Có nhiều phân tích giải thích khác nhau được phát triển suy diễn, và đưa ra phương cách chữa trị, hầu tìm lấy lại tinh thần giữ vững niềm tin vào Chúa và vào Giáo hội đang trong cơn lung lay chao đảo.
Về vấn đề lạm dụng tình dục, có ý kiến nghĩ cho rằng đó là một lối sống đồng tình luyến ái do hậu qủa của lối sống độc thân. Không biết ý nghĩ này có đúng không, và nếu có thì bao nhiêu phần đúng, bao nhiêu phần không đúng.… Nhưng sự việc Scandale về lạm dụng tình dục có liên quan mật thiết tới khía cạnh tình yêu và tính dục nơi đời sống con người.
Khía cạnh này gắn liền với đời sống con người từ khi sinh ra chào đời cho tới khi đi về bên kia chín suối. Và cũng đã có nhiều suy tư chiết giải phân tích bàn về hai khía cạnh này. Nhưng trước sau khía cạnh này cũng vẫn luôn luôn mới lạ, luôn luôn thời sự vào mọi thời buổi, luôn luôn hấp dẫn kích thích mọi người, và cũng luôn luôn là điều bí ẩn còn có nhiều ẩn số bí nhiệm. Phải, đó cũng là một lãnh vực „Tabu – riêng tư“ hầu như con người ai cũng rất ái ngại không dễ muốn bàn luận đề cập tới.
Nhưng tình yêu và tính dục là gì, cùng đóng vai trò thế nào trong đời sống con người theo khía cạnh đạo đức Kitô giáo?
Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã có cái nhìn phân tích suy tư sâu sắc về khía cạnh này:
„…Cũng tương tự như ở các nền văn hoá khác, người Hy Lạp trước tiên nhìn trong eros một sự say đắm, lý trí bị một sự “điên dại thần bí” thống trị, bứt con người ra khỏi hiện thực hạn hẹp của mình và trong tình trạng bị quyền lực thần linh này thống trị, sẽ đưa họ đến cảm nghiệm sự diễm phúc cao độ nhất. Tất cả các quyền lực khác giữa trời và đất đều trở thành thứ yếu : ”Omnia vincit Amor” (tình yêu vượt thắng tất cả), đó là câu nói của thi sĩ Virgile trong tập Bucolica. Và ông còn thêm : ”Et nos cedamus amori” (và cả chúng ta hãy khuất phục trước tình yêu) [2]. Trong các tôn giáo thái độ này ẩn tàng trong các hình thức phụng thờ sự phong phú về mặt sinh sản ; việc “mại dâm thánh” nở rộ trong các đến thờ cũng thuộc về thứ phượng tự này. Eros được cử hành như một sức mạnh thần linh, như một sự kết hợp với thần linh.
Cựu Ước kiên quyết chống lại hình thức tôn giáo này, vì xem đó như một thứ cám dỗ mạnh mẽ chống lại niềm tin độc thần và như một thứ lệch lạc tôn giáo. Dù vậy, Cựu Ước không phủ nhận eros theo đúng ý nghĩa của nó, nhưng chiến đấu chống lại hình thức hủy hoại của nó. Vì sự thần thánh hoá eros cách sai lệch, diễn ra ở đây, làm mất đi phẩm giá của nó yà chà đạp con người.
Các cô gái điếm trong đền thờ, phải đem lại sự say sưa thần thánh, lại không được đối xử như con người và nhân vị, nhưng phục vụ như các đối tượng để đem lại “cơn điên thần bí” : trong thực tế, họ không phải là các nữ thần, nhưng chỉ là những con người bị lạm dụng. Vì thế eros vô luân và điên đảo không phải là sự vươn lên, “ngất trí đến với thần linh”, nhưng là sự sa đọa của con người. Rõ ràng, eros cần sự thanh luyện, để nó không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là một sự nếm trước đỉnh cao của cuộc sống – một thứ diễm phúc mà cuộc dời chúng ta hướng đến.
Từ cái nhìn ngắn ngủi về hình ảnh của eros trong lịch sử và trong hiện tại, chúng ta thấy có hai chiều kích rõ rệt. Chiều kích thứ nhất, tình yêu có liên hệ với Thiên linh : tình yêu hứa ban sự vô hạn, vĩnh cửu – sự cao cả và hoàn toàn khác với thực trạng hằng ngày của chúng ta. Đồng thời cũng cho thấy, con đường để đạt đến đó không phải chỉ đơn thuần là tùng phục bản năng. Sự thanh luyện và trưởng thành rất cần thiết, và các điều này phải kinh qua con đường từ bỏ. Đây không phải là phủ nhận, cũng không phải là ”đầu độc” eros, nhưng là chữa lành để đạt được sự cao cả thực sự của nó.
Kitô giáo trong quá khứ bị kết án là thù ghét thân xác, và ngày nay xu hướng này vẫn còn. Thế nhưng cách tôn vinh thân xác mà chứng ta thấy ngày hôm nay chỉ là dối trá. Eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thành hàng hoá, thành “vật phẩm” ; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá. Trong thực tế, điều này không phải là tiếng nói đồng ý cao cả của con người đối với thân xác mình.
Ngược lại, họ nhìn thân xác và giới tính chỉ là chất liệu đơn thuần nơi bản thân mình mà họ có thể sử dựng và khai thác tuỳ ý. Phần vật chất này không nằm trong bình diện của sự tự do, nhưng là một cái gì mà con người theo cách thức của mình tìm cách để hưởng thụ mà không có hại.
Trong thực tế, chúng ta đứng trước một sự hạ giá thân xác con người ; thân xác này không còn được hội nhập vào sự trọn vẹn của tự do trong đời sống chúng ta, không còn là dấu chứng sống động của toàn bộ cuộc sống của chúng ta, nhưng bị đẩy lùi vào bình diện sinh lý. Việc tôn vinh giả tạo thân xác có thể mau chóng trở thành thù ghét chính thân xác.
Ngược lại, niềm tin Kitô giáo luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chế với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quý mới. Vâng eros muốn đưa chúng ta đến bầu khí thần linh, vượt lên khỏi chúng ta, vì thế nó đòi buộc một con đường vươn lên, từ bỏ, thanh luyện và chữa trị“ ( Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI., Deus Caritas, số 4. và 5.).
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
(vietcatholic08.09.2018)