Năm 1533, một điểm mốc lịch sử về tôn giáo quan trọng của đất nước ta. Năm mà nhà sử học Trần Trọng Kim đã ghi nhận trong cuốn Việt Nam Sử Lược của ông như sau:
“Năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Lê Trang Tông (1513-1548) nhà Lê 1533, có người Tây tên là Inikhu đi đường vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Châu (Tức là Nam Trực) và làng Trà Lũ huyện Giao Thủy”.
Từ đây, nền văn hóa của dân tộc ta, đặc biệt về văn hóa tín ngưỡng trở nên phong phú hơn, sâu sắc hơn. Và nhờ thế, ngày nay đã có hơn 7 triệu người Công Giáo Việt Nam biết được nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích đích thực của cuộc sống, của đời người, và biết được đạo Chúa để thờ phượng…
Ngoài ra, văn hóa Kitô giáo đến với Việt Nam, đã góp phần tích cực, tiến bộ trong nhiều lãnh vực của nước ta từ đó tới nay. Cụ thể góp phần bài trừ mê tín dị đoan, một vợ một chồng, bình đẳng giới…
Thắng 6 năm 2017, tôi đã có bài viết về “Chung thủy” tìm hiểu các nội dung: Chung thủy là gì; tại sao vợ chồng phải chung thủy; chung thủy mang lại lợi ích gì; và một số gợi ý giúp vợ chồng chung thủy. Bài viết đã có trên trang gp Long Xuyên, Cần Thơ, Conggiaovietnam, conggiaoinfo…Vì thế, trong bài “Lòng chung thủy” hôm nay, tôi không đề cập lại các vấn đề đã nêu trên, và sẽ đề cập đến các vấn đề sau:
–Lòng chung thủy, vẻ đẹp bình đẳng lung linh tô thắm tình yêu đôi lứa.
–Chung thủy, một chất keo gắn chặt, và là suối nguồn nuôi dưỡng tình yêu hôn nhận!
–Giữ “Lòng chung thủy” là giữ luật Chúa Trời.
Chung thủy, vẻ đẹp bình đẳng, lung linh tô thắm tình yêu đôi lứa!
Từ khi đạo Công Giáo đến Việt Nam, thì người theo đạo Công Giáo mới giữ lề luật “đơn hôn và vĩnh hôn” còn gọi là “Đơn nhất và bất khả phân ly”, nghĩa là (một vợ, một chồng, bền vững, và không thay đổi). Lúc này “Lòng chung thủy” cho cả vợ lẫn chồng mới được người theo đạo Công Giáo học tập và gìn giữ. Còn xã hội Việt Nam thời đó, và đến mấy thế kỷ sau này, đều theo chế độ “đa thê”, “Trai năm thê bảy thiếp”. Còn vua chúa, ngoài vương phi, cung tần, thị nữ… thì nhà vua đều có quyền “ăn ở” với bất cứ cô gái nào, nếu nhà vua muốn…Trong hàng vua chúa ở Việt Nam đã có ông vua có tới 142 người con như vua Minh Mạng (1791-184). Như thế, “Lòng chung thủy” hầu như xa lạ với xã hội Việt Nam thời đó; và nếu có thì “lòng chung thủy” chỉ dành cho chị em phụ nữ “Gái chính chuyên một chồng”; “lòng chung thủy” không dành cho các đấng mày râu. Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, ngự trị vững vàng trong xã hội Việt Nam thời đó. Câu truyện, và bài hát “Hòn Vọng Phu” đã một phần nói nên điều này:
“…Người Vọng Phu trong lúc gió mưa
Bế con đã hoài công đứng chờ
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ…” (Trích bài hát Hòn Vọng Phu của N.S Lê Thương)
Như thế thì, văn minh Kitô giáo về phương diện hôn nhân, xét riêng “Lòng chung thủy” như ánh lửa chói sáng xóa được một phần tăm tối quan niệm “đa thể”, thiếu tôn trong phụ nữ trong hôn nhân của xã hội Việt Nam đã có từ bao đời. Đây quả là một tiến bộ lớn lao, tạo sự tôn trọng, bình đẳng giữa nam và nữ, thật đáng mừng biết bao!
Chung thủy, một chất keo gắn chặt, và là suối nguồn nuôi dưỡng tình yêu hôn nhân!
Trước khi tìm hiểu “lòng chung thủy” giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu hôn nhân, ta cần dành một chút để tìm hiểu về tình yêu.
Tình yêu nam nữ là một mầu nhiệm. Tình yêu nam nữ đã có từ ngàn xưa, xưa như trái đất, và chắc chắn còn mãi đến mai sau, khi con người còn ở trên hành tinh này. Tình yêu nam nữ luôn luôn mới, mới mãi; hấp dẫn, hấp dẫn mãi và nóng bỏng nhất trong hiện tại, ở mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Tình yêu là như thế, nhưng đã có ai định nghĩa được tình yêu là gì đâu:
“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạtB
ằng mây nhẹ nhẹ gió hưu hưu” (Xuân Diệu).
Tình yêu mong manh đến không có gì ràng buộc, như sợi tơ “con nhện giăng tơ”, nhưng lại bền vững, có sức mạnh vô song, dù tình yêu đó chỉ được thể hiện qua một cử chỉ, một ánh nhìn:
“Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc” (Lý phu nhận)
(Một lần nhìn làm nghiêng thành quách/ Nhìn lại lần nữa làm đất nước suy vong).
