Thực vậy, số 6 Thư Mục Vụ của Các Giám Mục Vùng Buenos Aires về Các Tiêu Chuẩn để Áp Dụng Chương VIII Niềm Vui Yêu Thương, một thư vừa được chính thức đăng trên Công Báo của Tòa Thánh và nội dung được nhận là huấn quyền giáo hoàng, nói rất rõ: “nếu trong 1 trường hợp cụ thể, có các hạn chế làm giảm trách nhiệm hay khả thể qui lỗi, đặc biệt khi người này cho rằng mình có thể sa phạm lỗi lầm thêm bằng cách làm hại con cái của cuộc kết hợp mới, thì Niềm Vui Yêu Thương mở ra khả thể lãnh nhận các Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể”.
Người ta có thể tranh luận hoài hoài về chủ trương trên, nhưng rõ ràng, Tông Huấn rất sót sa cho thân phận con cái của ly dị. Điều này dễ hiểu vì chúng là các nạn nhân đau khổ nhất của ly dị, đôi khi sâu xa hơn cha mẹ chúng mà chính chúng không biết, như nhận định của Tiến Sĩ Richard Fitzgibbons, giám đốc Viện Hàn Gắn Hôn Nhân, trong 40 năm qua, đã làm việc với hàng trăm cuộc hôn nhân và gia đình Công Giáo, từng là cố vấn cho Bộ Giáo Sĩ của Tòa Thánh.
Tiến Sĩ Fitzgibbons cho rằng trong nhiều huyền thoại về ly dị (ly dị là giải pháp duy nhất cho nỗi bất hạnh của tôi, các tranh chấp hôn nhân không thể giải quyết; người phối ngẫu của tôi là nguyên nhân duy nhất…), có nhiều huyền thoại liên quan tới con cái: ly dị không làm hại tới con cái tôi; điều tốt cho tôi cũng tốt cho con cái; tôi vẫn là một cha mẹ tuyệt hảo dù chúng tôi ly dị…
Nhưng thực ra, theo Tiến Sĩ Glenn, một học giả của Đại Học Texas về gia đình “Tỷ lệ bị rối loạn về xúc cảm nơi những người có cha mẹ ly dị lúc lớn lên gấp 3 lần hơn những người có gia đình nguyên vẹn. Không một lượng thành công nào trong tuổi trưởng thành có thể đền bù cho một tuổi thơ bất hạnh, hay xóa mờ ký ức đau đớn và hỗn loạn của thế giới chia rẽ nơi đứa con của ly dị”.
Thiệt hại về tâm lý đối với thiếu niên
Tệ nạn ly dị tác động lên gần 1 triệu trẻ em một năm đã góp phần vào việc gia tăng tâm bệnh học (psychopathology) nơi tuổi trẻ Hoa Kỳ.
Trong nghiên cứu lớn đầu tiên của ngành tâm bệnh học thiếu niên Hoa Kỳ công bố năm 2010, trong số 10 ngàn thiếu niên, 49% đủ tiêu chuẩn bị xếp vào 1 bất ổn phân tâm học, và 40% đủ tiêu chuẩn cho 3 bất ổn. Cuộc nghiên cứu của nhà xã hội học Paul Amato (“The Impact of Family Formation Change on the Cognitive, Social and Emotional Well-Being of the Next Generation,” in The Future of Children 15, no. (2) (2005): 88-89) về thiệt hại lâu dài của ly đị đối với con cái đã chứng tỏ rằng nếu Hoa Kỳ hưởng được cùng mức độ ổn định gia đình như năm 1960, thì quốc gia có thể đã bớt được 750,000 trẻ em phải ở lại lớp, bớt được 1.2 triệu em bị đuổi học, bớt được gần 500,000 hành vi du đãng thiếu niên, bớt được khoảng 600,000 trẻ em phải điều trị, và bớt được gần 70,000 vụ mưu toan tự tử hàng năm”. Nhà xã hội học của Đại Học Virginia, Brad Wilcox, thì chung chung nói rằng “chứng cớ của khoa học xã hội về sự nối kết giữa bạo lực nơi thiếu niên và các gia đình tan vỡ là điều không thể rõ ràng hơn”.
Sau khi cha mẹ ly dị, con cái thường phải trải nghiệm việc gia đình dọn nhà, giảm thu nhập trông thấy, bà mẹ đơn chiếc bị căng thẳng, và những thời kỳ vắng cha mẹ một cách đáng kể. Tất cả đều đặt các em vào thế lâm nguy. Nói cách khác, phần lớn các vụ ly dị ở Hoa Kỳ có liên quan tới con cái đều không vì lợi ích của con cái.
