Thế nhưng rồi giữa câu khởi đầu và câu kết đó gợi lên cho ta biết bao nhiêu tâm tư và suy nghĩ sau biến cố này.
Trước đó 1 ngày : 14-4 ! Nếu ai nào đó nhớ thì nhớ ngay đó là kỷ niệm ngày con tàu Titanic bị chìm dẫu rằng trước đó không ai nghĩ rằng con tàu khổng lồ ấy bị chìm. Và, 15 tháng 4, cả thế giới chứ không chỉ nước Pháp bàng hoàng và chua xót khi hay tin ngôi Thánh Đường nguy nga vĩ đại trong thời gian trùng tu lại bốc cháy.
Sự kiện con tàu Titanic cho nhân loại thấy rằng con người dù kiêu hãnh với tài năng và sức lực của mình nhưng rồi cuối cùng cũng không tồn tại. Và, bài học Titanic là bài học lớn dành cho những ai mang trong mình dòng máu kiêu ngạo.
Với chuyện nhà thờ Đức Bà lại là chuyện khác. Câu chuyện nơi ngôi nhà thờ cổ ấy Chúa như muốn nói điều gì đó đối với mỗi người qua bà trong biến cố này.
Hẳn nhiên, ngôi Đền, ngôi Thánh Đường bằng gạch đá cần và rất cần cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Điều này hẳn nhiên là hợp lý khởi đi từ lòng của vua Đavit ngày xưa khi ông tôn thờ Thiên Chúa. Thế nhưng mà đứng trước tâm tình đó, Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông rằng chính Thiên Chúa mới là người xây vương triều của ông. Và, chúng ta đừng quên rằng vương triều mà Thiên Chúa trao ban cho ông, xây dựng cho ông đó là vương triều của Thiên Chúa và vương triều ấy tồn tại mãi mãi từ thế hệ này qua thế hệ kia.
Dù sao đi chăng nữa thì Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Paris cũng chỉ là dấu chỉ hữu hình mà con người dành để tôn kính Thiên Chúa. Chuyện quan trọng mà Thiên Chúa cần và Thiên Chúa muốn đó chính là mỗi người hãy là Đền Thờ di động của Thiên Chúa nghĩa là có Thiên Chúa trong thân mình của mình như Thánh Phaolô nói : “Anh em là thân thể mầu nhiệm, là Đền Thờ của Thiên Chúa”.
Chuyện cháy Đền Thờ như một lời nhắc nhở cho nhân loại, cho người Kitô hữu và cho chính chúng ta suy nghĩ về việc tôn thờ Thiên Chúa hay nói cách khác Chúa hỏi chúng ta rằng chúng ta có phải là Đền Thờ thật của Thiên Chúa hay không ? Hay là chúng ta chỉ tôn thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng còn lòng trí chúng ta thì xa rời Thiên Chúa.
Chắc có lẽ không cần phải nói nhiều thì ai ai cũng thấy một thế giới, một xã hội đang cổ súy cho một nền văn minh chết chóc, văn minh hủy diệt nhau thì con người cần phải nhìn lại chính mình và quan trọng hơn là nhìn lại tâm tình, lòng của mình với Thiên Chúa. Gữa một thế giới tục hóa và loại trừ Thiên Chúa thì con người cần nhìn lại xem mình là ai ?
Là một Tần Thủy Hoàng tưởng chừng vinh quang mãi mãi nhưng chả còn gì và không ai nhớ đến hay có nhớ đến thì cũng chỉ nhớ đến trong tư cách là một con người và là một con người độc ác.
Hay là một Pharao, một Herode Đại Đế hay Alexandros Đại đế đi chăng nữa thì cũng chả còn là gì sau khi được chôn vùi trong lòng đất.
Hay là ai đó tự hào được 1 đám người cho là “sống mãi” nhưng cũng chả là gì hay có chăng là gây ai oán cho hang triệu triệu con người.
Và, cuối cùng đời của con người vẫn chỉ là được ơn cứu độ hay là phải hư đi ? Con người, dù bất cứ là ai đi chăng nữa khi nằm xuống có kết hợp mật thiết và tròn đầy với Đấng Sáng Tạo ra mình hay phải hư mất mà thôi.
Thế cho nên dẫu rằng Đền này Đài nọ hay đế vương nọ và “sống mãi” kia cũng sẽ chẳng là gì và cũng chả là gì trước mặt Thiên Chúa.
Nhà Thờ Đức Bà Paris cũng sẽ được tá thiết đẹp hơn và lộng lẫy hơn nhờ vào lòng quảng đại của gia đình tỷ phú Pinault nhưng rồi một lúc nào đó cũng sẽ chìm vào ký ức sau ngày tận thế. Không chỉ nhà thờ Đức Bà Paris mà bao nhiêu công trình khác nữa cũng sẽ tan hoang vào ngày cùng tận. Thế cho nên, chỉ một mình Thiên Chúa mới là trường tồn mãi mãi và mãi mãi không bao giờ hư mất mà thôi. Vì vậy, con người cần sống và cần biến đổi mỗi người thành Đền Thờ sống động và di động để mang Chúa đến cho những người than cận, nhất là cho những ai đang sống xung quanh mình và bên cạnh mình, trong mái nhà của mình.
Tưởng nghĩ qua biến cố cháy này, Chúa mời chúng ta hãy nhìn lại đời sống đức tin của chúng ta giữa cuộc đời con ngổn ngang nhiều thứ lạ.
Người Giồng Trôm