1. Việc đền tội có ý nghĩa gì?
Việc đền tội nhằm bù đắp phần nào những thiệt hại do tội lỗi gây ra. Việc đền tội cũng cho ta được dịp chung phần đau khổ với Chúa Kitô, và trở nên giống Ngài là Ðấng đã đền tội thay cho ta.
2. Ngoài việc xưng tội còn có những hình thức sám hối nào?
Ngoài việc xưng tội, Hội Thánh còn nhấn mạnh đến ba hình thức sám hối này là: ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí.
3. Ân xá là gì?
Là sự tha thứ ta nhận được từ kho tàng các công ơn của Chúa Giêsu và các thánh, do Hội Thánh ban phát, để xóa bỏ những hình phạt ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha.
4. Có mấy thứ ân xá?
Có hai thứ ân xá:
- một là ơn đại xá, tha toàn phần các hình phạt,
- hai là ơn tiểu xá, tha một phần hình phạt mà thôi.
5. Muốn hưởng ơn đại xá ta phải làm gì?
Phải làm những việc Hội Thánh dạy và quyết tâm hoán cải bằng cách dứt khoát với tội lỗi, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng.
Contents
ƠN TOÀN XÁ (ĐẠI XÁ)
Trước hết, chúng ta nên nhớ là Ơn Đại Xá và Ơn Toàn Xá chỉ là một ơn duy nhất, song được Việt Ngữ diễn tả bằng hai cách khác nhau. Ơn Đại Xá hay Ơn Toàn Xá là ơn hoàn toàn tha tất cả mọi hình phạt do tội lỗi cần phải đền, dù các tội lỗi ấy đã được Bí Tích Hòa Giải thứ tha. Bởi thế, ai thực sự hưởng trọn Ơn Toàn Xá này thì khi chết, nếu chưa kịp phạm thêm một tội nào khác, sẽ được lên Thiên Đàng ngay, không phải qua luyện tội tí nào, giống hệt như trường hợp chết ngay sau khi được rửa tội, hay trường hợp được phúc tử đạo vậy, vì cả hai trường hợp được so sánh này, trường hợp rửa tội bằng nước và bằng máu ấy, theo Giáo Lý, đề được tha chẳng những tội lỗi mà còn cả tất cả mọi hình phạt do tội lỗi đáng phải đền nữa.
Chính vì lý do Ơn Toàn Xá chỉ tha tất cả mọi hình phạt chứ không phải tha chính tội lỗi mà điều kiện tiên quyết để được lĩnh Ơn Toàn Xá này là phải sạch tội hay phải xưng tội. Điều kiện thứ hai là hiệp lễ, bởi vì nếu Ơn Toàn Xá làm cho linh hồn được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa ngay, tức được hiệp thông với Ngài liền ngay sau khi Kitô hữu qua đời, thì thật là hợp tình hợp lý cho việc con người tỏ ra hết lòng khao khát muốn được hiệp thông vời Ngài, qua việc Hiệp Lễ vậy. Và điều kiện thứ ba là cầu theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, một điều kiện liên quan đến việc hiệp thông với Giáo Hội Chúa Kitô, với Cộng Đồng Hiệp Thông Ân Phúc, một cộng đồng chất chứa kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô, của Mẹ Maria và của Các Thánh là những gì linh hồn được trọn vẹn hưởng bằng Ơn Toàn Xá vào một dịp đặc biệt nào đó, như vào các Năm Thánh, hay vào dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2006 này.
Thế nhưng, để lĩnh Ơn Toàn Xá vào mỗi dịp đặc biệt, ngoài 3 điều kiện căn bản bất khả thiếu trên đây, Kitô hữu Công Giáo chúng ta còn phải thi hành đúng qui định của Tòa Thánh cho mỗi dịp nữa, những qui định thường liên quan đến 4 yếu tố là thời điểm, thụ nhân, địa điểm và việc làm.
LÃNH ÂN XÁ: ĐẠI XÁ, TIỂU XÁ
Ðiều thuộc đức tin là: Giáo hội có quyền ban Ân xá. (D. 989,998).
Ân xá là ơn Giáo hội ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh, để tha hình phạt tạm người ta phải chịu bởi những tội đã được Chúa tha.
Ân xá có hai loại: Ðại xá (tha hết), và Tiểu xá (tha một phần).
Mọi tín hữu có thể lãnh đại xá, tiểu xá cho mình hoặc nhường lại cho người đã qua đời (Giáo Luật 994).
Muốn hưởng ân xá, tín hữu phải có những điều kiện sau:
1. Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội dạy để lãnh ân xá. Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải giục lòng ăn năn chê ghét dốc lòng chừa mọi tội trọng, tội nhẹ đã phạm (Tông huấn Ân xá số 26).
2. Phải xưng tội ít nhiều ngày trước hoặc sau ngày lãnh đại xá, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng là đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, hay một kinh nào tùy lòng đạo đức mọi người. Khi viếng nhà thờ để lãnh đại xá sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin kính.
Bà Thánh Brigitta nói: “Ai lãnh được một đại xá trước khi chết, thì sẽ được tha thứ và được rước vào Thiên đàng ngay, như khi vừa lãnh Bí tích Rửa tội mà chết vậy”.
Ngày 1.1.1967, Ðức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục đã định lại các ân xá. Mọi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ khi gần chết được lãnh thêm một đại xá nguy tử (số 24).
Tiểu xá có thể lãnh một ngày nhiều lần (số 24,3).
Sau đây xin kể những kinh, những việc có đại xá, tiểu xá:
CÁC KINH CÓ ÐẠI XÁ (theo số trong Tông huấn)
22. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất nhân lành rất cam thay sau khi Rước lễ các Thứ Sáu Mùa Chay, và Tuần Thương khó. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
26. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội vào ngày lễ kính Trái Tim Chúa để đền tạ Chúa. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
27. Ðọc kinh Lạy Ðức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng, là Ðấng đã chuộc tội loài người ta vào ngày lễ Chúa Giêsu Vua. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
48. Ðọc chung và suy ngắm 50 kinh Mân côi trong nhà thờ, hoặc nhà nguyện công, hoặc với gia đình, cộng đồng tu trì, hay hội đạo đức. Ngoài ra chỉ được tiểu xá.
59. Hát kinh “Ðây Nhiệm tích vô cùng cao quí” tối Thứ Năm Tuần Thánh và lễ Mình Thánh Chúa. Hát các lúc khác chỉ được tiểu xá.
60. Hát kinh Tạ Ơn Chúa (Te Deum) chiều ngày cuối năm. Hát lúc khác chỉ được tiểu xá.
61. Hát kinh Ðức Chúa Thánh Thần (Veni Creator) ngày đầu năm mới và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các lúc khác chỉ được tiểu xá.
CÁC VIỆC CÓ ÐẠI XÁ
3. Viếng Chúa, chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.
11. Viếng một trong bốn đại Thánh đường Rôma vào lễ Bổn mạng đại thánh đường ấy, hoặc tùy chọn một lần trong năm.
12. Lãnh phép lành Ðức Giáo Hoàng ban cho Rôma và thế giới (dù qua radio, TV).
13. Viếng nghĩa địa cầu hồn trong vòng 8 (tám) ngày đầu tháng 11. Viếng các ngày khác chỉ được tiểu xá.
17. Thờ lạy và hôn kính Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần thánh theo nghi lễ Giáo hội.
23. Dự nghi lễ bế mạc Ðại Hội Thánh Thể.
25. Cấm phòng ba ngày trọn.
28. Giờ nguy tử, dù không thể có Linh mục tới ban các Bí tích cuối cùng và phép lành Tòa Thánh, Giáo hội cũng ban đại xá cho những ai trong đời sống đã có thói quen đọc kinh cầu nguyện (trường hợp này thói quen đó thay ba điều kiện xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Ðức Giáo Hoàng). Người nguy tử hôn kính tượng Thánh giá, giục lòng ăn năn tội để lãnh đại xá.
35. Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo Ðức Giáo Hoàng hay Ðức Giám Mục đã làm phép (để tôn kính, lần hạt…) vào ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô Phaolô, và đọc bản tuyên xưng Ðức Tin (kinh Tin kính). Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo do Linh mục làm phép chỉ được tiểu xá.
41. Nghe vài bài giảng trong kỳ có Linh mục tới giảng đại phúc, cấm phòng và dự nghi lễ trọng thể bế mạc. Nghe các bài giảng lúc khác chỉ được tiểu xá.
42. Người Rước lễ lần đầu và những người dự Thánh lễ ấy.
43. Linh mục dâng lễ đầu tay trọng thể và những người dự lễ ấy.
49. Linh mục tuyên hứa lại trung thành với Ơn gọi tu trì và những ai dự lễ trọng kỷ niệm 25, 50, 60 năm thụ phong Linh mục.
50. Cung kính đọc Kinh Thánh đủ nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.
63. Viếng và suy gẫm đủ 14 đàng Thánh giá. Ði từng nơi, nếu ít người.
65. Viếng nhà thờ giáo xứ ngày lễ Bổn mạng nhà thờ ấy, hoặc ngày 02 tháng 8 (ngày đặc ân Portiuncula của nhà thờ Thánh Phanxicô tại nước Ý).
66. Viếng nhà thờ, hoặc bàn thờ ngày được làm phép hiến thánh.
67. Viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện công hay bán công vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ các Thánh để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.
68. Viếng nhà thờ, nhà nguyện dòng ngày kính Vị Thánh Sáng lập.
69. Dự một nghi lễ tại nhà thờ trong thời gian Ðức Giám Mục hay Ðại diện thăm mục vụ Giáo xứ. Nếu chỉ viếng nhà thờ trong thời gian đó thì được tiểu xá.
70. Tuyên lại lời hứa khi lãnh Bí tich Rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh, hoặc vào ngày kỷ niệm được Rửa tội theo quãng Giáo hội quen dùng (từ bỏ ma quỉ, tin kính Thiên Chúa). Tuyên lại lúc khác chỉ được tiểu xá.
CÁC KINH CÓ TIỂU XÁ
2. Kinh Tin, Cậy, Mến, và ăn năn tội.
6. Kinh Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng Người.
9. Kinh Ðức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin, hoặc Lạy Nữ vương Thiên đàng.
10. Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô.
16. Kinh Tin kính các Thánh Tông đồ (Tôi tin kính ÐCT là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất).
19. Kinh Vực sâu.
29. Kinh Cầu Tên Ðức Chúa Giêsu, kinh Cầu Trái tim Chúa, Máu Thánh Châu Báu Chúa, kinh Cầu Ðức Bà, kinh Cầu ông Thánh Giuse, kinh Cầu Các Thánh.
30. Kinh Ngợi khen (Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa).
32. Kinh Hãy nhớ (Lạy Thánh Nữ Ðồng trinh Maria là Mẹ rất nhân từ).
33. Thánh vịnh Thống hối 50.
37. Kinh cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ (được giáo quyền chuẩn nhận).
38. Dùng ít phút cầu nguyện thầm trong trí.
39. Lời nguyện cho Ðức Giáo Hoàng (Ta hãy cầu xin cho Ðức Giáo Hoàng…).
44. Cầu nguyện cho Giáo hội hợp nhất (theo bản kinh được chấp nhận).
46. Lời cầu nghỉ yên (Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy).
51. Kinh Lạy Nữ vương (Lạy Nữ vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống).
54. Tôn kính Thánh theo ngày chỉ trong lịch Công Giáo (đọc lời nguyện theo sách lễ, hoặc đọc kinh kính vị Thánh ấy).
57. Kinh Trông cậy (Chúng con trông cậy rất Thánh Ðức Mẹ Chúa Trời).
CÁC VIỆC CÓ TIỂU XÁ
1. Tiểu xá ban chung cho tín hữu nào trong khi làm việc bổn phận và chịu gian nan ở đời, hướng tâm trí lên cùng Chúa, khiêm nhường trông cậy thầm đọc một lời cầu xin (để giữ và gia tăng sự kết hợp với Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:
Matthêu 7,7-8 “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở”.
Matthêu 26,40 “Tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”,
1 Corinhtô 10,31 “Dù anh chị em ăn uống hay làm việc gì, nhớ làm bởi vinh Danh Chúa”.
Công đồng Vaticanô 2, Hiến chế Giáo hội số 41, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 4 cũng khuyên những lời tương tự.
2. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần đức tin và tình thương, hy sinh sức khỏe, hoặc của cải giúp anh chị em túng cực (của ăn, áo mặc, an ủi), bởi Chúa đã phán:
Matthêu 25,35-36 “Khi Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn… Khi Ta yếu ngươi đã thăm viếng”.
1 Gioan 3,17-18 “Ai có của, khi thấy anh chị em mình túng cực mà khóa lòng lại, hỏi kẻ ấy có thật lòng yêu mến Chúa chăngì”
Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 8, số 31, Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay số 93 cũng khuyên những lời tương tự.
3. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần thống hối, tự nguyện từ bỏ những cái được phép, những cái thỏa lòng mình (để cầm hãm dục vọng, bắt xác thịt sống nghèo và khổ sở như Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:
Luca 9,23 “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo Ta”.
Thư Roma 8,13 “Nếu bởi tinh thần, anh chị em giết chết việc xác thịt, anh chị em sẽ được sống”.
Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Huấn luyện Linh mục số 9, Hiến chế Giáo hội số 10, số 41 cũng có những lời khuyên tương tự.
15. Rước lễ thiêng liêng (Lạy Ðức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con…)
20. Dạy giáo lý, hoặc học giáo lý Công Giáo.
34. Tham dự làm Tuần Chín tại nhà thờ trước lễ Sinh nhật Chúa, lễ Hiện Xuống, lễ Mẹ Vô Nhiễm.
45. Dự Cấm phòng tháng.
55. Làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và con và Thánh Thần Amen.