Tuy nhiên, thay vì đưa tín hữu đạo đức suy tư trên con đường của sự nghi ngờ liên quan tới sự bất động của “cánh tay phải của Đấng Tối Cao” và tính cách không thể triệu hồi của tình yêu Ngài đối với dân Israel được tuyển chọn là đoàn chiên Ngài chăn dắt, sự đối chọi đó củng cố nơi ông niềm tin của luôn mãi chắc chắn rằng Thiên Chúa, như trong quá khứ, sẽ trở lại cho thấy lòng lành, sự thương xót (c. 9) và “cảm thương” của Ngài đối với họ (c. 10). Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập, câu 2. Tiếp đến là phần một, các câu 3-11, là lời than van cá nhân, trong đó tác giả tham dự vào các khổ đau khốn khó của quốc gia, mà ông rất yêu thương. Phần hai gồm các câu 12-21 là lời than van công cộng, gợi lại các cử chỉ cứu độ của Giavê, trao ban nền tảng cho niềm hy vọng và tin tưởng của dân Israel. Nó giống như lời cầu than van công cộng trong các thánh vịnh 74, 79 và 80 của cùng sưu tập III. “Tôi cất lời kêu lên cùng Chúa, lời tôi kêu Chúa, xin Người lắng nghe.” Câu mở đầu này là đặc thái của các thánh vịnh than van cá nhân. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 142 kêu: “Tôi lớn tiếng kêu gào lên Giavê, tôi lớn tiếng cầu khẩn Giavê thương” (Tv 142,2). Tác giả thánh vịnh muốn cho chúng ta hiểu rằng bài suy niệm, mà ông sắp làm liên quan tới tình trạng nghiêm trọng của dân Israel, là một lời cầu nguyện, một tiếng kêu cứu hướng lên Thiên Chúa, và đợi chờ câu trả lời là sự can thiệp cứu độ của Ngài. Trong các câu 3-10 tác giả trình bầy trường hợp âu lo của ông là các âu lo cá nhân đối với các phản ánh sầu khổ mà nó gây ra trong tâm trí ông (cc.3-4), nhưng chúng vượt xa hơn cá nhân ông, vì nó diễn tả tình trạng của chính dân của Thiên Chúa, như có thể kết luận một cách rõ ràng trong phần hai của thánh vịnh (cc. 16-21). Đây là một trường hợp dấy lên các vấn nạn lo âu (cc.8-10). “Ngày khốn quẫn, tôi tìm kiếm Chúa, tay vươn lên không biết mỏi lúc đêm trường, hồn tôi nào có thiết lời an ủi! Tưởng nhớ Chúa, tôi thở vắn than dài, suy gẫm hoài nên khí lực tiêu hao. Lạy Chúa, Ngài không để con khép mi chợp mắt, lòng xao xuyến, con chẳng nói nên lời. “Trong ngày âu lo con tìm kiếm Chúa”: động từ tìm kiếm darash trong tiếng Do thái diễn tả với tất cả sự mạnh mẽ và sâu đậm nỗi khát khao của tín hữu cầu nguyện đối với việc cứu giúp của Thiên Chúa. Tác giả thánh vịnh 88 cũng kêu lên Thiên Chúa như sau: “Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức” (Tv 88,2). “Trong đêm trường tay con hướng lên không mỏi mệt”: cử chỉ giơ tay đi kèm với lời cầu xin. Đó là kiểu cầu nguyện thông thường của người Do thái. “Khước từ mọi ủi an”: giống như Rakhel từ chối mọi an ủi vì các con của bà bị đi đầy bên Babilonia. “Không lời”: đó là thái độ câm nín không kìm hãm được như của tác giả thánh vịnh 39: “Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi, mà không ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối.” (Tv 39,3). “Con nghĩ lại những ngày đã qua”: đây cũng là thái độ của tác giả thánh vịnh 143: “Nhớ ngày xưa tháng cũ, con hoài niệm mọi công trình của Chúa và gẫm suy việc tay Chúa làm nên.” (Tv 143,5). “Có lẽ Chúa ruồng bỏ luôn mãi?”: đó cũng đã là các câu hỏi của tác giả thánh vịnh 74: “Lạy Chúa Trời, sao cứ mãi bỏ rơi, sao bừng bừng nổi giận với đoàn chiên Ngài hằng chăn dắt?” (Tv 74,1). Tác giả thánh vịnh 79 cũng hỏi Chúa như sau: “Đến