Một nghiên cứu chuyên môn cho biết: 90% các cặp sống thử đã đổ vỡ và nếu có kết hôn chỉ là gượng ép do gia đình ép buộc. Người ta lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nghĩa là sống thử thì lại phải chịu trách nhiệm thật khi đứng trước những đổ vỡ và thất bại trong hôn nhân. Trong khi đó, có nhiều bạn trẻ đã coi việc sống thử là một cách sống bình thường cần được xã hội thừa nhận. Chúng ta cần khẳng định rằng: khi bình thường hóa việc sống thử, người ta đã ru ngủ lương tâm. Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia xã hội học và tâm lý học bàn đến. Ở đây, người viết xin mượn lý thuyết về Tháp nhu cầu của nhà tâm lý học Maslow nhằm giải thích vấn đề này.
Theo Maslow, nhu cầu thấp nhất nơi con người là thể lý, và trong đó, có cả việc sinh hoạt tình dục. Có thể nói, thỏa mãn cảm xúc yêu đương và đáp ứng nhu cầu tính dục là ý hướng chính dẫn đến việc các sinh viên hay những công nhân xa nhà “góp gạo nấu cơm chung” mà phần lớn những người đang sống trong tình trạng này cố nấp né. Nhưng vì ý thức việc này xã hội không thể chấp nhận, họ trưng dẫn muôn vàn lý do: tiết kiệm tiền thuê nhà, thỏa mãn phần nào nhu cầu tò mò về giới tính, nâng đỡ nhau trong những lúc gặp khó khăn, có nhiều thời gian tìm hiểu nhau hơn trước khi bước vào đời sống hôn nhân chính thức…Chúng ta biết rằng sự việc tự nó là xấu cách khách quan thì cho dù có biện minh cách nào để hành động cũng là ngụy biện.
Và một khi chấp nhận lối lý luận này, họ phần nào cảm giác an toàn khi hành động. Antoàn là bậc thứ hai trong Tháp nhu cầu của Maslow. Nhằm làm tăng tính thuyết phục cho nhu cầu an toàn bản thân, họ đã đưa ra: nào là việc nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn, nào là bảo đảm đời sống kinh tế trong hiện tại, hơn nữa, là việc bù đắp những tình cảm trống vắng do việc xa nhà gây nên…Có thể nói, những an toàn giả tạo này sẽ bị lột trần khi nội bộ lục đục hay “chiến tranh lạnh” xảy ra; người này nghi ngờ người kia lợi dụng tình cảm và làm tổn thương nhau.
Từ đó, chúng liên quan và ảnh hưởng đến nhu cầu thứ ba là yêu và được yêu. Một khi không có quan niệm đúng đắn về việc yêu chính mình và chăm sóc bản thân, họ sẽ không trưởng thành đủ để làm chủ những cảm xúc yêu đương của mình, dần dà họ sống lệ thuộc như những cây tầm gửi. Thay vì nâng đỡ nhau, họ lại kéo ghì nhau xuống không phải bằng sức nặng thể lý mà là một bầu khí tâm lý nặng nề. Nếu như đặc tính của tình yêu là sự cho đi, thì sẽ đến một giai đoạn nào đó mà cái tôi ích kỷ bộc lộ, một trong hai phía hoặc cả hai chỉ muốn nhận lãnh mà không muốn cho đi. Nhu cầu yêu và được yêu không được đối tượng đáp ứng thỏa đáng, cả hai sẽ có ý định buông xuôi mặc thời gian chữa lành hoặc chủ động chia tay. Dù cho trường hợp nào xảy ra, tổn thương trong tình yêu là một thực tế không ai có thể tránh né mà do cấu trúc tâm thể lý của người nữ, họ dễ bị tổn thương hơn. Tự do không trách nhiệm sẽ không dẫn đến một tình yêu đúng nghĩa.
Cũng trong một vài tính huống nào đó, do muốn thể hiện và cảm nếm một tình yêu, người phụ nữ đã “trao thân gửi phận” cho chàng. Sự thực là nàng đã hy sinh những gì quí báu nhất của mình để đổi lấy hy vọng mong manh rằng tôi sẽ đạt được điều tôi mong muốn. Nhưng rồi khi nàng càng tỏ ra sợ mất người yêu và khăng khăng “cái nghìn vàng” kia không là tất cả, cô ấy càng tự hạ thấp giá trị bản thân. Chỉ vì một phút chốc nông nổi, nàng đánh mất đi lòng tự trọng. Chính bản thân cũng không trân trọng đủ thì đòi đối tượng kia tôn trọng là một bất khả.
Khi ấy, chúng ta mới thấy nhu cầu kế tiếp được Maslow đề nghị là lòngtự trọng, ảnh hưởng lớn lao thế nào trong đời sống tương quan giữa các liên vị mà đây lại là cặp đôi sống thử không hoàn hảo. Giờ đây, “gạo đã thành cơm”, có thai ngoài ý muốn, mọi hậu quả sẽ đổ dồn cho ai ? Tất nhiên là cho kẻ không thể lên tiếng là thai nhi. Cách giải quyết tốt nhất là nạo hút thai. Và sự cố xảy ra là cô ta không còn khả năng mang thai và sinh con nữa thì trách nhiệm sẽ qui về người phụ nữ. Cô sẽ sống mãi trong mặc cảm tội lỗi. Đó là một trong những trường hợp đau lòng mà chính người viết được kể lại từ một linh mục phục vụ trong nhóm Bảo vệ sự sống.
