Khi vừa nhìn thấy túi nilông, anh Leonhardt thầm nghĩ, có lẽ ai đó bỏ lại một túi quần áo ở cửa. Nhưng khi nghe có tiếng động, anh lại nghĩ, có lẽ là một con chó con. Anh đã cầm lấy cái túi, mở ra và nhìn thấy một bé trai mới sinh, đang còn dính đầy máu, chưa được tắm rửa, còn dây rốn được cắt bằng một cái kẹp giấy. Anh điếng người, lặng đi cả chục giây. Anh sờ thấy đứa bé còn nóng nhưng chân của em đã tím tái. Ngay lập tức, Leonhardt báo cho cha Ubel, chánh xứ biết. Cha Ubel và anh Leonhardt đã đưa em bé sơ sinh vào phòng thánh và cha Ubel đã rửa tội cho em trong lúc chờ đợi cảnh sát đến. Nửa giờ sau, em bé được xe cứu thương đưa đến bệnh viện để làm các xét nghiệm kiểm tra. Hiện nay em bé đangđược Dịch vụ bảo vệ trẻ em sơ sinh của quận Ramsey chăm sóc.
Cảnh sát không điều tra việc làm này như là một tội phạm, vì luật bang Minnesota cho phép một người mẹ bỏ con sơ sinh của mình ở một nơi an toàn trong vòng 7 ngày sau khi sinh mà không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào. Các nơi được kể là an toàn để bỏ con sơ sinh là sở cảnh sát, đội cứu hộ, bệnh viện hay các cơ sở cấp cứu, nhưng nhà thờ không được kể như một trong những nơi an toàn. Tuy thế, cha Ubel nhìn nhận việc em bé được bỏ lại trong nhà thờ Công giáo không phải là không có ý nghĩa. Người mẹ biết rằng con của bà sẽ được an toàn và được chăm sóc với sự giúp đỡ của giáo xứ. Có nhiều đôi vợ chồng Công giáo sẵn sàng nhận nuôi em bé trong gia đình của họ. Còn anh Leonhardt cho rằng họ đã quyết định bỏ em bé tại một nơi tốt lành. Đó là nhà thờ. Chúng ta yêu quý các trẻ em.
Tại tiểu bang Minnesota cũng như nhiều tiểu bang khác tại Hoa kỳ, có những luật lệ cho phép từ chối nhận con và bỏ con ở một số cơ sở công cộng. Các luật này được gọi là “Safe haven laws” – “luật nơi cư trú an toàn” – cũng được biết như “Baby Moses Laws” – “luật em bé Moses”. Timothy Jaccard, bác sĩ của sở cảnh sát và hiện nay đã nghỉ hưu, là một trong những người cổ võ các luật này. Hơn 30 năm trong nghề, ông đã chứng kiến bao nhiêu trẻ em bị để cho chết và vất ở các nơi không xứng với con người. Năm 1997, bác sĩ Jaccard nhận một cú điện thoại báo cho ông biết là một bé sơ sinh được tìm thấy hôn mê ở trong nhà tắm của một tòa án; nửa giờ sau thì đứa trẻ qua đời. Hai tuần sau đó, một nhà thờ đã gọi cho ông, báo tin rằng họ tìm thấy một bé gái được cuốn trong một túi nilông và bị chết ngạt. Hai tuần sau nữa, một con chó đã đào bới thi thể của một bé trai được chôn trong sân của một khu dân cư. Rồi hai tuần sau nữa, người ta tìm thấy tại một khu tội phạm, thi hài một bé trai trong một vali. Ông nói: “ôm một em bé sơ sinh trên cánh tay và phải xác nhận em đã chết thật là điều đau lòng.” Ông nghĩ là phải tìm cách để chấm dứt sự điên rồ này. Ông đã trợ giúp cho chi phí chôn cất các trẻ em bị bỏ rơi và qua đời này.
