Hơn một tuần qua, kể từ khoảng khuya 26/6/2015, không hiểu những người đồng tính trên nước Mỹ và những người đồng tính Việt Nam có thấy gì khác nơi cộng đồng mình sống chưa? Họ có được trân trọng hơn, có được quý mến hơn, quan hệ giữa những người đồng tính có bước đột phá gì khác hơn? Riêng tôi, tôi sẽ hát tặng họ ca khúc “Bình thường thôi” của Vũ Quốc Việt trong đó có câu hát mang nhiều ý nghĩa : “Bình thường thôi, bình thường thôi, bình thường thôi… mà nghe sao không bình thường…” Không bình thường là phải, bình thường sao được khi nàng dâu là chàng thanh niên tuấn tú hoặc chàng rể là cô thanh nữ mảnh mai, kiều diễm…
Để quan hệ đồng tính mang lấy hình ảnh bình thường của một gia đình, họ dùng câu chuyện của đôi chim cánh cụt đực coi nhau như bạn đời chúng xây tổ cùng nhau, lấy một hòn đá thay trứng để ấp, người ta đã thay hòn đá ấy bằng một quả trứng thật, kết quả là đôi chim đó đã chăm sóc quả trứng này cũng như con non nở ra như chính con của chúng, (Central Park Zoo Mỹ, 2004); (yahoo, hỏi đáp). Gia đình không thể xây trên sự thay thế như thế nhưng là chính danh, có thể em bé trong gia đình đồng tính phủ phê vật chất, phủ phê điều kiện sống nhưng bảo rằng con nuôi và con ruột đều như nhau thì đã không có chuyện những babylift hằng năm đều tìm về nguồn cội.
Điều không bình thường nhất chính là lúc tầm thường hóa hôn nhân, hôn nhân không còn là giao kết giữa người nam và người nữ trong tự do và trách nhiệm để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ (GLHT 1601)…
Khi quan hệ đồng giới được luật hóa chính là lúc những anh chị đồng giới bị đẩy vào chỗ chết không lối ra hơn là giải phóng, các anh chị bị ru ngủ trong các định nghĩa hời hợt mang đậm dục vọng hơn là hướng đến tương lai tốt đẹp khi quan hệ của những người đồng giới được hiểu chỉ là : “Chia sẻ thân mật” của hai con người mà bỏ qua yếu tố giới tính…( Xem :Sẽ không có gam màu thứ ba – Lm. Trương Đình Hiền)
Phải chăng tòa tối cao Mỹ muốn nhắn gởi tới Đại Hội Các Gia Đình tại Philadelphia tháng 9/2015 sắp tới rằng: Gia đình không hề được đặt nền tảng trên hôn nhân và những đứa con trong các gia đình chỉ là kết quả của một thứ chia sẻ thân mật nào đó như phán quyết của Ngài Anthony Kennedy?
Không, hôn nhân không nhẹ hều như thế, không tầm thường như suy nghĩ của những trái tim ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ nhưng là ân huệ, là trao ban, là đón nhận, là trách nhiệm và nhất là một ơn gọi đầy chất siêu nhiên, đầy lạ lẫm cần khám phá mỗi ngày.
Gia đình, từ ngàn xưa (đừng nghĩ ngàn xưa là lạc hậu) bắt nguồn từ hôn nhân theo qui luật của Tạo hóa đã quyết định vận mệnh của một con người và qua đó quyết định tương lai của một dân tộc.
Nhìn đứa con trai cùng với vợ nó là một chàng dâu hoặc khi chứng kiến con gái mình lấy chồng là một nàng rể trước bàn thờ tổ tiên, ít có cha mẹ nào lại không muốn nói với con trai, con gái mình điều mong ước chính đáng của một người đang đi dần về thế giới bên kia rằng : Không biết đến khi nào cha mẹ được bồng ẵm cháu nội, cháu ngoại của mình. Chứng kiến cảnh này , tôi muốn đọc lại câu gợi ý trong thông điệp “Laudate si” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”.
Không có thế giới nào hết vì đây cũng chỉ là một “ Chia sẻ thân mật” thôi mà! và cũng sẽ chẳng có bàn thờ nào cả vì :” họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ” (Mt 8/34) lúc họ reo mừng khi nghĩ rằng mình thay đổi được những yếu tố cốt lõi của Thiên Chúa mà nhờ đó họ có mặt hôm nay.
Thật đáng buồn cho một thời đại tưởng chừng văn minh nhất như thế.
(Trần Tuy Hòa, WGP.Qui Nhơn 05.07.2015)