Ngày nay, với sự bùng nổ kinh khủng của mạng xã hội để rồi kèm theo đó nhiền vấn nạn. Như đã nói ở trên, chuyện mua “like” không còn là chuyện nữa mà hỏi ra ngay cả comment người ta cũng mua và với trang youtube người ta cũng không loại trừ chuyện mua “view”. Chuyện không lạ mấy khi có những website rao bán chuyện làm “view” làm “like” cho những ai có nhu cầu. Miễn sao cứ chung tiền là sẽ có “like” và “view”.
Bên dưới tất cả sự mua bán “view-like” đó không ngoài mục đích đánh bóng tên tuổi của mình. Điều đáng nói ở đây chính những người đó lừa đảo ngay chính bản thân họ bằng những cái “view”, cái “like” mà ngay bản thân mình không hề biết người bấm “view” hay “like” cho mình là ai và “view” cũng như “like” cái gì.
Không chỉ trên mạng xã hội và ngay như chính trong đời sống thực tại của mỗi người, con người đã vô cảm không chỉ với người khác mà ngay cả chính mình. Chính vì lẽ đó nên thấy trong nhiều mối tương quan, quan hệ cũng chỉ là ảo mà thôi. Thế nhưng, người ta lại thích sống ảo hơn là sống thật, thích những lời lẽ “có cánh” hơn là những lời của chân tình.
Xét cho bằng cùng, khi người ta trao cho nhau những lời lẽ hoa bướm, có cánh cũng chính là lúc họ vô cảm với người đối diện. Đau một chỗ là người đối diện hết sức thích nghe những lời ngọt ngào thay vì những lời thẳng thắn chân tình.
Cũng mới đây, trên mạng xã hội loan truyền hình ảnh một nữ công an nhân dân đã vui vẻ cho một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi bú. Thiên chức làm cha làm mẹ thật cao quý và hình ảnh người mẹ cho con bú là hình ảnh rất riêng tư và kín kẽ. Thật ra nó chẳng là gì cả nhưng không ai đời cho con bú lại có thợ chụp hình và rồi lại tung lên mạng như thế. Có lẽ người được chụp cũng như người cho lên mạng những bức hình ảnh ấy quá vô tư. Họ không nghĩ ra chính họ vô cảm với chính mình. Lẽ ra, mình phải thương bản thân mình khi cho một người thợ bấm máy chộp những tấm hình tế nhị như thế. Và, cũng lẽ ra, người chộp hình cũng không nên tung ra “thị trường” những tấm hình như vậy.
Ai ai cũng thương và nhớ Đức Cố Giám Mục Giuse Thông Vi Vu. Trong những ngày sắp về nhà Cha, một người con rất gần và rất thương Cha nên được vào thăm trực tiếp Cha. Người con ấy chộp được tấm hình đau thương của bố và chia sẻ cho vài vị chức sắc. Đáng tiếc thay bức hình đó nhanh chóng lan tỏa trên mạng đến mức độ chóng mặt.
Dĩ nhiên, khi bức hình đó tung ra, nhiều người lý luận rằng để cho mọi người cầu nguyện. Hẳn nhiên, ai mà không thương Đức Cố Giám Mục Giuse khi hay tin Ngài đau nặng. Thế nhưng, đâu cần thiết phải trưng dẫn tấm hình bi thương đó.
Vấn đề lớn nhất của tấm hình Đức Cố Giám Mục Giuse đó chính là vấn đề nhân đạo. Nếu như Ngài tỉnh lại, ngài sống và Ngài nhìn bức hình của mình được tung lên mạng thì Ngài nghĩ sao ? Và nếu mỗi người trong chúng ta, nếu chúng ta bị như thế, chúng ta có can đảm đưa hình mình lên hay không ?
Không dừng lại cũng như không rút kinh nghiệm và không nhận ra điều mà mình làm ảnh hưởng như thế nào với bệnh nhân, với những người bị nạn để rồi mạng xã hội nhanh chóng đưa hình ảnh đau thương của một nữ tu lên mạng. Thiển nghĩ, chỉ cần thông tin nữ tu đó bị tai nạn giao thông nghiêm trọng thì mọi người sẽ dâng lời cầu nguyện chứ đâu cần phải nhất thiết đưa tấm hình đau thương đó lên để làm gì.
Ngay cả với Đức Cố Giám Mục Phanxicô mới về nhà Cha cũng vậy. Trong thân phận làm người, chả ai thoát được bệnh tật và cái chết để rồi không cần thiết phải đưa tấm hình tiều tụy của Đức Cố Giám Mục kèm theo dây và ống thuốc trên giường bệnh để minh họa.
Một cha già vừa mới qua đời với khuôn mặt tóp lại, mắt hoẵm sâu như chỉ còn da và thịt thôi nhưng rồi có vị đã chộp ngay và tung lên mạng. Cũng thiển nghĩ, chỉ cần thông tin Cha già cố vừa về nhà Cha là đủ chứ không cần phải minh họa những bức ảnh thương tâm.
Xã hội ngày hôm nay người ta nói vô cảm nhiều và cũng đổ thừa cho người này người khác vô cảm nhưng xem chừng ra đổ thừa một cách vô tội vạ và vô căn cứ. Có khi bản thân mình vô cảm với ngay người trong gia đình, trong mái ấm mà mình đang ở chứ không ở đâu xa. Và đau đớn nhất là họ vô cảm với chính bản thân mình khi mình không sống thật với bản thân mình, không sống thật với những gì mình có và với lương tâm của mình.
Tại sao ngày hôm nay mất dần cảm thức về người khác và với bản thân mình ? Thật khó để lý giải nhưng thiển nghĩ rằng chính vì khi họ xa rời Chúa, họ không còn bám rễ đời mình vào Đức Kitô nên nó mới ra như vậy. Nói thì hơi lý thuyết nhưng đó chính là sự thật. Khi và chỉ khi người Kitô hữu vác thập giá đời mình theo Chúa thì khi đó mới chính là môn đệ thật của Thầy Giêsu.
Khi người ta sống ảo, sống vô cảm nghĩa là người ta không sống thật với mình và với người khác nữa.
Chợt nhớ đến tâm tình của linh mục nhạc sĩ Tiến Lộc thật là hay trong nhạc phẩm sinh hoạt quen thuộc : gặp gỡ Đức Kitô.
Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình.
Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh.
Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình.
Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh.
Vâng, khi ai nào đó gặp được Đức Kitô một cách chân thật thì khi đó người đó mới thật sự gặp mình, tái sinh, biến đổi đời mình. Và, đặc biệt hơn cả, khi ở trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô, người ta mới có tình đệ huynh một cách chân tình, một cách thật sự để chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống chứ không phải là những cái “view”, những cái “like” ảo mà người ta vẫn thường trao cho nhau trên mạng xã hội, trong giao tiếp với nhau.
Người Giồng Trôm