Chúng ta cũng biết đối với bất kỳ tôn giáo nào, nhà thờ hoặc đền thờ luôn là nơi thánh thiêng. Ở đó, tín hữu có thể lắng lòng bên Đấng Tối Cao để nguyện cầu, thờ lạy. Bởi thế, đã là nhà thờ Công Giáo, chúng ta tin nơi ấy có Thiên Chúa hiện diện. Hơn nữa Ngài vẫn hằng chờ mong tín hữu đến trò chuyện với Ngài trong mọi lúc. Chắc hẳn Thiên Chúa không muốn cánh cửa nhà thờ đóng kín mỗi lần có người đến nguyện cầu hoặc thăm viếng.
Là thế hệ trẻ, tôi không được trải nghiệm sự thánh thiêng của nhà thờ trong những hoàn cảnh chiến tranh hay khó khăn. Những người thuộc thế hệ trước nhiều lần kể cho tôi về những lần bom đạn, lũ lụt, hoặc trong hoàn cảnh nguy hiểm, người dân thường chạy đến nhà thờ để nương nhờ, ẩn nấu. Họ không chỉ là người công giáo mà cả những người khác niềm tin. Trong thời cuộc đó, nhà thờ đúng là “bệnh viện dã chiến” mà người ta muốn tìm đến. Bởi đơn giản trong nhà thờ, khuôn viên nhà xứ, họ tin Thiên Chúa sẽ phù trì, che chở cho họ.
Một hình ảnh rất đẹp là những nơi có người Công giáo đều có nhà thờ như là nơi trung tâm của xóm làng thôn quê. (Tiếc là nhiều nơi hiện nay vẫn chưa được phép xây nhà thờ!). Bởi đó, nhà thờ thường được xây với tháp chuông cao, hoặc tháp nhà thờ luôn là nơi cao nhất để mọi người có thể nhìn thấy như là biểu tượng bình an của xóm đạo. Ngoài những ngày lễ lớn hay Chúa Nhật, những ngày thường xưa kia giáo dân cũng lui tới nhà thờ để cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa. Tiếc là hôm nay do xã hội đổi thay khiến nhà thờ ngày càng vắng lặng, nhất là tại những thành phố lớn. Có chăng nhà thờ chỉ còn người già và số ít trẻ em, giới trẻ tham dự thánh lễ. Đó là nỗi buồn cho rất nhiều giáo xứ hiện nay.
Tuy nhiên, trở lại vấn đề nhà thờ có nên mở cửa không? Chúng ta thông cảm và hiểu được những nhà thờ đang phải chấp nhận cửa đóng then cài trong ngày. Họ chỉ mở những giờ nhất định. Rất hiếm nhà thờ mở cửa cả ngày, có chăng là những giáo xứ còn nhiều hoạt động với nhiều giáo dân lui tới. Tuy vậy, nếu chỉ vì vấn đề an ninh mà đóng cửa nhà thờ thì e rằng không ổn. Nếu nhiều người lui tới, kẻ trông người coi thì những tên trộm cắp cũng không dám lộ liễu ra tay. Hơn nữa, chúng ta tin rằng Thiên Chúa có những cách để bảo vệ tài sản nhà Chúa. Nếu phải đánh đổi giữa an ninh và mở ra cơ hội cho những người đến nhà thờ thăm viếng nguyện cầu, thì mở cửa nhà thờ cũng là điều nên đắn đo, chọn lựa.
Tôi biết nhiều nhà thờ không chỉ mở cửa nhà thờ, mà còn có những nơi Chầu Thánh Thể, hoặc những phòng cầu nguyện rất thánh thiêng. Ở đó là chỗ thích hợp để những ai muốn nghỉ ngơi bên Chúa được thỏa lòng. Không chỉ trong nhà thờ, nếu khuôn viên nhà xứ nào còn có tiếng cười đùa của trẻ em, tiếng chuyện trò của giáo dân hoặc những nhóm sinh hoạt của hội đoàn thì nơi đó thật hạnh phúc biết bao. Ngược lại, nhà thờ vắng bóng người lui tới đúng là điều lắng lo. Không biết giáo xứ, hay nhà thờ của các bạn đang trong tình trạng nào? Ước gì giáo xứ và nhà thờ của chúng ta luôn là nơi hấp dẫn mỗi người lui tới để làm triển nở đời sống đức tin của mình.
Theo quan điểm cá nhân, việc thường xuyên đóng cửa nhà thờ hẳn đây thật không thể là đường lối mục vụ của Chúa Giêsu. Ngài ước mong là nơi trú ẩn an toàn cho tất cả mọi người, dù có đạo hay không. Ngài không vui khi thấy cánh cửa ngăn tín hữu bước gần Ngài hơn. Rồi không chỉ người công giáo, Thiên Chúa cũng luôn muốn vươn ra và mời gọi tất cả những người sống đạo yếu ớt hay không theo đạo. Bởi đó, trong nhà thờ, chắc hẳn Ngài không chỉ đón chào người tốt, nhưng vui nhận những người tội lỗi. Được như thế, chúng ta hy vọng rằng nhà thờ chính là nơi để con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Đó là nơi an bình thanh thản.
Cảm ơn những cha xứ đã can đảm, hoặc có những sáng kiến cho nhà thờ mỗi ngày thêm nhiều người thăm viếng hoặc dễ dàng đến cầu nguyện. Ước sao mỗi ngày sẽ có nhiều nhà thờ mở cửa đón chào mọi thành phần vào để được Thiên Chúa bồi dưỡng. Tuy còn đó những lý do chính đáng khiến nhiều cha xứ phải thường đóng của nhà thờ, nhưng tại sao chúng ta không dám để nhà thờ, giáo xứ là một “bệnh viện dã chiến” cho những người cần lắng lòng, cần chữa lành, cần ơn Chúa, theo ý của Đức Giáo hoàng Phanxicô?
(Giuse Phạm Đình Ngọc SJ, dongten.net 16.12.2017)