Chiều tối qua, có việc ra đường, chỉ vì chắc có lẽ vài giây mà chàng tài xế taxi đã làm “vỡ” đèn tín hiệu trước ngã tư được. Giả như anh ta cứ tuân theo màu xanh màu đỏ của cột đèn tín hiệu thì sẽ không để lại bao nhiêu rắc rối cho những người xung quanh. Chính vì anh đã chồm lên một chút và người sau anh cũng chồm nên cuối cùng rối như canh hẹ.
Vừa thoát được đám đông hãi hùng đó để về nhà thì một người quen cũng vừa về đến nhà sau khi thoát khỏi mớ bòng bong trên đường Trần Quốc Thảo. Khi biết được lượng xe quá nhiều nên cơ quan chức năng đã đưa người đến xử lý. Hai chàng cảnh sát giao thông cũng đành phải bất lực trước những kẻ đi đường chẳng ai nhượng nhìn ai. Nhìn thế bất lực của chàng cảnh sát, người quen kể lại trong phì cười bởi lẽ rất dễ và rất thoáng nếu như mỗi người nhường nhau một chút. Nguyên nhân chính của các vụ kẹt xe không ai khác đó chính là con người. Cách hành xử quá hẹp hòi và ích kỷ hay không muốn nói là thiểu năng để rồi mình tự gây họa cho mình mà mình không hay biết. Nhìn tới nhìn lui mới thấy chính mình đã góp phần cho chuyện kẹt xe này thêm rối rắm.
Và, như mọi người biết, phim Cô Ba Sài Gòn mới được trình chiếu thì một chàng trai trẻ 19 tuổi đã vô tư live-stream cho người khác xem. 19 tuổi, có lẽ không còn trẻ dại đến độ không biết đó là việc làm sai trái và gây tổn hại cho biết nao nhiêu con người. Tệ nạn ăn cắp bản quyền từ phim ảnh, ca nhạc, sách vở … đến nay không còn là chuyện nhỏ nữa mà đã trở thành đại dịch.
Chính vì cách hành xử thiểu năng của một số người để rồi những người hoạt động nghệ thuật chân chính, những tác giả có tâm không còn tâm trí hay đặt để tấm lòng của mình sáng tác nữa.
Chuyện viết lách và chủ nhân bài viết cũng đã hành động như cậu bé 19 tuổi kia với phim Cô Ba Sài Gòn.
Một trang web lớn mang tên là của Công Giáo được đặt ở hải ngoại đã làm chuyện không ai nghĩ ra đó là lấy bài viết của một tác giả thật gắn cho một cái tên …tự trên trời. Dĩ nhiên với cách làm của trang web đó không ai chấp nhận. Đến khi không chịu được nữa thì tác giả lên tiếng. Thay vì nhận được một lời tạm gọi là xin lỗi, nhưng không và dùng lời lẽ biện minh không mấy thuyết phục.
Điều đáng buồn và đáng suy nghĩ ở đây đó là người Công Giáo lẽ ra phải làm gương sáng, làm nhân chứng cho sự thật, làm nhân chứng cho một Thiên Chúa giữa cuộc đời nhưng vì lợi danh mà người ta đã loại trừ Thiên Chúa và sự thật ra bên lề. Chả hiểu suy nghĩ và cách làm của họ, họ có bao giờ nhìn lại không để rồi cứ mãi mê lên án người này người nọ trong khi họ là người tự cao tự đại và tự cho rằng mình là nhất.
Ngày nay, ai ai cũng cảm thấy nuối tiếc khi rất ít được nghe 2 từ “xin lỗi” và “cảm ơn”. Dường như người ta ngại nói 2 lời đó vì lẽ nếu nói thì sẽ tự hạ thấp mình nhưng rồi trong cuộc sống chả ai muốn nhường ai. Chính vì cứ coi mình là nhất, là đúng, là hoàn hảo để rồi không bao giờ biết nhận lỗi và xin lỗi ai. Và, người ta cứ tự cho mình là phải được điều này điều kia nên khi nhận không cần 2 tiếng cám ơn nữa. Đây cũng là lối hành xử ấu trĩ và thiểu năng nơi khá nhiều người. Một đứa trẻ thật dễ thương khi nhận của ai đó dù chỉ là cái bánh viên kẹo nhưng đều biết cảm ơn. Người lớn thì ngược lại, nhận quá nhiều nhưng lại tìm mọi cách để phủi ơn.
Và, có lẽ điều đáng buồn và dễ đụng chạm nhất ngày hôm nay ở xã hội đó là chuyện về 2 ngành cơ bản sống chết cho con người đó là y tế và giáo dục. Những nhà giáo, những bác sĩ đã hành xử như thế nào với anh chị em đồng loại thì chỉ có họ mới biết, không ai dám xét đoán. Thế nhưng mà đâu đó vẫn có tiếng kêu ai oán của những con người nghèo khi lê bước chân đến bệnh viện.
Xem chừng ở những nơi mà ngày xưa người ta gọi cái tên rất hay và nhân đạo đó là “Nhà Thương” có nghĩa là vào nhà đó để được thương nay không còn nữa. Cứ thử hỏi ai là bệnh nhân hay ai nào đó có thân nhân nằm viện mới thấu cảm dường bao.
Tất cả ở bên ngoài với dáng vẻ tri thức và học cao hiểu rộng. Thế nhưng rồi khi hành xử với nhau nó có điều gì đó khó nói bởi lẽ nói ra nó đụng chạm. Mà thật là như thế, người với người với nhau sao lại hành xử thiểu năng như thế.
Khi xã hội không chữa được căn bệnh thiểu năng đang lan tràn như nạn dịch thì khi đó sẽ chả bao giờ giải quyết được vấn đề của cuộc sống. Tất cả những cách hành xử nhỏ nhặt như văn hóa giao thông, đạo đức truyền thông, y khoa và giáo dục đều dựa vào cách hành xử của người với người. Khi và chỉ khi bằng tình thương, bằng nhân cách tốt thì khi đó xã hội và con người mới cảm nhận bình an thư thái thật sự.
Người Giồng Trôm