bao giờ, lạy Giavê, Ngài còn nổi giận, Ngài nổi giận mãi sao? Đến bao giờ lòng ghen còn cháy bừng như lửa?” (Tv 79,5); Còn tác giả thánh vịnh 22 thì hỏi: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Tv 22,2). Tác giả thánh vịnh 89 cũng hỏi Chúa như sau: “Đến bao giờ, lạy Giavê, Ngài còn lánh mặt? Ngài lánh mặt mãi sao? Đến bao giờ cơn giận còn cháy bừng như lửa? Xin nhớ rằng: đời con là một kiếp phù du, loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi! Sống làm người, ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty? Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành? Lạy Chúa, xin nhớ rằng: các tôi tớ Ngài bị thoá mạ, những lời phỉ báng của chư dân, con đây vẫn chất chứa trong lòng. Vâng, lạy Giavê, kẻ thù Ngài thoá mạ, theo sát gót mà buông lời thoá mạ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong.” (Tv 89,47-52). Khi suy tư và đối thoại với chính mình tác giả thánh vịnh 39 tâm sự: “Tôi đã nói: “Mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm; tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt.” Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi, mà không ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối. Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời: “Lạy Giavê, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế. Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời: “Lạy Giavê, xin dạy cho con biết: Phần hai của thánh vịnh 77 các câu 12-21 gợi lại các cử chỉ cứu rỗi của Giavê Thiên Chúa của dân Israel. Cũng giống như tác giả thánh vịnh 73 bất thình lình tìm ra nơi sự mạc khải trên cao giải pháp cho vấn đề đã khiến cho ông âu lo khắc khoải, tác giả thánh vịnh 77 cũng tìm ra câu trả lời cho việc đam mê tìm kiếm của ông, khi chiêm ngưỡng các kỳ công Thiên Chúa đã thành toàn trong quá khứ cho dân Ngài. Giavê Thiên Chúa Israel là Đấng duy nhất có thể làm các kỳ công, các điềm thiêng dấu lạ, sẽ cứu chuộc dân Ngài như xưa kia Ngài đã cứu thoát họ khỏi nước Biển Đỏ, và sẽ cho dấy lên các mục tử tài đức như ông Môshê và ông Aharon để chăn dắt họ. “Lạy Giavê, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm, tưởng nhớ những kỳ công thuở trước. Mọi hành động của Ngài, con nhẩm đi nhắc lại, sự nghiệp Ngài, con sẽ gẫm suy. Lạy Thiên Chúa, đường lối Ngài quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như Thiên Chúa? Chính Ngài là vị Thần thực hiện những kỳ công, biểu dương sức mạnh giữa muôn vàn dân nước. Tay Chúa đã cứu chuộc dân Ngài là giống nòi Gia-cóp và Giu-se. Nước đã thấy Ngài, lạy Thiên Chúa, thấy Ngài, nước rùng mình khiếp sợ, cả vực sâu cũng run rẩy kinh hoàng. Mây tầng đổ mưa, mây tầng vang tiếng, ngang dọc khắp trời, tên lửa Ngài bay. Tiếng sấm của Chúa ầm ầm vang dội, ánh chớp chói loà soi sáng thế gian, khắp địa cầu lung lay rung chuyển. Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Ngài rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài. Chúa dùng bàn tay của Mô-sê và A-ha-ron mà lãnh đạo dân riêng của Chúa, như dẫn dắt đoàn chiên.” “Con sẽ nhớ tới những kỳ công của Giavê”: tác giả thánh vịnh 72 cũng kêu lên: “Chúc tụng Giavê là Thiên Chúa Ít-ra-en, chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.” (Tv 72,18). “Con sẽ gẫm suy mọi việc Ngài làm”: tác giả thánh vịnh 143 cũng nói: “Nhớ ngày xưa tháng cũ, con hoài niệm mọi công trình của Chúa và gẫm