Tổ chức Sophia, một tổ chức chống buôn lậu người di cư ở Địa trung hải, được thành lập nhằm tranh đấu, chống lại các băng đảng maphia buôn người ở Địa trung hải và giúp cứu vớt những người trên biển, bởi vì họ là những người nghèo.
Hộ tống hạm Navarra là một con tàu Tây ban nha thuộc Hội Sophia, chống lại việc buôn người bằng cách cứu người ở Địa trung hải. Cha Alberto Gaton là tuyên úy của con tàu có 208 thủy thủ đoàn này. Cha Gaton được thụ phong Linh mục vào tuổi 29. Sau khi thi hành sứ vụ tại thành phố Santander của Tây ban nha, rồi đến thành phố Roma và cuối cùng là Hoa kỳ, theo lời khuyên của Giám mục, cha Gaton đã quyết định gia nhập quân đội, khi cha đã 45 tuổi. Hiện tại cha là tuyên úy trưởng của quân khu miền nam. Cha Gaton cho biết là tàu của cha đang cộng tác để cứu những người bị bọn maphia bỏ mặc cho sống chết trên biển cả. Con tàù Frigate Navarra cùng với các tổ chức phi chính phủ và các lực lượng hải quân châu Âu hoạt động để cứu vớt người trên biển.
Trong vòng 5 tháng qua, từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 1 năm 2017, đội cứu hộ của cha Gaton đã cứu được hơn 3 ngàn người. Cha cho biết 70% những người tị nạn là các Kitô hữu chạy trốn cuộc bách hại tại quê hương của họ. Họ chạy trốn nhóm Hồi giáo Boko Haram ở Nigieria, chạy trốn khỏi những kẻ khủng bố, khỏi tình cảnhcủa quê hương họ.
Cha Gaton nhớ lại chuyến cứu hộ đầu tiên: khi những người vượt biển được cứu lên tàu, họ nhảy múa ca hát. Đó là một ngày hạnh phúc vì không có ai bị chết. Thật là tuyệt vời khi nhìn thấy những người được cứu an toàn và múa hát. Nhưng mà niềm vui của những ngày như thế bị tàn lụi bởi nỗi buồn sâu xa khi thấy thế giới này đã đi đến sự ác đến mức nào, khi họ để cho các trẻ em, những phụ nữ mang thai đi trên những con thuyền như những cái hộp giày, như những chiếc quan tài dập dềnh trên nước, mà số phận của họ chỉ hoặc là được cứu hoặc là chết. Khi cứu được các người tị nạn, điều đầu tiên nhóm cứu hộ cần làm là chữa trị các vết thương, cho họ ăn thứ gì đó, và chống việc mất nước. Đồng thời cha Gaston luôn luôn ở đó với các gia đình và các người bệnh.
Một lần, một phụ nữ xin cha chúc lành cho bà và đứa bé gái đi cùng bà. Cha của bé gái đã mất tích trước khi tàu được cứu và bây giờ bà cụ già phải chăm sóc cho bé gái. Bà chỉ xin cha chúc lành cho họ. Cha đã cùng với họcầu nguyện trong trạm y tế. Một lần khác, một mục sư Tin lành đã trốn khỏi quê hương vì bị bách hại. Cha Gaston đã giúp cho mục sư này mọi sự mà cha có thể làm. Cha Gaton cho biết, hầu như những người tị nạn không xin gì về vật chất, họ chỉ xin một lời cầu nguyện và một nụ cười.
Cha Gaton cho biết công việc của một tuyên úy thật khó khăn, vì “bạn đối diện với cái chết, với đau khổ, với bạo lực. Nếu bạn đi xa nhà và vị Linh mục giới thiệu cha như là một bạn cùng tàu mà các tín hữu cũng như những người ngoại đạo có thể trút gánh nặng của họ, họ có thể nói chuyện và chia sẻ những điều mà họ không thể làm với các sĩ quan của con tàu. Thêm vào việc thực hiện công việc như các thủy thủ khác, công việc đặc biệt của cha là “ở với các giáo dân mà không được quên mình là một quân nhân, nhưng lại trao ban chính mình như một Linh mục.”
Mỗi ngày trên tàu đều có Thánh lễ, nhưng vì không có nhà nguyện, nên Thánh lễ được dâng trên boong tàu. Nếu thời tiết xấu, thì cha sẽ dâng lễ bên trong tàu. Một giây phút đặc biệt cảm động nữa đối với cha Gaton, chính là giờ kinh chiều, được dâng lên Thiên Chúa của thời tiết an lặng cũng như giông bão, mỗi chiều khi mặt trời lặn. Ngay cả những người vô thần cũng tham dự giờ kinh này khi có trận bão giông hoặc khi họ có người thân đau bệnh.
Trong những tháng lênh đênh trên biển với tàu Frigate Navarra, cha Gaton đã cử hành một nghi lễ rước lễ lần đầu, một vài thủy thủ kết hôn hay học các lớp chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm sức. Cha chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi luôn luôn nói rằng, ở trên biển, những người vô thần trở thành ngộ đạo; người ngộ đạo trở thành người Công giáo không thực hành, và người Công giáo không thực hành, ít nhất là trong một thời gian, thực hành đạo. Đó là kinh nghiệm của tôi.”
(Hồng Thủy, RadioVaticana 14.03.2017/ CNA 16/02/2017)