Các tương quan ngữ âm ghi nhận trong bài viết không nhất thiết khẳng định nguồn gốc (Việt, Khme hay Hán cổ …) của các từ này. Các cách dùng tương tương tự trong bản chữ Nôm Thiên Nam Ngữ Lục (TNNL) cũng được tham khảo vì khả năng xuất hiện cùng thời kỳ hay ngay sau thời VBL. Bài viết cũng bàn về cách hiểu và dịch lời cầu nguyện Amen, thường gặp trong các kinh truyện vì cũng cho ta nhiều dữ kiện thú vị. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn (xem link). Các chữ viết tắt khác là TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/124), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo) LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK).
Chưa kể đến ngữ pháp[1], tiếng Việt thời VBL có nhiều từ dùng đặc biệt (cổ). Có lúc nghĩa của chúng còn có thể ngược lại với cách hiểu hiện nay, tóm tắt một số thí dụ tiêu biểu sau đây.
1. Tóm tắc các cách dùng tiêu biểu thời VBL mà bây giờ đã khác nghĩa
– Sinh thì từng là chết (bảo lưu trong một số kinh Công Giáo) – ảnh hưởng tôn giáo/CG
– Đích xác là không đúng, không hợp, vô lý …
– Dộng từng có nghĩa trân trọng/tích cực khi nói chuyện với Chúa Đàng Ngoài (Đông Kinh) như dộng Chúa muôn năm, làm khải dộng Chúa … Bây giờ dộng ai là đánh ai mạnh!!! (tiêu cực)
– Ngắm là suy nghĩ (còn bảo lưu trong các kinh/hoạt động Công Giáo)
– Liệt là bệnh hoạn (yếu đuối – tương ứng với liệt HV 劣), không phải là tê liệt/không cử động được. Thời VBL dùng bại mình (tê liệt thân thể).
– Con mày là con nuôi (filius adoptiuus/L – VBL các trang 131/448/577), “mày ta làm con” (~ nuôi ta làm con – Thiên Chúa Thánh Mẫu – quyển trung/Maiorica), khác với các cách dùng cùng thời VBL như con đẻ/ruột và con ghẻ –không phải như cách hiểu con mày con tao hay mẹ mày của tiếng Việt hiện đại!
– Dấu tích là vết thẹo (vết tích/VBL), thương tích hay già cả …
– Chầy kíp là sớm muộn gì, chầy < trì 遲 – “Chầy kíp phải chết” (VBL trang 384)
– Ra lòng là có ý (muốn), “ra lòng không mà dễ ngươi” (PGTN/trang 65)
– Nghỉ làm là dễ làm (không khó làm/NCT)
– Chở lửa là nhóm/mồi lửa
– Đánh lửa là tạo ra lửa bằng cách chà mạnh hai khúc cây khô nhiều lần, một cách ‘mồi lửa’ cổ truyền[2] !
– Hết thế, tận thế là tận thế (‘end of the world’)
– Khi còn sống ở thế này là khi còn sống ở thế gian này
– Đá đến, đá phải là đụng vào (“tay mình đá đến“/Phép Giảng Tám Ngày/de Rhodes, “lấy tay đá đến kẻ liệt thì liền đã” Đức Chúa Giê Su quyển chi cửu/Maiorica …)
– Đã là khỏi bệnh (đã đã là đã khỏi bệnh – hết bệnh/de Rhodes/Maiorica)
– Bợ là xin vay tiền
– Trật là một khoảng thời gian (lúc) “Trật này chẳng khỏi được” (Thiên Chúa Thánh Mẫu – quyển trung/Maiorica). Một trật là cùng một lúc (VBL trang 832), trật thời VBL hàm ý thứ tự (không gian, đẳng cấp) so với phạm trù nghĩa của 秩 trật HV (vd. một trật là một thế kỷ).
– Bui là duy (độc, chỉ – một biến âm của duy 唯 *jwi, “vì trong mình bui có mọi sự vui vẻ“/PGTN trang 43/58/152… VBL không có ghi từ này !)
– Nhưng le, song le, nhưng mà đều cùng một nghĩa (VBL trang 558)
– Có cùng là có hạn (có giới hạn, phản nghĩa với vô cùng無窮). Chẳng cùng là không hết (không dứt) như “làm vậy thì hỏi chẳng cùng” (PGTN/trang 29)
– Dồ là khoảng chừng, độ chừng (độ 度 ~ đo > dồ) : “ba mươi tuổi dồ” (PGTN/trang 73)
– Cầm đầu là sờ đầu (Đức Chúa Giê Su quyển chi cửu/Maiorica )
– Cầm thực là ăn cơm (dùng cho các bậc vua chúa …)
– Trẩy là ra đi: trẩy đã khỏi là đã đi khỏi.
– Bơm từng là tóc rối bù – vết tích trong cách dùng bờm xờm … Bơm là từ mới nhập (pompe/P.) – ảnh hưởng văn hóa/kỹ thuật – thời VBL gọi là cái thuột (thụt, thột)
– Nhà xe từng chỉ nhà gỗ che mộ
– Dái là sợ (“ăn phải dái chết chăng?”/PGTN). Kính dái hàm ý nể sợ. “Quen dái dạ, lạ dái áo” (Béhaine/Taberd)
– He là lớn tiếng giận dữ: đè he đè hét (vết tích trong các từ láy ho he – hó hé …)
– Chốc là chính vậy, khẳng định lại điều đã nói (thường dùng ở cuối câu nói, “phải chốc”/VBL)
– Ghe/ghê là nhiều
– Tối mặt từng là mù (mù chỉ dùng cho các hiện tượng thiên nhiên như tối tăm mù mịt/VBL)
– Bàn độc là bàn thờ (bàn đọc/khấn nguyện – NCT)
– Áo nhặm (áo dặm – VBL trang 157) là áo thô/dơ sinh ngứa mình: “vá áo nhặm cho người mặc” (Các Thánh Truyện/Maiorica)
– Ác nghiệp là chơi bời xấu xa (động từ) – ảnh hưởng tôn giáo/PG
– Nhân danh (Cha, In nomine patris/La Tinh) bây giờ đã mở rộng nghĩa như nhân danh ban tổ chức, công ty …
– Thêm hình cho cha mẹ là thêm nỗi (khốn) khổ (hình phạt) cho cha mẹ (PGTN trang 123), “chịu hình đời đời” (PGTN trang 128) …v.v…
– Thiết tha là nhiều (rất, cực, thậm …), đau đớn
– Nồng nàn là xấc xược (tiêu cực)
– Thấp thoảng/thấp thoáng là sơ sài (qua loa)
– Thỉnh thoảng là vô ý
– Thảm thiết là yêu mến (nhiều), non dạ là buồn nôn (so với thắm thiết, nôn dạ …). Buồn nôn trong VBL ghi là lộn dạ (trang 423)
– Thợ máy là thợ sắt/rèn
– Râu xanh là râu đen, tóc xanh là tóc đen
– Lộc là lá non: “cây cối thay lộc thì rằng mùa hè đã gần” Đức Chúa Giê Su, quyển chi thập (Maiorica)
– Đã no mặt là mọi người đã có mặt đầy đủ. Tháng no là tháng đủ 30 ngày (VBL trang 562), “Đến khi đã no tháng no ngày” (Thiên Chúa Thánh Mẫu – quyển thượng/Maiorica trang 27)
– Dức là la lối (strepitus/L) “Của này ai muốn lấy thì lấy, chớ dức lác làm chi” Các Thánh Truyện/Maiorica
– Bền lòng là ngoan cố (quỉ quái, tiêu cực)
– Nết là thói quen (có thể xấu hay tốt, không phải như nghĩa của “Cái nết đánh chết cái đẹp”)
– Đánh tội là đền tội bằng roi vọt[3] (VLB trang 823) “mặc áo cũ rách rưới, ăn chay, đánh tội, hãm mình liên” (Các Thánh Truyện/Maiorica trang 112). Có lúc lại dùng cụm từ đánh mình … để đền tội (cho ta thấy rõ nghĩa hơn) như trong Thiên Chúa Thánh Mâu quyển trung/Maiorica (trang 50).
– Nghỉ là người ấy/hắn/nó
– Phen (lê) là cạnh tranh cho tốt hơn, so bì
– Sốt là phụ từ nhấn mạnh lại ý phủ định : “Chưa có sốt”, “Chẳng ăn đí gì sốt” (VBL trang 696), “Chẳng thấy mặt người ta thế gian sốt” (Mùa Ăn Chay Cả – quyển chi nhị/Maiorica)… So với cách dùng mà chớ (xem phần dưới), một trong nhiều cách khẳng định ý đã nêu ra trong câu nói. Văn nói/khẩu ngữ thường dùng nhiều từ để lặp lại ý vì không dùng chữ viết (luôn kiểm chứng lại được), một phương pháp để quản lý thông tin chính xác hơn!
– Khoi nước là rạch hay lạch nước
– Năng nắn là siêng năng, cần mẫn
– Giờ là hai giờ đồng hồ bây giờ (“Mà lại nhật thực ấy một giờ rưỡi làm tối mặt trời”/PGTN)
– Kẻ chợ là kinh/thủ đô (danh từ chung và riêng: “thành Giê-Ru-Sa-Lem là kẻ chợ nước Giudêa”, “thành Ca-Pha-Na-Ung là kẻ chợ xứ Ga-Li-Lê”/Thiên Chúa Thánh Mẫu – Mayorica)…
– Kín nước là múc (lấy ra) nước
– Mực tàu là dụng cụ/dây/tàu vạch đường thẳng, so với cách hiểu bây giờ là mực (viết) của người Tàu …v.v…
2. Cách dùng chữ “chớ” thời VBL
2.1 Chớ có ba nét nghĩa chính (VBL trang/cột/tờ 110-111)(a) phó từ dùng để ngăn cấm làm chuyện gì (b) không (phủ định) (c) phó từ dùng trong một câu để xác định lại, tương phản với các cách dùng phủ định của (a)/(b). Phạm trù nghĩa ngăn cấm rất thích hợp với cách dùng ngôn ngữ của Kinh Thánh, như mười điều răn: “Giới thứ năm: Chớ giết” (PGTN trang 297). Các nét nghĩa trên đều phù hợp với cách dùng chớ trong Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập (BV) của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585):
Dẫu có tài hơn chớ cậy tài (Khuyên Đời/BV)
…
Chớ có hại nhân mà ích kỷ,
Giấu người, khôn giấu được linh thần (Có phúc có phần/BV)
Tuy nhiên, cách dùng chớ trong câu thơ sau trong BV rất đáng chú ý
Chớ chớ thờ ơ nhìn mới biết,
Ðỏ thì son đỏ mực thì đen (Nhân tình thế thái) …v.v…
Nét nghĩa (c) hiện diện trong PGTN trang 227 cùng với nét nghĩa (a) “Áo trong này ta chớ xé ra làm chi, ta bỏ thăm xem ai được chớ“, tương ứng với dạng chứ sau này. Các tài liệu VBL, PGTN, BBC, Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) đều ghi dạng chớ và không ghi dạng chứ. Chớ (và chứ) có một dạng chữ Nôm là chữ 渚 HV, tương ứng với âm chứ (thượng thanh ~ thanh sắc tiếng Việt). Chữ chử (thanh mẫu chương 章 vận mẫu ngư 魚 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
章與切 chương dữ thiết (TVGT, ĐV, QV)
之與切,音煮 chi dữ thiết, âm chử (NT, TTTH)
之暑反 chi thử phản (LKTG)
專與切 chuyên dữ thiết (TV, LT)
煑音 chử âm (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)
TNAV ghi vận bộ 魚模 ngư mô (thượng thanh)
CV ghi cùng vần/bình thanh 諸 䃴 蠩 豬 櫫 渚 朱 珠 株 邾 誅 列 禂 蛛 跦 袾 祩 咮 侏 (chư trư chư/chử châu chu tru trù)
CV ghi cùng vần/thượng thanh 主 麈 炷 枓 斗 䰞 褚 紵 陼 渚 柱 拄 ? (chủ chú *đấu/đầu trữ trú/trụ)
專於切 chuyên ư thiết (CV) – bình thanh
腫庾切 thũng dữu thiết (CV) – thượng thanh – thời CV, thũng (zhǒng BK) đọc với phụ âm đầu là zh- cũng gần như phụ âm đầu của chử
腫庾切, 音主 thùng dữu thiết, âm chủ (TVi)
專於切, 音諸 truyền ư thiết, âm chư (TVi)
之雨切, 音主 chi vũ thiết, âm chủ (CTT)
音諸 âm chư (CTT) …v.v… Giọng BK bây giờ là zhǔ so với giọng Quảng Đông zyu2 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] du3 [客英字典] du3 [台湾四县腔] du3 [梅县腔] du3 [宝安腔] du3 [客语拼音字汇] zu3 潮州话:思污2(暑), tiếng Nhật sho và tiếng Hàn ce. Một dạng âm cổ phục nguyên của chử là *tɕĭo (so với tiếng Việt chớ và chứ).