suy việc tay Chúa làm nên.” (Tv 143, 5). “Lậy Thiên Chúa, trong sự thánh thiện là đường nẻo của Ngài”: như là tính từ của Thiên Chúa sự thánh thiện tương đương với sự siêu việt, nghĩa là nó ám chỉ “sự tuyệt đối duy nhất của Chúa”, không trộn lẫn với và không thể so sánh với bất cứ thần linh nào khác. Đường nẻo là cung cách hành xử của Thiên Chúa đối với dân Ngài. “Có Thiên Chúa nào như Thiên Chúa chúng ta?”: tác giả thánh vịnh 71 cũng kêu lên: “ Lạy Thiên Chúa, đức chính trực của Ngài cao vời vợi, Ngài đã làm những việc lớn lao, lạy Thiên Chúa, nào ai sánh tày!” (Tv 71,19). “Ngài là Thiên Chúa duy nhất làm những việc diệu kỳ”: đó là điều đưọc tác giả thánh vịnh 72 khẳng định: “ Chúc tụng Giavê là Thiên Chúa Ít-ra-en, chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.” (Tv 72,18). “Ngài đã cứu chuộc dân Ngài với cánh tay”: đối với Israel đây là kỳ công tuyệt đỉnh, nghĩa là biến cố Giavê Thiên Chúa ra tay uy quyền giải phóng dân Ngài khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, trong đó quyền năng của Thiên Chúa tỏ hiện giữa muôn dân một cách ngoạn mục với biết bao nhiêu việc diệu kỳ. “Con cái của Giacóp và của Giuse”: kiểu nói này chỉ có ở đây và ám chỉ toàn dân Thiên Chúa. Việc nhắc tới ông Giuse cùng với tên tổ phụ Giacóp, là cha cuả các chi tộc Israel, chắc hẳn là do vài trò của ông trong việc cứu các anh và đem họ sang Ai Cập sinh sống. “Nước trông thấy Ngài lậy Thiên Chúa”: bắt đầu miêu tả phép lạ dân Do thái băng qua Biển Đỏ. Các câu 17-20 xem ra là một đoạn thánh thi mà tác giả đã lồng vào trong lời than van này. Trong bài thánh thi đó các yếu tố huyền thoại lẫn lộn với các hình ảnh truyền thống của loại ngôn ngữ diễn tả biến cố Thiên Chúa tự tỏ hiện trong vinh quang. Chúng được dùng để miêu tả biến cố lạ lùng này trong tất cả sư uy nghiêm và thê thảm của nó. “Tiếng chúng” ở đây là tiếng sấm và tiếng sét, được coi như là các dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa, như viết trong thánh vịnh 18: “Giavê nổi sấm vang trời, Đấng Tối Cao lớn tiếng. Người bắn tên, khiến địch thù tán loạn, phóng chớp ra, làm chúng phải tan tành.” (Tv 18,15) “Mở ra trong biển lối đi của Ngài”: đây là Biển Đỏ. “Vết chân Ngài không thể trông thấy được”: lối đi của Thiên Chúa là trong sự thánh thiện, vì thế lối đi của sự cứu rỗi do quyền năng của Thiên Chúa mở ra cho dân Chúa thoát thân không để lại dấu vết nào mắt người phàm có thể nhận ra. Nó đuợc gói ghém trong mầu nhiệm là sự thánh thiện chỉ có con mắt đức tin mới có thể nhận ra được mà thôi. “Ngài dẫn dắt dân Ngài”: hành động của Thiên Chúa chỉ có thể trông thấy qua sự hướng dẫn của các mục tử được Ngài tuyển chọn trước là Môshê và Aharon. Đó cũng là điều Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm ngày nay trong Giáo Hội dân riêng mới của Ngài. TV 77 (Linh Tiến Khải, RadioVaticana 02.03.3017)
Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ, tâm hồn ấp ủ những năm xưa, suốt canh khuya, trong dạ nhủ thầm, và suy gẫm, trí lòng con tự hỏi:
Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái? Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn và thánh ngôn chấm dứt đời đời? Hay Thiên Chúa đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm? Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa.”
đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế.” (Tv 143,2-5)