Youcat – Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô – Đoạn I

youcat - Youcat - Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô - Đoạn I


*
Dẫn nhập

* Phần I: Tại sao chúng ta tin?

* Phần II: Kitô hữu tuyên xưng đức tin

* Phần II: Phụng vụ – Bí tích – Đoạn I

* Phần II: Phụng vụ – Bí tích – Đoạn II

* Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô – Đoạn I

* Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô – Đoạn II

* Phần IV: Kinh nguyện Kitô giáo

***

PHẦN III: ĐỜI SỐNG TRONG CHÚA KITÔ

ĐOẠN I

(câu 279 – 468)


DẪN NHẬP VÀO PHẦN III

ĐỜI SỐNG TRONG CHÚA KITÔ

Nội dung của Youcat là trình bày đức tin lãnh nhận từ các tông đồ một cách tổng hợp và hữu cơ thành bốn cột trụ cổ điển: Hội Thánh tin gì, Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo thế nào, Hội Thánh sống trong Chúa Kitô thế nào, Hội Thánh cầu nguyện thế nào. Trong Phần I, Youcat đã giúp ta hiểu Thiên Chúa tạo dựng con người hướng mở về Người, rồi Thiên Chúa đến gặp con người qua Chúa Giêsu Kitô, và con người đáp lại lời Thiên Chúa để tuyên xưng niềm tin của mình vào chương trình cứu độ của Người. Sang Phần II, Youcat giúp ta hiểu Chúa Giêsu Kitô đến gặp gỡ con người trên trần gian bằng những dấu hiệu thánh là phụng vụ và các bí tích, để thánh hóa mọi giai đoạn và hoàn cảnh sống của con người, nhờ đó con người có thể đáp lại cách cụ thể lời mời gọi của Thiên Chúa. Nay đến Phần III, Youcat giúp ta hiểu ta sống trên trần gian là để sống trong Chúa Kitô, Đấng đã xuống thế làm người cứu chuộc ta, sống như gương mẫu cho ta, ban Thánh Thần của Người hướng dẫn ta. Nhờ Chúa Kitô ta có phẩm giá con người, ta được sống trong cộng đồng nhân loại, được trở thành Kitô hữu trong Hội Thánh, sống với lý tưởng Kitô hữu là mến Chúa yêu người, được tóm lại trong 10 điều răn.

Youcat cũng theo hai Phần I và II luôn nhắm mục đích giúp Kitô hữu trẻ thời nay không những chỉ biết giáo lý trong trí, còn cảm nghiệm trong lòng, rồi tự ý dấn thân hành động trong đời sống và luôn sẵn sàng rao giảng, trả lời cho ai muốn tìm hiểu niềm tin và hy vọng của mình. Vì thế, Youcat trong Phần III này cũng chọn lựa các chủ đề vừa cập nhật và phù hợp với thời hiện đại, mà các sách giáo lý trước kia chưa nghĩ đến, vừa đưa ra những giải nghĩa, những lời khuyên áp dụng cụ thể phù hợp với hoàn cảnh xã hội ngày nay. Đặc biệt trong Phẩn III, có những vấn đề rất thiết thực, liên quan đến sự sống con người: vấn đề tính dục, tình dục, tình yêu, hôn nhân, ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, ly dị rồi tái kết hôn… trước đây thường coi là cấm kỵ, không nói tới hoặc ít khi được đề cập. Rồi các vấn đề liên quan đến học thuyết xã hội của Hội Thánh, về nhân quyền, về gia đình là Hội Thánh tại gia, về lao động kinh tế, toàn cầu hóa, cộng đồng chính trị quốc tế, hoà bình, môi trường môi sinh… Youcat mạnh dạn khai triển, ngắn gọn, giải thích, giải quyết rõ ràng tất cả các vấn đề đó, dựa theo Công đồng Vatican II và các văn kiện của các Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI.

Phần III này gồm 189 câu thì có tới 44 câu, trình bày, giải nghĩa, giải quyết các vấn đề độc đáo và cụ thể, như:

347. Tại sao Kitô hữu “sống đạo đức nước đôi (hai mặt)” lại là điều thiếu sót nặng?

356. Chủ nghĩa bí truyền có phù hợp với đức tin Kitô giáo không?

357. Có phải vô thần luôn là tội chống lại Điều răn thứ 1 không?

366. Tại sao Nhà Nước cần coi trọng việc giữ ngày Chúa nhật như ngày nghỉ lễ?

382. Có được phép chủ động giúp người ta chết êm không?

384. Có được phá bào thai tàn tật không?

385. Có thể làm thí nghiệm trên phôi sống và các tế bào gốc của phôi không?

389. Tại sao hút xì ke ma tuý lại là tội?

391. Tại sao việc hiến tặng các cơ quan của cơ thể là quan trọng?

392. Hành vi xâm phạm đến sự toàn vẹn thân xác của con người là hành vi nào?

401. Người nam có trổi vượt hơn người nữ không?

402. Tình yêu là gì?

403. Tình yêu có chỗ đứng nào trong đời sống tình dục?

404. Tình yêu khiết tịnh là gì? Tại sao Kitô hữu sống tình yêu khiết tịnh?

405. Người ta có thể sống tình yêu khiết tịnh thế nào?

407. Tại sao Hội Thánh chống lại những quan hệ tình dục trước khi thành hôn?

408. Làm sao bạn sống được như là Kitô hữu, nếu bạn đang có quan hệ tình dục, hoặc đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân rồi?

409. Thủ dâm có lỗi phạm đến tình yêu không?

412. Tại sao việc sản xuất và tiêu thụ hình ảnh khiêu dâm là tội chống lại tình yêu?

414. Hội Thánh có lập trường thế nào về sử dụng bao cao su phòng chống bệnh SIDA?

415. Hội Thánh phán đoán thế nào về đồng tính luyến ái?

421. Tại sao các phương pháp ngừa thai không tốt như nhau?

423. Hội Thánh nói gì về mang thai mướn và thụ thai nhân tạo?

424. Thế nào là ngoại tình? Ly dị có hợp luân lý không?

425. Hội Thánh chống lại những đôi hôn phối không có bí tích Hôn phối thế nào?

428. Ăn trộm là gì? Điều răn thứ 7 dạy gì?

429. Có luật nào liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không?

431. Có được phép gian lận thuế không?

432. Kitô hữu có thể đầu cơ trong giao dịch chứng khoán, hoặc trong Internet không?

434. Kitô hữu có được chơi cá cược và chơi cờ bạc không?

435. Có được phép mua bán con người không?

437. Phải đối xử với các con vật thế nào?

441. Hội Thánh nói gì về dân chủ?

442. Hội Thánh có lập trường thế nào về chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường ?

443. Bổn phận các nhà quản lý và lãnh đạo xí nghiệp thế nào?

446. Hội Thánh nói gì về toàn cầu hoá?

447. Toàn cầu hoá có nghĩa là độc quyền về vấn đề chính trị và kinh tế không?

449. Kitô hữu phải bày tỏ tình yêu đối với người nghèo như thế nào?

450. Những việc làm để thương xác là gì?

457. Tại sao nói sự thật đòi ta phải cẩn trọng?

460. Truyền thông xã hội có thể có hiệu quả nguy hại nào?

464. Sự e thẹn tốt như thế nào?

466. Ghen tị là gì? Làm sao thắng được nó?
468. Điều gì người ta nên mong ước nhất?


Đó là những chủ đề hiện đại, thiết thực, độc đáo trong Phần III, còn những giải nghĩa, áp dụng và chứng từ cụ thể cho đời sống cũng rất nhiều, chỉ xin chọn 3 thí dụ thôi:

347. Tại sao Kitô hữu “sống đạo đức nước đôi (hai mặt)” lại là điều thiếu sót nặng?

– Điều kiện trước hết để loan báo Tin Mừng là sống đúng với Tin Mừng. Không thực hành điều mình tuyên xưng là giả mạo, phản lại bổn phận của Kitô hữu là “muối ướp đời” và là “ánh sáng thế gian”. [2044-2046]

Giải nghĩa: Thánh Phaolô nhắc nhớ cho giáo đoàn Côrintô rằng: “Anh em là bức thư của Chúa Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt tức là lòng người” (2 Cr 3,3). Các Kitô hữu là bức thư khuyên bảo của Chúa Kitô cho thế giới bằng chính cuộc sống của mình hơn là bằng lời nói. Như thế những tác hại của những phản chứng càng thêm phá hoại hơn, khi đó lại do các linh mục và nữ tu gây ra cho trẻ em. Họ không chỉ phạm tội vô số kể trên các nạn nhân của họ. Họ còn làm cho nhiều người nghi ngờ về lòng trông cậy nơi Chúa và làm tắt đi ánh sáng đức tin nơi nhiều người.

Định nghĩa: Luân lý nước đôi có ý chỉ một thứ luân lý ở nơi công cộng hay ở nơi riêng tư được người ta thực hành cách khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh. Bên ngoài người đó bảo vệ những mục tiêu và những thái độ phù hợp với các giá trị. Chỗ riêng tư thì họ không tôn trọng nữa. “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thành và bằng việc làm.” – 1 Ga 3,18

Trích dẫn: “Thế giới đầy những người giảng thì giảng về nước, mà uống thì uống rượu.” – Giovanni Guareschi (1908-1968, tác giả Ý của sách Dom Camillo và Peppone)

421. Tại sao các phương pháp ngừa thai không tốt như nhau?

– Hội Thánh khuyến khích dùng phương pháp chính xác dựa vào quan sát chu kỳ kinh nguyệt nơi người nữ hàng tháng. Phương pháp này tôn trọng phẩm giá người nam và người nữ trong tình yêu. Nó giúp đôi bạn tôn trọng và cư xử âu yếm nhau, nó là trường dạy đôi bạn yêu nhau. [2370-2372, 2399]

Giải nghĩa: Hội Thánh chăm chú để tôn trọng trật tự trong tự nhiên, và Hội Thánh thấy trong đó có một ý nghĩa sâu xa. Đối với Hội Thánh, việc đôi bạn can thiệp một cách nhân tạo vào việc thụ thai của người vợ rất khác với việc sử dụng những thời kỳ có thể thụ thai và thời kỳ không thể thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt của người vợ. Việc “kế hoạch hóa gia đình theo trật tự tự nhiên” vừa tôn trọng con người, vừa ủng hộ cho việc vợ chồng âu yếm nhau và không làm tổn hại sức khoẻ. Vả lại nếu việc kế hoạch theo đúng trật tự tự nhiên thì tỉ lệ thất bại của nó thấp hơn là ngừa thai nhân tạo bằng cách uống thuốc ngừa thai (Viên Pearl-Index). Ngược lại, Hội Thánh không chấp nhận mọi phương thế ngừa thai nhân tạo, hiểu là những phương thế hoá học (viên thuốc ngừa thai), những phương thế cơ học (bao cao xu, vòng tránh thai…) và những phương thế giải phẫu (làm tuyệt sản bằng cắt ống), những phương pháp này can thiệp bằng thủ công vào sự liên kết không thể chia lìa giữa khía cạnh kết hợp tình dục và khía cạnh sinh sản trong hành vi vợ chồng. Những phương thế chống thụ thai nhân tạo này cũng có thể có hại cho sức khoẻ người vợ, gây nên sớm xảy thai và về lâu dài làm hư hại cho đời sống âu yếm của đôi bạn.

Trích dẫn: “Về vấn đề ngừa thai, đi nguợc với vấn đề điều hòa sinh sản, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng: “Điều hòa sinh sản là ngôn ngữ diễn tả cách tự nhiên việc đôi bạn trao hiến cho nhau trọn vẹn; còn ngừa thai là ngôn ngữ đi nguợc lại cách khách quan với ngôn ngữ điều hòa sinh sản, theo đó đôi bạn không còn trao hiến cho nhau trọn vẹn nữa. Như thế, không những đôi bạn chủ ý từ chối việc mở ngỏ cho sự sống, mà còn làm sai lệch sự thật nội tại của tình yêu vợ chồng, tình yêu này mời gọi trao hiến cho nhau trọn vẹn cả con người của mình.” – Đức Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 32

464. Sự e thẹn tốt như thế nào?

– Sự e thẹn bảo vệ đời sống riêng tư của con người : mầu nhiệm con người rất riêng và ẩn kín sâu thẳm trong họ, bảo vệ phẩm giá và trên hết bảo vệ khả năng yêu thương và tự hiến của họ. E thẹn cũng quan hệ đến những gì mà chỉ tình yêu mới có quyền được thấy [2521-2525, 2533]

Giải nghĩa: Nhiều người trẻ sống trong một thế giới mà mọi cái được phơi bày cho mọi người thấy rõ ràng, không có gì phải thẹn thùng cả. Tuy nhiên, e thẹn là một đức tính của con người mà loài vật không biết gì đến, đó là một đặc điểm riêng biệt chỉ con người mới có. Nó che đậy và bảo vệ cái gì là quý giá, nghĩa là phẩm giá của con người xét về khả năng yêu thương. Cảm thức về e thẹn đều có trong mọi nền văn hóa có thể nổi bật nhiều hay ít. Nó không liên quan gì đến thói ra vẻ đoan trang giả dối hoặc một cách giáo dục bị kìm kẹp. Con người dũng cảm thấy e thẹn cách nào đó khi lỗi lầm của mình bị tiết lộ hoặc những gì khác hạ giá họ. Ta làm mất phẩm giá người khác khi ta xúc phạm đến tính e thẹn tự nhiên của họ bằng lời nói, bằng cách nhìn, bằng cử chỉ, hoặc bằng hành động. → 412-413

(Chú thích của người dịch: E là có phần không yên lòng, nghĩ là có thể xảy ra điều không hay. Thẹn là tự cảm thấy bối rối mất tự nhiên khi tiếp xúc đám đông hay người khác giới cùng tuổi, hoặc tự cảm thấy mình có gì không xứng không phải. E thẹn là thẹn thùng, thẹn thò. Xấu hổ, mắc cở là cảm thấy hổ thẹn khi có lỗi hoặc kém cỏi).


Hy vọng Youcat làm vừa lòng độc giả.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

***

ĐỜI SỐNG TRONG CHÚA KITÔ

(279 – 468)


ĐOẠN I: ƠN GỌI CỦA TA TRÊN TRẦN GIAN, TA MUỐN LÀM GÌ, CHÚA THÁNH THẦN GIÚP TA LÀM VIỆC ĐÓ NHƯ THẾ NÀO? (câu 279)

Chương 1. Phẩm giá của con người (câu 280-320)

Chương 2. Cộng đồng nhân loại (câu 321-342)

Chương 3. Hội Thánh (câu 343-347)


ĐOẠN II: MƯỜI ĐIỀU RĂN (câu 348-351)

Chương 1. Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (câu 352-366)

Chương 2. Yêu người thân cận như yêu mình (câu 367-468)

***

ĐOẠN I: ƠN GỌI CỦA TA TRÊN TRẦN GIAN, TA MUỐN LÀM GÌ,
CHÚA THÁNH THẦN GIÚP TA LÀM VIỆC ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?

(279 – 347)


279. Tại sao ta cần đức tin và các bí tích để sống đời sống tốt lành và ngay thẳng?

– Nếu ta chỉ cậy dựa vào chính mình, vào sức riêng mình, ta không thể đi xa hơn, dù cố gắng trở nên tốt lành. Nhờ đức tin, ta thấy mình là con Thiên Chúa, Chúa sẽ giúp ta mạnh sức. Sức mạnh Chúa ban, ta gọi là “ơn Chúa”. Đặc biệt trong các dấu tích thánh mà ta gọi là các bí tích. Chúa ban cho ta năng lực để thực hiện các việc lành mà ta phải làm. [1691-1695]

– Vì Thiên Chúa đã nhìn thấy nỗi khổ của ta, Người đã nhờ Con của Người lôi kéo ta ra khỏi quyền lực của tối tăm (Cl 1,13). Người đã ban cho ta khả năng làm một cuộc khởi hành mới để hiệp nhất với Người và tiến đi trong con đường tình yêu. → 172-178

Không có Thầy, các con không thể làm được việc gì. – Ga 15,5

Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Mình. – St 1,27

“Đừng để điều gì làm bạn xao xuyến, đừng để điều gì làm bạn sợ hãi. Mọi sự qua đi, Chúa không bao giờ thay đổi. Kiên nhẫn đạt được tất cả. Ai có Chúa thì không còn thíếu gì nữa. Mình Chúa là đầy đủ rồi.” – Thánh Têrêsa Avila

“Khi Thiên Chúa biến mất, con người không lớn được. Trái lại, họ mất đi phẩm giá linh thiêng, mất đi sự huy hoàng của Thiên Chúa. Cuối cùng họ chỉ còn là sản phẩm của sự tiến hóa mà người ta có thể sử dụng và lạm dụng. Điều đang xảy ra trong thời nay xác nhận như vậy.” – Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 15-8-2005


Chương 1: Phẩm giá của con người

280. Đối với Kitô hữu, nền tảng của phẩm giá con người là gì?

– Mọi người, từ giây phút đầu tiên trong bụng mẹ, đã có một phẩm giá không ai được xâm phạm, vì từ đời đời, Thiên Chúa đã muốn, đã yêu, đã dựng nên, đã cứu chuộc, và đã định cho họ được hạnh phúc muôn đời. Kitô hữu tin rằng phẩm giá con người có nguồn gốc từ Chúa. [1699-1715]

– Nếu ta chỉ đánh giá một người tùy theo thành tích và khả năng của họ, thì những người kém cỏi, bệnh tật, không may mắn sẽ chẳng được quý trọng gì. Kitô hữu tin rằng phẩm giá con người bắt nguồn từ Thiên Chúa: Người coi trọng mỗi con người và yêu thương họ dường như họ là thụ tạo độc nhất của Người trên trần gian. Một em bé có phẩm giá vô hạn, vì Thiên Chúa nhìn đến em, và không ai có quyền phá hủy phẩm giá đó. → 56 – 65


281. Tại sao ta khao khát được hạnh phúc?

– Thiên Chúa đã đặt vào trong lòng ta một ước ao vô tận được hạnh phúc, đến nỗi không có gì thỏa lòng ta nếu không phải là chính Chúa. Tất cả những thỏa mãn đời này chỉ có thể cho ta được nếm trước những hạnh phúc đời sau. Ta phải vượt qua chúng để tiến tới Chúa. [1718-1719, 1725]
1-3

“Thiên Chúa muốn ta được hạnh phúc. Nhưng đâu là nguồn hy vọng đó? Nguồn của nó ở trong sự hiệp nhất với Chúa là Đấng sống trong thâm tâm mỗi người.” – Thầy Roger Schutz

“Hạnh phúc không ở trong ta, và cũng chẳng phải là ở ngoài ta. Hạnh phúc chỉ có trong Chúa. Và khi ta đã tìm thấy hạnh phúc thì nó ở khắp mọi nơi.” – Blaise Pascal

“Chỉ một mình Chúa là con đường đáng được ta đi theo, là ánh sáng đáng ta đốt lên, là sự sống đáng ta sống theo, và là tình yêu đáng ta yêu thương.” – Mẹ Têrêsa


282. Kinh Thánh có cho ta biết đường dẫn đến hạnh phúc không?

– Ta sẽ được hạnh phúc nếu tin vào Lời Chúa Giêsu trong các mối phúc. [1716-1717]

– Tin Mừng là lời hứa ban hạnh phúc cho tất cả những ai muốn theo đường của Chúa. Chính trong các Mối Phúc (Mt 5,3-12) mà Chúa Giêsu chỉ cho biết cách cụ thể rằng: sự chúc lành vĩnh cửu sẽ được ban cho ai theo lối sống của Chúa và ai tìm kiếm hoà bình bằng tâm hồn trong trắng.


283. Các mối phúc là những mối nào?

– Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp. Phúc cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được thoả lòng. Phúc cho ai xót thương, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho ai có tâm hồn trong trắng, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế (Mt 5,3-12).

“Muốn tất cả những gì Chúa muốn, và muốn như thế luôn luôn trong mọi hoàn cảnh và không ngập ngừng, đó là Nước Trời đang ở trong ta vậy.” – François Fenelon

284. Tại sao các mối phúc lại quan trọng?


– Những người mong mỏi Nước Trời phải tìm đến bảng liệt kê những ưu tiên trên của Chúa Giêsu thì sẽ biết. [1716-1717, 1726]

– Từ Abraham, Thiên Chúa đã hứa với dân Người. Chúa Giêsu đã lặp lại, cho lời hứa một giá trị vĩnh cửu và coi đó là chương trình của Người: Con Thiên Chúa làm người nghèo để chia sẻ sự nghèo khó của ta, Người vui với những kẻ vui, khóc với những kẻ khóc (Rm 12,16); Người không cần đến bạo lực, trái lại, Người giơ má bên kia (Mt 5,39); Người thương xót, tạo nên hòa bình, và chỉ cho thấy con đường chắc chắn dẫn đưa về trời.

