Đối với một số ngành khoa học xã hội có liên quan, khái niệm “người tị nạn môi trường“ không còn là một từ ngữ quá lạ lẫm. Những biến đổi khí hậu, cộng thêm với sự thiếu hụt phương tiện bảo vệ đã khiến cho nhiều cuộc di dân lớn nhỏ xảy ra trong suốt dòng lịch sử nhân loại, bởi môi trường sống của họ bỗng chốc bị tàn phá. Sự trồi sụt và biến mất của những đế chế cổ đại có khi cũng đến từ nguyên nhân này. Phế tích Angkor là một ví dụ thân cận với Đông Nam Á chúng ta nhất. Những cuộc di dân và tị nạn hiện nay, xảy ra trên nhiều vùng của địa cầu, đặc biệt từ Trung Đông hay Phi Châu, tuy được nhắc đến như những khủng hoảng chính trị, nhưng ít nhiều cũng liên quan đến yếu tố môi trường. Sự bất ổn về chính trị, cộng với việc cạn kiệt tài nguyên và môi trường sống đã đẩy hàng triệu người, bất chấp mọi khó khăn bạo lực, để tìm một nơi khác để sinh tồn. Trong một thế giới vốn ngày càng phụ thuộc (hay bị ràng buộc) lẫn nhau, từ những yếu tố tiêu cực như an ninh, chủ quyền, nguy cơ bạo lực, khủng bố, v.v… và cả những yếu tố tích cực như lợi ích kinh tế, cơ hội đa dạng văn hóa hay nguồn lao động mới, thì làn sóng người tị nạn sẽ tác động lên toàn bộ cơ cấu và đời sống của một xã hội nơi họ chuyển đến. Những làn sóng di cư mới, trong đó có nguyên nhân đến từ môi trường, có vai trò như đòn bẩy, sẽ từ từ phá vỡ cơ cấu cũ và đòi hỏi thiết lập lại một trật tự xã hội mới, nơi đó, mọi phương diện xã hội đều phải được đặt lại. Các nước Âu Châu đang đứng trước một hiện tượng như vậy. Thông điệp Laudato Si số 25 (LS 25) đã miêu tả rất rõ ràng chuỗi phản ứng của mối liên quan giữa môi trường và hiện tượng di dân. “Việc thay đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu với phương diện môi trường trầm trọng về những chiều kích xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị. (…) Việc gia tăng làn sóng di dân thật thương đau, họ phải trốn chạy trước khốn khổ, do việc tàn phá môi trường càng ngày càng tệ hại hơn, và những người chạy trốn này không được công nhận là người tị nạn, họ phải gánh cuộc sống trong sự bị bỏ rơi không có chút che chở nào theo pháp lý.“ Tuy nhiên, chuyện này không hề mới! Cách nào đó, nó đã được kể lại trong một trong những tác phẩm xưa nhất của văn hóa nhân loại: sách Xuất Hành trong bộ Thánh Kinh của người Do Thái. Câu chuyện di dân và “sự thể chế hóa” của dân tộc này xuất phát từ một thảm họa môi trường và một cuộc đấu tranh sống còn để bảo vệ nòi giống! Những phân tích được trình bày dưới đây không khép mình trên những quy luật nghiêm nhặt của khoa chú giải Thánh Kinh, cũng không men theo lối làm thần học bối cảnh hay vay mượn phong trào thần học giải phóng. Đúng hơn chúng chỉ là những suy tư tự do từ một câu chuyện cổ xưa, có pha chút huyền thoại, về một mối liên kết có tính tình huống giữa việc cá chết và bài học chúng ta học được từ Kinh Thánh. Cá chết … và nền tảng của tự do Các tín hữu Ki-tô giáo đều ít nhiều biết đến câu chuyện nổi tiếng được kể lại trong sách Xuất Hành, khi Thiên Chúa, nhờ qua cuộc điều đình chính trị