VBL giải thích chớ, đừng là những phụ từ cấm đoán như “chớ đi, đừng làm” (BBC). Phụ từ mựa (ne/L cùng nghĩa đừng) ít thông dụng hơn, mặc dù đó là cách nói khá tao nhã (BBC). Thì chớ hàm ý không cần hay phủ định, khác với tình trạng đã nêu ra (interest/L). Các tổ hợp của phụ từ chớ với các từ khác có tác dụng đặc biệt trong tiếng Việt thời LM de Rhodes. Mà chớ hàm ý quả quyết như vậy (không còn có thể hơn nữa – nec amplius/L) khi đặt sau một câu nói: “có bấy nhiêu mà chớ” (VBL trang 441/442), “cũng có chủ nhà mà chớ” PGTN/trang 12 dùng cụm từ này 3 lần“mọi sự bởi thợ làm cho nên mà chớ” Kinh Những Mùa Lễ Phục Sinh/Maiorica trang 91 (157), “Song le bấy nhiêu sự phải biết kẻo lầm mà chớ” (Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh/Maiorica) …v.v… Đây là một cách dùng rất đặc biệt với hai lần phủ định/kép với hàm ý xác định[4]. Một thí dụ khác gần đây hơn là chớ lờ (Génibrel trang 134) nghĩa là quả quyết đúng: chớ (phủ định) hợp với lờ đi (không chấp nhận) hàm ý xác định là đúng.
2.2 Chớ gì là utinam (VBL trang 110) và Amen
Cũng theo nét nghĩa (c)/xác định, VBL ghi ít chớ nghĩa là chỉ có ít mà thôi (xác định lại lần nữa). Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi chớ chi 渚之 nghĩa là utinam (L) cũng như VBL chớ gì (trang 110). Tiếng La Tinh utinam có các nghĩa (a) mong ước một cách tha thiết (a fervent wish/A, nghĩa cổ không dùng nữa) (b) ước gì (if only/A). Điều đáng chú ý là khi dịch các kinh truyện CG qua tiếng Việt, LM de Rhodes thường ký âm (ngay cả LM Maiorica) các tên riêng hay những chữ (thuật ngữ) có phạm trù nghĩa đặc biệt trong CG. Đây là trường hợp của từ Amen rất thường gặp trong phần cuối của các lời/kinh cầu nguyện[5]. LM Maiorica và cộng sự viên có lúc ký âm Amen là Á Mạnh[6] 亞孟 so với A Miên 阿綿, còn chữ Hán dùng 阿們 (a môn HV, môn đọc là men theo giọng BK bây giờ). Amen là một từ rất huyền bí và đã có từ rất lâu trong các tôn giáo như Do Thái Giáo, Công Giáo và Hồi Giáo. Tiếng Hi Lạp là ἀμήν (đọc gần như là amin) cũng như tiếng Ả Rập آمين ʾāmīn. Từ tiếng Hi Lạp, Amen du nhập vào các ngôn ngữ cổ như La Tinh và sau đó là tiếng Đức, Pháp, Anh …v.v… Amen đã trở thành một chữ vạn năng (universal word) và đa số các ngôn ngữ đều dùng trực tiếp dạng này. Có người cho rằng Amen có gốc từ tiếng Do Thái אָמֵן vì đã hiện diện trong các bản Thánh Kinh cổ đại[7]. Một điểm đáng chú ý là dạng chữ Nôm Á Miên (LM Maiorica) đọc theo âm