Sau đây là một số điểm quan trọng để có một niềm sùng kính đúng đắn hơn với Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển. Những điều này do Thánh Louis de Montfort đề ra; ngài là một linh mục sống hồi thế kỷ XVIII có đầy lòng sùng kính Đức Mẹ, đã dành cả đời để dẫn đưa các linh hồn nhờ Mẹ đến với Chúa.
1. Nội tâm
Lòng sùng kính thật cần xuất phát từ tinh thần và trái tim, từ sự tôn trọng sâu xa ta dành cho Đức Mẹ Maria, từ hiểu biết của bản thân về sự vĩ đại của Mẹ, và từ cảm xúc ta có với Mẹ.
2. Trông cậy
Nghĩa là ta thật sự tin tưởng vào Mẹ, thật sự hy vọng ơn phù trợ của Mẹ. Như một người con thơ, ta kêu xin Mẹ giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi sự.
Khi nghi nan, khi lạc lõng, khi bị cám dỗ, khi mệt mỏi buồn chán, khi sa cơ thất thế, khi vô vọng bế tắc, khi đắn đo lo lắng, khi khổ cực vất vả công việc, khi bất mãn cuộc đời, trong mọi nỗi gian nan khốn khó về phần xác cũng như phần hồn, ta đều hãy kêu đến bàn tay Đức Mẹ Maria, đừng sợ Mẹ chán vì phải nghe ta mãi, hay sợ làm phiền lòng Chúa.
3. Đạo đức
Sùng kính thật là sống đạo đức, nghĩa là biết tránh xa tội lỗi, noi gương Đức Trinh Nữ thánh thiện vô song về đức khiêm nhường, đức tin, cầu nguyện liên lỉ, đức hy sinh hãm mình chịu khổ hồn xác, đức trong sạch, đức kiên nhẫn, sự dịu dàng như thiên thần, và đức khôn ngoan. Đó là 10 nhân đức hàng đầu của Đức Nữ Rất Thánh Đồng Trinh.
4. Bền đỗ
Sùng kính thật là phải lâu dài. Bền đỗ bảo đảm con người duy trì những việc lành, không dễ bỏ qua các thói quen đạo đức. Một người sốt sắng với Đức Mẹ phải là người không dễ thay đổi, cảm xúc không nhất thời, không hay ngại ngùng, cũng không nhút nhát. Tình yêu mến với Đức Mẹ dựa trên đức tin, không phải trên cảm giác hay cảm xúc vài ba bữa.
5. Vô vị lợi
Cuối cùng, lòng sùng kính thật với Đức Mẹ là lòng sùng kính vô vị lợi, không vì để thoả mãn một điều cầu xin cụ thể nào đó rồi thôi, nhưng là một sự đơn thuần tìm kiếm Thiên Chúa qua Đức Mẹ rất thánh. Một tôi tớ đúng nghĩa của Đức Maria không phục vụ Mẹ chỉ để mong được một ơn ban tạm thời hay dài hạn về thân xác hay cả tâm linh (như mong được mạnh khoẻ hay ước có ngày được thị kiến thấy Mẹ). Ta không nên yêu mến Mẹ vì Mẹ ban điều này điều kia cho ta, hay vì ta trông mong Mẹ được nhiều, mà duy nhất là vì Mẹ đáng mến vô cùng. Tình mến ấy phải không khác biệt với một Đức Mẹ rộng rãi và đáng yêu ở tiệc cưới Cana lẫn với một Đức Mẹ buồn bã và sầu khổ ở đồi Canvê.
Gioakim Nguyễn lược dịch