285. Hạnh phúc đời đời là gì?

– Hạnh phúc đời đời là được thấy Chúa và được tham dự hạnh phúc với Chúa. [1720-1724,1729]

– Nơi Thiên Chúa, Cha, Con, Thánh Thần là sự sống, niềm vui và hiệp thông vĩnh cửu. Ta được tham dự sự sống đó, đối với ta là con người thì thật là hạnh phúc không thể tưởng tượng được và có tính vĩnh hằng. Hạnh phúc ấy là quà tặng thuần túy do ân sủng Chúa ban, bởi vì ta không thể nào tự mình kiếm cho mình được, cũng không thể nào nắm bắt được sự bao la của nó. Thiên Chúa muốn rằng, ngay trong đời sống ta ở trần gian, ta chọn theo hạnh phúc. Thiên Chúa cho ta tự do chọn, và yêu thích nó hơn hết mọi sự, chọn làm lành và tránh làm dữ với hết sức ta. → 52, 156 – 158

Chúng ta sẽ thấy Người như Người hiện hữu. – 1 Ga 3,2

“Con người cao cả đến nỗi trên trái đất không gì thỏa mãn nó được. Con người chỉ thỏa mãn nếu quay về với Chúa. Bắt cá ra khỏi nước, nó không sống được. Con người không có Chúa cũng vậy.” – Thánh Gioan Vianney

“Chỉ có Đấng dựng nên con người mới làm con người được hạnh phúc.” – Thánh Augustinô


286. Tự do là gì và tại sao ta có tự do?

– Tự do là sức mạnh Chúa ban để người ta có thể tự quyết định về điều mình muốn làm. Tự do trái ngược với định mệnh. [1730-1733,1763-1744]

– Thiên Chúa đã dựng nên ta là những người tự do và Người muốn ta tự do đem tất cả tấm lòng để chọn sự tốt, chọn sự “tốt tối cao”, đó là chọn Chúa. Ta càng làm điều tốt, ta càng là người tự do. → 51

“Người nào phó mình hoàn toàn trong tay Chúa, họ không trở nên con búp bê của Chúa, không trở nên người khắc khổ hay chỉ theo thời, họ cũng không mất tự do. Chỉ có người phó thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa mới có tự do đích thực, tự do sáng tạo vô hạn để làm điều thiện. Người hướng về Thiên Chúa không ra nhỏ bé hơn, nhưng cao cả hơn, vì nhờ Chúa và với Chúa mà họ nên cao cả, nên linh thiêng, nên thực sự là chính mình.” – Đức Bênêđictô XVI, 2005

“Tự do là làm chủ được chính mình.” – Henri-Dominique Lacordaire (1802-1861)

“Các vị tử đạo thời Hội Thánh sơ khởi đã chết vì tin vào Thiên Chúa được tỏ mình ra trong Chúa Giêsu Kitô, và thực ra các ngài cũng chết vì sự tự do lương tâm và vì sự tự do tuyên xưng đức tin riêng của họ – một sự tự do được tuyên xưng đức tin mà không Nhà Nước nào có thể cướp lấy. Vị tử đạo cũng chỉ có thể tuyên xưng đức tin nhờ ơn Chúa soi sáng cho tự do của lương tâm mình. Một Hội Thánh truyền giáo ý thức rằng mình được trao cho bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, phải tuyệt đối dấn thân để bảo vệ quyền tự do tôn giáo.” – Đức Bênêđictô XVI, 22-12-2005


287. Ta có thể chọn sự xấu, có phải đó là ta có tự do không?

– Sự xấu chỉ làm người ta thèm thuồng ở bề ngoài mà thôi. Chọn sự xấu cũng chỉ làm cho người ta tự do ở bề ngoài mà thôi. Sự xấu không làm cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó tước đoạt điều tốt lành thật của ta. Nó xiềng xích ta lại với cái vô bổ và cuối cùng tiêu huỷ hoàn toàn tự do của ta. [1730-1733,1743-1744]

– Điều này có thể được nghiệm thấy qua các “lối sống gây nguy hại cho sức khoẻ” như: bán tự do để mua một cái gì có vẻ tốt cho mình, nhưng thực ra chỉ là nô lệ nó. Chỉ khi nào ta có thể nói đồng ý với sự tốt lành; và khi ta không bị lệ thuộc, không bị cưỡng ép, không bị thói quen ngăn cản chọn lựa; và khi làm những gì là chính đáng và tốt lành, thì ta mới tự do hơn. Quyết định làm theo điều tốt luôn luôn là quyết định vâng theo ý Chúa. → 51

“Người tốt thì tự do, dầu họ là nô lệ. Người xấu là nô lệ, dầu họ là vua.” – Thánh Augustinô


288. Người ta có trách nhiệm về mọi việc mình làm không?

– Người ta có trách nhiệm về mọi việc mình làm khi người ta có ý thức, có tự do và có ý muốn. [1734-1737, 1745-1746]

– Người ta không thể (hoàn toàn) quy trách nhiệm về hành vi của một người nếu họ bị bó buộc làm, vì sợ, vì không biết, vì ma túy, hoặc do thói quen xấu. Càng biết việc tốt, càng tập luyện để hoàn thành việc tốt, người ta càng tránh xa không làm nô lệ của tội lỗi (Rm 6,17; 1 Cr 7,22). Thiên Chúa mơ ước những người tự do cảm thấy mình có trách nhiệm về mình, về người thân cận mình và về cả trái đất. Nhưng tất cả lòng thương xót Chúa cũng quan tâm tới những người bị lệ thuộc, hàng ngày người đề nghị với họ tự giải thoát mình và bước đi tới tự do.

“Con đường dẫn tới mục đích, bắt đầu khi bạn đảm nhận trách nhiệm hoàn toàn về các hành vi của bạn.” – Dante Alighieri (1265-1321, triết gia, thi sĩ Ý)


289. Ta có được cứ để cho một người dùng tự do theo ý họ, dù họ chọn làm điều xấu không?

– Sử dụng quyền tự do là quyền căn bản của con người, dựa trên phẩm giá con người của họ. Tự do cá nhân chỉ có thể bị ngăn cản hoặc giảm bớt, khi họ dùng tự do của mình gây bất lợi cho tự do của người khác. [1738-1740]

– Tự do sẽ không còn là tự do nếu nó không cho phép ta tự ý chọn lựa dù là chọn điều sai lầm. Không tôn trọng tự do của một người là làm tổn thương phẩm giá con người của họ. Một trong các bổn phận của Nhà Nước là đảm bảo các quyền tự do của tất cả mọi công dân (tự do tôn giáo, tự do tụ tập và hội họp, tự do phát biểu, lao động…). Tự do của một người dừng lại khi có tự do của người khác bắt đầu. Tuy nhiên, việc tôn trọng người khác cũng đòi phải hành động với tình yêu, khôn ngoan, kiên nhẫn, đối với những người bị lầm lạc, và đòi phải diễn tả sự thật của Chúa Kitô trong chừng mực có thể.


290. Thiên Chúa giúp ta thành người “tự do” thế nào?

– Chúa Kitô muốn ta “được tự do đích thực” (Gl 5,1) và có thể thực hiện tình bác ái huynh đệ. Vì thế, Người đã sai Chúa Thánh Thần đến làm cho ta tự do, được giải thoát khỏi quyền lực đời này, và thêm sức cho ta sống trong tình yêu và trách nhiệm. [1739-1742, 1748]

– Ta càng phạm tội, ta càng chỉ nghĩ đến mình, ta càng khó mà phát triển nên người tự do. Khi ta trao phó mình cho tội lỗi, ta không còn làm điều tốt được nữa và không sống yêu thương được, Chúa Thánh Thần đến trong lòng ta để ban cho ta một trái tim đầy tình mến Chúa yêu người. Ta nhận thấy Chúa Thánh Thần như sức mạnh dẫn đến tự do nội tâm, để cởi mở ra với tình yêu và biến đổi ta thành dụng cụ luôn luôn thích hợp để chu toàn việc tốt và yêu thương. → 120, 310 – 311

Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên, “Abba! Cha ơi!”. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. – Rm 8,15-16

“Trong thế giới này đầy những tự do giả tạo phá hủy môi trường và con người; ta muốn cùng nhau nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần học biết về tự do thật sự, tạo lập những trường dạy tự do, chứng tỏ cho những người khác bằng chính đời sống mình là chúng ta tự do, và nếu ta thực sự có tự do đích thật của con cái Thiên Chúa thì tốt đẹp chừng nào.” – Đức Bênêđictô XVI, Lễ Hiện Xuống 2006


291. Làm sao một người có thể phân biệt được hành động của mình tốt hay xấu?

– Người ta có thể phân biệt hành động của mình tốt hay xấu nhờ họ có lý trí và lương tâm, hai cái đó giúp họ phán đoán rõ ràng. [1749-1754,1757-1758]

– Ba yếu tố có thể hướng dẫn ta phân biệt hành động tốt và xấu: (1) Điều tôi làm phải là tốt; có ý muốn tốt không đủ. Ăn trộm ở ngân hàng luôn luôn là nặng, mặc dầu tôi ăn trộm có ý để giúp người nghèo. (2) Dầu điều tôi làm là tốt, nhưng toàn bộ hành động là xấu nếu tôi hoàn thành nó vì ý xấu. Thí dụ: nếu tôi tiễn đưa một bà già về tận nhà, đó là việc tốt. Nhưng nếu tôi chỉ làm có ý để lần sau ăn cắp, tất cả công việc của tôi là xấu. (3) Hoàn cảnh khi tôi làm có thể giảm bớt trách nhiệm, nhưng không thay đổi gì tính cách tốt xấu của hành động. Đánh mẹ mình luôn luôn là xấu, dù người mẹ không có tỏ tình yêu thương bao giờ. → 295 – 297

“Có cái tốt mà không chứa gì xấu; nhưng không cái gì xấu mà không có cái tốt.” – Thánh Tôma Aquinô


292. Người ta có thể làm việc xấu để sinh ra kết quả tốt không?

– Không. Không bao giờ ta được tự ý làm việc xấu hoặc dung thứ cho việc xấu, để có kết quả tốt. Nhưng nếu xảy ra là không thể có giải pháp nào khác, thì hãy tránh cái xấu lớn, và chọn cái xấu nhỏ nhất. [1755-1756, 1759-1761]

– Mục đích không biện bạch cho phương tiện. Thật là sai lầm khi dùng phôi thai để nghiên cứu về các tế bào gốc, dù có thể nhờ đó làm cho y học tiến bộ. Cũng thật là sai lầm khi muốn “giúp đỡ” nạn nhân bị hiếp dâm bằng cách giúp họ phá thai.

“Ai muốn làm việc tốt thực sự phải muốn làm tất cả với mục đích tốt lành, hoặc muốn chịu đựng tất cả vì mục đích tốt lành.” – Soren Kierkegaard


293. Tại sao Thiên Chúa cho ta có “đam mê” hoặc “cảm xúc”?



– Các đam mê thúc đẩy ta bằng những xúc động mạnh mẽ và những cảm xúc riêng biệt để ta có thể làm điều phải, điều thiện, và chống lại điều dữ, điều xấu. [1762-1766, 1771-1772]

– Con người được Thiên Chúa tạo dựng: có thể yêu thương hay chê ghét, họ bị lôi cuốn bởi một số việc và họ sợ những việc khác, họ có thể đầy vui sướng, buồn phiền, giận dữ. Trong đáy lòng, họ luôn yêu cái tốt và ghét cái xấu – hoặc cái mà họ cho là như thế.

“Hãy kiên nhẫn trong mọi sự nhất là kiên nhẫn với chính bản thân bạn.” – Thánh Phanxicô Salêsiô


294. Ta thấy mình có những đam mê mạnh mẽ thì ta có tội không?

– Không, đam mê có thể là những gì rất quí giá. Nó được coi như dẫn tới và làm cho những việc tốt hiệu quả hơn. Chỉ khi nào đam mê trở nên vô trật tự, nó mới đưa tới sự dữ. [1767-1770, 1773-1775]

– Các đam mê được hướng tới cái tốt thì trở thành nhân đức. Lúc đó chúng là trung gian dẫn tới đời sống tranh đấu để tìm kiếm yêu thương và công chính. Người ta gọi nết xấu là cái đam mê nào thống trị để cướp lấy tự do của con người và lôi kéo họ vào đàng xấu.

“Nhân đức chính là cái người ta làm vì đam mê; nết xấu là cái mà vì đam mê mà người ta không ngăn cản được mình làm.” – Thánh Augustinô


295. Lương tâm là gì?

– Lương tâm là tiếng nói bên trong con người, ra lệnh cho ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào và tránh điều dữ bằng mọi cách. Đồng thời, lương tâm là khả năng phân biệt điều thiện với điều dữ. Thiên Chúa nói với ta qua tiếng lương tâm. [1776-1779]

– Lương tâm được so sánh như một tiếng ở nội tâm mà Thiên Chúa bày tỏ cho con người. Chính Thiên Chúa được ta nhận ra trong lương tâm ta. Nói rằng: “Điều đó không thỏa thuận với lương tâm tôi”, đối với một Kitô hữu có nghĩa là “Tôi không thể làm được trước mặt Đấng tạo dựng tôi”. Vì trung thành với lương tâm, nhiều người đã phải chịu tù đầy và còn phải chịu chết nữa. → 120, 290 – 292, 312, 333

? Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa. Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 16.

“Bất cứ việc gì ta làm trái với lương tâm đều là tội.” – Thánh Tôma Aquinô

“Đây là thời ta phải làm một việc gì. Nhưng ai dám làm điều gì thì phải ý thức rằng họ chắc chắn sẽ đi vào lịch sử như một người phản bội. Tuy nhiên, nếu họ không làm gì cả, họ sẽ là người phản bội chính lương tâm họ.” – Claus Von Stauffenberg (1907–1944)


296. Ta có thể ép buộc ai làm gì trái với lương tâm mình không?

– Không ai bị bắt buộc hành động trái với lương tâm mình, vì họ hành động cho ích chung. [1780-1782, 1798]

– Người nào coi khinh lương tâm người khác, không biết tới hoặc bó buộc lương tâm của họ, là người xúc phạm phẩm giá của họ: không có gì mang bản chất con người hơn là khả năng phân biệt tốt xấu, và có thể chọn lựa. Điều này là đúng, dù khách quan quyết định là sai. Nếu lương tâm được huấn luyện tốt, thì tiếng bên trong sẽ nói phù hợp với những gì được mọi người cho là hợp lý, chính đáng và tốt lành trước Thiên Chúa.


297. Ta có thể huấn luyện lương tâm mình không?

– Có. Cần phải tự huấn luyện lương tâm mình. Lương tâm được Chúa phú bẩm trong thâm sâu của mọi người có lý trí, nó có thể bị lừa hay bị chết, vì vậy cần được điều chỉnh sao cho nó biết hành động tốt, biết phán đoán, biết đánh giá cách tế nhị, chính xác công việc phải làm [1783-1788,1799-1800].

– Trường dạy giáo dục lương tâm đầu tiên là tự phê bình. Con người chúng ta có khuynh hướng phán đoán luôn có lợi cho mình. Trường dạy thứ hai là tự mình quy hướng tới hành động tốt của người khác. Lương tâm được huấn luyện tốt dẫn đưa con người đến tự do làm việc tốt mà họ nhận ra là đúng. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh, Hội Thánh suốt dòng lịch sử đã thu thập nhiều dữ kiện về hành vi luân lý tốt; Hội Thánh có sứ vụ giảng dạy cho mọi người và cũng ban cho họ những hướng dẫn. → 344

“Nếu ta tự cảm thấy có trách nhiệm khi ta hổ thẹn hoặc run sợ vì đã không theo tiếng lương tâm, thì điều đó chứng minh rằng có ai ở đó mà ta có trách nhiệm đối với người đó; trước mặt người ấy ta hổ thẹn và sợ bị quở trách.” – Hồng y John Henry Newman

“Theo lý luận, tất cả những gì có liên quan đến luân lý, cuối cùng cũng sẽ chuyển sang thần học, và không chuyển sang những tuỳ tiện của thế gian.” – Max Horkheimer (1895-1973, triết gia và nhà xã hội học Đức)


298. Người làm điều xấu nhưng theo lương tâm ngay thẳng thì có tội trước mặt Chúa không?

– Không. Nếu ai đã xét mình và phán đoán đúng, họ phải theo tiếng lương tâm mình, dù không may họ làm sai. [1790-1794,1801-1802]

– Thiên Chúa không thể quy các hậu quả xấu cho ta vì một sai lầm vô tình do lương tâm phán đoán. Dù thực sự là phải luôn theo lương tâm, ta không nên quên rằng ta thường hay bóp méo các sự việc, giết chết, xuyên tạc, lừa gạt bằng cách viện dẫn các quyền của lương tâm để lạm dụng.


299. Nhân đức nghĩa là gì?

– Nhân đức là khuynh hướng bên trong, một thói quen tích cực, một đam mê để làm việc lành. [1803,1833]

– “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em là đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48) Điều đó có nghĩa là ta phải luôn biến đổi để tiến bước trên đường về với Chúa. Với sức loài người ta chỉ có thể tiến chút đỉnh thôi. Thiên Chúa tăng cường các nhân đức nhân bản bằng ân sủng Người, và ngoài ra Người còn ban cho ta những nhân đức đối thần, giúp ta gần gũi với Chúa và sống an bình trong ánh sáng của Người. → 293-294



Phúc cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được thoả lòng. –Mt 5,6

“Sống tốt chẳng qua chỉ là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và bằng tất cả hành động. Đó là dành cho Người một tình yêu toàn vẹn (nhờ đức tiết độ) mà không một tai họa nào có thể lay chuyển (liên quan đến đức can đảm) chỉ vâng lời Chúa mà thôi (là đức công bằng) và quan tâm phân định mọi sự để khỏi bị bất ngờ do mưu mô dối trá (đây là liên quan đến đức khôn ngoan).” – Thánh Augustinô


300. Tại sao ta phải tập luyện tư cách?

– Ta phải cố gắng tập luyện để làm việc lành một cách dễ dàng, tự do và vui vẻ. Trước tiên, phải có một đức tin vững chắc nơi Chúa, Đấng sẽ giúp ta, nhưng cũng phải thực hành các nhân đức, nghĩa là, phải xin ơn Chúa, phát triển nơi ta, khả năng vận dụng lý trí và lòng muốn ngày càng liên tục kiên quyết hướng tới các việc lành, không để ta buông mình theo các đam mê hỗn loạn. [1804-1805, 1810-1811, 1834-1839]

– Các nhân đức chính là : khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ. Người ta cũng gọi là các nhân đức căn bản.

“Đừng sợ rằng đời bạn chấm dứt nay mai. Đúng hơn phải sợ mình quên bắt đầu lại cho đúng đắn hơn.” – Hồng y Newman


301. Làm sao để được khôn ngoan?

– Người ta nên khôn ngoan nhờ học biết phân biệt cái gì chính yếu cái gì không chính yếu, đặt cái đích tốt cho đúng và chọn phương tiện tốt nhất để đạt đích. [1806-1835]

– Nhân đức khôn ngoan hướng dẫn tất cả các nhân đức khác. Vì khôn ngoan là khả năng phân định cái gì là đúng. Nếu muốn sống một đời có đạo đức tốt, cần phải biết đâu là “cái tốt đích thật” và nó có giá trị gì. Như anh lái buôn trong Tin Mừng: khi gặp được viên ngọc quý, anh bán hết mọi cái anh có để mua cho được (Mt 13,46). Phải khôn ngoan trước hết để sau đó biết vận dụng đức công bằng, đức can đảm và đức tiết độ để hoàn thành “cái tốt”.

“Khôn ngoan có 2 mắt: một thấy trước điều phải làm, một xem lại điều đã làm.” – Thánh Ignaxiô Loyôla


302. Người công bằng là người thế nào?

– Người hành động công bình là người luôn luôn chắc chắn trả cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa, trả cho tha nhân cái gì của tha nhân. [1807-1836]

– Để diễn tả công bằng có câu: “Hãy trả cho người ta cái gì là của họ”. Tương lai của một em bé khuyết tật và của một em bé có khả năng dư dật cần phải được xem xét khác nhau, để tôn trọng những quyền lợi của mỗi em. Đức công bằng cố gắng tìm sự quân bình và quan tâm để mọi người đều nhận được cái họ cần được. Đức công bình cũng cốt tại dâng cho Thiên Chúa cái gì là của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu và lòng tôn thờ của ta.

“Công bằng mà không thương xót là không yêu thương, thương xót mà không công bằng là giảm giá cả hai.” – Friedrich Von Bodelschwingh (1831–1910, mục sư Tin Lành Đức và thần học gia)


303. Người can đảm là người thế nào?

– Là người khi nhận ra điều tốt, thì luôn mạnh dạn bảo vệ, dù tới cuối cùng họ có phải hy sinh tính mạng mình. [1809-1837] → 295

Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăn đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. – 2 Tm 4,2

“Người can đảm, dù may hay rủi cũng coi như tay phải và tay trái, họ dùng cả hai.” – Thánh nữ Catarina Siena


304. Tại sao tiết độ là nhân đức?

– Sống chừng mực hay giữ tiết độ là nhân đức vì sự vô độ trong mọi lãnh vực đều là sức mạnh hủy diệt. [1809-1838]

– Người sống không tiết độ thì buông mình theo các bản năng, gây tổn thương cho người khác do những ước muốn vô độ và làm hại cho cả chính mình.Trong Tân Ước, đức tiết độ được gọi là “điều độ” hay “điều hoà”.


Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. – Tt 2,11-12

305. Ba nhân đức đối với Thiên Chúa là những nhân đức nào?

– Là đức tin, đức cậy, đức mến. Chúng được gọi là “đối thần”, vì chúng có nền tảng trong Thiên Chúa, và trực tiếp hướng về Thiên Chúa. Ta có thể nhờ 3 đức này như con đường trực tiếp đạt tới Thiên Chúa. [1812-1813, 1840]

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. – 1 Cr. 13,13


306. Tại sao tin, cậy, mến là nhân đức?

– Vì là những sức mạnh thực sự được Chúa ban, và nhờ ơn Chúa giúp, ta có thể gia tăng và củng cố để đạt được sự sống sung mãn (Ga 10,10). [1812-1813, 1840-1841]

Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ. – 1 Ga 4,16


307. Đức tin là gì?

– Là nhân đức giúp ta đi lên tới Thiên Chúa, trông cậy ở Thiên Chúa, nhận biết sự thật của Người, và hiến thân mình cho Người.

– Đức tin là con đường Thiên Chúa làm để dẫn ta đến sự thật, là chính Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6), đức tin không thể chỉ là một thái độ đơn thuần, một “tin tưởng” vào sự gì đó. Một đàng đức tin bao gồm những dữ kiện chính xác: Hội Thánh tuyên xưng trong kinh Tin Kính, và có trách nhiệm gìn giữ. Ai đón nhận ơn đức tin, nghĩa là muốn tin, thì tự mình tuyên bố theo đức tin đã được trung thành gìn giữ qua mọi thời và mọi nền văn hóa. Đàng khác, tin cũng là dấn thân vào một quan hệ cậy trông với Chúa, hết lòng hết trí khôn, hết sức lực hữu hình của mình. Vì điều quan trọng là “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Không phải qua những lời nói hay mà ta biết người nào tin Chúa thật, nhưng là xem các hành động tình yêu của họ.

Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. – Ga 14,12

Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. – 1 Ga 2,4

Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. – Mt 10,32.33


308. Đức cậy là gì?

– Là nhân đức giúp ta chắc chắn và bền lòng mong ước điều ta phải làm ở đời này là ca tụng Chúa, phụng sự Chúa, và tìm hạnh phúc thật trong Chúa. Bởi vì chỗ ở cuối cùng của ta là ở nơi Thiên Chúa. [1817-1821,1843]

– Dù ta chưa thấy, đức cậy là trông mong những gì Thiên Chúa đã hứa do Tạo dựng, do các tiên tri, nhất là do Chúa Kitô. Thánh Thần của Thiên Chúa được ban cho ta để ta trông cậy vững vàng vào điều tốt chân thật. → 1 – 3

“Trông cậy là tin vào cuộc phiêu lưu của tình yêu, tin vào mọi người, nhảy vào chỗ mình chưa biết và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.” – Thánh Augustinô

“Bạn sẽ có ấn tượng rằng chỗ ở trên trời được dành cho bạn, cho mình bạn thôi, bởi vì bạn đã được tạo dựng cho chỗ đó.” – C.S. Lewis


309. Đức mến là gì?

– Là nhân đức giúp ta, có thể hiến mình cho Chúa để kết hợp với Người, và yêu mến tha nhân không điều kiện và chân thành, vì yêu Chúa là Đấng đã yêu ta trước. [1822-1824, 1844]

– Chúa Giêsu đặt đức ái lên trên tất cả các lề luật một cách rất mạnh mẽ. Nói đúng ra Thánh Augustinô dạy: “Cứ yêu và làm điều bạn muốn”. Nhưng không phải chỉ đơn giản thế đâu. Đức ái là nghị lực lớn nhất trong các nghị lực, vì thế đức ái làm cho mọi nhân đức khác có hồn, và đổ đầy sự sống thần linh vào các nhân đức ấy.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. – 1 Cr 13,2

“Đức ái là một nhân đức tuyệt vời. Đức ái vừa là phương tiện vừa là mục đích, vừa là chuyển động vừa là đích tới, là con đường dẫn tới chính mình. Phải làm gì để yêu mến? Không cần phải những mưu mẹo nào khác, chỉ cần yêu mến cách đơn giản thế thôi: như người ta học đàn bằng cách đánh đàn, học khiêu vũ bằng cách khiêu vũ.” – Thánh Phanxicô Salêsiô

“Đối với những ai yêu mến, Thiên Chúa biến đổi tất cả thành tốt; ngay cả những sai lầm và tội lỗi của họ Thiên Chúa cũng biến đổi chúng thành tốt.” – Thánh Augustinô


310. Bảy ơn Chúa Thánh Thần là những ơn nào?

– Bảy ơn Chúa Thánh Thần là: 1. ơn khôn ngoan; 2. ơn thông minh; 3. ơn cố vấn; 4. ơn sức mạnh; 5. ơn hiểu biết; 6. ơn đạo đức; 7. ơn kính sợ Chúa. Đức Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu những ơn này để họ được trở nên những dụng cụ đặc biệt của Chúa ở đời này. [1830-1831,1845]

– Thánh Phaolô viết: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1 Cr 12,8-10) → 113 – 120


311. Hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?

– 12 hoa trái của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui vẻ, bình an, nhẫn nhục, tử tế, tốt lành, quảng đại, nhã nhặn, trung tín, tiết độ, tự chế, thanh sạch (Gl 5,22-23). [1832]

– Việc liệt kê các hoa quả của Chúa Thánh Thần chứng tỏ rằng những ai để cho Chúa bắt lấy, dẫn đi, huấn luyện thì sẽ đi tới đâu. Các hoa quả của Chúa Thánh Thần chứng minh rằng Thiên Chúa có vai trò quan trọng trong đời sống Kitô hữu. → 120

“Hãy rút ra sức mạnh từ niềm vui được ở với Chúa Giêsu. Hãy vui sướng và bình an. Hãy đón nhận bất cứ cái gì Chúa ban, và cho đi bất cứ cái gì Chúa lấy, với một nụ cười lớn.” – Mẹ Têrêsa Calcutta

312. Làm sao ta biết được mình là kẻ tội lỗi?

– Ta biết mình tội lỗi nhờ tiếng lương tâm kết án ta và thúc giục ta xưng thú những lỗi ta phạm đến Chúa. [1797,1848] → 229, 295-298

Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội là chúng ta dối gạt mình, và sự thật không có trong chúng ta. – 1 Ga 1,8


313. Tại sao tội nhân phải hướng về Chúa để xin ơn tha thứ?

– Vì mọi tội đều phá hủy, che khuất và từ chối những gì tốt lành. Còn Thiên Chúa gồm mọi sự lành và là tác giả mọi sự lành. Vì thế mọi thứ tội đều là phản nghịch Chúa, nên phải về cùng Chúa để làm lại cuộc đời. [1847] → 224-239


Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. – 1 Ga 1,9

314. Làm sao ta biết Thiên Chúa là Đấng Thương xót?

– Trong Kinh Thánh có nhiều đoạn nói về lòng thương xót Chúa, đặc biệt đoạn về “người cha thương xót” (Lc 15). Ông đã đi đón đứa con phung phá, đón nhận nó vô điều kiện, đã làm tiệc mừng khi nó về, và cho hòa giải với ông. [1846, 1870]

– Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói qua miệng tiên tri Êdêkien: Ta không vui thích gì cái chết của kẻ xấu, nhưng vui thích kẻ xấu hối cải thay đổi lối sống để được sống (Ed 33,11). Chúa Giêsu được sai đến với các chiên lạc nhà Israel (Mt 5,24), và Người biết rằng không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là các bệnh nhân (Mt 9,12). Vì thế, Người ăn uống với người thu thuế và tội lỗi, trước khi Người chỉ rõ về chính cái chết của Người: Đây là Máu Thầy, Máu giao ước, sẽ đổ ra cho nhiều người để tha tội (Mt 26,28). → 227, 524

Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. – 1 Ga 3,20

“Bên cạnh lòng thương xót Chúa, không còn nguồn nào khác để loài người trông cậy.” – Chân phước Gioan Phaolô II

“Đừng bao giờ nghi ngờ lòng thương xót Chúa.” – Thánh nữ Benedict Nursia

“Nhiều người nói: “Tôi đã làm nhiều điều xấu xa độc ác, Chúa chẳng còn tha cho tôi”. Đó là sự phạm thượng rõ ràng, nó đặt giới hạn cho lòng thương xót Chúa, nhưng không đúng, Chúa thương xót vô cùng. Không có gì xúc phạm đến Chúa bằng nghi ngờ lòng thương xót Người.” – Thánh Gioan Vianney


315. Tội là gì?

– Tội là tư tưởng, lời nói, việc làm, người ta tự ý và cố tình phạm đến trật tự Chúa quan phòng yêu thương đã sắp đặt. [1849-1851,1871-1872]

– Phạm tội còn tệ hơn là vi phạm một luật do con người đặt ra. Tội là tự ý và cố tình chống lại tình yêu Chúa và không biết gì đến Chúa. Như thế “tội là yêu mình đến khinh Chúa” (Thánh Augustinô), và trong những trường hợp cực độ, thụ tạo tội lỗi dám nói: “Tôi muốn là như Thiên Chúa” (x. St 3,5). Tội thì đầy tính xúc phạm, làm tổn thương, phá hoại ta do hậu quả của nó, làm đầu độc và tác hại đến cả những gì quanh ta. Chỉ sống gần gũi với Chúa ta mới có thể nhận ra bộ mặt thật của tội và tính cách nặng nề của nó. → 67, 224 – 239


“Chỉ có ai suy gẫm cách nghiêm minh thánh giá nặng nề như thế nào, mới hiểu được tội nặng ghê gớm ra sao.” – Thánh Ansel Cantebury

316. Làm sao phân biệt tội nặng với tội nhẹ?


– Tội nặng cắt đứt mối quan hệ tình yêu Chúa trong lòng ta, không còn tình yêu Chúa, không thể có hạnh phúc đời đời. Tội nhẹ chỉ làm tổn thương mối quan hệ với Chúa, tình yêu Chúa vẫn còn. [1852-1861,1874]

– Một tội nặng cắt đứt con người với Thiên Chúa. Một tội như thế có thật, nếu nó phạm đến một giá trị quan trọng, nếu nó nổi lên chống lại sự sống hoặc chống lại chính Thiên Chúa (chẳng hạn giết người, phạm thượng chống lại Thiên Chúa, ngoại tình…) và nếu được phạm khi biết đầy đủ và ưng thuận hoàn toàn. Tội nhẹ liên quan đến những giá trị đứng sau các giá trị đã kể ở trước đây (danh dự, sự thật, tài sản…) hoặc là đã phạm mà không hiểu biết đầy đủ về giá trị của nó, và không hoàn toàn ưng thuận. Những tội này làm xáo trộn quan hệ với Thiên Chúa nhưng không cắt đứt.

“Tôi vừa làm ra một thứ tro đắt giá vì tôi đã đốt giấy bạc 500 tiền franc. Ồ, việc đó không tệ bằng, nếu tôi phạm một tội nhẹ.” – Thánh Gioan Vianney


317. Làm thế nào người phạm tội nặng có thể nối kết lại với Chúa được?

– Họ có thể làm hoà với Chúa nhờ bí tích sám hối và hòa giải [1856] → 224-239

“Nếu trong Hội Thánh không có việc tha tội, sẽ không có hi vọng được sống đời đời, và được giải thoát đời đời. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh ơn lớn lao dường ấy.” – Thánh Augustinô

318. Thói xấu là gì?

– Là những thói quen không lành mạnh làm cho lương tâm ra lu mờ và đần độn khiến con người hướng chiều về sự dữ, và quen dần với tội lỗi. [1865-1867]

– Thói xấu của con người có thể gán vào các tội làm đầu: kiêu ngạo, hà tiện, hờn giận, ghen ghét, xa hoa, mê ăn uống, lười biếng trễ nải.

“Nhân đức cũng như thói xấu đều nằm trong quyền hạn của ta. Bởi vì hành động thuộc quyền hạn của ta, nên hành động xấu cũng thuộc quyền hạn ta, ở đâu có “không” thì ở đó cũng có “có”.” – Aristote (382–322 trước công nguyên, triết gia)

319. Ta có trách nhiệm về tội của người khác không?


– Không. Ta không mang trách nhiệm về tội của người khác, trừ khi ta hướng dẫn sai hoặc dụ dỗ người khác phạm tội, khuyến khích ai phạm tội, cẩu thả không nhắc nhớ, không giúp ai tránh phạm tội (hiểu là khi có bổn phận). [1868]

320. Có cơ cấu tội lỗi không?

– Tội luôn luôn là hành vi của một cá nhân đã làm điều xấu với ý thức và tự ý. Thực sự cơ cấu tội lỗi chỉ có theo nghĩa bóng mà thôi. [1869]

– Tuy nhiên, có những cơ cấu xã hội và những thể chế nghịch với điều răn của Thiên Chúa đến nỗi phải kể là “những cơ cấu tội lỗi”, chúng thật ra là hậu quả của tội các cá nhân (độc tài, phát xí…).


Chương 2: Cộng đồng nhân loại

321. Một Kitô hữu có phải là một cá nhân thuần tuý không?

– Không, một Kitô hữu không bao giờ được là một cá nhân thuần túy vì con người tự bản tính được dựng nên để sống trong xã hội. [1877-1880,1890-1891]

– Mọi người đều có một cha một mẹ; họ nhận sự giúp đỡ của người khác, và họ có bổn phận giúp đỡ người khác và dùng tài năng của mình phục vụ mọi người. Vì con người là “hình ảnh” của Thiên Chúa, nên một cách nào đó họ là phản ảnh của Thiên Chúa, Đấng không đơn độc nhưng Đấng là Ba Ngôi vị (do đó có sự sống, tình yêu, đối thoại, và trao đổi). Thực ra, chính yêu thương là điều răn trung tâm của tất cả các Kitô hữu, nhờ yêu thương mà tận thâm tâm ta, ta hiệp nhất người này với người khác, và tự căn bản ta được tạo dựng cốt để sống người này cho người khác: “Ngươi phải yêu thương người thân cận ngươi như chính mình ngươi.” (Mt 22,39)

“Dù bạn không sợ ngã một mình, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ chỗi dậy một mình không? Hãy biết rằng: Hai người với nhau có thể làm nhiều hơn một.” – Thánh Gioan Thánh Giá


322. Xã hội hay cá nhân bên nào quan trọng hơn?

– Trước mặt Chúa, con người với tư cách là cá nhân được xếp trước, sau đó mới là con người với tư cách là thành phần của xã hội. [1881,1882]

– Xã hội không bao giờ được kể là hơn cá nhân. Không bao giờ được coi con người như phương tiện để đạt mục đích của xã hội. Tuy nhiên một số xã hội như là gia đình hoặc Nhà Nước đều cần cho con người; chúng cũng phù hợp với bản tính con người.

“Mỗi người chúng ta là kết quả tư tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người được Chúa muốn, được Chúa yêu. Mỗi người chúng ta đều có địa vị của mình.” – Đức Bênêđictô XVI


323. Trong xã hội, cá nhân có thể được tự do phát triển như thế nào?

– Cá nhân chỉ được phát triển tự do trong xã hội, nếu biết tôn trọng “nguyên tắc bổ trợ”. [1883-1885,1894]

– Học thuyết Xã hội của Hội Thánh đã thảo ra một nguyên tắc bổ trợ: điều mà một người có thể tự mình làm thì cấp cao hơn không được làm. Theo nguyên tắc này cấp trên không được cướp lấy khả năng của con người. Một xã hội cấp trên không được đảm nhận những nhiệm vụ của một xã hội cấp dưới, làm cho nó mất khả năng thực hiện. Nhiệm vụ xã hội cấp trên đúng hơn là can thiệp “để bổ trợ”, để giúp thêm khi cần thiết.

“Ân huệ lớn mà con người có thể có được dưới vòm trời là được sống tốt với những người mà họ cũng là người như mọi người.” – Chân phước Egide Assisi (? – 1262, bạn của Thánh Phanxicô Assisi)


324. Xã hội nên dựa trên nguyên tắc nào?

– Mọi xã hội nên dựa trên “hệ thống các giá trị”, nghĩa là đặt nền tảng trên công bằng, bác ái. [1886-1889,1895-1896]

– Không xã hội nào đứng vững lâu nếu không dựa vào hệ thống các giá trị bảo đảm cho một trật tự chính đáng trong các quan hệ giữa loài người và làm thăng tiến công bằng. Vì thế con người không bao giờ được coi như là phương tiện nhằm đạt được các hoạt động của xã hội. Tất cả mọi xã hội phải kiên trì từ chối những cơ cấu bất công. Xét cho cùng chỉ có đức ái mới có thể đạt được, đức ái là điều răn lớn nhất về xã hội. Đức ái tôn trọng người khác, đòi hỏi phải công bằng. Chỉ đức ái mới cản trở được những quan hệ xã hội xấu xa. → 449

? Học thuyết Xã hội của Hội Thánh là giáo huấn của Hội Thánh tổ chức đời sống xã hội và về việc tôn trọng công bằng cá nhân cũng như xã hội. Nó gồm bốn nguyên tắc chính: phẩm giá con người, công ích, tính liên đới, và sự bổ trợ.

“Công bằng hôm nay là bác ái hôm qua; bác ái hôm nay là công bằng ngày mai.” – Chân phước Etienne Michel Gillet (1758–1792, linh mục tử đạo)

“Hội Thánh đánh giá hệ thống dân chủ là hệ thống bảo đảm cho các công dân tham gia việc chọn lựa chính trị, và bảo đảm cho người chịu cai trị khả năng chọn lựa và kiểm soát những nhà cai trị, hoặc khả năng thay thế các nhà cai trị một cách hòa bình, khi công việc đó thuận tiện.” – Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp bách Chu Niên

325. Quyền bính trong xã hội nên dựa trên căn bản nào?

– Mọi xã hội đều cần để trật tự, sự nối kết và phát triển của mình được đòi hỏi và bảo đảm bởi một quyền bính hợp pháp. Sự cần có một quyền bính này dựa trên bản tính con người được Thiên Chúa tạo dựng [1897-1902, 1918-1919, 1922]

– Chắc chắn không người nào có thể đòi cho mình quyền được thi hành quyền bính trong xã hội nếu không được trao ban cho. Người quản trị và lo tôn trọng hiến pháp phải tùy thuộc vào quyết định của công dân. Hội Thánh không áp đặt một hình thức Nhà Nước nào, nhưng chỉ tuyên bố rằng hình thức đó phải không nghịch với công ích.

Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta. – Cv 5,29

“Không có xã hội nào mà không có cấp xét xử cao nhất.” – Aristote


326. Khi nào gọi là quyền bính hợp pháp?

– Quyền bính gọi là hợp pháp khi nó hành động cho công ích và áp dụng những phương pháp công bằng để đạt đích. [1903-1904,1921]

– Công dân phải có quyền hãnh diện vì được sống trong một “Nhà Nước có pháp quyền” mà các luật đều được chấp nhận cho mọi người về mặt đạo đức. Không ai bị bó buộc vâng theo những luật lệ độc tài hay bất công, hoặc trái với trật tự luân lý tự nhiên. Nếu không, người ta có quyền, có khi có bổn phận phải chống đối.

? Công ích. Công ích là điều tốt lành cho hết mọi người. Công ích gồm “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép một nhóm cũng như mỗi cá nhân của nhóm đạt tới sự hoàn thiện của mình một cách toàn bộ và dễ dàng. – Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 26


327. Công ích được thực hiện thế nào?

– Công ích được thực hiện khi những quyền lợi nền tảng của con người được tôn trọng, và khi con người được tự do phát triển về trí thức và tôn giáo của mình. Công ích đòi hỏi rằng con người có thể sống trong tự do, hòa bình, yên ổn. Trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, công ích phải bao trùm ra cả thế giới để bảo vệ các quyền lợi và bổn phận của cả nhân loại. [1907-1912, 1925, 1927]

– Công ích được tôn trọng khi người ta đặt trọng tâm vào việc lo điều tốt cho mỗi cá nhân và cho những đơn vị nhỏ nhất trong xã hội (chẳng hạn gia đình). Cá nhân hay gia đình đều cần được nâng đỡ và bảo vệ bởi những thể chế chính trị.

“Phải lo công bằng và nhân đạo cho tất cả mọi người.” – Công đồng Vatican II, Phẩm giá Con người


328. Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào?

– Góp phần cho công ích có nghĩa là đảm nhiệm trách nhiệm đối với người khác. [1913-1912,1925,1927]

– Công ích phải lo công việc của mọi người. Vì thế, trước hết phải lo dấn thân và đảm nhận những trách nhiệm đối với người thân cận mình – gia đình, lối xóm, nghề nghiệp. Cũng cần phải đảm nhận những trách nhiệm xã hội và chính trị. Vì thế mỗi người có trách nhiệm đều có một quyền và luôn có nguy cơ lạm dụng quyền. Do đó con người luôn được mời gọi không ngừng hoán cải và đổi mới, để thi hành việc quan tâm đến người khác trong tinh thần luôn công bằng và bác ái.

Khi ngươi làm việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là ngươi làm cho Ta đó. – Mt 25,40

“Không ai có thể nói như Cain «tôi vô trách nhiệm với số phận người em.” – Chân phước Gioan Phaolô II

“Hãy kính trọng tiếng tốt của kẻ thù anh em.” – Thánh Gioan Vianney

“Mọi người phải quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp đồng loại sống một đời sống xứng đáng.” – Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 27,1


329. Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội?

– Công bằng xã hội chỉ có được khi phẩm giá mỗi người được tôn trọng, nghĩa là quyền lợi của họ được công nhận và tôn trọng và mỗi người có thể tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa trong xã hội. [1928-1933, 1943-1944]

– Nền tảng của mọi công bằng là tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, mà Đấng Tạo hóa đã trao cho để bảo vệ, và tất cả mọi người nam nữ ở mọi thời đại trong lịch sử đều là người mắc nợ buộc phải trả theo đúng nghĩa (Đức Gioan Phaolô II, Quan tâm đến xã hội 1987). Từ phẩm giá con người phát sinh trực tiếp ra các quyền của con người mà không một Nhà Nước nào có thể hủy bỏ hoặc thay đổi. Những Nhà Nước hoặc nhà chỉ huy nào dẫm lên các quyền đó đều là các chế độ bất hợp pháp và họ mất quyền bính của họ. Còn về sự hoàn thiện mà xã hội loài người nào cũng khao khát, nó không thể đạt được bằng các luật lệ, nhưng chỉ đạt được bằng tình yêu người thân cận, khi mà hết mọi người không trừ ai “đều coi người khác như “cái tôi thứ hai” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 27,1). → 280

“Tất cả khoa học và nghệ thuật đều tìm kiếm một điều tốt rất lớn, nhưng điều quan trọng hơn tất cả là khoa học chính trị: mục đích tối cao của nó là công bằng; mà công bằng cốt tại thực hiện công ích.” – Aristote


330. Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào?