của Môsê và Aaron, giải phóng người Israel khỏi ách đô hộ của người Ai Cập và sau đó Thiên Chúa thiết lập một giao ước, có tính tôn giáo và chính trị, với họ và cho họ. Đỉnh cao của câu chuyện ly kỳ này là cuộc ra đi và vượt qua Biển Đỏ của người Do Thái, ra khỏi sự thống trị và mối đe dọa dai dẳng của người Ai Cập. Bộ phim mang tên Exodus cách đây hơn một năm của điện ảnh Hollywood đã tái tạo một cách ngoạn mục câu chuyện này. Tuy nhiên, không kể bối cảnh tôn giáo cũng như cách hiểu thần học mà bản văn đề cập, cuộc xuất hành ấy xem chừng cũng được góp tay bởi một thảm họa môi trường và gợi lên những suy tư về xã hội đáng theo đuổi. Nhìn các tai họa trong câu chuyện Xuất Hành của Kinh Thánh theo hướng môi trường học không phải là một điều mới. Sự kiện đầu tiên mở màn cho một chuỗi những thảm họa môi trường và xã hội là hiện tượng “tảo nở hoa” hay “thủy triều đỏ”, mà Kinh Thánh gọi là nước sông hóa máu. Sự mất cân bằng sinh thái này, có thể cách đây vài thiên niên kỷ chỉ là một hiện tượng tự nhiên, vô thưởng vô phạt, nhưng nó sẽ biến thành một đại họa, nếu ở đó có xã hội con người. Trước hết, các sinh vật sinh sống trong sông Nil trù phú chết sạch làm biến động các thành phần cộng sinh xung quanh. Cá chết hàng loạt, sông ra hôi thối và nguồn nước tiêu dùng cũng theo đó mà biến mất (Xh 7, 20-21). Sự mất thăng bằng dưới nước cũng kéo theo sự mất thăng bằng trên cạn. Ếch nhái, muỗi, ruồi nhặng và châu chấu là đại diện cho hệ quả của sự biến động này cũng như ảnh hưởng trên mùa màng. Không sớm thì muộn, điều này sẽ đưa đến một số tác động trên đời sống dân cư của vùng ấy. Bệnh tật và đói kém sẽ theo đó lan vào các gia đình, cộng với sự quần cư xã hội và sự thiếu ứng phó của nhà cầm quyền, nó sẽ biến thành một nạn ôn dịch, bệnh tật và tử vong hàng loạt trên con người (Xh 7-10). Đó là những gì lịch sử Do Thái giáo đã kể lại! Sự mất cân bằng về sinh thái sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội, nhất là trong một xã hội vốn đã chứa đựng nhiều mâu thuẫn hoặc sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, giữa người có phương tiện tự bảo vệ và những người bị đẩy vào hàng đầu trong số những nạn nhân. Trớ trêu thay người nghèo này lại là thành phần đông đảo nhất trong xã hội mọi thời: “Họ là thành phần đông đảo nhất của hành tinh, hàng tỉ người. Ngày nay, họ chỉ được trình bày trong các thảo luận chính trị và kinh tế toàn cầu, nhưng hình như vấn đề của họ chỉ được xem như một thứ phụ lục, được thêm vào vì bị bó buộc hay phải nằm bên lề, khi người ta không xem họ như một vấn đề tệ hại phụ thuộc. Trong thực tế, khi đi vào hoạt động cụ thể, họ thường chỉ được nhìn ở vị trí cuối.