Tiến trình mở án phong thánh cho Cha được khởi sự vào năm 2007 và ngày 18-10-2010, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, đã ký giấp chấp thuận. Nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày Cha Georges Guérin qua đời, xin gợi lại hình ảnh vị Linh Mục khả kính với 45 năm cuộc đời gắn liền với Thanh-Niên Lao-Động Công-Giáo tức là phong trào Thanh-Lao-Công.
Cha Georges Guérin chào đời ngày 24-10-1891 tại Écrouves miền Đông Bắc nước Pháp. Thân phụ làm nghề guốc da đã phải bỏ rời miền Lorraine đem cả gia đình đến lập nghiệp tại vùng thủ đô Paris. Georges bắt đầu làm việc như một người thợ vào năm 14 tuổi trong cùng một xưởng với thân phụ.
Trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự tại Verdun, anh Georges nghĩ đến chuyện trở thành linh mục. Nhưng rồi đệ nhất thế chiến 1914-1918 bùng nổ khiến anh phải lên đường nhập ngũ. Anh bị trọng thương nhiều lần và được tưởng thưởng vì tinh thần chiến đấu anh dũng. Anh chỉ được giải ngũ vào năm 1919 và gia nhập đại chủng viện dành cho các ơn gọi muộn. Thầy Georges Guérin thụ phong Linh Mục năm 1925 lúc đã 34 tuổi. Cùng thời gian này, tại vương quốc Bỉ, Cha Joseph-Léon Cardjin (1882-1967) – xuất thân từ giới thợ thuyền – cùng với hai giáo dân trẻ là Paul Garcet (1901-1945) và Fernand Tonnet (1894-1945) khởi xướng phong trào Thanh-Lao-Công.
Được chỉ định làm Cha Phó tại giáo xứ Clichy ở thủ đô Paris, Cha Georges Guérin xác tín rằng giới trẻ lao động – xa lìa Giáo Hội – cần đến một công tác tông đồ đặc thù. Cha liền khuyên họ nên suy tư, tự đào luyện và ra tay hành động. Cha cũng khích lệ họ sinh hoạt trong các nghiệp đoàn và tham gia các nhóm học hỏi về giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Cha khám phá ra cuốn ”Cẩm Nang Thanh-Lao-Công” và tạp chí ”Giới Trẻ Lao Động” nên liên lạc ngay với Cha Joseph Cardjin, vị Linh Mục người Bỉ có cùng ưu tư mục vụ cạnh giới trẻ lao động.
Ngày 1-10-1927, cùng với Georges Quiclet (1899-1981), một kế toán viên, Cha Georges Guérin tổ chức buổi họp đầu tiên của Thanh-Lao-Công Pháp tại Clichy. Năm sau, 1928, Thanh-Lao-Công nữ thành hình và dưới sự hoạt động hăng say của cô Jeanne Aubert (1906-1988), nữ ca nghệ sĩ nổi tiếng. Từ đó hai ngành nam nữ Thanh-Lao-Công lan rộng trên toàn nước Pháp và trở thành một phong trào đại chúng.
Thanh-Lao-Công vừa là hội đoàn của giới trẻ lao động vừa là phong trào của Giáo Hội đã nhanh chóng trở thành ”Trường Sự Sống” tái trao ban phẩm giá và niềm hãnh diện cho các thành viên. Phong Trào đề nghị cho các Thanh-Lao-Công kiểm điểm đời sống theo phương pháp “nhìn, phán đoán và hành động” cũng như chất vấn về ý nghĩa cuộc đời mình dưới ánh sáng của Phúc Âm, đồng thời dấn thân và hành động để thay đổi xã hội. Cha Georges Guérin được chỉ định làm Linh Mục Tổng Tuyên Úy của phong trào. Cha xác tín rằng:
– Qua Thanh-Lao-Công, Giáo Hội trở thành bản xứ nơi giới thợ thuyền.
Trong thời đệ nhị thế chiến 1939-1945 phong trào Thanh-Lao-Công gặp rất nhiều khó khăn vì nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng. Nhưng các thành viên vẫn kiên trì âm thầm hoạt động. Ngày 3-8-1943 bọn mật vụ đức quốc xã (Gestapo) đóng cửa văn phòng tổng thư ký Thanh-Lao-Công và bắt giam Cha Tổng Tuyên Úy. Cha Georges Guérin bị tù trong vòng 142 ngày và chỉ được thả ra nhờ sự can thiệp của Đức Hồng Y Emmanuel Célestin Suhard (1874-1949). Nhiều Thanh-Lao-Công Pháp chọn con đường hầm trú và kháng chiến. Nhiều người khác tình nguyện phục vụ lao động bắt buộc để nâng đỡ tinh thần của đồng bạn. Một số Thanh-Lao-Công bị phát lưu vì đã hành động lén lút trong các trại lao động khổ sai. Trong các Thanh-Lao-Công này nổi bật gương mặt anh Marcel Callo (1921-1945), chết rũ tù tại Mauthausen bên nước Áo và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 4-10-1987.
Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, xã hội Pháp thay đổi, phong trào Thanh-Lao-Công có ít thành viên hơn. Nhưng Cha Georges Guérin không nao núng chán nản. Cha tiếp tục hăng say hoạt động và giữ chức Tổng Tuyên Úy Thanh-Lao-Công Pháp cho đến năm 1950. Sau đó thì Cha du hành nhiều nơi, giảng tĩnh tâm và viết lách. Trong thời kỳ diễn ra Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965) Cha đặc biệt theo sát các cuộc thảo luận liên quan đến tông đồ giáo dân. Từ 1958 đến 1971 Cha sống tại Lộ-Đức và thường trực nơi Trung Tâm tiếp đón và lắng nghe do phong trào Công Giáo Tiến Hành điều động.
Cha Georges Guérin tận tâm phục vụ các phong trào cho đến hơi thở cuối cùng. Cha là mẫu gương của tín hữu Công Giáo yêu thích phục vụ hơn là giữ vai trò lãnh đạo.
… ”Hãy nghe Ta, hỡi những ai biết sống đời công chính, hỡi dân hằng tâm niệm luật pháp của Ta, đừng sợ chi miệng đời nhạo báng, chớ vì lời sỉ nhục của ai mà khiếp đảm. Vì chúng sẽ như chiếc áo bị mối ăn, như tấm vải len bị rận cắn; còn đức công chính của Ta sẽ trường tồn mãi mãi và ơn cứu độ của Ta sẽ vạn đại thiên thu”(Isaia 51,7-8).
(”Église à Marseille”, Le Mensuel Du Diocèse De Marseille”, No 3, Mars 2012, trang 10-11)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt