Đức Thánh Cha đã khẳng định Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo. Trong tâm tình đó và thực tiễn của cuộc sống ta thấy đó là một sự thật bởi lẽ đa phần thành viên của Giáo Hội là những người nghèo, những người buôn gánh bán bưng, những anh chị em di dân xa quê nghèo …
Người nghèo dường như lúc nào ở bên cạnh ta như Chúa nói. Đơn giản như Sài Thành này mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” nhưng còn đó quá nhiều căn nhà ổ chuột cũng như những cái chòi nhỏ chen chúc cả chục người trong một gia đình.
Sài Gòn mà còn như thế thì những tỉnh lẽ, những vùng sâu vùng xa thì cuộc sống chắc hẳn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Dự Thánh Lễ ở nhiều nơi, ta vẫn thường thấy nhiều nhà thờ ở nhiều vùng xa đến để xin quyên góp về xây dựng nhà thờ của mình. Nhưng, tôi tưởng nghĩ cũng nên nghĩ đến những con người nghèo không có nơi cư ngụ, không có một mái nhà đúng nghĩa để che nắng che mưa.
Vẫn biết có nhiều nhà thờ, nhiều hội đoàn, nhiều cá nhân nữa đã làm việc bác ái rất nhiệt tình. Thế nhưng, tôi lại nghĩ đến thân phận của những con người nghèo không có chỗ dung thân. Nhiều nơi trong xã hội cũng đã nổ lực, cũng đã cố gắng có những chương trình nhà tình thương. Tôi thấy đây là một việc làm thiết thực và nên nhân rộng ra ở các xứ đạo thì chuyện chia sẻ tình thương đó được thiết thực hơn.
Đơn giản như ở Sài Gòn có hơn 200 ngôi Thánh Đường. Chỉ cần mùa Chay hay dịp nào đó cả giáo xứ cùng chung tay giảm bớt chi tiêu thì có thể làm được một số không nhỏ cho các giáo phận có nhiều người nghèo khổ.
Tính theo thời giá hiện tại thì bình quân 1 căn nhà tình thương có giá khoảng 50 triệu đồng. Và với giá như vậy, cả một giáo xứ lớn như nhiều giáo xứ ở Sài Gòn quả là điều không khó. Khó với một người nhưng dễ khi có nhiều bàn tay góp lại.
Có như thế, mỗi năm chia sẻ cho những giáo phận thiếu thốn thì dần dần sẽ cho những người nghèo có được mái ấm để dung thân hơn. Cứ từ từ và dần dần lên chương trình “Người nghèo có chỗ ở” chắc chắn sẽ phần nào chia sẻ nỗi đau cho những gia đình nghèo ở các giáo phận. Hay, có thể là một giáo xứ nào đó ở Sài Gòn “đỡ đầu” cho một giáo xứ, giáo điểm vùng sâu thì sẽ phần nào giúp cho những người nghèo bớt nghèo hơn.
Khi bắt tay vào chương trình này, Giáo Hội sẽ làm một cách công tâm và thiết thực, nhất là không biệt lương giáo. Khi ta làm như thế, mọi người sẽ cảm và sẽ nhận thấy thật sự là một Giáo Hội nghèo đang ở giữa lòng xã hội.
Giáo Phận Sài Gòn nói một cách nào đó có đời sống kinh tế nhỉnh hơn so với nhiều giáo phận khác. Đứng trước cung cách sống nghèo, lời mời gọi sống nghèo của Đức Thánh Cha, Giáo phận Sài Gòn nên chăng làm một điều gì đó thiết thực để hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha.
Dĩ nhiên cuộc sống còn có quá nhiều việc để làm, có quá nhiều người để chia sẻ nhưng nếu nhiều bàn tay góp sức, nhiều giáo xứ cộng lại sẽ giảm đi được nỗi đau của những người không có một nơi ở xứng đáng.
Dĩ nhiên chuyện cần hơn cả là xây dựng nhà thờ, nhà dòng, nguyện đường … nhưng có khi những người xây đã lạm dụng là xây quá hoành tráng, xây với kinh phí quá cao, xây với lòng cao ngạo hơn thua.
Tôi nghĩ đôi khi Giáo Hội cần phải hành động, cần phải tiên phong một cách thiết thực để chia sẻ với người nghèo. Có như thế, ta mới đồng hành, mới hưởng ứng, mới noi gương vị cha chung Phanxicô của chúng ta được.
Khi sống và hành động như thế, phải chăng đó là cách truyền giáo, cách chia sẻ thiết thực nhất mà Thiên Chúa muốn.
Micae Bùi Thành Châu