THÔNG ĐIỆP VỀ SỰ
TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PIÔ XII
Gửi các Tổng Giám Mục, các Giám Mục và các Giám chức khác vẫn an hòa và thông công với Tòa Thánh.
Các hiền đệ khả kính, Ta gửi lời kính chào và ban phép lành Tòa Thánh
NHẬP ĐỀ : VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA.
Các người sẽ vui mừng múc nước ở nguồn mạch Chúa Cứu Thế.
Những lời này của tiên tri Isaia, dưới một hình ảnh ý nghĩa Vị Tiên Tri đã báo trước các ơn thiêng nhiều thứ và rất hậu, mà thời đại Kitô giáo sẽ mang lại: những lời ấy đã hiện đến trong trí Ta, khi Ta nghĩ đến năm thứ 100 sắp qua, tính từ ngày Đức Tiên Giáo Hoàng Piô IX thể theo ý nguyện của thế giới công giáo bày tỏ cùng Người, đã truyền mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong cả Giáo Hội.
Thật không sao kể xiết các ơn lành đã đổ xuống trong linh hồn các giáo hữu nhờ sự tôn sùng Thánh Tâm: ơn tẩy rửa linh hồn cho sạch, ơn an ủi siêu nhiên, ơn khuyến khích thực hành mọi nhân đức. Bởi thế, nhớ lời rất khôn ngoan Thánh Tông đò Giacôbê đã nói: “Mọi ân huệ tuyệt hảo, mọi thi ân hoàn toàn đều do tự trên cao đến, từ nơi Cha cực sáng mà xuống”. Ta có đủ lý do mà coi sự tôn sùng này, lan tràn khắp thế giới với một nhiệt tình tăng tiến là một ân huệ vô giá của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, là Chúa cứu chuộc chúng ta, là Vị Trung Gian giữa Cha trên trời với nhân loại, Vị Trung Gian duy nhất chuyển giao ơn và sự thật, đã tặng cho Giáo Hội là Hiền phụ huyền nhiệm của Người, phải gánh vác bao nhiều thử thách nặng nề, phải khắc phục bao nhiêu gian khổ trong mấy thế kỷ vừa qua. Nhờ ơn châu báu đó, Giáo Hội có thể tỏ ra lòng kính mến nồng nhiệt hơn đối với Chúa sáng lập Giáo Hội và thực hành cách hoàn toàn hơn lời chính Chúa Giêsu đã khuyên dạy mà thánh Gioan chép Phúc âm đã thuật lại thế này:
Hôm cuối cùng kỳ Đại lễ là ngày trọng nhất, Chúa Giêsu đứng và hô lớn tiếng rằng: Ai khát hãy đến cùng Ta và hãy uống, nếu người ấy tin Ta. Theo lời Thánh Kinh, những sông nước sống sẽ phát xuất tự lòng nó. Chúa nói điều đó về Chúa Thánh Thần mà những kẻ tin Chúa sẽ chịu lấy. Phải, những kẻ nghe Chúa Giêsu nói, có thể liên hệ dễ dàng lời hứa ban nguồn nước sống phát xuất tự cõi lòng với những lời tiên tri Isaia, Êdêkien, Giacaria nói về Nước Chúa Cứu Thế trị, hoặc liên tưởng đến Tảng Đá tượng trưng kia đã vọt tung nước ra cách lạ lùng khi ông Maisen đập nó.
Đức Mến yêu phát nguyên trước hết bởi Chúa Thánh Thần; vì trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Yêu, Yêu này đứng thành một Ngôi, và là yêu của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con yêu nhau. Bởi thế, vị Tông đồ các dân đã nói rất phải, dường như lắp lại lời Chúa Giêsu vậy, khi Ngài quy về cho Thần Yêu này, công việc đổ yêu mến vào lòng các tín hữu rằng:
Đã dùng Chúa Thánh Thần mà đổ yêu mến Thiên Chúa vào lòng ta, mà đã ban cả Chúa Thánh Thần cho ta nữa.
Thánh Kinh như thế xác nhận mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Chúa Thánh Thần – vì Thánh Thần tự mình là yêu, – với Đức Mến Yêu phải nung nấu linh hồn các tín hữu cho nồng nhiệt, mối quan hệ ấy thưa các hiền đệ khả kính, chỉ rõ cho chúng ta hết thảy cái tính chất thâm thiết của sự tôn thờ ta phải có đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Quả thế, việc tôn sùng này, theo dặc tính của nó, hiển nhiên là một việc tối hảo thuộc nhân đức thờ phượng bởi nó đòi ở ta một ý chí tận tình, triệt để, hiến dâng mình cho Tình Yêu Chúa Cứu Thế, mà Trái Tim đã bị thương tích của Chúa là dấu hiệu sống chỉ lòng yêu ấy. Điều ấy đã hiển nhiên, diều này cũng chắc thật nữa, lại có một ý nghĩa cao hơn, là việc tôn sùng đó trước hết giục giã ta lấy yêu trả yêu nghĩa là ta phải mến Chúa đã yêu ta.
Chính thế, chỉ yêu mến mới có sức làm cho linh hồn người ta hoàn toàn phục tùng quyền thống trị của Chúa trên, vì khi ấy tình yêu của chúng ta gắn bó khăng khít với Ý Chúa đến nỗi như đồng hóa thành một, như lời Thánh Kinh rằng: Ai hợp nhất với Chúa, sẽ thành một tinh thần với Người.
I. NÊN TẢNG VÀ HÌNH BÓNG VỀ VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM THEO CỰU ƯỚC.
A- Ít nhiều giáo hữu không hiểu tính chất đích thực của việc tôn sùng Thánh Tâm.
Giáo Hội thật vẫn hết lòng quý trọng việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, bởi vậy Giáo Hội luôn luôn cố gắng truyền bá việc tôn sùng ấy ra khắp nơi và làm hết mọi cách để thiết lập việc tôn sùng ấy trong các dân công giáo, lại hằng bênh vực việc tôn sùng này, chống lại mọi sự công kích như cho là điều bầy đặt của bọn duy nhiên hay duy cảm. Dầu vậy cũng vẫn còn phải phàn nàn rằng: trước đây và ngay chính đời ta, có nhiều giáo hữu không quý trọng việc tôn sùng này, đôi khi chính cả những người tự xưng là nhiệt thành với đạo thánh và ước ao trở nên thánh thiện cũng thế.
“Giá mình biết ơn Thiên Chúa”. Ta mượn lời Thánh Kinh đây, thưa các Hiền đệ khả kính: bởi ý định khôn lường của Chúa Quan Phòng, Ta đã được chọn để bảo vệ và phân phát kho tàng Đức Tin và Đạo đức mà Chúa Cứu Thế đã giao cho Giáo Hội. Nhận biết trách nhiệm của Ta, Ta mượn lời Thánh Kinh trên đây, để cảnh cáo hết thảy những người này: họ là con cái Ta thật nhưng dù mà khi việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã thắng các lầm lạc và thờ ơ của người đời, và đã lan tràn trong khắp huyền thể Chúa, họ cũng còn theo thành kiến, đôi khi họ dám coi việc tôn sùng này, nếu không có hại, thì cũng không hợp mấy với nhu cầu thiêng liêng cấp bách của Giáo Hội và nhân loại ngày nay. Không thiếu người vì lẫn lộn bản chất căn bản của việc tôn sùng này với những việc đạo đức riêng khác đã được Giáo Hội ưng nhận và khuyến khích nhưng không truyền, nên họ coi sự tôn sùng này cũng như là dư thừa, thêm thắt ai muốn theo tùy ý tùy sở thích. Lại có người chủ trương rằng: việc tôn sùng này không hợp thời, nhất là chảng có ích gì hay chỉ có đôi chút đối với những người chiến đấu cho Nước Chúa, vì họ còn phải lo lắng trước hết dùng sức lực, tiền tài, thời giờ để bênh vực truyền bá chân lý, để cổ võ và phổ biến lý thuyết công giáo về mặt xã hội, để tăng gia những họat động tôn giáo và những công cuộc họ bảo là cần thiết hơn nhiều cho thời nay.
Sau hết, có những người chẳng những không coi việc tôn sùng này là một ơn trợ lực quan trọng để sửa đổi nết na theo tôn chỉ công giáo trong đời sống cá nhân hay trong gia đình, trái lại họ coi là một việc đạo đức theo cảm tình hơn là theo lý trí nên chỉ xứng cho phụ nữ chứ không hợp với người cao văn hóa. Lại có người vì thấy việc tôn sùng này đòi cách riêng sự thống hối, sự đền tạ, và những nhân đức khác người ta gọi là “thụ động” vì không đem lại cái kết quả bề ngoài, nên họ cho ràng việc tôn sùng này không phấn khởi được lòng sốt sáng thiêng liêng của thời đại ta, đương cần những họat động to tát bề ngoài để đức tin thắng thế, để mạnh mẽ bảo vệ nết na công giáo; mà thực như mọi người biết, các thuần phong ngày nay đang dễ dàng ra hư hỏng bởi những lầm lạc của bọn người đã tiêm nhiễm các tôn chỉ duy vật vô thần hay tục hóa vận, nhửng nhưng với mọi thể thức tôn giáo và trong lý thuyết cũng như trong thực hành bất cần xét thực hay hư.
B- Các Đức Thánh Cha quý trọng việc Tôn sùng Thánh Tâm.
Thưa các Hiền đệ khả kính, ai chẳng biết rằng: tất cả những ý kiến Ta vừa khiển trách đều nghịch hẳn với các huấn dụ các Đức Tiên Giáo Hoàng đã công khai tuyên bố trên Tòa Chân Lý này, khi các Đấng tán dương việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ai đã bảo là vô ích không hợp với thời đại ta một việc sùng kính mà Đức Tiên Giáo Hoàng Lêô XIII đã quyết là thể thức rất đáng ca tụng của đức thờ phượng; Người đã coi như phương dược linh nghiệm chữa các tai họa bây giờ đây đang còn lan ra sâu rộng hơn nữa, làm khổ cá nhân và lung lạc cả xã hội. Người phán: việc sùng kính này mà Ta khuyên mọi người đây, sẽ làm ích cho mọi người. Đoạn Người lại thêm những lời khuyến khích này chỉ về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Người rằng: “Do đó sinh ra nhiều tai họa, đã từ lâu, Ta bị những tai họa ấy vây bọc, và bó buộc phải tìm ơn cứu giúp của một Đấng có quyền khu trừ nó đi. Đấng ấy là ai, há chẳng phải Chúa Giêsu Con Một Thiên Chúa, vì dưới trời không còn danh hiệu nào khác đã ban cho loài người, để nhờ đó chúng ta được cứu rỗi. Vậy phải chạy đến với Người, Người là Đàng, là Sự Thật, và là Sự Sống”.
Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XI vạn thế lưu danh, đã tuyên bó phải tán dương việc sùng kính này và nhận là phù hợp để phục hồi lòng đạo đức công giáo. Người viết trong một bức thông điệp: “Dưới thể thức sùng kính này, phải chăng người ta thấy đó là tóm tắt cả Đạo Công giáo, bởi thế, nó là mẫu mực đời sống trọn lành, nó sẽ dẫn dắt trí tuệ làm cho ta hiểu biết Chúa Kitô sâu xa và dễ dàng hơn, sẽ lôi cuốn tâm hồn làm cho ta yêu mến Chúa cách mạnh mẽ hưn và thiết tha theo gương Chúa hơn”. Về phần Ta, cũng như các Đức Tiên giáo Hoàng, Ta lấy chân lý căn bản đó làm hiển nhiên và có chứng cớ vững chắc. Khi Ta vừa lên ngôi Giáo Hoàng, Ta đã rất vui mừng nhận thấy sự tôn sùng Thánh Tâm bành trướng mau chóng như một cuộc đắc thắng của Thánh Tâm trong các dân Công giáo. Ta đã hài lòng thấy muôn vàn kết quả của ơn cứu rỗi nhờ việc tôn sùng này đã ban xuống trong cả Giáo Hội, nên Ta đã sung sướng nhắc đến điều ấy trong thông diệp thứ nhất của Ta. Rồi qua những năm tại chức, những năm đầy thống khổ âu lo nhưng cũng nhiều an ủi vô kể, các ơn ấy, về số cũng như về phẩm, chẳng những không giảm bớt mà còn tăng tiến. Nhiều sáng kiến đủ hạng đã may mắn tìm ra phương thế có sức chấn hưng việc sùng kính này, và rất hợp với nhu cầu thời đại chúng ta: như nhưng hội đoàn có tính cách văn hóa tôn giáo hay từ thiện, những sách xuất bản về lịch sử, tu đức hay huyền nhiệm giúp làm sáng tỏ giáo lý về việc sùng kính này; những hội đền tạ và nhất là những cuộc biểu dương lòng sốt sáng nồng nhiệt do hội Tông đồ cầu nguyện thúc đẩy; nhờ sáng kiến và sự ủng hộ của hội này mà đã có những gia đình, trường học, học viện, quốc gia dâng mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính Ta, hoặc bằng thư từ, hoặc bằng diễn văn, hoặc điện văn, Ta thường đã đem hết tình cha mà khen lao ca ngợi.
Thưa các hiền đệ khả kính, khi Ta thấy sự đầy rẫy của Nguồn nước cứu rỗi, nghĩa là những ơn trên trời bởi lòng yêu thương của Bề Trên phát nguyên từ Thánh Tâm chúa Cứu Thế, tràn xuống trên các con cái của Giáo Hội đông đúc không đếm được dưới sự họat động của Chúa Thánh Thần, Ta không thể không lấy hết tình Cha mà khuyên giục các Hiền đệ hợp nhất với Ta mà ngợi khen cảm tạ Thiên chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành. Ta muốn mượn lời này của vị Tông đồ các dân:
Vinh quang cho Đấng hành động trong ta, với sức riêng của Người, Người có thể làm hơn, hơn vô cùng, quá sự chúng ta cầu xin hay nghĩ tưởng, Vinh quang cho Người trong Giáo Hội nơi Chúa Giêsu Kitô hết mọi thời đại và đời đời. Amen.
Nhưng sau khi cảm tạ Thiên Chúa cho phải phép, Ta muốn nhờ thông điệp này khuyến khích các Hiền đệ và hết thảy các con cái yêu dấu của Giáo Hội chú ý nhận xét kỹ càng hơn những tôn chỉ rút ra bởi Thánh Kinh, bởi những lời dạy dõ của các Giáo phụ và các nhà Thần học làm nền tảng vững vàng cho việc tôn sùng Thánh Tâm này. Ta tin rằng: nhờ ánh sáng của mạc khải, chúng ta đã tra xét kỹ lưỡng tính chất căn bản và sâu xa của việc tôn sùng này rồi, bấy giờ chúng ta sẽ có thể – bấy giờ mà thôi – chúng ta mới có thể lượng cho đúng phẩm giá tuyệt hảo và nguồn ơn thiêng liêng vô hạn của việc tôn sùng này, và khi ngắm xem những ơn huệ khôn lường nhận được nhờ sự tôn sùng này, chúng ta sẽ có thể mừng cho xứng kỷ niệm 100 năm từ khi Tòa Thánh ban phép mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong cả Giáo Hội.
Vì thế, để cống hiến cho tâm trí các giáo hữu của ăn nuôi dưỡng tinh thần lành mạnh, lại giúp họ hiểu rõ hơn tính chất đích thực của việc tôn sùng này và thu lượm được nhiều ơn ích dồi dào, Ta muốn nhắc lại mấy trang Cựu Ước, Tân Ước nói về lòng Thiên Chúa thương yêu loài người, chúng ta không bao giờ hiểu đủ. Đoạn Ta sẽ đại lược xét đến những lời chú giải của các Giáo phụ, các vị Tiến sĩ trong Giáo Hội đã bàn giải về những trang sách thánh đó. Sau đó Ta sẽ cố sức làm cho thực sáng tỏ mối liên quan rất chặt chẽ giữa việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Cứu Thế và sự thờ phượng chúng ta vốn phải làm để kính lòng yêu của Chúa Cứu Thế và lòng yêu của chính Thiên Chúa Uy Linh đối với hết mọi người. Ta nghĩ rằng nên đặt những yếu tó căn bản của việc sùng kính cao trọng này dưới ánh sáng của Thánh Kinh giáo lý lưu truyền thì giáo hữu sẽ có thể dễ dàng hơn múc lấy nước bởi nguồn mạch Chúa Cứu Thế; nghĩa là họ sẽ hiểu rõ ràng hơn sự quan trọng đặc biệt của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong phụng vụ của Giáo Hội, trong sinh hoạt bề trong bề ngoài và hành động của Giáo Hội, và như thế, các giáo hữu sẽ thu hoạch được những hoa quả thiêng liêng giúp họ mỗi người cải tạo đời sống mình cho được ích phần hồn, như lòng các Đáng chăn chiên Chúa mong ước.
C- Lòng Yêu của Thiên Chúa là lý do chính của việc tôn sùng Thánh Tâm.
Những hình bóng trong Cựu Ước chỉ về việc ấy.
Để mọi người có thể hiểu đúng hơn các bản văn sau đây trích ra bởi Cựu Ước và Tân Ước có ý nghĩa thế nào về sự kính thờ Thánh Tâm, cần phải nêu ra trước mắt cho thực rõ cái lý do đã khiến Giáo Hội tôn kính và thờ lạy Trái Tim Chúa Cứu Thế. Thưa các Hiền Đệ khả kính, có hai lý do như các hiền đệ đã biết.
Lý do thứ nhất: Lý do này có giá trị đối với tất cả mọi phần khác trong thân thể Chúa Giêsu, căn cứ vào nguyên tắc này, chúng ta đã biết là: Trái Tim Chúa, một phần trọng nhất trong nhân tính Chúa, đã kết hợp với Ngôi Hai Thiên Chúa theo cách hợp trong một Ngôi, vì lẽ đó phải tôn kính thờ lạy Trái tim Chúa cũng như Giáo Hội tôn kính thờ lạy Ngôi Chúa, là Ngôi con Thiên Chúa làm người. Đây là tín điều đã được long trọng xác định trong Công đồng chung Côngtăngtinôpôli.
Lý do thứ hai: Chỉ riêng đến Trái Tim Chúa Cứu Thế, và cũng vì lẽ riêng, đòi phải tôn kính thờ lạy Trái Tim Chúa cách riêng nữa. Lý do ấy là dấu chỉ lòng thương yêu vô lượng Chúa đối với nhân loại. Đức Tiên Giáo Hoàng Lêô XIII đã dạy rằng: Ta thấy Thánh Tâm là biểu hiệu và là hình ảnh rõ ràng lòng yêu thương vô cùng Chúa Cứu Thế, lòng yêu thương ấy giục ta kính mến đáp lại.
Hẳn thật Thánh Kinh không bao giờ nói đến sự làm việc thờ phượng riêng để tỏ lòng kính và mến Quả Tim xác thịt của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, vì lẽ quả tim ấy là biểu hiệu lòng yêu nồng nhiệt của Chúa.
Phải công khai xác nhận điều đó, nhưng không phải là lẽ cho ai ngạc nhiên và hồ nghi cách nào sự Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước đã dùng những hình bóng rất cảm động để cao rao và ghi sâu vào trí óc ta lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với ta, lòng yêu thương ấy là lẽ chính của việc sùng kính Thánh Tâm. Mà vì những hình bóng ấy một đôi khi đã được đặt vào những đoạn sách thánh loan báo sự Con Thiên Chúa xuống thế làm người, bởi vậy có thể coi các hình bóng này như điềm dáng báo trướcc cái biểu hiệu rất cao quý chỉ lòng yêu thương ấy của Thiên Chúa, tức là Quả Tim rất thánh và đáng tôn thờ của Chúa Cứu Thế.
Trong bài này, Ta thiết tưởng không cần phải trích diễn nhiều các sách Cựu Ước, các sách ấy thường cống hiến cho ta những chân lý mạc khải nguyên sơ, chỉ cần nhắc đến Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Chúa đã được thắt chặt bằng những lễ vật cầu an. Maisen đã công bố luật lệ căn bản của giao ước ấy đã thích trên hai bia đá, và các tiên tri đã diễn giải luật ấy nữa. Giao ước này không phải chỉ dựa vào quyền tuyệt đối của Thiên Chúa và sự phục tùng của loài người mà thôi, nhưng lại còn được củng cố, được nuôi dưỡng bằng những mối liên hệ cao trọng hơn của tình yêu nữa. Quả thế dù đối với dân Israel lý do tối cao khiến dân vâng lời Thiên Chúa không phải là sợ Thiên Chúa trừng phạt, sự sợ hãi ấy đã gây nên bởi sấm chớp ở đỉnh núi Sinai xưa, nhưng chính là lòng dân kính mến Thiên Chúa.
“Hỡi Israel hãy nghe, Giavi, Chúa Cả, Chúa chúng ta, chỉ có một Người, phải yêu Giavi, Chúa Cả, Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi. Những điều Ta truyền cho ngươi hôm nay, ngươi hãy ghi lòng tạc dạ”.
Vậy ta không lấy làm lạ khi thấy Maisen cùng các tiên tri mà thánh Thoma gọi là những bậc tiền bối của dân riêng Chúa, vì các ông đã hiểu rõ giới răn mến yêu là nền tảng mọi lề luật, nên đã so sánh các liên hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng Chúa với tình yêu thương giữa cha con, vợ chồng hơn là sánh với hình ảnh nghiêm khắc biểu lộ quyền tối cao của Thiên Chúa hay biểu lộ sự sợ hãi phục tùng mọi người chúng ta phải có đối với Chúa. Thí dụ chính Maisen trong bài ca thời danh của ông ca tụng cuộc giải phóng dân Chúa thoát ly ra khỏi Ai Cập, ông muốn chỉ rõ biến cố ấy là do quyền phép Thiên Chúa, nên ông dùng những từ ngữ và những hình ảnh rất cảm động này:
“Như diều hâu canh tổ lượn trên đàn con, Giavê giương cánh, cõng lấy nó và cõng trên lưng”.
Nhưng có lẽ, không có vị tiên tri nào đã biểu lộ và diễn tả một cách minh bạch và mạnh mẽ lòng yêu thương của Chúa, hằng theo dõi dân mình, bằng tiên tri Osée. Ông là vị nổi nhất trong các tiên tri nhỏ vì ông có lối văn gọn gàng, cao nhã, ông đã trình bày Thiên Chúa yêu thương dân riêng với một lòng yêu chính đại, hằng khắc khoải một cách thánh thiện như lòng một người cha yêu thương nhân hậu, lòng yêu của một người chồng bị tổn thương trong danh dự. Tình yêu ấy cũng không thuyên giảm, cũng không tiêu tán trước sự bất trung bội tín và tội ác ghê gớm của những kẻ phản bội, dù có sửa phạt cho xứng tội nhưng không có ý ruồng bỏ xua đuổi, mà chỉ có ý cho người vợ bạc tình, người con bạc nghĩa cải quá và nên trong sạch, để rồi lại kết hợp với mình bằng những mối tình yêu mới và vững bền.
“Khi Israel còn thơ dại, Ta yêu dấu nó và Ta đã gọi con Ta từ Ai Cập về. Và Ta, Ta đã tập cho nó biết đi ở Ephraim, Ta bồng bế nó trên tay, thế mà chúng chẳng hiểu lòng Ta săn sóc chúng. Ta dùng những giây êm ái, giây yêu thương để dắt chúng đi. Ta đã chữa sự bất trung bạc nghĩa của chúng. Ta thành tâm yêu chúng, vì Ta đã nguôi không giận chúng nữa. Ta sẽ nên như sương sa cho Israel. Nó sẽ mọc lên như cây huệ. Nó đâm rễ như Liban”.
Tiên tri cũng dùng những lời tương tự như thế khi trình bày Thiên Chúa với dân riêng Chúa, như thể hai bên nói chuyện với nhau, nhưng mỗi bên nói một chiều thế này: Sion nói: Giavê đã bỏ tôi, Chúa đã quên tôi – Một phụ nữ có quên con nhỏ dại của mình mà không thương con mình đã sinh ra chăng? Ví thử có phụ nữ nào quên con mình, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi.
Những lời trong sách Tuyệt Khúc Ca cũng không kém phần cảm động: những hình ảnh tả tình yêu vợ chồng được dùng để diễn tả những mối giây yêu đương kết hợp Thiên Chúa với Dân chúa yêu riêng: Như khóm huệ giữa bụi gai, ái nương tôi ở giữa các người thiếu phụ cũng vậy… Tôi là của ái lang tôi và ái lang tôi là của tôi… Người chăn dắt đoàn chiên Người giữa hoa huệ… Em hãy đặt anh như con dấu trong lòng em, như con dấu trên cánh tay em, vì tình yêu mạnh như sự chết.
Lòng ghen dữ như địa ngục, tên bắn của Người phóng ra như tên lửa, lửa của Giavê.
Nhưng lòng rất yêu dấu này, lòng yêu của Thiên Chúa nhịn nhục và dung thứ đối với Israel lỗi phạm liên tiếp, dù Chúa có thịnh nộ, nhưng không bao giờ rẫy bỏ dân ấy; lòng yêu thương ấy xem ra mạnh mẽ và cao siêu thật, nhưng lòng yêu ấy mới chỉ là điềm dáng báo trước lòng yêu rất nồng nàn của Đấng Cứu Thế Thiên Chúa đã hứa cho nhân loại, lòng yêu này sẽ từ Trái Tim Chúa Cứu Thế lan tràn trên hết thảy mọi người, nêu gương cho ta soi mà yêu mến và làm nền tảng cho giao ước mới.
Quả thế, chỉ có Đấng làm con Một Đức Chúa Cha và là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đầy ơn phúc và sự thật, chỉ có Đấng ấy khi đã đến giữa nhân gian này đầy tội lỗi và khốn nạn có thể mở ra mạch nước sống tự nhân tính Người kết hợp trong một Ngôi với Ngôi Hai Thiên Chúa chảy xuống cho nhân loại, để nguồn nước sống ấy tưới đẫm quả đất khô nẻ này và biến thành một vườn xanh tươi đầy quả. Việc lạ lùng ấy sẽ thực hiện sau bởi lòng yêu rất thương xót, và hằng có đời đời của Thiên Chúa, hình như tiên tri Giêrêmia đã loan báo việc ấy trong đoạn này:
Ta đã yêu ngươi bằng một tình yêu vĩnh viễn đời đời, bởi thế Ta gìn giữ ân nghĩa cho ngươi. Chúa phán:
Đã tới ngày Ta ký kết với nhà Israel, với nhà Giuđa một Giao Ước mới. Đây là Giao Ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel, sau những ngày này, lời Chúa phán: Ta tạc Luật Ta trong bản thân chúng, Ta sẽ ghi trên quả tim chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, chúa Cả, chúng sẽ là dân Ta…Vì Ta sẽ tha thứ gian ác chúng, Ta sẽ không nhớ tội lỗi chúng.
II- NỀN TẢNG VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM THEO TÂN ƯỚC VÀ GIÁO LÝ LƯU TRUYỀN
A- Lòng yêu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại.
Nhưng chỉ có Phúc âm mới cho ta biết rõ ràng chắc chắn về Giao Ước mới đã làm giữa Thiên Chúa và nhân loại, – vì Giao Ước mà Maisen đã làm xưa để kết hợp Thiên Chúa với dân Israel chỉ là hình bóng và là tượng trưng Giao Ước mới mà tiên tri Giêrêmia đã báo trước -, Giao Ước mới, Ta có ý nói đây là chính Giao Ước đã được thiết lập và thực hiện nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, làm cho ta lại được ơn nghĩa với Chúa. Phải nhận rằng Giao Ước này cao sang vô đối và vững chắc hơn, bởi thế nó không như Giao Ước cũ ký kết bằng máu chiên bò, nhưng bằng máu quý giá của Đấng mà những con vật hiền hòa vô tri kia chỉ là tượng trưng để báo trước về Người. Đấng ấy là: Con Chiên Thiên Chúa cất tội thế gian. Quả thế, Giao Ước Kytô giáo hơn Giao Ước cũ, hiển nhiên là một Giao Ước không dựa vào nghĩa tôi tớ lòng sợ hãi, nhưng lấy tình âu yếm giữa Cha con mà ràng buộc đôi bên, Giao Uớc ấy được nuôi dưỡng và bổ dưỡng bởi Ơn Phúc và Sự Thật Chúa hằng đổ xuống cách rộng rãi hơn, như lời thánh Gioan dạy: Do sự sung mãn của Người mà chúng ta hết thảy đã chịu lấy hết ơn này đến ơn khác, vì luật đã ban bố do Maisen làm môi giới, còn Ơn Phúc và Sự Thật đến với ta nhờ Chúa Giêsu. Bởi vì lời này của vị môn đệ Chúa yêu dấu, người mà trong bữa tối sau hết đã dựa đầu vào lòng Chúa, dẫn đưa chúng ta về tình yêu vô cùng của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, vì thế, thưa các Hiền đệ khả kính, chúng ta nên dừng lại đây một chút để ngắm xem sự mầu nhiệm này, Ta thiết tưởng là điều xứng đáng công bằng và có ích cho sự rỗi linh hồn, để nhờ ánh sáng của Phúc Âm chiếu rọi vào sự mầu nhiệm này, soi sáng cho chúng ta, chúng ta có thể thực hiện cho chính mình lời ước nguyện mà vị Tông đồ các dân ngoại đã nói cùng Giáo đoàn Êphêsô: Nguyện xin Chúa Kitô ngự trong lòng anh em bằng Đức Tin, ước mong anh em đâm rễ trong Đức Mến, được xây trên Đức Mến, để anh em có thể cùng với các thánh hiểu được cao sâu dài rộng và biết lòng yêu của Chúa Kitô vượt quá mọi sự hiểu biết, để anh em được sung mãn mà vào trong sự sung mãn chung của chính Thiên Chúa.
Sự mầu nhiệm Thiên Chúa Cứu chuộc nhân loại, trước hết tự bản tính nó là một sự mầu nhiệm về tình yêu. Đó là sự mầu nhiệm về tình yêu muốn sự công bằng của Chúa Kitô đối với Cha trên trời, vì yêu mến, vì vâng lời, Chúa Kitô đã dâng mình làm của tế lễ trên Thập giá để dâng lên Đức Chúa Cha một lễ đền tạ loài người phải dâng để đền tội mình, một lễ đền tội dư đầy vô cùng. Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì yêu mến và vì vâng lời, đã dâng lên Thiên Chúa một sự đền bồi dư thừa quá sự đền bồi loài người phải dâng vì tội mình. Đó lại là sự mầu nhiệm về tình yêu muốn sự thương xót của Ba Ngôi Thiên Chúa uy linh và của Chúa Cứu thế đối với mọi người, vì loài người không thể nào đền tội mình cho đủ được, Chúa Kitô dùng kho tàng khôn lường các công nghiệp Người đã lập được cho chúng ta, bởi đã đổ máu cực châu báu mình ra, Chúa đã lập lại và hoàn tất Giao kết thân ái xưa kia giữa Thiên chúa và loài người, Giao Kết đã bị vi phạm một lần thứ nhất ở Địa Đàng bởi sự sa ngã khốn nạn của Adong, rồi về sau đã bị vi phạm bởi vô vàn tội lỗi của dân riêng Chúa nữa.
Vậy Chúa Cứu Thế, – vì là Vị Trung gian của chúng ta vừa chính thức vừa hoàn toàn – bởi Người có lòng yêu ta rất nồng nhiệt, đã làm cho nghĩa vụ và nợ của loài người hòa hợp hẳn được với quyền lợi của Thiên Chúa, nên Người thật là Đấng đã xếp được việc hòa giải lạ lùng làm cho phép công bằng của Thiên Chúa hòa hợp với lòng thương xót của Chúa, việc hòa giải ấy chính là mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta trong điểm cao siêu hơn cả, mà thánh Tiến sĩ Thiên thần đã nói đến cách khôn ngoan thể này: “Chúng ta được giải thoát bởi sự thương khó Chúa Kitô là điều vừa thích hợp với lòng thương xót, vừa thích hợp với phép công bằng của người. Hợp với phép công bằng, bởi vì Chúa Kitô đã chịu thương khó để đền tội nhân loại, và như thế chính vì sự công bằng của Chúa Kitô mà nhân loại đã được giải thoát. Hợp với lòng thương xót, vì con người tự mình không thể đền tội cho cả loài người, Thiên Chúa đã ban Con mình đền thay cho loài người. Mà như thế thì thương hơn là tha tội mà không buộc đền gì. Bởi vậy có lời rằng: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót, bởi yêu thương ta quá chừng, nên đã làm cho ta là kẻ đã chết vì tội lỗi được sống lại trong Chúa Kitô”.
B- Lòng yêu thương của Chúa Cứu Thế đối với nhân loại gồm tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của nhân tính.
Nhưng để chúng ta có thể theo khả năng của loài người, cùng với các thánh, hiểu lòng yêu huyền diệu của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đối với Cha trên trời và đối với loài người tội lỗi, dơ nhớp này, dài rộng cao sâu thế nào, chúng ta nên biết rằng: lòng yêu của Chúa không phải chỉ là lòng yêu thiêng liêng mà thôi, như sự ấy thật xứng với Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng”. Dĩ nhiên lòng yêu của Thiên Chúa yêu nguyên tổ chúng ta và dân Do thái là thuộc về loại tình yêu thiêng liêng này, cho nên trong Ca vịnh, trong sách các Tiên Tri và sách Tuyệt Khúc ca, khi các Đấng dùng những kiểu nói chỉ về tình yêu của người thế, như tình yêu giữa vợ chồng, tình yêu giữa cha con, thì phải hiểu rằng: những kiểu nói ấy là những bằng chứng và là dấu chỉ Thiên Chúa yêu loài người thật, nhưng đó là tình yêu thiêng liêng mà thôi; trái lại tình yêu biểu lộ trong Phúc Âm, trong thư các tông đồ, và những trang sách Khải Huyền, các Đấng chép sách có ý bày tỏ tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì tình yêu ấy không những chỉ tình yêu của Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn chỉ tình yêu của nhân tính nữa. Điều ấy bất kỳ người công giáo nào cũng không thể hồ nghi được. Quả thế, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, không phải là mặc lấy một thể xác chỉ có hình, không có chất, như những bè rối trong thế kỷ đầu đạo Công giáo đã chủ trương và đã bị thánh Gioan tông đồ luận phi nghiêm thẳng rằng: Có nhiều kẻ lừa đảo đã đi khắp nơi, chúng không tin Chúa Giêsu đã đến trong xác thịt; đó là kẻ lừa dối, kẻ phản Chúa Giêsu Kitô, nhưng thực sự, Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy tính loài người, đã làm một người có nhân tính đầy đủ, hoàn toàn, bởi phép Chúa Thánh Thần, đã đầu thai trong lòng rất trong sạch Đức Trinh Nữ Maria và đã kết hợp cùng Ngôi Hai Thiên Chúa. Vậy trong nhân tính Ngôi Hai Thiên Chúa đã phối hợp với mình, không thiếu sự gì sốt; nhân tính Ngôi Hai đã lấy không bị rút bớt sự gì, không bị thay đổi chút nào, cả về phần xác, cả về tinh thần; nghĩa là nhân tính ấy có trí tuệ và ý chí và tất cả các năng khiếu khác về tri thức, năng khiếu bên trong và bên ngoài, có sự ước muốn của giác quan, cùng mọi xu hướng tự nhiên. Các điều ấy là những điều Hội Thánh Công giáo dạy vì Đức Giáo Hoàng và Công đồng chung đã long trọng châu phê cùng xác định rằng:
Chúa có hết những sự thuộc về Chúa, Chúa có hết những sự thuộc về chúng ta.
Chúa có hoàn toàn bản tính Thiên Chúa và cũng có hoàn toàn bản tính nhân loại.
Lót Thiên Chúa đã làm người, và lót con người đã làm Thiên Chúa.
Bởi không hồ nghi cách nào được sự Chúa Giêsu đã có một xác thật, có tất cả những cảm tình thuộc riêng về xác, trong số đó tình yêu trổi hơn mọi tình khác, nên cũng không thể hồ nghi cách nào được sự Chúa Giê su có một Quả Tim xác thịt giống như ta; bởi vì thiếu cơ quan trọng yếu này, người ta không thể sống, và cũng không thể có cảm tình nữa. Vì thế, chắc chắn rằng Trái Tim Chúa Giêsu Kitô kết hợp trong một Ngôi với Ngôi Hai Thiên Chúa, đã đập, đã rung động vì tình yêu và vì các mối tình khác, tuy nhiên các mối tình này vừa hòa hợp với ý muốn nhân tính đầy tình yêu thần tình, vừa hòa hợp với chính lòng yêu vô cùng mà Đức Chúa Con cùng có chung với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần lại hòa hợp cách hoàn hảo đến nỗi không bao giờ có sự gì nghịch hay là không hợp giữa ba tình yêu ấy.
Nhưng sự Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy tính loài người làm một người thật có nhân tính hoàn hảo, và đã tạo cho mình một quả tim xác thịt có thể chịu đau thưong, chịu đâm như quả tim ta, sự ấy, ta muốn nói sự trên đây, nếu người ta không xét nhận dưới cả hai ánh sáng, là ánh sáng bởi tín điều hai bản tính hợp lại trong một Ngôi Thiên Chúa, và ánh sáng bởi tín điều Thiên chúa cứu chuộc nhân loại, sự mầu nhiệm này là phần kết của sự mầu nhiệm trên, nếu không xét nhận như vậy thì sự ấy có thể thành ra một dịp vấp ngã và là điều cuồng dại cho một số người, y như sự Chúa Kitô chịu đóng đinh vào khổ giá đã nên dịp vấp ngã và là điều cuồng dại cho dân Do thái và Dân ngoại.
Quả thế, các bản xưng đức tin công giáo, hợp với Thánh Kinh mọi đàng, xác định rằng: Con Một Thiên Chúa đã lấy tính loài người có thể chịu đau khổ, chịu chết, chính là vì người muốn dâng mình làm của tế lễ trên Thánh Giá, có đổ máu ra, để hoàn tất việc cứu chuộc loài người. Đấy là điều vị tông đồ các dân chỉ dạy bằng những lời sau này:
Vị Thánh Hóa và những người được thánh hóa cùng chung một nguồn gốc hết thảy, vì thế Người không hổ thẹn gọi họ là anh em khi Người nói: Tôi sẽ giảng danh Chúa cho anh em tôi. Lại nói rằng: Đây chúng ta, Ta và các con cái Thiên Chúa đã ban cho Ta! Vậy các con cái thì cùng chung một huyết nhục và đồng tính chất cho nên Người cũng nhận lấy một tính chất như vậy. Vì thế mà Người đã trở nên giống anh em mình trong mọi sự, để trở nên Vị Thượng Tế trung thành thương xót để đền bồi tội của dân. Bởi Người đã chịu thương khó, chịu thử, chịu gian nan nên người có thể cứu giúp những người chịu thử, chịu gian nan.
C- Các Giáo Phụ trước vấn đề này
Các giáo phụ là những chứng nhân nói đúng thực về Giáo lý Thiên Chúa đã tỏ ra, các Ngài đã thấy rõ điều này, cũng là điều Thánh Phaolô đã quả quyết khá rõ rồi, là sự mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân và là chung kết của việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, và việc Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại. Trong sách vở của các ngài nhiều đoạn nói tỏ rằng: Chúa Giêsu Kitô đã lấy một nhân tính hoàn toàn và một thân xác yếu dòn, hay chết của ta, và có ý lo cho ta được rỗi đời đời, và tỏ ra cho ta thấy rõ lòng yêu vô cùng của Chúa, cả lòng yêu cảm giác nữa. Thánh Justinô đã viết, như thể tiếng nói của vị Tông Đồ các dân đã vang lại rằng: Chúng ta thờ lạy và yêu mến Đức Ngôn đã sinh ra bởi Thiên Chúa là Đấng không chịu sinh ra và không tả ra được, bởi vì Đức Ngôn đã làm người vì ta, đã thông công sự yếu đuối của ta, để đem lại thuốc chữa nó.
Thánh Basiliô, người đầu trong ba giáo phụ ở Capađôxia xác nhận rằng: Những cảm tình của Chúa Kitô vừa có thực vừa thanh sạch. Người nói: điều này rõ ràng, là Chúa đã nhận lấy những cảm tình tự nhiên để chứng minh rằng: Chúa đã làm người có xác thịt thật, không phải chỉ có hình mà thôi; những cảm tình hư xấu làm cho ta mất sự trong sạch, Chúa loại bỏ hết không nhận vì không xứng với bản tính Thiên Chúa không mắc bợn nhơ.
Thánh Gioan Kim Khẩu, một ánh sáng của Giáo đoàn Antiôkia, cũng nói tương tự như vậy rằng: Những xúc động của giác quan có trong Chúa Cứu Thế tỏ ra rõ rệt rằng: Chúa đã lấy một nhân tính thật đủ cả: “Nếu Chúa không cùng bản chất với ta thì Chúa đã chẳng cảm động hai lần đến sa lệ”.
Trong các Giáo phụ La Tinh, Ta muốn nhắc đến những vị mà ngày nay Giáo Hội kính như những vị Đại Tiến sĩ. Thánh Ambrôsiô làm chứng rằng: những cảm tình và những xúc động có trong Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đều phát sinh bởi sự hợp lại hai bản tính trong một Ngôi, đó thật là nguyên nhân tự nhiên các sự ấy. “Vì đã nhận lấy một linh hồn, thì cũng nhận lấy những tính tình của linh hồn; quả vậy, Thiên Chúa, bởi là Thiên Chúa, không thể chịu cảm xúc hay chịu chết được”.
Bởi những cảm tình đó, thánh Giêrônimô đã rút ra một lý luận chính, chứng tỏ Chúa Kitô đã thực sự lấy tính loài người: Chúa chúng ta đã lo buồn thật, để chứng tỏ Chúa là người thật.
Thánh Augutinô thì đặc biệt nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa những cảm tình của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người với mục đích để cứu thục. “Nếu Chúa Giêsu đã nhận lấy những cảm tình của loài người yếu đuối như đã nhận lấy chính xác thịt yếu đuối của loài người, và cái chết của xác thịt yếu đuối thì không phải do sự bó buộc của tình cảnh nhưng là do ý muốn của lòng thương xót, để Chúa biến hóa nên Chúa cái xác của Chúa là Giáo Hội, mà Chúa đã thương làm cái Đầu, nghĩa là biến hóa cái phần mình Chúa ở trong các thánh và các giáo hữu, cho nên, nếu có ai phải buồn phiền, đau đớn vì thấy mình phải cám dỗ, thì người ấy chớ nghĩ mình mất ơn Chúa, và như ban hát theo người xướng, thì cái xác của Chúa cũng phải học bởi cái đầu cho biết rằng: những cám dỗ đó không phải là tội, chỉ là dấu chỉ sự yếu đuối của loài người mà thôi.
Với những câu vắn tắt hơn nhưng không kém sức chứng minh, đoạn văn này của thánh Gioan Đamasênô bầy tỏ ra chính điều Hội Thánh dạy: Lót mình Chúa đã lấy lót mình tôi, và lót mình Chúa đã hợp với lót mình tôi để đem đến sự lành mạnh cho lót mình tôi, vì cái gì Chúa không lấy không được chữa khỏi. Vậy Chúa đã lấy hết cả để thánh hóa hết cả.
D- Trái Tim Chúa Giêsu là biểu hiệu tự nhiên chỉ tâm tình Chúa, Thánh Kinh và các Giáo phụ đã nói đến sự ấy, nhưng chưa nói rõ.
Song nên chú ý điều này, là tuy rằng những đoạn văn trích ở Thánh Kinh và các Giáo phụ và nhiều bản văn khác tương tự thế, Ta không kể ra đây, đều chứng nhận rõ rằng: Chúa Giêsu có những cảm tình và những xúc động, và Chúa đã lấy tính loài người để làm cho ta được sống đời đời, nhưng các bản văn ấy không bao giờ liên hệ các cảm tình đó với quả tim xác thịt của Chúa, đến nỗi chỉ rõ quả tim ấy là biểu hiệu của lòng yêu vô cùng của Chúa. Nếu các thánh chép Phúc âm và các tác giả Thánh Kinh không nói rõ rằng: Trái tim Chúa Cứu Thế, là Trái Tim sống động có thể cảm xúc như ta, cũng luôn hồi hộp rung động vì những xúc động của lòng, những cảm tình cũng rung động vì tình yêu nồng nhiệt của hai ý muốn trong Chúa, nhưng thường thường các đấng ấy cũng bày tỏ rõ ràng lòng yêu về thần tính của Chúa và những cảm tình đi theo với lòng yêu ấy như là: mong ước, vui buồn, sợ hãi, và giận gắt, theo như các sự ấy biểu lộ ra bởi miệng Chúa, bởi lời nói và cử chỉ của Chúa. Nhất là nét mặt của Chúa Cứu Thế đáng tôn thờ chúng ta, thực là một dấu hiệu và là một tấm gương trong, phản chiếu lại rất đúng các cảm tình làm rung động linh hồn Chúa nhiều thể nhiều cách, rồi tựa như những lớp sóng giập lại, vào đến Trái Tim cực thánh Chúa, đập vào Trái Tim và kích thích. Quả vậy, trong việc này có thể nói lại điều thánh tiến sĩ thiên thần, theo kinh nghiệm thông thường về tâm lý loài người và các hiện tượng phụ thuộc, đã nói đến thế này: sự xao xuyến bởi tức giận lan ra mãi đến phần ngoài xác, nhất là những phần chiếu giãi ra cách tỏ rõ hơn dấu vết của lòng như con mắt, mặt và lưỡi.
Bởi đấy có đủ lý coi Trái Tim của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là biểu hiệu chính chỉ tình yêu chấp ba của Đấng Cứu Thế luôn luôn yêu mến Đức Chúa Cha hằng có đời đời và hết thảy mọi người không ngơi. Nghĩa là trái tim là biểu hiệu chỉ tình yêu Thiên Chúa tính, mà Chúa Giêsu có chung với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ nguyên tình yêu ở trong Chúa Giêsu mà thôi, nghĩa là trong Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, tình yêu ấy mới biểu lộ ra qua thân thể mảnh giòn hay chết loài người, bởi vì trong chính Chúa Giêsu có sung mãn lót bản tính Thiên Chúa ngự theo cách thể xác. Trái tim lại còn là biểu hiệu chỉ tình yêu rất nồng nhiệt Thiên Chúa đã phú vào linh hồn Chúa Giêsu làm cho ý chí thuộc về nhân tính của Chúa được phong phú thêm, và chính việc mến yêu này được soi sáng và được hướng dẫn bởi hai sức hiểu biết rất hoàn hảo, hiểu biết bởi xem thấy Thiên Chúa nhãn tiền và hiểu biết do Thiên Chúa phú vào linh hồn.
Sau hết, Trái Tim là biểu hiệu chỉ tình yêu cảm giác nữa – việc này là việc trực tiếp và tự nhiên hơn – trái tim là biểu hiệu tình yêu cảm giác của Chúa, vì thân xác Chúa Giêsu Kitô Chúa Thánh Thần đã tạo thành trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, có sức cảm giác rất hoàn hảo, hơn thân xác mọi người trần thế.
Vậy bởi Thánh Kinh và các bản xưng đức tin công giáo dạy chúng ta rằng trong linh hồn cực thánh Chúa Giêsu Kitô mọi sự hòa hợp với nhau hoàn toàn, lại dạy cho ta biết Chúa đã qui hướng tỏ tường lòng yêu của Chúa gồm ba tình yêu hợp lại về cùng đích việc cứu chuộc chúng ta cần phải đạt được, vì thế đã rõ, ta có lý do rất chính đáng mà ngắm xem và kính lạy Trái Tim Chúa Cứu Thế như ảnh vẽ lòng yêu thương của Chúa, và như chứng nhân việc cứu chuộc chúng ta, lại như thang mầu nhiệm giúp chúng ta lên ôm lấy Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta. Bởi vậy, tất cả ngôn ngữ, hành vi, mệnh lệnh của Chúa, phép lạ Chúa làm, nhất là những việc tỏ rõ hơn lòng yêu của Chúa đối với ta như sự Chúa đã lập phép Thánh Thể, đã chịu những khổ hình rất dữ, đã chịu chết, đã ban Mẹ cực thánh Người cho ta, đã lập Giáo Hội, và sau hết đã sai Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ, và xuống với ta – tất cả các sự ấy chúng ta phải khâm phục nhìn nhận như những bằng chứng tình yêu, ba thể, của Chúa.
Lại nữa, ta cũng phải lấy hết lòng kính mến suy ngắm những tiêng đập của Trái Tim Cực Thánh Chúa, ra như Chúa dùng những tiếng đập ấy để đo quãng thời gian Chúa đi đàng ở dưới đất này cho tới giây phút cuối cùng, theo lời Phúc âm, Chúa kêu lớn tiếng rằng: “Mọi sự đã hoàn thành” rồi nghiêng đầu tắt nghỉ. Lúc ấy Trái Tim Chúa thôi đập và tình yêu cảm giác đã ngừng lại, đã thôi, cho đến khi Chúa toàn thắng sự chết sống lại ra khỏi mồ. Nhưng từ khi xác vinh hiển của Chúa đã hợp lại với linh hồn, thì Trái Tim Chúa đã không bao giờ ngừng đập với một nhịp ôn hòa đều đặn, Trái Tim Chúa cũng sẽ không thôi biểu dương ba tình yêu của chúa, là tình yêu liên kết Con Thiên Chúa với Cha trên trời và với cả nhân loại mà Chúa là đầu mầu nhiệm, do quyền lợi rất chính đáng của Chúa.
III. THÁNH TÂM CHÚA GIÊ SU TRONG CÔNG VIỆC CỨU CHUỘC.
A- Thánh Tâm Chúa Giêsu họat động thế nào
Khi Chúa còn ở trần thế.
Thưa các Hiền Đệ khả kính, để có thể thu được kết quả phong phú tốt lành bởi những điều đã suy xét ở trên, bây giờ chúng ta nên nhìn ngắm một chốc những mối tình nhiều thứ, cả về thần tính cả về nhân tính mà Trái Tim chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc chúng ta, đã cảm thấy khi Chúa gia nhập vào đời sống phàm trần của ta; những mối tình ấy nay Chúa còn đang cảm thấy và sẽ còn cảm thấy mãi mãi. Chính sách Phúc Âm sẽ chiếu sáng ra cho ta, nhờ ánh sáng ấy soi dẫn và giúp sức, chúng ta có thể vào cung thánh của Trái Tim cực thánh này, và hợp với vị Tông đồ dân ngoại, sung sướng ngắm xem, lấy làm lạ và khen ngợi kho tàng đầy ơn phúc do lòng nhân hậu Thiên Chúa ban xuống cho ta trong Chúa Giêsu Kitô. Trái Tim đáng tôn thờ của Chúa Giêsu Kitô đập bởi yêu mến, vừa là yêu của nhân tính vừa là yêu của Thiên Chúa tính hòa nhịp, từ sau khi ĐứcTrinh Nữ Maria thưa lời rất quảng đại: Xin vâng, và sau khi Ngôi Hai Thiên Chúa – theo lời Thánh Tông đồ – xuống thế gian và nói: Cha chẳng muốn của hy sinh, chẳng muốn hiến lễ, Cha đã làm cho con một thân xác; những lễ hy sinh toàn thiêu đền tội không làm đẹp lòng Cha. Bây giờ con đã nói: này con xin đến để làm theo ý Cha như Thánh Kinh đã nói về con. Vậy chính nhờ ý muốn ấy mà chúng ta được thánh hóa vì Chúa Giêsu đã dâng mình làm của lễ một lần thay cho tất cả. Trái Tim Chúa cũng rung động bởi yêu mến, một yêu mến rất hòa hợp với những cảm tình của ý muón nhân tính và với yêu của Thiên Chúa tính rung động như vậy những khi ở nhà Nagiarét Chúa nói truyện việc trên trời với Mẹ rất yêu dấu và với thánh Giuse Cha nuôi Chúa, Chúa hằng vâng phục giúp đỡ trong nghề thợ mộc.
Trái Tim Chúa cũng rung động bởi ba thể tình yêu Ta đã nói trên trong những cuộc hành trình lâu dài, khi Chúa đi đi lại lại để giảng đạo, trong những phép lạ nhiều vô kể Chúa đã làm cho người chết sống lại, chữa đã đủ mọi thứ tật nguyền, trong khi Chúa vất vả làm việc, đổ mồ hôi ra chịu đói khát, trong khi thức đêm cầu nguyện cùng Cha trên trời với hết tình yêu mến, trong khi giảng giải, trong khi ra bài dụ ngôn và giải thích, nhất là những dụ ngôn nói về lòng thương xót như dụ ngôn đồng tiền rơi mất, con chiên lạc, người con phung phá, thật trong các lời nói việc làm đó, theo lời thánh Grêgôriô Cả nhận xét, chính lòng Thiên Chúa đã biểu lộ ra: Hãy học biết lòng Thiên Chúa trong những lời nói của Thiên Chúa để sinh lòng nóng nảy khát khao hơn những sự lành đời đời. Một tình yêu lớn lao hơn nữa làm rung động Trái Tim Chúa Giêsu Kitô, khi Chúa nói những lời thở ra lòng yêu hết sức nồng nhiệt. ví dụ như khi thấy những đám đông dân chúng mệt mỏi và đói lả, Chúa đã kêu lên: Ta thương quần chúng. Khi trông xem Giêrusalem kinh thành rất yêu quí của Chúa đã ra mù quáng vì tội lỗi, bởi thế sẽ phải phá tan tành, Chúa đã phát ra những lời sau đây: ” Ôi! Giêrusalem, ngươi đã giết các tiên tri, đã ném đá những người Thiên Chúa sai đến cùng ngươi, biết bao nhiêu lần Ta đã muốn thu các con cái ngươi lại, như gà mẹ thu con dưới cánh, nhưng ngươi đã không muốn nghe.”
Vì yêu mến Đức Chúa Cha, và vì cơn thịnh nộ lành thánh, Trái Tim, Trái Tim Chúa đã đập mạnh khi thấy sự buôn bán trái phép diễn ra trong đền thờ và Chúa đã trách mắng những người lỗi phạm rằng: Có lời chép: nhà Ta là nhà cầu nguyện, mà các ngươi lấy làm hang trộm cướp. Trái Tim Chúa đã bị xúc động mạnh bởi tình yêu, và kinh hãi khi thấy gần đến giờ phải chịu những hình khổ rất dữ dằn và tự nhiên thấy mình ngại chịu đau khổ chịu chết, Chúa đã kêu ên rằng: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này cho con; chính do tình yêu bền bỉ cùng với một nỗi buồn sâu xa, nên khi, người phản bội hôn Chúa, Chúa đã nói những lời này như tiếng gọi cuối cùng của Thánh Tâm rất thương xót gửi đến người thân yêu, vì có lòng xấu, bội ước, và rất mực cố tình, sắp nộp Chúa cho lý hình: Bạn thân yêu! Bạn đến vì việc này à? Bạn lấy cái hôn mà nộp Con Người sao? Chính vì lòng thương xót và yêu mến rất nhiệt thành, Chúa đã phán bảo các bà các cô có lòng tốt khóc thưong Chúa, sắp phải chịu khổ hình thập tự rằng: Hỡi con gái Giêrusalem đừng khóc thương Ta làm gì, hãy khóc thương chính mình, hãy khóc thương con mình, vì gỗ tươi còn phải thế này, gỗ khô biết đến thế nào? Sau hết khi bị treo trên Thánh Giá, Chúa Cứu Chuộc chúng ta cảm thấy Trái Tim Chúa sôi lên bao nhiêu mối cảm tình nồng nhiệt phức tạp: nào tình yêu, nào kinh hãi, nào từ bi nhân hậu, với những ước nguyện mạnh mẽ, với sự yên hàn bình tĩnh, tất cả những điều đó được biểu lộ rõ rệt trong những lời sau đây: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Lạy Chúa Cả, Chúa của con. Lạy Chúa Cả, sao Chúa bỏ con. Ta bảo thật cho anh hay, hôm nay anh sẽ ở nơi vui vẻ với Ta. Tôi khát. Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha.
Khi lập phép Thánh Thể, chức linh mục, khi lối Đức Mẹ, khi chết trên Thập Giá.
Ai có thể diễn tả cho xứng những nhát đập của Trái Tim Cực thánh là những dấu hiệu chỉ lòng yêu thương vô cùng của Chúa, lúc Chúa ban cho ta những ơn trọng nhất, là: Chính mình Chúa trong phép Thánh Thể, Mẹ cực thánh Chúa, và chức vụ linh mục Chúa cho chúng ta làm chung với Chúa.
Ngay lúc trước khi ăn bữa tối sau hết với các môn đệ, vì Chúa biết rằng Chúa sắp lập phép Mình Thánh Máu thánh tức là Máu sẽ đổ ra để đánh dấu vào giao ước mới, Chúa cũng đã thấy Trái Tim mình xúc động mạnh mẽ và Chúa đã tỏ sự ấy ra cho các tông đồ bằng những nhời sau đây: “Thày đã ước ao khao khát ăn lễ chiên này với anh em trước khi chịu đau khổ.. Các xúc động ấy chắc còn mạnh hơn nữa, khi Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho các ông mà bảo rằng: Đây là Mình Tôi chịu nộp vì anh em, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến tôi; rồi khi ăn bữa tối đoạn, Chúa cầm chén, và cũng làm như vậy, và bảo rằng: Chén này là giao ước mới trong Máu Tôi sẽ đổ ra vì anh em.
Cho nên rất có thể quả quyết rằng: Phép Thánh Thể, – vì phép này vừa là một bí tích, vừa là một lễ hy sinh, một đàng, Chúa ban ơn cho nhân loại, một đàng, Chúa dâng mình tế lễ liên liên từ lúc mặt trời mọc đến lúc lặn – và chức vụ linh mục nữa, thực là những ân huệ của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, đó cũng là ơn rất quý trọng của Thánh Tâm ban, như ta đã nói trên. Người là Mẹ đã sinh ra Chúa Cứu Thế phần xác và là Đấng hợp tác với Chúa để làm cho các con cái Evà được sống lại trong ơn nghĩa Chúa, nên Chúa Giêsu gọi Người là Mẹ cả nhân loại về phần linh hồn thì thậm phải. Thánh Augutinô viết về vấn đề này rằng: Người thật là Mẹ các chi thể của Chúa Cứu thế là chúng ta, bởi vì Người đã hợp tác bằng tình yêu để sinh ra Giáo Hội những người tín hữu là chi thể của đầu Giáo Hội là Chúa Giêsu Kitô.
Chúa Cứu Chuộc chúng ta chẳng những ban cho ta chính mình Chúa, không đổ máu ra, dưới hình bánh và rượu, Chúa lại còn ban cho ta chính mình Chúa có đổ máu ra làm của tế lễ trên thập giá, đó là bằng chứng tỏ rõ hơn hết Chúa yêu ta tha thiết và yêu vô cùng. Làm thế, Chúa đã treo gương đức mến yêu cao cả mà trước Chúa đã đề xướng cho các môn đệ là tuyệt đích trong tình yêu, khi Chúa nói: “Không tình yêu nào hơn tình yêu này là liều mình chết vì bạn”. Như vậy tình yêu của Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã dâng mình chịu chết trên núi Sọ tỏ ra cho ta cách rõ ràng tình yêu của chính Thiên Chúa: Chúng ta biết tình yêu Thiên Chúa tại điều này, là Chúa đã liều mình chết vì ta, vậy chúng ta, chúng ta cũng phải liều mình chết cho anh em chúng ta. Và thực, Chúa Cứu chuộc chúng ta đã chịu đóng đanh vào Thánh giá vì yêu thương hơn vì sức mạnh của lý hình, và sự Chúa tự ý hy sinh là ơn cao cả nhất Chúa ban cho mỗi người, như lời thánh Phaolô nói vắn tắt rằng: “Chúa đã yêu tôi và đã phó mình chịu chết vì tôi”.
Khi lập Giáo Hội và các phép bí tích
Bởi Đức Chúa Giêsu tham dự mật thiết vào đời sống của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, và như thế đã trở nên một lợi khí của Thiên-Chúa-tính không kém gì các cơ thể khác thuộc nhân tính, để hoàn tất các công việc Chúa quyền phép vô cùng muốn làm để ban ơn cho ta, bởi vậy chắc chắn rằng Thánh Tâm thực là một biểu hiệu chính đáng của lòng yêu vô hạn đã thôi thúc Chúa Cứu Chuộc chúng ta đổ máu ra để kết hôn cách nhiệm mầu với Giáo Hội: Chúa đã chịu thương khó vì yêu, để làm cho Giáo Hội nên hiền thê của Chúa.
Vậy chính bởi Trái Tim Chúa Cứu chuộc chúng ta đã bị đâm thủng mà Giáo Hội là người phải phân phát máu cứu chuộc, đã sinh ra, lại cũng chính bởi Trái Tim ấy, mà ơn các phép bí tích, là sự làm cho con cái Giáo Hội được sự sống siêu nhiên, đã chảy ra giàn giụa, như chúng ta đọc trong kinh Phụng vụ rằng: “Giáo Hội là bạn Chúa Kitô sinh ra bởi Trái Tim bị đâm thủng. Chúa đổ ơn ra bởi Trái Tim. Ý mầu nhiệm ấy dù các Giáo phụ và các văn sĩ của Giáo Hội ngày xưa cũng không phải là không biết tới, Thánh Tôma ,vị tiến sĩ chung, đã viết như thể tiếng các đấng ấy vang lại rằng: Bởi cạnh sườn Chúa Giêsu đã chảy ra nước để rửa và máu để cứu chuộc. Và bởi thế, máu thì liên quan với phép Thánh Thể, mà nước thì liên quan với phép Rửa tội, nhưng phép này có sức rửa là nhờ sức Máu thánh Chúa Kitô.
Điều nói ở đây về cạnh sườn Chúa bị tên lính đâm thủng, điều ấy cũng phải nói về Trái Tim Chúa, Trái tim ấy hẳn thật đã bị mũi đòng của tên lính đâm vào tới nơi, vì người lính ấy đã đâm như vậy để được chắc hẳn Chúa Giêsu đã chết thực rồi. Bởi vậy vết thương của Trái Tim Chúa Giêsu đã chết rồi, từ đây trải qua mọi thời đại sẽ còn là hình ảnh sống động của Tình Yêu Thiên Chúa tự ý tỏ ra lòng yêu đã ban Con Một mình để cứu chuộc loài người, và Chúa Giêsu đã yêu chúng ta hết thảy, yêu hết tình đến nỗi đổ hết máu mình ra làm của tế lễ trên núi Sọ vì ta : Chúa Kitô đã yêu ta và đã phó mình chịu chết làm của tế lễ thơm tho dâng cho Thiên Chúa vì ta.
B- Thánh Tâm Chúa họat động thế nào khi đã lên trời.
Sau khi Chúa Cứu chuộc chúng ta đã lên trời trong một thân xác sáng láng bởi ánh vinh quang trường cửu và ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Chúa vẫn yêu thương Giáo Hội là hiền thê của mình, với một tình yêu rất nồng nhiệt, làm rung động Trái Tim Chúa. Chúa mang trên tay chân và trên cạnh sườn năm dấu thánh sáng chói biểu dương ba chiến thắng của Chúa: thắng ma quỷ, thắng tội lỗi và thắng sự chết. Chúa cũng mang trong Trái tim Chúa như trong hộp rất quý báu hết kho tàng công nghiệp vô cùng của Chúa là hiệu quả của ba chiến thắng kia, và Chúa đem phân phát rộng rãi cho nhân loại Chúa đã cứu chuộc. Đó là một chân lý đầy an ủi mà vị tông đồ các dân ngoại đã nói đến trong câu này:
Lên cao, Chúa đã cho những người tù lên với và đã ban hồng ân cho thiên hạ…Đấng đã xuống, chính là Đấng đã lên trên các tầng trời, để làm cho đầy hết mọi sự.
Khi sai Chúa Thánh Thần xuống.
Ban Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ là dấu hiệu rõ ràng và thứ nhất, tỏ lòng Chúa yêu thương ban ơn rộng rãi, sau khi đã lên trời ngự bên hữu Đức Chúa cha. Vì thật sau 10 ngày, Chúa Thánh Thần do Đức Chúa Cha ban, đã xuống trên các tông đò đang họp trong nhà Tiệc Ly như lời Chúa đã hứa trong bữa Tiệc Ly: Thày sẽ xin với Đức Chúa Cha, và Cha sẽ ban cho chúng con Đấng Bênh Vực khác, sẽ ở mãi mãi với chúng con. Chúa Thánh Thần, vì là yêu đứng thành một Ngôi, và là yêu Chúa Cha yêu Chúa Con, của Chúa Con yêu Chúa Cha, nên cả hai Cha con cũng sai xuống, Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa mà xuống, và đổ đầy linh hồn các tông đồ tình yêu mến và nhiều ơn riêng khác rất trọng bởi trên trời ban cho.
Việc đổ tình yêu ấy cũng phát sinh từ Trái tim Chúa Cứu Chuộc chúng ta, trong đó đã giấu kín tất cả những kho tàng khôn ngoan, thông biết. Quả thế, tình yêu ấy vừa là ơn của Thánh Tâm Chúa Giêsu vừa là ơn của Thần Chúa Giêsu, tức là Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần là Thần của Chúa Cha và Chúa Con, chính bởi Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội đã phát sinh và đã bành trướng ra cách lạ lùng khắp các dân trước khi đã thờ cúng tà thần, đã thù ghét lẫn nhau và đã sống trong những phong tục hủ bại hung ác. Chính tình yêu ấy là ơn rất quý báu của Trái Tim Chúa Giêsu và Thần của Chúa Giêsu ban, chính tình yêu ấy đã ban cho các thánh tông đồ và các thánh tử đạo được sức mạnh chiến đấu đến chết, chết anh hùng để rao giảng chân lý Phúc âm và đổ máu mình ra để làm chứng: chính tình yêu ấy cũng làm cho các vị Tiến sĩ trong Giáo Hội ái mộ nhiệt thành giải thích và bảo vệ Đức Tin công giáo, chính tình yêu ấy nuôi nấng nhân đức các thánh hiển tu và thúc đẩy các vị ấy làm những việc rất ích lợi và đáng khâm phục, ích lợi cho linh hồn mình, linh hồn người khác, ích lợi cho cả đời này cả đời sau; sau hết tình yêu ấy đã soi dẫn cho các thánh đồng trinh tự ý chê bỏ những thú vui xác thịt và dâng trót mình để yêu mến một người bạn ở trên trời. Để ca tụng tình yêu cao siêu ấy, đã tràn ra bởi Trái Tim Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, đã đổ vào lòng các tín hữu do quyền phép Chúa Thánh Thần. Vị Tông đồ các dân ngoại đã viết một bài ca chiến thắng, bài ca ấy cao rao sự hiển thắng của Chúa Kitô là Đầu, và các giáo hữu là phần mình mầu nhiệm Chúa, đã thắng được hết những trở ngại ngăn cản việc thiết lập Nước yêu mến của Thiên Chúa giữa nhân loại: Ai phân ly ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô? Khổ cực ư? Ưu sầu ư? Bách hại ư? Trần truồng ư? Nguy hiểm ư? Gươm giáo ư? Nhưng trong tất cả những gian khổ ấy, nhờ Đáng đã yêu chúng ta, chúng ta có thừa chiến thắng. Đúng thế, tôi chắc chứan rằng: Chết cũng không, sống cũng không, thiên thần cũng không, chức quyền cũng không, hiện tại cũng không, tương lai cũng không, sức lực cũng không, trên cao cũng không, dưới sâu cũng không, bất luận tạo vật nào cũng không thể phân ly chia rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa đã biểu lộ trong Chúa Kitô Chúa chúng ta.
Thánh Tâm với Ngôi Hai Thiên Chúa, với lót sự mầu nhiệm Cứu Chuộc.
Vậy không gì ngăn trở chúng ta thờ lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu vì Thánh Tâm hằng tham dự vào việc yêu, lại là dấu hiệu tự nhiên và rất rõ chỉ mối tình yêu vô hạn vẫn còn cháy lên trong Chúa Cứu Thế đối với nhân loại. Dẫu Trái Tim ấy không còn liên lụy với những thay đổi, như khi còn sống ở trần gian, tuy vậy Trái Tim Chúa vẫn sống vẫn đập và kết hợp chặt chẽ không thể tách biệt được với Ngôi Hai Thiên Chúa, và trong Ngôi Hai cùng nhờ Ngôi Hai, lại hợp nhất với ý muốn của Thiên Chúa. Bởi Thánh Tâm đầy tràn tình yêu Thiên Chúa tính và tình yêu nhân tính, và là kho tàng chứa đầy mọi ơn Chúa cứu chuộc chúng ta đã lập được bởi đã sống, đã chịu đau khổ, chịu chết, cho nên Thánh Tâm Người là Nguồn vô tận chảy ra tình yêu mà Thần của Chúa Giêsu (là Chúa Thánh Thần) hằng đổ vào lòng các giáo hữu là phần mình mầu nhiệm Chúa.
Như thế Thánh Tâm Chúa cũng phản chiếu một cách nào đấy, hình ảnh của Ngôi Hai và hai bản tính: Thiên Chúa tính và nhân tính, và ta có thể coi Trái Tim không những là biểu hiện mà còn là một Tổng Kết lót sự mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại. Khi chúng ta thờ lạy Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, thì cũng một trật chúng ta thờ lạy trong Thánh Tâm và nhờ Thánh Tâm, cả tình yêu tư hữu của Ngôi Hai Thiên Chúa, cả tình yêu nhân tính của Chúa với tất cả những cảm tình và các nhân đức khác của Chúa, bởi vì cả hai thứ tình yêu đó đã thúc đẩy Chúa Cứu chuộc chúng ta hy sinh vì chúng ta và tất cả Giáo Hội, là hiền thê của Chúa theo như lời Thánh Tông đồ: “Chúa Kitô đã yêu Giáo Hội, và đã hiến thân vì Giáo Hội để thánh hóa Giáo Hội, làm cho Giáo Hội nên thanh sạch bởi nước rửa cùng với lời đọc, vì Chúa muốn dẫn đưa đến trước mặt mình một Giáo Hội thật sáng láng, không mắc tỳ ố, không vết dăn dúm hay cái gì tương tự, nhưng thánh thiện và tinh bạch”.
Trước Chúa Kitô đã yêu Giáo Hội thế nào, nay Chúa vẫn còn yêu Giáo Hội thể ấy, là yêu rất nồng nàn là ba thể tình yêu hợp lại, như Ta đã nói trên, chính tình yêu ấy hằng thúc đây Chúa, như một vị biện hộ, kêu xin Đức Chúa Cha thương xót và ban ơn cho chúng ta. Vì Người hằng sống để cầu bầu cho chúng ta. Những lời cầu xin phất xuất tự lòng yêu vô tận của Người hằng dâng lên Đức Chúa Cha không lúc nào ngơi.
Như khi còn sống ở trần gian, ngày nay ở trên trời nơi Người hiển thắng, Chúa vẫn cầu xin Đức Chúa Cha một cách đắc lực: “Chúa bày tỏ cho Đấng đã yêu dấu nhân gian đến nỗi ban Con Một mình để ai tin ở Chúa sẽ không hư mất nhưng được sống đời đời”, nghĩa là Chúa bày tỏ cho Đức Chúa Cha trái tim sống động và ra như còn bị thương, lại đang cháy một tình yêu nồng nhiệt hơn là khi đã chết và bị mũi đòng của tên lính La mã đâm vào: Trái Tim Chúa đã bị thương để nhờ vết thương nhìn thấy được chúng con nhìn thấy vết thương Tình yêu không nhìn thấy được.
Vậy không còn lý do gì mà nghi nan: Đức Chúa Cha Đấng đã không tha Con mình, nhưng đã phó Con mình chịu chết vì chúng ta hết thảy, khi thấy Người biện hộ như thế kêu xin với một nhiệt tình như thế, ắt vì Người, sẽ không lúc nào thôi đổ muôn vàn ơn xuống cho cả nhân loại.
IV. SỰ TÔN THỜ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU PHÁT SINH VÀ PHÁT TRIỂN DẦN DẦN THẾ NÀO?
A- Tôn kính năm dấu thánh là dấu chỉ đầu tiên của sự tôn sùng Thánh Tâm.
Thưa các Hiền đệ khả kính, Ta đã muốn trình bày với các Hiền đệ và Dân công giáo, đại khái tính chất sâu xa của việc tôn thờ Thánh Tâm và những nguồn ơn vĩnh viễn từ đấy phát ra, mà khi là việc này Ta đã căn cứ vào giáo lý mặc khải như nguồn gốc chính. Ta tưởng rằng những lý luận Ta đã đưa ra ở trên, nhờ ánh sáng Phúc âm chiếu vào, đã bộc lộ rõ rệt rằng: việc tôn sùng này, nói tóm lại, không phải là sự gì khác, chỉ là tôn thờ tình yêu của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, cả tình yêu Thiên Chúa tính, cả tình yêu nhân tính, lại cũng chỉ là tôn thờ tình yêu của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần cũng thương yêu loài người tội lỗi. Quả thế, theo như thánh Tiến sĩ Thiên Thần đã dạy: Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là căn nguyên việc cứu chuộc loài người, nghĩa là tình yêu ấy đã tràn vào ý chí nhân tính của Chúa Giêsu, vào Trái Tim đáng tôn thờ của Người, và khiến Người đã xúc động bởi cũng một tình yêu ấy, đổ máu ra để cứu chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi: Ta phải chịu một phép Rửa và cho đến ngày chịu xong, ta khắc khoải chừng nào.
Vậy Ta chắc chắn rằng: sự kính thờ tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu đối với nhân loại, dưới biểu hiệu Trái Tim bị đâm qua của Chúa Kitô chịu đóng đanh vào khổ gía, không bao giờ đã là một việc xa lạ hẳn với lòng sùng kính của giáo hữu, dẫu rằng chỉ mãi đến thời gần ta đây sự tôn sùng đó mới được biết rõ ràng và được truyền bá nhanh chóng lạ lùng khắp cả Giáo Hội, nhất là sau khi chính Chúa đã tỏ sự kín nhiệm cực thánh ấy cho một vài người con được Chúa ban nhiều ơn, và chọn làm sứ giả, làm người rao truyền ý Chúa.
Thực ra không có thời nào mà không có những người kính mến Chúa cách riêng, đã noi gương Đức Mẹ Chúa Trời, gương các thánh Tông đồ, các thánh Giáo phụ lỗi lạc, và đã thờ lạy, cảm tạ, yêu mến nhân tính cực thánh Chúa Giêsu, nhất là những thương tích đã làm rách nát thân xác Chúa trong khi Chúa chịu tử nạn để cứu chuộc loài người.
Những lời: Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa là Chúa tôi, thánh Tôma tông đồ đã nói, những lời ấy tỏ rõ: Trước người đã không tin, sau đã trở nên người có đức tin, nào những lời ấy không phải là lời xưng đức tin, xưng lòng tôn thờ, kính mến, đi từ nhân tính Chúa bị đau thương lên đến Ngôi Hai Thiên Chúa uy linh ư? Trái Tim Chúa Cứu Thế bị đâm qua đã luôn luôn thúc đẩy người ta cách mạnh mẽ hơn kính nhớ Tình yêu vô cùng của Chúa đối với loài người, và những lời sau đây của tiên tri Giacaria mà thánh Gioan đã đem về Chúa Giêsu chịu đóng đanh, thật là những lời nói cho những người tin theo Chúa Giêsu, chẳng kỳ thời đại nào: Họ ngửa mặt trông Đấng họ đã đâm! Tuy vậy, nhưng phải thừa nhận rằng: sự kính thờ cách riêng Trái Tim Chúa vì là hình ảnh tình yêu nhân tính và thần tính của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người chỉ dần dần mới có như ngày nay.
B- Những bước đầu tiên và sự tiến triển của việc tôn sùng này suốt thời Trung cổ và trong các thế kỷ sau.
Nếu muốn lược qua những giai đoạn lớn của việc tôn sùng này trải qua lịch sử sùng kính trong Đạo ta, tức khắc Ta nghĩ đến tên tuổi mấy Đấng có tiếng hơn cả trong việc này và phải kể là những vị dẫn đầu trong việc tôn sùng này, trước chỉ là việc tôn sùng tư trong các dòng tu, nhưng đã dần dần tiến lên mạnh một ngày một hơn. Ta kể làm tỉ dụ tên mấy Đấng đã có công làm vững chắc và phát triển dần dần việc tôn sùng Thánh Tâm, là thánh Bonaventura, thánh Anbertô Cả, bà thánh Gertruđê, bà thánh Catarina thành Sienna, Chân phúc Henri Susô, thánh Phêrô Canisiô, thánh Phanxicô đệ Salê. Thánh Gioan Euđê là tác giả kinh nguyện phụng vụ đầu tiên về Thánh Tâm, và ngày 20 tháng 10 năm 1672 lễ trọng thể kính Thánh Tâm đã được cử hành lần đầu tiên với sự ưng chuẩn của nhiều Giám mục nước Pháp. Nhưng trong đám người cổ động việc sùng kính này, bà thánh Magarita Maria Alacoque giữ một địa vị đặc biệt; chính là nhờ sự nhiệt thành sốt sáng của bà thánh này và nhờ sự giúp đỡ của chân phúc Claude de la Colombière, cha linh hồn bà, mà sự tôn sùng này được thành lập và bành trướng mạnh mẽ khiến cho giáo dân ngac nhiên, lại nhờ hai đặc tính của nó là yêu mến và đền tạ nên nó được chú trọng hơn các sự sùng kính khác.
Chỉ nhắc lại nguyên thời kỳ sự sùng kính này phát triển cũng đủ để hiểu rõ rằng: sự tiến triển lạ lùng của nó là do sự nó hòa hợp hoàn toàn với bản chất đạo Chúa Giêsu, là Đạo yêu thương. Vậy không được nói rằng: sự sùng kính này đã phát xuất do mạc khải tư, nghĩa là Thiên Chúa đã tỏ riêng cho ai, hay là đã đột xuất trong Giáo Hội; nhưng nó đã tự nhiên nẩy nở ra do lòng tin mạnh mẽ và lòng sốt sáng kính mến các linh hồn, đã chịu nhiều ơn, đối lại với Chúa Cứu Thế và các thương tích sáng láng của Chúa, là những bằng chứng rất cảm động tỏ lòng yêu thương vô lượng của Chúa. Như thế, rõ ràng lắm, những điều Chúa đã tỏ ra cho Thánh nữ Magarita Maria không mang lại gì mới cho Giáo lý công giáo. Nó chỉ quan trọng ở chỗ này là Chúa Giêsu Kitô tỏ Thánh Tâm ra như thế thì đã muốn kêu gọi cách lạ và cách riêng mọi người suy ngắm và kính thờ lòng yêu rất thương xót của Chúa đối với nhân loại. Vì khi tỏ Trái Tim cách đặc biệt này, Chúa đã nói những lời rõ rệt, nói đi nói lại, chỉ dạy cho ta biết Trái tim Chúa là như một biểu hiệu hấp dẫn người ta nhận biết tình yêu của chúa, đồng thời Chúa đặt Trái Tim Chúa làm dấu hiệu và bảo đảm Chúa sẽ thương xót và ban ơn theo mọi nhu cầu của Giáo Hội, trong thời đại chúng ta.
C- Tòa Thánh phê chuẩn lễ kính Thánh Tâm.
Hơn nữa, việc Tòa Thánh đã phê chuẩn lễ kính Thánh Tâm cách long trọng trước khi có những tập văn của bà thánh Magarita, minh chứng một cách hiển nhiên rằng: việc tôn sùng này phát xuất tự những nguyên lý của đạo Chúa. Thực thế, không phải vì chú trọng đến điều Chúa đã tỏ riêng cho ai, nhưng chính vì muốn đáp ứng nguyện vọng của giáo dân mà Thánh bộ Nghi lễ ra sắc lệnh ngày 25 tháng Giêng năm 1765, mà Đức tiên Giáo Hoàng Clêmentê thứ XIII chuẩn y ngày mồng 6 tháng Giêng năm ấy, đã ban phép cho các Giám mục Balan và Tổng Hội Thánh Tâm ở La mã được làm lễ kính Thánh Tâm; làm thế, Tòa Thánh có ý khuyếch trương một thể thức tôn súng đã có và đang thịnh hành, thể thức tôn sùng này dùng một biểu hiệu để nhắc lại lòng yêu Thiên Chúa, lòng yêu đã thúc đẩy Chúa Cứu Thế dâng chính mình làm của lễ đền tội cho loài người. Sự phê chuẩn lần đầu tiên này, Tòa Thánh mới ban như một đặc ân, và có hạn chế ít nhiều. Gần một thế kỷ sau, lại có một phê chuẩn khác nữa, lần này có tính chất quan trọng với những lời công bố long trọng hơn nhiều. Đó là Sắc Lệnh Ta đã nói đến ở trên, do Thánh Bộ Nghi Lễ ra ngày 23 tháng 8 năm 1856, Đức Tiên Giáo Hoàng Piô thứ IX vạn thế lưu danh, thể theo những lời kêu xin của các Giám mục nước Pháp và khắp cả thế giới công giáo, đã truyền làm lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong cả Giáo Hội, và truyền phải cử hành lễ cho xứng đáng. Việc đó anh chị em giáo hữu nên ghi lòng tạc dạ, vì như Ta đọc trong phần Phụng vụ lễ ấy: Từ nay sự tôn sùng Thánh Tâm như con sông đầy tràn, lật đổ mọi ngáng trở và lan tràn trên khắp hoàn cầu.
D- Tôn thờ Thánh Tâm có hiệu lực thế nào đối với sự đi đàng nhân đức trọn lành.
Thưa các Hiền Đệ khả kính, theo những điều Ta đã nói từ trên đến giờ, thực đã tỏ rõ, cần phải xét sự tôn sùng Thánh Tâm từ Thánh Kinh, từ Giáo lý lưu truyền và Phụng vụ, vì đó là như nguồn trong suốt sâu xa của nó, muốn hiểu thấu bản chất thiết yếu của nó và bởi suy ngắm bản tính ấy kiếm được của ăn bồi dưỡng và tăng gia lòng đạo đức sốt sáng. Nếu ân cần chịu khó làm việc tôn sùng này, một cách sáng suốt hiểu biết và nhìn xa, không có nhẽ gì một linh hồn trung tín lại không đi tới sự hiểu biết êm dịu, hiểu biết lòng yêu Chúa Kitô, là tuyệt đích đời sống công giáo, như thánh Tông đồ, theo kinh nghiệm ở nơi mình, đã nói: Vì thế tôi quỳ trước nhan thánh Chúa Cha, Cha của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, xin Cha thương, theo sự phong phú trong kho vinh quang của Cha, Cha ban cho anh em được sức mạnh trong Thần Linh của Cha, để anh em nên con người sống bên trong với Chúa, nguyện xin Chúa Kitô ngự trong lòng anh em nhờ Đức Tin, ước mong anh em đâm rễ và có nền vững trong Đức Mến, để anh em có thể biết lòng yêu của Chúa Kitô vượt qúa mọi sự hiểu biết, để anh em được sung mãn mà vào trong sự sung mãn chung của Thiên Chúa.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là hình ảnh rất rõ rệt sự sung mãn ấy của Thiên Chúa bao quát mọi sự: Ta muốn nói đến sự sung mãn về lòng thương xót là đặc điểm của Tân Ước, trong Tân Ước chúng ta đã thấy xuất hiện lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, và lòng yêu thương của Chúa đối với mọi người. Vì Thiên chúa không sai Con xuống thế gian để luận phạt thế gian nhưng để nhờ Người mà thế gian được cứu rỗi.
Giáo Hội có sứ mệnh giảng dạy nhân loại, từ khi công bố những văn kiện chính thức về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, vẫn hằng tin rằng: những lẽ chính về việc tôn sùng này, nghĩa là việc kính mến và đền tạ, có ý kính thờ tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đối với nhân loại, không có gì là mầu sắc duy vật hay dị đoan, trái lại đây là một thể thức sùng kính, rất hợp với sự thờ phượng trong lòng và trong sự thật, mà chính Chúa Cứu Thế cũng đã nói đến khi phán bảo người phụ nữ xứ Samaria rằng: Đã đến giờ và chính giờ này, những người thờ lạy chân chính sẽ thờ lạy Đức Chúa Cha trong lòng và trong sự thật. Đức Chúa Cha muốn những người thờ lạy như vậy: Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, những người thờ lạy Thiên Chúa phải thờ lạy trong lòng và trong sự thật. Cho nên không được nói rằng: Nhìn ngắm Trái Tim thể chất của Chúa Giêsu là làm ngăn trở không cho đi tới tình yêu mật thiết của Thiên Chúa và làm cho linh hồn phải chậm lại trong con đường đi tới những nhân đức cao xa nhất.
Giáo Hội triệt để phi bác lý thuyết sai lầm đó, như đời Đức Tiên Giáo Hoàng Inôxentê XI, vạn thế lưu danh, Giáo Hội đã phi bác lời những người dám nói rằng: “Những ai theo đường sống bên trong với Chúa, không nên giục lòng yêu mến Đức Mẹ, các thánh hay là nhân tính Chúa Kitô, vì các đối tượng ấy thuộc phạm vi cảm giác thì sự yêu mến thuộc đối tượng ấy cũng thuộc phạm vi cảm giác. Không một loài thụ tạo nào ngay cả đến Đức Trinh Nữ Maria cũng không được chiếm chỗ trong lòng chúng ta vì Thiên Chúa muốn chiếm lòng ta và giữ lấy cho một mình Chúa mà thôi”. Đã rõ những ai nghĩ như vậy tức là cho rằng hình ảnh Trái Tim Chúa Kitô không còn tượng trưng cho cái gì cao hơn tình yêu cảm giác của người nữa, và không có gì làm nền tảng mới cho việc thờ lạy chỉ xứng cho bản tính Thiên Chúa mà thôi. Nhưng ai mà chẳng nhận thấy rằng: cách giải nghĩa ảnh thánh như thế là sai lầm hẳn vì như thế là thu bé vào những giới hạn quá hẹp hòi ý nghĩa siêu việt của các ảnh tượng.
Các nhà thần học không nghĩ và không dạy như vậy. Thánh Tôma đã viết: Đối với các ảnh tượng trong đạo, không tôn thờ các ảnh tượng đó vì chính nó, như thể chính nó là những sự vật đáng kính, nhưng vì nó là những hình ảnh dẫn đến Thiên Chúa làm người. Như vậy những việc ta làm đối với hình ảnh sẽ không dừng lại ở nơi ảnh, nhưng tiến lên đến Đấng mà hình ảnh biểu dương ra. Bởi vậy khi tôn thờ các ảnh tượng Chúa Kitô, thì cũng là làm việc thờ lạy Thiên Chúa, cũng là nhân đức thờ phượng, không khác gì. Cho nên chính là có ý kính thờ ngôi vị của Đức Chúa Con làm người, Ngôi vị đó là như cùng đích sự kính thờ của chúng ta nhằm vào, khi ta kính ảnh tượng, đã hẳn đây phải hiểu là sự kính thờ chỉ vị, dù là kính những di tích chỉ về những hình khổ rất dữ Chúa Cứu Thế đã chịu vì ta, dù là kính chính ảnh tượng có sức và có ý nghĩa hơn mọi ảnh, là Trái Tim Chúa Kitô đã bị đâm thủng, khi Chúa chịu treo trên khổ giá. Bởi thế từ một vật thể chất là Trái Tim Chúa Giêsu và ý nghĩa tượng trưng của cơ thể ấy, nhờ đức tin nâng đỡ, ta có thể và rất nên tiến lên không những để ngắm xem tình yêu cảm giác của Chúa mà còn tiến lên cao hơn nữa để suy ngắm và thờ lạy Tình yêu rất cao cả Thiên Chúa đã đổ vào linh hồn Người và sau hết linh hồn chúng ta ra như bay lên cách êm ái và cao, bay lên để suy ngắm và thờ lạy tình yêu Thiên Chúa tính của Đức Chúa Con làm người có xác thịt, bởi vì theo đức tin dạy, chúng ta đã tin: hai bản tính, Thiên Chúa tính và nhân tính hợp nhất trong Ngôi vị Chúa Kitô, chúng ta có thể suy thấy những mối quan hệ rất chặt chẽ giữa tình yêu cảm giác của Trái tim xác thịt Chúa Giêsu với hai tình yêu thiêng liêng kia, là tình yêu nhân tính và tình yêu Thiên Chúa tính của Người nữa. Mà chúng ta phải hiểu: ba mối tình yêu ấy không những ở chung với nhau trong Ngôi vị đáng tôn thờ của Chúa Cứu thế, nhưng còn kết hợp với nhau như tự nhiên vậy, mà tình yêu cảm giác và nhân- tính phục tùng tình yêu Thiên-Chúa-tính, và trở nên giống hệt với tình yêu Thiên- Chúa-tính. Nhưng ta không dám nói phải hiểu về Trái tim Chúa thể này, là trong Trái tim Chúa có và ta phải thờ lạy một hình ảnh quy mô, nghĩa là hình ảnh hoàn toàn và tuyệt đối tả rõ và đầy đủ tình yêu Thiên-Chúa-tính, vì lẽ không có hình ảnh thụ tạo nào có thể tả ra cách rõ ràng đầy đủ bản chất thâm thiết của tình yêu ấy được; thế nhưng người giáo hữu khi tôn thờ Thánh Tâm thì hợp cùng Giáo Hội mà tôn thờ một biểu hiệu và một di tích của tình yêu Thiên Chúa đã đi xa đến nỗi dùng Trái tim Đức Chúa Con làm người có xác thịt mà yêu thương nhân loại đã ra nhơ ố vì bao tội lỗi. Vậy trong vấn đề quan trọng và tế nhị này, mọi người phải nhớ rằng: cái chân lý về biểu hiệu tự nhiên liên kết Trái Tim thể chất Chúa Giêsu với Ngôi vị của Đức Ngôn, thì hoàn toàn ở trong chân lý căn bản là sự hai bản tính hợp lại trong một Ngôi Thiên Chúa. Nếu ai chối cãi điều đó, tức là tái đề những sai lầm mà Tòa Thánh đã nhiều lần luận phi, bởi vì nó trái ngược với tín điều dạy trong Chúa Kitô chỉ có một Ngôi, nhưng có hai bản tính phân biệt nhau va tờn vẹn cả hai.
Chân lý căn bản đó làm cho ta hiểu tại sao Trái Tim Chúa Giêsu lại là Trái tim của Ngôi Thiên Chúa, của Đức Chúa Con làm người có xác thịt, và như thế Trái tim ấy trưng bày, và hính như đặt trước mặt chúng ta tất cả tình yêu Chúa đã yêu và còn đang yêu chúng ta bây giờ. chính vì lẽ đó nên phải cho việc tôn thờ Trái tim Chúa Giêsu là quan trọng lắm, đến nỗi nếu thực hành việc tôn sùng ấy thì kể là giữ đạo Chúa Giêsu cách hoàn hảo. Quả vậy, đạo Chúa Giêsu hoàn toàn dựa vào vị Trung Gian vừa là người vừa là Thiên Chúa; thành ra không thể đi đến Trái Tim Thiên Chúa nếu không đi qua Trái Tim Chúa Kitô như chính Chúa đã phán: Ta là Đường, là Sự thật, là Sự Sống, chẳng ai đến với Cha mà không phải qua Ta. Như thế, chúng ta có thể kết luận dễ dàng rằng: Sự tôn sùng thánh Tâm Chúa Giêsu cốt tử là tôn thờ Tình Yêu Thiên Chúa đã dùng Chúa Giêsu mà yêu ta, đồng thời cũng là thi thố lòng yêu mến của ta đối với Thiên chúa và đối với các người khác; hay nói cách khác, sự tôn thờ này chú ý đến tình yêu Thiên Chúa đối với ta, nghĩa là chú ý đến tình yêu ta phải thờ lạy, phải cảm tạ, phải bắt chước, lại chú ý đến điều này, dường như cùng đích phải đạt được, là làm cho tình yêu ràng buộc ta với Chúa và với người khác được hoàn toàn bởi tuân giữ cách mau mắn sốt sáng một ngày một hơn giới răn mới mà Thày chí thánh đã trối lại cho các môn đệ như một di sản thiêng liêng theo lời người dạy bảo: Thày ban cho chúng con một giới răn mới, chúng con hãy thương yêu nhau như Thày đã yêu thương chúng con. Đây là giới răn của thày: chúng con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương chúng con”. Giới răn ấy thực là mới và là giới răn riêng Chúa Giêsu, vì theo lời Thánh Tôma: “Tân Ước và Cựu Ước chỉ khác nhau mấy tiếng”. Vì như lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Ta ký với nhà Israel một giao ước mới. Giới răn đó trong Cựu Ước có lý do và hiệu lực bởi sự kính sợ Chúa và lòng mến yêu thiêng liêng, như thế là quy hướng về Tân Ước, bởi vậy, giới răn đó có trong luật cũ nhưng không phải của riêng luật cũ, mà là sửa sạn cho luật mới.
V. KHUYÊN THỰC HÀNH CÁCH SÁNG SUỐT HƠN VÀ KHUYẾCH TRƯƠNG VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU.
A- Phải hiểu cho đúng và chịu khó thực hành sự tôn sùng Thánh Tâm.
Thưa các Hiền đệ khả kính, trước khi ngừng bút thôi viết về tính chất đích thực và giá trị tôn giáo của sự tôn sùng này, mà từ trước đến giờ Ta đã trình bày để các Hiền đệ suy ngắm – thật là những điều tốt đẹp đầy an ủi – nghĩ đến trách nhiệm tông đồ do Chúa ủy nhiệm trước nhất là cho thánh Phêrô, sau khi Thánh nhân đã ba lần xưng ra mình mến Chúa, Ta thiết tưởng đúng lúc này ta phải khuyến khích các Hiền đệ một lần nữa, và nhờ các Hiền đệ làm môi giới, khuyến khích tất cả các con cái Ta yêu dấu trong Chúa Giêsu, để mọi người nhiệt thành hơn cổ động cho việc tôn sùng rất êm dịu này. Ta tin rằng bởi đó sẽ phát sinh rất nhiều ơn ích cho thời đại chúng ta. Thực ra, nếu cân nhắc kỹ lưỡng những lý lẽ làm nền tảng cho sự tôn sùng Trái tim Đức Chúa Giêsu bị đâm xé, thì ai ai cũng thấy rõ rằng đây không phải là một hình thức đạo đức tầm thường mà mỗi người có thể tự do liệt vào hạng kém, hay coi khinh. Nhưng không, đây là một việc thờ phượng rất có sức đưa tới bậc trọn lành. Vì tôn sùng (hay sùng kính) – theo ý nghĩa phần đông các nhà thần học dạy và chính thánh Tiến sĩ Thiên thần dạy nữa – không phải là sự gì khác mà chỉ là ý muốn trao phó mình cách mau mắn vào những công việc chỉ về sự làm tôi Thiên Chúa, nếu vậy, trong sự làm tôi Thiên Chúa có việc nào vừa buộc, vừa cần thiết, đồng thời lại cao sang và êm dịu hơn việc hầu hạ Tình yêu Thiên Chúa và hầu hạ vì mến yêu chăng? Bởi vì việc hầu hạ nào chẳng kỳ đã tự ý làm đều là một ơn, mà yêu mến là ơn thứ nhất do đấy các ơn khác đều cho không. Cho nên phải quý trọng hình thức tôn thờ này hơn cả, vì nhờ nó người ta kính trọng và yêu mến Thiên Chúa hơn, nhờ nó người ta hiến thân cho Tình yêu Chúa một cách dễ dàng mau mắn hơn, và vì nó là cách tôn thờ chính Chúa Cứu Thế đã đoái thương đề xuất và khuyên giục các con dân thực hành, lại các Đức Giáo Hoàng đã bênh vực, đã ca tụng cách tôn thờ ấy trong những bức văn kiện đáng ghi nhớ. Bởi vậy ai dám coi khinh ân huệ cao trọng này Chúa đã ban cho Giáo hội tức là làm một điều còn có hại, và xúc phạm đến Thiên Chúa.
Như thế, không ai có thể hồ nghi điều này được là: hễ ai tôn sùng Thánh Tâm Chúa Cứu Thế tức là vâng giữ nghĩa vụ rất trọng đại buộc họ phải làm tôi Đức Chúa Trời, và đồng thời họ cũng dâng cho đấng Tạo thành và Cứu Chuộc chính mình họ với hết những gì thuộc về họ, cả những sự cảm thấy trong đáy lòng, cả những việc làm bề ngoài, và như thế họ tuân giữ giới răn Chúa dạy: Con hãy mến Đức Chúa Trời là Chúa con hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức con. Đàng khác họ được chắc chắn rằng họ động lòng sùng kính Thiên Chúa lý do chính không phải vì tư lợi, lợi phần hồn hay phần xác, đời này hay đời sau, nhưng vì sự tốt lành của chính Thiên Chúa, họ có ý kính sự tốt lành ấy bằng cách yêu mến, thờ lạy, cảm tạ Chúa. Nếu không như thế, sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu có lẽ không phù hợp với tính chất đích thực của Đạo Chúa Kitô, bởi vì kính thờ như thế, người ta không chú ý kính thờ Tình yêu Thiên Chúa trước nhất, và như thế thì có đủ lẽ mà chê trách, như thỉnh thoảng đã thấy có người trách như vậy, trách rằng: yêu mình quá, lo cho mình quá, trách những người hiểu sai, hay là thực hành việc sùng kính này cách không đúng. Cho nên mỗi người phải tin chắc rằng: việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải trước nhất hệ tại những việc bề ngoài, và lý do cũng không phải là để được những ơn Chúa Giêsu đã hứa riêng khi hiện ra với ai, vì Chúa đã hứa như vậy để thúc đẩy người ta sót sắng hơn làm đầy đủ các việc chính phải làm trong Đạo thánh, là kính mến và đền tạ, và do đấy, cũng lo đến lợi ích thiêng liêng cho chính mình, và lo được nhiều lắm.
Vậy Ta kêu gọi khuyên giục hết thảy các ôn cái của Ta trong Chúa Kitô hãy mau mắn nhận lấy để thực hành việc tôn sùng này: Cả những người đã quen kín múc ở mạch nước cứu rỗi vọt lên từ Trái Tim Chúa Cứu Thế, và nhất là những người còn đứng như khách bàng quan, ở xa mà trông với óc tò mò nghi nan. Ước chi họ chú ý nhận xét rằng việc tôn sùng này đã có từ lâu trong Giáo Hội như Ta đã nói trên, lại có nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh phù hợp với Giáo lý lưu truyền và phụng vụ, lại chính các Đức Giáo Hoàng đã nhiều phen ca tụng tán dương; không những các Ngài đã lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Cứu Thế và truyền mừng trong cả Giáo Hội, mà lại đã truyền dâng cách trọng thể cả nhân loại cho Thánh Tâm Chúa nữa. Sau hết chúng ta thấy những ơn ích rất nhiều rất trọng Giáo Hội đã được bởi đấy: vô vàn vô số người trở lại đạo, nhiều người được thêm lòng tin, tin mạnh hơn, các tín hữu kết hợp mật thiết hơn với Chúa Cứu thế rất đáng yêu mến của chúng ta: Các sự ấy trong mấy chục năm gần đây, thấy hay xẩy ra hơn và rõ rệt hơn. Khi nhận thấy quanh Ta, cái quang cảnh kỳ diệu như thế của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã lan rộng khắp mọi tầng lớp các tín hữu, và đang bốc cháy lên, Ta thực lấy làm yên ủi sung sướng, và sau khi cảm tạ Chúa Cứu chuộc chúng ta là kho tàng lòng nhân hậu vô biên, Ta không thể không lấy tình cha con mà mừng khen tất cả những ai bất kỳ giáo sĩ hay giáo dân đã họat động để truyền bá việc tôn sùng này.
B- Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu rất có ích, hợp với nhu cầu hiện đại của Giáo hội.
Thưa các Hiền đệ khả kính, dẫu rằng việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã sinh ơn ích ở khắp nơi cho đời sống công giáo, nhưng không ai mà không biết rằng: Giáo Hội chiến đấu ở trần gian và nhất là xã hội phần đời chưa đạt tới mức hoàn thiện đầy đủ tuyệt đối như sở nguyện của Chúa Giêsu là bạn mầu nhiệm của Giáo Hội và là đấng Cứu Chuộc nhân loại.
Quả vậy, không ít người con cái Giáo Hội đã quá bôi nhọ làm nhăn nheo xấu mặt Người Mẹ cực thánh này, tuy mặt họ cũng giống mặt Mẹ; không phải tất cả các giáo hữu đều sống một đời sống thánh thiện như Chúa kêu gọi; không phải các người có tội đều trở về nhà cha họ đã bỏ cách trái lẽ, về để mặc lại tấm áo thư nhất, xỏ nhẫn tượng trưng lòng trung thành với Bạn Trăm năm của linh hồn họ; không phải tất cả lương dân đã nhập giáo, thành chi thể của huyền thể Chúa Kitô. Còn nữa. Nếu Ta chua xót cay đắng thấy đức tin của kẻ lành suy nhược vì họ bị mê hoặc bởi ham muốn những sự giả trá thế gian, lòng sốt sáng kính mến ra nguội và dần dần tắt đi, thì Ta lại đau đớn hơn nhiều, khi thấy mưu mô của kẻ dữ tìm làm hại, ra như có quỷ hỏa ngục thúc đẩy họ, nên bây giờ hơn khi nào hết, lòng họ cháy lửa ghen ghét không nguôi được, ghen ghét tỏ tường, ghét Thiên Chúa, ghét Giáo Hội, và nhất là ghét Đấng thay mặt Chúa Cứu Thế ở dưới đất này, và làm tiêu biểu cho lòng yêu thương của Chúa đối với nhân loại theo như câu nói rất nhiều người biết của thánh Tiến sĩ thành Milan: “Người ta hỏi Phêrô, vì người ta nghi ngờ ông, nhưng Chúa hỏi ông mà không nghi ngờ, Chúa hỏi không phải để tìm biết, nhưng để dạy bảo người mà Chúa sắp lên trời có ý để lại làm tiêu biểu cho lòng yêu thương của Chúa”.
Thực thế ghen ghét Thiên Chúa, ghen ghét người chính thức đại diện Thiên chúa là một tội nặng nhất của con người, con người Chúa đã tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa để sau hưởng tình nghĩa với Chúa, tình nghĩa hoàn toàn bền vững mãi mãi trên trời, con người như thế không thể phạm tội nào nặng hơn, vì sự ghét Thiên Chúa có sức ly gián nhất, tách con người ra khỏi sự Toàn Thiện, và thúc đẩy nó xua ra khỏi mình và các người thân cận mình tất cả những gì do Thiên Chúa mà đến, tất cả những gì kết hợp với Thiên Chúa, tất cả những gì đưa tới sự hưởng Thiên Chúa, nghĩa là: chân lý, nhân đức, hòa bình và sự công chính. Khốn thay, – nhưng điều này dễ nhận thấy, số những kẻ khoe mình là thù địch của Thiên Chúa tăng thêm ở nơi nọ nơi kia, những sự lầm lạc của duy vật lan tràn bởi việc làm và tuyên truyền, những cách phóng túng buông theo khoái lạc được ca ngợi khắp nơi, vì thế có lạ gì mà trong lòng nhiều người đức mến yêu nguội đi, mến yêu là lề luật tối cao của Kytô giáo, là nền tảng vững chắc nhất của sự công chính thật và hoàn toàn, là nguồn chính của hòa bình và những niềm vui trong sạch. Chúa Cứu chuộc chúng ta đã phán bảo: “Vì gian ác gia tăng nên lòng mến yêu của nhiều người sẽ nguội”.
C- Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là cờ cứu rỗi, cả cho thế giới hiện kim nữa.
Thưa các Hiền đệ khả kính, nhìn xem bấy nhiêu sự dữ, lúc này hơn khi nào hết, đang đảo lộn làm xao xuyến cá nhân, gia đình, quốc gia và toàn thế giới cách tàn khốc như thế, thì tìm ở đâu phương dược? Có thể tìm được một thể thức đạo đức nào hay hơn sự tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu, hợp với tính chất đức tin công giáo hơn, và đáp lại nhu cầu hiện tại của Giáo hội và nhân loại cách thích ứng hơn chăng? Có sự tôn sùng nào cao trọng hơn, êm dịu hơn, có ích cho sự rỗi hơn sự tôn sùng này chăng, bởi vì lót sự tôn sùng này đều nhằm vào chính Tình Yêu Thiên Chúa? Sau hết có gì hiệu nghiệm hơn Tình Yêu Chúa Kitô – nhờ sự tôn sùng Thánh Tâm, tình yêu ấy được bồi dưỡng và gia tăng một ngày một hơn – có gì hiệu nghiệm hơn để thúc đẩy tín hữu đem ra thực hành luật Phúc âm chăng, mà thật, nếu không giữ luật ấy không tài nào thiết lập được hòa bình đích thực giữa mọi người, như lời Chúa Thánh Thần đã dạy tỏ rằng: Hòa bình là công trình của công chính: Opus justitiae pax.
Bởi thế, theo gương Đức Giáo Hoàng liền trước Ta, Ta rất vui thích nhắc lại cho hết các con cái Ta trong Chúa Kitô, những lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vạn thế lưu danh, đã phán bảo các tín hữu, đồng thời cũng bảo tất cả những ai thực tình lo cho vận mệnh của mình và vận mệnh của nước mình rằng: “Đây ngày nay một biểu hiệu khác, điều rất lành, và rất linh thiêng hiện ra trước mắt chúng ta: đó là Thánh Tâm Chúa Giêsu rực rỡ ánh huy hoàng khôn sánh giữa những ngọn lửa. Ta phải đặt mọi hy vọng vào đấy, phải cứ đấy mà khấn xin trông đợi sự cứu rỗi cho loài người”.
Đây cũng là ước nguyện tha thiết nhất của Ta, là được thấy hết thảy những ai tự hào là người công giáo và đang vất vả chiến đấu để mở rộng Nước Chúa trong thế giới, đều nhận lấy sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu như cờ hiệu và như nguồn sinh ra sự duy nhất, ơn cứu rỗi và hòa bình. Nhưng đừng ai nghĩ rằng sự tôn sùng này sẽ làm tổn thương đến các việc đạo đức khác mà dân công giáo, dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội, thường làm để kính Chúa Cứu thế. Trái lại sự nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu chắc chắn sẽ bồi dưỡng và phát triển các sự tôn sùng khác nhất là sự kính Thánh Giá, và sự mộ mến phép thánh Thể. Ta có thể quyết – mà điều Ta quyết rất hợp với những điều Chúa Giêsu Kitô đã tỏ ra cho bà thánh Gertruđê và bà thánh Magarita Maria – là: không ai có thể thấu hiểu về Chúa Giêsu chịu đóng đanh nếu không vào tận cung thánh huyền nhiệm của Trái Tim Chúa trước đã. Và cũng khó mà hiểu được sức mạnh của tình yêu đã thúc đẩy Chúa Kitô lấy chính mình làm của nuôi linh hồn chúng ta, nếu không có lòng sùng kính cách riêng Trái Tim Thánh Thể Chúa Giêsu, vì mục đích của sự sùng kính này – Ta dùng chính lời Đức Tiên Giáo hoàng Lêô XIII mà nói – là nhắc lại lòng yêu dấu say sưa, vì yêu như thế, Chúa Cứu Chuộc chúng ta, muốn đỏ ra hết kho tàng của Trái tim Chúa, và muốn ở lại với chúng ta đến tận thế, nên đã lập phép Thánh Thể”. Vì rằng: Phép Thánh Thể Chúa đã ban cho ta vì Trái Tim Chúa yêu thương chúng ta dường ấy, thì phép ấy không phải là một phần nhỏ bé của Trái tim Chúa đâu”.
Sau hết, vì Ta ước ao hết sức muốn đặt một hàng rào vững chắc để ngăn những mưu mô độc dữ của kẻ thù ghét Thiên Chúa và Giáo Hội, lại ước ao dẫn dắt gia đình xã hội trở lại kính mến Thiên Chúa và thương yêu người ta, nên Ta không ngại tuyên bố rằng sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là phép rất linh nghiệm, dạy cho ta biết yêu mến Thiên Chúa, tình yêu ấy phải là nền tảng cho Nước Thiên Chúa cần phải lập trong lòng mỗi người, trong mọi gia đình, mọi quốc gia, theo như lời rất khôn ngoan của Đức Tiên Giáo Hoàng: “Nước Chúa Kitô được sức mạnh và có thể thức bởi đức kính mến: yêu mến cách thanh sạch và trong trật tự, đó là nền và đỉnh Nước ấy. Do đấy, hẳn phải có theo những sự sau này: chu đáo trong việc bổn phận; không phạm đến quyền lợi ai; lấy sự thế gian làm kém sự trên trời; lấy sự kính mến Đức chúa Trời làm hơn mọi sự.
Nhưng để việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu sinh ơn ích dồi dào hơn cho gia đình công giáo và cho toàn thể nhân loại, các giáo hữu hãy lo kết hợp chặt chẽ sự tôn sùng Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ Maria với sự tôn sùng Thánh Tâm. Bởi vì trong việc cứu chuộc loài người, Đức Chúa Trời đã muốn Đức Mẹ Maria hằng hợp với Chúa Giêsu không lìa tách được, cho đến nỗi chúng ta được ơn cứu rỗi là bởi lòng yêu thương và những khổ hình của Chúa cùng với lòng yêu và những đau khổ của Mẹ Chúa đã hợp lại cách rất mật thiết, cho nên dân công giáo, vì đã được sự sóng thiêng liêng bởi Chúa Kitô nhờ Đức Mẹ Maria, khi đã làm việc tôn thờ Thánh Tâm cho phải phép rồi, lại làm những việc tỏ lòng hiếu thảo, yêu mến, biết ơn, đền tạ, đối với Trái Tim rất yêu mến của Mẹ trên trời, thì đó thật là điều xứng hợp lắm. Đó thật là ý nghĩa rất khôn ngoan và rất êm dịu của Chúa Quan Phòng, và lễ nghi cung hiến đáng ghi nhớ kia, chính Ta đã long trọng dâng Giáo Hội và cả thế giới cho Trái tim vô nhiễm Đức Trinh Nữ Maria, thì hợp với ý ấy mọi đàng.
Thưa các Hiền đệ khả kính, bởi vì năm nay được một trăm năm, kể từ khi Đức Tiên Giáo Hoàng Piô IX truyền mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong toàn thể Hội Thánh, như ta đã nói đến ở trên, Ta hết lòng mong ước rằng: nhân dân công giáo khắp nơi mừng trọng thể kỷ niệm một trăm năm này bằng những lễ nghi công khai để thờ lạy, cám ơn, đền tạ Thánh Tâm chúa Giêsu. Những lễ nghi như thế biểu lộ sự vui mừng và lòng sùng kính của người công giáo, phải được cử hành một cách sốt sáng đặc biệt trong Quê hương Vị Thánh Nữ – Vị Thánh sinh ra ở đấy cũng là ý Chúa – Vị Thánh nữ đã cổ cõ và đã rao giảng không biết mệt nhọc sự tôn sùng này. Đã hẳn rằng: khi làm các việc ấy thì có ý hợp với các giáo hữu khắp mọi nơi, kính mến, cầu xin.
Trong lúc này, Ta phấn khởi vì niềm hy vọng rất êm dịu, và trong trí như đã nắm trước những ơn ích thiêng liêng, mà Ta hy vọng rằng sẽ chảy xuống đầy tràn trong Giáo Hội, bởi việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, – nếu người ta hiểu đúng như Ta đã chỉ dạy, và đem ra thực hành một cách chuyên cần – Ta kêu van nài xin Chúa đoái thương đổ muôn ơn xuống, giúp cho những ước nguyện rất nồng nhiệt của Ta được thực hiện. Ước chi nhờ ơn Chúa cao cả, bởi các lễ nghi sẽ cử hành long trọng năm nay, lòng kính mến của giáo hữu đối với Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, sẽ tăng lên một ngày một hơn. Ước chi quyền thống trị rất êm dịu và Nước của Chúa lan rộng hơn nữa cho mọi người trên khắp thế giới: Nước của Sự Thật và Sự Sống; Nước của sự Thánh Thiện và ơn phúc; Nước Công Chính Yêu Thương và Hòa Bình.
Thưa các Hiền đệ khả kính, để bảo đảm những ơn lành đó, Ta rất vui lòng ban phép lành Tòa Thánh cho mỗi Vị trong các Hiền đệ, cho anh em Giáo sĩ và giáo dân ở dưới quyền các Hiền Đệ coi sóc và nhất là những ai gia công gắng sưc làm cho sự Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được tiến triển.
Tại Rôma cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô
Ngày 15 tháng 5 năm 1956
Năm thứ 18 từ khi Ta lên Ngôi Giáo Hoàng.
PIÔXII
CHÚA GIÊSU TỎ TRÁI TIM RA
NHẬP ĐỀ : Trái Tim Chúa đã phải đau đớn vì Ta. Ta bội bạc lắm, không biết lòng chúa, lại làm cực lòng Chúa. Nhưng Trái tim Chúa vẫn thương! Thương quá chừng quá đỗi, ra như thương hơn, tỏ Trái tim ra cho Ta, ra như trao phó trót lòng thương cho ta vậy.
1- Năm 1673, ngày 27/12, lễ thánh Gioan Tông đồ, bà Magarita Maria đang ở trước Mình Thánh, Đức Chúa Giêsu hiện ra bảo bà dựa đầu và ngực Chúa với Thánh Gioan. Chúa tỏ ra cho bà những sự lạ lùng của lòng yêu thương Chúa, và những sự kín nhiệm không thể diễn ra được của Trái tim cực thánh Chúa, Chúa vẫn giữ kín cho đến bây giờ. Chúa mở Trái tim cho bà xem và bảo rằng: Trái Tim Cha yêu loài người và yêu riêng con đến nỗi say mê. Trái tim Cha không thể cầm giữ trong mình những ngọn lửa yêu mến hằng bốc lên cho nên Cha phải dùng con mà đổ những ngọn lửa yêu mến ấy ra ngoài. Cha phải tỏ Trái tim ra cho loài người để chúng được no đầy giầu có mọi ơn quý báu tích trong Trái tim Cha. Trong đó có đủ mọi sự để kéo loài người ra khỏi vực hư mất đời đời.
