Ai sinh ra, chẳng có cha có mẹ, như tục ngữ có câu “sinh con rồi mới sinh cha”, nhưng vì nhiều lẽ khác nhau, mà người con trở thành không cha, không mẹ. Có thể lý do rất thường tình, là cha mẹ mất vì tuổi già, vì bệnh tật. Có thể đau đớn hơn, lý do là bị tai nạn. Nhưng cũng có thể do cha mẹ bỏ con vì nghèo đói, lầm lỡ, hay thậm chí vì nhiều lý do nhạt nhẽo, bạc bẽo. Lời Thánh Vịnh (Thánh Vịnh 27,10; Isaia 49,15) xưa kia đã không quên cảnh đời này:
“Có người mẹ nào nỡ tâm bỏ quên con mình!
Nếu có ai bỏ quên con mình chăng nữa, Ta vẫn không quên con.”
Cho dù không phải ai cũng chia sẻ cùng niềm tin hay cùng kinh nghiệm với tác giả Thánh Vịnh, nhưng chúng ta đều thấy rằng, một mặt, lời ấy phản ánh rất thực tâm hồn cao vời của người cha người mẹ, mặt khác là sự vô tâm vô tình của chính lòng người. Chẳng vậy, Khổng Tử nói: nhân chi sơ tính bản thiện; trong khi Tuân Tử nói: nhân chi sơ tính bản ác. Chưa vội bàn đến ai đúng ai sai, và ở khía cạnh nào, tôi chỉ muốn nêu lên một thực tại đang như thế trong cả hai mặt thiện ác. Nhưng cách chung, tôi tin và nhận thấy rằng, cho dù cái ác, ác tới đâu chăng nữa, cái thiện vẫn có đó với hy vọng được loé sáng.
Trong khi đồng cảm với những người con mồ côi thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, tôi cũng được lắng nghe câu chuyện từ những người còn cha còn mẹ.
Trong thánh lễ an táng bà cố của một vị linh mục. Cha khen ngợi mẹ mình, là người đơn sơ, nhỏ bé, học hành chỉ đủ biết đọc biết viết; vậy mà, bà tần tảo nuôi dạy các con. Dù giới hạn về nhiều phương diện, nhưng bà đã sống trọn thiên chức làm mẹ. Nghe tới đây, một cô gái trong nhà thờ ngất xỉu. Cô được đưa ra ngoài để chăm sóc. Sau đó, hỏi ra mới biết, cô bị “sốc” khi nghe về một người mẹ tuyệt vời như thế, trong khi mẹ cô thì hoàn toàn khác. Cô không chấp nhận nổi niềm vui của người khác, khi niềm vui ấy đụng tới nỗi đau, sự tổn thương đang hiện diện trong đời cô.
Một em học sinh cấp ba thường đi học sớm, về học trễ, đọc truyện trong lớp, nghỉ học vì lý do không rõ ràng. Sau buổi học nọ, tôi quyết định mời em ở lại để nói chuyện. Em chấp nhận, nhưng phản ứng đầu tiên của em là: nếu muốn biết gì, thầy cứ hỏi các bạn là biết hết tội của em. Nhưng thầy muốn nghe chính em nói, chứ không phải người khác nói về em! Thế là em chia sẻ: em không muốn ở nhà vì cha mẹ luôn mắng nhiếc, so bì em với người khác, nên em đi học sớm về học trễ; em không muốn đến trường vì không có bạn thân, nhưng nghỉ học nhiều thì không được…
Dù cha mẹ tôi rất tốt rất tuyệt, nhưng giới hạn của cha mẹ cũng thật nhiều. Chẳng ai sống thay cho tôi được, và tôi sống luôn cần người khác, nhất là người thân, bạn bè. Gia đình, nhà trường, và xã hội hiện tại có rất nhiều biến chuyển và thách đố. Đối với tôi, vượt lên hoàn cảnh không phải là chối bỏ hoàn cảnh, chỉ biết than phiền hoặc chạy trốn; nhưng là chấp nhận nó, đón nhận nó, tìm hiểu nó, chiến đấu với nó cùng với những buồn vui rất thực. Có như thế, tôi mới mong sống trọn kiếp người với người, trong ánh sáng mà tôi có thể đón nhận nơi Chúa, nơi lòng mình, nơi lòng người.
(Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, S.J., dongten.net 09.01.2015)