Nay, một số cuộc điều tra nghiên cứu chứng minh rằng theo cách nhìn của trẻ em, không hề có điều gọi là “một cuộc ly dị tốt đẹp”. Trong một nghiên cứu, các trẻ em có cha mẹ “ly dị tốt đẹp” còn tệ hơn những em có cha mẹ “ly dị tệ hại”. Tiến sĩ Norval D. Glenn, trong “How Good for Children is the Good Divorce,” Propositions 7 (April, 2012, tr. 3) thấy rằng không thể tránh khỏi các hậu quả tiêu cực của ly dị đối với con cái chỉ bằng việc cha mẹ hợp tác với nhau.
Thiệt hại lúc đã trưởng thành
Khi con cái ly dị lớn lên, chúng thường xuyên phải lao đao với nỗi sợ bị bỏ rơi và kết hôn nói chung; điều này khiến chúng hủy bỏ việc đính hôn, hoặc các mối liên hệ đang tốt đẹp. Các nỗi sợ kết hôn hay kết bạn này đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng các vụ sống chung và rút chân khỏi hôn nhân. Năm 2012, các gia hộ kết hôn không còn là các gia hộ chiếm đa số ở Hoa Kỳ nữa. Ở Hoa Kỳ, sống chung, chứ không phải ly dị, hiện đang đặt ra thách đố lớn nhất cho hôn nhân. Năm 1960: 500,000 cặp sống chung, đến năm 2010, con số ấy là 7,529,000 cặp. Hơn 60% các cuộc hôn nhân hiện nay trước đó đã sống chung với nhau, và hơn 40% trẻ em có lúc đã sống trong các gia hộ sống chung. Thực tế, 21% trẻ em đã sinh ra trong các cuộc kết hợp chưa ổn định này. Vì các cuộc kết hợp sống chung ít bền vững hơn các cuộc kết hôn, nên đại đa số trẻ em của các kết hợp này sẽ chứng kiến cha mẹ chúng chia tay lúc chúng khoảng 15 tuổi.
Ly dị cũng đóng góp vào chu kỳ ly dị liên thế hệ. Nicholas Wolfinger, trong Understanding the Divorce Cycle: The Children of Divorce in their Own Marriages (New York: Cambridge University Press, 2005), tr. 74, thấy rằng việc ly dị của cha mẹ gia tăng xác suất ly dị của con cái ít nhất 40%. Khi cả chồng lẫn vợ cùng phát xuất từ các gia đình ly dị, thì cơ nguy ly dị ít nhất 2 trăm phần trăm cao hơn. Ngoài ra, trong cuộc hôn nhân của chúng, con cái của các cha mẹ ly dị thường bất hạnh hơn, leo thang tranh chấp, ít thông đạt với nhau, thường xuyên tranh cãi, và la hét, hoặc tấn công thể lý người phối ngẫu lúc tranh cãi.
Thiệt hại về thiêng liêng
Ly dị cũng làm hại đời sống thiêng liêng của con cái. Học giả về gia đình, Elizabeth Marquardt, trong cuốn Between Two Worlds, các tr.135-168, đã lên tài liệu cho một số trường hợp tranh chấp trong đời sống thiêng liêng của con cái ly dị. Một số cho thấy sự tức giận đầy cay đắng đối với cha mẹ đã dẫn chúng ra sao tới chỗ chối bỏ một Thiên Chúa biết quan tâm. Những đứa con đã trưởng thành này thất vọng tường trình rằng các người cha ly dị của chúng ít khi dạy dỗ chúng về luân lý. Mặt khác, bà nghi nhận rằng con cái ly dị thường thuật lại sự kiện buồn bã này là các nhà lãnh đạo tôn giáo rất ít tiếp cận chúng hay trả lời các câu hỏi bối rối của chúng.
Tháng Năm, 2012, Đức Bênêđíctô XVI nhận định rằng con cái mà không có người cha ở trong nhà gặp khó khăn lớn trong tương quan của chúng với Thiên Chúa. Vì “ơn thánh xây dựng trên tự nhiên”, như người ta thường nói trong truyền thống Công Giáo, việc mất niềm tin phát sinh từ việc ly dị của cha mẹ khiến cho việc tín thác vào một vị Thiên Chúa đầy yêu htương trở thành khó khăn, nhất là nếu chúng từng cầu nguyện cho cuộc hôn nhân của cha mẹ chúng. Ngoài ra, nếu mẹ hoặc cha vốn thực hành đức tin, thì chính đức tin thỉnh thoảng bị qui lỗi đã gây ra việc ly dị. Giận dữ vô thức dành cho mẹ hay cho cha có thể bị tái định hướng về phía Thiên Chúa. Việc mất lòng tin nơi cha mẹ và nơi Thiên Chúa thường dẫn tới nhu cầu kiểm soát lòng tin trong các mối liên hệ yêu thương tương lai.
Hiểu các nguyên nhân của ly dị
Để có thể giải quyết hữu hiệu các cuộc xung đột sâu rộng nơi con cái do việc ly dị của cha mẹ chúng gây ra, điều chủ yếu là hiểu các nguồn gốc gây ra ly dị. Một cuộc nghiên cứu năm 2010 về 886 người htuôc Tiểu Bang Minnesota nạp đơn xin ly dị cho thấy việc không thể nói với nhau được 53 phần trăm coi là một trong các nhân tố chính góp phần vào quyết định ly dị. Các nhân tố đóng góp khác là ra xa cách nhau (55%), sau đó là ít chú ý và bất trung (34%) (xem Alan J. Hawkins, Brian J. Willoughby & William Doherty, Reasons for Divorce and Openness to Marital Reconciliation, Journal of Divorce & Remarriage 53, no.6 (2012): 453-463).
Trong kinh nghiệm lâm sàng của Bác Sĩ Tiến Sĩ Fitzgibbons, các xung đột thường dẫn tới ly dị nhiều nhất là bất an và ích kỷ nơi người chồng và cô đơn cùng ích kỷ nơi người vợ. Nhiều người phối ngẫu mô phỏng và lặp lại một cách vô thức các yếu điểm nghiêm trọng trong việc tự hiến phu phụ mà họ đã thủ đắc từ cha mẹ họ. Tự hiến là yếu tính của tình yêu phu phụ, và nếu không có nó, các yếu điểm quan trọng khác góp phần vào ly dị sẽ chiếm ưu thế: các tác phong tức giận, kiểm soát và bất kính thái quá.
Việc tăng gấp đôi tỷ lệ ly dị giữa năm 1960 và năm 1980 đã được gán cho các hậu quả của cuộc cách mạng ngừa thai. Các phương tiện ngừa thai khiến hôn nhân kém lưu ý tới con cái và việc này dẫn tới việc suy yếu của cam kết hôn nhân. Thiệt hại tâm lý do việc sử dụng các phương tiện ngừa thai bao gồm việc giảm tín thác nơi Thiên Chúa, và nơi người phối ngẫu của mình, gia tăng lòng vị kỷ và tức giận, tất cả đều gây hại cho tình yêu thơ mộng, tình bằng hữu vợ chồng, và sự thân mật tính dục. Đó là kết quả do chính kinh nghiệm nghề nghiệp của bác sĩ Tiến Sĩ Fitzgibbons, với vài ngàn cặp vợ chồng trong hơn 37 năm qua.
Trong điều gọi là “kết nhóm ly dị” (diovorce clustering), cuộc ly dị giữa các bằng hữu cận kề gia tăng xác suất ly dị tới 75 phần trăm. Xác suất này giảm xuống 33 phần trăm nếu là cuộc ly dị giữa bạn bè của 1 người bạn (bạn bậc hai), và gần như giảm xuống không phần trăm nếu là bạn bậc ba. Lại còn hiện tượng này nữa: lúc người này có đứa con thứ ba, thì hậu quả ly dị của người bạn trở thành gần như không còn gì; và đến đứa con thứ năm thì mất hẳn. Điều này cho thấy việc cha hay mẹ chịu ảnh hưởng cuộc ly dị của bạn bè sẽ giảm đi do hiệu quả che chở của con cái.
Một cuộc nghiên cứu quan trọng kéo dài 10 năm đối với 6 trăm cặp từng được huấn đạo về hôn nhân cho thấy họ có xác suất ly dị từ 2 tới 3 lần cao hơn những người không được huấn đạo (xem Steven L. Nock, Laura A. Sanchez & James D. Wright, Covenant Marriage: The Movement to Reclaim Tradition in America (New Brunswick, NJ: Rutgers University Press, 2008), p. 112). Đến nỗi, Tiến Sĩ Wright, một nhà xã hội học của Đại Học Trung Florida, kết luận rằng “nghề huấn đạo đang cố gắng giúp bạn giải quyết cho xong việc ly dị, chứ không giúp bạn sửa chữa cuộc hôn nhân… Huấn đạo hôn nhân đôi khi trở thành huấn đạo ly dị nhiều hơn” (xem Cheryl Wetzstein, Interview of Dr. James Wright, Washington Times 9/14/2008).
Sở dĩ như thế, vì các nhà trị liệu hôn nhân đôi khi không nhận diện được và do đó không thách thức các hậu quả tai hại của lòng vị kỷ đối với hôn nhân. Ngoài ra, người ta thường ít chờ mong các người phối ngẫu thổ lộ và đề cập tới các xung đột xúc cảm từ gia đình gốc, và từ các năm tháng cuới nhau. Hơn nữa, các nhà trị liệu hôn nhân thường có quan điểm “tâm lý học” coi nghĩa vụ hàng đầu của hôn nhân không phải là đối với người phối ngẫu và đối với gia đình, mà chỉ đối với riêng mình mà thôi. Do đó, thành công của hôn nhân được định nghĩa không phải qua việc chu toàn tốt đẹp các trách nhiệm đối với người phối ngẫu và con cái, nhưng qua cảm thức mạnh về hạnh phúc chủ quan thường được tìm thấy trong và qua mối liên hệ xúc cảm sâu đậm với người phối ngẫu và trong tiện nghi vật chất (xem Brad Wilcox, The Evolution of Divorce, 2009. nationalaffairs.com/publications/detail/the-evolution-of-divorce).