Cha đã chọn con là vực sâu thẳm đầy những hèn hạ, bất xứng, ngu độn, tối tăm, để làm việc Cha muốn làm, cho mọi người biết mọi việc là bởi Cha. Đoạn Đức Chúa Giêsu lấy trái tim của bà đặt vào Trái tim của Chúa, lại lấy nó ra, nó đã đổi nên một quả tim lửa. Đức Chúa Giêsu để giả vào trong ngực bà và bảo rằng: Từ trước đến bây giờ, con là một nô lệ của cha, từ bây giờ Cha gọi con là môn đệ yêu dấu của Trái tim Cha.
Trong khi Chúa hiện ra lần thứ nhất này, ta thấy: Chúa tỏ Trái tim ra, Chúa yêu dấu loài người qúa chừng. Chúa muốn đổ ơn xuóng cho loài người. Chúa chọn bà Magarita Maria để tỏ Trái tim ra.
2- Hiện ra lần thứ hai, có lẽ cũng là năm 1673. Lần này Chúa cho bà xem thấy nguyên Trái tim mà thôi, không có các phần thân thể khác. Trái tim Chúa sáng láng hơn mặt trời, trong như thủy tinh, có cả dấu lưỡi đòng đâm vào, chung quanh có vòng mão gai, trên có Thánh Giá; Chúa tỏ ra cho bà biết, Chúa khao khát quá sức để người ta tìm mến Chúa. Khao khát kéo người ta ra khỏi con đường hư đi đời đời mà Satan giẩy người ta từng lũ vào. Bởi thế Chúa định tỏ Trái tim ra cho người ta, Trái tim với mọi kho tàng yêu dấu, thương xót, mọi ơn phúc làm cho nên thánh và cứu rỗi đời đời, tích chứa trong Trái tim, người ta hãy kính thờ Chúa trong quả tim này. Chúa hứa ban nhiều ơn cho kẻ kính ảnh Trái Tim. Theo lời Chúa phán, bà Magarita Maria gọi sự kính thờ Trái Tim là gắng sức sau hết của lòng thương. Chúa thương người đời bây giờ, Chúa muốn cứu chuộc người ta bằng sự yêu thương, kéo người ta ra khỏi quyền Satan mà dặt dưới quyền nhân lành êm ái của lòng yêu thương Chúa.
Trong khi hiện ra lần thứ hai này, ta thấy: Chúa tỏ nguyên Trái tim ra – Chúa muốn cho ta kính thờ Trái Tim. Chúa hứa ban ơn cho kẻ kính ảnh Trái Tim. Chúa muốn cứu loài người bằng sự yêu thương – đó là gắng sức sau hết của lòng thương.
Ta hãy kính lạy Trái Tim Chúa thương ta quá bội và hãy dâng trót lòng ta để mến Chúa.
3- Chúa hiện ra lần thứ ba. Một ngày thứ sáu đầu tháng, có lẽ là năm 1674, Mình thánh đặt ở ngoài, trên bàn thờ Đức Chúa Giêsu hiện đến sáng láng, năm dấu thánh chói như năm mặt trời. Bởi Mình Chúa có những ngọn lửa bắn ra tư bề, nhất là bởi ngực cực thánh Chúa tựa như một lò lửa. Ngực Chúa mở ra, trông thấy Trái tim rất nhân lành, rất yêu mến, là mạch phát ra những ngọn lửa kia. Đức Chúa Giêsu tỏ ra cho bà Magatita Maria những sự lạ lùng không diễn ra được của lòng yêu mến tinh khiết Chúa và sự yêu thương quá chừng quá đỗi Chúa với loài người. Nhưng đáp lại, Chúa chỉ chịu những bạc bẽo, những vô ơn. Chúa nói: Chúa lấy những sự ấy làm đau cực hơn những khổ hình đã chịu xưa. Chúa lại thêm rằng: giả sử người ta trả lại cho Cha một chút lòng yêu mến thì Cha không coi vào đâu những sự Cha đã làm cho người ta. Cha lại còn muốn làm hơn nữa nếu có thể được. Nhưng người ta chỉ có những lạnh lẽo, những hất hủi đối với những mau mắn của Cha để làm ơn cho người ta, cho nên Cha càng đau cực hơn. Lòng yêu bị chê chối này, muốn của lễ đền tạ. Ít là phần riêng con, con hãy làm vui lòng Cha, hãy bù lại sự tệ bạc của người ta, hãy làm hết sức con.
Bà Magarita Maria thưa lại: con hèn yếu, làm gì được.
Chúa bảo:
Này đây, cái này có thể bù lại sự con thiếu thốn. Chúa vừa nói vừa mở Trái tim ra. Bấy giờ có một ngọn lửa rất nóng phát ra, bà Magarita Maria tưởng mình phải tiêu ran đi, bà không chịu được ngọn lửa ấy, kêu xin Chúa thương mình hèn yếu, Chúa bảo: Cha là sức mạnh của con. Bấy giờ Chúa chỉ cho bà những việc phải làm để đền tạ Chúa, là năng chịu lễ, được phép chịu lễ mấy lần thì chịu bấy nhiêu lần, chịu lễ các ngày thứ sáu đầu tháng. Chúa lại muốn cho bà các đêm thứ năm sang thứ sáu, chịu chung với Chúa sự phiền buồn Chúa đã chịu trong vườn Giệtsimani. Chúa rằng: để hợp với Cha trong lời cầu nguyện khiêm cung Cha đã dâng lên Đức Chúa Cha khi ấy, giữa những sự đau phiền, thì con sẽ chỗi dậy từ 11 giờ đến nửa đêm, sấp mình xuống đủ một giờ với Cha, mặt chạm đất, để làm nguôi cơn giận Đức Chúa Cha, xin thương tha cho kẻ có tội, và để yên ủi cha một chút cho bớt sự cay đắng Cha phải chịu bởi các tông đồ bỏ Cha. Trong giờ ấy con sẽ làm điều Cha sẽ dạy con khi ấy.
Trong lần hiện ra này, ta thấy: việc kính thờ Trái tim có ý nghĩa yêu mến, đền tạ lòng yêu vô cùng Chúa bị hất hủi. Thương Chúa đã chịu đau đớn. Hợp với Chúa để làm lễ hy sinh xin ơn tha thứ cho kẻ có tội.
Lạy Trái tim Đức Chúa Giêsu xin bắn lửa yêu mến vào lòng chúng con, để chúng con biết yêu mến, biết yên ủi Chúa, và lời chúng tôi cầu cho kẻ có tội được thấu đến lòng Đức Chúa Cha.
4- Hiện ra lần thứ 4 – Có lẽ là ngày 16/6/1675, trong tuần lễ Săng-ti (lễ kính Mình Máu Thánh Đức Chúa Giêsu), vào ngày Chủ nhật. Bà Magarita Maria đang ở trước Mình Thánh, Chúa tỏ lòng yêu thương quá bội, ban những ơn rất trọng. Bà ước ao lấy yêu mà đáp lại yêu cho Chúa. Chúa bảo: con không thể làm sự gì đẹp lòng Cha hơn là làm những điều Cha đã xin con bấy nhiêu lần. Đoạn Chúa mở Trái tim ra và bảo bà rằng: Này là Trái tim đã thương yêu người ta dường ấy, đến nỗi không tiếc gì, một đã hao tốn hết mình để tỏ lòng yêu. Nhưng đáp lại, phần nhiều người tệ bạc, rất bất kính vì làm hư phép cực thánh, vì lạnh lẽo khinh dể đối với Cha ngự trong phép bí tích mến yêu. Nhưng điều Cha lấy làm cực lòng hơn, là những kẻ xử với Cha như thế lại là những người đã dâng mình cho Cha cách riêng.
Nhân vì lẽ ấy, cha xin con lo liệu để ngày thứ 6 tuần lễ kính Mình Thánh, nên một ngày lễ riêng kính Trái Tim Cha, ngày ấy sẽ chịu lễ, sẽ làm việc đền tạ, để sửa lại những điều bất xứng Trái Tim Cha đã phải chịu khi ngự trên bàn thờ. Cha hứa với con, Trái tim Cha sẽ mở rộng ra để đổ xuống đầy rẫy lòng yêu của Cha trên những kẻ kính mừng lễ Trái tim và trên những kẻ lo liệu để người ta kính mừng lễ Trái Tim.
Theo lời Đức Chúa Giêsu phán dạy khi hiện ra lần thứ 4 này, ta thấy: Đức Chúa Giêsu phàn nàn cách riêng những tội phạm đến phép Mình thánh – Đức Chúa Giêsu muốn cho việc kính thờ Trái tim nên việc kính thờ chung trong Hội Thánh, có lễ riêng để kính Trái tim, và những việc đền tạ khác để sửa lại những sự bất xứng phạm đến phép bí tích mến yêu.
Lạy Chúa, Chúa thương chúng con quá bội, nhưng chúng con bạc lắm. chúng con phạm cả đến phép Bí Tích Mến Yêu. Nhưng lòng Chúa thương xót vô cùng, xin tha thứ cho chúng con.
5- Cách bà thánh Magarita Maria độ 200 năm, Chúa lại chọn bà Louise Marguerite để TỎ TRÁI TIM RA CÁCH RIÊNG CHO CÁC THÀY CẢ.
Mồng 6 tháng 6 năm 1902, là lễ kính Trái Tim, bà Louis Marguerite đang quỳ chầu Mình Thánh, bà kêu van Chúa ban cho bà mấy linh hồn bà có thể luyện tập để kính mến Chúa. Chúa bảo: Cha sẽ cho con những linh hồn người nam. – Bà bỡ ngỡ mình là dòng nữ, mà Chúa lại ban những linh hồn người nam thế nào! Bà đang bỡ ngỡ, Chúa lại nói thêm: Cha sẽ cho con mấy linh hồn thày cả. – Bà càng bỡ ngỡ hơn. Chúa bảo: Con phải hiến thân con làm lễ hy sinh cho các linh mục của Cha. Trong tuần này Cha sẽ dạy bảo con, con phải biên những lời Cha bảo.
Chúa đã bảo bà thế này: Linh mục là tấm thân thứ hai của Cha, là những Đức Chúa Giêsu thứ hai. Cha yêu dấu linh mục của Cha, nhưng mà linh mục phải thánh thiện. Xưa 12 Tông đồ đã cải tạo cả thế giới, bây giờ 12 linh mục cũng có thể cải tạo thế giới. Linh mục bị Cha bao bọc hầu hóa nên một Vị Thiên Chúa. Dẫu linh mục còn mang xác thịt hèn yếu để biết thương những người khác, song linh mục cũng phải mạnh mẽ, trong sạch, thánh thiện để làm cho kẻ khác nên thánh. Linh mục của Cha phải có một quả tim rộng rãi, mềm mại, nóng nẩy, mạnh mẽ để yêu mến. Ôi! Linh mục có biết bao nhiêu sự phải yêu mến. Trước hết linh mục phải yêu mến Cha, là Thầy, là anh, là Bạn, là Người Yên ủi của linh mục, phải mến Cha như Cha yêu linh mục. Linh mục phải yêu mến Hội thánh là Bạn Trăm Năm của Cha, cũng là Bạn của linh mục, phải yêu Hội Thánh một cách nồng nàn say sưa, hay ghen, hay lo, hay gìn giữ để Hội Thánh được vinh hiển, được trong sạch, được hợp nhất và sinh sản nhiều con cái, nhiều Đấng thánh.
Sau hết linh mục phải yêu mến các linh hồn như con mình. Ở đời có cha nào phải yêu lắm con như thế không? Trái tim của linh mục phải nên như ngọn lửa đang bầng bầng cháy, một ngọn lửa làm cho nóng và làm cho tinh sạch. Chớ chi linh mục của Cha biết những kho tàng yêu mến tích ở trong Trái tim Cha. Các linh mục hãy đến cùng Trái tim Cha, hãy múc, hãy làm cho mình đầy yêu mến, đầy tràn trụa chảy ra trên thế giới.
Xưa Magarita Maria đã tỏ Trái tim Cha ra cho thế giới, phần con, con hãy tỏ Trái tim Cha ra cho các linh mục, con hãy kéo các linh mục đến cùng Trái tim Cha.
Bà Louise Marguerite thưa với Chúa rằng: Ngày trước chị Magarita Maria đã tỏ Trái Tim Cha cho thế giới, các linh mục cũng đã biết, thế đã đủ chứ? – Chúa bảo: Cha muốn tỏ ra cách riêng Trái Tim Cha cho các linh mục. Trong Trái Tim Cha có những nơi kín đáo chưa dò tới, có những phòng riêng để dành cho các linh mục. Đoạn Chúa tỏ cho bà biết Chúa có ý làm một việc là đốt lửa mến trong thế giới, Chúa muốn dùng các linh mục làm việc ấy. Bà kể rằng: Chúa nói với tôi một giọng thảm thiết quá chừng, đến nỗi tôi phải khóc: Cha cần các linh mục để làm việc của Cha.
Mà bởi vì các linh mục có đầy lòng yêu mến mới có thể đổ ra lòng yêu mến, và phải đến kín lấy lòng yêu mến nơi Trái tim Chúa, cho nên Chúa lại nói thêm rằng:
Trái tim Cha là chén đựng Máu Thánh Cha. Ai được quyền uống? Ai có nghĩa vụ phải uống bởi chén này? Nào chẳng phải các linh mục ư ? Các linh mục hằng ngày làm lễ, bưng chén Máu Thánh lên miệng, cho nên linh mục hãy đến cùng Trái tim Cha, hãy uống bởi đấy.
Đó, Chúa đã chọn bà Louise Marguerite để tỏ Trái tim ra cách riêng cho các linh mục. Thật là thương các linh mục quá bội. Nhưng không phải thương linh mục mà thôi, bèn là thương cả thế giới, thương mọi người, vì Chúa muốn dùng các linh mục mà đốt lửa mến trong thế giới.
Bởi vậy, đồng thời với bà Louis Marguerite, Chúa lại chọn bà Benigna Consolata để tỏ Trái tim ra cho mỗi một linh hồn. Chúa gọi bà là thư ký của Trái Tim. Chúa đọc cho bà viết, và bà đã viết gần 5.000 trang (giấy khổ rộng là hơn 1.000). Đó là những lời nhắn nhủ Chúa gửi cho mỗi một linh hồn, êm ái, dịu dàng, thương xót mọi người. Trái tim quí mến mỗi linh hồn như thể chỉ có mình nó.
– Một ngày rất gần đây là ngày 29/3/1936, Chúa lại tỏ mình ra cho một nữ tu, gửi lời nhắn nhủ cho các linh hồn đã dâng mình cho Chúa cách riêng, van lơn các linh hồn ấy giúp Chúa cứu lấy thế giới đang nguy khốn.
Chúa muốn cứu lấy thế giới, nhưng theo sự xếp đặt của Đức Chúa Cha, Chúa không thể làm việc ấy một mình được, Chúa cần có loài người chúng ta giúp đỡ, vì thế Chúa van lơn thiết tha những linh hồn đã dâng mình cho Chúa ra tay giúp đỡ Chúa trong việc này. Chúa nói: nếu các linh hồn ấy không giúp Chúa, thì nhân loại không gỡ mình ra khỏi gian nan, thế giới sẽ cứ đâm đầu vào tiêu diệt. Chúa xin các linh hồn giúp Chúa cứu lấy thế giới tức là hiến cho ta một danh dự rất lớn, làm đấng đồng công cứu chuộc, là một danh dự Chúa đã ban cho Đức Mẹ.
Muốn làm người đồng công cứu chuộc phải mến Chúa thiết tha hết tình như một người bạn trăm năm, và sẵn sàng chịu mọi đau khổ Chúa gửi cho.
Chúng ta hãy thương thế giới, cũng là thương chính mình, chúng ta hãy hiến thân cho Chúa, mến Chúa hết lòng, và sẵn sàng chịu đau khổ Chúa gửi cho ta, để cứu thế giới cho khỏi gian nguy và cũng là sắm cho mình triều thiên rất trọng.
Lạy Trái tim Chúa Giêsu, xin thương thế giới, xin thương chúng con. Xin làm cho linh hồn chúng con nên những bạn trăm năm của Chúa, mến Chúa thiết tha và giúp Chúa cứu lấy các linh hồn.
Lạy Trái tim Đức Chúa Giêsu thương xót chúng con quá bội, mà chúng con không biết, không kính mến Trái tim. Xin Trái tim thương xót tha thứ và đót lửa mến trong lòng chúng con. Amen.
+ + + 0 + + +
Chuyển ngữ bởi Đức ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh