Cho đến lúc đó, hiền thê tôi vẫn yêu thích tự lái xe đến sở làm việc. Chỉ một sớm một chiều, Yvonne nhất định không muốn nhìn đến chiếc xe. Nàng đi về bằng xe buýt và thường cau có khó chịu vì xe đò quá đông khách. Một hôm trong lúc chuyện trò, tình cờ Yvonne thổ lộ cho tôi biết:
– Mỗi ngày đều có bạn đồng sở đưa em ra trạm buýt để em khỏi đi lộn hướng.
Chưa hết. Một buổi chiều, tôi thấy Yvonne đổ thêm dầu vào nồi cơm đang sôi. Ngạc nhiên tôi hỏi tại sao thì nàng trả lời:
– Em vẫn luôn luôn làm như thế mà!
Tôi cảm thấy ớn lạnh và lặng lẽ bỏ ra phòng khách. Một nỗi âu lo to lớn xâm chiếm tâm hồn. Tôi muốn tìm nguyên do. Từ ít lâu nay, tôi nhận ra nơi Yvonne có thái độ và hành động khang-khác .. Nàng bỏ rơi các trò giải trí vốn ưa thích như đan áo và tìm các chữ viết ngang dọc. Từ từ, cử chỉ khác lạ bắt đầu mang ý nghĩa. Tôi bỗng rùng mình nghĩ đến chứng bệnh Alzheimer. Quả đúng như thế. Người phụ nữ tôi yêu, chung sống từ 40 năm qua, có bộ óc đang chết dần chết mòn. Nàng mới mừng sinh nhật thứ 57.
Một buổi sáng, lúc dùng điểm tâm, tôi đề nghị đưa nàng đi khám bác sĩ. Nàng bật khóc nức nở và nói trong nghẹn ngào:
– Hẳn anh muốn đẩy em khỏi nhà, đưa vào sống một nơi khác!
Nàng lầm to. Ngày lấy nhau tôi trang trọng thề hứa:
– Anh là John Anderson nhận em Yvonne làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em, mọi ngày suốt đời anh.
Không hề có giây phút nào nẩy sinh trong đầu óc tôi ý tưởng đưa nàng sống xa tôi. Tôi đoan chắc với nàng như thế. Xong, tôi thì thầm vào tai nàng lời tràn đầy yêu thương như thói quen vẫn làm:
– Anh yêu em! Anh sẽ mãi mãi yêu em cho đến tận cùng thời gian!
Điều tôi lo sợ đã xảy ra. Hai năm liền sau đó, các khám bệnh và thử nghiệm đưa tới kết luận:
– Yvonne mắc chứng Alzheimer.
Tôi kinh hoàng đối diện với thực tế phũ phàng. Sức khoẻ tâm thần của vợ tôi mỗi ngày một sút giảm trầm trọng. Đôi khi nàng trở thành như một đứa con nít. Nhưng tình yêu giữa chúng tôi không mảy may thay đổi. Buổi chiều khi tôi đi làm về, Yvonne ra cửa đón tôi bằng câu nói reo vui:
– Anh về rồi!
6 năm bệnh hoạn của vợ cũng là thời gian vô cùng thử thách đối với tôi. Chứng bệnh cướp mất vợ hiền dấu ái và bạn thân quí nhất đời tôi. Khi chấp thuận lấy nhau, chúng tôi chẳng những trở thành vợ chồng, nhưng còn trở nên bạn hữu, người yêu, kẻ đồng liêu trong tất cả những gì hai người cùng làm.
Ngày 12-1-1999, ba tháng trước khi mừng sinh nhật thứ 63, Yvonne đi liểng xiểng và ngã ập xuống đất. Cú ngã quá nặng. Nàng tắt thở ba ngày sau đó.
Buổi tối tháng Giêng năm ấy, tôi thắp một cây nến và đặt nơi nàng có thói quen vẫn ngồi trong thời gian cuối cùng. Ngọn nến chiếu sáng suốt đêm và tôi cũng ngồi yên đó, nước mắt không ngừng chảy ra.
Giờ đây vợ tôi yên nghỉ trong an bình. Nhưng nàng vẫn sống động trong tâm trí tôi và mãi mãi bao lâu tôi còn có thể nói với nàng rằng:
– Anh yêu em! Anh sẽ yêu em cho đến tận cùng thời gian!
… ”Có 3 điều tôi hết lòng ao ước. Cả 3 đều đẹp lòng THIÊN CHÚA và người ta: anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết và vợ chồng ý hợp tâm đầu .. Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may dành cho những người kính sợ THIÊN CHÚA. Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui, lúc nào nét mặt cũng tươi cười .. Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc, vợ khôn khéo thì chồng được nở mày nở mặt. Phụ nữ ít nói là quà THIÊN CHÚA ban, không chi sánh bằng người có giáo dục. Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời; không chi quý giá bằng người tiết hạnh”(Sách Huấn Ca 25,1+26,1-4/13-15).
(Reader’s Digest Sélection, Avril/2001, trang 109-113)
Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt