Youcat – Kinh Tin Kính – Phần I: Tại sao chúng ta tin?

youcat - Youcat - Kinh Tin Kính - Phần I: Tại sao chúng ta tin?


*
Dẫn nhập

* Phần I: Tại sao chúng ta tin?

* Phần II: Kitô hữu tuyên xưng đức tin

* Phần II: Phụng vụ – Bí tích – Đoạn I

* Phần II: Phụng vụ – Bí tích – Đoạn II

* Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô – Đoạn I

* Phần III: Đời sống trong Chúa Kitô – Đoạn II

* Phần IV: Kinh nguyện Kitô giáo

LỜI NÓI ĐẦU



Đầu năm 2013, tôi gửi lên mạng bài giới thiệu cuốn “Giáo lý cho người trẻ” (YOUCAT) là sách giáo lý hiện đại nhất của Hội Thánh Công giáo. Cuốn này được phát hành vào Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid khoảng giữa tháng 8-2011. Sách được xuất bản bằng tiếng Đức, được các nước khác dịch ra khoảng hơn 30 thứ tiếng trên thế giới. Theo tin tức lúc cuối năm 2011, sách đang được Ban Giáo lý Hội đồng Giám mục Việt Nam cho dịch sang tiếng Việt. Sang đầu năm 2012, tôi may mắn mượn được cuốn Youcat bằng tiếng Anh ít ngày. Tôi vội đọc và thấy hấp dẫn quá. Tôi nhờ một bạn ở bên Pháp mua cho tôi và gửi bưu điện về. Hai tuần sau, tôi nhận được cuốn Youcat bằng tiếng Pháp, và đọc cẩn thận từng chi tiết. Cuối năm 2012, thấy trên mạng có người dịch Youcat nhưng “chỉ dịch câu hỏi và câu trả lời, không dịch hết phần giải nghĩa thêm và lời trích dẫn bên cạnh’’; và có người đã lấy ra cho sinh viên học giáo lý. Đến lúc đó, tôi vẫn chưa thấy sách Youcat tiếng Việt được phát hành. Còn tôi đã có giờ đọc Youcat bản tiếng Anh, rồi nghiền ngẫm Youcat bản tiếng Pháp, tôi rất tâm đắc và thích thú, và thế là tôi viết bài giới thiệu về Youcat. Nhưng bài giới thiệu đó chỉ tóm tắt đại cương, chưa nói hết được những đặc điểm độc đáo nhất, và cũng mới chỉ giúp cho độc giả như “được cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.

Nay theo yêu cầu của bạn bè, tôi dành thời gian sẵn có ở nhà hưu để chuyển ý toàn bộ sách Youcat, và xin lần lượt chia sẻ từng phần một để sử dụng nội bộ, vì tôi cho rằng đây là tài liệu rất cần thiết, rất hữu ích để người trẻ học giáo lý. Chia sẻ này nhằm giới thiệu chi tiết hơn những đặc điểm độc đáo của Youcat mà độc giả có thể kiểm chứng được nhờ có sẵn bản văn Youcat trong tay.

I.
ĐẶC ĐIỂM ĐỘC ĐÁO NỔI CỘM NHẤT CỦA YOUCAT LÀ GÌ?

Độc giả đã biết, các soạn giả của Youcat là Đức Hồng y Schönborn, người đã có mặt trong việc soạn Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (SGLCG) năm 1992, soạn Sách Toát yếu Giáo lý Hội thánh Công giáo (TYGLHTCG) năm 2005, và ngài cũng đứng đầu trong việc soạn thảo Youcat (2011), cùng với một số giám mục, linh mục, giáo sư, cũng như hơn 60 bạn trẻ nam nữ, tất cả làm việc với nhau trong 5 năm trời. Nhờ đó, Đức Hồng y có thể nắm được toàn bộ giáo lý trong cả 3 cuốn giáo lý của Hội Thánh. Tập thể trên đã nhất trí với nhau soạn một sách giáo lý mà Đức Bênêđictô XVI gọi là “hơi khác thường”. Ngài giải thích: “Hơi khác thường về nội dung cũng như về cách trình bày nội dung”. Về nội dung là trình bày những gì Hội thánh Công giáo hôm nay đang tin, và trình bày một đức tin không hề mâu thuẫn với lý trí. Về cách trình bày nội dung là các tác giả tuy khác nhau nhưng cùng nhất trí thực hiện một sách giáo lý dễ tiếp thu, dễ hiểu cho mọi người trẻ trên khắp năm Châu ở thời hiện đại. Lúc , Đức Bênêđictô XVI có lo âu và nghi ngờ về sự thành công của nó, nhưng cuối cùng ngài cho rằng “đối với ngài, đây là một phép lạ”. (xin xem thư giới thiệu Youcat của Đức Bênêđictô XVI).

Như vậy, đặc điểm độc đáo nổi cộm nhất của Youcat đã được Đức Bênêđictô XVI nêu bật ngay từ đầu thư giới thiệu, đó chính là ở nội dung của Youcat và cách trình bày nội dung.

II. NỘI DUNG VÀ CÁCH TRÌNH BÀY NỘI DUNG CỦA YOUCAT ĐƯỢC THỰC HIỆN CÁCH NÀO?

Nội dung là đức tin lãnh nhận từ các Thánh Tông đồ, được trình bày một cách tổng hợp và hữu cơ thành 4 cột trụ cổ điển trong SGLHTCG: Hội Thánh tin gì, Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm thế nào, Hội Thánh sống theo đời sống Chúa Kitô thế nào, Hội Thánh cầu nguyện thế nào? Còn cách trình bày nội dung là lo liệu sao để giúp mọi người dễ hiểu trong trí, dễ cảm nghiệm trong lòng, dễ thực hành trong đời sốngdễ truyền bá cho người khác. Nội dung và cách trình bày nội dung được Youcat thực hiện cách độc đáo và cụ thể như sau:

Youcat phân phối nội dung trong 527 câu hỏi (Sách Toát yếu có 598 câu hỏi). Mỗi câu hỏi là một điểm giáo lý, được coi như là một vấn đề và được trình bày thành 3 phần: phần hỏi, phần trả lời, phần giải nghĩa. Sau phần trả lời có ghi số để tham chiếu SGLHTCG, sau phần giải nghĩa có ghi số tham khảo các câu trong Youcat; như thế mỗi câu đều vừa liên kết với nhau như một tổng hợp vừa có quan hệ hữu cơ với nhau trong Youcat. Thêm vào 3 phần trên có các chứng từ để minh hoạ cho vấn đề, nếu chứng từ thuộc Kinh Thánh thì có ký hiệu cuốn sách, nếu là định nghĩa thì có ký hiệu dấu hỏi?, nếu là trích tư tưởng hay giáo huấn của Công đồng, của Giáo phụ, của các Thánh hay các danh nhân… thì có ký hiệu hai ngoặc kép“ ”. Nhờ các chứng từ này mà ý nghĩa của vấn đề giáo lý được thêm phong phú, sáng sủa, vừa gắn bó với Lời Chúa, vừa gắn bó với truyền thống sống động của Hội Thánh, vừa chứng tỏ vấn đề giáo lý đã được hiểu biết, được thực hiện bởi nhiều người ở mọi thời mọi nơi. Sách Youcat xếp các chứng từ ở hai bên lề các câu hỏi thưa, bạn đọc phải tìm thì mới gặp chứng từ phù hợp với câu hỏi thưa. Trong tập này, tôi đã tìm trước các chứng từ phù hợp với câu hỏi thưa, rồi xếp ngay sau mỗi câu hỏi thưa cho tiện. Để đi sâu vào chi tiết, xin trích 2 thí dụ:

a/ Thí dụ thứ nhất về đức tin

– Sách Toát yếu câu 27:

H. Tin vào Thiên Chúa có ý nghĩa cụ thể gì cho con người?

T. Tin có nghĩa là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Người và chấp nhận tất cả những chân lý do Người mặc khải vì chính Người là chân lý. Tin có nghĩa là tin kính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

– Sách Toát yếu câu 28:

H. Đức tin có những đặc điểm nào?

T. Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban không và tất cả những ai khiêm tốn cầu xin đều có thể đạt tới. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành vi của lý trí con người, được lòng muốn thúc đẩy do tác động của Thiên Chúa, tự do chấp nhận chân lý Thiên Chúa. Ngoài ra đức tin còn có đặc tính chắc chắn vì đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin hành động nhờ đức ái (Gl 5,6), đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Ngay từ bây giờ đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời. Sách Toát yếu chỉ có thế.

Còn sách Youcat đã không lấy lại hai câu này để nói về đức tin, mà trình bày theo cách độc đáo của Youcat. Một nữ sinh viên công giáo Đức đang dọn tiến sĩ ngữ học, là thành viên của nhóm soạn thảo Youcat, có chia sẻ một chuyện: có hai đứa bạn hỏi cô: có đức tin nghĩa là gì? Cô suy nghĩ và cảm thấy bất lực không biết trả lời sao. Cô mở mục lục các từ của Youcat, tìm chữ Tin. Youcat chỉ cho cô xem câu 21-22.

Youcat câu 22:

22. Tin nghĩa là gì?

– Tin là đi vào một tương quan cá vị với Thiên Chúa, và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải về chính Người. [150-152]

Rồi Youcat giải nghĩa:

– Khi bắt đầu tin con người thường cảm thấy mình rúng động hoặc âu lo. Con người cảm thấy thế giới hữu hình và mọi việc thường xảy ra chưa phải là tất cả. Khi tin là họ cảm thấy xúc động vì đụng chạm đến một mầu nhiệm. Rồi họ lần theo các dấu vết đưa dẫn họ tới sự hiện hữu của Thiên Chúadần dần thấy mình tin tưởng để nói với Người, rồi cuối cùng họ tự nguyện bước vào mối tương quan với Người. Trong Tin Mừng Thánh Gioan ta đọc rằng: “Thiên Chúa, chưa có ai thấy bao giờ, chỉ có Con duy nhất ở trong lòng Cha là Chúa Kitô, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18). Đó là lý do tại sao phải tin Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, nếu ta muốn biết Thiên Chúa muốn truyền gì cho ta. Tin có nghĩa là đồng thuận với Chúa Giêsu và “đặt cược” tất cả đời mình cho Người.

Đọc xong Youcat, cô sinh viên thú thật: “Tôi hết sức vui sướng vì đã tìm được lời lẽ để trả lời cho hai bạn tôi biết tin là gì.”

Thêm vào câu hỏi và câu trả lời số 22 Youcat còn có các chứng từ:

“Tin nghĩa là chịu đựng sự khó hiểu của Thiên Chúa suốt đời.”
– Karl Rahner (1904-1984, thần học gia Đức)

“Tôi không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tin là điều hợp lý.”
– Thánh Tôma Aquino

“Tin vào Thiên Chúa là thấy rằng trong các thực tại của thế giới tất cả chưa được nói đến. Tin vào Thiên Chúa là thấy rằng cuộc đời có một ý nghĩa.”
-Ludwig Wittgenstein (1889-1951, triết gia Áo)

“Cái mà ta tin là điều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn nữa là ta tin vào ai.”
– Đức Bênêđictô XVI, 28-5-2005

“Tôi tin để hiểu.”
– Thánh Anselmô Cantorbery (1033-1109, Tiến sĩ Hội Thánh, Thần học gia Trung Cổ)

“Tôi không có tưởng tượng. Tôi không thể hình dung ra Thiên Chúa Cha. Tất cả điều tôi có thể thấy là Chúa Giêsu.”
– Chân phước Têrêsa Calcutta (1910-1997, sáng lập dòng. Đoạt giải Nobel Hoà bình 1979)

– Youcat câu 307:


307. Đức tin là gì?

– Đức tin là nhân đức giúp ta nhận Thiên Chúa có thật, nhận biết sự thật của Người và tự gắn bó bản thân với Người [1814 -1816, 1842]

Youcat giải nghĩa:

– Đức tin là con đường Thiên Chúa làm ra dẫn ta đến sự thật là chính Thiên Chúa. Bởi vì chính Chúa Giêsu là con đường, là sự thật, là sự sống (Ga 14,6), đức tin không chỉ là một thái độ, một tin tưởng nào đó. Một đàng đức tin chất chứa những dữ liệu chính xác: Hội Thánh tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, và Hội Thánh có trách nhiệm bảo vệ. Người nào đón nhận ơn đức tin, nghĩa là muốn tin, thì tuyên bố chấp nhận đức tin đã được gìn giữ trung thành qua các thời đại và nền văn hóa. Đàng khác, tin cũng là dấn thân vào một quan hệ tin tưởng với Thiên Chúa, hết lòng, hết trí, hết khả năng. Bởi vì điều quan trọng là “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Không phải qua những lời nói hay, mà ta thấy được người nào đó tin ở Thiên Chúa tình yêu, nhưng chỉ bằng những hành động do tình yêu của họ.


Thêm vào câu hỏi, trả lời và giải nghĩa, Youcat còn có một chứng từ:

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

– 1 Cr 13,13


– Youcat câu 21:

21. Đức tin là gì?

– Đức tin là nhận biết và trông cậy. Đức tin có 7 đặc điểm:

1/ Đức tin là ơn ban tuyệt vời của Thiên Chúa, ta nhận được khi ta sốt sắng cầu xin.

2/ Đức tin là sức mạnh siêu nhiên tuyệt đối cần thiết để ta được cứu độ.

3/ Đức tin là đòi có ý muốn tự do và sự hiểu biết rõ ràng khi ta đón nhận lời mời của Thiên Chúa.

4/ Đức tin là sự chắc chắn tuyệt đối vì chính Chúa Giêsu bảo đảm như thế.

5/ Đức tin không trọn vẹn, bao lâu đức tin chưa được thể hiện qua những hành động bác ái.

6/ Đức tin lớn dần khi ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đáp lại Lời Người trong cầu nguyện.

7/ Đức tin cho ta nếm cảm trước niềm vui thiên đàng ngay ở đời này. [153-165, 179-180, 183-184]


Rồi Youcat giải thích:

– Đức tin còn hơn là hiểu biết rất nhiều, đức tin là tin tưởng và trông cậy. Chính đức tin đã làm ông Abraham di cư sang đất hứa, đã khiến cho các vị tử đạo trung thành cho đến chết; và ngày nay, đức tin còn nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại. Đức tin chiếm đoạt toàn bộ con người.


Youcat còn thêm 2 chứng từ nữa:


Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc nó cũng sẽ vâng lời anh em. (Lc 17,6)

“Bản tính của đức tin là đón nhận một chân lý mà trí tuệ mình không đạt tới được; đức tin ấy phải nhất thiết dựa vào chứng từ.”
– Chân phước John Henry Newman (1801-1890)

Tóm lại, sau khi đối chiếu Sách Toát yếu với Youcat, ta thấy cả hai đều dựa vào sách GLHTCG để cho biết đức tin là gắn bó, là có tương quan cá vị với Thiên Chúa, là chấp nhận mọi chân lý của Thiên Chúa, là nếm trước niềm vui ở trên trời. Tuy nhiên, Sách Toát yếu chú ý hơn đến khía cạnh hiểu biết của đức tin, còn Youcat coi đức tin là thái độ của toàn bộ con người bao gồm cả trí tuệ, tấm lòng và hành động. Youcat có điểm độc đáo khác mà Toát yếu không có, đó là đề cao vai trò cốt yếu của Chúa Kitô trong đức tin, Chúa Kitô là con đường, là sự thật, là sự sống… và tin cũng là tin vào Chúa Kitô. Còn điểm độc đáo nữa mà Toát yếu không có đó là các chứng từ về đức tin. Youcat có tới 9 chứng từ, được chọn từ Kinh Thánh và các văn sĩ công giáo, các chứng từ giúp cho ý nghĩa của đức tin phong phú và sâu rộng hơn, vừa gắn bó với lời Chúa, vừa tác động tới đời sống con người. Ông Abraham, các Thánh Tử đạo, những người bị bách hại chứng tỏ đức tin đã được mọi người hiểu biết trong trí, cảm nghiệm trong lòng, thể hiện trong đời sốngcòn truyền bá cho người khác nữa, ở mọi thời và mọi nơi.

b/ Thí dụ thứ 2: về vấn đề Trời hay Thiên đàng

– Sách Toát yếu câu 209

H. Trời (Thiên đàng) là gì?

T. Trời là tình trạng hạnh phúc tối cao và vĩnh viễn. Những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các Thiên thần và các Thánh. Như vậy, các ngài làm thành Hội Thánh thiên quốc, nơi các ngài được chiêm ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12); các ngài sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta.

“Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần đổ tràn các hồng ân Thiên Quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Người, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống đời đời.” – Thánh Xirilô thành Giêrusalem.

Sách Toát yếu chỉ có thế.

– Youcat câu 52:

52. Trời là gì?

– Trời là nơi ở của Thiên Chúa, nơi ở của các Thiên thần và các Thánh, là đích điểm của việc sáng tạo. Khi ta nói “trời và đất” là nói đến toàn thể những thực tại được Thiên Chúa dựng nên.[325-327]

Rồi Youcat giải nghĩa:

– Trời không phải là một nơi nhất định nào đó trong vũ trụ. Trời là một tình trạng trong đời sống mai sau. Trời là nơi Chúa thực thi ý muốn của Người mà không có gì chống đối. Trời là nơi có cuộc sống mãnh liệt nhất, hạnh phúc nhất, một cuộc sống không thể nào có được ở trần gian. Khi nhờ Chúa giúp, ta chờ đợi ở đó điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng chưa hề cảm được, đó lại là điều mà Thiên Chúa muốn dọn sẵn cho những ai mến yêu Người (1 Cr 2, 9). → 158, 285


Youcat thêm 2 chứng từ:


“Chúa Giêsu đã đến để dạy ta rằng Người muốn cho mọi người được lên Thiên đàng, còn hỏa ngục mà ngày nay người ta ít nói đến nhưng nó vẫn có đó, và nó chỉ là đời đời đối với tất cả những ai khép lòng mình lại trước tình yêu của Người.”
– Đức Bênêdictô XVI, 8-5-2007

“Chúng ta thường luyến nhớ đến niềm vui trên trời, nơi Chúa ngự. Chính mỗi người đều có khả năng ở với Chúa trên trời ngay từ bây giờ, và ngay lúc này được hưởng hạnh phúc với Chúa. Nhưng được hạnh phúc với Chúa ngay từ bây giờ nghĩa là gì: là giúp đỡ như Chúa giúp đỡ, cho đi như Chúa cho đi, phục vụ như Chúa phục vụ, cứu độ như Chúa cứu độ, yêu mến như Chúa yêu mến, ở với Chúa suốt 24/24 giờ và gặp gỡ Chúa trong bộ quần áo khủng khiếp nhất. Bởi vì Chúa đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.”
(Mt 25,40) – Mẹ Teresa

– Youcat câu 158.

158. Trời là gì?

– Trời là thời gian vô tận của tình yêu không bao giờ còn xa cách giữa Thiên Chúa và linh hồn để yêu mến và tìm kiếm Người suốt đời. Được hiệp nhất với tất cả các Thiên thần và các Thánh, linh hồn được vui hưởng hạnh phúc luôn luôn được ở gần Chúa và với Chúa. Trời là thiên đàng[1023-1024,1053]

Rồi Youcat giải nghĩa:

Một đôi bạn trẻ nhìn nhau với đôi mắt tình tứ, một em bé đang bú, mắt tìm cái nhìn của mẹ như muốn giữ lấy mãi mãi nụ cười… đó là những thí dụ có thể cho ta một ý tưởng về trời. Việc có thể nhìn Thiên Chúa “mặt đối mặt” là như một thời gian độc nhất của tình yêu kéo dài đến vô tận. → 52


và thêm 2 chứng từ:

Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được giáp mặt. Bây giờ tôi chỉ biết có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. – 1 Cr 13,12

“Người ta có thể bị mất của cải đời này trái ý muốn của mình, nhưng sẽ không bao giờ mất của cải đời đời mà không hoàn toàn do ý muốn của mình.” – Thánh Augustinô


Tóm lại, qua 2 ví dụ độc giả có thể thấy rõ nội dung và cách trình bày nội dung của Youcat được thực hiện cách độc đáo bằng chia thành nhiều vấn đề, và mỗi vấn đề gồm câu hỏi, câu trả lời, câu giải nghĩa, lại còn kèm theo các chứng từ để minh họa, lấy từ Kinh Thánh và Truyền Thống sống động trong Hội Thánh (Công đồng, giáo phụ, các Thánh, các văn sĩ…). Thực ra, cả Sách Toát yếu và Youcat phải theo những gì cốt yếu mà truyền thống cổ điển đã để lại, Nhưng Sách Toát yếu theo hướng trình bày cổ điển của thần học kinh viện, nhắm tới suy luận của trí tuệ để hiểu biết hơn; còn Youcat cũng nhằm hiểu biết nhưng hiểu biết dựa vào kinh nghiệm sống hằng ngày, và hiểu biết để thực hành trong đời sống hằng ngày, nghĩa là hiểu biết trong trí và cảm nghiệm trong lòng, rồi đem thực hành trong đời sống và còn lo truyền bá cho người thân cận nữa.

III. TRONG NỘI DUNG VÀ TRONG CÁCH TRÌNH BÀY NỘI DUNG YOUCAT CÓ ĐẶC ĐIỂM ĐỘC ĐÁO NÀO?

Chúng ta biết cả 2 Sách Toát yếu và Youcat đều phải theo sát nội dung truyền thống cổ điển của Hội Thánh trong Kinh Tin Kính, 7 Bí tích, 10 Điều răn, và Kinh Lạy Cha. Tuy nhiên trong nội dung, Youcat chọn lựa những chủ đề, những câu hỏi, câu trả lời, câu giải nghĩa phù hợp với nhu cầu thời hiện đại mà trước đây chưa sách nào nói tới, chẳng hạn: dùng chất gây nghiện, làm chết êm dịu, hôn nhân đồng tính, thụ thai mướn, toàn cầu hóa, nghiên cứu tế bào gốc, học thuyết xã hội Công giáo… Còn trong cách trình bày nội dung, Youcat chọn những chứng từ xưa cũng như nay phù hợp với chủ đề để minh họa và giúp áp dụng vào đời sống thường ngày.

3.1. Những câu hỏi, câu trả lời và giải nghĩa độc đáo

Chỉ riêng phần I về Kinh Tin Kính, đã có khoảng 20 câu trên 165 câu (Toát yếu không có).

Câu 41. Khoa học có làm cho Đấng Tạo Hoá thành ra dư thừa không?

Câu 42. Có thể vừa chấp nhận tiến hóa vừa tin vào Đấng Tạo hóa không?

Câu 43. Thế giới này có phải là sản phẩm của tình cờ không?

Câu 51. Nếu Thiên Chúa biết mọi sự và làm việc mọi sự, sao không loại bỏ sự dữ?

Câu 64. Tại sao Thiên Chúa tạo nên con người có nam có nữ?

Câu 65. Người có đồng tính luyến ái thì sao?

Câu 86. Tại sao Chúa Giêsu đã chờ đến 30 tuổi mới đi giảng đạo?

Câu 101. Tại sao Chúa Giêsu phải cứu chuộc bằng cái chết mà không dùng cách khác?

Câu 130. Các Kitô hữu ‘không Công giáo’ có là anh chị em với ta không?

Câu 136. Hội Thánh nhìn thế nào về các tôn giáo khác?

Câu 140. Tại sao Hội Thánh không là một tổ chức dân chủ?

Câu 158. Trời là gì?

Câu 161. Hoả ngục là gì?

Câu 162. Nếu Thiên Chúa là tình yêu thì tại sao có hoả ngục?


3.2. Những chứng từ độc đáo

Được chọn trong Kinh Thánh, trong các tài liệu của Công đồng, các Giáo phụ, các Thánh, các văn sĩ Công giáo, các danh nhân thế giới đạo đời, để minh hoạ cho ý nghĩa chủ đề, đồng thời soi sáng cho cách thực hiện giáo lý trong đời sống hôm nay. Đúng như Thư gửi Do thái đã viết: “Chúng ta được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1) nhân chứng hay chứng từ bao giờ cũng thu hút hấp dẫn hơn lý luận. Sách Toát yếu Phần I có 16 chứng từ trên 217 câu, còn Youcat có 266 chứng từ trên 165 câu. Cần lưu ý rằng việc lựa chọn các chứng từ cho phù hợp với chủ đề không phải đơn giản, không phải có sẵn, mà cần rất nhiều công sức để đọc Kinh Thánh, Công đồng, các Thánh… rồi chọn lựa những chứng từ phù hợp với chủ đề và theo đúng chủ đích của mình là để minh họa, khuyến khích thực hành. Mặc dù các chứng từ chỉ có hạn: Toát yếu chỉ có 19 chứng từ trên 598 câu, Youcat có tới 815 chứng từ trên 527 câu; trong đó danh nhân ngoài công giáo chỉ có hai ông là Gandhi (Ấn Độ) câu 330, và ông Lã Bất Vi (Tàu) câu 370. Thực ra bên Á Đông còn nhiều chứng từ của Khổng Tử, Lão Tử… ở Việt Nam nhiều chứng từ của các Thánh Tử đạo). Thế mà tôi đọc trong mạng có dịch giả Youcat nói rằng “chỉ dịch câu hỏi và câu trả lời, không dịch hết phần giải nghĩa thêm và các lời trích dẫn bên cạnh”, như thế công phu của các người soạn đi tìm tòi các chứng từ làm thành một kho những tư tưởng và kinh nghiệm sống độc đáo đã trở thành công dã tràng, vừa bỏ mất tính cách độc đáo của Youcat, vừa gây thiệt thòi cho độc giả. Chỉ cần chú ý đến các chứng từ trong hai ví dụ trên cũng thấy được.

3.3. Những hình ảnh minh hoạ

Ngoài các chứng từ Youcat còn dùng rất nhiều hình ảnh, hình chụp, các hoạt hình… để minh hoạ cho chủ đề giáo lý. Trong thời hiện đại vi tính ngày nay, hình ảnh là một ngôn ngữ vừa hấp dẫn vừa có khả năng diễn tả gấp nhiều lần ngôn ngữ, Toát yếu cũng có nhiều hình ảnh mầu, nghệ thuật, có giá trị nhưng quá ít chỉ có tất cả 16. Còn Youcat (bản tiếng Pháp) thì có thể nói trong 300 trang sách, không có trang nào mà không có hình ảnh trừ 20 trang mục lục: hình ảnh hoặc lớn hoặc nhỏ, hình chụp các bức họa, hình chụp các cảnh sống, các nơi sống, có màu hay đen trắng, cả các hoạt hình rất linh động… các hình ảnh diễn tả theo chủ đề các câu trong Kinh Tin Kính, 7 Bí tích, 10 Điều răn, Kinh Lạy Cha. Các hình ảnh tạo cơ hội cho độc giả chiêm ngắm, thưởng thức, qua cái đẹp và nghệ thuật, các biến cố quan trọng trong mầu nhiệm cứu độ (Cựu ước lẫn Tân ước). Đây là đặc điểm độc đáo đáng kể của Youcat.

ĐỂ KẾT THÚC

Đây là giới thiệu Youcat cho đến nơi đến chốn, xin độc giả dẹp bỏ thành kiến vốn có về giáo lý, vì ngay từ nhỏ đa số đã phải nhồi nhét giáo lý để lãnh các Bí tích, nó đã gây ấn tượng sâu để ngày nay hễ nói đến giáo lý, ta chỉ nghĩ đến chuyện giáo lý cho trẻ con, chuyện đã xưa rồi, không liên quan đến mình. Sách Youcat phải giúp ta quét sạch thành kiến đó, để ta đổi mới tư duy và nhận định rằng Sách Youcat không phải là sách cho trẻ con mà cho người trẻ thời hiện đại ngày nay. Tuy nó không phải là một thứ bách khoa từ điển về Kitô giáo hoặc một thứ tổng luận thần học về đức tin Kitô giáo, nhưng Youcat có đặc điểm này: đó là một sách trình bày đức tin Kitô giáo một cách tổng hợp, hữu cơ và ngắn gọn, với những định nghĩa, giải nghĩa, và chứng từ phù hợp với thời nay. Một sách giúp ta suy niệm và cầu nguyện, giúp ta hiểu biết đức tin sâu sắc hơn, giúp ta sống đức tin đích thực hơn, biết cách trả lời hoặc truyền bá đức tin, cũng như có những lời lẽ thích hợp để trình bày những vấn đề hóc búa lắt léo về đức tin, về tình yêu, về xã hội, về nhân quyền, về sự sống… nhất là những vấn đề của thời hiện đại mà xưa nay vốn được coi là cấm kỵ khó nói như về tình dục, hôn nhân đồng tính, thông dâm, mãi dâm, khiêu dâm, thủ dâm… cho người trẻ hôm nay.

Đối với các giáo sĩ, tu sĩ, giáo lý viên, các bậc cha mẹ thầy cô, Youcat là tài liệu hiện đại nhất, độc đáo nhất, vừa ngắn ngọn vừa đầy đủ, vừa hợp thời, có đủ lời Kinh thánh, tài liệu Công đồng, tư tưởng các Giáo phụ, các Thánh, các danh sĩ và các danh nhân, giúp thông truyền giáo lý, nhất là giúp dựa theo các giải nghĩa hoặc chứng từ của Youcat mà nảy mầm ra các chứng từ về người và việc có thể có ở địa phương mình, chắc chắn sẽ góp phần đẩy mạnh Tái Phúc Âm hóa ở địa phương mình.


Tuần Thánh 2013

***



PHẦN I: KINH TIN KÍNH


PHẦN I: TẠI SAO CHÚNG TA TIN?

1. Ta sống ở đời này để làm gì?

– Ta sống ở đời này để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để một ngày nào đó sẽ đạt tới quê Trời.[1-3, 358]

– Được làm người có nghĩa là đến từ Thiên Chúa và đi về với Thiên Chúa. Nguồn gốc của con người đến từ cao xa hơn là từ cha mẹ họ, nghĩa là đến từ Thiên Chúa, nơi có chứa hạnh phúc của cả trời đất, nơi ta được chờ đón để hưởng hạnh phúc đời đời vô hạn định. Ta đang sống ở trần gian này. Đôi khi, ta thấy gần gũi với Đấng Tạo Hoá, nhưng thường là chẳng thấy gì. Để dẫn ta vào đúng hướng tốt, Thiên Chúa đã sai con của Người là Chúa Giêsu để giải thoát ta khỏi tội, cứu ta khỏi mọi sự dữ và dẫn ta vào sự sống thật không sai lầm. Người “là Con Đường, là Sự Thật, là Sự Sống”. (Ga 14,6) → 285

Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi và nhận biết sự thật. – 1 Tm 2,4

“Nói về chuyện của loài người, ta thường bảo rằng phải hiểu biết chúng để yêu thích chúng. Nói về chuyện thần thiêng, ta bảo rằng phải yêu mến chúng để hiểu biết chúng.”
– Blaise Pascal, (1623-1662, nhà toán học và triết học Pháp)


2. Tại sao Thiên Chúa dựng nên ta?

– Thiên Chúa dựng nên ta vì Người yêu thương ta một cách tự ý và vô vị lợi.[1-3]

– Khi yêu, trái tim ta đầy tràn chan chứa. Nó muốn chia sẻ niềm vui cho những người khác. Ta có được như vậy là do Đấng Tạo Hoá. Mặc dầu Thiên Chúa là một mầu nhiệm, ta vẫn có thể từ kinh nghiệm loài người của ta mà gợi nghĩ ra Người, và có thể nói: Người tạo dựng nên ta do tình yêu Người “quá đầy”. Người muốn chia sẻ niềm vui của Người cho ta là những thụ tạo của tình yêu Người.

Thiên Chúa là Tình Yêu. – 1 Ga 4,16

“Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn.” – Thánh Phanxicô Salêxiô (1567-1622, giám mục, linh hướng, lập dòng và tiến sĩ Hội Thánh)

“Tình yêu là tìm được niềm vui trong sự tốt lành; sự tốt lành là lý do duy nhất để yêu. Yêu là muốn làm điều tốt lành cho người ta.” – Thánh Tôma Aquinô (1225-1274, linh hướng thời Trung Cổ, tiến sĩ Hội Thánh, và nhà thần học lớn)

Chương 1: Con người hướng mở về Thiên Chúa

3. Tại sao chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa?

– Vì Thiên Chúa đã đặt trong lòng ta ước mong tìm Người và gặp được Người. Thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa đã dựng nên chúng con cho Thiên Chúa, và lòng chúng con không nghỉ yên cho tới khi được nghỉ yên trong Thiên Chúa.” Sự ước mong tìm Thiên Chúa đó ta gọi là tôn giáo.[27-30]


– Con người đi tìm Thiên Chúa là chuyện tự nhiên. Mọi khát vọng sự thật và hạnh phúc rốt cuộc chỉ là đi tìm đến Đấng chứa đựng nó một cách tuyệt đối, đến thỏa mãn nó một cách tuyệt đối, và Đấng có trách nhiệm về nó một cách tuyệt đối. Một người chỉ hoàn toàn là chính mình khi họ đã tìm được Thiên Chúa. “Ai tìm sự thật là tìm Thiên Chúa, dù họ có ý thức hay không” Thánh Edith Stein. → 5, 281-285

? Tôn giáo. Nói đến “tôn giáo” ta thường hiểu rằng đó là chuyện quan hệ với thần linh. Một người có tôn giáo nhận biết rằng trong sức mạnh đã tạo dựng họ và tạo dựng thế giới có một cái gì là thần linh, một sức mạnh mà họ phải lệ thuộc vào và họ phải hướng tới. Trong lối sống của họ, họ sẽ tìm cách làm đẹp lòng thần linh và tỏ lòng tôn kính thần linh.

“Nguồn vui của Kitô hữu là biết chắc rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, yêu thương thân mật bởi Đấng Tạo Hoá… yêu thương bằng một tình yêu đam mê và trung tín, một tình yêu lớn hơn là những bất trung và tội lỗi của ta, một tình yêu luôn tha thứ.” – Đức Bênêđictô XVI, 1-6-2006


4. Ta có thể biết được Thiên Chúa hiện hữu nhờ lý trí không?

– Có, nhờ lý trí, ta có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn. (vd. Con cái bởi cha mẹ, cha mẹ bởi ông bà… ông bà đầu tiên phải có Ai sinh ra, làm ra?).[31-36, 44-47]

– Thế giới không thể nào tự mình mà có một nguồn gốc hay mục đích. Trong tất cả mọi hiện hữu, vẫn còn những gì mà người ta không thấy được. Trật tự, sự tốt đẹp và sự phát triển của thế giới hướng cái nhìn đến một cái gì đó vượt quá chúng ta. Chúng hướng ta tới Thiên Chúa. Mọi con người đều mở ra cho sự thật, sự tốt, sự đẹp. Họ nghe tiếng lương tâm trong lòng, tiếng này thúc đẩy họ đến sự lành và ngăn ngừa họ khỏi sự dữ. Ai có khôn ngoan để theo dấu vết đó là tìm được Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng con người để họ tìm cách hết mình dò dẫm sao cho có thể tìm thấy Người; tuy rằng Thiên Chúa không xa mỗi người chúng ta. Vì chính ở nơi Thiên Chúa mà ta sống, cử động và hiện hữu. – Cv 17,27-28

“Sức mạnh chính của con người là lý trí. Mục đích tối cao của lý trí là nhận biết Thiên Chúa.” – Thánh Albertô Cả (1200-1280, Dòng Đôminicô, giảng dạy nhiều môn, tiến sĩ Hội thánh và nhà thần học lớn)

5. Tại sao có người lại từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa, đang khi người ta có thể nhận biết Người bằng lý trí?


– Vì nhận biết Thiên Chúa vô hình là một thách đố lớn đối với tâm trí con người, khiến cho không ít người đã tháo lui. Đàng khác, một số người không muốn biết Thiên Chúa, vì họ không muốn thay đổi cuộc sống. Bất cứ ai nói rằng đặt vấn đề Thiên Chúa là vô nghĩa lý, đó là kiểu nói vội vã cho qua chuyện, họ không muốn bàn tới. (Vd. người vô thần chính cống không tin nhận Thiên Chúa)[37-38] → 357

“Có những người đã đích thân đi đến chỗ thấu triệt một cách dễ dàng cái nguyên tắc cho rằng, trong lãnh vực thần học, tất cả những gì họ không muốn nó là sự thật đều là sai lạc và ít là đáng hồ nghi.”
– Đức Piô XII, Humani Generis

6. Ta có thể thực sự hiểu biết và có thể nói đúng về Thiên Chúa không?


– Với trí khôn hữu hạn, con người không thể hiểu thấu sự cao cả vô cùng của Thiên Chúa. Nhưng ta vẫn có thể nói đúng về Thiên Chúa.[39-43, 48]


– Để có thể nói đúng về Thiên Chúa, ta cần ý thức rằng ngôn ngữ của ta không thể thích đáng với sự cao cả của Thiên Chúa. Vì thế, cần phải thanh tẩy và cải tiến không ngừng ngôn ngữ của ta về Thiên Chúa.

“Tất cả những gì không thể hiểu được ít nhằm để người ta không hiểu được, cho bằng nhằm để người ta hiểu nhiều hơn.” – Blaise Pascal


Chương 2: Thiên Chúa đến gặp gỡ con người

7. Thiên Chúa có phải tỏ mình ra để ta có thể biết Người là ai không?

– Trí khôn ta có thể biết Thiên Chúa hiện hữu, nhưng không thể biết thực sự Thiên Chúa là ai. Tuy nhiên Thiên Chúa thật sự muốn cho ta nhận biết Người, nên Người đã tự tỏ mình ra cho ta.[50-53, 68-69]

– Thiên Chúa không bị buộc phải tự mặc khải cho ta. Người mặc khải chỉ vì yêu thương. Cũng như trong tình yêu loài người, ta chỉ có thể biết được sự gì của người mình yêu khi họ mở lòng ra cho ta. Đối với Thiên Chúa ta cũng chỉ đạt tới chỗ hiểu biết một chút gì đó về các tư tưởng sâu kín nhất của Người, bởi vì người là Đấng vĩnh cửu và cao siêu, Người đã chỉ vì yêu mà đã tỏ lộ cho ta… Từ khi tạo dựng, qua các tổ phụ và tiên tri cho đến mặc khải sau cùng qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã không ngừng nói với loài người. Thiên Chúa đã mở lòng cho ta và cho phép ta chiêm ngắm bản tính sâu sắc nhất của Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.

“Dù giữa Đấng Tạo Hoá và thụ tạo có một sự giống nhau rất lớn ta vẫn phải lưu ý rằng còn có một sự khác biệt nhau lớn hơn nữa.” – Công đồng Latran IV, 1215

“Theo sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa, Người đã vui lòng tự mặc khải bản thân Người và cho ta biết mầu nhiệm của ý định Người mà loài người, nhờ Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể, có thể nhờ Chúa Thánh Thần đạt tới Chúa Cha và được tham dự vào bản tính Thiên Chúa.” – Công đồng Vatican II, Dei Verbum


8. Thiên Chúa tỏ mình ra trong Cựu ước thế nào?

– Thiên Chúa tỏ mình ra trong Cựu ước như là Đấng dựng nên thế giới này vì Tình yêu, và Người trung tín với loài người, cả sau khi họ sa ngã phạm tội xa cách Người.[54-64, 70-72]


– Thiên Chúa tự mặc khải trong lịch sử: Người đã ký giao ước với ông Nôê để cứu độ mọi loài sinh vật. Rồi kêu gọi ông Abraham để ông trở nên Cha của nhiều dân tộc (Kn 17,5) và Người qua ông mà chúc phúc cho muôn dân trên trái đất (Kn 12,3). Dân Israel, phát xuất từ Abraham trở nên sở hữu riêng của Người. Với ông Môsê Người tỏ cho ông Tên của Người. Tên rất huyền bí được ghi chép thường là dưới hình thức Yahvê, nghĩa là: “Ta là Đấng hiện hữu”. Người giải thoát Israel khỏi nô lệ Ai Cập, ký với dân giao ước ở núi Sinai và ban cho dân Luật của Người qua ông Môsê. Thiên Chúa không ngừng sai đến với dân các tiên tri để kêu gọi họ ăn năn trở lại và đổi mới giao ước. Các tiên tri loan báo rằng Thiên Chúa sẽ ký kết một giao ước mới và vĩnh viễn để đem lại một sự đổi mới triệt để và sự cứu độ dứt khoát. Giao ước này sẽ ban cho cả nhân loại.


?
Mặc khải là việc Thiên Chúa biểu lộ bằng cách tự cởi mở, tự bày tỏ và nói cho thế giới biết về sáng kiến riêng của Người.

9. Thiên Chúa tỏ ra điều gì về chính Người khi gởi Con của Người đến với chúng ta?


– Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta tình yêu thương xót thẳm sâu của Người.[65-66, 73]


– Nhờ Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình. Người trở nên người như ta. Điều đó chứng tỏ tình yêu của Chúa đi tới chỗ Người đã nhận lấy trên mình tất cả những gì đè nặng lên ta: Người đi theo ta trên khắp các nẻo đường; Người có mặt trong nỗi cô đơn, nỗi đau khổ và nỗi âu lo của ta trước cái chết; Người hiện diện ở những nơi mà ta không thể đi xa hơn được để mở cửa sự sống cho ta (như người cha đón đứa con hoang đàng trong bước đường cùng của nó). → 314


?
Nhập thể là hành vi Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhập thể là nền tảng của đức tin Kitô giáo và của niềm trông cậy nhân loại được cứu độ.

“Hạnh phúc mà bạn kiếm tìm, hạnh phúc mà bạn có quyền hưởng có một tên, một khuôn mặt: đó là Chúa Giêsu Kitô ở Nazareth.”
– Đức Bênêđictô XVI, 18-8-2005

“Thiên Chúa đã nhận lấy vẻ bề ngoài là loài người nơi Chúa Giêsu Kitô và trở nên bạn hữu cũng như anh em với ta.”
– Đức Bênêđictô XVI, 6-9-2008

10. Qua Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đã được mặc khải trọn vẹn hay vẫn còn tiếp tục sau khi Người về trời?


– Thiên Chúa đã đích thân xuống trần gian nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô là Lời mặc khải sau cùng của Thiên Chúa. Nhờ nghe Người nói, mọi người trong mọi thời có thể nhận biết Thiên Chúa là ai, và biết họ cần phải làm gì để được cứu rỗi.[66-67]

– Cùng với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Mặc khải của Thiên Chúa đã dứt khoát và trọn vẹn. Để mặc khải đó soi sáng ta. Chúa Thánh Thần dẫn dắt ta dần dần đi sâu vào sự thật. Trong đời sống của một số người, ánh sáng của Chúa chiếu lên rất mạnh đến nỗi họ thấy “trời mở ra” (Kh 7,56). Do đó mà có những nơi hành hương lớn như: Đức Mẹ Guadalupe ở Mêxicô, hoặc Đức Mẹ Lộ Đức bên Pháp. Những “mặc khải riêng tư” của những người đó không thể thay đổi Tin Mừng của Chúa Kitô, ta không buộc phải tin, nhưng giúp ta hiểu Tin Mừng tốt hơn. Hội thánh giúp ta đánh giá sự thật của các mặc khải đó.

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. – Dt 1,1-2

“Ngoài Chúa Giêsu Kitô, ta không biết gì về đời sống ta, về cái chết của ta, cũng chẳng biết gì về Thiên Chúa và về cả chính ta nữa.”
– Blaise Pascal

11. Tại sao chúng ta phải loan truyền đức tin?


– Chúng ta phải loan truyền đức tin, vì Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). [91]

– Không một Kitô hữu thực thụ nào lại bỏ mặc việc truyền bá đức tin cho một mình các nhà chuyên môn (thầy giáo, linh mục, nhà truyền giáo). Ta là Kitô hữu để cho những người khác, nghĩa là mỗi Kitô hữu thực thụ đều muốn cho Thiên Chúa cũng đến với những người khác nữa. Họ tự nhủ rằng: Chúa cần đến tôi. Tôi được rửa tội, thêm sức và trở nên người có trách nhiệm để các người chung quanh tôi hiểu biết Thiên Chúa và tiến tới nhận biết được sự thật (1 Tm 2,4). Mẹ Têrêsa đã dùng một so sánh rất hay “Bạn thường thấy những dây điện giăng trên đường lộ. Khi không có dòng điện chạy qua dây thì đèn điện không sáng. Chính bạn là dây điện. Thiên Chúa là dòng điện. Ta có khả năng để dòng điện chạy qua ta và dòng điện ấy thắp sáng cho thế giới – → Giêsu – hoặc ta từ chối không cho dòng điện chạy qua, như thế là ta phải chịu trách nhiệm về sự tối tăm của trần gian.” → 123

Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em. – 1 Cr 11,23


?
Truyền giáo: Truyền giáo là lẽ sống của Hội Thánh. Đó là lệnh Chúa Kitô ban cho mọi Kitô hữu loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm để mọi người đều có thể tự do quyết định theo Chúa Kitô.

“Thật là cần thiết, một cách khẩn cấp phải có một thế hệ tông đồ mới nổi lên, vừa bén rễ sâu trong lời Chúa, vừa có hoàn cảnh mang lại câu trả lời cho những câu hỏi của thời nay và vừa sẵn sàng loan truyền Tin Mừng đi khắp nơi.” – Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2006

12. Làm sao ta biết được đâu là đức tin chân chính?


– Chúng ta tìm thấy đức tin chân chính trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống sống động của Hội Thánh (Thánh Truyền).[76, 80-82, 85-87, 97,100]

– Kinh Thánh Tân Ước phát sinh từ đức tin của Hội Thánh. Kinh Thánh và Thánh Truyền liên kết với nhau chặt chẽ. Việc loan truyền đức tin không dựa trước hết vào các văn bản đâu. Ở thời Hội Thánh khởi đầu, người ta nói rằng: “Trước khi Kinh Thánh được viết trên các cuộn da thì đã được viết trong trái tim của Hội Thánh”. Các môn đệ và tông đồ đã có kinh nghiệm về một đời sống mới, dựa theo cách các ông sống cộng đồng với Đức Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, cộng đồng các ngài đã tồn tại một cách khác, đó là cởi mở đón nhận mọi người. Các Kitô hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Họ đã hiệp nhất với nhau bằng cách để dành chỗ cho những người khác. Cho đến hôm nay, đức tin vẫn hoạt động như vậy. Các Kitô hữu mời các người khác sống hiệp thông với Thiên Chúa. Trong Hội thánh Công giáo, đời sống hiệp thông này luôn được duy trì nguyên vẹn không đổi khác từ thời các Tông đồ.

“Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết với nhau và thông truyền chặt chẽ với nhau. Vì cả hai đều vọt ra từ một nguồn như nhau là Thiên Chúa, làm thành một toàn thể và cùng hướng về một mục đích.” – CĐ Vatican II, Dei Verbum


13. Hội Thánh có thể sai lầm trong lĩnh vực đức tin không?

– Toàn thể các tín hữu không thể sai lầm về đức tin, vì Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ Người rằng: “Người sẽ ban Thần Chân lý đến với họ, để giữ họ trong chân lý” (Ga 14,17).[80-82, 85-87, 92, 100]


– Cũng như các môn đệ đã tin Chúa Giêsu với cả tấm lòng, một Kitô hữu cũng có thể tin cậy hoàn toàn vào Hội Thánh khi đi tìm con đường dẫn đến sự sống. Vì Chúa Giêsu Kitô đã đích thân ban lệnh cho các tông đồ giảng dạy, Hội Thánh cũng có một Huấn quyền và Hội thánh không thể làm thinh. Thực ra, các cá nhân là chi thể Hội Thánh có thể sai lầm và còn phạm cả những lỗi nặng, nhưng xét chung Hội Thánh không bao giờ có thể rớt ra ngoài chân lý của Chúa. Qua các thế kỷ, Hội Thánh mang một chân lý sống động lớn hơn cả chính Hội Thánh. Đó là kho tàng đức tin mà Hội Thánh phải giữ gìn. Khi chân lý đó bị công khai nghi ngờ hoặc bóp méo, Hội Thánh được mời gọi phải làm cho sáng lên “cái mà mọi nơi, mọi thời và mọi người vẫn tin.” Thánh Vincent Lérins (450)


?
Tông đồ (được sai đi): Trong Tân ước, tiếng này được dùng để chỉ mười hai người mà Chúa Giêsu đã chọn làm những cộng tác viên thân cận và chứng nhân của Người. Chính thánh Phaolô cũng đã tự giới thiệu mình là tông đồ được Chúa Kitô kêu gọi.

?
Huấn quyền: Đây là sứ vụ giáo huấn Chúa Kitô trao cho các tông đồ và những người kế vị các Ngài, tất cả được Chúa Thánh Thần trợ giúp để hoàn thành.

14. Những gì Kinh Thánh viết có xác thực không?


– “Các sách Kinh Thánh dạy sự thật (chân lý) cách chắc chắc, trung tín, và không sai lầm vì đã được Chúa Thánh Thần linh hứng và có Thiên Chúa là tác giả.” (CĐ Vatican II, Hiến chế Mặc Khải 11). [103-107]

– Kinh Thánh không phải đã có sẵn từ trời rơi xuống và cũng không phải do Thiên Chúa đọc cho các người máy (rôbot) chép lại. Trái lại, Thiên Chúa “đã chọn lựa những người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (Vatican II, Hiến chế Mặc khải 11). Muốn nhận ra bản văn nào là thuộc Kinh Thánh, cũng phải để ý xem các bản văn đó có được Hội Thánh chấp nhận không. Cần phải có sự đồng thuận trong các cộng đồng Kitô giáo: “Quả thật, chính Thiên Chúa nói với ta qua bản văn – bản văn được Chúa Thánh Thần linh hứng.” Trong số rất nhiều bản văn của Hội Thánh sơ khởi, những bản văn thực sự được Chúa Thánh Thần linh hứng đều được quyết định từ thế kỷ IV trong cái mà ta quen gọi là qui điển các sách Kinh Thánh.

?
Linh hứng: Là ảnh hưởng của Thiên Chúa trên các nhà viết Kinh Thánh, giúp ta có thể coi chính Thiên Chúa như là tác giả của Kinh Thánh.

?
Quy điển: Là danh sách chính thức do Hội Thánh quy định sách nào là sách Kinh thánh Cựu và Tân ước.

?
Kinh Thánh: Người Do Thái và Kitô hữu dùng từ Kinh Thánh để chỉ bộ Sách Thánh, được soạn thảo trong vòng hơn một ngàn năm, làm nên một tài liệu trung tâm của đức tin. Kinh Thánh của Kitô giáo gồm nhiều tập hơn Kinh Thánh của Do Thái, vì Kinh Thánh Kitô giáo còn bao gồm bốn sách Tin Mừng, các thư Thánh Phaolô, Sách Khải huyền và các tập viết khác của Hội Thánh sơ khởi.

“Kinh Thánh là thư tình mà Thiên Chúa gởi cho ta.”
– Soren Kierkegaard (1813-1855, triết gia Đan Mạch)

15. Kinh Thánh có thể là chân lý sao được, vì trong đó có những điều không chính xác?


– Kinh Thánh không có ý chuyển đạt cho ta những xác định về lịch sử, hoặc những thông tin về khoa học. Đàng khác, các người Thiên Chúa dùng để viết Kinh Thánh là những người thời đó. Họ chia sẻ những tư tưởng về văn hoá của thời đó, và có thể phạm những sai lầm của thời đó. Nhưng tất cả những điều gì con người cần biết về Thiên Chúa và về con đường cứu độ đều được tìm thấy trong Kinh Thánh cách chắc chắn, không thể sai lầm.[106-107, 109]

16. Làm thế nào để đọc Kinh Thánh cho đúng?

– Muốn đọc Kinh Thánh cho đúng, cần đọc với tinh thần cầu nguyện, nghĩa là cần Chúa Thánh Thần giúp đỡ, vì nhờ Chúa Thánh Thần mà Kinh Thánh được viết ra. Kinh Thánh chính là Lời của Thiên Chúa, và chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa.[109-119, 137]


– Kinh Thánh như một bức thư dài Thiên Chúa gửi cho mỗi người chúng ta. Nên ta phải đón nhận Kinh Thánh với lòng yêu mến và tôn trọng lớn lao: quan trọng trước hết là đọc thực sự lá thư của Thiên Chúa, nghĩa là không được lẩy ra các chi tiết mà bỏ qua toàn bộ bản văn. Rồi ta phải giải nghĩa sứ điệp đi từ điều là trung tâm và là mầu nhiệm, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà toàn bộ Kinh Thánh kể cả Cựu ước nói đến. Đức tin mà ta phải có để đọc Kinh Thánh là đức tin sống động của Hội thánh là nơi đức tin được xuất phát. → 491


“Suy gẫm thường ngày Lời Chúa và để cho Chúa Thánh Thần làm thầy của bạn, bạn sẽ thấy tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của loài người, bạn sẽ đạt tới chiêm ngắm Thiên Chúa thật, và nhìn mọi biến cố bằng con mắt của Chúa, bạn sẽ được nếm một niềm vui dồi dào phát xuất từ sự thật.”
– Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2006

17. Kinh Thánh Cựu ước có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu?


– Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ mình là Đấng Sáng Tạo và gìn giữ thế giới, là Đấng lãnh đạo và Đấng huấn luyện của loài người. Các sách Cựu Ước cũng là Lời Chúa và là Kinh Thánh. Không có Cựu ước, ta không thể hiểu về Chúa Kitô trong Tân Ước. [121-123, 128-130, 140]

– Để dạy đức tin cho ta, một lịch sử lớn bắt đầu từ Cựu ước rồi tới khúc ngoặt quyết định trong Tân ước và đi đến cùng đích với tận thế và việc Chúa Kitô trở lại. Cựu ước còn hơn là một lời chỉ mở đầu cho Tân ước. Những điều răn và các lời tiên tri cho Dân của Cựu ước và những lời hứa cho cả nhân loại chứa đựng trong Cựu ước không bao giờ bị huỷ bỏ. Trong các sách Cựu ước có một kho tàng các kinh nguyện và các bản văn khôn ngoan không có gì thay thế được: đặc biệt các Thánh vịnh là trung tâm của kinh nguyện hằng ngày trong Hội Thánh.

? Cựu ước là phần đầu của Kinh Thánh và là Sách Thánh của Do Thái. Cựu ước của Hội thánh Công giáo gồm 46 sách: các sách lịch sử, các sách tiên tri và văn chương khôn ngoan cùng với các Thánh vịnh.

?
Tân ước: Phần thứ hai của Kinh Thánh, bao gồm những bản văn riêng của Kitô giáo, nghĩa là 4 Tin Mừng, Công vụ các Tông đồ, 14 thư của Thánh Phaolô, 7 thư Công giáo và sách Khải huyền.

“Kinh Thánh không được viết để ta phê bình nhưng để Kinh thánh phê bình ta.”
– Soren Kierkegaard

“Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob không phải của những triết gia và nhà thông thái… Chỉ tìm được Thiên Chúa nhờ những đường lối mà Tin Mừng chỉ dạy.”
– Blaise Pascal, sau một mặc khải của thần linh

18. Kinh Thánh Tân ước có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu?


– Trong Tân ước, sự mặc khải của Thiên Chúa đã được trọn vẹn. Bốn sách Phúc Âm theo thánh Matthêu, Marcô, Luca, và Gioan là trung tâm của Kinh Thánh và là kho tàng quý giá nhất của Hội Thánh. Trong đó Chúa Kitô tỏ mình ra Người là Ai và Người đến gặp gỡ chúng ta. Trong sách Công vụ Tông đồ, ta học biết Hội Thánh thuở ban đầu và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Trong các thư các Tông đồ viết, tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống con người được đặt trong ánh sáng Chúa Kitô. Trong sách Khải huyền, ta thấy trước cuộc tận thế.[124-127, 128-130, 140]

– Chúa Giêsu là toàn bộ những gì Thiên Chúa muốn nói với ta. Tất cả Cựu ước sửa soạn cho việc Chúa Kitô nhập thể. Tất cả các lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Chúa Giêsu. Là Kitô hữu là phải luôn hiệp nhất ngày càng chặt chẽ với Chúa Kitô. Muốn thế phải đọc các Tin Mừng và sống theo. Bà Madeleine Delbrel nói rằng: “Nhờ Lời của Người, Thiên Chúa nói với ta. Người là ai và Người muốn gì; Người nói một lần thay cho tất cả, Người nói cho ta mỗi ngày… khi ta cầm Tin Mừng trong tay, ta phải nghỉ rằng trong đó có chứa Ngôi Lời, muốn làm người nơi ta, muốn chiếm đoạt ta để trái tim Người ghép vào trái tim ta và tinh thần của Người mắc nối vào tinh thần ta, để chúng ta lại bắt đầu cuộc sống của Người trong một nơi khác, một thời khác, một xã hội loài người khác.”

“Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.”
– Thánh Jérome (347- 419, giáo phụ, tiến sĩ, nhà chú giải và dịch giả Kinh Thánh)

“Chỉ khi ta gặp được Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô, ta mới hiểu được sự sống là gì. Không có gì đẹp hơn là được nối kết lại, được ngạc nhiên sửng sốt bởi Tin Mừng, bởi Chúa Kitô.”
– Đức Bênêđictô XVI, 24-4-2005

19. Kinh Thánh giữ vai trò nào trong Hội Thánh?


– Hội Thánh múc lấy sự sống và sức mạnh của mình từ trong Kinh Thánh.[103-104, 131-133, 141]

– Ngoài sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, Hội thánh không có sự tôn sùng nào khác quan trọng hơn là tôn sùng sự hiện diện của Chúa trong Kinh Thánh. Trong thánh lễ việc đọc Tin Mừng được mọi người đứng nghe vì trong các lời lẽ loài người mà ta nghe, có chính Thiên Chúa nói cho ta → 128

“Kinh Thánh không thuộc về quá khứ. Chúa Giêsu không nói cho thời quá khứ mà Người nói cho hiện tại, người nói hôm nay với ta, Người ban tặng ta ánh sáng, Người chỉ cho ta con đường đến sự sống; Người hiến cho ta một cộng đoàn, Người chuẩn bị cho ta như vậy và mở đường bình an cho ta.” – Đức Bênêđictô XVI, 29-3-2000

“Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô.” – Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226, sáng lập dòng, nhà thần bí)


Chương 3: Con người đáp lời Thiên Chúa

20. Chúng ta có thể trả lời Thiên Chúa thế nào khi Người nói với chúng ta?

– Chúng ta trả lời Thiên Chúa khi chúng ta tin Người. [142-149]

– Người muốn tin cần có một tấm lòng biết nghe theo lương tri (1 V 3,9). Thiên Chúa tìm tiếp xúc với ta bằng nhiều cách. Mỗi lần gặp gỡ ai, mỗi lần thán phục trước quang cảnh thiên nhiên, mỗi việc tình cờ hiển nhiên, mỗi thách đố, mỗi đau khổ đều có ẩn giấu một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi ta. Một cách rõ ràng hơn, Người muốn nói với ta qua Lời Người hoặc qua tiếng lương tâm của ta. Người nói với ta như nói với những người bạn. Như vậy, ta cần trả lời Người, hoàn toàn trông cậy vào Người, học hỏi để hiểu biết Người hơn và đón nhận ý muốn Người không có giới hạn.


21. Đức tin là gì?

– Đức tin là nhận biết và trông cậy. Đức tin có 7 đặc tính sau:


1/ Đức tin là ơn ban tuyệt vời của Thiên Chúa, ta nhận được khi ta sốt sắng cầu xin.

2/ Đức tin là sức mạnh siêu nhiên, tuyệt đối cần thiết để ta được cứu độ.

3/ Đức tin đòi phải có ý muốn tự do và sự hiểu biết rõ ràng, khi ta đáp lại lời mời của Thiên Chúa.

4/ Đức tin là sự chắc chắn tuyệt đối, vì chính Chúa Giêsu bảo đảm như thế.

5/ Đức tin chỉ trọn vẹn, khi đức tin được thể hiện qua những việc bác ái.

6/ Đức tin lớn dần khi ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đối thoại sống động với Người trong cầu nguyện.

7/ Đức tin cho ta nếm cảm trước niềm vui Thiên đàng ngay ở đời này.
[153-165, 179-180, 183-184]

– Đức tin còn hơn là hiểu biết rất nhiều, đức tin là một cậy trông. Chính đức tin đã làm cho Abraham di cư sang Đất Hứa, đã khiến cho các vị tử đạo trung thành cho đến chết; và ngày nay, đức tin còn nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại. Đức tin chiếm đoạt toàn bộ con người. → 307

Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em. – Lc 17,16

“Đức tin tự bản tính là chấp nhận một chân lý mà trí khôn không thể đạt tới; đức tin dựa vào bằng chứng một cách đơn giản và cần thiết.” – Chân phước John Henry Newman (1801-1890, trở lại Công giáo, sau làm Hồng y của Hội thánh Công giáo, triết gia Anh và thần học gia)


22. Tin nghĩa là gì?

– Tin là đi vào một tương quan cá vị với Thiên Chúa, và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài.[150-152]

– Khi bắt đầu tin con người thường cảm thấy mình rung động hoặc âu lo. Con người cảm thấy thế giới hữu hình và mọi việc thường xảy ra chưa phải là tất cả. Khi tin là họ cảm thấy xúc động vì đụng chạm đến một mầu nhiệm. Rồi họ lần theo các dấu vết đưa dẫn họ tới sự hiện hữu của Thiên Chúa và dần dần thấy mình tin tưởng để nói với Người, rồi cuối cùng họ tự nguyện bước vào mối tương quan với Người. Trong Tin Mừng thánh Gioan ta đọc rằng: Thiên Chúa, chưa có ai thấy bao giờ; chỉ có Con duy nhất ở trong lòng Cha là Chúa Ki tô, chính Người mới dẫn dắt cho họ hiểu biết Thiên Chúa. Vì thế ta phải tin Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nếu ta muốn biết Thiên Chúa muốn nói gì với ta. Tin có nghĩa là đồng thuận với Đức Giêsu và đặt cược toàn bộ đời mình cho Người.

“Tin nghĩa là chịu đựng sự khó hiểu của Thiên Chúa suốt đời.” – Karl Rahner (1904-1984, thần học gia Đức)

“Tôi không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tin là điều hợp lý.” – Thánh Tôma Aquinô

“Tin vào Thiên Chúa là thấy rằng trong các thực tại của thế giới tất cả chưa được nói đến. Tin vào Thiên Chúa là thấy rằng cuộc đời có một ý nghĩa.” – Ludwig Wittgenstein (1889-1951, triết gia Áo)

“Cái mà ta tin là điều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn nữa là ta tin vào ai.” – Đức Bênêđictô XVI, 28-5-2005

“Tôi tin để hiểu.” – Thánh Anselmô Cantorbery (1033-1109, tiến sĩ Hội Thánh, thần học gia Trung Cổ)

“Tôi không có tưởng tượng. Tôi không thể hình dung ra Thiên Chúa Cha. Tất cả điều tôi có thể thấy là Chúa Giêsu.” – Chân phước Têrêsa Calcutta (1910-1997, sáng lập dòng. Đoạt giải Nobel Hoà bình 1979)


23. Có sự xung khắc giữa đức tin với khoa học không?

– Chẳng có sự xung khắc nào giữa đức tin với khoa học mà không giải quyết được, vì không thể có 2 loại chân lý.[159]


– Thiên Chúa đã dự liệu cho có cả đức tin và khoa học để giúp đỡ nhau. Đó là lý do tại sao đức tin Kitô giáo khích lệ và cổ vũ các khoa học, kể cả các khoa học tự nhiên. Nhờ đức tin, ta hiểu biết các thực tại vượt quá khả năng của trí tuệ ta, nhưng chúng lại có thật mặc dầu không thể dùng lý trí đạt được. Đức tin nhắc nhớ cho các khoa học rằng các khoa học không được thay thế Thiên Chúa mà phải phục vụ cho thế giới vạn vật và tôn trọng phẩm giá của con người.

“Không ai có thể hiểu được các thực tại thần linh hay nhân loại nếu không nghiêm chỉnh học toán học trước.” – Thánh Augustinô (354-430, tiến sĩ Hội Thánh, văn sĩ và thần học gia thời Hội Thánh đầu tiên)

“Chúng tôi không thấy có xung khắc giữa Thiên Chúa và khoa học. Cả hai bên không loại trừ nhau như ngày nay có người tin như vậy hoặc nghi ngờ như vậy, cả hai bổ túc cho nhau và chồng chéo lên nhau.” – Max Planck (1858-1947, nhà vật lý học, Giải Nobel 1918, sáng lập lý thuyết các quanta)


24. Đức tin của tôi có liên quan gì đến Hội Thánh?

– Không ai có thể tin một mình, cũng như không ai tự sống một mình. Chúng ta nhận đức tin từ Hội Thánh và sống đức tin trong tình hiệp thông với những ai cùng chung niềm tin vào Thiên Chúa.[166-169, 181]

– Đức tin là một điều rất riêng của con người, nhưng không phải vì thế mà nó là chuyện riêng tư của họ. Người muốn tin phải có thể nói “tôi” cũng như nói “chúng tôi”, bởi vì một đức tin mà ta không thể chia sẻ hoặc thông truyền thì quả là vô lý. Cá nhân người tin tự ý dính kết với “chúng tôi tin” của Hội Thánh. Chính là từ Hội Thánh mà họ nhận được đức tin. Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã truyền bá đức tin, đã bảo vệ khỏi mọi xuyên tạc và đã để cho ánh sáng đức tin luôn không ngừng soi chiếu. Do đó, đức tin là tham gia vào một xác tín tập thể. Đức tin của những người khác nâng đỡ tôi, cũng như lửa đức tin của tôi đốt lên hoặc làm cho mạnh lên lửa của những người khác. Chữ “tôi” và “chúng tôi” của đức tin được nhấn mạnh bởi việc Hội Thánh dùng hai bản tuyên xưng đức tin trong khi cử hành thánh lễ: Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ bắt đầu bằng “Tôi tin” và Kinh Tin Kính Công đồng Nixê-Constantinople bắt đầu bằng “Chúng tôi tin” (hình thức xưa nhất).

Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ. – Mt 18,20


?
Credo: Tiếng này dùng để chỉ các kinh tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, trong đó các yếu tố chính của đức tin được sắp xếp có trật tự.

Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ

Exit mobile version