Cuối cùng, sau nhiều lần tranh cãi ầm ĩ, các nhà khoa học đáng kính của chúng ta ở Viện Hàn Lâm Stockholm (Thụy Sĩ) đi đến một kết luật, trao thêm giải Nobel thứ 7: Nobel về Giáo dục.
Sinh thời cụ Alered Nobel (1833-1896)- người khai sinh giải Nobel chỉ mới nghĩ ra 5 giải (Hoà bình, Vật lý, Y học, Hóa học, Văn học); năm 1968, thế hệ cháu con “sáng kiến” thêm giải “Nobel kinh tế”… Lịch sử đã phá “tiền lệ”, hợp lý, thế tại sao chúng ta không “phá” tiếp (!). Vả lại, xét cho công bằng, xét cho ngọn nguồn, Giáo dục là cái gốc… đẻ ra tất tần tật các giải Nobel kia, không có Giáo dục, đừng mơ các giải kia được “hí dị” trên bục cao lãnh giải nhé… “Nói túm lại, cần phải có (tôi xin nhấn mạnh buộc phải có!) một giải Nobel cho Giáo dục! Và để cho xứng tầm công trạng, phải trân trọng gọi là “giải Nobel mẹ của các giải Nobel”…
Lý lẽ chặt chẽ, xác đáng qúa, duyệt, 100% đồng ý !
“Chỉ có điều thế này…”, viện trưởng Viện hàn lâm Stockholm, chủ tịch ban giám khảo chấm Nobel trở lại giọng điệu khề khà, vốn dĩ: “Giáo dục là quốc sách, nhân loại sách, thế giới sách… nên không thể trao giải cá nhân, chí ít là ở tầm mức quốc gia”.
Duyệt… Duyệt !..
Viện Hàn lâm đề cử 192 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giáo dục, đứng đầu 192 đoàn nghiên cứu, đến 192 nước có tên trong Liên hiệp quốc tìm hiểu nền giáo dục mỗi nước…
Đây là bản báo cáo ngắn gọn của Giáo sư khả kính Vi-nơ Ơ-du- cây-sần (Vina Education), trưởng đoàn nghiên cứu nền giáo dục Việt Nam (V.N), đọc trước hội đồng viện Hàn lâm chấm giải Nobel:
“Kính thưa quý vị, từ thời cha sinh mẹ đẻ, mấy chục năm mài quần trường lớp, tôi chưa thấy một nền giáo dục nào toàn diện và hoàn hảo như nền giáo dục V.N. Ngay ở bậc tiểu học, các em đã được trang bị đầu đủ kiến thức nhân loại, từ khoa học xã hội, đến khoa học thiên nhiên, đến các loại hình nghệ thuật hát, vẽ, đàn; học nghề nghiệp, may, đan thêu… Mỗi ngày, mặc dù dáng người nhỏ còm, các em vẫn chịu khó đeo chiếc cặp to đùng, nghe đâu nặng 4-5 ký đi học (có lần, thấy các em leo dốc, nhìn xa tôi cứ ngỡ một đàn… Rùa cần mẫn!) Học sinh V.N, phải nói cần cù, siêng học thuộc loại số 1 thế giới. Các em hết học chính khoá, phụ khóa, phụ đạo môn này, học thêm môn nọ… Kết quả, nhiều năm liền các trường tiểu học, chỉ tính riêng học sinh xuất sắc- giỏi đạt đến con số lý tưởng- 90 trên 90 phần trăm; tỉ lệ đậu tốt nghiệp cấp II, cấp III nhiều năm liền luôn vượt trên 90%, có nơi đạt 99,99%.
Có lẽ chưa có quốc gia nào đủ can đảm làm… thí nghiệm như V.N, ngành Giáo dục đã mạnh dạn cho một số trường thí điểm mô hình thi đầu vào ngay năm đầu vào lớp 1 để phân loại năng lực; tổ chức thi tiếng Anh đàng hoàng; nhiều em, tiếng mẹ đẻ nói còn bập bẹ nhưng đã “xù lô xù la” học ngoại ngữ ngay khi học mẫu giáo, sớm trở thành nhà ngôn ngữ.
Học sinh V.N đạt nhiều giải thưởng cao cấp quốc tế, đơn cử, thành tích mới nhất: Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM từng đoạt giải nhất cuộc thi Robocom Châu á Thái Bình Dương tại Malaysia (2006), vượt mặt các nước đàn anh, đàn chú; đánh bại ngay cả thằng Nhật, dù Nhật lợi thế sân nhà (năm 2002)…
Lý tưởng quá, thưa quý vị, xứng đáng nhận giải, đáng để cho các nước chậm phát triển giáo dục (ngay cả các nước phát triển) học tập, noi theo. Cứ cái đà này, chẳng mấy người tài nước Việt sẽ đông như sao trên trời, chẳng mấy chế tạo được Thần Châu đưa người không những bay vào vũ trụ, thám thính mặt trăng, biết đâu là nước đầu tiên đưa con người lên ở cả Sao Hoả”…
Sau khi đọc xong bản ngiên cứu (nghe đâu dày không dưới 500 trang, rất cụ thể, rõ ràng) lại thêm tai nghe chính vị giáo sư trưởng đòan báo cáo, các giáo sư danh tiếng khác phụ trách nghiên cứu nền giáo dục của các nước Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… không giám “múa dìu qua mắt thợ”, đành lấy giây thun buộc đống hồ sơ, cất vảo gầm bàn… Nhiễm nhiên, V.N là nước đầu tiên ôm giải “Nobel mẹ”.
Hôm nhận giải, vị trưởng đoàn cấp lãnh đạo Giáo dục nước nhà, ngểnh mặt, vươn vai, “hí dị” (hãnh diện đấy!) bước lên bục cao nhất, nhận giải trước nhất trước muôn vàn con mắt nể phục… Trên chuyến chuyên cơ bay về, vị lãnh đạo giáo dục nói nhỏ với tôi: “May mà tụi nó (ý nói ban giám khảo giải Nobel) ở xa nên không xem được báo chí nước ta phàn nàn về nền giáo dục mấy năm qua, tỉ lệ đậu Đại học mấy năm liền trên 2/3 dưới điểm trung bình (dưới 15/30 điểm)”.
(Tôi lại nghĩ khác, rằng, các vị lãng đạo giáo dục rất “khôn”, chỉ tiết lộ… Ư mà thôi, bới bóc nhau làm gì, cứ hãy vui với mẹ Nobel, chuyện đâu còn có đó!)
Hình như ông cụ già nhất trên đoàn ngồi cạnh tôi, có bộ dâu dài cứơc bạc như tiên ông- nghe thấy vị quan giáo dục hả hê, ông chỉ thở não ruột: “Thành tích đẻ ra từ bệnh thành tích. Than ôi thành tích !”
Bất ngờ, chiếc chuyên cơ trở đoàn đại diện nhận giải “Nobel mẹ” chao cánh, mất thanh bằng, lao xuống đại dương với tốc độ kinh khủng. Tôi hét lên…
– Bộp!…Bộp!… Nằm ngủ mơ con nào, sướng quá thét toát cả mồ hôi.
Tôi thấy nàng ngồi cạnh đầu giường, vỗ vào trán tôi.
Thì ra một giấc mơ. Hú hồn!
Trương Ai Nhiệm