– Mọi người bình đẳng trước Thiên Chúa, vì mọi người đều do một Thiên Chúa tạo thành, mọi người là “hình ảnh Chúa”, có linh hồn, biết suy luận, có cùng một Đấng Cứu chuộc. [1934-1935, 1945]

– Vì mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa, nên mỗi người xét như ngôi vị, đều hưởng một phẩm giá như nhau, và mỗi người phải được sử dụng những quyền lợi như nhau. Vì thế mọi hình thức kỳ thị trong xã hội, kỳ thị chủng tộc, giới tính, văn hoá hoặc tôn giáo đều là một bất công không chấp nhận được.

“Con người không thể vừa thờ Chúa và đồng thời khinh dể người thân cận mình, cả hai cách không thể dung hoà được.” – Mahatma Gandhi

“Chúa nói: Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là người thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng, chúng đã nhận được nơi Ta.” – Thánh Catarina Siena


331. Tại sao trong loài người lại có những sự bất bình đẳng?

– Mọi người đều có phẩm giá như nhau, nhưng lại không có những điều kiện sinh sống như nhau. Những bất bình đẳng là do xã hội loài người gây ra và đều nghịch Phúc Âm. Thiên Chúa ban cho con người những ơn phúc và tài năng khác nhau, Chúa mời gọi họ chia sẻ cho nhau. Trong tình bác ái, người này phải chia cho người kia những gì họ còn thiếu thốn. [1936-1938,1946-1947]

– Có một thứ bất bình đẳng giữa con người, không phải do Thiên Chúa mà do những điều kiện kinh tế và xã hội, nhất là do sự phân phối trên thế giới không đều nhau về các nguyên liệu, các của cải và vốn. Thiên Chúa chờ đợi ta để ta làm biến mất khỏi thế giới tất cả những gì trái nghịch công khai với Tin Mừng, và coi thường phẩm giá con người. Nhưng cũng có sự bất bình đẳng giữa con người tương ứng với kế hoạch của Thiên Chúa như bất bình đẳng về tài năng, về điều kiện lúc ban đầu, về khả năng. Thiên Chúa muốn như vậy để ta biết rằng làm người có nghĩa là để “cho và vì” người khác, để yêu mến họ, để chia sẻ, để phục vụ sự sống. → 61

“Bạn là Kitô hữu, bạn đang có sẵn một tư liệu gồm khá nhiều thuốc nổ để làm cho cả cái văn minh này nổ tung ra, để làm cho thế giới không còn trên dưới, để mang lại hòa bình cho thế giới bị xé nát vì chiến tranh. Nhưng các bạn lại đối xử với tư liệu đó chỉ như một tác phẩm văn chương mà thôi, và thế là hết.” – Mahatma Gandhi (1869–1948, hướng dẫn tinh thần cho phong trào độc lập của Ấn Độ, sáng lập phong trào bất bạo động)

“Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ, nếu bạn quay lưng với người nghèo là bạn quay lưng với Chúa Kitô. Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người.” – Mẹ Têrêsa Calcutta


332. Kitô hữu nên tỏ tình liên đới với những người khác như thế nào?

– Kitô hữu dấn thân cho những cơ cấu xã hội công bằng để giúp cho mọi người được hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần của thế giới. Kitô hữu cũng quan tâm để trong lao động phẩm giá con người phải được tôn trọng, nghĩa là họ được trả lương công bằng. Việc truyền đạt đức tin cho họ cũng là hành vi liên đới với mọi người.

– Người ta nhận ra Kitô hữu dựa theo việc họ thực thi tình liên đới. Quả thật, liên đới không phải chỉ là một hành vi mà lý trí đòi hỏi. Chúa Giêsu Kitô đã hoàn toàn đồng hóa chính mình với người nghèo và bé nhỏ (Mt 25,40). Từ chối liên đới với họ là loại bỏ Chúa Kitô.

Ai có hai áo hãy chia cho người không có, và ai có đồ ăn cũng chia như vậy. – Lc 3,11

“Nguyên tắc của liên đới là nguyên tắc của học thuyết xã hội của Hội Thánh, nó dựa theo đòi hỏi của tình huynh đệ giữa mọi người, và nó nhắm tới thiết lập một nền “văn mình tình yêu”.” – Đức Gioan Phaolô II

“Không gì thuộc về ta cho đến khi ta chia nó đi.” – C.S. Lewis


333. Có luật tự nhiên nào mà mọi người đều có thể biết không?

– Người ta phải làm lành lánh dữ, là vì những điều đó đã được ghi khắc rõ ràng và chắc chắn trong tâm rồi. Mọi người đều có thể dùng lý trí mà nhận ra cái luật luân lý được coi là tự nhiên đó. [1949-1960,1975,1978-1979]

? Luật luân lý tự nhiên. Tất cả các văn minh và văn hóa đều có nhiều nguyên tắc khác nhau giúp sống chung với nhau, đó là những biểu lộ của cùng một bản tính nhân loại do ý muốn Đấng Tạo Hoá, và do sự khôn ngoan về luân lý của nhân loại, nó được gọi là luật tự nhiên. Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong Sự thật.

? Luật luân lý tự nhiên có giá trị cho mọi người. Nó chỉ dẫn cho con người về những bổn phận và quyền lợi căn bản họ có, nhờ đó nó trở thành nền tảng thực sự cho cuộc sống chung trong gia đình, xã hội và quốc gia. Con người cần Chúa giúp đỡ và mặc khải để đứng vững trên đường ngay lành, bởi vì do tội lỗi và sự yếu đuối của con người, nên con người thường chỉ nhận ra luật tự nhiên một cách không rõ ràng.

“Đấng Tạo Hoá đã ghi vào sâu trong mỗi người “luật tự nhiên”, là phản ánh chương trình của Người trong lòng ta, như là chỉ dẫn và chừng mực trong đời sống ta.” – Đức Bênêđictô XVI, 27-5-2006


334. Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?

– Luật Cựu ước diễn tả những sự thật mà lý trí có thể biết một cách tự nhiên, và những sự thật đó được mặc khải và chính thức công nhận như Luật của Chúa. [1961-1963,1981]

Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. – Mt 5,19

“Thiên Chúa đã viết Luật trên bảng đá thế mà con người lại không đọc thấy trong lòng họ.” – Thánh Augustinô


335. Luật Cựu Ước quan trọng thế nào?

– Trong Luật Cựu Ước và nhất là 10 điều răn, Thiên Chúa tỏ ý Người cho dân Israel là nếu tuân giữ, họ sẽ được cứu rỗi. Kitô hữu biết rằng họ phải giữ Luật, nhưng cũng biết rằng không phải Luật cứu độ họ. [1965-1972, 1977, 1983-1985]

– Theo kinh nghiệm, mỗi người cảm thấy như mình được “khuyên bảo” làm điều tốt. Nhưng ta thường thiếu sức mạnh để hoàn thành, vì khó quá, vì ta thấy mình yếu đuối (x. Rm 8,3 và Rm 7,14-25). Ta thấy cái phải làm, nghĩa là Luật Cựu Ước, nhưng lại cảm thấy muốn phạm tội. Chính nhờ sự hiểu biết này về Luật cũ chứng tỏ cho ta, ta cần có một sức mạnh bên trong để hoàn thành. Vì thế, Luật Cựu Ước dù tốt và quan trọng cũng chỉ có để sửa soạn cho ta sống bằng đức tin với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ ta, như Người được mặc khải trong Tin Mừng. → 349

“Luật cũ là tiên báo và thầy dạy về các thực tại tương lai.” – Thánh Irênê ở Lyon


336. Chúa Giêsu coi Luật Cựu Ước có giá trị thế nào?

– Chúa nói trong bài giảng trên núi: “Ta không đến hủy bỏ Luật, và các tiên tri, nhưng để làm hoàn tất” (Mt 5,7) [1965-1972, 1977, 1983-1985]

– Chúa Giêusu đã sống như một người Do Thái có lòng tin hoàn toàn theo quan niệm và các quy định của thời Người. Nhưng qua một chuỗi suy nghĩ, Người rời xa lối giải thích Luật theo nghĩa đen và chỉ vụ hình thức.


337. Chúng ta được cứu rỗi thế nào?

– Không ai có thể tự cứu rỗi mình. Đối với chúng ta, cứu rỗi nghĩa là được giải thoát khỏi quyền lực tội lỗi, đem con người từ lãnh vực sự chết tới sự sống vô tận, sự sống trước nhan Thiên Chúa. Kitô hữu tin rằng họ được Chúa cứu rỗi vì Chúa đã sai Con của Người xuống trần và đổ tràn Thánh Thần của Người trên chúng ta. [1987-1995, 2017-2020]

– Thánh Phaolô thấy: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Trước Thiên Chúa là Đấng công chính và tốt lành tuyệt đối thì tội không thể có mặt được. Nhưng nếu tội chỉ có cho hư vô thì tội nhân là gì? Thiên Chúa tình yêu đã tìm ra con đường nhờ đó Người phá hủy tội, nhưng cứu tội nhân. Người làm cho tội nhân lại trở nên “đàng hoàng”, nghĩa là trở nên công chính. Vì thế, xưa nay ta gọi cứu độ là công chính hoá. Ta không trở nên công chính do sức lực riêng của ta. Không ai có thể tự mình tha tội cho mình, cũng như tự mình thoát khỏi chết. Vì thế, Thiên Chúa cần hành động để ủng hộ ta, Người làm như vậy chỉ vì lòng thương xót thuần túy mà thôi, không phải vì ta có thể xứng đáng được hưởng. Nhờ Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa tặng cho ta sự công chính của Thiên Chúa nhờ lòng tin của ta vào Chúa Giêsu Kitô (Rm 3,22). Nhờ sức mạnh của Thánh Thần được phú ban trong lòng ta, ta tham dự vào sự chết và sống lại của Chúa Kitô: ta chết cho tội và sinh ra cho đời sống mới trong Thiên Chúa. Ta đến từ Thiên Chúa, đức tin, cậy, mến chiếm lấy ta và làm cho ta có thể sống trong ánh sáng cũng như sống phù hợp với ý Chúa.

Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ, đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. – Ep 2,8-9

? Sự công chính hoá. Đây là ơn ban trung tâm của “học thuyết về ân sủng”. Ơn ban này tái lập một quan hệ chính đáng giữa Thiên Chúa và con người. Vì chỉ Chúa Giêsu Kitô mới có thể ban cho mối quan hệ chính đáng này (sự công chính), nên ta chỉ trở lại được với Thiên Chúa nhờ được “công chính hoá” bởi Chúa Kitô, nghĩa là được vào trong quan hệ hoàn hảo với Thiên Chúa. Như vậy, tin là đón nhận sự công chính của Chúa Kitô nơi bản thân và nơi cuộc đời mình.


338. Ơn thánh là gì?

