Hỏi: Khi một linh mục cử hành phụng vụ của một nghi lễ trong một nhà thờ hoặc cơ sở của một nghi lễ khác, Đấng Bản quyền nào được ưu tiên nhớ tới trong thánh lễ: Giám mục của nghi lễ đang cử hành, hay Giám mục, mà nhà thờ hoặc cơ sở đang cử hành ấy thuộc giáo phận của Ngài? Tương tự như vậy, tôi thuộc về một cộng đoàn tu sĩ nghi lễ Đông phương. Tuy nhiên, do các sứ vụ phúc âm của chúng tôi – ví dụ, sinh hoạt ‘Gặp gỡ giới trẻ’ và Cursillo – trong trung tâm thiêng liêng của cộng đoàn của chúng tôi, chúng tôi có khả năng thực hiện hai nghi thức trong nghi lễ Roma. Đa số người tham dự của chúng tôi thuộc về nghi lễ Roma.
Vì vậy, câu hỏi là: Khi chúng tôi cử hành Thánh Lễ trong nghi thức Roma, mà Đấng Bản quyền phải được ưu tiên nhớ đến, thì phải nhớ Đấng Bản quyền của cơ sở chúng tôi hay nhớ Đấng Bản quyền nghi lễ Roma địa phương? Cuối cùng, tôi đã thực thi sứ vụ tại một cơ sở địa phương hỗ trợ sự sống. Vị linh mục cũ đã dâng lễ nhiều năm theo nghi lễ Libăng, và vị giám đốc xã hội xin tôi tiếp tục theo nghi lễ này. Kể từ khi cha đã cử hành phụng vụ Maronite (bằng tiếng Anh, lẽ tất nhiên) cho tín hữu, tôi cũng làm như vậy. Tuy nhiên, đa số người của cộng đoàn nhỏ bé này theo nghi lễ Roma. Một lần nữa, có câu hỏi: Đấng Bản quyền nào có ưu tiên trong việc được nhớ đến, Đấng Bản quyền Maronite hay Đấng Bản quyền của giáo phận địa phương? (Cơ sở ấy không là cơ sở Công Giáo.) – JT, Methuen, Massachusetts, Mỹ.
Đáp: Đây không phải là một câu hỏi dễ, và có thể không có câu trả lời rõ ràng dứt khoát, vì hoàn cảnh thay đổi rất khác nhau.
Mục đích của việc nhắc tên của Đức Giáo Hoàng, Đấng Bản quyền địa phương, và trong một số trường hợp, Đức Thượng phụ hoặc vị Tổng Giám mục chính trong Kinh Nguyện Thánh Thể, không phải là một vấn đề danh dự, hoặc tôn trọng, nhưng là vấn đề hiệp thông. Khi Lễ quy Rôma nói, chúng ta cầu nguyện “una cum”, “cùng với”, tức là Đức Giáo Hoàng và Giám mục địa phương. Theo một cách nào đó, việc nhắc nhớ này biến một cộng đồng địa phương thành một sự diễn tả thật sự của Giáo Hội phổ quát.
Trong nghi lễ Latinh, tiêu chí nhắc nhớ đến Giám mục địa phương là dựa trên thẩm quyền lãnh thổ. Chỉ có một Giám mục, người có thẩm quyền hiện nay trên lãnh thổ, hoặc nơi cử hành Thánh Lễ, được nhắc đến tên.
Linh mục có thể tùy chọn nhắc đến tên của Giám mục phụ tá; hoặc nhắc nhớ tập thể nếu có nhiều hơn một Giám mục phụ tá. Không nhắc đến tên của các Giám mục hưu trí, hoặc các Giám mục chủ tế thánh lễ ngoài lãnh thổ của các vị.
Có một số trường hợp đặc biệt, trong đó thẩm quyền lãnh thổ không trùng hợp với ranh giới của giáo phận. Ví dụ, một Đấng Bản quyền quân sự thường thực thi thẩm quyền lãnh thổ của mình trên các căn cứ quân sự trong cả đất nước, và danh tánh của Ngài được nhắc đến, khi Thánh Lễ được cử hành trong các căn cứ hoặc tên tàu hải quân. Đấng Bản quyền Công giáo gốc Anh giáo mới được bổ nhiệm sẽ thực thi thẩm quyền của Ngài đối với các nhà thờ và các tổ chức thuộc về Hạt Đại diện, và danh tánh của Ngài được nhắc đến khi Thánh Lễ được cử hành trong các nhà thờ này.
Khi linh mục đi du lịch, các vị chỉ nhắc đến tên của Giám mục sở tại của nơi mà các vị đang dâng Thánh lễ, chứ không nhắc đến tên Đấng Bản quyền của mình, ngay cả khi các vị đang cử hành Thánh lễ cho các đoàn thể thuộc giáo phận gốc của các vị.
Đây là trường hợp của nghi lễ Latinh. Đối với các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, kiến thức của tôi không mở rộng đến các luật và tập tục đặc biệt của mỗi một Giáo hội này. Tôi tin rằng các Giáo hội ấy tuân theo cùng một luật cơ bản của thẩm quyền lãnh thổ, nhưng một số Giáo hội có thể có hình thức đặc biệt khác về thẩm quyền.
Chẳng hạn, thẩm quyền trong Giáo Hội Syro-Malabar ở Ấn Độ là cơ bản lãnh thổ, mặc dù thẩm quyền của Tổng giáo phận Kottayam là hợp tác rộng rãi với thẩm quyền lãnh thổ của Giáo Hội Syro-Malabar. Giáo phận Đông phương này chỉ phục vụ các thành viên của cộng đồng Knanaya, vốn có dấu vết nguồn gốc từ một nhóm của 72 gia đình Kitô gốc Do thái giáo đã đến Ấn Độ từ Lưỡng Hà vào năm 345. Nếu một thành viên của giáo phận này kết hôn với người ngoài cộng đồng, người đó không còn thuộc về Tổng giáo phận, và sát nhập vào giáo phận nơi mình cư trú.
Vì vậy, sự đa dạng của các Giáo Hội Đông Phương đáng kính ngăn cản một câu trả lời dứt khoát cho tất cả các trường hợp. Đồng thời, tôi tin rằng thật là an toàn để nói rằng khi cử hành Thánh lễ theo một phụng vụ Đông phương, câu hỏi về Giám mục nào được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh thể, nên được giải quyết theo luật và phong tục của Giáo Hội Đông phương, chứ không theo luật và phong tục của nghi lễ Latinh.
Với ý nghĩ như thế, tôi sẽ nói điều sau đây đối với các câu hỏi cụ thể.
Nếu Thánh Lễ được cử hành trong một nhà thờ hay tu viện, vốn thuộc về thẩm quyền lãnh thổ của một Giám mục Đông phương, thì Giám mục này được nhắc tên, cả trong các trường hợp khi Thánh lễ theo nghi lễ Latinh. Giám mục địa phương nghi lễ Latinh vẫn có thẩm quyền về việc cử hành Thánh Lễ nghi lễ Latinh tại nhà thờ, và mọi qui định Ngài ban ra, liên quan đến tập tục phụng vụ cho giáo phận Ngài, cần được tuân giữ.
Như đã đề cập ở trên, khi một linh mục Đông phương dâng thánh lễ theo nghi thức riêng của mình bên ngoài một nơi thuộc thẩm quyền lãnh thổ của Giám mục riêng của mình, việc nhắc đến tên của Giám mục sẽ được dựa trên luật và phong tục của chính nghi lễ. Nếu các luật này cho phép nhắc tên của Đấng Bản quyền địa phương Latinh, thì là điều tốt; nếu không, linh mục tuân theo truyền thống riêng của mình. Thực tế là hầu hết các người nghi lễ Latinh, khi tham dự một thánh lễ Đông phương, không xác định được vị Giám mục nào được nhắc đến tên trong Kinh nguyện Thánh Thể. (ZENIT.org 27-9-2011)