Theo Barbara Dafoe Whitehead, một học giả về ly dị, thì tỷ lệ ly dị được kích thích bởi một khuynh hướng trong nhiều tôn giáo coi hôn nhân như thuộc phạm vi tâm ly học chứ không phải thần học. Bà viết: “nhiều hệ phái tôn giáo chính dòng dẫn đầu đoàn kiệu tiến tới trị liệu tâm lý. Các nhà trị liệu trở thành các bậc thầy và người đặt định qui luật cho hôn nhân, và rồi, sau này, cho cả việc tiêu hôn nữa” (xem The Divorce Culture [New York: Albert A. Knopf, 1996], pp. 48-49). Không những huấn đạo hôn nhân làm ngơ mối liên hệ vợ chồng, nó còn loại bỏ con cái như là thành phần của kết hợp hôn nhân nữa. Cố tình hay không, nó gỡ cho cặp ly dị khỏi các trách nhiệm xem xét tới phúc lợi của con cái.
Quan điểm của Giáo Sư William Doherty về các nhà trị liệu hôn nhân cũng tương tự như thế. Ông viết: “Nhiều nhà trị liệu bác bỏ như một cái cớ lời tuyên bố của khách hàng mình rằng ông ấy hay bà ấy ở lại cuộc hôn nhân ‘vì lợi ích con cái’ hay vì tôi đã cam kết lúc ‘thịnh vượng cũng như lúc gian nan’. Những lý do ở lại cuộc hôn nhân này bị coi là những cái cớ để tránh né việc phải đưa ra các quyết định khó khăn dựa trên các nhu cầu của người ta” (xem, Soul Searching [New York: Basic Books, 1996], p.31).
Thành thử không ngạc nhiên khi nhiều cặp bỏ cuộc quá nhanh đối với hôn nhân của họ. Glenn tường trình rằng trong một cuộc thăm dò toàn quốc của Văn Phòng Nghiên Cứu Thăm Dò tại Đại Học Texas, chỉ khoảng 1 phần 3 những người ly dị trả lời nói rằng cả họ lẫn người phối ngẫu đều cố gắng hết sức để cố cứu vãn cuộc hôn nhân (xem Between Two Worlds, p xxii).
Gia đình, bạn bè và giáo sĩ đáp ứng ly dị
Con cái ly dị, gia đình, bạn bè và hàng giáo sĩ nên biết việc nghiên cứu quan trọng về các xung đột hôn nhân và con cái, nhất là của Tiến Sĩ Linda Waite thuộc Đại Học Chicago, một nghiên cứu chứng minh rằng lợi ích của ly dị đã được rao bán quá giá của nó. Cuốn The Case for Marriage của bà hỗ trợ kinh nghiệm của nhiều người phối ngẫu và nhà chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần rằng lý dị ít khi mang lại hạnh phúc. Trong một cuộc nghiên cứu lớn, 86 phần trăm các người kết hôn có xung đột nghiêm trọng, nhưng kiên trì trong hôn nhân của họ, tường trình rằng cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc hơn sau đó 5 năm, với những cuộc hôn nhân tệ nhất lại hóa ra khá nhất (xem Linda Waite & Maggie Gallagher, The Case for Marriage (New York: Broadway Books, 2000), p. 148). Trong một cuộc nghiên cứu sau đó, các cặp tìm cách chịu đựng bất hạnh thì 5 năm sau, cuộc hôn nhân của họ trở thành tốt đẹp. “hai trong ba những người trưởng thành không hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng tránh ly dị hay ly thân, kết cục đã hạnh phúc trong hôn nhân sau đó 5 năm. Chỉ có 1 trong 5 người phối ngẫu bất hạnh và đã ly dị hay ly thân, là tái hôn hạnh phúc trong cùng khoảng thời gian này” (Linda Waite, Don Browning, William Doherty, Maggie Gallagher, Ye Lou. & Scott Stanley, Does Divorce Make People Happy? Findings from a Study of Unhappy Marriages [New York: Institute for American Values, 2002[, p. 6).
Ít có đáp ứng đối với đe dọa ly dị nơi các thành viên gia đình và bạn bè. Và điều này cũng xẩy ra nơi hàng giáo sĩ. Các vị ít giảng giải về bí tích hôn phối và các vấn đề liên hệ. Thực vậy, có vị còn chối bỏ cả các tai hại do ly dị gây ra. Thành thử, cần nhiều hiểu biết và can đảm về phần các giáo sĩ, tu sĩ, thành viên gia đình, và giáo dân nói chung trong việc ngăn ngừa thảm họa ly dị để bảo vệ cả các người phối ngẫu lẫn con cái họ.
Nếu cha mẹ ly dị nhưng không tái hôn, thì con cái của ly dị nên xem xét việc trích dẫn cho cha mẹ biết giáo huấn của Giáo Hội về ly dị, nhất là Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo:
“Ly dị là phi luân vì làm xáo trộn gia đình và xã hội. Việc xáo trộn này kéo theo nhiều tổn hại nghiêm trọng : cho người phối ngẫu vì bị ruồng bỏ; cho con cái phải đau khổ vì cha mẹ phân ly, và lắm khi còn bị dằng co không biết theo ai; cho xã hội vì hiệu quả lây lan của nó, nó thực sự là một tai ương cho xã hội” (số 2385).
Karol Wojtyła (tức Đức Gioan Phaolô II sau này) đưa ra lời khuyên khôn ngoan sau đây trong cuốn Love and Responsibility nổi tiếng của ngài liên quan tới những người phối ngẫu đang xung đột trong hôn nhân:
“Chúng ta yêu con người đầy đủ với tất cả các nhân đức và lầm lỗi của họ, và đến một điểm nào đó, độc lập cả đối với các nhân đức này, và bất chấp các lầm lỗi kia. Sức mạnh của một tình yêu (chín mùi) như thế thấy rõ nhất khi người yêu vấp ngã, khi các yếu đuối hay tội lỗi của họ xuất hiện công khai. Như thế, người yêu thực sự không rút tình yêu về, nhưng càng yêu hơn, yêu trong ý thức trọn vẹn về khuyết điểm và lỗi lầm của người kia, tuy không chấp thuận các khuyết điểm và lỗi lầm này. Vì người như thế không bao giờ đánh mất giá trị yếu tính của mình. Xúc cảm gắn liền với giá trị của con người là lòng trung thành” (Love and Responsibility [New York: Farrar, Straus, Giroux, 1981], p. 135).
Wojtyla cho rằng lỗi lầm chỉ ở ngoại vi sự tốt lành của người phối ngẫu. Nếu ta thấy điều này và nhìn vào cốt lõi con người, phần lớn các khủng hoảng trong hôn nhân đều có thể vượt qua. Nhờ thế, tín thác phu phụ lại phát triển và tình yêu được khám phá trở lại.
Điều quan trọng nhất, con cái, các thành viên gia đình và bạn bè có thể khuyến khích cha mẹ chúng lớn lên trong nhân đức công bằng, là nhân đức hệ ở việc cương quyết luôn trả cho Chúa và cho người lân cận, trong trường hợp này là người phối ngẫu và con cái, điều vốn là của họ (xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1807).
Các người trên nên quả quyết rằng con cái những người toan tính ly dị có quyền có một người cha và một người mẹ sống với nhau, và họ có nghĩa vụ phải thoả mãn nhu cầu thiết yếu này. Các người trên nên nhân danh đức công bằng yêu cầu các cha mẹ cam kết với nhau ít nhất trong một năm cố gắng cùng nhau bộc lộ và giải quyết các yếu điểm cá nhân của mình. Nên yêu cầu các cha mẹ duy trì mục tiêu chung là hỗ trợ và bảo vệ phúc lợi của con cái; việc này có thể gia tăng cơ may hòa giải trước bờ vực thẳm ly dị. Con cái của cha mẹ Công Giáo có nguy cơ ly dị cũng có thể gợi ý để cha mẹ mình cố gắng phó thác nhiều hơn nơi Thiên Chúa bí tích hôn phối của mình, vì chính tình yêu của Người cuối cùng sẽ hỗ trợ cho cuộc hôn nhân của họ.
Các sợ hãi và nhân đức tín thác
Các xung đột tâm lý nơi nhiều con cái ly dị là điều khó giải quyết nếu không có thành tố thiêng liêng, như trong trường hợp điều trị các bất ổn nghiện ngập.
Học giả ly dị, Judith Wallerstein, trong tác phẩm lớn của bà về con cái ly dị, viết rằng “lo âu xao xuyến về các mối liên hệ nằm ở tận gốc nhân cách của chúng và kéo dài ngay trong các cuộc hôn nhân hạnh phúc” (Judith S. Wallerstein, Julia M. Lewis & Sandra Blakeslee, The Unexpected Legacy of Divorce [New York: Hyperion, 2000], p. 300). Khi con cái thấy cha mẹ chúng ly dị chỉ vì ra xa lạ đối với nhau, hay vì một trong hai hoặc cả hai cha mẹ đều trở nên bất hạnh và bỏ đi để tìm bạn đời khác, thì lòng tin của chúng đối với tình yêu, cam kết, và hôn nhân thường là sẽ tan vỡ. Cái hại đối với khả năng duy trì niềm tin vào một tình yêu suốt đời là một trong các thương tích tâm lý nghiêm trọng nhất do ly dị gây ra. Kết quả là: nhiều đứa con ly dị khi kết hôn thiếu hẳn khả năng chuyển dịch từ tình yêu và tình bạn thơ mộng qua tình yêu đính hôn, tức “hoàn toàn phó thác cái tôi của mình cho người yêu” như lối nói của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Karol Woytyla, Love and Responsibility, p. 96). Khả năng cảm thấy an toàn trong một tình yêu suốt đời là điều cần thiết cho việc hoàn toàn phó thác mình, một điều chủ yếu đối với sự thành toàn và hạnh phúc lứa đôi.
Kinh nghiệm lâm sàng của Tiến Sĩ Fitzgibbons cho thấy trong thời gian đính hôn hay đầu đời hôn nhân, con cái ly dị thường trải qua những nỗi sợ hãi sâu xa và vô thức về việc bị phản bội, về việc phải hiến thân trọn vẹn, chỉ vì các thương tích do ly dị gây ra. Các nỗi sợ hãi này góp phần vào việc hiện nay nhiều người rút chân ra khỏi hôn nhân hay quyết định sống chung, một việc vốn không đòi phải cam kết trọn vẹn. Nhà xã hội học Mỹ Brad Wilcox tường trình rằng 41 phần trăm đàn ông “cho hay họ không ‘hoàn toàn cam kết’ đối với những người bạn gái sống chung với họ” (“Men and women often expect different things when they move in together” The Atlantic. [2013, July, 8. theatlantic.com/sexes/archive/2013/07/men-and-women-often-expect-different-things-when-they-move-in-together/277571/]). Những nỗi sợ này có thể kết thúc bằng việc hủy bỏ đính hôn hay ly thân.
Những nỗi sợ hãi ấy nơi con cái ly dị cần được đương đầu cả trong lúc chuẩn bị hôn nhân để họ loại bỏ những tiên niệm như “tôi sẽ bị phản bội và mất người tôi yêu”, “điều đã xẩy đến cho cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi cũng sẽ xẩy đến cho cuộc hôn nhân của tôi”… và tin rằng lòng trung thành của tình yêu Chúa sẽ tăng sức, trợ giúp và khuyến khích họ trong ơn gọi hôn nhân suốt đời của họ.
Quá tức giận và nhân đức tha thứ
Chấn thương ly dị đem lại sự tức giận mạnh mẽ nơi con cái ly dị, nhất là đối với cha hoặc mẹ bị coi là chịu trách nhiệm hơn cả, vì niềm tin cho rằng cha mẹ đã không dấn thân đủ để cố gắng hết sức giải quyết các xung đột bản thân và hôn nhân của họ. Sự tức giận mạnh mẽ như thế có thể rất tai hại đối với chúng, cần được khám phá và giải quyết. Nếu không được giải quyết, nó có thể bị lái sai một cách vô thức về phía người phối ngẫu tương lai, về phía chính chúng trong các tác phong tự hủy hoại, và về phía con cái.
Cách hữu hiệu nhất để giải quyết sự tức giận này là nhân đức tha thứ. Theo Tiến Sĩ Fitzgibbons, điều cần là cố gắng hiểu và tha thứ cho cha hoặc mẹ bị coi là chịu trách nhiệm hơn cả đối với việc ly dị. Nhưng thường là ta không có khả năng tự mình tha thứ được, cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Việc giải quyết sự tức giận này sẽ được giúp đỡ rất nhiều nếu cha hay mẹ chịu trách nhiệm hơn cả xin được tha thứ. Không có sự yêu cầu này, hoặc ngược lại, cha và mẹ đều chối bỏ trách nhiệm gây ra ly dị, thì diễn trình tha thứ khó mà đạt được (xem Julie J. Exline, Roy F. Baumeister, Brad J. Bushman, W. Keith Campbell & Eli J. Finkel, “Too proud to let go: narcissistic entitlement as a barrier to forgiveness.” J. Personality and Social Psychology 87, no.6 [2004], 894-912). Đối với các cha hay mẹ này, cần phải nhấn mạnh tới các tai hại của sự chối bỏ. Trong các buổi chuẩn bị hôn nhân, cũng nên giảng giải đôi điều về nhu cầu tha thứ cho người cha hay người mẹ bị coi là gây ra ly dị và cả những người không chịu hỗ trợ cuộc hôn nhân như họ nên làm.
Tha thứ không những giúp giảm tức giận mà còn giảm cả buồn sầu và lo lắng, và gia tăng lòng tự qúy (xem Gale L. Reed & Robert Enright, “The effects of forgiveness therapy on depression, anxiety and post-traumatic stress for women after spousal emotional abuse.” J Consult Clin Psychol 74, no.5 [2006], 920-29).
Buồn sầu và đức cậy
Trong nghiên cứu của Marquardt, con cái ly dị có xác suất 3 lần nhiều hơn con cái các gia đình nguyên vẹn đồng ý với câu này “tôi rất cô đơn lúc ấu thơ” (Marquadt, Between Two Worlds, tr.139). Judith Wallenstein tường trình rằng con trai của ly dị ít hưởng được sự nối kết thân mật với người cha của chúng (Wallerstein, The Unexpected Legacy of Divorce, các tr. 300-1). Nguồn gốc khác gây ra cô đơn/buồn sầu là cha hay mẹ không hiện diện trong nhà, phần lớn là người cha. Con cái ly dị thường xuyên tường trình những lần lao đao với nỗi buồn vì mất cảm giác thoải mái khi cha mẹ còn thương yêu nhau. Chúng tường trình nỗi buồn vì cảm thức trách nhiệm quá đáng và không thích đáng trong các cố gắng giúp người cha hay người mẹ buồn phiền. Một số em còn cho rằng các em đã trở thành bậc cha mẹ của người cha hay người mẹ này. Lời của Thánh Gioan Phaolô II đúng với khá nhiều con cái ly di: “nhiều em cảm thấy bị tù túng trong một nỗi cô đơn nội tâm sâu xa” (John Paul II, “Offer Forgiveness and Receive Peace”, XXX World Day of Peace Message, January 1, 1997, tr.1). Vết thương cô đơn/bất hạnh góp phần rất nhiều vào tỷ lệ ly dị cao nơi các người trưởng thành này. Khó có thể giải quyết chấn thương này nếu không có kế hoạch thiêng liêng về nhân đức đối thần trông cậy. Và không có tình yêu của một người bạn hay một người phối ngẫu nào có thể bù trừ cho thứ tình yêu mất đi từ gia đình gốc.
Chỉ có Thiên Chúa, Đấng từng nói “con người ở một mình không tốt”, mới có thể lấp đầy sự thiếu thốn này (xem Marquardt, Between Two Worlds, tr. 150). Phát triển sự tín thác, và hiến mình cho người phối ngẫu mới có thể giảm được nỗi cô đơn trong hôn nhân, và phát triển đức cậy mới có thể giảm vết thương do việc ly dị của cha mẹ gây ra. Đức cậy là nhân đức giúp ta chống trả buồn sầu và thất vọng. Nó cổ vũ niềm tin vào hậu quả tích cực của các biến cố và hoàn cảnh trong đời. Nhân đức này giúp giữ cho trái tim ta mở cửa để yêu thương và tiếp nhận yêu thương nhiều hơn. Nó nâng đỡ các người phối ngẫu lúc gặp căng thẳng, và tăng sức cho họ chống trả nỗi cô đơn. Suy nghĩ một cách trông cậy phát sinh từ niềm tin rằng Thiên Chúa mời gọi con cái Người tới hạnh phúc, và nâng đỡ họ bằng tình yêu của Người. Nó có thể giảm sự thất vọng sâu xa, xây dựng lòng tin, và củng cố niềm tin rằng hôn nhân hạnh phúc là điều có thể đạt được.
Đức tin và đức cậy có thể giúp con cái ly dị thừa nhận sự bất lực của họ trước nỗi đau xúc cảm, và trao nó cho Chúa. Trong khoa hướng dẫn tâm linh, đức cậy vốn giúp tạo ra sự cởi mở tiếp nhận tình yêu thiêng liêng, một tình yêu luôn an ủi và che chở chống lại cô đơn. Người ta cũng cho rằng suy gẫm xoay quanh Thánh Giuse như người cha thân yêu, Đức Mẹ như người mẹ thân yêu, Thánh Gia như gia đình bền vững của mình và chính Chúa như người bạn và người anh thân yêu nhất cũng giúp ích rất nhiều, song song với 1 vị linh hướng.
Lòng vị kỷ và nhân đức đại lượng
Nhiều vị giáo hoàng đã mô tả lòng vị kỷ như kẻ thù chính của tình yêu vợ chồng. Trong kinh nghiệm lâm sàng của Tiến Sĩ Fitzgibbons, nó là nguyên nhân hàng đầu của ly dị. Lòng vị kỷ làm cho các người phối ngẫu quay vào chính họ, do đó làm thiệt hại nặng nề khả năng tự hiến một cách hân hoan và trọn vẹn trong hôn nhân. Con cái ly dị cũng có thể, một cách vô thức, mô phỏng lòng vị kỷ này như một nét học được từ một hay cả hai cha mẹ, làm họ khó có thể duy trì cam kết hôn nhân suốt đời. Phục hồi khỏi các tác phong mô phỏng này là điều khá khó khăn. Khoa thần kinh học hiện nay đưa ra ý kiến cho rằng việc mô phỏng diễn ra qua chiếc gương của hệ thống tế bào thần kinh ở trong óc, nơi tế bào thần kinh “phản chiếu” tác phong của người khác, trong trường hợp này, là cha hay mẹ vị kỷ (Luigi Cattaneo & Giacomo Rizzolatti G. “The mirror neuron system”, Arch Neurol. 66, no.5 [2009], 557-60).
