1. Mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi (01.6), trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha xứ thông báo, sẽ có chút quà dành cho các Em Thiếu nhi đi Lễ hôm nay. Cha xứ lưu ý các Em ý thức bảo vệ môi trường, vỏ đựng quà nhớ cho vào thùng rác…
Thoáng thấy các Bà Mẹ trong Ban điều hành giới Hiền mẫu đi lễ, Cha xứ nhờ các Mẹ vào lấy quà để trong tủ lạnh trong nhà bếp cho các Em.
Quà chỉ đơn giản là cây kem ngon, chất lượng, mỗi Em Thiếu nhi được nhận một cây.
Tớ đứng xa xa quan sát…
Các Em đang vui náo nức nhận kem, trật tự… bất ngờ có một bà mẹ trẻ len lỏi vào giơ tay xin cây ăn ăn, rồi xin tiếp vài cây cho mấy đứa con hôm nay không đi Lễ…
Tớ thoáng thấy sự khó chịu của Bà Mẹ phát kem, song thấy kem còn dư, đành đưa mấy cây kem cho bà xấu thói này.
Nói thật, tớ cũng rất khó chịu trước thói xấu ‘tranh giành’ với các Em thiếu nhi.
Thôi, thông cảm cho bà mẹ ấy, bởi nghèo mà.
Tớ cố lý giải để thông cảm cho mẹ thói xấu ấy… nhưng vẫn thấy cái gì lợn cợn, không thông. Không thể dùng cái nghèo để biện minh được, ‘đói cho sạch rách cho thơm’ thì sao ! (Cũng như có thời ta hay lấy cớ chiến tranh để biện mình cho cho đói nghèo, lạc hậu, kém phát triển đất nước. Nói thế ‘thằng’ Nhật, Hàn nó biết… cười cho thối mũi)
Được biết, gia đình Chị thuộc diện nghèo, hàng tháng phải nhận trợ cấp của Caritas Giáo phận, và mỗi lần giáo xứ có quà cho người nghèo, Chị luôn được quan tâm.
Chị cũng thuộc loại siêng năng ‘làm tối mặt tối mũi’… Chồng cũng loại chịu khó dẫu công việc làm thuê không đều do sức khỏe có hạn, lại không phải dân rượu chè cờ bạc gì…
Thế sao Chị vẫn không thoát được cái nghèo ?
Thấy thói xấu vặt Chị, phần nào tớ mường tượng lý do Chị khó thoát nghèo.
2. Bạn Việt kiều Mỹ về quê dịp tết, mời hội ngộ các Bạn chung cấp hai xa xưa.
Trong câu chuyện hỏi thăm, Bạn bảo tụi Mỹ… ngu lắm, bị người Việt mình lừa hoài.
Rồi Bạn minh họa…
Lần chở Mẹ, Bạn muốn chạy thoải mãi, tốc độ cao, đường ít xe… Bạn chạy vào đường ưu tiên cho việc khẩn cấp.
Bất ngờ ‘pô lít’ (cảnh sát) đuổi theo. Bạn bảo mẹ giả đau bụng… Rồi Bạn chạy tọt vào nhà vệ sinh công cộng, dìu mẹ vào giải quyết.
Một lúc ra, Bạn bất ngờ khi vẫn thấy viên ‘po lít’ đứng đợi, không phải ‘điều tra’ mà hỏi thăm: “Bà sao rồi, có cần tôi giúp gì không?’
Bạn lặp lại, tụi Mỹ ngu lắm, bị người Việt mình qua mặt hoài.
(Nghe Bạn kể chuyện, tớ buồn man mát, thấy bầu trời người Việt thêm u ám… Tớ trách Bạn khôn ranh, trách cả mẹ Bạn đồng lõa. Tớ coi ‘khôn lỏi’ của Bạn đang tự hào ấy rất đáng xấu hổ, đấy là thói vô ơn trước những người thực sự tử tế, cưu mang mình).
3. Việt Nam, xem ra cái bệnh khôn lỏi- gian vặt đang thời bộc phát…
Cái kiểu khôn lỏi này càng có đất dung dưỡng phát huy- công nhiên như chuyện thường ngày trong ý thức hệ mãi lú (mác lê), coi vật chất quyết định tất cả, loại bỏ tính ‘Nhân Linh’ trong bản tính con người.
Khôn lỏi- ranh vặt không chỉ cho thấy sự vụ lợi ích kỷ, mà còn thấy rõ tính không nghiêm túc, thiếu ngay thẳng… có nguy cơ gặm nhấm phẩm chất ‘gắng làm người tử tế’… Và cứ tiếp diễn nó càng khiến ta thêm nhu nhược, hèn nhát, không dám trực diện sự thật, biện minh, chối tội theo kiểu … ‘đầu thú’ (chứ không phải ‘đầu người’).
Như thế, hiện tượng khôn lỏi đã trở thành vấn nạn nguy hiểm. Nó hủy hoại nhân cách, băng hoại lòng tự trọng- tính liêm sỉ như chơi. Nó biến xã hội thành ‘trại súc vật’- hiểm họa chứ không phải chuyện đùa![1]
Hèn chi Việt Nam vẫn nghèo, vẫn đi ‘ăn xin’ thế giới dẫu từng sở hữu cả kho tàng tài nguyên rừng vàng biển bạc, nguyên khí quốc gia (người tài) vốn dồi dào nhưng không có đất dụng võ…
(Một đất nước với tiềm năng – tiềm lực to lớn dồi dào như thế đáng phải đứng nhất nhì khu vực, nếu không muốn nói cả châu lục (lời cố Tổng thống Lý Quang Diệu)… Thế mà…!)
Hèn chi, không lạ gì vẫn có những đại quan phát biểu bất chấp sự thật, ngạo nghễ theo kiểu… ‘kiêu tớ’:
‘Thời rực rỡ nhất’, ‘Dân chủ đến thế là cùng’;
Kiểu ‘Trạm thu giá’;
‘Dự án chục tỉ sai phạm một tỉ là tốt rối’; Dự án tính 72 tỉ đồng cuối cùng đội lên gần 2.600 tỉ (gấp 36 lần) vẫn ‘đúng quy trình’;
‘Biên soạn Bách khoa toàn thư phải đúng quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh’;
‘Con lãnh đạo làm lãnh đạo là phúc dân tộc’[2]
v.v…
Và dang hot câu phát biểu của ‘đại tớ’ phó Chủ nhiệm Ủy Ban tài chính Quốc hội trên nghị trường: ‘Ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao quốc tế, đỉnh cao về minh bạch’
(Trong khi Quốc tế đang xếp minh bạch ở Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 15/100 điểm (năm 2017), tệ hơn mất ba điểm so với hai năm trước (2015)[3].
Trước những phát ngôn ‘gây sốc’ đầy sáo rỗng, khoa trương, thiếu trách nhiệm, làm trò cười cho thiên hạ… đến nỗi có tờ báo chính thống phải đặt vấn nạn ‘văn hóa’ phát ngôn của quan chức liệu đang có vấn đề[4], bị Chủ Dân ‘thẳng tuột’ dán mác tâm thần- ngu dốt, rồi tẩy chay, nghi ngờ trình độ tiến sĩ, giáo sư[5]…
byXin kết ‘vụn vặt’… với nỗi ‘nặng lòng’ qua nhận định người mà ta vẫn coi là ‘kẻ thù’- viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, vốn đánh giá rất cao phẩm chất Người Việt Nam:
‘Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các các dân tộc chung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La không thể chống lại được họ. Không một quốc gia nào trong Đế Quốc các xứ Ấn Độ có nhiều phẩm chất như họ. Phải tới Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc xa xưa. Cả hai đều thông minh cần cù và dũng cảm (…) So với các dân tộc khác ở Châu á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc…’[6].
Lm.Đaminh Hương Quất
[1] Tham khảo thêm bài của tác giả Vương Trí Nhàn về ‘Thói hư tật xấu của người Việt Nam’: https://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/thoi-hu-tat-xau-nguoi-viet-khon-loi-ranh-vat-tinh-tuong-n20131227090959999.htm
[2]x.https://www.ohay.tv/view/nhung-cau-noi-bat-hu-cua-cac-can-bo/dyYJl; https://ngaynay.vn/xa-hoi/nhung-phat-ngon-gay-soc-cua-quan-chuc-viet-8980.html
[3] x. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44330999?SThisFB
[4]x.https://ngaynay.vn/xa-hoi/nhung-phat-ngon-gay-soc-cua-quan-chuc-viet-8980.html
[5] x. https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/gioi-chuc-cao-cap-quoc-hoi-csvn-bi-tay-chay-vi-phat-bieu-ngu-dot/
[6] Pual Doumer, Xứ Đông Dương (hồi ký); trang bìa cuối, NXB Thế giới, năm 2016.