– Ơn thánh là sự ân cần tự ý và đầy yêu thương của Chúa, là sự giúp đỡ tốt lành của Người, là sức sống từ Người mà đến. Qua thập giá và sự sống lại, Chúa tận tình hiến trọn cho ta, và thông truyền cho ta. Ơn thánh là tất cả những gì Chúa ban cho ta, không do chút công lao nào của ta cả. [1996-1998, 2005, 2021]

– Đức Bênêđictô XVI nói rằng ân sủng là được Thiên Chúa nhìn đến, là được tình Chúa yêu ta chạm đến. Ân sủng không phải là một sự vật, mà là chính Thiên Chúa tự thông ban cho con người. Cái Chúa ban không phải là kém hơn chính mình Người. Trong ân sủng ta được ở trong Thiên Chúa.

“Chúa không bao giờ ban ít hơn chính Người.” – Thánh Augustinô


339. Ơn thánh Chúa làm gì cho ta?

– Ơn thánh đưa ta vào đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi, vào trong sự trao đổi Tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần. Ơn thánh giúp ta sống trong Tình yêu Chúa và hành động nhờ Tình yêu này. [1990-2000, 2003-2004, 2023-2024]

– Ân sủng từ trên đến với Ta, ân sủng được phú ban cho linh hồn, và không do các nguyên nhân “tự nhiên” (ta gọi là ân sủng siêu nhiên). Có ơn làm ta trở thành con cái Thiên Chúa “nhất là do ơn của Bí tích Rửa Tội”, và được thừa kế Nước Trời “đây là ơn thánh hóa hoặc thần hoá”. Có ơn giúp ta kiên trì làm điều tốt “ơn thường sủng”. Có ơn giúp ta phân định, muốn và làm tất cả những gì dẫn đến sự tốt, dẫn đến Thiên Chúa và dẫn về trời (ơn hiện sủng). Ơn này được ban đặc biệt trong các bí tích, đó là nơi tốt nhất mà ý Chúa cho ta gặp gỡ Chúa (ơn bí tích). Ân sủng cũng được bày tỏ ra đặc biệt cho một số người (gọi là đặc sủng), hoặc có thể là những sức chuyên biệt kèm theo các phận vụ như lập gia đình, chịu chức thánh, và tu dòng (ơn tuỳ phận vụ).

Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? – 1 Cr 4,7

“Tất cả là hồng ân.” – Thánh Têrêsa Hài Đồng

“Quá khứ của tôi không liên can đến tôi nữa, nó thuộc về lòng thương xót Chúa. Tương lai của tôi chưa liên can đến tôi, nó thuộc về Chúa quan phòng. Điều liên can đến tôi, điều thử thách tôi là hôm nay, nó thuộc về ơn Chúa và về sự dâng hiến của lòng tôi và thiện chí của tôi.” – Thánh Phanxicô Salêsiô


340. Ơn thánh Chúa và tự do của ta liên quan thế nào?

– Ơn thánh Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, nó khơi gợi và mời gọi con người đáp lại hoàn toàn tự do. Ơn thánh không ép buộc, tình yêu Chúa muốn con người tự ý chấp nhận. [2001-2002,2022]

– Ta luôn có thể từ chối ân sủng. Ân sủng không phải cái gì ở bên ngoài, xa lạ với con người, thật sự ân sủng là điều mà tự do của con người khao khát rất sâu xa. Ân sủng chạm đến trong ta là để Thiên Chúa đi trước và ta tự ý đáp lại.

Đức Maria nói: Đây tôi là tôi tá Chúa, tôi “xin vâng” như lời thiên thần dạy. – Lc 1,38

Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. – Rm 3,23-24

“Thánh thiện không phải là chuyện xa xỉ cho một số người, nhưng đơn giản là bổn phận của bạn và của tôi.” – Mẹ Têrêsa Calcutta


341. Người ta có thể nhờ làm việc lành mà lên Thiên đàng không?

– Không. Không ai có thể lên Thiên đàng chỉ nhờ cố gắng của mình. Chúng ta được cứu độ chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi, tuy nhiên, ơn Chúa đòi sự cộng tác tự do của mỗi cá nhân. [2006-2011, 2025-2027]

– Dầu chỉ nhờ ân sủng và đức tin mà ta được cứu rỗi, thì vẫn còn cần đến tình yêu ta, được thúc đẩy bởi tác động của Chúa, bày tỏ qua các việc lành.

“Chúa không đòi ta những công việc lớn, mà đơn giản là ta hiến mình cho Chúa và tạ ơn Người. Người không cần việc làm của ta nhưng chỉ cần duy nhất là tình yêu của ta.” – Thánh Têrêxa ở Lisieux


342. Mọi người chúng ta có thể nên “thánh” được không?

– Có chứ. Mục đích cuộc sống là kết hợp với Thiên Chúa trong tình yêu và hoàn toàn sống như ý Chúa muốn. Chúng ta cần để “Chúa sống trong ta” (Mẹ Têrêsa Calcutta). Ông thánh, bà thánh là thế đó. [2012-2016, 2018-2024]

– Mọi người đều đặt câu hỏi: Tôi là ai? Tại sao tôi lại ở đây? Và tương lai của tôi là gì? Đức tin trả lời: Chính trong việc nên thánh mà con người trở nên điều mà Chúa đã tạo dựng họ. Chính trong thánh thiện mà con người đạt tới hòa hợp với chính mình và với Đấng Tạo Hoá. Nhưng sự thánh thiện không phải là sự hoàn hảo được tự tạo mà có, nó phải là sự hiệp nhất với tình yêu đã làm người, đó là Chúa Kitô. Ai kiếm tìm cuộc sống mới đó là tìm được chính nó và trở nên thánh.

“Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.” – Chân phước Charles de Foucauld


Chương 3: Hội Thánh

343. Hội Thánh giúp ta nên người tốt, và người có trách nhiệm thế nào?

– Trong Hội Thánh, ta được Rửa tội. Trong Hội Thánh, ta nhận được đức Tin mà Hội Thánh đã gìn giữ nguyên vẹn qua bao thế kỷ. Trong Hội Thánh, ta nghe Lời Chúa và học biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Qua các Bí tích, mà Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ, Hội Thánh làm cho lớn lên, củng cố và an ủi ta. Trong Hội Thánh, ánh sáng của các thánh, soi sáng ta. Trong Hội Thánh, Thánh lễ được cử hành, lễ hy sinh của Chúa Giêsu được thực hiện, để ban sức mạnh và đổi mới ta, để ta kết hợp với Người, trở nên Thân thể Người và sống bởi Sức của Người. Dù Hội Thánh còn nhiều người yếu đuối, không ai có thể là Kitô hữu nếu ở ngoài Hội Thánh. [2030-2031, 2047]

“Yêu mến Chúa Kitô và yêu mến Hội Thánh cũng chỉ là một.” – Thầy Roger Schutz

344. Tại sao Hội Thánh lại can thiệp vào những vấn đề luân lý và về phẩm hạnh của cá nhân?


– Tin là con đường. Chỉ sống theo lời dạy của Tin Mừng người ta mới có thể ở lại trên con đường này, nói cách khác, là hành động theo công bằng, và sống ngay lành. Quyền giáo huấn của Hội Thánh phải nhắc cho người ta về những đòi hỏi của luật luân lý tự nhiên. [2032-2040, 2049-2051]

– Sự thật không thể nào có hai nghĩa. Điều gì là đúng đối với nhân loại không thể lại sai đối với Kitô hữu. Điều gì là đúng đối Kitô hữu không thể lại sai đối với nhân loại. Chính vì thế phận sự của Hội Thánh là can thiệp cách tổng quát vào tất cả những gì liên quan đến luân lý.

“Ngày nay Hội Thánh ban Chúa Giêsu cho ta nghĩa là ban tất cả. Ta biết gì về Chúa, về liên hệ hiệp nhất ta với Chúa nếu không có Hội Thánh?” – Hồng y Henri de Lubac (1896-1991, thần học gia Pháp)


345. Năm Điều răn của Hội Thánh là điều nào?

– Một là dự lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, kiêng các việc xác và hoạt động phản lại đặc tính thánh thiêng của ngày lễ đó. Hai là xưng tội trong một năm ít là một lần. Ba là chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục sinh. Bốn là giữ chay, kiêng thịt những ngày Hội Thánh dạy (Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh). Năm là đóng góp cho nhu cầu vật chất của Hội Thánh. [2042-2043]

“Bạn muốn đến với đức tin nhưng bạn không biết đường? hãy học ở những ai trước bạn đã nghi ngờ như bạn. Bắt chước lại hành động của họ, làm mọi việc đức tin đòi hỏi, như bạn đã là tín hữu vậy. Đi dự thánh lễ, dùng nước thánh… điều đó chắc sẽ làm cho bạn có tấm lòng đơn sơ và dẫn bạn đến với đức tin.” – Blaise Pascal.

346. Điều răn của Hội Thánh có mục đích gì? Buộc những ai giữ?


– Năm điều răn Hội Thánh cốt ý dùng những đòi hỏi tối thiểu để nhắc cho ta rằng: ta không thể là Kitô hữu nếu không tự mình cố gắng, sống theo luân lý, không tham gia cụ thể trong đời sống bí tích của Hội Thánh, không sống liên đới với Hội Thánh. Điều răn Hội Thánh buộc mọi người Công giáo. [2041-2048]

Các con thân mến, đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi nhưng hãy yêu thương bằng việc làm và trong sự chân thật. – 1 Ga 3,18


347. Tại sao Kitô hữu “sống đạo đức nước đôi (hai mặt)” lại là điều thiếu sót nặng?

– Điều kiện trước hết để loan báo Tin Mừng là sống đúng với Tin Mừng. Không thực hành điều mình tuyên xưng là giả mạo, phản lại bổn phận của Kitô hữu là “muối ướp đời” và là “ánh sáng thế gian”. [2044-2046]

– Thánh Phaolô nhắc nhớ cho giáo đoàn Côrintô rằng: “Anh em là bức thư của Chúa Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt tức là lòng người.” (2 Cr 3,3) Các Kitô hữu là bức thư khuyên bảo của Chúa Kitô cho thế giới bằng chính cuộc sống của mình hơn là bằng lời nói. Như thế những tác hại của những phản chứng càng thêm phá hoại hơn, khi lại do các linh mục và nữ tu gây ra cho trẻ em. Họ không chỉ phạm tội vô số kể trên các nạn nhân của họ. Họ còn làm cho nhiều người nghi ngờ về lòng trông cậy nơi Chúa và làm tắt đi ánh sáng đức tin nơi nhiều người.

? Luân lý nước đôi có ý chỉ một thứ luân lý ở nơi công cộng hay ở nơi riêng tư được người ta thực hành cách khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh. Bên ngoài người đó bảo vệ những mục tiêu và những thái độ phù hợp với các giá trị. Chỗ riêng tư thì họ không tôn trọng nữa. “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thành và bằng việc làm.” – 1 Ga 3,18

“Thế giới đầy những người giảng thì giảng về nước, mà uống thì uống rượu.” – Giovanni Guareschi (1908- 1968, tác giả Ý của sách Dom Camillo và Peppone)

Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ

Exit mobile version