Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong giáo xứ của con, có nhiều giúp lễ nam và giúp lễ nữ. Trong khi các giúp lễ nam lớn lên, trưởng thành và vẫn giúp lễ bàn thờ, liệu có giới hạn tuổi giúp lễ cho nữ giới không, khi họ đã trưởng thành? – A. R., Gwynedd, xứ Wales.
Đáp: Câu trả lời ngắn gọn là không, không có giới hạn độ tuổi cho công tác giúp lễ.
Câu hỏi có thể được giải quyết ở nhiều cấp độ. Vai trò của thầy đọc sách và thầy giúp lễ có tác vụ chỉ được mở ra cho người nam. Giáo luật cho biết:
“Điều 230 §1. Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, và Mai Ðức Vinh).
Tuy nhiên, cuối cùng đa số các giúp lễ nam không được đưa vào các tác vụ này, và điều này vì nhiều lý do.
Sự chấp thuận vào các tác vụ thánh không phải là một đòi hỏi để có thể tiếp tục giúp lễ.
Mặc dù các tác vụ trên được mở ra cho người nam, trong thực tế rất ít giáo phận tận dụng khả năng này, và có khuynh hướng giữ các tác vụ ấy cho các người theo đuổi chức thánh phó tế và linh mục.
Mặc dù dường như không có yêu cầu về độ tuổi phổ quát để được trao tác vụ giúp lễ, độ tuổi tối thiểu thường được ấn định vào khoảng thời gian mà các chủng sinh có thể được trao các tác vụ ấy. Việc này thường xảy ra trong thời gian học thần học, và do đó, khi họ vào lứa tuổi hai mươi.
Ở hầu hết các giáo xứ, chỉ có các cậu bé giúp lễ kiên trì mời có thể giúp lễ ở lứa tuổi này.
Về người nữ, luật phụng vụ cho phép họ giúp lễ bắt nguồn từ một sự giải thích chính thức của Điều Điều 230 §2 của Bộ Giáo Luật về khả năng ủy thác một số công tác phụng vụ. Bản văn giải thích là như sau:
“Điều 230 §2. Các giáo dân (laici) có thể được chỉ định tạm thời đảm nhận việc đọc sách trong các việc phụng vụ. Cũng thế, tất cả các giáo dân (laici) có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định” (Bản dịch, như trên).
Ngày 30-6-1992, các thành viên của ‘Hội đồng Tòa Thánh về giải thích các văn bản luật’ trả lời câu hỏi được nêu ra: “Liệu trong số các công tác phụng vụ mà giáo dân nam hay nữ có thể thực hiện theo quy định của Điều 230 §2 của Bộ Giáo luật, cũng có công tác phục vụ bàn thờ (servitium ad altare) không?”. Câu trả lời là:
“Vâng có, và theo các hướng dẫn do Tòa Thánh đưa ra”.
Câu trả lời của Hội đồng Tòa Thánh được xác nhận vào ngày 11-7-1992, bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chính Ngài cũng đã ra lệnh công bố.
Điều này đã dẫn đến một thư năm 1994 của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích, vốn nói rõ rằng các bé gái có thể giúp lễ. Nhưng các Giám mục không bị ràng buộc để cho phép họ làm như vậy, và Hội đồng Giám mục cũng không giới hạn khả năng của Giám mục để ngài tự quyết định. Một thư làm sáng tỏ hơn được công bố vào năm 2001, vốn cho biết các linh mục không bị buộc phải cho phép các bé gái giúp lễ, ngay cả khi các Giám mục của họ cho phép.
Các thư trên đây giải quyết vấn đề của giúp lễ nam và giúp lễ nữ từ một viễn tượng mục vụ, nhưng không đề cập đến giới hạn tuổi tác.
Cũng không có giới hạn độ tuổi được đề cập trong bài giải thích, và nó được cho là nhà làm luật không có ý định ấy, bởi vì điều này thường không phải là trường hợp trong một vấn đề ủy quyền.
Tương tự như vậy, các chức năng được đề cập cụ thể trong Điều 230, chẳng hạn như người đọc sách hay ca trưởng, thường được thực hiện bởi người lớn, và do đó việc giải thích cũng sẽ bao gồm các người trưởng thành được ủy nhiệm phục vụ bàn thờ nữa.
Nguyễn Trọng Đa