Cam kết hàng ngày lớn lên trong nhân đức đại lượng, từ bỏ mình, hiến thân trong hy sinh, và trung thành rất hữu ích trong việc giải quyết lòng vị kỷ. Đức tin giúp phá vỡ di sản tiêu cực mạnh mẽ này của cha mẹ. Làm việc với 1 vị linh hướng, con cái ly dị có thể xin ơn chữa lành khỏi việc mô phỏng một cách vô ý thức người cha hay người mẹ vị kỷ, dù vẫn biết ơn trước những điểm mạnh về nhân cách nhận được từ cha mẹ này.
Yếu đuối niềm tin và biết ơn các điểm mạnh
Một sinh viên cao học của Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình, trong một khảo luận đầy thông sáng về cuộc khủng hoảng bản sắc nơi con cái ly dị, đã viết rằng “Chúa Thánh Thần sẽ vô nghĩa nếu không có Chúa Cha, và Chúa Con thế nào, thì, một cách nào đó, bản sắc của đứa con cũng trở nên bất khả niệm nếu không có cha và mẹ em. Điều đem lại cho đứa con bản sắc của nó chính là tình yêu của cha mẹ em” (Nicholas Fonte. “The Identity Crisis of Children of Divorce” Unpublished, 2008, tr.5).
Cách riêng, việc thiếu tin tưởng nơi đứa con trai ly dị phát sinh từ việc thiếu mối liên hệ gần gũi với người cha, và mất vai trò gương mẫu đáng kính, một cái mất sẽ làm thui chột khả năng đạt thành công trong giáo dục và trong các mối liên hệ. Một cuộc nghiên cứu năm 2013 cho thấy các con trai được dưỡng dục trong các gia hộ chỉ có cha hay mẹ có khuynh hướng đạt thành tích tệ trong hầu hết các ngành học thuật và kinh tế (David Autor & Melanie Wasserman, “Wayward Sons: The Emerging Gender Gap in Labor Markets and Education” [Washington, D.C: Third Way Next, 2013], tr. 7).
Phát triển lòng biết ơn đối với các hồng phúc Chúa ban và các điểm mạnh của nhân cách ta có thể giúp chữa lành các yếu ớt của lòng tin do cuộc ly dị của cha mẹ và sự thiếu vắng của họ gây ra. Phát triển niềm tin vào việc linh hướng cũng đặc biệt hữu ích để con cái ly dị biết đánh giá Thiên Chúa Cha, hay Thánh Giuse, như một người cha khác đầy yêu thương, luôn khẳng nhận và bảo vệ ta, một điều sẽ tăng cường lòng tin của ta. Dần dần, điểm mạnh của nhân cách sẽ lớn lên (Christopher Peterson & Martin Seligman, Character Strengths and Virtues: A Handbook and Classification [Oxford: Oxford University Press, 2004]), và lo lắng buồn sầu liên kết với bất an sẽ giảm đi.
Thánh Gioan Phaolô II vốn cho rằng con cái “là một phản chiếu sống động của tình yêu cha mẹ, một dấu chỉ thường hằng của kết hợp vợ chồng, và là một tổng hợp sống động và không thể tách biệt khỏi việc làm cha làm mẹ” và “tình yêu của cha mẹ có mục đích trở thành dấu chỉ hữu hình của chính tình yêu Thiên Chúa” (St. John Paul II, Familiaris Consortio, số 14). Việc tan vỡ của cuộc kết hợp hôn nhân bí tích gây hại tới con cái một cách sâu xa. Tuy nhiên, các vết thương của con cái ly dị không phải là yếu tố quyết định trong đời sống những người bị chấn thương bởi ly dị này. Con cái ly dị không có nghĩa bị giam hãm trong quá khứ của chúng. Các xung đột chính về xúc cảm như sợ hãi, tức giận, buồn sầu và bất an có thể được khám phá và ảnh hưởng của chúng được tối thiểu hóa nhờ việc phát triển các nhân đức, nhất là các nhân đức đối thần. Về các nhân đức sau, Tiến Sĩ Paul Vitz, giáo sư tại Viện Các Khoa Học Tâm Lý, viết rằng “không hề có lý do tại sao một số hậu quả của các nhân đức đối thần lại không là thành phần của khoa tâm lý học,và được tích nhập vào cái hiểu triết lý và thần học” (Paul C. Vitz Philosophical Virtues and Psychological Strengths. R. Cessario (ed.) Sophia Institute Press [2013] tr. 296).
Kỳ sau: Mục vụ ly dị
(Vũ Văn An, vietcatholic)