Tất cả người dân ở Eluru đều biết Enrico bởi tay nghề điêu luyện của Enrico, bởi việc dạy học cho rất nhiều thanh thiếu niên tại trường kỹ thuật mà từ rất lâu nay thầy là linh hồn của nó, nhưng trên hết là vì trái tim vĩ đại của người đã tìm thấy gia tài được chôn dấu tại góc khuất xa xôi của Ấn độ.
500 thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi ở ngôi trường nổi tiếng được Hội truyền giáo Pime thành lập cạnh 3 cơ sở giáo dục khác của Eluru. Tại đây các học sinh học để trở thành các thợ máy, thợ sửa xe hoặc thợ điện. 10 giáo viên, 10 nhân viên là những người có tay nghề tốt nhất trong vùng. Các trường công gửi các học sinh của họ đến trường của hội Pime để học thực hành trong khoảng 15 ngày. Các học sinh từ các làng mạc cách xa trường ba mươi cây số cũng đến học tại trường. Trường không bao giờ có đủ chỗ so với yêu cầu đăng ký học của các học sinh. Một khi nhận được bằng tốt nghiệp của trường này, các thanh thiếu niên rất được tuyển dụng, đặc biệt là các thợ máy và tài xế. Nhiều người đi làm tại Công ty Vận tải đường bộ, công ty xe buýt. Những người khác đi đến Kuwait và các nước vùng Vịnh Ba Tư.
Tại sao thầy Enrico lại trở thành một nhà thừa sai giáo dân của Hội Pime? Câu chuyện bắt đầu từ tháng 12 năm 1974, khi Enrico rời quê nhà Cinisello Balsamo thuộc tỉnh Milano nước Ý và đến Eluru. Enrico làm các vật dụng cho công ty Pompe Gabbioneta, chuyên sản xuất các máy bơm ly tâm. Enrico cũng tham gia vào các nhóm truyền giáo, nhưng một ngày kia anh hiểu là sự tham gia như vậy quá ít và chưa đủ. Enrico chia sẻ: “Ơn gọi của tôi đến với tôi giống như với ngôn sứ Giêrêmia “Ngài đã quyến rũ con”. Tôi đã thưa với Chúa: “Chúa đã gọi con, nhưng con không chắc chắn.” Tôi đã hiểu rằng tôi phải mang niềm vui nhận biết Chúa đến cho tất cả mọi người. Từ hơn 40 năm nay, Enrico đã làm điều này theo cách thức thật đơn giản của một thừa sai giáo dân: dành thời gian cho các thanh thiếu niên và lao động thủ công trong công xưởng.
Thầy Enricô kể: “Khi tôi gia nhập Hội Pime tại nhà của Busto Arsizio, có cha Severino Crimella. Tôi nhìn cha và nghĩ rằng tôi cũng sẽ đi Brazil. Nhưng Đức cha Pirovano đã sai tôi đi Eluru: trường dạy nghề đã được thành lập, nhưng thầy Carlo Bertoli đã lớn tuổi rồi, và họ đã gửi tôi đến đây để giúp thầy. Vào thời điểm đó trường chúng tôi vẫn chưa cấp bằng chính thức được tiểu bang công nhận. Cần phải có phép từ New Delhi. Năm 1981 chúng tôi đã nhận được giấy phép, nhờ sự cố gắng của thầy Francesco Sartori; hiện nay thầy vẫn còn ở đây với tôi. Thầy ấy đến đây vào năm 1966, và luôn lo về việc điều hành. Sự công nhận của chính quyền ở New Delhi một bước tiến quan trọng đối với các thanh thiếu niên.”
Thầy Enrico đã là công dân Ấn Độ từ 5 năm nay. Nhưng sứ vụ truyền giáo của thầy Enricô không được khởi đầu cách dễ dàng. Thầy kể: “Khi đến đây, tôi không hiểu gì về ngôn ngữ địa phương, tiếng telugu. Vì vậy, tôi bắt đầu làm việc vào ban ngày và sau đó vào buổi tối tôi đã học ngôn ngữ với một giáo viên. Thật mệt mỏi: phải mất nhiều năm để học nó. Nhưng khi các thiếu niên bắt đầu nghe một người nước ngoài như tôi nói thứ ngôn ngữ như họ, họ vui mừng.”
Thầy Enrico kể tiếp: “Tôi gia nhập Hội Pime năm 1968.Những người đến với tôi trong những năm đó, thậm chí còn giỏi hơn tôi, nhưng rồi họ đã rời đi … Nhưng tôi đã may mắn đủ để giữ được tinh thần của chàng trai hai mươi tuổi, và điều này chỉ nhờ lời cầu nguyện… Người ta hỏi tôi có cầu nguyện trong khi làm việc không. Không! Làm sao làm được? Cần phải quan sát các thiếu niên. Để cầu nguyện, tôi dậy sớm vào buổi sáng; và sau đó, mỗi tối, tôi có một cuộc hẹn chầu Mình Thánh. Có, tôi cầu nguyện và tôi hạnh phúc….”
Trong bốn mươi ba năm, Ấn Độ đã nhìn thấy thầy Enrico đi qua lại giữa các cánh cửa của xưởng thợ. Không chỉ Ấn Độ của những người giao dịch công việc, nhưng cũng là Ấn độ của người nghèo, những người phong cùi mà thầy đến thăm thường xuyên, các em học sinh trung học được thầy mua đồng phục cho, người khuyết tật được thầy chế tạo xe ba bánh, tất nhiên là luôn luôn miễn phí, từ phế liệu và bằngtất cả trí thông minh của mình. Thầy tâm sự: “Ấn Độ đã cho tôi niềm vui được gặp rất nhiều người đơn giản, nghèo hèn, nhưng hạnh phúc với những gì họ có. Không ai ở đây đối xử với bạn một cách kiêu ngạo: bạn được tất cả mọi người hoan nghênh. Và tình bạn vẫn còn. Tôi cũng nhìn thấy nó từ các thiếu niên đi qua công xưởng của tôi: rất nhiều em đã học được nghề nghiệp và tự lập. Nhưng các em đến gặp tôi, với lòng biết ơn và ở đây họ luôn được chào đón.” (Missione e Mondo 02/2018)
Hồng Thủy
(RadioVaticana 12.06.2018)