HỌC HỎI VÀ TÌM HIỂU VỀ ĐỜI SỐNG LINH ĐẠO
CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN
LỜI ĐẦU
Trước khi đi sâu vào phần học hỏi về đời sống linh đạo – con đường nên thánh của Tôi Tớ Chúa, Bậc Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của đời sống linh đạo của người Kitô Hữu. Vậy, đời sống linh đạo – con đường nên thánh là gì?
Thứ nhất, đời sống linh đạo còn được gọi là con đường tâm linh, hướng dẫn đến đời sống nên thánh của người Kitô Hữu. Đời sống linh đạo bao hàm ý nghĩa của đời sống tâm linh như là hơi thở của linh hồn, là sức sống của Chúa Thánh Thần, là năng lực thực thi niềm tin với lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Bằng ân sủng của đời sống bí tích, nuôi dưỡng tâm linh bằng Lời Chúa, bằng Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, song song với đời sống cầu nguyện, người Kitô Hữu được mời gọi sống đích thực như là một chứng nhân của niềm tin và lòng mến. Xuyên qua những lời giáo huấn của Giáo Hội là Mẹ Rất Thánh cùng với lòng ước muốn sống kết hợp với Thiên Chúa là nguồn Sự Sống Thật, người Kitô Hữu – trong mọi hoàn cảnh và tùy theo từng ơn gọi – sống và thực thi các nhân đức của đức tin mà mỗi người đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội để sinh hoa kết trái và kết hợp nên một trong Thiên Chúa Hằng Sống giữa trần gian.
Thứ hai, đời sống linh đạo là sự đúc kết của những kinh nghiệm sống, các nỗ lực để áp dụng các yếu tố có liên quan của Đức Tin Kitô Giáo hướng dẫn mỗi người Kitô Hữu đối với sự phát triển tâm linh của họ. Sự phát triển tâm linh của từng cá nhân được thăng hoa để nẩy sinh một cái nhìn sâu sắc và được tăng trưởng với niềm vui tương ứng. Nói cách khác, đời sống linh đạo – với những cảm nghiệm về Thiên Chúa và với sự tăng trưởng của ý thức trong cuộc sống – được phát sinh từ một tổng hợp của đức tin và đời sống sáng tạo với những giá trị đức tin, những yếu tố năng động, để khi đối diện với những thử thách của ước muốn thì cũng đồng thời giúp từng cá nhân xác định được lòng ao ước sống Đức Tin Kitô Giáo đích thực với tinh thần trách nhiệm một cách hiệu quả, và trưởng thành hơn.
Thứ ba, đời sống linh đạo liên quan đến toàn thể con người (cơ thể, tâm trí, linh hồn, mối quan hệ), toàn bộ cơ cấu của cuộc sống của con người (đức tin và các giá trị của Tin Mừng) một cách sống động để cung cấp cho cuộc sống một sự tăng trưởng, phát triển, trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và tha nhân. Tựu chung, đời sống linh đạo của người Kitô Hữu là nhiệm vụ giúp con người có một cuộc sống trưởng thành và đáng tin cậy, sống liên quan đến niềm tin và các giá trị của Kitô Giáo để dệt chúng thành các cơ cấu của cuộc sống để từ đó họ có một sức “sinh động” cung cấp “hơi thở” – “tinh thần” và “sức sống” cho cuộc sống vì “Người thánh là người tiếp tục Thánh Lễ suốt ngày” (Đường Hy Vọng, số 350).
1/- Linh Đạo Kitô Hữu
Khi suy niệm về Linh Đạo của người Kitô Hữu là chúng ta tìm hiểu về “con đường sống đạo” hoặc “phương pháp thực thi, sống đức tin” trong đời sống thường nhật của người Kitô Hữu. Trong đời sống hiện nay, giữa những chủ thuyết và những trào lưu thực dụng của xã hội, hơn bao giờ hết, nguời Kitô Hữu phải đối diện với rất nhiều thử thách và rất cần được tái xác định lại giá trị của con đường “sống và thực thi đức tin” một cách trưởng thành hơn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và tác động của Lời Chúa (Tin Mừng), tham dự và nuôi sống chính mình bằng Mình và Máu Chúa Giêsu trong và qua Bí Tích Thánh Thể, siêng năng lãnh nhận Bí Tích Giải Tội, thực thi các nhân đức bác ái với lòng mến chân thành cũng như vâng phục những Giáo Huấn của Chúa Giêsu Kitô qua những lời giáo huấn của Giáo Hội. Từ đó, tùy theo ơn gọi và bậc sống của mỗi người, chúng ta sống đúng với niềm tin, lớn lên trong tình mến chân thành, bước đi trên con đường nên thánh để trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn. Theo tôi, đời sống bí tích của người Kitô Hữu chỉ được trưởng thành và sinh nhiều hoa trái ân sủng khi được thông phần và sống trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã xác tín: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Gioan 14:6).
Nhiều người công giáo nghĩ rằng đi nhà thờ, xem lễ, đọc kinh, làm tuần cửu nhật là chu toàn phận sự một người công giáo tốt. Nhưng con đường sống đạo và hành đạo lại tùy thuộc và dành cho những kẻ thực hiện Thánh Ý Chúa Cha: “Ta đói các con đã cho ăn; Ta khát các con đã cho uống; Ta lữ hành các con đã đón nhận; Ta rách rưới các con đã cho áo mặc; Ta yếu liệt các con đã viếng thăm; Ta ở tù các con đã đến với Ta …” Mỗi khi người công giáo lãng quên bổn phận đối với đồng loại, tức quên bổn phận với Chúa, và làm như thế là nguy hại cho phần rỗi của mình. Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Mục Vụ, đoạn 43, đã xác định như sau: “Tách rời Đức Tin và sinh hoạt nhân loại hằng ngày của nhiều người phải kể là một trong những sai lầm lớn của thời đại chúng ta. Chúng ta chớ dựng nên bức tường giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp hay xã hội với đời sống tôn giáo”. Trong tinh thần này, Đức Hồng Y Thuận đã khẳng định như sau: “Chúng ta hãy tỉnh thức để thức tỉnh kẻ khác. Nếu người Công Giáo không ý thức trách nhiệm của mình, nếu đời sống đạo của họ chỉ thu hẹp trong nhà thờ với vài việc đạo đức thì lầm lạc lắm” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 98).
Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh muốn cho giáo dân không tìm sự thánh thiện viễn vông nhưng phải hiểu đúng rằng “việc họ làm thường ngày ở công sở, ngoài thị trương, ngoài đồng áng đều là nối tiếp công việc của Đấng Tạo Thành, tham gia vào việc thực hiện chương trình Thiên Chúa trong lịch sử vì sứ điệp Kitô Giáo, thay vì làm cho con người dửng dưng trước những nhu cầu công ích của anh em đồng loại, thì trái lại, thúc đẩy con người coi đó là nhiệm vụ rất khẩn trương” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 97).
Ngày nay, khi con người đang nỗ lực gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của chính mình, từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa, xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi nền tảng nhận thức và lương tâm trung thực của nhân loại, thì Giáo Hội của Mẹ Thánh Người vẫn trung kiên thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa cho muôn người. Chúng ta, hơn bao giờ hết, đang sống giữa những thời điểm với các sự việc rất hỗn tạp gây ra nhiều hoang mang cho tất cả mọi người nói chung và cho những người Kitô Hữu nói riêng. Trong muôn ngàn con đường và vạn lối đi, có những cơn mây mù phủ lấp con đường nên thánh, tạ ơn Chúa, chúng ta còn có những “Chứng Nhân Tin Mừng” giữa cuộc đời có nhiều phong ba. Một trong những nhân chứng này là Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Con đường tâm linh, sống đạo và nên thánh của Ngài được khởi đi từ mơ ước một niềm hy vọng lớn:
“Tôi mơ ước một Giáo Hội là Cửa Thánh, mở rộng, bao gồm mọi người, đầy lòng từ bi và cảm thông mọi cơ cực, đau khổ của nhân loại, và tìm cách an ủi họ.
Tôi mơ ước một Giáo Hội là Lời Chúa, giơ Sách Tin Mừng ra bốn góc trời, trong một cử chỉ rao giảng, tuân phục lời Chúa, như một lời hứa của Giao Ước vĩnh cửu.
Tôi mơ ước một Giáo Hội là Bánh, Thánh Thể, muốn trở thành hồng ân và để cho mình được mọi người ăn, hầu cho thế giới được sự sống dồi dào.
Tôi mơ ước một Giáo Hội say mê Sự Hiệp Nhất như Chúa Giêsu mong muốn (cf. Gioan 17), như Đức Gioan Phaolô II, người mở Cửa Thánh, cầu nguyện trên ngưỡng cửa, cùng tiến lên với một Đức Tổng Giám Mục Chính Thống và Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo … và nhiều vị đại diện khác.
Tôi mơ ước một Giáo Hội Trên Đường Lữ Hành, Dân Thiên Chúa, theo sau Đức Giáo Hoàng mang thánh giá, tiến vào Đền Thờ Chúa, cầu nguyện và ca hát, hướng về Chúa Kitô Phục Sinh, là niềm hy vọng duy nhất; hướng về Mẹ Maria và tất cả các thánh …
Tôi mơ ước một Giáo Hội mang trong tâm hồn Lửa của Thánh Linh, và ở đâu có Thánh Linh, ở đó có tự do, và có đối thoại chân thành với thế giới, nhất là với giới trẻ, với những người nghèo, người sống ngoài lề … Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, dụng cụ rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn chúng ta trong việc nhận định những thay đổi trong xã hội ngày nay.
Tôi mơ ước một Giáo Hội là Chứng Nhân Của Hy Vọng Và Tình Thương, bằng những hành động cụ thể, như khi chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng tiếp nhận tất cả mọi người … trong ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Chúa Cha và sự hiệp thong của Thánh Thần được sống trong kinh nguyện và trong sự khiêm tốn. Vui mừng và hy vọng dường nào!” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 175-176).
Từ một ước mơ lớn của Ngài, tôi xin chia sẻ những suy niệm cá nhân của tôi khi tìm hiểu về “Linh Đạo – Con Đường Nên Thánh” của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận xuyên qua những tác phẩm, qua những buổi thuyết trình của Ngài để lại để giúp tôi cầu nguyện và học hỏi về đời sống “chứng nhân của sự vui mừng và niềm hy vọng”. Trong tác phẩm, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, của ĐHY Thuận, trình bày về lương thực thiêng liêng của Ngài, tôi cũng tin rằng đời sống linh đạo của Ngài cũng được thiết lập trên căn bản “đong đầy yêu thương”, vì thế, tôi xin chia sẻ “Đời Sống Linh Đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận” trong những đề mục sau đây:
Chiếc Bánh thứ Nhất: Sống Trọn Vẹn Giây Phút Hiện Tại;
Chiếc Bánh Thứ Hai: Phân Biệt Giữa Chọn Chúa và Việc Của Chúa;
Chiếc Bánh Thứ Ba: Sống Cầu Nguyện – Kết Hợp Mật Thiết Với Lời Chúa;
Chiếc Bánh Thứ Tư: Gắn Bó và Nuôi Dưỡng Bằng Bí Tích Thánh Thể;
Chiếc Bánh Thứ Năm: Sống Yêu Thương Đến Hiệp Nhất;
Con Cá Thứ Nhất: Yêu Mến Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và
Con Cá Thứ Hai: Tôi Chọn Chúa.
2/- Linh Đạo: Phương Châm Sống Đức Tin của Ơn Gọi
Theo tôi, Thánh Lễ Tấn Phong Giám Mục Nha Trang của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với khẩu hiệu “VUI MỪNG & HY VỌNG” (Gaudium et Spes) – một trong những Hiến Chế Mục Vụ quan trọng của Công Đồng Vatican II (1965) – đã trở nên phương châm sống đức tin của Ngài trong trách nhiệm của Vị Mục Tử – Giám Mục Giáo Phận Nha Trang – Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn – 13 Năm Tù Nhân biệt giam – Chủ Tịch Thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình. Tất cả đời sống nhân đức của Ngài – từ lúc còn bé thơ cho đến giây phút cuối đời tại dương thế – được kết trái với châm ngôn này: luôn luôn sống trong vui mừng và tràn đầy hy vọng nơi Thiên Chúa.
(WGP.Nha Trang)