Bà về chung sống cùng ông đúng vào độ tuổi trăng tròn, cái tuổi thần tiên đẹp nhất của đời con gái khép lại nhường chỗ cho cuộc đời làm vợ và làm mẹ. Bà không còn những phút giây thảnh thơi chăm sóc cho bản thân mình nhiều nữa mà phải dành thời gian chăm lo cho chồng cho con.
Lối đi này đâu còn xa lạ gì với bà nữa chứ, vì bà đã dong duổi hàng ngày trên con đường này để đến nhà thờ, đi ra chợ hay đi làm đồng,…Lối đi này đã mang biết bao dấu chân chai sạn với nhiều vết nứt của người phụ nữ tần tảo này, để rồi nhờ đôi chân mang nặng nỗi truân chuyên này gầy dựng nên những người con thành đạt trong cuộc sống cho ông. Bà đã hy sinh tất cả cho chồng cho con! Thế rồi bà nhận lại được gì chứ? Bà nhận lại toàn những đắng cay tủi hờn và hằng than thân trách phận, bà trách bà rồi bà lại trách đời bạc bẽo, bà trách mình rồi lại trách người.
Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo trong làng, thế rồi bà đến với ông theo sự xếp đặt của cha mẹ hai bên. Thời xưa nếu muốn không bị coi là bất hiếu thì con cái phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Bà chưa hề biết đến mối tình đầu trong sáng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, chưa biết đến chữ yêu là gì; bà chỉ biết mình về ở với ông còn đang ở tuổi nửa trẻ con nửa người lớn ấy thôi. Bà đã về chung sống với một người mà bà chưa hề quen biết trước, không hề phải lòng người đó, bà về chung sống cùng ông để làm đẹp lòng người mẹ đã tần tảo nuôi bà khôn lớn vì cha mất sớm!
Niềm vui đến với bà khi đứa con đầu lòng chào đời, niềm vui sướng hạnh phúc tỏ lộ rõ trên khuôn mặt cô gái trẻ vì nhờ đứa con làm nguồn động viên an ủi lúc buồn rầu. Thế rồi, lần lượt những đứa con kháu khỉnh và khỏe mạnh ra đời làm nguồn vui và cũng là gánh nặng đặt trên đôi vai gầy yếu của bà. Tuy là phận nữ, nhưng bà vừa làm mẹ lại vừa đóng vai trò làm cha; bà phải tần tảo đi buôn đi bán ngược xuôi để kiếm tiền nuôi con ăn học. Chồng có đấy nhưng ông đâu có giúp bà được việc gì ngoài chuyện ăn nhậu và khi đã say xỉn thì lại về nhà đánh vợ hành con. Bà đã phải sống trong nỗi lơm lớp lo sợ mỗi khi chồng bà say khướt trở về, có chăng niềm vui mà bà có được mỗi khi to nhỏ cùng đàn con, niềm vui đó luôn xen lẫn nỗi lo sợ cảnh chiều tàn.
Cuộc sống của bà cứ diễn ra đều đều như thế, có lẽ cái khổ đã hằn sâu trong lòng bà đến nỗi bà đã cảm thấy thành quen. Bà có than thân trách trời mãi cũng chẳng thay đổi được gì, bà nghĩ có lẽ trời đã định sẵn cho bà kiếp khổ này. Dường như càng về già, người ta càng khó tính khó nết thêm ra; đức ông chồng của bà đã sẵn tính cách xấu xa giờ đây về già lại càng đọa ra hơn nữa. Ông đã chẳng làm được gì đỡ đần bà mà chỉ biết chửi bới và hành hạ bà thậm tệ hơn nữa; cõi lòng bà dường như đã bị chai cứng, bà chưa một lần cảm nhận được hai chữ hạnh phúc nơi tổ ấm của mình. Quả tim bà đã khép kín vì làm gì có tình yêu thương chân thành trong suốt những năm chung sống cùng ông cơ chứ! Cõi lòng bà đã đóng chặt cửa.
Vào một ngày bà đành phải bỏ lại ông một mình với căn nhà rộng lớn thênh thang mà đến ở với con gái, bà đành để làng xóm xì xèo tiếng ra tiếng vào vì bà cảm thấy mình hết chịu nổi ông rồi. Bà nghĩ rằng cuộc đời mình chẳng còn là bao, bà muốn dành thời gian còn lại để được thanh thỏa cõi lòng. Tiếng người qua người lại, tiếng dư luận ồn ào: Bà ấy bỏ chồng rồi..!!! Những người hiểu và thông cảm thì chép miệng: Bà ấy bỏ là phải, trên đời này chắc chỉ có mình ông ấy một tính một cách chẳng giống ai; người không hiểu thì cho bà là người quá đáng không biết thương chồng, vì con.
Thế rồi bà lại đành phải trở về vì con vì cái, bà về để giữ tiếng tốt cho các con. Lối về dường như ngắn hơn bình thường, bà cảm thấy mình vừa đi mà đã đến nơi; bà tự hỏi có lẽ nào đường về hôm nay lại ngắn vậy sao? Đường về không ngắn nhưng cõi lòng bà đã ngắn lại, bà cảm thấy mình không thể mở lòng ra được nữa. Bà chấp nhận về vì muốn giữ tiếng tốt cho các con chứ bà đâu về vì lo lắng cho đức ông chồng tệ bạc cơ chứ. Bà đã về và lòng bà khép kín! Có lẽ ngay từ đầu họ đã chẳng có tình yêu nên họ chẳng thể mở lòng ra được với nhau, họ đã chấp nhận một mối tình xếp đặt của gia đình để rồi cả một cuộc đời đau khổ vì chẳng biết đến tình yêu chân thành.
Hai nửa khác biệt cố ghép lại nhưng cũng chẳng khép liền, họ chẳng thể nào mở lòng ra đón nhận nhau được vì giữa họ chẳng hề có tình yêu, giữa họ chẳng có chung một hướng nhìn. Giờ đây tuy ông bà cùng ở chung một mái nhà đấy, nhưng cõi lòng thì băng giá; ở chung đấy nhưng như hai người xa lạ, là vợ chồng đấy nhưng như chẳng quen biết tự thủa nào. Câu chuyện đời của hai ông bà cũng chính là câu chuyện đời sống hôn nhân của khá nhiều gia đình trong xã hội chúng ta. Người viết muốn mượn câu chuyện của họ để chia sẻ cùng độc giả, hơn nữa để đồng cảm với họ và thêm hiểu về họ. Câu chuyện của ông bà ắt sẽ giúp cho mỗi người chúng ta rút ra được một thông điệp hữu ích cho cuộc sống của mình.
Nhựa Sống