Ta cùng xem một so sánh khá thú vị về tình yêu trong bốn câu thơ sau:
“Nhện giăng ít sợi tơ trời
Đong đưa ru võng nào rơi được mình
Tình yêu chẳng sợi tơ mành
Mà sao cột chặt chúng mình hỡi anh?” (ĐPM).
Thật ngờ ngàng và đẹp biết bao, với tình yêu tưởng như mong manh, mà bền vững vô song, mà Tạo Hóa đã dành cho nam nữ!
Nhưng điều gì đã làm cho tình yêu “cột chặt chúng mình”, Xin thưa, đó chính là “Lòng chung thủy” nơi tình yêu. Không có “lòng chung thủy” gắn bó mật thiết với nhau như chất keo, tình yêu đó sẽ rã rời tan tác như cách hoa tàn sau mùa hội, để lại bao đau thương tan tác nơi gia đình con cái, xóm làng, xã hội… Có “lòng chung thủy” thì tình yêu mãi bền chặt dù phải xa nhau bao năm tháng. Lòng chung thủy như dòng suối mát, như nhựa sống nuôi dưỡng tình yêu bền chặt, và sinh hoa trái tươi tốt tạo được hạnh phúc nơi gia đình, xóm thôn, quê hương…
Gần một nửa thế kỷ qua, từ 1975 đến nay, trên quê hương thân yêu Việt Nam đã cho thấy biết bao “Lòng chung thủy” nơi vợ chồng được thể hiện. Do hoàn cảnh lịch sử để lại, vợ chồng phải xa cách năm năm, mười năm, mấy chục năm, kẻ Bắc người Nam…Rồi vui biết bao, khi gia đình họ được đoàn tụ, mái ấm hạnh phúc nơi gia đình lại được sống lại. Nhiều gia đình may mắn hơn được chuyển nơi cư trú, diện HO (Humanitarian Operation). Nơi định cư mới, với những điều kiện thuân lợi đã giúp họ phát triển về mọi mặt, đặc biết là về mặt con cái. Chính “Lòng chung thủy” là nguyên nhân sâu xa đã mang đến chứa chan hạnh phúc như hôm nay cho họ. Vui biết bao!
Ngược lại, trong gần nửa thế kỷ qua, ta cũng chứng kiến biết bao gia đình tan nát đổ vỡ, con cái “cù bơ cu bất”; “ đầu đường xó chợ” do cảnh “chồng ăn chả, vợ ăn nem”. Chính bởi tại họ không giữ được “lòng chung thủy” khi phải xa nhau. Thậm tệ hơn nữa, ta còn thấy trong xã hội hiện tại, có nhiều trường họp, cùng sống trong một mái nhà, nhưng mỗi người là một thế giới riêng; mỗi người đeo đuổi một mối tình riêng. Càng giầu sang chức quyền, mà thiếu lý tưởng đúng đắn, trong sáng; thiếu quyết tâm gìn giữ, thiếu ý chí thực hiện, và nhất là thiếu hoặc không cầu nguyên; chỉ biết vật chất và vật chất; hưởng thụ và hưởng thụ, chức quyền và chức quyền thì việc đánh mất “lòng chung thủy” càng dễ xẩy ra như: “vợ bé các ông lớn”; hoặc “trai tơ của các bà lớn” đang diễn ra trong xã hội, mà nền đạo đức ngày một suy thoái, buông lỏng; sự trung thực trở thành khan hiếm trong xã hội…
Giữ “Lòng chung thủy” là giữ luật Chúa Trời.
Thiên Chúa đã truyền dạy loài người qua Thánh sử Marco về “lòng chung thủy”:
“Lúc khởi đầu công trình tạo dụng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.
Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người khôngđược phận ly.” (Mc 10, 6-9).
Vì có niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, nên trong Thánh Lễ hôn phối của người Công Giáo, chính người nam và người nữ đã thề hứa “chung thủy” với nhau trước cha chủ tế, cùng cộng đoàn dân Chúa:
“Tôi … nhận em … làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.”
Bên nữ đáp lại:
“Tôi…nhận anh …làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời tôi.”
Có lẽ vì thế, mà hôn nhân bên Công Giáo ít bị đổ vỡ.
Tạm kết.
Vấn đề nền móng của xã hội là gia đình hôm nay đang bị lung lay. Nhiều quốc gia đã thông qua luật hôn nhân đồng tính, đi ngược với mục đích và ý nghĩa của hôn nhân; Việc ly dị, phá thai gần như đã trở thành phổ biến trên toàn thế giới; “Lòng chung thủy” đang bị bào mòn.
Riêng tại Việt Nam thì nạn phá thai đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, hàng năm cả triệu thai nhi bị trút bỏ vô tội vạ, chưa bao giờ sinh mạng con người bị coi rẻ rúng như hôm nay.
Chúng ta, những người Công Giáo, một thiểu số chỉ có khoảng 7% dân số của đất nước trên 90 triệu dân chỉ biết cầu nguyện, cầu nguyện thiết tha và liên lỉ, xin Chúa đoái thương và biến đổi để mọi người biết hồi tâm, sống theo lương tâm ngay lành, mà Thiên Chúa đã phú cho mỗi người.
Chúng ta cầu nguyện cho chính bản thân, dù chúng ta đã được ân huệ biết đạo Chúa, nhưng như thư Thánh Phaolo gởi tín hữu Roma đã cảnh báo, nhắc nhở rằng:
“Vẫn biết rằng Lề Luật là Thần Khí, nhưng tôi lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng biết: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét tôi lại làm”. (Rm 7, 14-15)
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh