Cách nói khác: TÌM GẶPGIÁNG KIỀU CỦA NHÂN LOẠI
Học đạo là một trong ba chân kiềng quan trọng của việc sống đạo, đối với tất cả mọi Kitô hữu, ở khắp nơi trên thế giới nói chung, và với mỗi Cursillista, người đã học khóa ba ngày của Phong trào Cursillo nói riêng. Kiềng ba chân đó là:
Sùng đạo, Học đạo và Hành đạo.
Bởi lẽ, nếu ta không học hỏi liên tục, hầu hiểu biết về quyền năng tuyệt đối, và lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta, để chúng ta có lòng tin tưởng sắt son mạnh mẽ nơi Ngài, thì làm sao ta có lòng Cậy trông, và đặc biệt là lòng Yêu mến Thiên Chúa được!
Ông bà ta đã nói: “Vô tri bất mộ” là như thế. Và hơn nữa, sự học không có trang cuối cùng. Càng học trí tuệ càng được mở mang, và ta lại càng nhận rõ hơn mình quá nhỏ bé trước vũ trụ bao la này. Sự học giúp ta biết mình hơn, biết người hơn, và biết khiêm tốn hơn…
Thánh Vịnh chương 19 (18) câu 2 đã dạy chúng ta:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay người làm”.
Câu Thánh Vịnh trong Kinh Thánh thật ngắn gọn, nhưng hàm chứa ý nghĩa bao la, sâu thẳm đã mời gọi chúng ta cùng ra sức tìm hiểu để thấy được phần nào quyền năng vô biên, và vinh quang cao cả của Thiên Chúa ở ngay trong các tạo vật, do Ngài yêu thương con người mà tạo dựng.
Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập đến: KHÍ TRỜI
Ta cùng nhìn lại trận động đất kinh hoàng có cường độ lên tới 7,3 độ Richter ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti, một đất nước nghèo nhất ở Tây bán cầu, cách nay hơn bảy năm. Đó là ngày 12.1.2010, ngày đã làm chết hơn hai trăm ngàn người. Con số người chết chưa ngừng ở đó. Người ta nói có thể lên tới nửa triệu người. Khoảng một triệu rưỡi người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, vì hơn 70% nhà cửa của thủ đô Port-au-Prince bị sập.
Có một điều kỳ lạ là sau hơn mười ngày xẩy ra trận động đất, đoàn cứu hộ của Israel ngày 22.01.2010 đã tìm thấy hai người còn sống: Bà cụ Marie Carida Roman 84 tuổi, trên người có nhiều vết thương đã có dòi; một thanh niên 21 tuổi có tên là Emmanuel Buco. Anh cho biết đã phải uống nước tiểu của chính mình để sống. Tuy không có lương thực, nằm trong đống gạch đổ nát, nhưng khí trời vẫn đến được với họ. Họ vẫn hít thở khí trời bình thường. Như thế, nếu thiếu lương thực con người còn có thể sống hơn mười ngày, nhưng nếu thiếu khí trời dù chỉ trong vài phút, con người sẽ mất sự sống.
Qua thông tin báo chí, chúng ta thấy hàng năm ở đất nước ta có nhiều vụ chìm đò cướp đi sinh mạng của bao cháu học sinh trên đường đến trường, khi các cháu phải qua sông bằng những chiếc đò ngang ọp ẹp. Nhiều nơi, thậm chí không có đò mà còn phải đi bằng mảng bè tre, nứa hoặc đu dây. Một cây cầu bêtông vững chắc bắc qua sông vẫn là ước mơ nhiều đời của bao gia đình ở những bến đò nghèo khó, nơi vùng quê xa xôi tăm tối.
Nhưng ngay cả khi con người có những con tầu to lớn, vững chắc, hoành tráng, sang trọng thì vẫn có thể xẩy ra thảm họa chết người. Con tầu Titanic gặp nạn chìm xuống lòng Đại Tây Dương cướp đi sinh mạng hơn 1.500 du khách, vì họ đã không còn được hít thở khí trời.
Lịch sử ngành hàng hải của nhân loại còn ghi lại những trang sử thật hãi hùng, đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, mà điển hình, vào lúc 23 giờ 40 phút ngày 14.04.1912, tầu Titanic còn thơm mùi sơn, mới xuất xưởng, lần đầu tiên đưa hơn 2000 du khách đi từ đất nước sương mù (Anh quốc) sang Bắc Mỹ đã va vào tảng băng trôi, hai giờ sau đó tầu chìm xuống đáy biển.
Trại giam tử thần Auschwitz với những phòng hơi ngạt số1, số 2, số 3. Do Đức Quốc xã lập nên ở Ba lan đã giết hàng triệu người Do Thai…
Trở lại trang lịch sử hãi hùng, đau thương của nhân loại 1940 đến 1945. Vào những năm đó hàng triệu tù nhân, trong đó có tới 90% là người Do Thái đã bị Đức Quốc xã giết chết bằng cách đẩy họ vào những phòng hơi ngạt. Nơi đó khí trời không con trong lành, lượng khí Oxy bị giảm xuống không còn 100cm3 không khí có 21cm3 oxygen &79cm3 nitrogen như bình thường, lượng khí đôc Carbonic tăng lên. Điều đó đã được các sử gia và báo chí ghi lại:
“Chỉ tính riêng trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1942, phát xít Đức đã sát hại 600.000 người, trong đó có 550.000 người Do Thái tại lò ngạt này… “Lao động là tự do” là khẩu hiệu lớn treo ngay trên lối vào cổng trại Auschwitz. Nhưng nghiệt ngã thay, tù nhân ở đây phải lao động quần quật suốt 12 tiếng một ngày trong những điều kiện hết sức tồi tệ, bị vắt kiệt sức lực cho tới chết.
Tự do là thứ xa xỉ nhất, hoàn toàn biến mất trong trại Auschwitz-Birkenau. Ngay cả những sinh hoạt tối thiểu như ngủ, nghỉ cũng đều bị giám sát rất chặt. Thậm chí khi đi vệ sinh, tù nhân cũng bị theo dõi ngặt nghèo.
Cảnh một lò hơi ngạt đang hoạt động để giết người
Tháng 7 năm 1941, thực hiện kế hoạch hủy diệt toàn bộ dân tộc Do Thái ở châu Âu (khoảng 11 triệu người) của trùm phát xít Hitler, trại giam Auschwitz chính thức trở thành “lò giết người hàng loạt” lớn nhất trong lịch sử loài người.
Các tù nhân bị nhồi nhét chật cứng trong những toa tàu ngột ngạt, được chở đến Auschwitz từ mọi vùng lãnh thổ châu Âu do Đức chiếm đóng bằng đường sắt. Khi nhập trại, mọi vật dụng có giá trị đều bị tịch thu. Phụ nữ buộc phải cắt tóc ngắn. Tóc của tù nhân được dùng để sản xuất tất dài.
Núi giày dép của nạn nhân bị sát hại
Một trong những thủ đoạn xảo quyệt nhất của phát xít Đức, đó là: trước khi hành hình các tù nhân, chúng giả vờ trao cho họ valy ghi tên tuổi, gieo cho họ một ảo tưởng về hy vọng được thả ra ngoài. Sau đó, chúng bảo các nạn nhân đi tắm rửa sạch sẽ để tẩy trừ chấy rận, thậm chí một số người còn được phát xà phòng và khăn tắm.
Bị mắc lừa, các tù nhân hồ hởi cởi bỏ quần áo ở phòng ngoài và bước đến phòng hơi ngạt, địa điểm được ngụy trang như phòng tắm. Trên đường đi đều có các bảng chỉ dẫn đến “phòng tắm” hoặc “tắm hơi”.
“Căn nhà nhỏ màu đỏ” có 2 phòng. Boongke 1 chứa 800 người, boongke 2 chứa 1.200 người. Khi phòng hơi ngạt đầy người, cửa phòng bị khóa chặt. Những viên Zyklon-B, do Viện Vệ sinh của SS cung cấp được vận chuyển tới trại bằng xe cứu thương, được thả vào phòng qua những lỗ thông hơi trên tường. Khí độc bắt đầu lan tỏa.
Khoảng 1/3 nạn nhân chết ngay tức khắc. Chừng vài phút sau, những người bị nhốt bên trong sẽ chết như ngả rạ. Chết nhanh hay chậm phụ thuộc vào vị trí người ấy đứng gần lỗ thông hơi hay không. Mặc dầu những bức tường bê tông dày ngăn cách nhưng ở bên ngoài vẫn nghe thấy những tiếng la hét, rền than của những tù nhân khốn khổ…
Những viên thuốc được bỏ vào trong phòng hơi ngạt để nạn nhân chết nhanh hơn
Những đợt hành quyết hàng loạt đầu tiên tại Auschwitz diễn ra vào đầu tháng 9 năm 1941 khi 900 tù nhân bị giết bằng khí độc Zyklon B trong tầng hầm của Block 11.” (PN News 01-07-2016)
Bên ngoài trại tập trung Auschwitz hiện nay
Như thế, con người cần làm việc vất vả, chạy trước, chạy sau để có cơm ăn, áo mặc. Còn không khí được trời ban tặng nhưng không cho con người một cách hào phóng.Tất cả mọi người không phân biệt giầu nghèo, địa vị xã hội, từ nhà tỉ phú cho đến người ăn xin trên hè phố, từ bác nông dân chân lấm tay bùn, ngày đêm trên đồng ruộng, đến người có quyền cao chức trọng, luôn có xe đưa đón đều hưởng không khí bình đẳng như nhau (100cm3 không khí có 21cm3 oxygen &79cm3 nitrogen).
Ngày nay có lẽ ở nông thôn hay chốn sơn khê không khí lại trong lành hơn thành thị, bởi lẽ ở đó ít bị ô nhiễm môi trường. Như thế, bữa tiệc không khí mà nhân loại đang được hưởng quan trọng cần thiết biết chừng nào! Có bao giờ chúng ta tự hỏi bữa tiệc đó do ai ban tặng? Và ta đã tìm ra Đấng ban tặng để cảm tạ, để tri ân chưa? Đặt câu hỏi trên tôi lại liên tưởng đến một chi tiết khá thú vị: chàng Tú Uyên sinh nghitrong câu truyện thơ nôm, khuyết danh, Bích Câu Kỳ Ngộ của Việt Nam.
Trước năm 1975, truyện Bích Câu Kỳ Ngộ được giảng dạy ở các trường Trung học Phổ thông. Bích Câu Kỳ Ngộ với 648 câu thơ lục bát đưa người đọc đến câu chuyên tình giữa chàng Tú Uyên, một thư sinh nghèo, mô côi cha mẹ, nhưng rất lãng mạn với một tiên nữ tên là Giáng Kiều ở đất ngàn năm văn vật, Hà Nội. Câu chuyện như sau: Chàng thư sinh Tú Uyên gặp một thiếu nữ tuyệt đẹp trong lần đi vãn cảnh chùa Ngọc Hồ. Chàng đi theo, rồi nàng biến mất khi đến Quảng Văn Đình, nay là cửa Nam Hà Nội. Từ đó, chàng tương tư, sầu mộng.
Một ngày kia Tú Uyên mua được bức tranh người trong mộng rồi treo ở thư phòng. Mỗi bữa ăn chàng dọn hai chén, hai đôi đũa, mời người trong tranh ra ăn. Một hôm khi ở trường về, chàng thấy trên bàn đã có sẵn mâm cơm đàng hoàng “Bát trân”*, chàng sinh nghi. Hôm sau đi học, chàng bỏ về bất chợt, bắt gặp người trong tranh bước ra, nàng tự xưng là Giáng Kiều. Sau đó hai người kết duyên thành vợ thành chồng và sinh được Chân Nhi.Sau chàng và nàng về trời để Chân Nhi ở lại trần gian.
Ta cùng đặt giả thuyết: Nếu như Tú Uyên khi ở trường về thấy trên bàn đã
“Một khi ra việc trường văn
Trở về đã thấy bát trân sẵn sàng
So xem phong vị khác thường
Mùi hoa sực nức, mùi hương ngạt ngào”
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Chàng không hề sinh nghi, cho rằng tự nhiên mà có, lại đang đói bụng, cứ ăn đã thì chắc hẳn chẳng bao giờ chàng gặp được Giáng Kiều. Nhưng Tú Uyên đã không tin tự nhiên mà có, chàng sinh nghi, bỏ công sức tìm hiểu cho ra lẽ, biết nguyên nhân, ai là người đã mang đến bữa ăn thịnh soạn “bát trân”cho chàng.
Tú Uyên tự hỏi và quyết định:
“Bếp trời sẵn đó hay sao?
Của đâu thấy lạ lòng nào chả nghi
Sáng mai cứ buổi ra đi
Liệu chừng thoát trở lại về thử coi”
(BCKN)
Ta thấy, suy nghĩ của chàng chính là suy nghĩ của người còn đủ lý trí bình thường. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Chính vì thế mà chàng gặp được người trong mộng Giáng Kiều.
“Bổng đâu thấy sự lạ đờiTrong tranh sao có bóng người vào ra
Nhân nhân mày liễu mặt hoa
Này người khi trước đâu mà đến đây”
(BCKN)
Ta có thể khẳng định rằng: không khí là một báu vật, nếu thiếu nó sự sống trên trái đất này không còn nữa. Không khí không phải con người làm ra, không phải của nước giầu viện trợ cho nước nghèo như vốn ODA, cũng không phải của tổ tiên để lại. Vậy thì khí trời từ đâu mà có? Ta cũng suy nghĩ như Tú Uyên: “Của đâu thấy lạ lòng nào chả nghi”. Suy nghĩ và tìm nguyên nhân chứ đừng nói tự nhiên mà có như một số người, ắt hẳn ta sẽ tìm được Giáng Kiều của nhân loại như Tú Uyên tìm được Giáng Kiều cho chàng.
Giáng Kiều của nhân loại chính là ông Trời, là Tạo Hòa, là Thượng Đế, là Đấng toàn năng tạo dựng vũ trụ muôn loài. Tất cả đang vận hành trong một trật tự kỳ diệu mà khoa học đang cố gắng hé mở để đem lại hạnh phúc cho con người ngày một nhiều hơn.
Ngày nay trước vũ trụ bao la cùng với những diều kỳ diệu trong con người thì phần biết được của con người chỉ như chiếc lá trong rừng cây, như hạt cát trong sa mạc, như giọt nước giữa đại dương. Đúng như người xưa đã nhận định: Càng biết nhiều bao nhiêu càng cảm thấy nhỏ bé bấy nhiêu
CHỜ MONG!
Chờ mong Chúa, mãi chờ mong,
Chờ mong nhân loại một lòng nhận ra,
Một Thiên Chúa, người là cha,
Tạo dựng vũ trụ bao la muôn loài
Một Thiên Chúa, vua đất trời,
Yêu thương nhân loại Ngôi Hai làm người
Chở mong Chúa mãi chờ mong
Chờ mong nhân loại thật lòng thương nhau
Đừng gian dối, đừng oán thù
Đừng làm điều ác hiểm sâu hại người
Cùng nhau xây dựng nước trời
Ở ngay trần thế thắm tươi cuộc đời
“Hồng ân Thiên Chúa bao la
Muôn đời con sẽ ngợi ca danh người”
·Ghi chú: Theo wikipediA thì bát trân của người Việt là tám món ăn quí nhất của người Việt ngày xưa bao gồm:
Nem công, Chả phượng, Da tây ngưu, Bàn tay gấu, Môi đười ươi, Thịt chân voi, Yến sào, Gân nai,
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh