Mở đầu câu chuyện, vị khách quý của nhà hôm nay kể lại câu chuyện như thế này :
Ở cái vùng Kinh Tế Mới kia, có một người về ở và phải vào hợp tác xã để nuôi bò. Anh muốn cho đàn bò của anh di chuyển ngay hàng thẳng lối. Anh căng sợi dây thẳng để chúng đi theo mong muốn của anh nhưng bò không chịu đi thẳng mà cứ đi ngang hàng. Anh tức quá và anh quát : “Chúng mày không đi thẳng hàng tao giết thịt hết !”.
Dù quát to đến tột cùng nhưng bò vẫn không nghe anh. Thấy thế, một người dân tộc đến và nói với anh : “Để tôi điều khiển chúng cho anh”.
Quái lạ ! Chàng dân tộc này không cần quát tháo, anh chỉ cần nói khẽ vào tai bò và chỉ trong một lát, chúng thẳng hàng tăm tắp.
Chàng kia ngạc nhiên hỏi anh chàng dân tộc thì anh người dân tộc cười và nói : “Anh này hay nhỉ ! Dọa giết nó nó không sợ đâu ! Tôi nói khẽ vào tai chúng : Tụi mày không đi thẳng hàng tao cho tụi mày đi Kinh Tế Mới hết !”.
Anh chàng người Kinh nghe xong đành phải bó tay với anh chàng người dân tộc thiểu số.
Thật ra đó chỉ là câu chuyện vui gọi là thêm mắm thêm muối cho bữa cơm.
Những người khách từ Sài Gòn xuống thấy cảnh nhà quê nên thơ nên mộng nên cứ tấm tắc khen khi nhìn thấy nồi canh bông so đũa thật hấp dẫn. Vài người trong nhóm nói : “Về đây thích nhỉ ! Muốn ăn gì có đó, ở đây chắc là cá sông và cua đồng chắc nhiều lắm !”.
Nghe xong chủ nhà chỉ biết cười mà không biết nói gì hơn. Đơn giản là câu nói để đời : “Về sông ăn cá về đồng ăn cua” nó có tự bao đời và đi vào lòng người đến độ ai ai cũng nghĩ rằng về quê sẽ được hưởng những đặc sản như ông bà ta truyền khẩu.
Thật ra điều đó cũng như những hoài niệm về trái cây, gia súc gia cầm ở nhà quê sạch sẽ giờ đây chỉ còn là dĩ vãng.
Đi ngang đồng lúa mỗi ngày nhìn mà thấy thương cho cây lúa. Nó lớn lên bởi sự thúc ép biết bao nhiêu là chất trong người nó. Dường như chỉ non kém 2 tháng thôi là người ta có thể thu hoạch một đồng lúa xanh mơn mởn thật bắt mắt.
Thế nhưng khi tìm hiểu ra thì đám lúa xanh mơn mởn đó là đám lúa người ta trồng để bán còn đám lúa để cho nhà ăn chỉ khép nép nằm mở một góc ruộng nhà. Hỏi ra trái cây cũng như vậy, cả vườn đều xanh um như tàu lá chuối thật đẹp nhưng ngay cả người trồng cũng chẳng dám ăn vì nó “ngậm” quá nhiều thuốc.
Vừa rồi, cách đây không lâu, ngược lên vùng Long Khánh cũng hỡi ôi khi nhìn vườn mít xanh mơn mởn và trái xem chừng như chín mọng. Thật ra, những trái mít đó “ngậm” trong mình một lượng thuốc đủ để sát hại con người.
Ngày hôm nay, có lẽ dù có gào, có thét đi chăng nữa thì tiếng gào tiếng thét đó cũng chẳng có âm hưởng gì bởi lẽ lợi nhuận cũng như lòng ích kỷ của con người lên đến cao độ. Con người ngày nay chỉ biết lợi nhuận cho bản thân và sẵn sàng cho hóa chất vào cây trồng, thực phẩm, gia súc gia cầm của mình nuôi càng nhiều càng tốt, miễn sao có thu nhập cao là được.
Ngày xưa, thi thoảng còn nhìn thấy lũ trẻ vui vẻ tắm sông nhưng ngày nay thì chẳng thấy. Giờ có cho tiền lũ trẻ cũng chẳng dám xuống bởi môi trường quá ô nhiễm.
Ngày xưa, thật đơn giản để ra đồng bắt con cua và ra mé sông là có con cá nhưng đó vẫn là chuyện ngày xưa.
Ngày nay, từ cua đến cá và cả đến ngao sò ốc hến đều được nuôi và “chăm bẵm” một cách hết sức cẩn thận. Cẩn thận đến độ cho chúng ăn toàn thực phẩm hóa học để chúng “mau ăn chóng lớn”.
Có lẽ cái câu nói : “Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết” nó không còn tác dụng nữa. Người ta vẫn thường chỉnh lại : “Không ăn cũng chết mà ăn cũng chết, thôi thì ăn để chết để thành ma no còn hơn thành ma đói”.
Thật vậy, ngày nay, khi cho cái gì vào miệng thì dường như cho hóa chất vào miệng hơn là cho thực phẩm nguyên chất thì phải.
Ngày nay, mỗi người đều mang trong mình một lượng hóa chất đủ để cơ thể khó có thể phân hủy sau khi chết. Lượng phoọc-môn ướp xác ngày hôm nay mà con người ngày mỗi ngày cho vào cơ thể dư khi nằm xuống.
Khi và chỉ khi người ta yêu quý môi trường sống, yêu chuộng thiên nhiên mà Thiên Chúa ban tặng thì khi đó mới mong có nguồn nước sạch, thực phẩm sạch để nuôi sống con người được.
Thôi thì xứ xoảy tay ra mà sống chứ bận tâm làm gì cho mệt xác. Bởi đơn giản ngày hôm nay nhà nhà, người người đánh mất đi ý thức bảo vệ môi trường sống của mình.
Ngay cả những nơi thờ tự. Cứ vào nhà nhỏ thì sẽ thấy ý thức của những người đi lễ đi chùa như thế nào. Nhỏ hơn nữa là bước vào khu vệ sinh của trường học cũng như bệnh viện, mọi người sẽ cảm thấy được ý thức của người Việt Nam như thế nào.
Thôi thì tự mình và nhủ mình cố gắng giữ ít là môi trường chung quanh mình sống để góp một chút gì đó để bảo vệ môi trường mình được tốt hơn. Hy vọng mỗi người góp một chút phần của mình vào việc bảo vệ môi trường để môi trường đỡ phải gánh chịu hậu quả của sự vô ý và vô tâm của con người.
Phải đồng sức đồng lòng thì may ra đến thế hệ con cháu mới cảm được cái hạnh phúc của “về sông ăn cá về đồng ăn cua” mà chính chúng ta đã tự tay đánh mất tự thuở nào.
Huệ Minh