Nhưng điều bác sĩ Jaccard muốn làm chính là ngăn chặn những cái chết như thế. Do đó ông đã khuyến khích thành lập một phong trào, hiện diện tại tất cả 50 tiểu bang, với mục đích ban hành luật “nơi cư trú an toàn”. Luật này giúp cho những người mẹ đang gặp khủng hoảng các cơ hội có thể bỏ con sơ sinh trong những nơi an toàn mà không sợ bị hậu quả pháp lý. Bác sĩ Jaccard còn thành lập tổ chức quốc gia Baby Safe Haven (nơi an toàn cho trẻ nhỏ). Tổ chức này làm trung gian để các trẻ em được bỏ ở nơi an toàn nhất có thể. Các bà mẹ người Mỹ có thể gọi số điện thoại miễn phí và sắp xếp để giao con của mình, theo cách thức an toàn, cho một người đang đợi ở một trong những nơi biết trước, được bảo vệ bởi luật pháp.
Đức tin của bác sĩ Jaccard là phần căn bản trong cuộc đời ông. Ông tin rằng Chúa đã ủy thác cho ông sứ vụ giúp các trẻ em bị bỏ rơi. Ông xúc động khi nói về những cuộc bỏ con bi thảm mà ông đã chứng kiến trong 37 năm hành nghề thầy thuốc. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những kết quả tốt đẹp, được trình bày trên một tấm bảng đầy hình ảnh của các em bé được cứu bởi tổ chức “Nơi an toàn cho trẻ em”. Tháng 11 năm ngoái, một phụ nữ trẻ đã gọi cho bác sĩ Jaccard một cách lo lắng. Trong thời kỳ thai nghén, bà không có điều kiện đi khám tham cũng như chăm sóc thai phụ. Bà ta nói với bác sĩ là không thể chăm sóc cho bé gái được sinh trước đó 3 ngày và cân nặng chỉ 2 kilogram. Jaccard đã sắp xếp để đứa bé, vẫn chưa được cắt dây rốn, được giao cho đội cứu hỏa của tỉnh Wantagh vào ngày lễ Tạ ơn. Khi các hãng truyền thông bắt đầu loan tin về em bé này, nhiều người bắt đầu gọi điện để xin nhận nuôi em bé. Văn phòng của bác sĩ Jaccard đã nhận hơn 800 cuộc gọi từ các gia đình có ý muốn nhận em bé làm con nuôi. Bác sĩ cũng nhận được điện thoại của một luật sư đại diện cho một ân nhân ẩn danh của New York. Ân nhân này muốn lập một quỹ ủy thác để tài trợ cho việc học hành của bé gái sau này.
Bà Tracey Johnson, giám đốc điều hành của Liên minh quốc gia “Nơi cư trú an toàn” của Washington nhận xét: “Điều bác sĩ Jaccard làm là để bảo đảm những người mẹ có thể bước tiếp trong cuộc sống của họ và các đứa bé nhận được món quà sự sống.” Theo Liên minh này, với sự giúp đỡ của tổ chức “Nơi an toàn cho trẻ em”của bác sĩ Jaccard, trong 17 năm qua, 3298 trẻ em trên khắp Hoa kỳ đã được giao cho các gia đình nuôi. Trong số này, có 167 em được sinh ra trong năm nay.
Larry e Jennifer Mergentheimer, ở Levittown, Long Island, là cha mẹ nuôi của một trong những đứa trẻ này. Con gái của họ, Rebecca, 20 tháng, đã được ông bà nhận nuôi sau khi bị bỏ rơi trước một bệnh viện vào Mother’s Day (Ngày của Mẹ) năm 2015. Họ khẳng định “chú Tim” (tên gọ bác sĩ Jaccard cách thân mật) quan tâm thường xuyên đến việc phát triển các điều kiện của gia đình. Bà Jennifer chia sẻ rằng bé gái này chính là quà tặng tốt nhất mà họ từng nhận được. Bà giải thích: “Đã nhiều năm chúng tôi mong muốn có một con trai và một gia đình, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ chúng tôi có cháu Rebecca trong cuộc sống của chúng tôi; cháu là điều tốt đẹp nhất trên thế gian này.”
(Hồng Thủy, RadioVaticana 13.03.2017/
CNS 06/01/2017; Aleteia.it 15/02/2017)