Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn: “Tôi ghét người”. Từ khu rừng có tiếng vọng trở lại: “Tôi ghét người”. Cậu hoảng hốt quay về và sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu không sao hiểu được từ trong khu rừng lại có người ghét cậu.
Người mẹ nắm tay con, đưa trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: tôi yêu người”. Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”.
Thì ra rằng trong nơi thanh vắng, trong tận rừng sâu, đứa trẻ đã nhìn, đã nhận ra rằng mình phải làm gì và mình phải sống làm sao. Chính trong nơi thanh vắng, trong cõi lặng đó chú mới tìm ra chân đích của kiếp người.
Cuộc đời, có người thích chốn ồn ào nhưng rồi có người thích tìm cõi lặng bởi lẽ :
Lặng…để nghe tiếng sóng, sóng xô, xô trong lòng ta
Lặng…để nghe tiếng gió, gió cuốn cơn đau ngày sau.
Lặng… để nghe nước mắt hắt hiu trên đôi bờ mi xanh.
Đời sao vắng tanh cho trái tim xanh tàn nhanh.
Đó chính là tâm tinh của linh mục nhạc sĩ Trần Tuấn khi “đi” vào cõi lặng.
Và, với Cha Tuấn, lặng, không chỉ tìm ra chân đích của kiếp người nữa mà đi xa hơn, Cha Tuấn đã nhìn lên Thánh Giá và từ Thánh Giá đã “khám phá” ra một Thiên Chúa yêu thương mình.
Nhìn…nhìn lên Thánh Giá, Chúa đang dang tay lặng im.
Từ…từ trên Thánh Giá, Chúa có nghe con nài van!
Vì…vì sao Chúa hỡi cứ như…như vô tình không nghe?
Lòng con sắt se ôm nỗi đau riêng Ngài ơi!
Vì sao Chúa hỡi, Ngài đành mặc bỏ con vậy sao?
Đời con lao đao bao nhiêu đau thương sầu tim vỡ.
Vì sao Chúa nỡ lặng nhìn và muốn con lặng thinh?
Nhận bao hy sinh đau thương như Chúa trên thập hình.
Vấn đề lớn nhất, chìa khóa lớn nhất của đời Kitô hữu đó chính là ơn cứu độ mà nguồn ơn cứu độ của con người đó chính là thập giá. Thế nhưng rồi hơn 20 thế kỷ qua nhiều người vẫn thờ ơ với cây thập tự và dửng dung với Con Người bị treo trên đó.
Nguyên nhân chính để con người không cảm nhận ra “tình trời thập tự” bởi lẽ ngày hôm nay con người ta quá ồn ào và không đủ lặng thinh tâm hồn để khám phá ra Tình Yêu Vô Biên ấy. Và cũng chính vì không khám phá ra Tình Yêu Vô Biên để con người đi tìm những tình yêu tạm bợ và chắc chắn rằng tình yêu tạm bợ chỉ là tình yêu chóng vánh mau tàn và chóng qua.
Vẫn là sự tự do chọn lựa của con người về cung cách sống, về lẽ sống của đời mình. Nhiều người cứ nghĩ, cứ tưởng rằng mình càng ồn ào, càng khoe mẽ thì cuộc đời thành công nhưng ngược lại : sau cái ồn ào kết cục cuộc đời thật rỗng tuếch.
Mỗi lần đi ngang các quán cà phê, các cửa hàng bán quần áo, giày dép … mọi người đều bị tra tấn bởi tiếng ồn của âm thanh vô bổ. Chủ cửa hàng đã dùng âm thanh để tra tấn người đi đường, để ép người ta chú ý đến sản phẩm của mình nhưng dường như họ đón nhận kết quả, thái độ ngược lại.
Cũng thế, ở những bài hát ồn ào, gào thét … có thể cũng hay đó nhưng không thể để lại trong một nhạc phẩm âm thầm và sâu lắng. Những bài hát lắng đọng đã đi vào lòng người từ bao nhiêu thập niên qua và giờ đây vẫn còn giá trị.
Nơi con người cũng vậy, dù không thích hay không nói ra, nhưng ai ai cũng mong mình đang đối thoại với một con người trầm lắng đơn sơ. Những lời hoa mỹ cũng như những lời có cánh xem ra dễ nghe nhưng chỉ là hư vô sáo ngữ.
Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, con người rất cần “lặng” như tâm tình của linh mục nhạc sĩ Trần Tuấn bởi đơn giản trong cõi lặng của cuộc đời, con người sẽ “nhìn” ra cuộc đời của mình. Điều này rất quan trọng như tâm tình của thánh Augustino : “Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa, gặp chính bản thân con”.
Vậy, ta nên dành nhiều thời gian trong cuộc sống hơn để “lặng” cùng cha Trần Tuấn, để ta tìm ra chân đích lẽ sống của đời ta. Trong thinh lặng như thế, ta thấy Chúa thương ta, chết vì ta dù khi ta còn là tội nhân để ta yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã yêu thương ta.
Người Giồng Trôm