Hỏi: Xin cha cho biết lập trường hiện nay về việc các người không đi lễ ngày Chúa Nhật tại giáo xứ riêng của họ. Tôi biết hàng trăm người trong tình huống này, nhưng luôn khuyên họ rằng, bất chấp các nỗi kinh hoàng mà đôi khi họ chứng kiến trong giáo xứ của họ, họ vẫn nên đi lễ tại giáo xứ của mình. – J. F., Manchester, Anh.
Đáp: Đề tài này được giải quyết trong các Điều 1247-1248 của Bộ Giáo Luật:
“Điều 1247: Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác.
“Điều 1248 §1. Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công Giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ. (Bản dịch Việt ngữ của các linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Vì vậy, không giống như qui định của Bộ Giáo luật cũ, các tín hữu không còn bị buộc theo luật để tham dự Thánh lễ tại giáo xứ của họ vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc nữa.
Nhưng điều này không có nghĩa là họ có thể thờ ơ với đời sống của giáo xứ địa phương của họ. Trong khi nói về các quyền và nghĩa vụ của các tín hữu, Giáo luật nói:
“Điều 209 §1. Các tín hữu buộc phải luôn luôn duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội, kể cả trong đường lối hành động.
“§2. Họ phải chuyên cần chu toàn mọi trách vụ đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như đối với Giáo Hội địa phương mà họ trực thuộc chiếu theo luật.
“Ðiều 210: Tất cả các tín hữu, tùy theo điều kiện riêng mình, phải cố gắng hết sức sống đời thánh thiện, và lo cho Giáo Hội được phát triển và được thánh hóa liên lỉ” (Bản dịch, như trên).
Trong khi một bài giải thích chi tiết về các điều trên là vượt ra ngoài phạm vi của bài trả lời này, các điều luật hàm ý rằng người Công Giáo nên cố gắng càng nhiều càng tốt, để sống hiệp thông trọn vẹn với giáo xứ địa phương và hỗ trợ các mục tử của họ.
Một số người Công Giáo không thuộc về giáo xứ tòng thổ, nhưng về cái gọi là giáo xứ tòng nhân, mà thẩm quyền không quá ràng buộc với nơi họ sống, nhưng với các yếu tố khác như ngôn ngữ, quốc tịch, nghề nghiệp, hay lễ điển riêng biệt. Trong các trường hợp này, họ cần hỗ trợ giáo xứ ấy.
Mặt khác, các tín hữu có quyền tương ứng để lãnh nhận từ các vị mục tử việc phụng vụ Công Giáo và giáo lý đích thực, và phát triển đời sống thiêng liêng của họ. Về việc này, Bộ Giáo luật nói:
“Ðiều 213: Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các Chủ chăn sự hỗ trợ nhờ các của cải thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là Lời Chúa và các Bí tích.
“Ðiều 214: Các tín hữu có quyền phụng thờ Thiên Chúa theo các qui định của lễ điển riêng đã được các Chủ chăn hợp pháp của Giáo Hội chuẩn y, và quyền theo đuổi một hình thái của đời sống thiêng liêng, miễn sao phù hợp với đạo lý của Giáo Hội” (Bản dịch, như trên).
Vì vậy, người Công Giáo nên thường ủng hộ và tham dự Thánh Lễ tại giáo xứ của mình. Đây là cách tốt nhất để tạo thành một cộng đồng Kitô giáo đích thực, vì bác ái đối với tha nhân là một hoa quả của phép Thánh Thể và cầu nguyện.
Độc giả trên của chúng ta cũng đề nghị rằng người Công Giáo nên tham dự Thánh lễ tại giáo xứ của họ, bất chấp sự thực hành và giáo lý có sai sót.
Chắc chắn vậy, người ta có thể làm quá ít để khắc phục các hạn chế có thể, khi đứng bên ngoài giáo xứ và phàn nàn. Qua nhiều lần, các lỗi này tiếp tục diễn ra nhiều hơn do thói quen hơn là do đức tin yếu, nên sự thay đổi chỉ có thể được mang lại bởi sự thuyết phục nhẹ nhàng mà thôi.
Một lần nữa, Giáo luật tuyên bố rằng các tín hữu “có quyền, và đôi khi kể cả bổn phận, bày tỏ cho các Chủ chăn có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Giáo Hội” (xem Điều 212.3).
Nếu không có gì thay đổi bất chấp các nỗ lực bác ái, thì phần tiếp theo của lời khuyên ở lại với giáo xứ sẽ tùy thuộc trước hết vào tính trầm trọng khách quan của các sự thiếu sót ấy.
Nếu các sự thiếu sót khách quan tạo thành một mối nguy hiểm cho đức tin của Kitô hữu, hoặc cho đức tin của con cái họ, hoặc gây ra sự nhiễu loạn tâm linh nghiêm trọng, thì người đó sẽ được biện minh tốt hơn cho việc tham dự phụng tự ở nơi khác.
Các yếu tố chủ quan, như sở thích cá nhân và sự nhạy cảm tôn giáo, có trọng lượng kém hơn, và đôi khi cần phải được hy sinh vì lợi ích của cộng đoàn. Tuy nhiên, một số người có thể cần một bầu khí tôn giáo khác với bầu khí tại giáo xứ của họ, để làm việc phụng tự.
Tuy nhiên, nếu họ quyết định tham dự Thánh Lễ ở nơi khác vì các lý do thực tế hay tâm linh tốt, thì họ vẫn phải cố gắng tham gia vào đời sống của giáo xứ càng nhiều càng tốt, bằng cách chia sẻ trong các hoạt động khác, do cộng đoàn tổ chức.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 16-1-2007)