triều đình Ý trả lại cho Giáo Hoàng cung điện Vatican và thánh đường thánh Phêrô, tất cả rộng 44 hec ta. Về danh nghĩa quốc gia, quốc gia có tên là Vatican vẫn còn non trẻ, tuy Giáo Hội đã có từ ngót hai ngàn năm. Hòa ước Latran 1929 công nhận Giáo Hoàng là quốc trưởng Vatican.
Hòa ước này được hầu hết các quốc gia trên thế giới – không phân biệt tôn giáo, chủ nghĩa, chính thể – công nhận. Vatican, một nước nhỏ nhất thế giới, nhưng cũng có chủ quyền thế tục như bất cứ một quốc gia nào khác. Vatican có chính phủ, có quốc kỳ, có ngân hàng, có cảnh binh, có bưu chính, có siêu thị, có ga xe hỏa, có báo chí, có đài phát thanh và nhất là có đại sứ (sứ thần đại diện Giáo Hoàng) trong hầu hết các nước trên hoàn vũ (ở Việt Nam hiện nay mới có sứ thần Vatican không thường trú). Vatican được Liên Hiệp Quốc công nhận như thành viên đặc biệt.
Vatican là thủ đô của Giáo Hội công giáo, nhưng không là quê hương trần thế của người công giáo. Đây là điểm rất tế nhị, khi nói về mối liên hệ giữa giáo dân Việt Nam và Vatican. Là người công giáo, giáo dân coi Giáo Hoàng là đại diện Chúa ngụ tại Vatican để lãnh đạo giáo dân. Nhưng người công giáo không là công dân Vatican và dân luật Vatican chỉ có giá trị với công dân Vatican (chừng 700 nhân khẩu, trong đó hầu hết thành viên – như các Hồng y – có hai quốc tịch). Nói cách khác, người công giáo Việt Nam là thành viên của Giáo Hội. Nhưng không là công dân của Vatican. Trong đời sống thiêng, liêng, giáo dân vâng phục Giáo Hoàng, lãnh đạo Giáo Hội, nhưng trong cuộc sống trần thế giáo dân Việt Nam trăm phần trăm là công dân Việt Nam.
Trong lãnh vực này, đáng tiếc là không ít giáo dân Việt Nam vẫn còn lẫn lộn. Thí dụ, cờ vàng trắng”, cờ của Vatican quen gọi là “cờ Tòa Thánh”: Nhiều người coi đó là “cờ Giáo Hội”. Nhiều nơi cờ vàng trắng phất phới trên các tháp chuông, trên các nóc nhà thờ, trên các cột cờ dịp lễ, hay dẫn đầu các cuộc rước kiệu. Nhiều nhà tư cũng trưng cờ đó để tự giới thiệu mình “có đạo”. Nhưng có một điều rất khác biệt và khó hiểu: lá cờ được trưng đó tuy cùng mầu với quốc kỳ Vatican, nhưng không phải là quốc kỳ Vatican. Quốc kỳ Vatican có hai mầu nửa vàng, nửa trắng, vàng bên trái – bên cột – trắng bên phải, nói cách khác “vàng trong, trắng ngoài”, trong khi đó các lá cờ trưng trên nhiều nhà thờ cũng vàng trắng, nhưng “vàng trên trắng dưới”? Thói quen trưng cờ vàng trắng này gây nhiều hiểu nhầm nên không nên giữ. Biểu hiệu chính của công giáo là Thánh giá hay thập tự.
Giáo dân Việt Nam có lệ thuộc Vatican không? Trong lãnh vực tôn giáo, Giáo hội Việt Nam, cũng như Giáo Hội Pháp, Ý, Mỹ, Nhật, v.v… vâng phục Giáo hoàng ngụ ở Vatican, chứ không lệ thuộc nước Vatican: dân công giáo trên khắp năm châu sống đức tin như nhau, cùng hiệp thông với Giáo Hoàng như nhau, nhất trí thể hiện sự đồng nhất về đức tin, về tâm linh, về nghi lễ. Sự hiệp thông đó càng ngày càng gắn bó, nhất là từ khi Công đồng Vatican II (1962- 1965) đề cao tín điều Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô, mà mỗi giáo dân là một cơ thể. Trong ngôn từ, (ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam), đôi khi người ta đồng hóa Giáo Hoàng với Vatican. Nhưng theo phân tích ở trên, đó là một sai lầm nên tránh.
Trong thực tế, Giáo Hoàng ở Vatican không can thiệp vào đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế của giáo dân Việt Nam. Đức Giáo Hoàng không chỉ đạo giáo dân chọn lựa đường hướng chính trị, kinh tế nào, không can thiệp vào nếp sống trần thế của Giáo Hội địa phương. Một vài thí dụ cần biết để xóa những hiểu lầm:
a/ về kinh tế, các giám mục, linh mục, tu sĩ không nhận lương từ Vatican, hay từ một Giáo Hội ngoại quốc nào khác
b/ Đức Giáo Hoàng thường không đài thọ việe xây cất các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, tòa giám mục, chủng viện, trung tâm mục vụ, vân vân
c/ Đức Giáo Hoàng tôn trọng tự do của tín hữu Việt Nam trong các hoạt động xã hội, dân sự, chính trị, giáo dục, kinh tế…
d/ Đức Giáo Hoàng chủ trương tôn trọng “quyền con người”, vì đó là những quyền tự nhiên được Thượng Đế ban cho con người và hiện nay đã được Liên hiệp quốc chính thức công nhận: đó là quyền được sống từ khi còn là thai nhi, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền được xã hội bảo đảm cuộc sống xứng đáng con người; cũng như mọi công dân khác, người công giáo có tự do tín ngưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại, tự do học hỏi, tự do bảo vệ tài sản của mình, dĩ nhiên cả quyền tự do yêu nước trong khuôn khổ Hiến Pháp, Luật tự nhiên và Luật quốc tế.
Giáo dân tự do trong đất nước tự do.
Là người công dân Việt Nam, người công giáo có mọi quyền lợi và nghĩa vụ như bất cứ công dân nào khác. Trong đời sống xã hội, người “giáo dân trưởng thành”, nghĩa là người am tường giáo huấn của Giáo hội và thấm nhuần niềm tin ở quyền con người, giáo dân có quyền tự do đóng góp trí tuệ tài năng và sức lực để xã hội vươn lên trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại, công nghiệp, chuyên môn, và tham gia đấu tranh cho công bình xã hội, và chống bất công chính trị, bất công xã hội. Trong nghề nghiệp, trong hoạt động hoàn toàn trần tục, giáo dân cùng hoạt động với nhiều công dân khác, kể cả người khác tôn giáo hay không tôn giáo. Là công dân, giáo dân có quyền và nên làm chính trị, như lời Chúa Giêsu: “cái gì thuộc Cesar thì trả cho Cesar, cái gì thuộc về Chúa thì trả cho Chúa”. Phúc âm không chủ trương một mô hình chính trị nào. Khi phân biệt tôn giáo và chính trị, Chúa công nhận công dân là những người tự do có quyền xây dựng một xã hội tự do, vì Chúa tôn trọng con người. Người “giáo dân trung thành”, có tinh thần yêu nước yêu người, khi có địa vị chính trị, phải sẵn sàng hy sinh tư lợi, chức quyền, danh vọng để sống thanh liêm, phục vụ những người mình có trách nhiệm; khi là công dân thường, họ phải tham gia các phong trào đối thoại, đấu tranh cho chính nghĩa và cho lý tưởng của mình, vì công ích và vì nhân ái. Những người này nhiều khi không được đồng đạo hay bạn hữu của mình thông cảm, mà đôi khi còn bị những người này lên án là chống đạo: họ chính là những anh hùng chứng nhân về đạo (martyr = chứng nhân) [đáng được coi như là tử đạo trong ngữ vực tôn giáo].
Trong các hoạt động “trần tục” này, giáo dân tự tạo cho mình một lý tưởng, một hướng đi, tự chọn những hình thức dấn thân theo tinh thần Phúc âm trong lãnh vực chính trị, xã hội, chức nghiệp, bác ái, nhiều khi nặc danh hay vô danh: họ sống trong xã hội với sứ mệnh thiêng liêng là phục vụ “mọi người”. Họ có thể hoạt động trong một tổ chức, một nhóm, với hay không có giáo sĩ làm cố vấn, nhưng họ có thể hoạt động tự lập trong tinh thần hiệp thông của Giáo Hội. Đôi khi, sống theo lương tâm công chính và trung thành với đường hướng canh tân của Giáo Hội, người tín hũu trưởng thành này có thể bị loại vào số giáo dân không tốt, vì họ tuân theo ơn Chúa soi sáng và trung thành với huấn quyền; họ cũng có thể bị coi là công dân không tốt, vì họ chống lại những luật lệ hay chính sách vi phạm luật tự nhiên, hay truyền thống, hoặc vì họ can đảm chống lại những tệ nạn lan tràn như tham nhũng, hối lộ, bất công của người có quyền. Họ là nhũng chứng nhân của lòng yêu nước chân chính theo Phúc âm, đồng thời trung thành với Hiến Pháp.
Người tốt công giáo tốt phải là ngưòi công dân tốt
Thế nào là công dân tốt?
Nước Việt Nam là một quốc gia dân chủ. Trong một quốc gia dân chủ, nhân dân là chủ. Nhân dân có quyền chọn Hiến Pháp cũng như có quyền sửa đổi Hiến Pháp. Như vậy, công dân tốt phải tuân theo Hiến Pháp, nhưng đồng thời có quyền kiểm soát chính quyền, tố cáo những vi phạm bất công, có hại cho quốc gia.
Trong lãnh vực nghĩa vụ công dân, giáo dân tốt không những phải “nghiêm túc giữ Luật đời”, mà còn phải chu toàn bổn phận thiêng liêng sống đạo, :mến Chúa vêu người”. Bổn phận mến Chúa là tuân giữ 10 giới răn, mà giới răn thứ bốn “thảo kính cha mẹ” gồm cả bổn phận yêu nước. Theo lương tâm, giáo dân phải tuân theo luật nước, nhưng khi luật này đi ngược luân lý, vi phạm quyền con người, hay luật Phúc âm, thì họ không bắt buộc phải vâng phục và còn có quyền tranh đấu để bảo vệ quyền 1ương tâm của mình. (xem Sách Giáo lý Công Giáo số 2242; Galldium et Spes 74,#3) Chính ở đây, trong đời sống ái quốc, giáo dân cần có lương tâm sáng suốt dựa vào đức tin để giải thoát lý trí khỏi mù quáng, khỏi “tham sân si”, khỏi nguy cơ xa rời công bình trong hành động.
Trong cương vị này, Giáo Hội hy vọng có khả năng dùng đức tin để đào tạo lương tâm, dùng đức ái để hướng dẫn lý trí, ngõ hầu công dân hiểu biết rõ ràng những đòi hỏi của công bình, đồng thời nâng đỡ những hoạt đông chính trị một cách công minh “quên mình, vì dân, vì nước”. Một xã hội công bình là thành quả của chính quyên tốt, nhưng thành quả của tôn giáo là tình yêu và những phương thức thực hiện tình yêu bằng đạo đức xã hội để đời sống công cộng phồn thịnh, an vui “trên thuận dưới hòa”. Chính quyền có thể dùng võ lực để thống trị, nhưng võ lực không thể xây dựng và bảo tồn hạnh phúc cho toàn dân nếu không có công bình và bác ái.
Theo đức tin công giáo, Chúa là bác ái. Một trong những trọng điểm được mọi người, lương cũng như giáo, công nhận là một xã hội văn hiến phải có “bác ái, từ bi”. Bác ái là sợi dây vô hình nối kết những người chung sống trong một xã hội, một quốc gia. “Cả trong một xã hội công bình nhất, bác ái cũng là yếu tố luôn luôn cần thiết (…). Ai muốn loại trừ bác ái thì cũng đang chuẩn bị loại trừ con người. Sẽ luôn có những đau khổ kêu cầu an ủi và gíúp đỡ. Sẽ luôn có cô đơn. Sẽ luôn có những hoàn cảnh thiếu thốn vật chất (…). Quốc gia muốn cung cấp mọi sự, muốn thâu tóm mọi sự, cuối cùng sẽ trở thành bộ máy quan liêu không thể bảo đảm được cái cốt yếu mà con người đang đau khổ cần đến, nghĩa là sự quan tâm của một cá nhân biết yêu thương.” (GH. Benedictô XVI, Thông điệp Chúa là Bác ái 28 b).
Bác ái không chỉ tập trung vào việc trợ giúp vật chất, nhưng còn là sự tĩnh dưỡng và chăm sóc đời sống tâm linh của từng người, của xã hội, như bảo đảm cho trẻ em được giáo dục học hỏi, cho người lớn có công ăn việc làm, cho bệnh nhân, người già cả được săn sóc, nâng đỡ. Bác ái hỗ trợ cho công bình, cho an ninh xã hội, để cùng nhau xây dựng cho đất nước một chính quyền thanh liêm, thật sự của dân, do dân và vì dân. Giáo dân tốt còn là những chiến sĩ tiền phong bảo vệ công lý và tình thương, khi đồng bào xấu số – như phong cùi, tàn phế, HIV – bị xã hội bỏ rơi không ai đoái hoài.
Giáo dân tốt không nhất thiết phải là người “giữ đạo luôn luôn đến nhà thờ, nhà thánh” – theo suy nghĩ phổ thông – nhưng phải là người “sống đạo”, sống theo nhịp sống Phúc âm và tuân gìữ giáo huấn của Công đồng Vatian II, sống vì Chúa vì tha nhân, và tham gia tích cực vào đời sống quê hương. Trong đường hướng này, theo ủy ban Công lý và hòa bình VN, cộng đồng công giáo Việt Nam không ngừng thao thức, suy nghĩ về tình hình đất nước, vừa với tư cách công dân, vừa với tính cách Kitô hữu. “Giáo hội không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”. (Xem Ủy ban Công lý và hòa bình HDGMVN 25.5.2012, “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”). Nhờ tin ở Chúa và Giáo hội, người công giáo tốt khi phân tích quá khứ của Giáo Hội, biết khiêm nhượng nhận lỗi, xin lỗi và làm hòa với mọi người để cùng toàn dân đóng góp vào công trình xây dựng một quê hương giầu mạnh và thanh bình.
Kết luận:
Giáo dân Việt Nam phải là công dân tốt và được đồng bào công nhận mình là công dân tốt. Đây không phải là một mơ tưởng, nhưng là một mục tiêu phải đạt để “dân giầu, nước mạnh”, đồng bào tin tưởng nhau, tôn trọng nhau trong một quê hương an bình.
Muốn gạt hết những thành kiến gây chướng ngại vật trên bước đường hòa giải này, trước hết công giáo cần chung sức với đồng bào, làm sáng tỏ một cách khoa học và khách quan lịch sử công giáo tại Việt Nam thời “cấm đạo”, “thời Pháp thuộc”, “thời cải cách” và “thời xã hội chủ nghĩa”. Hàng vạn giáo dân đã hy sinh mạng sống vì yêu Chúa, yêu nước và yêu đồng bào nhưng đôi khi bị liệt vào thành phần bất hảo hay phản quốc!
Năm 1945, ngày quốc khánh đầu tiên – 2.9.1945 – trùng với ngày lễ “các thánh tử vì đạo Việt Nam”: một ánh chớp lịch sử nay bị quên lãng! Có nên đề nghị ngày 2 tháng chín được Giáo Hội công nhận là ngày quốc lễ kính các thánh đồng hương được Giáo Hội toàn cầu tôn kính?
Năm 2012, trên thế giới, Giáo hội mừng lễ vàng 50 năm công đồng Vatican II, công đồng đựợc mênh danh là Công đồng canh tân. Giáo dân Việt Nam ngày nay cần phát động phong trào canh tân dựa trên căn bản của Công đồng Vatican II và của giáo huấn xã hội của Giáo Hội, kẻo mang tiếng là nhà có kho vàng mà không hay. Là công dân tốt, người công giáo có bổn phận chia sẻ niềm vui của mình với bà con: nhưng không bao giờ tìm cách áp đặt đức tin của mình trên người khác: vì “Chúa là tình yêu, và chính lúc điều chúng ta làm là yêu thương, thì người ta sẽ cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa”. (Benedicto XVI, Chúa là Bác ái, 31).
Người thật, việc thật là biểu hiệu của người Công chính. Người tốt, việc tốt là biểu hiện của người công dân tốt.
Người công Giáo tốt không những có thể mà phải là người công dân tốt.
Québec, ngày 15 tháng 6 năm 2012
Lm. Trần Tam Tỉnh