Hoặc nếu nhờ sự tiến bộ của y học, việc vá lại “cái ngàn vàng” ấy không còn là việc khó khăn nữa thì những tổn thương tinh thần không khoa học nào thực sự giúp chữa lành. Thử hỏi: có người con trai nào muốn lấy người đã từng sống thử với người khác làm vợ ? Tâm lý chung nơi đàn ông, thích kiếm người vui chơi qua đường, nhưng lấy vợ lại đòi “gái tân”.
Sau “cơn mưa” cảm xúc với những đổ vỡ và thất bại, có người đã giácngộ phần nào và trân quí một tình yêu bền vững. Họ cảm nhận mình được lớn lên sau thất bại khôn lường. Kinh nghiệm giác ngộ ấy đã đáp ứng được nhu cầu đỉnh cao của con người. Từ đây, họ muốn thể hiện bản thân là người trưởng thành, nghĩa là chịu trách nhiệm với những gì còn đang ngổn ngang trong tâm hồn. Chính khi chịu trách nhiệm và chấp nhận đối diện với vấn đề của mình mà các yếu tố tâm lý được phần nào giải tỏa.
Tóm lại, sau khi lướt qua năm cấp độ trong Tháp nhu cầu của nhà tâm lý học Maslow, người viết phần nào bộc lộ lập trường không ủng hộ việc sống chung trước hôn nhân. Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, phong trào này đã phát triển và lớn mạnh ở Phương Tây, sau một thời gian, họ nhận ra sự hời hợt và bất ổn của những cặp đôi sống chung trước hôn nhân mà xã hội ấy đã có một định hướng tích cực cho người trẻ, ngỏ hầu giúp họ sống ý thức hơn trong đời sống hôn nhân đúng nghĩa. Ở Việt Nam, sống thử vẫn còn được coi là cái mốt của những kẻ đua đòi, tìm tòi những cảm giác mới lạ, tìm mọi cách để sống thoải mái, thỏa mãn cảm xúc tức thời và tự do phóng túng…Với những hậu quả tiêu cực về lâu về dài của những ai sống thử, sẽ là bài học cho người trẻ biết sống định hướng cho tương lai, đồng thời cũng là một đòn chí tử giáng xuống những ai đang buông mình theo những khoái cảm vô độ.
Có lẽ, nhờ lối sống văn hóa làng xã mà nhiều người đã không chạy theo phong trào sống thử để tránh cái nhìn khắt khe của mọi người, trừ một số sinh viên và công nhân sống xa nhà, họ bất cần tương quan với người khác và nghĩ rằng chẳng ai biết đến mình; từ đó, họ sống buông thả mặc cho bản năng hạ đẳng tìm khoái lạc thấp hèn.
Một khi giúp đối tượng này tránh xa phong trào sống thử, xã hội cần tạo những sân chơi lành mạnh đúng nghĩa giúp họ tự tin hơn trong việc dấn thân phục vụ thiện ích hơn là chỉ nghĩ đến việc tìm thỏa mãn bản thân. Chính khi cảm nhận bản thân là người hữu ích, họ sẽ sống một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Xét về mặt tôn giáo, ngày nay, các nhà hữu trách cũng đã quan tâm nhiều đến đối tượng di dân, đã tổ chức những buổi gặp gỡ nhằm qui tu đối tượng này giúp họ cởi mở và dễ dàng hòa nhập với khu văn hóa mới, qua việc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp nhằm chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hiện tại, họ sẽ ý thức hơn trách nhiệm nâng đỡ nhau và xây dựng một cộng đồng trong đức tin. Chính việc quan tâm của những người đồng đạo sẽ khả dĩ giúp họ an tâm trong đời sống tôn giáo. Và qua Công đồng Vatican II, Giáo hội đã đề cao tầm quan trọng của giáo dân trong bậc sống gia đình. Song song đó, các Giáo hội địa phương cũng tổ chức các buổi học ngắn hạn và dài hạn, giúp bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Với đội ngũ chuyên môn, bạn trẻ sẽ dễ dàng lĩnh hội và tiếp cận thực tế, nhờ đó, họ tự tin bước vào cuộc dấn thân cho tình yêu để giúp nhau lớn lên trong tình chung thủy và sinh hoa kết quả dồi dào là những đứa con được bao bọc trong đức tin Kitô giáo. Ngoài ra, các đôi vợ chồng còn được mời gọi đến các văn phòng tư vấn về hôn nhân gia đình để trao đổi và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho những hoạch định tương lai đúng theo tinh thần của Giáo hội.
Và cũng như các phong trào khác, phong trào sống thử sẽ mất dần ảnh hưởng và chết hẳn nơi cộng đồng xã hội do đội ngũ người trẻ được trang bị kỹ càng để sẵn sàng sống cho cuộc đời có ý nghĩa vì thiện ích chung trong cộng đồng xã hội và tôn giáo.
Những gì vừa trình bày, từ việc quan tâm của những vị hữu trách trong xã hội và tôn giáo, như một môi sinh lành mạnh giúp người trẻ định hướng cuộc sống có ý nghĩa, phần còn lại tùy thuộc chủ thể có biết lợi dụng tự do để nhận thức đúng đắn vấn đề và ý thức giá trị bản thân để chọn cho mình một hướng đi đúng đắn giúp thăng tiến bản thân và cộng đồng nhân loại. Và một điều không thể tránh né khi đối diện với phong trào này: tình dục tách ra khỏi đời sống hôn nhân đúng nghĩa chỉ là một trong những hình thức lạm dụng tình dục tự nguyện (nghĩa là cả hai bên đồng thuận) và khiến hạ giảm giá trị bản thân.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.