“ (LS 49). Trở lại câu chuyện Kinh Thánh, tai họa môi trường trên sông Nil chỉ là khởi đầu cho một mối căng thẳng xã hội đã có từ trước. Mối xung khắc giữa Ai Cập và Do Thái, đúng hơn là giữa Pharaô, nhà cầm quyền và Môsê, người dám đứng lên đòi tự do cho dân tộc mình, đã đi đến chỗ quyết liệt. Nói rằng mâu thuẫn xã hội nằm chủ yếu trên tay người cầm quyền, bởi ở hạ tầng xã hội, sự chung sống của các thành phần xã hội đa dạng vẫn có những yếu tố tích cực. Rải rác trong tác phẩm này, ta thấy có một số chi tiết minh chứng cho điều đó, ví dụ các bà đỡ Ai Cập “bất tuân dân sự“ không nghe theo lệnh Pharaô giết trẻ sơ sinh Do Thái (Xh 1, 15-21) hay người Ai Cập đã cho người Do Thái đồ đạc trong ngày họ lên đường ra đi (Xh 12, 35 -36). Ngược lại, mâu thuẫn chính trị gia tăng do tham vọng khai thác lợi ích và tính toán thực dụng sai lầm của nhà cầm quyền. Ở một mức độ nào đó, sự biến động về sinh thái đã làm sắc nét hơn nhu cầu về quyền lợi của người dân, nhất là khi nó đe dọa sự sống còn của họ, nhất là khi phục vụ sản xuất không còn được đảm bảo, dẫn đến sự tan rã về phúc lợi xã hội và khoét sâu thêm sự bất công xã hội vốn đã tiềm tàng từ trước. Người Do thái bị cưỡng bức lao động để xây dựng các “công trình khủng” cho quân vương Ai Cập. Sự chênh lệch về mức sống và bất bình đẳng về điều kiện lao động của họ dẫn đến một nỗi bất bình và ý thức cần tự do ngày càng lớn trong thành phần bị bóc lột này. Kinh Thánh dùng hình ảnh quen thuộc: lời than khóc, rên siết của họ đã vang vọng tới trời cao! (Xh 2,23) Những tác động liên hoàn và hỗ tương giữa thiên nhiên và xã hội con người nếu không được giải quyết sẽ khiến các quyền lợi và tự do căn bản của thành phần bé mọn cũng bị bóp chết nốt ! Bởi thành trì che chở cuối cùng đối với người nghèo là thiên nhiên cũng bị thương tổn nặng. Nói theo kiểu người Việt là “hết cỏ rồi thì voi lấy gì mà sống”! Sự khai thác thiên nhiên vô lối cộng với một chính sách lao động bất cập sẽ đánh mất chính ý nghĩa của lao động và gây ra mâu thuẫn xã hội. Lao động lúc này biến thành khổ sai. Thông điệp Laudato Si đã khẳng định: “Lao động phải là nơi phát triển nhiều mặt của con người, nơi nhiều chiều kích cuộc sống đang triển nở: sự sáng tạo, dự phóng cho tương lai, phát triển mọi khả năng, thực hành các giá trị, liên hệ với kẻ khác, thái độ thờ phượng.” (LS 127) Thật vậy, sách Xuất Hành kể rằng người Do Thái bị bắt làm lao động khổ sai. Ban đầu còn được cung cấp vật liệu, sau cùng còn phải sự tìm vật liệu lao động cho chính mình (Xh 8, 1-14), bị tay sai của chính dân tộc mình cùng với tay sai ngoại bang kiểm soát (Xh 5, 6-18), đến quyền lợi cuối cùng là quyền được thực thi tôn giáo cũng bị tước đoạt nốt, bởi phải dùng toàn bộ thời gian để lao động sinh tồn và phục dịch (Xh 5, 17). Câu hỏi về môi trường cuối cùng đặt ra cho toàn xã hội cũng như từng cá thể trong đó câu hỏi về điều kiện và ý nghĩa của sự sống nơi mình. Lúc này nó trở thành câu hỏi căn bản về quyền: thay vì bị áp đặt để phải sống theo mệnh lệnh của người khác, tôi có được tự do để sống và hiện hữu trong trật tự hài hòa với thiên nhiên và với cộng đồng mà tôi sinh sống hay không? Cá chết … và cung cách xây dựng tầm nhìn Có vẻ trước những gì đang xảy ra trong chính kinh thành và vương quốc của mình, Pharaô dường như chưa mường tượng hết tính trầm trọng của vấn đề. Có vẻ như ông đặt ưu tiên trên việc khai thác lao động hơn là yếu tố môi trường, một yếu tố mới sẽ phát sinh và đe dọa sự tồn vong của toàn bộ xã hội. Sách Xuất Hành đã nhiều lần dùng cách nói “tim ông ra chai đá” (ví dụ Xh 7, 13) để diễn đạt tình trạng “duy ý chí” của vị lãnh đạo này. Ông nhất quyết phải bảo vệ định hướng mà ông đang theo đuổi. Thậm chí, đã có nhiều lần ông đã thuận lòng “tự diễn biến”, đồng ý trả lại tự do cho người Do Thái, nhưng sau đó, có lẽ thấy lợi ích kinh tế của mình sẽ chậm lại nên ông lại “phản diễn biến” (Xh 8, 11), không cho dân này ra đi nữa. Sự chậm trễ trong phản ứng của Pharaô sẽ kéo theo tình trạng tệ hại hơn, bởi vấn đề môi sinh không chỉ đơn thuần là bài toán kinh tế. Bởi từ muôn thuở, ai cũng biết rằng người ta không chỉ nhìn tự nhiên như là cái phi-văn-hóa, mà là một điều siêu-văn-hóa. Nói một cách đơn giản, không có sắc dân hay dân tộc nào không có một cái nhìn siêu nhiên về tự nhiên. Người Do Thái đã có cách nói “Thiên Chúa của trời đất, biển khơi, sông ngòi” – Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo. Người Hy Lạp cũng nhìn các yếu tố tự nhiên như là hiện thân của các thần. Thậm chí người hiện đại, dù cơ giới hóa và khai minh hóa cách mấy, vẫn tiếp tục nói về Mẹ Thiên Nhiên hay tiếp tục trầm trồ trước những phong cảnh tuyệt đẹp. Thiên nhiên cách nào đó là điều vượt trên khả năng con người. Và mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên là mối liên hệ … tình cảm! Nó có trước cả triết học, chính trị và tôn giáo. Vì thế, tiếp tay với việc tàn phá môi trường không chỉ là tội ác kinh tế; chắc chắn nó sẽ đụng đến tình cảm sâu xa nhất của con người. Bởi dù tiến bộ cách nào, con người vẫn cần phải đi đứng, hít hở và diễn tả mọi sinh hoạt của mình trong tự nhiên. Hình ảnh bóng đen bao phủ kinh đô của người Ai Cập trong đêm trước ngày Xuất hành phải chăng là tình trạng thê lương của một xã hội, vì lợi ích kinh tế, đã đẩy môi trường sống vào tình trạng tăm tối, đen ngòm (Xh 10, 21)? Vì thế, tôn trọng “quyền môi sinh của người khác” trở thành một điều kiện căn bản trong mọi tương quan xã hội. “Môi trường là điều thiện hảo chung, gia tài của toàn thể nhân loại và một trách nhiệm chung cho mọi người. Nếu một người chiếm hữu một điều gì đó, thì phải quản lý vì ích lợi cho mọi người. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ làm khổ lương tâm của chúng ta vì phủ nhận sự hiện sinh của những người khác.“ (LS 95). Tuy nhiên, không thể không nói đến chiều kích tôn giáo. Có một chi tiết thú vị trong câu chuyện xuất hành của người Do Thái. Họ không đòi tăng lương hay miễn lao động. Họ chỉ mong muốn được thực hiện quyền tôn giáo của họ. Họ muốn ra đi để tôn thờ vị Thiên Chúa bảo hộ họ, bằng trọn vẹn cung cách và truyền thống của mình (Xh 5, 1-5). Nhu cầu ấy trong đôi mắt của nhà lãnh đạo Ai Cập lại được hiểu như một nguy cơ đào thoát, bạo động, làm suy tàn lợi ích chung. Sự thiếu hụt về lòng tin tưởng giữa đôi bên đã đẩy nhà hoạch định chính sách độc tài “kiên định” trong đường lối của mình, bất chấp sự thay đổi càng lúc càng thấy rõ của bối cảnh. Vì thế, thất bại trong chính sách của Pharaô nằm ở chỗ ông giảm thiểu việc đánh giá mọi quyền lợi căn bản khác của các thành phần xã hội, như tôn giáo, đạo đức, giải trí, thẩm mỹ, … vào trong góc nhìn hẹp của lợi ích kinh tế mà thôi. Chính cái nhìn này sẽ đẩy nền lãnh đạo của Pharaô sang tình trạng què quặt và cuối cùng bị diệt vong (Xh 14,5). Cá chết … và sự ra đời của một phong cách lãnh đạo mới Trong bộ phim Exodus cũng như nhiều phim gợi hứng từ câu chuyện Kinh Thánh trên, người ta hay khắc họa sự khác biệt giữa Pharaô và Môsê, tô đậm sự tương phản giữa hai phong cách lãnh đạo. Cả hai cùng lớn lên trong một nền văn hóa, nhưng tầm nhìn không giống nhau. Dầu vậy, xét cho cùng, hình ảnh Môsê được vẽ lên không hẳn là một trang anh hùng lãnh đạo bẩm sinh toàn mỹ. Ông cũng có một quá khứ không vẻ vang là mấy, thậm chí đã từng là một “tội phạm” bị công lý rượt đuổi (Xh 2, 11-15). Ông còn là người không có tài ăn nói, cần phải nhờ đến người cộng tác là Aaron ( Xh 4, 10-16). Tuy nhiên, sự yếu đuối của Môsê làm cho ông trở nên nhạy bén hơn đến mối liên hệ giữa “lòng dân” và “ý Trời”. Ông ý thức về tình trạng giới hạn của mình, nhưng đồng thời biết phát triển tầm nhìn của mình từ cuộc đối thoại giữa hoàn cảnh thực tế của xã hội với những khao khát vốn dĩ căn bản được ghi khắc trong trật tự thiên nhiên, trong đó có quyền được sống của con người. Ông được mô tả là người không ngừng phải “đi đi lại lại” giữa cuộc đối đầu với Pharaô và cuộc tham vấn với Thiên Chúa của người Do Thái. Nói theo cách của thời hiện đại, đó là tiến trình ý thức hơn đến hoàn cảnh thực tế của xã hội và biết đặt những vấn đề ấy vào trong toàn bộ mọi điều kiện có thể cân nhắc được, trong đó có yếu tố môi trường, trong việc giải quyết những vấn đề xã hội ấy. Môsê trong câu chuyện Xuất Hành đã hiện ra như một con người kiên nhẫn, dám đảm nhận quá khứ không hoàn toàn trong trẻo của mình, và can đảm đại diện cho nhu cầu của xã hội, và nhất là không để mình bị trói buộc bằng một ý thức hệ duy lợi ích, nhưng lắng nghe tiếng hòa điệu và phản ứng cách cẩn trọng trước từng chuyển động thay đổi của mối quan hệ tự nhiên và văn hóa. Đến những bài học mới Cho dù nguyên nhân của một tai họa sinh thái là tiến trình của tương tác tự nhiên hay do có bàn tay thiếu trách nhiệm của con người, thì sự kiện người ta chứng kiến những “người tị nạn vì môi trường” trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Nó là một hệ quả toàn cầu. Đằng sau câu chuyện đa ý nghĩa của sách Xuất Hành, ít nhất ta có thể học được tính cần thiết của việc phải đối diện với những biến động xã hội phát sinh từ một biến động nào đó về môi trường. Nó là sự cáo chung của một thể chế này để dẫn đến một mô hình mới, bởi nó tự nhiên như chuyển động … của môi trường! Có thể chúng ta nghĩ, cá chết ở nơi xa, biển nhiễm độc ở nơi xa, ta còn chưa liên can. Biển bẩn khúc trên thì ta tắm khúc dưới. Cá chết thì ta ăn thịt, ăn rau, chưa phải lo! Nhưng làn sóng tị nạn vì môi trường sẽ từ từ lan tới và cuộc đấu tranh sinh tồn lúc ấy không còn chỉ là cá là biển, mà sẽ chính là thịt, là rau, là cái không gian sống từ từ bị thu hẹp bởi sự ùn tắc trong phân bố tài nguyên và dân số sẽ xảy đến. Những thế hệ tương lai có thể sẽ không thể nhìn thấy ánh mặt trời, không thể hít thở hơi thở đầu tiên trong lành của thiên nhiên, nếu chúng ta không ngăn chặn chuỗi tai ương vốn đã bắt đầu từ hôm nay. Hình ảnh những đứa trẻ con Ai Cập chết yểu (Xh 12, 29) nhắc chúng ta về nỗi đau của một thế hệ tương lai mà chúng ta vô trách nhiệm không gìn giữ môi trường cho chúng. Bởi xã hội chúng ta nằm trong chuỗi liên kết khắng khít với môi trường, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự sụp đổ của triều đại Pharaô đã có gốc rễ trong tầm nhìn eo hẹp của ông. Sự khinh xuất về sử dụng nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên dẫn đến sự đổ vỡ trong tính chính danh của quyền lãnh đạo của ông. Ông đã từng bước biến lực lượng sản xuất của ông, – người Do Thái thay vì là một lực lượng sản xuất bền vững, thành thù địch. Ông đã giản lược cái bao la của sự sống, – đồng bằng sông Nil, thay vì là một nguồn năng lượng tái tạo, thành một công trường sản xuất vô độ. Chính sự thái quá trong việc áp dụng chính sách đã đẩy “con domino” cuối cùng là môi trường ngã xuống, tạo nên một chuỗi biến động không kiểm soát được, từng bước phá sản sự nghiệp chính trị của ông. Xã hội nào cũng cần có lãnh đạo, nhưng để có một Môsê cho toàn dân, thì cần có những Môsê “nho nhỏ” nơi chính cuộc sống của mình. Cuộc thay đổi chiến tuyến của vị hoàng tử Do Thái lớn lên trong lòng văn hóa Ai cập là một cuộc hoán cải thú vị. Một cuộc hoán cải sinh thái! Quyền được tận hưởng môi trường trong sạch lành mạnh cũng gắn liền với nghĩa vụ đấu tranh cho quyền ấy của mình. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về môi trường đã nói: “Để cho các luật lệ pháp lý đưa ra những hiệu quả quan trọng và lâu dài, cần có nhiều thành phần trong xã hội chấp nhận nhờ vào những động lực thích hợp, và khởi động từ một sự thay đổi cá nhân. Chỉ từ việc vung đắp những nhân đức vững vàng mà việc tự ban tặng chính mình trong sự dấn thân sinh thái mới có thể được” (LS 211). Nói cách khác, cuộc hoán cải sinh thái theo kiểu “ông Mô-sê” không gì khác hơn là tái tạo nơi mình lối suy nghĩ phóng khoáng, khoan dung, vốn đã bị thói ích kỷ làm thô thiển và vô cảm. Hoán cải môi sinh là cởi dây giày ích kỷ, can đảm tiến đến gần “bụi gai cháy bừng mà không bị thiêu rụi” (Xh 3,2) , – biểu tượng của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, biểu tượng của một nền sinh thái bền vững, tiến lại gần trong sự khiêm tốn, tôn trọng và đối thoại. Chính thái độ này đối với sinh thái, nghĩa là đối với biển cả, không khí, cá tôm, đất đai, cây cỏ và anh chị em đồng loại, vì nhìn thấy trong đó lời mời gọi dấn thân của Thiên Chúa, sẽ là con đường cho sự giải phóng khỏi những áp bức muôn mặt đang đe dọa hiện sinh của mình, và đồng thời đưa cuộc đời chúng ta gần hơn đến lời ngợi ca hài hòa của muôn tạo vật dâng lên Thiên Chúa.
(dongten.net 01.06.2016)