HV lại rất gần với cách đọc cổ đại Hi Lạp so với cách đọc Amen trong tiếng La Tinh! Ngoài ra, âm á 亞 thay vì a có thể là kết quả của ngữ âm La Tinh: trọng âm thường ở âm tiết thứ nhất trong trường hợp một từ có hai âm tiết như Amen chẳng hạn. Người Việt thường đọc là A Men chứ không thấy ai đọc là Á Men cả. Tiếng Anh và Pháp còn mở rộng cách dùng của chữ Amen để chỉ sự bằng lòng (chấp nhận là thật/đúng mà không cần phải là người trong CG):
Anh: To say amen to everything (to say yes to everything – chấp nhận mọi điều)
Pháp: dire amen à tout
Amen có phạm trù nghĩa khá rộng qua các cách dùng đã nói trên: (a) ước gì được như vậy àtin tưởng (muốn) như vậy (b) sự thật là như vậy (khẳng định), đồng tình với lời nói (c) danh xưng dùng bởi đức Chúa Giê Su nói về mình[8] (hàm ý trung thành và là nhân chứng chân thật – Mặc Khải 3:14). Với nét nghĩa ước gì, ta quay lại với cách dùng chớ gì đã bàn ở phần đầu mục này. Từ các bản truyện Nôm của LM Maiorica và cộng sự viên, ta có thể ghi nhận vài thí dụ điển hình như
Chớ gì tôi làm quan, cho được giết đánh kẻ có lỗi này(Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh/HTK – trang 7b)
Chớ gì hôm nay chẳng phải ngày kiêng (HTK – 7b)
Ghét tội ấy mà ước rằng: chớ gì ngày xưa tôi mất mọi sự trọng dưới thế gian (HTK – 7a)
Chớ gì khi nãy, cả và mình tôi nên như con mắt, chớ gì tôi khôn mà chẳng hẹp dạ (Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển Trung – trang 60)
Chớ gì cha rất khoan rửa linh hồn (Đức Chúa Giê Su/ĐCGS – trang 110)
Chớ gì uống sự rắn trong linh hồn (ĐCGS – trang 110)
Chớ gì kẻ còn ở thế gian biết sự Ba Ngôi (ĐCGS – trang 71) …v.v…
Chính vì phạm trù khá rộng của Amen mà ngay sau thời LM de Rhodes và Maiorica, LM Halario de Jesu[9]đã dịch nghĩa Amen thành chớ gì 渚之 (chính thủ bút của LM trong bản Nôm “Sách Các Phép” – bản chép tay bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ và chữ La Tinh). Tuy nhiên, có thể không phù hợp với đức tin của truyền thống CG và ý nghĩa thâm trầm của Amen mà cách dùng chớ gì (~Amen) trở nên không thông dụng nữa. Tiếng Việt hiện nay vẫn còn dùng chứ gì (so với chớ gì) ở sau câu nói với ý xác định (lập lại) điều đã nêu ra.
3. Các nghĩa của kín thời LM de Rhodes
3.1 Kín là không lộ ra cho thấy (reconditus/L)
Các cách dùng trong VBL là nói kín, kín đáu (kín đáo), giọi cho kín dột,dét thuyền đi cho kín (trang 382) cũng như dét thuyền kẻo nước vào (trang 170).
Kín với nét nghĩa cụ thể trên có thể liên hệ đến cẩn/khẩn bộ mịch (hàm ý quấn cho chặt/cho chắc hay không cho có kẻ hở). Chữ cẩn 緊 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu chân 眞 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
居忍切,音謹 cư nhẫn thiết, âm cẩn (NT, QV, VH, CV, TTTH, TVi)
糾忍切 củ nhẫn thiết (TVGT)
頸忍切,音胗 cảnh nhẫn thiết, âm chẩn (TV, LT) – TV ghi diệc tác chẩn 紾
TNAV ghi vận bộ 真文 chân văn (thượng thanh)
CV ghi cùng vần/thượng thanh 緊 謹 蓳 ? 卺 槿 (khẩn cẩn cận)
居影切,音謹 cự ảnh thiết, âm cẩn (CTT) …v.v… Giọng BK bây giờ là jǐn so với giọng Quảng Đông gan2 và các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] gin3 [宝安腔] gin3 [海陆丰腔] gin3 [东莞腔] gin3 [台湾四县腔] gin3 [客英字典] gin3 [梅县腔] gin3 [客语拼音字汇] gin3 [陆丰腔] gin3, giọng Mân Nam/Đài Loan kin2, tiếng Nhật và tiếng Hàn kin. So với cẩn bộ ngôn 謹, hai chữ này đã đọc giống nhau vào thời Quảng Vận (1008). Cẩn bộ ngôn có nghĩa cổ là dè chừng (thận trọng – 慎也 thận dã/TVGT), rất phù hợp với cấu trúc chữ này dựa vào bộ ngôn (lời nói) và thành phần hài thanh cận 堇 (gần). Một dạng âm cổ phục nguyên của âm cẩn là *kɨn, so với dạng kín (và ghín) còn bảo lưu trong tiếng Việt: cẩn mật 謹密 ~ kín mít (cụ thể).
3.2 Kín là múc, lấy chất lỏng ra
VBL trang 382 ghi kín nước là haurire aquam là múc (lấy/hút ra) nước – Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) cũng ghi nhận tương tự như vậy. VBL trang/cột 488 định nghĩa khá rõ về động từ múc “haurire liqorem ex maiori vase utendo alio vase minori quod in maius intromittatur” (tạm dịch/NCT lấy chất lỏng từ bình lớn dùng một bình nhỏ và làm nhiều lần/chuyển vào để được dung lượng lớn). Để ý là động từ haurire là lấy (múc) ra trong định nghĩa trên, không phải là gánh hay khiêng … Động từ La Tinh haurio (haurire …) có nghĩa là múc ra, lấy ra, uống, ăn … Haurire dùng 3 lần trong các định nghĩa của kín (VBL trang 382), múc (VBL trang 488) và hút (VBL trang 344). Thời VBL (1651), hoạt động “mang (đi)” của tiếng Việt[10] được ghi nhận qua ít nhất là 16 từ: ẳm, mang, bế, bồng, đeo, cõng, khiêng, gánh, rinh, vác, bưng, quảy, cắp, đội, đem (đam), tải (tái) so với kín (không hở, múc). Tới thời Trương Vĩnh Ký (1886) và Huỳnh Tịnh Của (Nam Bộ/1895) thì “kín nước” không có nghĩa như thời Việt Bồ La (1651) nữa, mà có nghĩa là “giữ kín, không cho lậu ra, nước không vào đặng” (ĐNQATV/1895). Nét nghĩa này cũng là nghĩa đương dùng trong tiếng Việt như kín gió, kín hơi, kín bụi …
Kín nước hiện diện trong THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN:
Nâu từ bi kín nước tưới hoa,
Ngồi thiền định thiêu hương chúc thánh.
…
Trà tiên nước kín bầu in (Quốc Âm Thi Tập)
…
Mộc thống ống xách dùng làm
Tiện khi kín nước quảy đem đi cùng (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa/Khí dung)
Đi kín nước (VBL trang 382)
Khi đã kín nước lã đã hay (PGTN trang 181)
Ấy mạch mọi sự lành cho kẻ đi kín nước mà cạn làm sao được (Thiên Chúa Thánh Mẫu/Quyển Trung – Maiorica) …v.v…
Nên ghi nhận thêm ở đây, tiếng Mường Bi (Hòa Bình) có dùng kín đác ~ múc nước, so với kénh là gánh[11]! Tiếng Tày Nùng có động từ kin nghĩa là 1) ăn2) uống3) hút4) bú so với tiếng Thái bây giờ cũng dùng động từ กิน /kin˧/ khá thông dụng với các nghĩa 1) ăn 2) uống 3) hút/nhận vào 4) dùng hết/thải ra. Tiếng Lào, Lü, Shan (ở Myanmar) … đều có dạng kin (ăn, uống – nghĩa mở rộng của hút vào).
Kín nước dùng một lần duy nhất trong Phép Giảng Tám Ngày (trang 181 – xem hình chụp bên trên). Để ý các cách dùng lấy (nước) múc và kín nước trong cùng một đoạn văn tương ứng với động từ haurio (haurire) La Tinh. Trong tiệc cưới truyền thống của dân Do Thái[12], các người giúp việc (“đầy tớ”) thường múc rượu cho quan khách đến dự uống – xem thêm chi tiết ở trang dưới. Có nhiều tranh vẽ về đám cưới nổi tiếng này như danh họa người Ý Giotto di Bondone (1266-1377) từng vẽ đám cưới ở làng Cana thuộc xứ Ga-Li-Lê. Đây là một câu truyện bằng văn xuôi đầu tiên bằng tiếng Việt qua con chữ La Tinh ở trên – tranh vẽ trang dưới trích từ trang mạng (xem link)
Tranh vẽ vào những năm 1304-1306.
Tóm lại, các cách dùng chớ/chớ gì và kín/kín nước vào thời VBL cho ta thấy tiếng Việt đã thay đổi phần nào chỉ trong vòng bốn thế kỷ. Một số cách dùng đã không còn dùng nữa (kín nước ~ múc nước, Chớ gì ~ Amen). Thơ phú bằng chữ Nôm thường theo các luật riêng (vận, đối …) và súc tích của giới hay chữ[13], khác với văn nói hay khẩu ngữ nhất là từ đại chúng. Thành ra các văn bản, xuất hiện vào thời bình minh của chữ quốc ngữ, đóng vai trò thật quan trọng vì có khả năng bổ túc cho cách đọc và hiểu chữ Nôm thêm phần chính xác.
4. Tài liệu tham khảo chính
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).
3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).
4) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
(1906) “Petit dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
5) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
6) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai Dòng Tên 1615 – 1665” NXB Hiện Tại (Sài Gòn).
7) Halario De Jesu (thế kỷ XVIII) “Sách Các Phép” bằng 3 thứ chữ Nôm, La Tinh và quốc ngữ. Sách lưu hành nội bộ (1997).
8) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) “Từ điển Mường Việt” NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).
9) Phan Khôi (1954) “Việt ngữ nghiên cứu” NXB Đà Nẵng in lại (1997).
10) Vương Lộc (2002) “Từ điển từ cổ” NXB Đà Nẵng – Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).
11) Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1974) “Từ điển Tày-Nùng-Việt” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).
12) Nguyễn Thị Tú Mai (2012) “Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỷ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica” Luận án TS Ngữ Văn – Đại Học Sư Phạm Hà Nội
13) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫ – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003).
14) Hoàng Thị Ngọ (1999) “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).
15) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
16) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) “Từ điển từ Việt cổ” NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).
17) Thiên Nam Ngữ Lục (khuyết danh, chữ Nôm) xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, có thể đọc trên mạng (xem link)
18) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).
19) Nguyễn Cung Thông (2011) “A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?” – có thể xem toàn bài trên các trang (xem link)…v.v…
(2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này (xem link)
(2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min … Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này (xem link)
(2012) “Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo – vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)” – có thể xem toàn bài trang này (xem link)
– Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) “Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)” – có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn (xem link)hay trang (xem link)
Nguyễn Cung Thông[14]
———
[1] Tính từ có thể đứng trước danh từ như xấu/tốt tiếng, cả tiếng, rất nhân ông thánh, cả lòng, hẹp dạ, dữ miệng … Quá trình biến đổi loại từ (classifier) như cái rắn/cái chim/cái gián trở thành con rắn/chim/gián cũng là vấn đề cần được tra cứu sâu xa hơn. Các cách dùng/cấu trúc này vào thời VBL không nằm trong phạm vi bài viết này.
[2]Một kỹ thuật tạo lửa cổ đại dựa vào lực ma sát: cọ hay chà (đánh) hai nhánh cây khô với nhau liên tục để tạo ra lửa. Cách dùng thổi lửa/chở lửa trong VBL còn cho ta hình dung được phần nào quá trình dùng bùi nhùi/rơm rạ khô để nhóm lửa từ giai đoạn đầu cho đến khi tạo ra ngọn lửa. Chở lửa hay thổi lửa không còn nghĩa nguyên thủy trong thời đại văn minh hiện nay!
[3] Có nhiều hình thức cụ thể phản ánh lòng hối hận vì đã làm sự gì trái quấy: ăn năn (ăn loại cỏ đắng/cỏ năn – thời VBL đã mở rộng nghĩa hay nói theo cách ẩn dụ metapherice dicitur/L “ăn năn tội” để chỉ sự hối hậnVBL trang 504); lấy roi tự đánh mình (self-flagellation, tục lệ này vẫn còn hiện diện trong vài tôn giáo), ăn chay, ăn kiêng, nhịn ăn hay nhịn uống …v.v…
[4] Hai lần phủ định (double negative) hàm ý xác định thích hợp với các cách nói khéo hay lịch sự (so với cộc lốc/quá ‘thẳng thắng’ dễ sinh ra ‘đụng chạm’) trong tiếng Việt. Tiếng Anh cũng có những trường hợp tương tự như not uncommon (không bất bình thường) là common (bình thường). Hai lần phủ định trong một số ngôn ngữ lại có thể là phủ định hơn nũa (tùy cách nói/văn cảnh).
[5] Tương tự như câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật trong PG, thường đọc sau khi niệm kinh Phật hay khi chào hỏi các đạo hữu: câu niệm này có gốc là tiếng Phạn và rất khó dịch ra các ngôn ngữ khác cho được xác thực và gọn. Do đó, ta vẫn giữ nguyên cách niệm này theo truyền thống, hay những dạng đơn giản hơn như Mô Phật.
[6] Á Mạnh 亞孟 Cách ký âm này đã có từ thời LM Matteo Ricci (1552-1610) truyền đạo bên Trung Hoa, cũng hiện diện trong 天主聖教日課 Thiên Chúa Thánh Giáo Nhật Khóa (in lại năm 1715 ở Quảng Châu, NXB Toàn Năng).
[7] Amen được dùng 30 lần trong Cựu Ước và 126 lần trong Tân Ước.
[8] Mặc Khải 3:14 Et Angelo Laodiciæ Ecclesiæ scribe: Hæc dicit Amen, testis fidelis, et verus, qui est Principium creaturæ Dei (L). And to the Angel of the Church of Laodicea write: Thus says the Amen, the faithful and true Witness, who is the Beginning of the creation of God (A).
[9] LM Halario de Jesu, thuộc Dòng Thánh Augustin, là Giám Quản Tông Tòa địa phận Đông Đàng Ngoài (hiện nay gồm giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh và Thái Bình) từ 1737 đến 1756 – trích từ “Sách Các Phép”.
[10] không chỉ có các ngôn ngữ vùng ĐNA rất phong phú và đa dạng trong cách diễn tả khái niệm “mang”, tiếng Tzeltal ở Mexico/Nam Mỹ (thuộc họ ngôn ngữ Maya) có 25 từ diễn tả các cách “mang” (tương tự như tiếng Việt) phản ánh tư duy về con người và môi trường thiên nhiên …
[11] Một số tác giả cho rằng kín nước là gánh (ghính) nước. Thật ra hai hoạt động múc nước ra (rồi đổ vào thùng/bình chứa) và gánh nước đi (hay mang/khiêng đi) rất khác nhau, có điều gánh nước thường xẩy ra sau khi đã múc nước vào thùng, do đó dễ xin ra sự lầm lẫn/đánh đồng như vậy. VBL giải thích động tác gánh rất rõ: dùng đòn kê trên vai để mang vật nặng chia đều ở hai đầu.
[12] Một trong những lý do thường đưa ra để ‘chống’ lại việc cấm/kiêng uống rượu hoàn toàn (teetotalism, như trong Phật Giáo, đạo Bahai …) là câu truyện biến nước thành rượu trong Thánh Kinh của Đức Chúa Giê Su.
[13] Hay chữ nghĩa (literatus/L, VBL trang 308) là người biết chữ/văn chương, hàm ý biết chữ Nho/Nôm…
[14] Nhà nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com